Tuyên truyền, phổ biến, giáo dục để Luật về phòng, chống tác hại của thuốc lá có hiệu lực trên thực tế

01/07/2015

ThS. CAO VŨ MINH

Giảng viên khoa Hành chính Nhà nước, Đại học Luật TP. Hồ Chí Minh.

1. Đặt vấn đề
Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá (PCTHCTL) năm 2012 đã có hiệu lực pháp luật từ khá lâu. Tuy nhiên, đó chỉ là hiệu lực “trên giấy”, còn hiệu lực thực tế như thế nào thì vẫn tồn tại nhiều vấn đề cần bàn luận. “Quy định mới về hút, mua bán thuốc lá: Khó khả thi”; “Hút thuốc lá nơi công cộng: Cấm thì dễ, phạt mới khó”; “Xử phạt hút thuốc lá nơi công cộng: Khó vì sao?”[1] là tiêu đề của một số bài viết trên báo chí “băn khoăn” về hiệu lực thực tế - tức là tính khả thi của đạo luật này.
Theo Từ điển từ và ngữ Việt Nam thì “khả thi” (khả: có thể, thi: làm) nghĩa là “có thể thực hiện được”[2]. Từ điển tiếng Việt cũng giải thích tương tự “khả thi” là “có khả năng thực hiện được”[3]. Như vậy, một văn bản pháp luật có tính khả thi là một văn bản có khả năng thực hiện trên thực tế hay nói một cách khác là những quy định của văn bản pháp luật có thể đi vào cuộc sống mà không chỉ dừng lại trên giấy.   
Một vấn đề đặt ra là “bất cứ văn bản pháp luật nào không được áp dụng trong thực tế thì văn bản đó không có tính khả thi”. Nhận định như vậy có vẻ hơi khiên cưỡng. Khả thi chỉ là điều kiện “cần” của một văn bản pháp luật. Để văn bản đó thật sự đi vào cuộc sống thì phải có cả điều kiện “đủ” - đó là khâu tổ chức thực hiện. Nói cách khác, để văn bản pháp luật phát huy hiệu quả trong việc điều chỉnh các quan hệ xã hội thì ngoài yêu cầu về chất lượng của nội dung văn bản pháp luật (bảo đảm tính khả thi, phù hợp với thực tiễn khách quan), còn cần phải tiến hành tốt việc tổ chức thi hành pháp luật, trong đó bao gồm nhiều công việc như tuyên truyền, giáo dục, phổ biến pháp luật để nâng cao ý thức pháp luật trong nhân dân. Cách đây hơn 20 năm, Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị số 406/TTg ngày 08/8/1994 quy định về cấm sản xuất, kinh doanh và đốt pháo nổ. Khi mới ban hành, ai cũng băn khoăn về tính khả thi của quy định này. Nhiều người cho rằng quy định cấm đoán này sẽ sớm “chết yểu”, không thể thực hiện được vì đây là truyền thống, phong tục, tập quán lâu đời của người Việt Nam. Nhưng thực tế cho thấy, các quy định đó đã được thực hiện nghiêm túc trong rất nhiều năm qua do khâu tổ chức thực hiện. Một trong những lý do cơ bản để đưa pháp luật vào cuộc sống là Nhà nước đã tiến hành có hiệu quả các biện pháp tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật liên quan đến vấn đề này.
Theo chúng tôi, Luật PCTHCTL năm 2012 là một văn bản hoàn toàn có tính khả thi (rất nhiều nước trên thế giới đã áp dụng hiệu quả), nhưng trên thực tế lại chưa thực hiện có hiệu quả ở Việt Nam. Nguyên nhân thì có nhiều nhưng chúng tôi chỉ bàn về công tác tuyên truyền, giáo dục, phổ biến pháp luật liên quan đến PCTHCTL. Đặc biệt, trong bối cảnh Quốc hội nước ta đã thông qua Luật Phổ biến, giáo dục pháp luật năm 2012, trong đó quy định ngày 9/11 hàng năm là “Ngày Pháp luật nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam” nhằm nâng cao ý thức thượng tôn pháp luật, tích cực tham gia bảo vệ Hiến pháp, pháp luật. Muốn người dân thượng tôn pháp luật, tuân thủ pháp luật về PCTHCTL thì trước hết, Nhà nước phải làm tốt công tác tuyên truyền, giáo dục, phổ biến pháp luật liên quan đến PCTHCTL.
2. Thực trạng công tác tuyên truyền, giáo dục, phổ biến pháp luật liên quan đến phòng, chống tác hại của thuốc lá  
Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), Trung Quốc là nước có khoảng 350 triệu người hút thuốc lá - chiếm 1/3 tổng số người hút thuốc toàn cầu. Ở Trung Quốc, mỗi năm có khoảng 2 nghìn tỷ điếu thuốc được tiêu thụ. Chính phủ nước này ước tính mỗi năm có 1 triệu người Trung Quốc chết vì những bệnh liên quan đến hút thuốc. Con số này có thể tăng tới gấp đôi vào năm 2020. Mỗi năm, Chính phủ Trung Quốc phải chi trên 252 tỷ nhân dân tệ (37 tỷ USD) cho việc điều trị bệnh, chữa cháy và xử lý ô nhiễm môi trường do hút thuốc lá gây ra[4].
Tại châu Âu, chi phí hàng năm để chữa trị các căn bệnh do thuốc lá gây ra lên tới khoảng 100 tỷ Euro[5]. Việt Nam là một trong những quốc gia có tỷ lệ nam giới trưởng thành hút thuốc lá nhiều nhất trên thế giới, với 16 triệu người hút thuốc lá. Năm 2010, số tiền người Việt Nam mua thuốc hút là 14 nghìn tỷ đồng,năm 2012 số tiền này tăng lên là 22 nghìn tỷ đồng. Từ năm 2012 đến nay, ước tính chi phí mua thuốc lá của người Việt Nam lên tới 22.000 tỷ đồng mỗi năm. Các bệnh liên quan đến thuốc lá là nguyên nhân hàng đầu dẫn đến con số hơn 40.000 người tử vong tại Việt Nam hằng năm, tương đương với khoảng 100 người chết mỗi ngày. Theo phân tích của các nhà nghiên cứu, khói thuốc lá chứa 7.000 chất hóa học, trong đó có 69 chất gây ung thư. Ở người lớn, hút thuốc thụ động gây ung thư phổi, các bệnh về tim mạch, ung thư vú, bệnh động mạch vành, xơ vữa động mạch, gây các triệu chứng kích thích đường hô hấp, tăng nguy cơ đẻ non và trẻ nhẹ cân. Ở trẻ em, hút thuốc thụ động có thể gây viêm đường hô hấp, hen, viêm tai giữa, đột tử ở trẻ sơ sinh, kém phát triển chức năng phổi và làm tăng nguy cơ mắc nhiều bệnh khác. Tổng chi phí điều trị và tổn thất do mất khả năng lao động vì ốm đau và tử vong sớm cho 5 loại bệnh thường gặp do hút thuốc gây ra (ung thư phổi, ung thư đường tiêu hóa - hô hấp trên, bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính, nhồi máu cơ tim, đột quỵ) là hơn 23 nghìn tỷ đồngmột năm[6].
Với những phân tích trên, có thể khẳng định tác hại của thuốc lá là rất lớn. Chính vì vậy, “khai tử” thuốc lá là việc cần phải làm ngay với sự kết hợp của nhiều biện pháp, công cụ mà trong đó, không thể thiếu vai trò của pháp luật. Điều 8 Hiến pháp năm 2013 quy định: “Nhà nước quản lý xã hội bằng Hiến pháp và pháp luật”. Nguyên tắc này đòi hỏi tiền đề là phải có một hệ thống pháp luật hoàn chỉnh nhưng cuối cùng thì ý thức tôn trọng pháp luật mới đóng vai trò quan trọng. Những quy định như: “không hút thuốc ở nơi công cộng”, “không bán thuốc lá cho người chưa đủ 18 tuổi” sẽ trở thành hiện thực nếu có sự “hiện diện” của ý thức pháp luật. Nếu người hút thuốc lá ý thức được tác hại đối với sức khỏe của bản thân mình và những người xung quanh, nếu người bán thuốc lá ý thức được hành vi bán thuốc lá cho người dưới 18 tuổi là đầu độc thế hệ trẻ tương lai thì có lẽ Quốc hội, Chính phủ, giới truyền thông ... không cần mất nhiều thời gian, giấy mực để đưa luật vào cuộc sống. Do đó, theo chúng tôi, cần có sự kết hợp chặt chẽ giữa chế tài xử phạt và tuyên truyền, giáo dục pháp luật liên quan đến PCTHCTL. Chế tài tuy cần thiết nhưng ý thức pháp luật mới đóng vai trò quan trọng. Nếu ý thức pháp luật và lương tâm thường xuyên “đi vắng” thì chế tài xử phạt nặng đến đâu cũng sẽ không có hiệu quả[7]. Do đó, theo chúng tôi, biện pháp thiết thực nhất là tuyên truyền, giáo dục, thuyết phục người dân tuân thủ các quy định pháp luật về PCTHCTL.
Thực tế cho thấy, nhiều người dân không nắm vững các quy định pháp luật về PCTHCTL, không quan tâm cũng như không cập nhật thông tin pháp luật về PCTHCTL. Khi nhóm nghiên cứu khảo sát 200 người mua bán, sử dụng thuốc lá trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh[8] với câu hỏi “Anh chị có biết tất cả hành vi bị nghiêm cấm liên quan đến thuốc lá” thì kết quả là không có người nào cho là mình “biết tất cả hành vi bị nghiêm cấm” (0%), có 112 người (56%) cho là “biết đa phần các hành vi bị nghiêm cấm” và có đến 88 người (44%) cho là “chỉ biết một số hành vi thông dụng bị nghiêm cấm”. Điều này cho thấy, tuy Luật PCTHCTL đã có hiệu lực từ rất lâu nhưng vẫn còn nhiều người không nắm vững quy định về các hành vi bị nghiêm cấm liên quan đến thuốc lá. Do đó, khi mua bán, sử dụng thuốc lá, họ chỉ làm theo số đông, thực hiện theo sở thích, lâu dần trở thành thói quen, phản xạ tự nhiên và chắc chắn trong những thói quen đó có những “thói quen” vi phạm pháp luật. Chính sự không hiểu biết đầy đủ về pháp luật PCTHCTL của người dân đã làm tình hình vi phạm liên quan đến thuốc lá ngày càng trở nên phổ biến.
Bên cạnh những người không nắm vững kiến thức pháp luật về PCTHCTL thì vẫn còn nhiều người tuy có hiểu biết nhất định nhưng thiếu tôn trọng pháp luật, tỏ thái độ xem thường pháp luật hoặc thực hiện các quy định về PCTHCTL một cách đối phó, chủ quan. Theo khảo sát bằng phiếu điều tra xã hội học đối với 200 người thường xuyên hút thuốc lá tại thành phố Hồ Chí Minh, khi được hỏi “Khi đến các cơ sở y tế, nếu đang hút thuốc, anh (chị) sẽ làm gì?” thì có đến 95% (190 người) có câu trả lời là “Lập tức bỏ thuốc lá vào thùng rác hoặc là vứt thuốc lá đi”, chỉ có 3% (6 người) có câu trả lời là “Tiếp tục hút khi thấy có ít người hoặc không có” và 2% (4 người) có câu trả lời là “Tiếp tục hút khi không có người nhắc nhở”. Kết quả khảo sát cho thấy, đa số họ đều hiểu biết rằng khi đến các cơ sở y tế thì không được hút thuốc lá[9]. Biết nhưng vẫn hút thì đây không phải là vấn đề nhận thức mà là vấn đề liên quan đến ý thức pháp luật.
Sự thực hiện pháp luật cũng tùy thuộc vào trình độ nhận thức pháp luật và trạng thái tâm lý pháp luật của con người[10]. Xét từ cấu trúc của ý thức pháp luật, có thể nhận thấy tâm lý pháp luật được thể hiện bằng những tiêu chuẩn pháp lý như: niềm tin, sự trân trọng, định kiến, thù ghét, ác cảm... Tâm lý pháp luật có ảnh hưởng rất lớn tới việc thực hiện hành vi pháp luật hợp pháp của chủ thể và góp phần nâng cao phẩm giá, nhân cách con người. Từ đó hình thành trách nhiệm của mỗi người với bản thân, với gia đình, lớn hơn nữa là với đất nước, nhân loại. Tuy nhiên, do tính chất bền vững của tâm lý pháp luật mà thái độ xem thường pháp luật đã trở thành thói quen, đã ăn sâu, bám rễ trong ý thức của nhiều người. Do đó, trong họ luôn tiềm ẩn khuynh hướng tìm mọi cách để lẩn tránh pháp luật. Đơn cử, nhiều doanh nghiệp biết rằng quảng cáo, khuyến mại thuốc lá là hành vi vi phạm, nhưng trên thực tế vẫn thực hiện hành vi này. Kết quả điều tra tình hình thực hiện quy định cấm quảng cáo, khuyến mại thuốc lá ở Việt Nam cho thấy, vi phạm trong lĩnh vực này hết sức phổ biến. Cụ thể, khảo sát 1.500 điểm bán trên 10 tỉnh/thành phố năm 2010 thì tỷ lệ vi phạm về quảng cáo là 67,2%, vi phạm đồng thời quảng cáo và khuyến mại thuốc lá là 28,1%. Số điểm bán không vi phạm quảng cáo hay khuyến mại thuốc lá chỉ chiếm 4,6%[11].
Tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về PCTHCTL là công tác có ý nghĩa rất lớn trong việc đưa pháp luật PCTHCTL vào đời sống nhân dân. Tuy nhiên, trong thời gian qua, công tác này chỉ thực hiện được một mặt là nâng cao hiểu biết pháp luật PCTHCTL cho người dân mà chưa chú trọng việc định hướng tình cảm pháp lý, tinh thần “thượng tôn pháp luật” trong đời sống xã hội. Thực ra, công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật PCTHCTL phải làm cho người dân hiểu rằng, mục đích của pháp luật PCTHCTL là nhằm bảo vệ thế hệ hiện tại cùng tương lai khỏi các hậu quả tàn phá về sức khỏe, xã hội, môi trường, kinh tế do thuốc lá gây ra. Do đó, tôn trọng và tự giác chấp hành các quy định của pháp luật về PCTHCTL cũng chính là bảo về tính mạng, sức khỏe cho chính họ. Có như vậy, bằng cách trực tiếp tác động vào nhận thức và tình cảm của họ đối với pháp luật PCTHCTL, mới dần dần nâng cao ý thức pháp luật cho người dân, từ đó hạn chế các hành vi vi phạm liên quan đến thuốc lá.
Trong thời gian qua, công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật PCTHCTL chưa thực sự có chiều sâu. Khi chưa có sự khai thông về nhận thức thì không thể chuyển biến về hành vi, dù bên cạnh còn có biện pháp cưỡng chế. Một khi việc tuyên truyền, giáo dục chưa đủ “thấm”, để vượt qua “điểm nghẽn” về nhận thức của người dân, thì không thể nâng cao ý thức chấp hành pháp luật PCTHCTL. Thực tế đã có nhiều hình thức tuyên truyền phong phú như: cấp phát tờ rơi đến từng hộ dân; yêu cầu cam kết trong các cuộc họp Tổ dân phố; tổ chức các cuộc thi về Luật PCTHCTL; thực hiện các panô, áp phích... liên quan đến PCTHCTL nhưng hiệu quả thực sự thì lại không cao. Đáng chú ý là hình thức “Ngày thế giới không thuốc lá và Tuần lễ Quốc gia không thuốc lá” cũng chưa thực sự có hiệu quả. “Tuần lễ Quốc gia không thuốc lá” về bản chất là tốt đẹp nhưng khi thực hiện chẳng khác nào “bong bong xì hơi”. Một điều rất dễ nhận thấy là khi các cơ quan chức năng không thực hiện quyết liệt, triệt để và liên tục thì người dân cũng chưa tự giác trong việc chấp hành các quy định về PCTHCTL. Khảo sát 200 người hút thuốc lá trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh, khi được hỏi “Anh chị đã được tuyên truyền, phổ biến về các quy định liên quan đếnPCTHCTL” thì có đến 45% có câu trả lời là “Chưa bao giờ được tuyên truyền, phổ biến”, 48% có câu trả lời là “Đã được tuyên truyền, phổ biến ít nhất một lần” và chỉ có 7% có câu trả lời là “Đã được tuyên truyền, phổ biến nhiều lần”. Đặc biệt, trong số 45% người trả lời là “Chưa bao giờ được tuyên truyền, phổ biến” có cả những cán bộ, công chức, viên chức[12]. Điều này cho thấy công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật PCTHCTL trong thời gian qua vẫn bị xem nhẹ và không có chiều sâu.
Qua phân tích trên cho thấy, hiểu biết pháp luật, ý thức pháp luật của người dân là rất quan trọng và là nguyên nhân chính của tình trạng vi phạm các quy định của pháp luật về PCTHCTL. Khắc phục nguyên nhân này sẽ là giải pháp gốc nhằm hạn chế tình trạng vi phạm pháp luật về PCTHCTL.
3. Công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về phòng, chống tác hại của thuốc lá trong thời gian tới
Tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật là tác động có mục đích, có định hướng tới nhận thức của con người nhằm trang bị cho mỗi người tri thức pháp luật để từ đó có ý thức đúng đắn về pháp luật, tôn trọng và tự giác xử sự theo yêu cầu của pháp luật. Đây là một yếu tố không thể thiếu trong quá trình xây dựng và tổ chức thực hiện pháp luật bởi nó là cầu nối đưa pháp luật vào đời sống, góp phần nâng cao hiệu lực quản lý nhà nước, xây dựng lối sống có quy tắc chuẩn mực, đồng thời giảm thiểu hành vi vi phạm pháp luật.
Điều 10 Luật Phổ biến, giáo dục pháp luật năm 2012 quy định nội dung phổ biến, giáo dục pháp luật phải liên quan đến “ý thức tôn trọng và chấp hành pháp luật; ý thức bảo vệ pháp luật; lợi ích của việc chấp hành pháp luật; gương người tốt, việc tốt trong thực hiện pháp luật”. Bên cạnh đó, Điều 11 Luật Phổ biến, giáo dục pháp luật năm 2012 còn nêu phải kết hợp các hình thức phổ biến, giáo dục pháp luật như họp báo, tư vấn, cung cấp tài liệu ... Với những ý nghĩa như vậy, để pháp luật về PCTHCTL phát huy hiệu quả, cần chú ý các hình thức và nội dung cho phù hợp, phát huy thế mạnh của từng loại hình công tác tuyên truyền, đồng thời phải có đội ngũ cán bộ công chức đủ tâm và đủ tầm thực hiện công tác. Cụ thể:
Về nội dung thì tổ chức tuyên truyền, phổ biến về Luật PCTHCTL năm 2008, Nghị định số 176/2013/NĐ-CP của Chính phủ về quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế, Nghị định số 185/2013/NĐ-CP ngày 15/11/2013 của Chính phủ về quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động thương mại, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm và bảo vệ quyền lợi người tiêu dung ... Tuyên truyền, phổ biến về những lợi ích của việc không sử dụng thuốc lá, những tấm gương tập thể, cá nhân có cách làm hay, hiệu quả trong việc PCTHCTL. Đồng thời, cũng đề cập đến những khó khăn vướng mắc từ thực tiễn áp dụng và biện pháp tháo gỡ. Tuyên truyền, phổ biến về hậu quả của thuốc lá đối với xã hội, gia đình và mỗi cá nhân làm bài học cho mọi người ...
Hình thức tuyên truyền, phổ biến: cần kết hợp các biện pháp như tuyên truyền thông qua tấm gương của những cá nhân, tổ chức tiên tiến điển hình; tuyên truyền, phổ biến qua các phương tiện thông tin đại chúng, các ấn phẩm báo chí, bản tin; tuyên truyền, phổ biến qua tổ chức hội nghị, hội thảo, tọa đàm, thông qua giáo dục pháp luật trong nhà trường; tuyên truyền, phổ biến qua các cuộc thi tìm hiểu pháp luật, qua trợ giúp pháp lý lưu động, biểu diễn văn nghệ, sinh hoạt câu lạc bộ, sinh hoạt Đảng, đoàn thể...
Về đối tượng tuyên truyền, phổ biến, giáo dục thì tùy từng đối tượng mà xây dựng nội dung cho phù hợp. Đối với cán bộ, công chức, viên chức thì tập trung phổ biến các quy định về trách nhiệm PCTHCTL, các biện pháp giảm nhu cầu sử dụng thuốc lá, thậm chí có thể đưa nội dung chấp hành các quy định pháp luật về PCTHCTL là một tiêu chuẩn đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ của đội ngũ này. Đối với tầng lớp lao động, thanh niên thì tập trung phổ biến, giáo dục các quy định về quy tắc địa điểm cấm hút thuốc lá, các hành vi bị nghiêm cấm và hình thức, biện pháp xử phạt nếu vi phạm… Đối với học sinh, sinh viên thì tuyên truyền, phổ biến, giáo dục về tác hại của thuốc lá, có thể lồng ghép nội dung chấp hành pháp luật về PCTHCTL vào các môn học, các hoạt động ngoại khóa. Đứng trước tình hình “phớt lờ” pháp luật về PCTHCTL, thiết nghĩ cần đưa Luật PCTHCTL thành một môn bắt buộc ở tất cả các cấp học. Việc giáo dục, thuyết phục trẻ em bao giờ cũng dễ dàng hơn đối với người đã thành niên. “Trẻ em hôm nay, thế giới ngày mai”, chúng ta sẽ có những công dân gương mẫu, biết “tránh xa” thuốc lá nếu như trước đó chúng ta đã có những trẻ em biết xấu hổ đối với các hành vi vi phạm liên quan đến thuốc lá.
Bên cạnh đó, công tác tuyên truyền của cơ quan chức năng nên thực tế hơn. Ví dụ, ở các ngã tư một mặt treo các quy định về chế tài pháp lý như: “Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 2.000.000 đồng đối với hành vi bán thuốc lá cho người chưa đủ 18 tuổi”, “Phạt tiền từ 100.000 đồng đến 300.000 đồng đối với hành vi hút thuốc lá tại địa điểm có quy định cấm”. Một mặt treo các băng rôn khuyến nghị với nội dung: “Khói thuốc lá rất có hại cho thai nhi và trẻ nhỏ”, “Hút thuốc lá dẫn đến cái chết từ từ và đau đớn”, “Hút thuốc lá gây ung thư phổi”, “Mỗi điếu thuốc làm mất đi 7 phút sống”… Sự kết hợp giữa các nội dung tuyên truyền, phổ biến này sẽ trực tiếp tác động đến ý thức của người hút thuốc lá, hiệu quả tuyên truyền, phổ biến vì thế cũng sẽ cao hơn. Ngoài ra, có thể triển lãm hình ảnh về PCTHCTL như hình ảnh về các hành vi vi phạm, các biến chứng và bệnh tật do thuốc lá gây ra, hình ảnh về các buổi tuyên truyền, ra quân chiến dịch chống lại khói thuốc lá… Điều này sẽ giúp cho người dân có sự hiểu biết và tình cảm nhất định về PCTHCTL, hạn chế đáng kể các hậu quả xấu do thuốc lá gây ra.
Điều 3 Hiến pháp năm 2013 quy định: Nhà nước thực hiện mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”. Một đất nước văn minh trước hết phải có những con người văn minh. Con người văn minh phải tuân thủ pháp luật, trong đó có pháp luật về PCTHCTL. Những năm trước đây, nước ta nổi cộm về số vụ tai nạn giao thông và số người chết vì tai nạn giao thông. Bình quân mỗi tháng cả nước có gần 1000 người chết, mỗi ngày có khoảng 30 người chết do tai nạn giao thông[13]. Đối với thuốc lá, nghiêm trọng hơn, mỗi ngày có hơn 100 người chết vì các bệnh do hút thuốc lá gây ra[14]. Nhờ làm tốt công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về an toàn giao thông, chúng ta đã hạn chế đáng kể số vụ tai nạn và người chết vì tai nạn giao thông, lẽ nào đối với thuốc lá - kẻ giết người hàng loạt, chúng ta lại “bó tay”? Do đó, tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về PCTHCTL là lời giải cho bài toán hóc búa trên. Với chính sách pháp luật đúng đắn, với hiệu quả của tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về PCTHCTL, chúng ta tin tưởng rằng, việc sử dụng thuốc lá sẽ được giảm xuống đến mức thấp nhất trong tương lai gần để Việt Nam có thể trở thành một quốc gia văn minh, nhân văn và nhân đạo./.

 


*ThS, Giảng viên khoa Hành chính - Nhà nước, Đại học Luật TP. Hồ Chí Minh.
[1]Xem thêm Báo An ninh Thủ đô, Quy định mới về hút, mua bán thuốc lá: Khó khả thi, ngày 11/8/2013; VietNamnet, Cấm hút thuốc lá nơi công cộng: Cấm thì dễ, phạt mới khó, ngày 30/05/2015; Báo Đại đoàn kết, Xử phạt hút thuốc lá nơi công cộng: Khó vì sao?, ngày 07/02/2014.
[2] Nguyễn Lân, Từ điển từ và ngữ Việt Nam, Nxb. Tổng hợp TP. Hồ Chí Minh, 2002, tr. 925.
[3] Hoàng Phê (chủ biên), Từ điển tiếng Việt, Trung tâm Từ điển học, Nxb. Đà Nẵng, 2011, tr. 629.
[4] Cổng thông tin Bộ Tư pháp, Pháp luật quốc tế: Ở nước ngoài cấm thuốc lá thế nào?, ngày 01/02/2010.
[5] Tiền phong online, Những người nghiện thuốc lá có bị sốc?, ngày 14/12/2006.
[6] Cần Thơ online, Để từ bỏ thuốc lá hiệu quả, ngày 31/05/2015.
[7] Nguyễn Sĩ Dũng, Những nghịch lý của thời gian, Nxb. Thời đại, năm 2011, tr. 67.
[8] Do điều kiện khách quan, tác giả và nhóm nghiên cứu chỉ tiến hành khảo sát, điều tra xã hội học tại địa bàn của TP. Hồ Chí Minh mà không tiến hành tại các tỉnh, thành phố khác. Con số thống kê trên có thể chưa phản ánh đầy đủ về ý thức pháp luật của người dân về PCTHTL. Tuy nhiên, những con số “biết nói” trên cũng góp phần chứng minh cho những nhận định trong bài viết.
[9] Tlđd.
[10] Nguyễn Cửu Việt (chủ biên), Giáo trình Lý luận chung về nhà nước và pháp luật, Nxb. ĐHQG Hà Nội, 2003, tr. 282.
[11] Trường Đại học Y tế công cộng, Hội Y tế công cộng Việt Nam, tổ chức Health Bridge, Điều tra tình hình thực hiện quy định cấm quảng cáo, khuyến mại và tài trợ thuốc lá ở Việt Nam, Kỷ yếu Hội thảo “Tăng cường thực thị quy định cấm quảng cáo, khuyến mại và tài trợ thuốc lá tại Việt Nam”, Hà Nội, ngày 15/12/2011.
[12] Khảo sát độc lập của Tác giả tại TP.Hồ Chí Minh
[13] Lê Thị Anh, Văn hóa giao thông Việt Nam - cái nhìn toàn cảnh, Tạp chí Văn hóa và Phát triển - Học viện Báo chí và Tuyên truyền, số 3 năm 2007.
[14] Báo Đại đoàn kết, Hơn 100 người chết vì thuốc lá mỗi ngày, ngày 13/12/2014.  
 

(Nguồn tin: Bài viết đăng tải trên Ấn phẩm Tạp chí Nghiên cứu lập pháp số 14(294), tháng 7/2015)


Thống kê truy cập

33936201

Tổng truy cập