Ủy quyền lập pháp trong cơ chế phân công, phối hợp, kiểm soát việc thực hiện quyền lập pháp

01/11/2018

GS.TS. TRẦN NGỌC ĐƯỜNG

Viện Nghiên cứu Lập pháp

Tóm tắt: Ủy quyền lập pháp là việc Quốc hội giao cho Chính phủ quy định chi tiết hướng dẫn thi hành một số điều, khoản, điểm trong các đạo luật, bộ luật dưới hình thức nghị định và ban hành nghị định để quy định vấn đề cần thiết thuộc thẩm quyền của Quốc hội, Ủy ban thường vụ Quốc hội nhưng chưa đủ điều kiện xây dựng thành luật hoặc pháp lệnh và giao cho Ủy ban thường vụ Quốc hội ban hành pháp lệnh quy định những vấn đề được Quốc hội giao. Tuy nhiên, để bảo đảm cho việc ủy quyền phù hợp với nguyên tắc phân công, phối hợp, kiểm soát việc thực hiện quyền lực nhà nước là vấn đề cần được nghiên cứu, trao đổi.
Từ khóa: lập pháp; ủy quyền lập pháp; kiểm soát quyền lực; Hiến pháp;Quốc hội
Abstract: Legislative authorization means the National Assembly assigns the Government to provide detailed guidance on the enforcement of a number of articles, clauses and points in the laws and codes in the form of a decree and the Government to promulgate the decrees as legal regulations, but not yet qualified to develop a law or an ordinance, on the concerned subjects under the authority of the National Assembly, the Standing Committee of the National Assembly; and assigns the Standing Committee of the National Assembly to promulgate the ordinance on the concerned subjects under the National Assembly’s authority. However, to ensure the legislative authorization in line with the principle of assignation, coordination and supervision of the enforcement of state power, the matter of legislative authorization needs to be further reviewed, discussed and improved.
Keywords: legislation; legislative authorization; state power controlling; Constitution; National Assembly
Untitled_135.jpg
Ảnh minh họa: nguồn internet
1.  Thế nào là ủy quyền lập pháp ở nước ta
Trước Hiến pháp năm 2013, tổ chức và hoạt động của bộ máy nhà nước ta theo nguyên tắc tập quyền XHCN. Do đó, mô hình lập pháp của nước ta là mô hình Quốc hội có toàn quyền về lập pháp, không phân biệt rạch ròi nhiệm vụ, quyền hạn giữa lập pháp, hành pháp, tư pháp trong xây dựng pháp luật. Trong lập pháp có hành pháp và trong hành pháp có lập pháp. Vì thế, trong các đạo luật, có nhiều điều luật Quốc hội giao cho Chính phủ cụ thể hóa, chi tiết hóa. Văn bản luật đã có hiệu lực thi hành nhưng không đi vào cuộc sống vì chưa có các văn bản dưới luật cụ thể hóa. Lúc bấy giờ, luật do Quốc hội ban hành được gọi là “luật khung” hay “luật ống”. Hay nói cách khác, đây là tình trạng ủy quyền lập pháp tràn lan, không dựa trên nguyên tắc phân quyền minh bạch giữa quyền lập pháp và quyền hành pháp trong xây dựng pháp luật. Và cũng vì thế, có tình trạng văn bản quy phạm pháp luật (VBQPPL) dưới luật quy định trái và vượt quyền của luật, làm cho hệ thống các VBQPPL mâu thuẫn, chồng chéo, vô hiệu hóa lẫn nhau. Tình trạng này như một thói quen, một tập quán kéo dài cho đến ngày nay và vẫn còn ảnh hưởng đến hoạt động lập pháp và lập quy trong điều kiện mới (điều kiện quyền lực nhà nước được tổ chức và hoạt động theo nguyên tắc: phân công, phối hợp, kiểm soát giữa các cơ quan nhà nước trong việc thực hiện các quyền lập pháp, hành pháp, tư pháp).
Hiến pháp năm 2013 là một bước tiến mới về chất trong việc phân định thẩm quyền giữa các quyền lập pháp, hành pháp, tư pháp. Vì thế, trong hoạt động lập pháp của Quốc hội và hoạt động lập quy của Chính phủ đã có sự phân công trách nhiệm rõ ràng hơn. Điều 11 Luật Ban hành VBQPPL năm 2015 đã cụ thể hóa mối quan hệ giữa lập pháp và lập quy bằng một nguyên tắc quy định về văn bản quy định chi tiết như sau:
“1. VBQPPL phải được quy định cụ thể để khi có hiệu lực thì thi hành được ngay. Trong trường hợp văn bản có điều, khoản, điểm mà nội dung liên quan đến quy trình, quy chuẩn kỹ thuật và những nội dung khác cần quy định chi tiết thì ngay tại điều, khoản, điểm đó có thể giao cho cơ quan nhà nước có thẩm quyền quy định chi tiết. Văn bản quy định chi tiết chỉ được quy định nội dung được giao và không được quy định lặp lại nội dung của văn bản được quy định chi tiết.
2.  Cơ quan được giao văn bản quy định chi tiết không được ủy quyền tiếp. Dự thảo văn bản quy định phải được chuẩn bị và trình đồng thời với dự thảo luật, pháp lệnh và phải được ban hành để có hiệu lực cùng thời điểm có hiệu lực của văn bản hoặc điều khoản, điểm được quy định chi tiết.
3.   Trường hợp một cơ quan được giao quy định chi tiết nhiều nội dung của một VBQPPL thì ban hành một văn bản để quy định chi tiết các nội dung đó, trừ trường hợp phải được quy định trong các văn bản khác nhau. Trường hợp một cơ quan được giao quy định chi tiết các nội dung của nhiều VBQPPL khác nhau thì có thể ban hành một văn bản để quy định chi tiết”.
- Theo quy định của khoản 1 Điều 11 Luật Ban hành VBQPPL năm 2015, có thể hiểu đó là quan hệ về ủy quyền lập pháp và ủy quyền lập quy. Theo đó, có hai trường hợp ủy quyền: trường hợp thứ nhất, trong văn bản luật, bộ luật hay pháp lệnh có một số điều, khoản hay điểm quy định giao cho Chính phủ hoặc cơ quan có thẩm quyền quy định chi tiết thi hành hoặc hướng dẫn thi hành. Đây là ủy quyền lập pháp. Trường hợp thứ hai, trong nghị định của Chính phủ có một khoản hay điều nào đó giao cho một bộ hay một cơ quan có thẩm quyền quy định chi tiết hoặc hướng dẫn thi hành. Đây có thể gọi là ủy quyền lập quy. Khoản 2, 3 Điều 11 quy định cách thức thể hiện trong văn bản ủy quyền.
-   Điều 19 Luật Ban hành VBQPPL năm 2015 quy định về nghị định của Chính phủ: “Chính phủ ban hành nghị định để quy định:
“1. Chi tiết, điều, khoản, điểm được giao trong luật, nghị quyết của Quốc hội, pháp lệnh, nghị quyết của Ủy ban thường vụ Quốc hội (UBTVQH)…
2. Các biện pháp cụ thể để tổ chức thi hành Hiến pháp, luật, nghị quyết của Quốc hội; pháp lệnh, nghị quyết của UBTVQH…; các biện pháp để thực hiện chính sách kinh tế, xã hội, quốc phòng, an ninh… quyền, nghĩa vụ của công dân và các vấn đề khác thuộc thẩm quyền quản lý, điều hành của Chính phủ;
3. Vấn đề cần thiết thuộc thẩm quyền của Quốc hội, UBTVQH, nhưng chưa đủ điều kiện xây dựng thành luật hoặc pháp lệnh để đáp ứng yêu cầu quản lý nhà nước, quản lý xã hội. Trước khi ban hành nghị định này phải được sự đồng ý của UBTVQH”.
Có thể xem các điều trên là sự quy định về ủy quyền lập pháp của Quốc hội, UBTVQH cho Chính phủ ban hành dưới hình thức nghị định.
-   Khoản 1 Điều 16 Luật Ban hành VBQPPL năm 2015 quy định: “UBTVQH ban hành pháp lệnh để quy định những vấn đề được Quốc hội giao”. Theo đó, có thể xem UBTVQH ban hành pháp lệnh là một dạng ủy quyền lập pháp của Quốc hội cho UBTVQH.
Tuy Hiến pháp năm 2013 và Luật Ban hành VBQPPL năm 2015 không có một quy định nào sử dụng thuật ngữ ủy quyền lập pháp hay lập pháp ủy quyền, nhưng quy định của các điều nêu trên cho thấy, trong một số trường hợp, Quốc hội giao cho các cơ quan nhà nước khác thực hiện hoạt động lập pháp. Theo đó, có thể gọi các trường hợp này là ủy quyền lập pháp. Có 3 trường hợp sau đây:
+ Trường hợp thứ nhất, Quốc hội giao Chính phủ ban hành nghị định để quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành các điều, khoản, điểm được giao trong luật, nghị quyết của Quốc hội.
+ Trường hợp thứ hai, Quốc hội giao Chính phủ ban hành nghị định để quy định vấn đề cần thiết thuộc thẩm quyền của Quốc hội, UBTVQH nhưng chưa đủ điều kiện xây dựng thành luật hoặc pháp lệnh.
+ Trường hợp thứ ba, Quốc hội ủy quyền cho UBTVQH ban hành pháp lệnh quy định những vấn đề được Quốc hội giao.
Từ các trường hợp ủy quyền lập pháp nêu trên, có thể rút ra định nghĩa ủy quyền lập pháp như sau: Ủy quyền lập pháp là việc Quốc hội giao cho Chính phủ quy định chi tiết hướng dẫn thi hành một số điều, khoản, điểm trong các đạo luật, bộ luật dưới hình thức nghị định và ban hành nghị định để quy định vấn đề cần thiết thuộc thẩm quyền của Quốc hội, UBTVQH nhưng chưa đủ điều kiện xây dựng thành luật hoặc pháp lệnh và giao cho UBTVQH ban hành pháp lệnh quy định những vấn đề được Quốc hội giao.
Theo định nghĩa trên, có thể rút ra một số đặc trưng của ủy quyền lập pháp ở nước ta như sau:
-   Một là, ủy quyền lập pháp thực chất là hoạt động lập pháp nhưng không do Quốc hội được nhân dân trực tiếp ủy quyền thực hiện quyền lập pháp ban hành mà lại được Quốc hội ủy quyền cho cơ quan nhà nước khác ban hành. Có thể gọi VBQPPL do Quốc hội ban hành là VBQPPL nguyên phát, tức là văn bản được sự ủy quyền trực tiếp của nhân dân - chủ thể tối cao của quyền lực nhà nước ban hành. Còn VBQPPL được ủy quyền lập pháp ban hành là VBQPPL thứ phát - văn bản không ra đời từ sự ủy quyền trực tiếp của nhân dân mà thông qua Quốc hội ủy quyền ban hành. Điều đó đòi hỏi ủy quyền lập pháp phải có giới hạn, chặt chẽ, không tràn lan để đảm bảo phân quyền một cách đúng đắn giữa lập pháp và hành pháp, bảo đảm quyền lập pháp thuộc về Quốc hội.
-   Hai là, trong ba trường hợp ủy quyền lập pháp, cần đặc biệt chú ý đến trường hợp ủy quyền lập pháp cho Chính phủ (cơ quan thực hiện quyền hành pháp) ban hành dưới hai loại nghị định. Một loại nghị định được ủy quyền ban hành để quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành các điều, khoản, điểm trong các đạo luật, bộ luật. Loại nghị định này được ủy quyền lập pháp trực tiếp từ các quy định trong các điều, khoản, điểm của các đạo luật, bộ luật do Quốc hội ban hành. Một loại nghị định khác không được ủy quyền trực tiếp từ cơ quan lập pháp mà xuất phát từ thẩm quyền ban hành nghị định của Chính phủ để quy định những vấn đề cần thiết thuộc thẩm quyền của Quốc hội, UBTVQH nhưng chưa có điều kiện xây dựng thành luật hoặc pháp lệnh để đáp ứng yêu cầu quản lý nhà nước, quản lý kinh tế - xã hội. Trước khi ban hành nghị định này phải có sự đồng ý của UBTVQH (để phân biệt với loại nghị định thứ phát nói trên có thể gọi nghị định này là nghị định tiên phát). Loại nghị định này ngày càng nhiều trong điều kiện các quan hệ xã hội thay đổi và phát triển nhanh chóng nhất là trong điều kiện công nghiệp 4.0, hoạt động lập pháp không đáp ứng kịp thời. Vấn đề đặt ra là các loại nghị định này sau một thời gian thi hành các quan hệ xã hội đã hình thành và phát triển ổn định, cần được sớm luật hóa để đảm bảo quyền lập pháp thuộc về Quốc hội.
 2. Mặt tích cực, hạn chế của ủy quyền lập pháp
Ủy quyền lập pháp có những tích cực sau đây:
-   Một là, ủy quyền lập pháp là hoạt động bổ sung cho hoạt động lập pháp, góp phần nâng cao chất lượng của hoạt động lập pháp. Thực tiễn chỉ ra rằng, các đạo luật do Quốc hội ban hành có một số điều luật không thể quy định chi tiết, hoặc nếu quy định chi tiết sẽ rất dễ bị lạc hậu so với thời gian, làm cho luật thiếu ổn định, dễ bị thay đổi. Việc ủy quyền lập pháp cho Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều, khoản, điểm trong các đạo luật là một tất yếu để phát huy vai trò của luật trong các điều kiện cụ thể.
-   Hai là, trong điều kiện ngày nay, nếu như mọi quy định pháp luật đều phải được Quốc hội ban hành dưới dạng là một đạo luật; sẽ là một quá trình tốn kém thời gian và tiền bạc nên không thể đáp ứng kịp thời và hiệu quả công tác quản lý nhà nước, quản lý kinh tế - xã hội[1]. Do đó, việc ủy quyền lập pháp cho Chính phủ xuất phát từ thẩm quyền ban hành nghị định của Chính phủ để quy định vấn đề cần thiết thuộc thẩm quyền của Quốc hội, UBTVQH nhưng chưa đủ điều kiện xây dựng thành luật hoặc pháp lệnh để đáp ứng yêu cầu quản lý nhà nước, quản lý kinh tế - xã hội; là một hoạt động bổ sung cho hoạt động lập pháp, góp phần lấp các lỗ trống cần phải điều chỉnh bằng pháp luật các quan hệ xã hội trong điều kiện chưa thể ban hành kịp thời luật. Ngày nay, ở các nước dân chủ và pháp quyền trên thế giới, nghị viện cũng đã ủy quyền lập pháp cho Chính phủ ban hành những nghị định thuộc loại này. Một Chính phủ năng động, kiến tạo là một Chính phủ xuất phát từ thẩm quyền của mình kịp thời ban hành các nghị định có nội dung điều chỉnh các quan hệ xã hội thuộc thẩm quyền điều chỉnh của luật nhưng chưa đủ điều kiện ban hành luật để đáp ứng yêu cầu quản lý nhà nước, quản lý kinh tế - xã hội.
Tuy có những mặt tích cực nói trên, nhưng ủy quyền lập pháp cũng có nhưng mặt hạn chế cần phải khắc phục.
-   Một là, lập pháp ủy quyền là hoạt động ban hành các quy tắc có tính bắt buộc chung, có giá trị như luật nhưng không do cơ quan lập pháp ban hành theo một quy trình, thủ tục dân chủ, chặt chẽ để đảm bảo cho hoạt động lập pháp là hoạt động được ủy quyền trực tiếp từ nhân dân. Trong lúc đó, lập pháp ủy quyền ban hành nghị định không theo trình tự, thủ tục lập pháp, không chịu trách nhiệm trực tiếp từ nhân dân. Vì vậy, vấn đề đảm bảo chất lượng của nghị định phù hợp với luật, phù hợp với thẩm quyền lập pháp của Quốc hội, kịp thời điều chỉnh bằng pháp luật các quan hệ xã hội không phải lúc nào cũng đáp ứng đầy đủ trên thực tế.
-   Hai là, nếu không có sự ủy quyền phù hợp, đúng đắn theo cơ chế phân công, phối hợp, kiểm soát trong việc thực hiện các quyền lập pháp và hành pháp sẽ dẫn đến lập pháp ủy quyền lạm quyền, ban hành tràn lan làm cho số lượng văn bản ủy quyền lập pháp trở nên quá nhiều, người dân khó khăn trong việc tiếp cận pháp luật. Hệ thống các VBQPPL trở nên phức tạp, rối rắm, nhiều tầng nấc.
3. Một số giải pháp khắc phục hạn chế của ủy quyền lập pháp
Tuy có một vài hạn chế nêu trên, nhưng lập pháp ủy quyền là một xu hướng tất yếu, nhất là trong điều kiện ngày nay. Theo chúng tôi, để khắc phục hạn chế, phát huy mặt tích cực của ủy quyền lập pháp cần phải tiến hành các giải pháp sau đây:
-   Một là, tiếp tục quy định rõ, minh bạch các trường hợp ủy quyền lập pháp của Quốc hội cho Chính phủ ban hành dưới hình thức nghị định. Nếu chúng ta không minh bạch được các trường hợp ủy quyền lập pháp thì một mặt, về phía Quốc hội là chủ thể ủy quyền sẽ tùy tiện, dễ dãi trong việc ủy quyền, ủy quyền tràn lan dẫn đến luật khung, luật ống không điều chỉnh được trực tiếp các quan hệ xã hội, chất lượng luật không cao, luật ban hành có hiệu lực nhưng phải chờ đợi văn bản ủy quyền lập pháp; mặt khác, cơ quan được ủy quyền lập pháp có thể lạm quyền, không đảm bảo được nguyên tắc quyền lập pháp thuộc về Quốc hội trong cơ chế phân công, phối hợp, kiểm soát trong hoạt động lập pháp. Để khắc phục tình trạng ủy quyền mà không rõ nội dung và phạm vi ủy quyền nhằm đảm bảo quyền lập pháp thuộc về Quốc hội thì ủy quyền lập pháp phải đảm bảo các nguyên tắc sau:
       + Phải ghi rõ trong luật phạm vi và nội dung ủy quyền của từng điều, từng khoản, từng điểm được ủy quyền. Khắc phục tình trạng trong mỗi khoản, mỗi điểm hay mỗi điều chỉ quy định chung chung: “Chính phủ quy định chi tiết thi hành” hay “Chính phủ hướng dẫn thi hành”. Nguyên tắc này đảm bảo luật là văn bản do Quốc hội ban hành, trách nhiệm lập pháp thuộc về Quốc hội. Không vì ủy quyền lập pháp mà Quốc hội không làm tròn trách nhiệm.
       + Luật không được giao cho Chính phủ quy định nội dung điều chỉnh của một điều luật, một khoản, hay một điểm trong luật. Nội dung điều chỉnh của điều, khoản, hay điểm về cơ bản phải được quy định cụ thể trong luật; chỉ ủy quyền lập pháp trong một số ít trường hợp nếu quy định cụ thể thì luật sẽ không ổn định. Tức là, chỉ ủy quyền lập pháp những nội dung điều chỉnh có thể thay đổi theo thời gian để đảm bảo cho luật có hiệu lực thi hành lâu dài trên cơ sở một khung chính sách đã được quy định trong các điều, khoản, điểm của luật đó.
       + Để ủy quyền lập pháp xuất phát từ thẩm quyền ban hành nghị định của Chính phủ quy định những vấn đề của Quốc hội và UBTVQH nhưng chưa đủ điều kiện để ban hành thành luật hay pháp lệnh mà vẫn đảm bảo được nguyên tắc quyền lập pháp thuộc về Quốc hội, quyền hành pháp thuộc về Chính phủ, theo chúng tôi, cần phân định một số lĩnh vực thuộc quyền lập pháp mà không thể ủy quyền và một số lĩnh vực được ủy quyền. Theo kinh nghiệm của các nước, để đảm bảo quyền lập pháp thuộc về Quốc hội nhưng không vì thế mà Chính phủ ngồi chờ luật, không phát huy được vai trò năng động, kiến tạo của hành pháp trong quản lý nhà nước, quản lý kinh tế - xã hội thì các lĩnh vực kinh tế, khoa học, công nghệ, môi trường tài chính, xã hội thường được ủy quyền lập pháp cho Chính phủ ban hành dưới dạng các nghị định thuộc thẩm quyền gốc của Chính phủ. Còn các lĩnh vực mang tính chính trị, quốc phòng, an ninh, đối ngoại, quyền, nghĩa vụ cơ bản của con người, của công dân thuộc thẩm quyền gốc của Nghị viện, ban hành dưới hình thức các đạo luật. Đây là xu hướng ủy quyền lập pháp khá phổ biến trong điều kiện ngày nay khi các quan hệ xã hội vận động và phát triển nhanh chóng, hoạt động lập pháp không thể đáp ứng kịp thời nhu cầu quản lý nhà nước, quản lý kinh tế - xã hội. Xu hướng ủy quyền lập pháp này vừa tạo khả năng để hoạt động lập pháp nâng cao chất lượng, vừa tạo điều kiện cho hoạt động hành pháp chủ động, năng động, sáng tạo, kịp thời trong quản lý nhà nước, quản lý kinh tế - xã hội.
-   Hai là, để ủy quyền lập pháp nhưng không mất quyền lập pháp, nâng cao chất lượng lập pháp của mình, đồng thời phòng chống được sự lạm quyền trong ủy quyền lập pháp, cần phải tăng cường kiểm soát hoạt động lập pháp ủy quyền. Kiểm soát hoạt động ủy quyền lập pháp gồm 2 nội dung:
       + i) kiểm soát tính đúng đắn của việc ủy quyền lập pháp tức là kiểm soát chính bản thân cơ quan lập pháp trong việc ủy quyền. Ủy quyền lập pháp là để bổ sung cho chính bản thân hoạt động lập pháp. Vì vậy, ủy quyền lập pháp không được tràn lan, tùy tiện, làm giảm vai trò của cơ quan lập pháp và nguyên tắc phân công, phối hợp, kiểm soát giữa các cơ quan nhà nước trong hoạt động lập pháp bị vi phạm. Theo đó, cần hình thành cơ chế kiểm soát việc ủy quyền lập pháp ngay trong chính cơ quan lập pháp. Hiện nay việc kiểm soát các trường hợp ủy quyền lập pháp là kiểm soát trước, chủ yếu dựa vào hoạt động thẩm tra của cơ quan có thẩm quyền thẩm tra dự án luật và phát hiện của đại biểu Quốc hội tại các phiên họp thảo luận dự án luật. Việc kiểm soát trước này chủ yếu mới chỉ dừng lại ở phát hiện “giao Chính phủ quy định chi tiết” hay “giao Chính phủ quy định hướng dẫn thi hành” nhiều hay ít trong dự án luật mà chưa chỉ ra việc ủy quyền lập pháp đó đã đúng hay chưa? Trong trường hợp ủy quyền lập pháp cụ thể đó có dẫn đến quyền lập pháp bị lạm dụng, không phát huy được quyền lập pháp sau khi luật được thông qua. Vì thế cần phải tiếp tục hoàn thiện cơ chế kiểm soát việc ủy quyền lập pháp trong các dự án luật.
       + ii) Nội dung thứ hai của kiểm soát ủy quyền lập pháp là kiểm soát VBQPPL của cơ quan được ủy quyền lập pháp ban hành. Đó là kiểm soát các VBQPPL do Chính phủ ban hành dưới hình thức các nghị định quy định chi tiết hoặc quy định về tổ chức thi hành được luật giao và nhất là kiểm soát các nghị định quy định các vấn đề thuộc thẩm quyền của Quốc hội hoặc UBTVQH nhưng chưa đủ điều kiện để ban hành luật hay pháp lệnh. Việc kiểm soát các VBQPPL này theo quy định của luật hiện hành là “được sự đồng ý của UBTVQH trước khi ban hành” (khoản 3 Điều 18 Luật Ban hành VBQPPL năm 2015). Mục đích của quy định này có phải là để kiểm soát việc ban hành các nghị định này của Chính phủ trước khi ban hành hay không? Hay chỉ đơn thuần để cơ quan thường trực của Quốc hội giữa hai kỳ họp biết. Hơn nữa, theo Hiến pháp, Luật Tổ chức Quốc hội và Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội đều quy định Quốc hội có nhiệm vụ và quyền hạn xem xét, bãi bỏ các văn bản có dấu hiệu trái Hiến pháp, luật, nghị quyết của Quốc hội.
Tuy nhiên, theo quy định hiện hành, việc phát hiện các văn bản có dấu hiệu trái Hiến pháp, luật, nghị quyết của Quốc hội chưa hiệu quả. Do đó, cho đến nay dường như chưa đưa được một văn bản nào ra Quốc hội xem xét hủy bỏ. Từ thực tiễn nói trên có thể nói rằng, trong điều kiện ủy quyền lập pháp cho Chính phủ ban hành nghị định theo thẩm quyền ngày càng nhiều thì cơ chế kiểm soát việc ban hành các nghị định có tính tiên phát này chưa thực sự có hiệu quả. Vì vậy, trong điều kiện xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN theo nguyên tắc quyền lực nhà nước là thống nhất, có sự phân công, phối hợp, kiểm soát giữa các cơ quan nhà nước trong việc thực hiện các quyền lập pháp, hành pháp, tư pháp thì tiếp tục hoàn thiện cơ chế kiểm soát ủy quyền lập pháp và lập pháp ủy quyền là một đòi hỏi khách quan và cấp thiết.
Theo khoản 2 Điều 119 Hiến pháp năm 2013, để bảo vệ Hiến pháp, luật tổ chức của mỗi nhánh quyền lực nhà nước đều phải hình thành cơ chế để tự kiểm soát mình. Quốc hội là một nhánh quyền lực nhà nước thực hiện quyền lập pháp, theo Luật Tổ chức Quốc hội hiện hành cơ chế tự kiểm soát bản thân Quốc hội một cách chuyên trách, có hiệu quả chưa ra đời. Trong điều kiện chưa có cơ chế bảo hiến chuyên trách, việc hình thành một thiết chế chuyên trách tự kiểm soát tổ chức và hoạt động của bản thân Quốc hội trong đó có kiểm soát sự ủy quyền lập pháp của mình là một nhu cầu để Quốc hội trước hết kiểm soát tốt bản thân mình và sau đó kiểm soát có hiệu lực và hiệu quả các nhánh quyền lực nhà nước khác./.

 


[1] Wolfgang - Hom, Những đặc điểm cơ bản cảu chế độ pháp quyền được ghi trong Hiến pháp Đức, sách “Nhà nước pháp quyền”, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội 2002; tr 101 – 107.

(Nguồn tin: Bài viết đăng tải trên ấn phẩm Nghiên cứu lập pháp số 22(374)-tháng 11/2018)