Hoàn thiện pháp luật về kiểm soát ô nhiễm môi trường không khí

01/08/2015

ThS. BÙI ĐỨC HIỂN

Viện Nhà nước và Pháp luật, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam

Trên cơ sở phân tích thực trạng pháp luật về kiểm soát ô nhiễm môi trường không khí ở nước ta hiện nay, bài viết chỉ ra những hạn chế, bất cập trong các quy định của pháp luật hiện hành về vấn đề này. Từ đó đưa ra những kiến nghị nhằm hoàn thiện pháp luật về kiểm soát ô nhiễm môi trường không khí. 
Untitled_209.png
Ảnh minh họa: (Nguồn internet)
1. Các quy định của pháp luật về kiểm soát ô nhiễm môi trường không khí  
Từ khi tiến hành sự nghiệp đổi mới đến nay, để bảo vệ môi trường (BVMT), Nhà nước ta đã liên tiếp thông qua và thay thế ba đạo luật điều chỉnh về vấn đề này: Luật BVMT năm 1993, Luật BVMT năm 2005 và Luật BVMT năm 2014. Trong Luật BVMT năm 1993, ngoài các quy định chung về BVMT, Luật chưa có quy định riêng nào về kiểm soát ô nhiễm môi trường không khí (MTKK) nói riêng, thậm chí không có quy định nào nhắc đến thuật ngữ kiểm soát ô nhiễm môi trường[1]. Luật BVMT năm 2005, đã có những quy định ban đầu về kiểm soát ô nhiễm MTKK[2], mặc dù vậy, Luật này cũng chưa đưa ra cách hiểu thế nào là kiểm soát ô nhiễm môi trường và chưa có quy định về ứng phó với biến đổi khí hậu. Để cụ thể hóa Nghị quyết số 24/NQ-TW của Ban chấp hành trung ương Đảng về bảo vệ tài nguyên môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu, cũng như các quy định trong Hiến pháp năm 2013 về quyền được sống trong môi trường trong lành và phát triển bền vững, Nhà nước ta đã thông qua Luật BVMT năm 2014[3]. Trong Luật này đã có sửa đổi, bổ sung quan trọng liên quan đến kiểm soát ô nhiễm MTKK. Cụ thể: một là, Luật đã đưa ra cách hiểu về kiểm soát ô nhiễm MTKK, theo đó: kiểm soát ô nhiễm là quá trình phòng ngừa, phát hiện, ngăn chặn và xử lý ô nhiễm (Điều 3); hai là, lần đầu tiên ghi nhận bảo đảm quyền được sống trong môi trường trong lành là nguyên tắc chính thức của Luật[4]; ba là, quy định về chính sách khuyến khích và tạo điều kiện thuận lợi cho các hoạt động thân thiện MTKK, ứng phó với biến đổi khí hậu, đồng thời cấm các hành vi có thể gây tác động xấu đến MTKK[5]; bốn là, quy định về quy chuẩn kỹ thuật về MTKK xung quanh và quy chuẩn về khí thải. Quy chuẩn kỹ thuật về MTKK xung quanh, gồm: nhóm quy chuẩn kỹ thuật môi trường đối với không khí; nhóm quy chuẩn kỹ thuật môi trường đối với âm thanh, ánh sáng, bức xạ; nhóm quy chuẩn kỹ thuật môi trường đối với tiếng ồn, độ rung. Quy chuẩn về khí thải, gồm: nhóm quy chuẩn kỹ thuật về khí thải của các nguồn di động và cố định[6].Các quy chuẩn này là cơ sở để đánh giá hiện trạng MTKK, mức độ ô nhiễm không khí, quản lý khí thải và là cơ sở để xử lý các hành vi vi phạm pháp luật về MTKK; năm là, quy định cụ thể hơn về đánh giá môi trường chiến lược, đánh giá tác động môi trường và kế hoạch BVMT, trong các báo cáo này có đánh giá về tác động MTKK; sáu là, để theo dõi có hệ thống về môi trường, các yếu tố tác động lên môi trường nhằm cung cấp thông tin phục vụ đánh giá hiện trạng, diễn biến chất lượng môi trường và các tác động xấu đối với môi trường, pháp luật quy định quan trắc hiện trạng môi trường, trong đóMTKK[7]; bảy là, quy định về thông tin tình hình môi trường nói chung, trong đó có không khí[8]; tám là, quy định về quản lý khí thải, bụi, tiếng ồn[9],… chín là, quy định về thanh tra, kiểm tra hiện trạng MTKK[10]; mười là, quy định về trách nhiệm của cơ quan nhà nước có thẩm quyền trong khắc phục ô nhiễm, phục hồi MTKK, xử lý các hành vi làm ô nhiễm MTKK. Mười một là, quy định về trách nhiệm nhà nước, nghĩa vụ của các tổ chức, cá nhân trong kiểm soát ô nhiễm MTKK. Tiếp đó, Luật cũng quy định về nguồn lực tài chính để đảm bảo kiểm soát ô nhiễm MTKK[11]… Những quy định trên đã góp phần quan trọng vào kiểm soát ô nhiễm MTKK ở Việt Nam. Tuy nhiên, nghiên cứu các quy định về kiểm soát ô nhiễm MTKK cho thấy, các quy định về vấn đề này vẫn còn những hạn chế, bất cập nhất định cần được nghiên cứu hoàn thiện. Cụ thể:
Thứ nhất, cách hiểu về “kiểm soát ô nhiễm môi trường” trong Luật BVMT năm 2014 còn chưa thể hiện đầy đủ nội hàm của thuật ngữ kiểm soát ô nhiễm. Ví dụ: trong kiểm soát ô nhiễm, hoạt động dự báo đóng vai trò rất quan trọng, nhưng không thấy nêu trong quá trình kiểm soát ô nhiễm. Hơn nữa, cách hiểu này cũng chưa xác định được chủ thể, đối tượng và mục tiêu kiểm soát ô nhiễm. Mặt khác, sự thể hiện những nội hàm này trong các điều luật cụ thể còn chưa rõ ràng, như: kiểm soát ô nhiễm là quá trình phòng ngừa, phát hiện, ngăn chặn, xử lý ô nhiễm, nhưng để xác định thế nào là phòng ngừa, ngăn chặn ô nhiễm, …thì chưa rõ.
Thứ hai, lần đầu tiên Luật ghi nhận nguyên tắc về bảo đảm quyền được sống trong môi trường trong lành, nhưng lại chưa quy định rõ cơ chế pháp lý để bảo vệ quyền này khi bị xâm phạm.  
Thứ ba, về mặt chính sách, Luật có quy định, Nhà nước khuyến khích và tạo điều kiện cho tổ chức, cá nhân thực hiện các hành vi thân thiện MTKK và ứng phó với biến đổi khí hậu, nhưng còn thiếu tính cụ thể để thực hiện có hiệu quả.
Thứ tư, để kiểm soát ô nhiễm MTKK, Luật có quy định về nhóm quy chuẩn chất lượng MTKK xung quanh và nhóm quy chuẩn về khí thải (trong đó có khí thải từ nguồn di động và nguồn cố định). Mặc dù vậy, Luật chưa phân loại rõ đâu là nguồn thải cố định, đâu là nguồn thải di động, do đó gây khó khăn cho quá trình xây dựng quy chuẩn kỹ thuật về khí thải.
Thứ năm, Luật có đưa ra cách hiểu về ứng phó với biến đổi khí hậu là các hoạt động của con người nhằm thích ứng và giảm thiểu biến đổi khí hậu và dành riêng Chương IV để quy định về ứng phó với biến đổi khí hậu. Tuy nhiên, có thể thấy, Luật vẫn chưa đưa ra cách hiểu thế nào là biến đổi khí hậu. Hơn nữa, tại Chương IV cũng không có sự phân định rõ quy định nào là tập trung vào thích ứng với biến đổi khí hậu, còn quy định nào tập trung vào giảm thiểu biến đổi khí hậu. Điều đó dẫn tới sự thiếu logic trong các quy định của pháp luật, ảnh hưởng đến quá trình thực hiện ứng phó với biến đổi khí hậu ở Việt Nam hiện nay.
Thứ sáu, Luật có quy định về trách nhiệm của hộ gia đình trong kiểm soát ô nhiễm MTKK, nhưng lại chưa quy định rõ chế tài áp dụng khi hộ gia đình phát tán khí thải, gây tiếng ồn, độ rung và tác động khác vượt quá quy chuẩn kỹ thuật môi trường, gây ảnh hưởng xấu đến cộng đồng dân cư xung quanh. Điều này gây khó khăn cho thực hiện kiểm soát ô nhiễm MTKK do hộ gia đình gây ra. Bên cạnh đó, hiện nay, theo quy định của Nghị định số 179/2013/NĐ-CP của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực môi trường thì mức xử phạt hành vi làm ô nhiễm MTKK cao nhất là 1 tỷ đồng/hành vi vi phạm đối với cá nhân và 2 tỷ đồng/hành vi vi phạm đối với tổ chức. Tuy nhiên, hầu như chưa hành vi vi phạm nào bị xử phạt đến mức này, dẫn tới trên thực tế nhiều trường hợp làm ô nhiễm MTKK vẫn chấp nhận bị xử phạt để tiếp tục xả thải mà không chịu đầu tư hệ thống xử lý chất thải đạt quy chuẩn. Hơn nữa, trong Bộ luật Hình sự (BLHS) năm 1999 (sửa đổi, bổ sung năm 2009) đã quy định về Tội gây ô nhiễm môi trường[12], nhưng thực tế môi trường nói chung, MTKK nói riêng ngày càng bị ô nhiễm trầm trọng, mà chưa có một cá nhân vi phạm pháp luật môi trường nào bị xử lý theo tội danh này. Mặt khác, pháp luật hình sự hiện hành cũng chưa áp dụng trách nhiệm hình sự đối với pháp nhân. Đây cũng là vấn đề đáng bàn trong bối cảnh ô nhiễm môi trường do hoạt động của các doanh nghiệp, các cơ sở sản xuất, kinh doanh ngày càng gia tăng và hiện nay Nhà nước đang tiến hành Dự thảo sửa đổi BLHS hiện hành.
Thứ bảy, thiếu cơ chế giám sát có hiệu quả việc thực hiện pháp luật kiểm soát ô nhiễm MTKK từ phía các chủ thể và các cơ quan nhà nước. Đặc biệt là việc xử lý trách nhiệm của các cơ quan, chủ thể này khi để ô nhiễm MTKK xảy ra.
Thứ tám, hiện nay trong Luật BVMT năm 2014, Bộ luật Dân sự năm 2005 và Nghị định số 113/2010/NĐ-CP của Chính phủ về xác định thiệt hại môi trường mới chỉ quy định về xác định thiệt hại và trách nhiệm bồi thường thiệt hại với môi trường đất, nước và các loại động, thực vật hoang dã quý hiếm mà chưa có quy định về xác định thiệt hại MTKK cũng như trách nhiệm bồi thường thiệt hại đối với MTKK. Điều này sẽ không chỉ ảnh hưởng đến việc bảo vệ MTKK trong lành mà còn ảnh hưởng đến quyền của tổ chức, cá nhân khi bị thiệt hại về tài sản, sức khỏe, tính mạng do ô nhiễm MTKK gây ra.  
2. Một số kiến nghị hoàn thiện pháp luật về kiểm soát ô nhiễm môi trường không khí  
Thứ nhất, cần tiếp cận cách hiểu về kiểm soát ô nhiễm môi trường nói chung, MTKK nói riêng dựa trên nội hàm của thuật ngữ kiểm soát và theo hướng kiểm soát chủ động. Cụ thể trước đây mọi người hiểu kiểm soát ô nhiễm là kiểm soát hành vi vi phạm, còn hiện nay kiểm soát được hiểu rộng hơn, không chỉ kiểm soát vi phạm mà còn là dự báo, cảnh báo, phòng ngừa, ngăn chặn, nắm được hoạt động của nó và uốn nắn theo hướng nhất định (kiểm soát chủ động). Theo chúng tôi, kiểm soát ô nhiễm MTKK là hoạt động của cơ quan nhà nước có thẩm quyền và các chủ nguồn thải trong phòng ngừa, dự báo; theo dõi, kiểm tra, giám sát, phát hiện những tác động đến MTKK, hiện trạng MTKK; sự biến đổi của MTKK so với quy chuẩn kỹ thuật MTKK; ngăn chặn, khắc phục ô nhiễm, cải tạo phục hồi hiện trạng MTKK; xử lý các hành vi làm ô nhiễm MTKK nhằm đảm bảo cho MTKK được trong lành, sạch đẹp.Tiếp đó, cần phải quy định rõ nội hàm của kiểm soát ô nhiễm môi trường nói chung, MTKK nói riêng vào trong Luật, như: các quy định về phòng ngừa, dự báo ô nhiễm môi trường; các quy định về thanh tra, kiểm tra, phát hiện ô nhiễm môi trường; các quy định về khắc phục ô nhiễm, phục hồi hiện trạng môi trường; các quy định về xử lý ô nhiễm môi trường. Trong đó quy định rõ trách nhiệm của các cơ quan nhà nước có thẩm quyền, tổ chức, cá nhân chủ nguồn thải trong thực hiện các nội dung trên nhằm giữ cho môi trường được trong lành.
Thứ hai, quyền được sống trong môi trường trong lành đã được ghi nhận tại Điều 43 Hiến pháp năm 2013 và trở thành nguyên tắc của Luật BVMT năm 2014. Tuy nhiên, vấn đề hiện nay là pháp luật cần quy định rõ cơ chế pháp lý để bảo đảm thực hiện quyền này trên thực tiễn. Cụ thể cần phải hoàn thiện cơ chế bảo hiến để người dân có thể thực hiện quyền được sống trong môi trường trong lành qua cơ chế này. Hiện nay, tại Điều 119 Hiến pháp năm 2013[13] đã quy định cơ chế bảo hiến do Luật định, nhưng Luật cụ thể hóa quyền của Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội, Chủ tịch nước, Chính phủ, Tòa án nhân dân, Viện kiểm sát nhân dân, các cơ quan khác của Nhà nước và toàn thể nhân dân trong bảo vệ quyền này hay sẽ thành lập ra một cơ quan mới riêng biệt để bảo vệ. Nếu thành lập ra một cơ quan mới[14] liệu có vi hiến không[15]? Hơn nữa, trong lúc chưa hoàn thiện cơ chế hiến pháp để bảo vệ quyền được sống trong môi trường trong lành thì điều quan trọng là chúng ta cần phải hoàn thiện cơ chế pháp lý thông thường. Theo đó, cần cụ thể hóa các quy định về quyền khởi kiện tập thể liên quan đến ô nhiễm MTKK, quyền hội họp, biểu tình vì môi trường, quy định về đảo nghĩa vụ chứng minh khi yêu cầu bồi thường thiệt hại về MTKK, thiệt hại về sức khỏe, tài sản, tính mạng do ô nhiễm MTKK gây ra,… để bảo vệ có hiệu quả quyền được sống trong môi trường trong lành.
Thứ ba, Luật cần cụ thể hóa các quy định về khuyến khích cho tổ chức, cá nhân thực hiện các hoạt động thân thiện MTKK cũng như ứng phó với biến đổi khí hậu, thậm chí không chỉ khuyến khích mà Luật còn quy định cụ thể về Nhà nước tạo điều kiện hỗ trợ, giúp đỡ đối với quá trình này. Ví dụ như ban hành các chính sách về miễn giảm thuế, về hỗ trợ tài chính, hỗ trợ mở rộng thị trường, … cho tổ chức, cá nhân nhằm lan tỏa ngày càng nhiều các hoạt động có lợi cho MTKK, giúp giảm ô nhiễm MTKK, thích ứng và giảm nhẹ biến đổi khí hậu.
Thứ tư, đối với các quy định về quy chuẩn kỹ thuật MTKK, đặc biệt là quy chuẩn kỹ thuật về khí thải, Luật cần phân loại rõ đâu là nguồn thải cố định, đâu là nguồn thải di động để có thể xây dựng được hệ thống quy chuẩn kỹ thuật về khí thải toàn diện. Hơn nữa, cần nghiên cứu, bổ sung hoàn thiện quy chuẩn kỹ thuật MTKK đối với lĩnh vực nông nghiệp, dịch vụ và thành phần MTKK sử dụng vào mục đích cụ thể. Về lâu dài, cần xây dựng quy chuẩn MTKK theo hướng ngày càng phù hợp với quy chuẩn môi trường của các nước trong khu vực và quốc tế, trong khi vẫn lưu ý đến điều kiện kinh tế, xã hội của Việt Nam[16].
Thứ năm, Luật cần đưa ra cách hiểu thế nào là biến đổi khí hậu, để có cách thức ứng phó với biến đổi khí hậu cho hiệu quả. Hay nói cách khác, nếu không hiểu được biến đổi khí hậu là gì thì không dễ đưa ra được giải pháp phù hợp, hiệu quả để ứng phó. Hơn nữa, dù Luật BVMT năm 2014 đã đưa ra cách hiểu về ứng phó với biến đổi khí hậu và dành riêng Chương IV để quy định về vấn đề này, nhưng qua nghiên cứu, các quy định này còn rất dàn trải, chung chung và chưa logic theo từng vấn đề. Chúng tôi cho rằng, sẽ hợp lý và logic hơn nếu quy định tại Chương IV của Luật được thiết kế theo nội hàm mà tại Điều 3 của Luật đã định nghĩa. Cụ thể là các quy định về thích ứng với biến đổi khí hậu và các quy định về giảm nhẹ biến đổi khí hậu.
Thứ sáu, Luật cần quy định rõ hơn nữa trách nhiệm của tổ chức, cá nhân, đặc biệt là trách nhiệm của hộ gia đình khi có hành vi vi phạm pháp luật về kiểm soát ô nhiễm MTKK. Một là, về biện pháp xử phạt tiền. Đây là biện pháp đánh trực tiếp đến lợi ích của người vi phạm vì vậy có hiệu quả rất cao. Số tiền phạt nên ở mức cao so với mức sống trung bình, như vậy mới có tính răn đe cao. Nên phân loại phạt tiền lần đầu với phạt tiền lần tái phạm, trong đó phạt tiền lần tái phạm sẽ phải cao hơn lần đầu. Số tiền phạt do hành vi phạm nên cao hơn số tiền mà chủ thể vi phạm phải bỏ ra để thực hiện việc cải tạo ô nhiễm MTKK và lắp đặt hệ thống xử lý khí thải. Hai là, cần bổ sung một số hành vi bị cấm trong Luật BVMT năm 2005 và Luật BVMT năm 2014 vào BLHS nhằm tăng tính răn đe với hành vi vi phạm pháp luật môi trường, như: hành vi gây tiếng ồn, độ rung vượt tiêu chuẩn cho phép; sinh sống ở khu vực được cơ quan nhà nước có thẩm quyền xác định là khu vực cấm do mức độ nguy hiểm về môi trường đối với sức khỏe và tính mạng con người; hành vi cản trở hoạt động BVMT... Ba là, bên cạnh xử lý hành chính, cần nghiên cứu quy định áp dụng trách nhiệm hình sự với pháp nhân vi phạm pháp luật môi trường nói chung, MTKK nói riêng. Bởi thực tiễn nước ta những năm gần đây cho thấy, ô nhiễm MTKK từ chất thải của các doanh nghiệp ngày càng nhiều[17] gây ảnh hưởng lớn đến môi trường và sức khỏe người dân. Hiện nay, có bổ sung áp dụng trách nhiệm hình sự đối với pháp nhân hay không vẫn có hai quan điểm: quan điểm thứ nhất cho rằng, không cần áp dụng trách nhiệm hình sự, bởi pháp nhân có thể bị hình phạt tiền cao hơn so với trách nhiệm hành chính hoặc có thể chấm dứt hoạt động của pháp nhân, nên vậy hai hình phạt cơ bản này có thể giải quyết thông qua trách nhiệm hành chính. Hơn nữa, nếu áp dụng trách nhiệm hình sự đối với pháp nhân thì không xác định đủ yếu tố cấu thành tội phạm vì sẽ không thể xác định được lỗi của tổ chức[18]. Quan điểm thứ hai - trong đó có chúng tôi - cho rằng, cần nghiên cứu áp dụng trách nhiệm hình sự đối với pháp nhân, bởi mặc dù hình phạt tiền và đình chỉ hoạt động của pháp nhân có thể được thực hiện thông qua trách nhiệm hành chính, nhưng rõ ràng, áp dụng trách nhiệm hình sự sẽ có sức răn đe lớn hơn rất nhiều so với trách nhiệm hành chính, đồng thời giúp các cơ quan nhà nước có thẩm quyền có nhiều lựa chọn hơn trong giải quyết hành vi làm ô nhiễm môi trường do pháp nhân gây ra căn cứ theo mức độ nguy hiểm của hành vi và thiệt hại xảy ra với môi trường. Còn về yếu tố lỗi, ô nhiễm môi trường mang tính chất đặc thù nên thiệt hại môi trường do pháp nhân gây ra chúng ta có thể nghiên cứu cho phép không cần xác định yếu tố lỗi trong trường hợp truy cứu trách nhiệm hình sự đối với pháp nhân[19] tức là lỗi suy đoán có hành vi vi phạm pháp luật là có lỗi.
Thứ bảy, đối với các quy định về hoạt động đánh giá môi trường chiến lược, đánh giá tác động môi trường và kế hoạch BVMT: Hiện nay, pháp luật vẫn chưa quy định rõ nội dung về đánh giá tác động MTKK nên có thể sẽ bị các chủ thể có trách nhiệm xem nhẹ khi lập báo cáo đánh giá môi trường chiến lược, đánh giá tác động môi trường hay kế hoạch BVMT. Hơn nữa, trong đánh giá môi trường chiến lược thì việc thẩm định báo cáo đánh giá môi trường chiến lược và đánh giá tác động môi trường là rất quan trọng, nhưng quy định như pháp luật môi trường hiện hành sẽ gây nên hiện tượng vừa đá bóng, vừa thổi còi. Ví dụ: các dự án chiến lược, quy hoạch hay các dự án đầu tư cụ thể mà thuộc thẩm quyền phê duyệt của các Bộ, cơ quan ngang Bộ hay Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh thì chính các cơ quan này được tổ chức thành lập Hội đồng thẩm định[20] nên có thể sẽ có những tác động của các cơ quan này vào quá trình thẩm định đánh giá môi trường chiến lược và đánh giá tác động môi trường, đặc biệt hiện nay chúng ta chưa quy định cụ thể trách nhiệm pháp lý với Hội đồng thẩm định khi thẩm định sai. Do vậy: một là, cần quy định đánh giá tác động MTKK và biến đổi khí hậu là một nội dung quan trọng trong các báo cáo đánh giá môi trường chiến lược, đánh giá tác động môi trường và kế hoạch BVMT; hai là, cần quy định cụ thể trách nhiệm pháp lý rõ ràng đối với Hội đồng thẩm định cũng như cơ quan, tổ chức được xin ý kiến trong trường hợp không thực hiện đúng trách nhiệm của mình gây ra thiệt hại cho môi trường nhằm tăng cường trách nhiệm của các Hội đồng cũng như các cơ quan, tổ chức này trong thẩm định
Thứ tám, trách nhiệm của các cơ quan nhà nước, chủ thể có thẩm quyền trong kiểm soát ô nhiễm MTKK. Theo đánh giá của nhiều chuyên gia thì vấn đề quản lý nhà nước về môi trường nói chung, MTKK nói riêng hiện nay còn lỏng lẻo, khi cán bộ, công chức thực thi pháp luật môi trường vi phạm thì việc xử lý trách nhiệm pháp lý vẫn chưa được triệt để, chưa đảm bảo tính răn đe. Đây là vấn đề rất lớn cần được quy định chặt chẽ, rõ ràng, minh bạch và thực hiện xử lý công khai nhanh chóng trên thực tiễn nhằm kiểm soát ô nhiễm MTKK được hiệu quả[21].
Thứ chín, trách nhiệm bồi thường thiệt hại về MTKK. Pháp luật hiện hành chưa quy định về vấn đề này do cho rằng, việc xác định thiệt hại đối với MTKK là không dễ dàng do đặc tính của không khí là tính khuếch tán, lan truyền,… Tuy nhiên, việc không quy định đã làm cho MTKK ngày càng bị ô nhiễm trầm trọng, trong khi các cá nhân, tổ chức gây ô nhiễm vẫn không phải bồi thường những thiệt hại do mình gây ra, đồng thời không có cơ sở để cá nhân, tổ chức bị thiệt hại về sức khỏe, tài sản, tính mạng được yêu cầu bồi thường thiệt hại do hành vi làm ô nhiễm MTKK gây ra. Do vậy, chúng tôi cho rằng, pháp luật cần nhanh chóng có quy định vấn đề này và có thể xác định thiệt hại MTKK dựa trên tính tổng công suất hoạt động của nhà máy, từ đó đưa ra được lượng thải chưa được xử lý ra MTKK và mức bồi thường là chi phí để xử lý lượng thải đó đạt quy chuẩn khí thải. Khi xác định được ô nhiễm MTKK, đó sẽ là cơ sở cho tổ chức, cá nhân được yêu cầu bồi thường thiệt về sức khỏe, tính mạng, tài sản do ô nhiễm không khí gây ra.
Thứ mười, về lâu dài, cần xây dựng Luật Không khí sạch ở Việt Nam quy định về trách nhiệm kiểm soát ô nhiễm MTKK của Nhà nước, của các chủ sở hữu nguồn thải, về quy chuẩn kỹ thuật MTKK; về hoạt động đánh giá tác động MTKK, về quan trắc và đánh giá hiện trạng, thông tin tình hình MTKK, quản lý khí thải, về phát triển năng lượng sạch, năng lượng tái tạo, khuyến khích đa dạng hóa các nguồn đầu tư cho bảo vệ MTKK, áp dụng công cụ kinh tế trong bảo vệ MTKK, về phí BVMT đối với khí thải, về trách nhiệm pháp lý đối với chủ sở hữu nguồn thải và cơ quan nhà nước có thẩm quyền trong kiểm soát ô nhiễm MTKK, khởi kiện tập thể về ô nhiễm MTKK, phát huy vai trò của cộng đồng trong kiểm soát ô nhiễm MTKK, hợp tác liên kết khu vực và quốc tế trong kiểm soát ô nhiễm MTKK,… ;
Bên cạnh các biện pháp hoàn thiện pháp luật, để kiểm soát được ô nhiễm MTKK, chúng tôi cho rằng: một là, ngoài việc nâng cao trình độ khoa học kỹ thuật, khuyến khích sử dụng năng lượng sạch, năng lượng tái tạo, và tăng cường đầu tư tài chính cho kiểm soát ô nhiễm MTKK, cần tuyên truyền giáo dục đối với cán bộ, công chức và người dân về tầm quan trọng của MTKK cũng như ý nghĩa của việc bảo vệ MTKK bằng những hành động cụ thể như: nên đi xe buýt vừa giảm chi phí, vừa hạn chế tắc đường, giảm ô nhiễm MTKK, nên ăn trưa gần nơi làm việc nhằm hạn chế sử dụng xe gắn máy, ô tô; nên đi chung xe khi đi làm, đi học, vui chơi, giải trí; bảo trì xe đúng hạn; trồng cây xanh; phát hiện và tố cáo hành vi xả trộm khí thải chưa xử lý ra môi trường... theo hướng đẩy mạnh xã hội hóa hoạt động BVMT theo nguyên tắc đã đặt ra trong Luật BVMT năm 2014; hai là, tăng cường hợp tác quốc tế trong kiểm soát ô nhiễm MTKK. Như chúng ta đã biết, MTKK không chỉ là vấn đề riêng của quốc gia nào từ ô nhiễm không khí tầm gần, từ chất phóng xạ của các nhà máy điện hạt nhân bị rò rỉ đến ô nhiễm không khí tầm xa, sự suy giảm của tầng ozon dẫn tới biến đổi khí hậu toàn cầu. Tất cả đều cho thấy, một quốc gia không thể giải quyết được những vấn đề này, do vậy cần phải có sự hợp tác quốc tế trong kiểm soát ô nhiễm MTKK ở các cấp độ song phương, khu vực cũng như quốc tế./.
 

· ThS. Viện Nhà nước và Pháp luật, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam
[1] Sở dĩ có vấn đề này là do thực tiễn môi trường Việt Nam thời kỳ đó chưa bị ô nhiễm lớn nên chưa đặt ra vấn đề kiểm soát ô nhiễm môi trường.
[2] Để phòng ngừa, ngăn chặn, hạn chế ô nhiễm môi trường trên thực tế ở nước ta, Luật BVMT năm 2005 ra đời thay thế cho Luật BVMT năm 1993 đã có những quy định rải rác về vấn đề kiểm soát ô nhiễm MTKK từ hoạt động của các tổ chức, cá nhân, hộ gia đình, xây dựng tiêu chuẩn MTKK, quản lý khí thải, bụi, tiếng ồn,…;
[3] Để thay thế cho Luật BVMT năm 2005.
[4] Cụ thể: BVMT gắn kết hài hòa với phát triển kinh tế, an sinh xã hội, bảo đảm quyền trẻ em, thúc đẩy giới và phát triển, bảo tồn đa dạng sinh học, ứng phó với biến đổi khí hậu để bảo đảm quyền mọi người được sống trong môi trường trong lành (khoản 2 Điều 4 Luật BVMT năm 2014).
[5] Xem: Điều Luật BVMT năm 2014.
[6] Xem: Điều 113 Luật BVMT năm 2014.
[7] Theo pháp luật môi trường hiện hành, quan trắc MTKK gồm: không khí trong nhà, không khí ngoài trời, tiếng ồn, độ rung, bức xạ, ánh sáng, phóng xạ, nước thải, khí thải, chất thải rắn  (Điều 122 Luật BVMT năm 2014).
[8] Thông tin tình hình môi trường nói chung, MTKK nói riêng có thể được Nhà nước, các tổ chức chủ nguồn thải cung cấp công khai theo quy định của pháp luật hoặc được đại diện cộng đồng dân cư hay tổ chức yêu cầu. Qua thông tin đó, mọi người biết được hiện trạng MTKK và có biện pháp, cơ chế bảo vệ quyền của mình.
[9] Xem Điều 102, 103 Luật BVMT năm 2014.
[10] Xem: Điều 41 Luật BVMT năm 2014.
[11] Xem: Điều 147 Luật BVMT năm 2014.
 
[12] Xem Điều 182 BLHS năm 1999 (sửa đổi, bổ sung năm 2009).
[13] Khoản 2 Điều 119 Hiến pháp quy định: Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội, Chủ tịch nước, Chính phủ, Tòa án nhân dân, Viện kiểm sát nhân dân, các cơ quan khác của Nhà nước và toàn thể nhân dân có trách nhiệm bảo vệ Hiến pháp. Cơ chế bảo vệ Hiến pháp do luật định.
[14] Ví dụ: thành lập ra Cơ quan nhân quyền quốc gia để bảo vệ quyền con người, trong đó có quyền được sống trong môi trường trong lành.
[15] Xem thêm: PGS,TS. Phạm Hữu Nghị, Nhà nước pháp quyền và cơ chế pháp lý bảo đảm quyền được sống trong môi trường trong lành, Kỷ yếu hội thảo quốc tế “Môi trường và Nhà nước pháp quyền:  Tăng cường thực thi pháp luật về môi trường ở khu vực Đông Nam Á”, do Viện Nhà nước và Pháp luật phối hợp với KAS tổ chức ngày 21-22/10/2014.
[16] Ví dụ: hiện nay quy chuẩn về khí thải từ phương tiện giao thông của Việt Nam mới ở mức tương đương EURO 2, trong khi châu Âu và các nước phát triển khác đã tiến đến EURO 5.
[18] Thực tế cho thấy nhiều năm nay, chúng ta áp dụng trách nhiệm hành chính đối với pháp nhân nhưng không hiệu quả, ô nhiễm môi trường vẫn xảy ra, thậm chí có nhiều trường hợp khi bị xử phạt vi phạm hành chính họ vẫn nộp tiền phạt và tiếp tục có hành vi vi phạm pháp luật môi trường.
[19] Thực tế vấn đề này đã được áp dụng trong trách nhiệm bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng do hành vi làm ô nhiễm môi trường gây ra theo quy định trong Bộ luật Dân sự năm 2005.  
[20] Xem thêm: điểm c, điểm b khoản 1 Điều 16; khoản 2, 3, 4 Điều 23, Luật BVMT năm 2014.
[21] Thực tế hiện nay quản lý nhà nước nói chung, trong đó có lĩnh vực môi trường vẫn còn nhiều hạn chế ảnh hưởng đến hiệu quả kiểm soát ô nhiễm môi trường. 

(Nguồn tin: Bài viết đăng tải trên Ấn phẩm Tạp chí Nghiên cứu lập pháp số 15(295), tháng 8/2015)


Thống kê truy cập

33934700

Tổng truy cập