Phát biểu của đồng chí Uông Chu Lưu, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Quốc hội tại Hội nghị tổng kết mười năm ngày thành lập Viện Nghiên cứu Lập pháp

01/12/2018

Thưa toàn thể các đồng chí,
Hôm nay, Viện Nghiên cứu Lập pháp (NCLP) tổ chức Hội nghị tổng kết năm 2018 và Kỷ niệm mười năm ngày thành lập Viện, thay mặt lãnh đạo Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) tôi thân ái gửi tới các vị đại biểu, khách quý, các nhà khoa học, các đồng chí lãnh đạo, nguyên lãnh đạo, cán bộ, công chức, viên chức, người lao động Viện NCLP tình cảm thân thiết và lời chúc mừng tốt đẹp nhất. Chúc Viện NCLP tiếp tục phát triển và có nhiều đóng góp thiết thực, hiệu quả vào hoạt động của Quốc hội.

Thưa các đồng chí,

Tôi cơ bản nhất trí với Báo cáo tổng kết năm 2018, Báo cáo tổng kết mười năm, cũng như ý kiến phát biểu của đại diện cán bộ, công chức, viên chức và người lao động của Viện NCLP. Trong thời gian qua, kể từ ngày đầu mới thành lập, Viện NCLP đã vượt qua nhiều khó khăn, thách thức và có nhiều cố gắng, nỗ lực hoàn thành các nhiệm vụ được giao, từng bước khẳng định được mình là cơ quan thuộc UBTVQH, có chức năng nghiên cứu khoa học lập pháp, tổ chức thông tin khoa học lập pháp để tham mưu chính sách, tư vấn, hỗ trợ, phục vụ Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội, các cơ quan của UBTVQH và đại biểu Quốc hội trong việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Quốc hội; giúp UBTVQH thực hiện chức năng quản lý khoa học trong các cơ quan của Quốc hội, các cơ quan của UBTVQH và Văn phòng Quốc hội. Nhiều đề tài nghiên cứu khoa học cấp bộ, cấp nhà nước do Viện chủ trì đã cung cấp cơ sở lý luận, thực tiễn trong việc đổi mới cơ cấu tổ chức và phương thức hoạt động của Quốc hội, cung cấp luận cứ khoa học cho quá trình đổi mới Quốc hội trong việc thực hiện quyền lập hiến, lập pháp, quyết định những vấn đề quan trọng của đất nước và giám sát tối cao. Trong báo cáo Tổng kết mười năm, đã có nhiều con số biết nói, như Viện NCLP đã triển khai 159 đề tài cấp bộ, 165 đề tài cấp cơ sở, 304 chuyên đề nghiên cứu khoa học, 137 chuyên đề thông tin khoa học, tổ chức 05 cuộc khảo sát, điều tra độc lập ngoài các đề tài nghiên cứu. Đây cũng là những kết quả đóng góp của VNCLP đối với hoạt động của Quốc hội, với khoa học lập pháp và thông tin lập pháp. Nổi bật nhất, theo tôi đánh giá, là việc Viện NCLP được tin tưởng giao chủ trì, phối hợp với các cơ quan của Quốc hội, UBTVQH và một số bộ, ngành liên quan triển khai Đề tài cấp Nhà nước độc lập “Cơ sở lý luận và thực tiễn sửa đổi, bổ sung Hiến pháp năm 1992 phù hợp với tình hình mới” và Chương trình nghiên cứu khoa học cấp bộ “Cơ sở lý luận, thực tiễn xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật phù hợp với Hiến pháp nước Cộng hòa XHCN Việt Nam”. Đây là các nhiệm vụ chính trị quan trọng, trực tiếp, kịp thời phục vụ cho quá trình xây dựng và triển khai thi hành Hiến pháp năm 2013. Sản phẩm của công trình này đã được Chủ tịch Quốc hội chỉ đạo biên soạn thành sách và vinh dự được Bộ Thông tin và Truyền thông và Hội Xuất bản công nhận là Tác phẩm đạt giải B trong toàn quốc. Đây là công trình có sự đóng góp rất lớn, tâm huyết và trí tuệ của các nhà khoa học, của cán bộ, viên chức, người lao động của Viện NCLP.
Trong mười năm qua, Viện NCLP đã chủ động hoặc theo yêu cầu của Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội, các cơ quan của UBTVQH, đại biểu Quốc hội tổ chức  cung cấp thông tin khoa học lập pháp; tiếp nhận; quản lý; khai thác; phổ biến kết quả nghiên cứu khoa học lập pháp đến các cơ quan, tổ chức, cá nhân để cung cấp phục vụ Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội, các cơ quan thuộc UBTVQH, đại biểu Quốc hội. Kết quả nghiên cứu được các cơ quan của Quốc hội, các cơ quan thuộc UBTVQH, đại biểu Quốc hội ghi nhận và đánh giá tốt.
Để đăng tải, cung cấp, trao đổi thông tin khoa học lập pháp và tuyên truyền, phổ biến thông tin khoa học lập pháp, thực tiễn lập pháp và văn bản quy phạm pháp luật, năm 2013, Tạp chí Nghiên cứu Lập pháp đã được UBTVQH quyết định chuyển về trực thuộc Viện NCLP. Từ đó, Tạp chí Nghiên cứu Lập pháp đã tiếp tục khẳng định mình là một cơ quan báo chí của Quốc hội, một Tạp chí khoa học lập pháp hàng đầu, thu hút được nhiều chuyên gia đầu ngành trong cả nước cùng chung sức nghiên cứu, thông tin, tham mưu phục vụ cho các hoạt động của Quốc hội và từng bước góp phần hoàn thiện cơ sở lý luận về hoạt động lập pháp của nước nhà.
Trong mười năm qua, công tác nghiên cứu khoa học lập pháp, cung cấp thông tin khoa học lập pháp của Viện NCLP được tổ chức đồng bộ, gắn kết với nhau, tạo ra những sản phẩm khoa học có giá trị thực tiễn, tham mưu, phục vụ trực tiếp cho Quốc hội trong hoạt động lập hiến, lập pháp, quyết định các vấn đề quan trọng và giám sát tối cao, được Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội, các cơ quan của UBTVQH và đại biểu Quốc hội ghi nhận, đánh giá tốt. Tuy nhiên, trong công tác nghiên cứu, tham mưu của Viện còn có một số hạn chế, yếu kém:
Một là, các đề tài, chuyên đề nghiên cứu chưa bảo đảm tính đồng bộ, tính hệ thống, mới chỉ tập trung phục vụ cho hoạt động lập pháp, chưa cân đối với phục vụ cho hoạt động giám sát tối cao và quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước;
Hai là, nhiều chuyên đề chưa bám sát vào thực tiễn hoạt động của Quốc hội các cơ quan của Quốc hội, các cơ quan của UBTVQH. Tính dự báo chưa cao, chưa kịp thời, kết quả nghiên cứu thường được nghiệm thu, công bố chậm hơn so với kế hoạch của Quốc hội, UBTVQH;
Ba là, một số đề tài nghiên cứu còn mang nặng tính hàn lâm, chưa giúp giải quyết được những vấn đề về lý luận, về những vướng mắc trong thực tiễn, nhất là những vấn đề còn tranh luận, ý kiến còn khác nhau giữa cơ quan trình dự án và cơ quan thẩm tra;
Bốn là, công tác quản lý hoạt động nghiên cứu khoa học có lúc vẫn chưa được thực hiện đúng quy định của pháp luật về khoa học và công nghệ; vẫn còn tình trạng trùng lắp về đề tài nghiên cứu hoặc một số nội dung nghiên cứu đã lạc hậu so với tình hình của thực tiễn và yêu cầu đổi mới. Công tác thông tin khoa học lập pháp chưa có nhiều ấn phẩm phong phú, cung cấp chưa kịp thời cho đại biểu Quốc hội và các cơ quan của Quốc hội và các tổ chức liên quan.
Thưa các đồng chí,
Lãnh đạo Quốc hội cũng biết rằng, Viện NCLP mới được thành lập, chưa có tiền lệ, nên mô hình tổ chức, hoạt động sẽ cần tiếp tục nghiên cứu, rút kinh nghiệm để hoàn thiện hơn. Chế độ chính sách tài chính, công tác tuyển dụng, đãi ngộ cán bộ khoa học cũng cần được quan tâm hơn, để làm sao chúng ta tuyển dụng được những người thực sự có năng lực nghiên cứu khoa học, có kinh nghiệm công tác thực tiễn và có tầm, có tâm. Có như vậy thì Viện NCLP mới thực hiện được chức năng tham mưu, tư vấn về chính sách cho Quốc hội hiệu quả. Tới đây, Đảng đoàn Quốc hội, UBTVQH sẽ xem xét Đề án tổ chức bên trong các cơ quan giúp việc của Quốc hội, trong đó có Văn phòng Quốc hội và Viện NCLP, xem xét Đề án tự chủ về cơ chế tài chính của Viện giai đoạn 2019 - 2021. Tôi thấy rằng, chúng ta cần xác định rõ hơn về cơ chế hoạt động, công tác tổ chức cán bộ, chức năng, nhiệm vụ của các đơn vị trong Viện và một số đơn vị thuộc VPQH, tránh trùng lắp, chồng chéo chức năng, nhiệm vụ. Và như vậy, Nghị quyết số 1050/2015/UBTVQH13 của UBTVQH
cũng cần được nghiên cứu để sửa đổi phù hợp với tình hình thực tế.
Chúng ta đã nghe đồng chí Tổng biên tập Tạp chí Nghiên cứu Lập pháp phát biểu, hiện đang còn có những sự vướng mắc, chồng chéo về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn giữa các đơn vị của Viện NCLP với các đơn vị của Văn phòng Quốc hội. Và vị trí, vai trò của Tạp chí Nghiên cứu Lập pháp - là một cơ quan nghiên cứu lý luận của Quốc hội nhưng trên thực tế, tổ chức, hoạt động của Tạp chí trong thời gian qua có nhiều bất cập, vướng mắc. Đây là những vấn đề đặt ra để chúng ta có biện pháp hoàn thiện thể chế, làm cơ sở pháp lý cho Tạp chí hoạt động tốt hơn. Tôi khẳng định lại rằng, Tạp chí Nghiên cứu Lập pháp là một cơ quan báo chí của Quốc hội, một đơn vị sự nghiệp công lập hoạt động theo Luật Báo chí, xuất bản thường kỳ để đăng tải, cung cấp, trao đổi thông tin khoa học lập pháp và tuyên truyền, phổ biến thông tin khoa học lập pháp, thực tiễn lập pháp và văn bản quy phạm pháp luật do Quốc hội, UBTVQH ban hành. Xây dựng Tạp chí Nghiên cứu Lập pháp thành một Tạp chí về khoa học lập pháp hàng đầu là nhiệm vụ cần được chúng ta xác định rõ.
Ngoài ra, Viện NCLP cũng đang gặp nhiều khó khăn khác về cơ chế tài chính, về tổ chức, nhân sự. UBTVQH Quốc hội biết rất rõ những khó khăn này và đang từng bước chỉ đạo tháo gỡ. Tôi hy vọng rằng, bắt đầu từ năm 2019, Viện NCLP với đồng chí Viện trưởng mới, đồng chí Bí thư Đảng ủy mới, tập thể lãnh đạo Viện cùng Đảng ủy Viện sẽ đoàn kết, đồng hành cùng các công chức, viên chức và người lao động trong Viện thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ của mình đúng với quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước, đúng định hướng mà Lãnh đạo Quốc hội đặt ra, cũng như đáp ứng được yêu cầu thực tiễn của các cơ quan của Quốc hội và các vị đại biểu Quốc hội.
Trong thời gian tới, Lãnh đạo Quốc hội, UBTVQH sẽ tiếp tục quan tâm, tạo điều kiện thuận lợi, bảo đảm cho Viện hoạt động hiệu quả và thiết thực hơn. Nhân đây, tôi cũng đề nghị Thường trực Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban, các Ban thuộc UBTVQH và Văn phòng Quốc hội tăng cường hơn nữa việc hợp tác chặt chẽ, hỗ trợ và đặt hàng Viện NCLP, để Viện NCLP thể hiện được vai trò là cơ quan tư vấn, tham mưu hiệu quả trong hoạt động lập pháp của Quốc hội và nâng tầm Viện Nghiên cứu Lập pháp xứng đáng là cơ quan nghiên cứu khoa học thuộc UBTVHQ.
Tôi đề nghị Viện cần thực hiện tốt một số nội dung sau đây:
Trước hết, xây dựng Đề án sắp xếp lại tổ chức bộ máy tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả theo tinh thần và nội dung Nghị quyết Trung ương 6 Khóa XII, trong đó có Nghị quyết số 18 và Nghị quyết số 19. Đặc biệt chú ý, xác định Tạp chí Nghiên cứu Lập pháp là đơn vị hoạt động theo cơ chế tự chủ, là cơ quan ngôn luận - lý luận. Hiện tại Tạp chí trực thuộc Viện nhưng vị trí của Tạp chí như thế nào với tư cách là đơn vị sự nghiệp công lập thì trong Đề án phải làm rõ và báo cáo với UBTVQH;
Hai là, Viện phải xây dựng sự đoàn kết, nhất trí trong tập thể Lãnh đạo Viện, Ban chấp hành Đảng bộ và toàn thể cán bộ, công chức, viên chức người lao động trong Viện. Chỉ có đoàn kết mới có thể tạo nên sức mạnh và sự thống nhất;
Ba là, phát huy dân chủ, bảo đảm công khai, minh bạch, đúng quy định trong quản lý tài chính, tài sản, trong quản lý và thực hiện các nhiệm vụ khoa học, tổ chức thực hiện Đề án tự chủ và cơ chế tài chính của Viện NCLP sẽ được UBTVQH xem xét, phê duyệt;
Bốn là, tổ chức nghiên cứu và nghiên cứu khoa học phải sát với thực tiễn hoạt động của Quốc hội, UBTVQH, Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội, các cơ quan của UBTVQH. Tổ chức thực hiện tốt định hướng nhiệm vụ khoa học giai đoạn 2018-2021 đã được UBTVQH phê chuẩn. Những đề tài của năm 2018 chuyển sang năm 2019 cần được tiến hành rà soát lại cho phù hợp với tình hình thực tiễn, bám sát Chương trình xây dựng Luật, pháp lệnh của Quốc hội, UBTVQH;
Năm là, có cơ chế tập hợp, huy động được đông đảo đội ngũ cộng tác viên và đẩy mạnh hợp tác quốc tế với một số Viện Nghiên cứu Lập pháp của Quốc hội các nước, các đại sứ quán và các tổ chức quốc tế. Đây cũng là định hướng cần được Viện chú ý trong thời gian tới. Chúng ta nhớ lại, khi thành lập Viện Nghiên cứu Lập pháp, đồng chí Tổng bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng, nguyên Chủ tịch Quốc hội khóa XII đã rất quan tâm chỉ đạo hoạt động của Viện Nghiên cứu Lập pháp. Đồng chí có nói, Viện Nghiên cứu Lập pháp phải là trung tâm, là đầu mối để tập hợp, huy động các chuyên gia, nhà khoa học để cùng với Viện nghiên cứu triển khai các đề tài nghiên cứu chứ không chỉ riêng cán bộ nghiên cứu khoa học của Viện mà có thể làm được tất cả các nhiệm vụ khoa học của Quốc hội, của các cơ quan của Quốc hội. Có ý kiến cho rằng, thời gian gần đây có một số nhà khoa học không thường xuyên cộng tác với Viện, thì chúng ta phải nhìn lại mình. Tới đây, Viện phải chấn chỉnh lại hoạt động này, phải huy động được các nhà khoa học, các chuyên gia, nhà quản lý cả trong và ngoài Quốc hội, trong nước và quốc tế;
Sáu là, sớm nghiên cứu để sửa đổi, bổ sung trình các cơ quan có thẩm quyền ban hành các quy định, quy chế liên quan đến tổ chức, hoạt động của Viện, trong đó có Quy chế hoạt động của Viện, Quy chế chi tiêu nội bộ, Quy chế thi đua, khen thưởng v.v..
Bảy là, triển khai và thực hiện nghiêm túc Kết luận của Ủy ban Kiểm tra Đảng ủy Cơ quan Văn phòng Quốc hội, đồng thời có phương án khắc phục triệt để những sai sót; phối hợp chặt chẽ, có hiệu quả với Thường trực Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội, Văn phòng Quốc hội, các Ban thuộc UBTVQH, các bộ, ban ngành hữu quan, các địa phương trong quá trình thực thi nhiệm vụ nghiên cứu khoa học lập pháp, cung cấp thông tin khoa học lập pháp để có báo cáo kịp thời với Quốc hội và UBTVQH.
Tôi thấy rằng, Viện NCLP hiện nay đã làm được rất nhiều việc, có nhiều sản phẩm nhưng việc công bố, tuyên truyền những sản phẩm của Viện còn rất hạn chế. Ngay một số đồng chí trong UBTVQH cũng ít được tiếp cận những sản phẩm này. Tới đây, các đồng chí phải thay đổi cách làm, để các sản phẩm của Viện NCLP nhanh chóng đến được với người cần, đó là các đồng chí Ủy viên UBTVQH, các đại biểu Quốc hội. Chúng ta phải bám sát vào lịch họp của UBTVQH, của Quốc hội tại các kỳ họp để chủ động thông tin sớm những vấn đề mà UBTVQH, Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội và đại biểu Quốc hội đang chờ, đang cần.
Năm 2019 và Tết Kỷ Hợi sắp đến, thay mặt UBTVQH, tôi xin chúc toàn thể cán bộ, công chức, viên chức người lao động trong Viện NCLP, các vị khách quý cùng gia đình các đồng chí, một năm mới dồi dào sức khỏe, hạnh phúc và thành công, cùng nhau phấn đấu xây dựng Viện NCLP thành một trung tâm nghiên cứu khoa học lập pháp hàng đầu của cả nước.
Xin trân trọng cám ơn các đồng chí!

 

1 Tiêu đề bài phát biểu đề do BBT Tạp chí đặt.