Tội phạm có tổ chức xuyên quốc gia và Công ước Palermo năm 2000

01/12/2018

PGS.TS. NGUYỄN THỊ THUẬN

Khoa Pháp luật Quốc tế, Đại học Luật Hà Nội.

Tóm tắt: Tội phạm có tổ chức xuyên quốc gia là loại hình tội phạm nguy hiểm và gây hậu quả tiêu cực cho đời sống quốc tế. Sự ra đời của Công ước Palermo phòng chống loại hình tội phạm này là hết sức cần thiết. Công ước là một trong những công cụ pháp lý quốc tế hữu hiệu trong đấu tranh chông tội phạm có tổ chức xuyên quốc gia.
Từ khóa: tội phạm; tội phạm có tổ chức; tội phạm xuyên quốc gia; Công ước Palermo
Abstract: Transnational organized crime is a dangerous one which puts negative consequences to the international life. The adoption of the Palermo Convention against the transnational organized crime was very crucial. The Convention is one of the most effective international legal instruments in combating the transnational organized crime.
Keywords: Crima, organized crime; transnational crime; Palermo Convention.
Untitled_119.jpg
Ảnh minh họa: nguồn internet
Hội nghị quốc tế lần thứ 8 về ngăn chặn tội phạm được triệu tập trong khuôn khổ Liên hiệp quốc vào năm 1990 đã thông qua nghị quyết định hướng cơ bản các đường lối, chủ trương về ngăn chặn và kiểm soát tội phạm có tổ chức, đồng thời các điều ước quốc tế mẫu về vấn đề chống tội phạm xuyên quốc gia cũng đã được thông qua. Tại Hội nghị lần thứ 9 về chống tội phạm được tổ chức tại Ai Cập năm 1995 với đại diện của 140 quốc gia, cộng đồng quốc tế thông qua các khuyến nghị về 4 vấn đề nghị sự cơ bản, trong đó có vấn đề về các biện pháp đấu tranh chống tội phạm có tổ chức xuyên quốc gia. Đây là các khuyến nghị có ý nghĩa và tác động quan trọng đến tiến trình đấu tranh chống tội phạm có tổ chức xuyên quốc gia. Dựa trên cơ sở các khuyến nghị và điều ước quốc tế mẫu chống tội phạm có tổ chức xuyên quốc gia, cộng đồng quốc tế đã tiến hành soạn thảo và thông qua Công ước quốc tế Chống tội phạm có tổ chức xuyên quốc gia tại trụ sở Liên hiệp quốc vào năm 2000[1].
1. Quan niệm về tội phạm có tổ chức xuyên quốc gia
Từ cả góc độ nghiên cứu và thực tiễn, tội phạm có tổ chức xuyên quốc gia là loại tội phạm nằm trong phạm vi điều chỉnh của định chế tội phạm có tính chất quốc tế. Việc nghiên cứu làm rõ quan niệm, các đặc trưng của tội phạm có tổ chức xuyên quốc gia không thể tách rời quá trình tìm hiểu và phân tích tội phạm hình sự có tính chất quốc tế. Tội phạm có tính chất quốc tế bao trùm lên các hành vi tội phạm có tổ chức xuyên quốc gia. Theo khoa học luật hình sự quốc tế, tội phạm có tổ chức xuyên quốc gia là một trong những loại tội phạm có tính chất quốc tế đặc thù.
Về bản chất pháp lý, tội phạm có tính chất quốc tế được coi là tội phạm hình sự chung, được thực hiện bởi các cá nhân hoặc băng nhóm tội phạm đơn lẻ và có chứa đựng “yếu tố nước ngoài”. Loại tội phạm này gây ra thiệt hại về các mặt kinh tế, tài chính, xã hội… không chỉ cho một quốc gia mà còn cho một số quốc gia, đặc biệt có thể tác động tiêu cực có tính toàn cầu. Điển hình như tội phạm khủng bố quốc tế.
Chủ thể thực hiện tội phạm có tính chất quốc tế là các cá nhân hay băng nhóm tội phạm hoạt động với tư cách cá nhân, không đại diện cho quốc gia như trường hợp tội phạm quốc tế. Dấu hiệu cơ bản của loại tội phạm này là sự hiện diện của “yếu tố nước ngoài” trong nó. Sự thể hiện “yếu tố nước ngoài” trong hành vi tội phạm rất đa dạng và không dễ xác định. Nhìn chung, yếu tố nước ngoài của hành vi tội phạm có thể là hành vi này được thực hiện trên lãnh thổ nhiều quốc gia, hoặc được thực hiện ở một quốc gia nhưng gây thiệt hại nghiêm trọng cho quốc gia khác… Điều này có nghĩa, tội phạm có tính chất quốc tế thường có tính chất xuyên biên giới. Thuộc về nhóm tội phạm có tính chất quốc tế là tội cướp biển, tội buôn bán chất ma túy, tội buôn bán nô lệ, tội làm tiền giả… và gần đây nhất là các loại tội phạm tham nhũng, tội phạm có tổ chức xuyên quốc gia… Các loại tội phạm có tính chất quốc tế ngày càng trở nên phức tạp và tinh vi hơn khi được thực hiện với các công cụ công nghệ hiện đại.
Trong lý luận cũng như thực tiễn quan hệ quốc tế, các học giả nghiên cứu luật hình sự quốc tế đã đưa ra các đặc trưng của loại hình tội phạm có tính chất quốc tế như sau:
Thứ nhất, về nguyên tắc, thẩm quyền tài phán đối với tội phạm có tính chất quốc tế là thẩm quyền tài phán quốc gia. Tuy nhiên, có ngoại lệ đối với tội phạm diệt chủng, tội ác chống con người, không chỉ quốc gia có quyền xét xử, mà cộng đồng quốc tế với thẩm quyền tài phán quốc tế cũng có thẩm quyền trừng trị 2 loại tội phạm này, bởi vì 2 loại tội phạm trên được coi đồng thời là tội phạm quốc tế và tội phạm có tính chất quốc tế[2].
Thứ hai, công cụ pháp lý quốc tế hiệu quả nhất đấu tranh phòng chống tội phạm có tính chất quốc tế là các điều ước quốc tế, đặc biệt là các điều ước quốc tế đa phương toàn cầu và khu vực. Các điều ước này quy định các quốc gia thành viên có nghĩa vụ thực hiện cam kết quốc tế bằng các phương thức chuyển hóa (nội luật hóa), dẫn chiếu điều ước quốc tế hoặc sử dụng luật trong nước. Đồng thời đưa ra các nguyên tắc phân định thẩm quyền xét xử đối với tội phạm có tính chất quốc tế.
Thứ ba, trong các điều ước quốc tế đa phương, khu vực luôn có quy tắc định danh tội phạm với các thành phần cấu thành nó và nghĩa vụ trừng trị bắt buộc các loại tội phạm có tính chất quốc tế như là tội phạm nghiêm trọng theo luật của quốc gia - nơi xét xử và trừng phạt, như khoản 1 Điều 2 Công ước Chống khủng bố bằng bom năm 1997 và một loạt các công ước quốc tế khác trong định chế tội phạm có tính chất quốc tế quy định…
Thứ tư, nguyên tắc aut dedere aut judicarc (hoặc xét xử hoặc dẫn độ) là nguyên tắc đặc thù đối với loại tội phạm có tính chất quốc tế. Nguyên tắc này quy định: quốc gia, nơi kẻ tội phạm đang có mặt, phải có nghĩa vụ hoặc là xét xử và trừng phạt thủ phạm, hoặc là dẫn độ cho nước khác xét xử. Dựa trên nền tảng các điều ước hữu quan, hiệu lực của các điều ước chuyên biệt về dẫn độ luôn bao trùm lên các tội phạm có tính chất quốc tế, đồng thời chính các điều ước quốc tế về các loại tội phạm có tính chất quốc tế cũng có thể được coi là cơ sở pháp lý độc lập để dẫn độ[3].
Có thể thấy rằng, quan niệm, các đặc trưng của tội phạm có tính chất quốc tế được phân tích ở trên hoàn toàn được thể hiện rõ ràng trong Công ước Palermo về Chống tội phạm có tổ chức xuyên quốc gia (Công ước Palermo) với những sự khác biệt nhất định đặc thù cho loại tội phạm này, mặc dù tội phạm có tổ chức xuyên quốc gia được xếp trong thành phần định chế tội phạm có tính chất quốc tế.
Định nghĩa tội phạm có tổ chức xuyên quốc gia
Trong Công ước Palermo năm 2000 có ghi nhận định nghĩa về tội phạm có tổ chức xuyên quốc gia và xác lập phạm vi điều chỉnh của Công ước, theo đó, tội phạm có tổ chức xuyên quốc gia là hành vi phạm tội được thực hiện ở nhiều quốc gia hoặc được thực hiện ở một quốc gia, nhưng phần chủ yếu của việc chuẩn bị, lên kế hoạch, chỉ đạo hay điều khiển việc thực hiện tội phạm lại diễn ra ở một quốc gia khác, hoặc đây là hành vi tội phạm được thực hiện ở một quốc gia nhưng có liên quan đến một nhóm tội phạm có tổ chức tham gia thực hiện các hoạt động tội phạm ở nhiều quốc gia, hoặc tội phạm được thực hiện ở một quốc gia nhưng có ảnh hưởng nghiêm trọng đến một quốc gia khác[4].
Trong định nghĩa nêu trên, tính chất xuyên quốc gia (xuyên biên giới) được thể hiện rất đa dạng, nhưng hành vi phạm tội phải liên quan tới ít nhất từ 2 quốc gia. “Nhóm tội phạm có tổ chức” là nhóm có thành phần cấu thành từ 3 cá nhân trở lên và tồn tại trong một thời gian nhất định, đồng thời hoạt động của nhóm như vậy có phối hợp với nhau nhằm mục đích thực hiện một hay nhiều tội phạm nghiêm trọng hoặc các hành vi phạm tội đã được quy định trong Công ước này nhằm trực tiếp hoặc gián tiếp đạt được các lợi ích nhất định về tài chính hay vật chất khác [5].
Công ước Palermo đã rất chú trọng tới mối quan hệ giữa tính “có tổ chức” và “xuyên quốc gia” của hành vi tội phạm. Mối quan hệ này được nhấn mạnh trong nội dung pháp lý của Công ước với những giải thích cụ thể và rõ ràng. Phạm vi điều chỉnh của Công ước Palermo rộng, bao trùm các hành vi sau đây:
+ Hành vi tham gia nhóm tội phạm có tổ chức là những hành vi được thực hiện một cách cố ý, thỏa thuận với một hoặc nhiều người để thực hiện tội phạm nghiêm trọng hoặc liên quan đến hành vi do một thành viên thực hiện để thỏa thuận hoặc liên quan đến nhóm tội phạm có tổ chức, nếu luật quốc gia quy định như vậy. Ngoài ra, hành vi tham gia nhóm tội phạm còn là hành vi cố ý đóng vai trò tích cực trong hoạt động tội phạm của nhóm tội phạm có tổ chức, những hoạt động khác của nhóm tội phạm này cũng như hành vi chỉ đạo, tổ chức hỗ trợ, khuyến khích, tạo điều kiện hoặc xúi giục việc thực hiện tội phạm nghiêm trọng liên quan đến nhóm tội phạm có tổ chức.
+ Hành vi hợp pháp hóa tài sản do phạm tội là các hành vi chuyển đổi, chuyển giao tài sản do phạm tội mà có nhằm che giấu nguồn gốc bất hợp pháp hoặc nhằm giúp đỡ bất cứ người nào phạm tội lẩn tránh pháp luật, hoặc là hành vi che giấu bản chất thực sự, nguồn gốc, địa điểm, việc chuyển nhượng, việc vận chuyển, quyền sở hữu hay những quyền khác đối với tài sản, là các hành vi chiếm hữu, sở hữu hoặc sử dụng tài sản do phạm tội mà có, cuối cùng hành vi hợp pháp hóa tài sản do phạm tội còn là các hành vi tham gia, liên kết hay thông đồng thực hiện, hỗ trợ, xúi giục, tạo điều kiện và thực hiện bất kỳ tội phạm nào được liệt kê ở trên (Công ước lưu ý việc các hành vi hợp pháp hóa tài sản nêu trên được định danh là tội phạm phải dựa trên và phù hợp với luật quốc gia có liên quan).
+ Hành vi tham nhũng cũng là loại tội phạm thuộc phạm vi điều chỉnh của Công ước Palermo. Theo quy định, đây là các hành vi cố ý, hứa hẹn, đề nghị trực tiếp hay gián tiếp một mối lợi không chính đáng cho một viên chức nhà nước hay thực thể khác, để viên chức đó hành động hoặc không hành động, cũng như hành vi gạ gẫm hoặc chấp nhận trực tiếp hay gián tiếp của viên chức nhà nước đối với một mối lợi nào đó không chính đáng giành cho người đó hay thực thể khác để viên chức nhà nước hành động hoặc không hành động trong khi thực hiện công cụ của mình.
+ Hành vi cản trở hoạt động tư pháp là tội phạm. Đây là hành vi sử dụng, đe dọa sử dụng vũ lực hoặc hăm dọa, hứa hẹn, đề nghị hoặc cung cấp một mối lợi không chính đáng để người bị thẩm vấn khai sai sự thật hoặc để can thiệp vào việc đưa ra lời khai hay chứng cứ trong vụ án liên quan đến tội phạm được điều chỉnh trong Công ước. Đồng thời, theo Công ước các hành vi sử dụng, đe dọa sử dụng vũ lực hoặc hăm dọa nhằm can thiệp vào việc thực hiện các nhiệm vụ chính thức của nhân viên tư pháp hoặc hành pháp liên quan đến các tội phạm được điều chỉnh theo Công ước đều là hành vi tội phạm.
+ Hành vi phạm tội nghiêm trọng là hành vi phạm tội có thể bị trừng trị theo khung hình phạt từ ít nhất là 4 năm hoặc một hình phạt nặng hơn.
Đặc điểm của tội phạm có tổ chức xuyên quốc gia
Với tính chất là một trong các loại hình của tội phạm quốc tế, tội phạm có tổ chức xuyên quốc gia có đặc điểm là: Tội phạm có tổ chức xuyên quốc gia là một trong số ít tội phạm có tính chất quốc tế có thể được truy cứu trách nhiệm pháp lý đối với cả pháp nhân. Tùy theo pháp luật quốc nội, trách nhiệm này có thể là hình sự, dân sự hay hành chính. Trách nhiệm pháp lý của pháp nhân phát sinh trong trường hợp pháp nhân tham gia các hành vi phạm tội thuộc diện điều chỉnh của Công ước liên quan đến nhóm tội phạm có tổ chức. Trong định chế tội phạm có tính chất quốc tế, không nhiều điều ước quốc tế về loại tội phạm này có quy định về trách nhiệm pháp lý của pháp nhân.
2. Thẩm quyền tài phán đối với tội phạm có tổ chức xuyên quốc gia
Việc xác định thẩm quyền tài phán đối với tội phạm có tính chất quốc tế là rất quan trọng, đặc biệt đối với tội phạm có tổ chức xuyên quốc gia. Về nguyên tắc, thẩm quyền tài phán đối với các loại tội phạm có tính chất quốc tế thuộc về quốc gia. Chỉ có quốc gia mới có quyền xét xử và trừng phạt loại tội phạm này tại tòa án và theo luật hình sự quốc gia. Thực tiễn cho thấy, thẩm quyền tài phán quốc gia về hình sự được xác định dựa trên các nguyên tắc: nguyên tắc lãnh thổ; nguyên tắc quốc tịch; nguyên tắc an ninh quốc gia; nguyên tắc phổ cập (nguyên tắc thẩm quyền tài phán toàn cầu).
Công ước Palermo cũng sử dụng các nguyên tắc cơ bản trên đây với các “phiên bản” riêng biệt và đặc thù phù hợp với thực tế diễn biến của tội phạm có tổ chức xuyên quốc gia trong đời sống quốc tế. Theo quy định của Công ước, mỗi quốc gia thành viên sẽ thông qua các biện pháp cần thiết để thiết lập quyền tài phán của mình đối với những hành vi phạm tội thuộc phạm vi điều chỉnh của Công ước với các nguyên tắc sau đây:
- Hành vi phạm tội được thực hiện trên lãnh thổ của quốc gia thành viên đó - nguyên tắc lãnh thổ, cụ thể là lãnh thổ của quốc gia, nơi hành vi phạm tội được thực hiện.
- Hành vi phạm tội được thực hiện trên boong tàu mang cờ của quốc gia thành viên đó hoặc trên máy bay đăng tịch tại quốc gia thành viên vào thời điểm xảy ra hành vi tội phạm - nguyên tắc quốc tịch tàu thuyền và phương tiện bay được sử dụng để xác định thẩm quyền tài phán. Việc áp dụng nguyên tắc này là cần thiết vì tính đặc thù của tội phạm có tổ chức xuyên quốc gia.
- Quốc gia thành viên cũng sẽ có thẩm quyền tài phán đối với hành vi phạm tội được thực hiện chống lại công dân nước mình - nguyên tắc quốc tịch thụ động), cũng như hành vi phạm tội do công dân của mình, hay người không quốc tịch thường trú trên lãnh thổ nước mình thực hiện - nguyên tắc quốc tịch chủ động và cư trú.
- Quyền tài phán được dành cho quốc gia thành viên, khi tội phạm hợp pháp hóa tài sản phạm tội có được do thực hiện ở nước ngoài nhằm thực hiện một tội phạm nghiêm trọng cho quốc gia đó[6].
- Mọi quốc gia thành viên “thông qua các biện pháp cần thiết” để thiết lập thẩm quyền tài phán của mình đối với những hành vi phạm tội thuộc phạm vi điều chỉnh của Công ước, khi nghi phạm đang hiện diện trên lãnh thổ của nước mình và quốc gia không dẫn độ nghi phạm này[7].
Như vậy, các nguyên tắc xác định thẩm quyền tài phán đối với tội phạm có tổ chức xuyên quốc gia tương đối đa dạng. Bên cạnh các nguyên tắc truyền thống của luật hình sự quốc tế, Công ước còn ghi nhận các nguyên tắc chuyên biệt đặc thù đối với tội phạm có tổ chức xuyên quốc gia.
3. Hợp tác đấu tranh phòng chống tội phạm xuyên quốc gia
Dẫn độ tội phạm có tổ chức xuyên quốc gia
Trong khoa học luật hình sự quốc tế, dẫn độ tội phạm là một định chế quan trọng. Do tính chất phức tạp của hoạt động dẫn độ nên luật pháp của các quốc gia thường “thiết kế” dẫn độ là một phần riêng biệt, độc lập trong luật tương trợ tư pháp[8], hoặc xây dựng luật dẫn độ độc lập. Công ước Palermo có quy định riêng về dẫn độ như sau:
Thứ nhất, phạm vi và cơ sở pháp lý dẫn độ.
Về phạm vi, Công ước quy định rõ các quy tắc về dẫn độ sẽ được áp dụng đối với các hành vi phạm tội thuộc phạm vi điều chỉnh của Công ước, hoặc hành vi phạm tội có liên quan đến nhóm tội phạm có tổ chức và đối tượng của yêu cầu dẫn độ đang sống ở quốc gia thành viên được yêu cầu với điều kiện là hành vi phạm tội bị dẫn độ “đáng bị trừng phạt” theo luật trong nước của quốc gia yêu cầu và được yêu cầu. Bên cạnh đó, Công ước còn mở rộng phạm vi dẫn độ, khi cho phép các quốc gia thành viên có quyền yêu cầu dẫn độ cả các tội phạm nghiêm trọng khác nhau, trong đó có một số tội không được Công ước này điều chỉnh, thì quốc gia được yêu cầu vẫn có thể thực hiện các yêu cầu này theo quy định của Công ước.
Công ước cũng xác lập cơ sở pháp lý để dẫn độ. Đây được coi là nền tảng pháp lý quốc tế cho quốc gia yêu cầu đưa ra quyền, còn quốc gia được yêu cầu có nghĩa vụ thực hiện dẫn độ[9]. Tuy nhiên, Công ước cũng chấp nhận quyền và nghĩa vụ của các quốc gia có liên quan đến dẫn độ được quy định trong hiệp định dẫn độ chuyên môn giữa chúng là hợp pháp. Công ước đã quy định và khuyến khích các quốc gia thành viên nên ký các hiệp định chuyên môn về dẫn độ trong tương lai và các tội phạm có tổ chức xuyên quốc gia phải được ghi nhận trong các hiệp định chuyên môn này[10].
Thứ hai, không dẫn độ và hệ quả pháp lý.
Công ước Palermo quy định và chấp nhận các trường hợp không dẫn độ sau đây:
- Không dẫn độ vì người bị yêu cầu dẫn độ là công dân của nước mình.
- Có thể từ chối không dẫn độ nếu có đủ cơ sở cho rằng yêu cầu dẫn độ nhằm truy tố hay trừng phạt vì lý do giới tính, tôn giáo, chủng tộc, quốc tịch, nguồn gốc dân tộc hay quan điểm chính trị của cá nhân bị yêu cầu dẫn độ.
- Có thể không dẫn độ vì lý do hành vi phạm tội liên quan đến các vấn đề thuộc lĩnh vực tài chính quốc gia.
Công ước Palermo quy định về các trường hợp không dẫn độ cũng tương tự như quy định trong hầu hết các điều ước quốc tế về phòng chống tội phạm khác. Tuy nhiên, Công ước quy định nghĩa vụ của quốc gia thành viên, nếu không dẫn độ thì phải chuyển giao ngay vụ việc cho các cơ quan có thẩm quyền nhằm tiến hành các thủ tục truy tố nhằm đảm bảo công lý luôn được thực thi và tuân thủ.
Tương trợ tư pháp hình sự
Tội phạm có tính chất quốc tế nói chung và tội phạm có tổ chức xuyên quốc gia nói riêng là loại hình tội phạm chỉ có thể bị truy cứu và trừng phạt hiệu quả khi có sự hợp tác quốc tế chặt chẽ trong lĩnh vực tố tụng. Do các hoạt động tố tụng hình sự trong các vụ việc liên quan đến loại tội phạm này không chỉ diễn ra ở một quốc gia mà ở nhiều nước, vì thế cần có sự tương trợ tư pháp của các quốc gia có liên quan. Quy định hiện hành của Công ước Palermo về tương trợ tư pháp trong các vụ việc liên quan đến tội phạm có tổ chức xuyên quốc gia yêu cầu các quốc gia thành viên tương trợ tư pháp hiệu quả nhất cho quốc gia thành viên khác trong việc điều tra, truy tố và xét xử các hành vi phạm tội thuộc phạm vi điều chỉnh của Công ước. Việc tương trợ pháp lý liên quan đến các nạn nhân, nhân chứng, tài sản, phương tiện hoặc chứng cứ của các hành vi phạm tội đó đang ở tại quốc gia thành viên được yêu cầu và có liên quan đến nhóm tội phạm có tổ chức. Ngoài ra, các quốc gia thành viên được yêu cầu sẽ thực hiện tương trợ pháp lý trong khả năng của mình, phù hợp với luật pháp, các điều ước có liên quan của mình đối với các thủ tục điều tra, tố tụng… đối với các hành vi phạm tội mà một pháp nhân có thể phải gánh chịu trách nhiệm pháp lý tại quốc gia thành viên yêu cầu.
Với quy định nêu trên, phạm vi tương trợ pháp lý của Công ước Palermo đã được mở rộng hơn, không chỉ đối với trách nhiệm pháp lý của cá nhân, mà còn bao gồm cả tương trợ pháp lý trong việc truy cứu trách nhiệm của pháp nhân. Nhưng mức độ tương trợ pháp lý có khác nhau: các quốc gia có nghĩa vụ tương trợ pháp lý trong các vụ việc liên quan nhằm truy cứu trách nhiệm hình sự của các cá nhân nằm trong thành phần nhóm tội phạm có tổ chức, còn đối với các pháp nhân chịu trách nhiệm thì tùy theo khả năng và phù hợp với luật quốc gia và điều ước quốc tế của mình, quốc gia được yêu cầu có thể thực hiện việc tương trợ này, nghĩa là mức độ ràng buộc không cao[11].
Mục đích tương trợ pháp lý rất đa dạng, quốc gia thành viên có thể yêu cầu tương trợ pháp lý nhằm lấy chứng cứ hoặc lời khai của nạn nhân hay nhân chứng; thực hiện tống đạt giấy tờ tư pháp có liên quan đến vụ việc; thực hiện khám xét, tạm giữ và niêm phong cũng như khám nghiệm đồ vật và hiện trường; nhận dạng hoặc phát hiện tài sản do phạm tội mà có, cũng như tài sản, công cụ hoặc các vật dụng khác nhằm mục đích thu thập chứng cứ….
Công ước Palermo để ngỏ khả năng yêu cầu là rất rộng khi ghi nhận bất kỳ hình thức tương trợ nào cũng được phép, miễn là phù hợp với luật quốc gia của nước được yêu cầu. Bảo mật ngân hàng không được coi là lý do để quốc gia được yêu cầu từ chối tương trợ pháp lý, nhưng có thể từ chối tương trợ tư pháp với lý do không tồn tại “trách nhiệm hình sự song song” trong luật hình sự. Cho dù vậy, quốc gia thành viên được yêu cầu nếu thích hợp thì có thể tương trợ tư pháp theo chừng mực tùy ý, bất kể hành vi đó có là tội phạm hay không theo luật của quốc gia được yêu cầu[12].
Về nguyên tắc, Công ước Palermo quy định mọi yêu cầu tương trợ pháp lý sẽ được thực hiện phù hợp với luật của quốc gia thành viên được yêu cầu và “nếu có thể” phù hợp với các thủ tục được nêu trong yêu cầu trong chừng mực không trái với luật quốc gia của nước này[13].
Theo Công ước, yêu cầu tương trợ có thể bị từ chối trong các trường hợp: yêu cầu tương trợ pháp lý không phù hợp với các quy định về vấn đề này của Công ước; quốc gia thành viên được yêu cầu cho rằng việc thực hiện yêu cầu tương trợ pháp lý có thể gây phương hại tới chủ quyền, an ninh quốc gia, trật tự công cộng hoặc các lợi ích thiết yếu khác của quốc gia; luật trong nước của quốc gia được yêu cầu không cho phép các cơ quan chức năng của quốc gia thực hiện các yêu cầu liên quan đến bất kỳ hành vi phạm tội nào tương tự thuộc diện điều tra, truy tố hoặc xét xử theo thẩm quyền của chính cơ quan chức năng này…
Bên cạnh các trường hợp từ chối, Công ước còn chấp nhận cả trường hợp trì hoãn việc thực hiện tương trợ pháp lý với lý do việc đó có thể gây ra trở ngại và khó khăn cho các thủ tục điều tra, tố tụng hoặc xét xử đang được tiến hành.
Ngoài ra, Công ước còn ghi nhận các vấn đề hợp tác quốc tế về các lĩnh vực chuyên môn như hợp tác trong phối hợp điều tra và các kỹ thuật điều tra đặc biệt; hợp tác hành pháp giữa các nước thành viên; hợp tác quốc tế trong đào tạo, hỗ trợ công nghệ và phát triển kinh tế…
Các quốc gia thành viên có thể ký kết các hiệp định, các thỏa thuận song phương hoặc đa phương về hỗ trợ vật chất và hậu cần, có lưu ý tới các thỏa thuận tài chính cần thiết đảm bảo các biện pháp hợp tác quốc tế theo quy định của Công ước được thực thi, tuân thủ có hiệu quả cũng như để phòng ngừa, phát hiện và kiểm soát các loại tội phạm có tổ chức xuyên quốc gia.
Trở thành thành viên của Công ước[14], Việt Nam có thêm cơ sở pháp lý để bảo hộ quyền và lợi ích hợp pháp của Nhà nước, công dân và pháp nhân Việt Nam, có thể tiếp cận và nhận được những trợ giúp cần thiết về pháp lý và kỹ thuật trong lĩnh vực hình sự… góp phần đấu tranh hiệu quả với tội phạm có tổ chức xuyên quốc gia ở Việt Nam. Thực tiễn nội luật hóa các điều ước quốc tế trong lĩnh vực hình sự của Việt Nam trong thời gian qua có vai trò quan trọng đối với việc hoàn thiện pháp luật nói chung và pháp luật hình sự của Việt Nam nói riêng. Điển hình là quy định về trách nhiệm hình sự của pháp nhân thương mại. Quy định này là kết quả của việc nội luật hóa các quy định tương ứng trong Công ước Palermo năm 2000; Công ước về Phòng, chống tham nhũng năm 2003 …. Tuy nhiên, quy định của Bộ luật Hình sự năm 2015 hiện vẫn đang có cách hiểu và giải thích khác nhau, gây nhiều tranh cãi và khó áp dụng thống nhất trong thực tiễn. Vì vậy, sự vào cuộc của các nhà khoa học và những người làm công tác thực tiễn là điều kiện đảm bảo việc khai thác, sử dụng hiệu quả những điều ước quốc tế và văn bản pháp luật quốc gia trong công cuộc đấu tranh phòng chống tội phạm có tổ chức xuyên quốc gia ở Việt Nam/.
 

 

 


[1] Công ước có hiệu lực với Việt Nam từ ngày 8/6/2012.
[2] Nguyễn Thị Thuận, Luật hình sự quốc tế, Nxb. Công an nhân dân, Hà Nội, 2007.
[3] Xem thêm khoản 10 Điều 16 Công ước Palecmo năm 2000.
[4] Điều 3 Công ước Palermo năm 2000.
[5] Điều 2 Công ước Palermo năm 2000.
[6] Trong lý luận, đây chính là nguyên tắc an ninh quốc gia và trật tự công cộng.
[7] Nguyên tắc “hoặc dẫn độ hoặc xét xử”.
[8] Xem thêm Luật Tương trợ tư pháp năm 2007.
[9] Khi tham gia các điều ước quốc tế về phòng chống tội phạm như Công ước về trấn áp hành vi khủng bố hạt nhân năm 2005, Công ước về trấn áp hành vi khủng bố Công ước về trấn áp hành vi khủng bố bằng bom năm 1997, Công ước Palecmo năm 2000…Việt Nam thường bảo lưu những điều khoản quy định công ước hữu quan là cơ sở pháp lý của hoạt động dẫn độ với nội dung: không xem công ước là cơ sở pháp lý trực tiếp để dẫn độ, việc dẫn độ được thực hiện trên cơ sở điều ước quốc tế song phương và luật pháp quốc gia.
[10] Xem thêm Điều 16 Công ước Palermo năm 2000.
[11] Điều 18 Công ước Palermo năm 2000.
[12] Khoản 9 Điều 18 Công ước Palermo 2000.
[13] Đây chính là hệ thuộc/nguyên tắc lex fori - nguyên tắc truyền thống trong tố tụng dân sự quốc tế.
[14] Công ước đã có hiệu lực thi hành với Việt Nam kể từ ngày 8/6/2012.

(Nguồn tin: Bài viết đăng tải trên ấn phẩm Nghiên cứu lập pháp số 23(375)-tháng 12/2018)