Hoàn thiện quy định về thẩm quyền giải quyết tranh chấp kinh doanh, thương mại của tòa án

01/01/2015

TS. NGUYỄN DUY PHƯƠNG

Khoa Luật, Đại học Huế

Thẩm quyền giải quyết các tranh chấp về kinh doanh, thương mại (KD,TM) được quy định tại Điều 29 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2004 (TTDS) và được cụ thể hóa tại Phần I Nghị quyết số 01/2005/NQ-HĐTP ngày 31/3/2005 của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao hướng dẫn thi hành một số quy định trong phần thứ nhất “Những quy định chung” của Bộ luật TTDS. Mặc dù đã có sửa đổi, bổ sung, nhưng do sự phát triển nhanh của tình hình kinh tế - xã hội nên nhiều quy định trong Bộ luật TTDS về thẩm quyền của tòa án trong việc giải quyết các tranh chấp về KD, TM vẫn tồn tại những bất cập
Untitled_277.png
Ảnh minh họa: (Nguồn internet)
Thứ nhất, thẩm quyền giải quyết các tranh chấp về KD, TM của tòa án tại khoản 1 Điều 29 Bộ luật TTDS
Khoản 1 Điều 29 Bộ luật TTDS đã liệt kê những tranh chấp về KD, TM (từ điểm a đến điểm o) thuộc thẩm quyền giải quyết của tòa án. Việc liệt kê này giúp các tòa án dễ dàng áp dụng pháp luật. Tuy nhiên, nhược điểm là khó có thể liệt kê được tất cả các tranh chấp KD, TM nảy sinh trong thực tiễn và tính dự báo lại không cao. Điều đó dẫn đến tình trạng chỉ những tranh chấp phát sinh trong 14 lĩnh vực KD, TM theo quy định tại khoản 1 Điều 29 Bộ luật TTDS mới thuộc thẩm quyền giải quyết của tòa án. Trong khi đó, khoản 1 Điều 3 Luật Thương mại 2005 lại quy định: "Hoạt động thương mại là hoạt động nhằm mục đích sinh lợi, bao gồm mua bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ, đầu tư, xúc tiến thương mại và các hoạt động nhằm mục đích sinh lợi khác”[1]. Như vậy, hoạt động thương mại ở đây có phạm vi rất rộng chứ không chỉ bó hẹp như các hoạt động thương mại quy định tại khoản 1 Điều 29 Bộ luật TTDS. Những hoạt động như: ủy thác mua bán hàng hóa, đại diện cho thương nhân, quảng cáo thương mại, giám định, đấu giá, đấu thầu… đều được xem xét là những hoạt động KD, TM mà khoản 1 Điều 29 Bộ luật TTDS hoàn toàn không đề cập đến.
Tương tự như vậy, việc liệt kê các tranh chấp về xây dựng, mua bán cổ phiếu, trái phiếu; tài chính, ngân hàng; bảo hiểm, thăm dò, khai thác... là chưa đầy đủ theo quy định của các luật chuyên ngành về các lĩnh vực này.
Ngoài ra, theo khoản 1, 2 Điều 8 Luật Kinh doanh bất động sản thì cá nhân, tổ chức muốn tham gia hoạt động kinh doanh bất động sản phải đăng ký kinh doanh bất động sản hoặc đăng ký kinh doanh dịch vụ bất động sản:“Tổ chức, cá nhân khi kinh doanh bất động sản phải thành lập doanh nghiệp hoặc hợp tác xã, phải có vốn pháp định và đăng ký kinh doanh bất động sản theo quy định của pháp luật”; “Tổ chức, cá nhân khi kinh doanh dịch vụ bất động sản phải thành lập doanh nghiệp hoặc hợp tác xã, đăng ký kinh doanh dịch vụ bất động sản theo quy định của pháp luật, trừ trường hợp quy định tại khoản 3 Điều này”[2]. Đối với kinh doanh bất động sản, phải thành lập doanh nghiệp hoặc hợp tác xã, còn nếu đăng ký kinh doanh dịch vụ bất động sản thì không bắt buộc thành lập doanh nghiệp hoặc hợp tác xã mà có thể đăng ký kinh doanh (cá nhân môi giới bắt động sản). Theo đó, "kinh doanh bất động sản là việc bỏ vốn đầu tư tạo lập, mua, nhận chuyển nhượng, thuê, thuê mua bất động sản để bán, chuyển nhượng, cho thuê, cho thuê lại, cho thuê mua nhằm mục đích sinh lợi"[3]. Còn "kinh doanh dịch vụ bất động sản là hoạt động hỗ trợ kinh doanh bất động sản và thị trường bất động sản, bao gồm các dịch vụ môi giới bất động sản, định giá bất động sản, sàn giao dịch bất động sản, tư vấn bất động sản, đấu giá bất động sản, quảng cáo bất động sản, quản lý bất động sản"[4]. Rõ ràng, về tính chất các quan hệ này là quan hệ pháp luật về KD, TM (quan hệ giữa các bên có đăng ký kinh doanh và có mục đích lợi nhuận) nhưng lại không được liệt kê tại khoản 1 Điều 29 Bộ luật TTDS. Vấn đề đặt ra là những tranh chấp đã được liệt kê ở trên không thuộc khoản 1 Điều 29 Bộ luật TTDS nếu có phát sinh trong thực tiễn thì có thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa Kinh tế hay không? Đây là một bất cập rất lớn của Bộ luật TTDS làm cho các tòa án trở nên lúng túng và bị động khi giải quyết loại án này.
Qua nghiên cứu pháp luật TTDS ở một số nước và khảo sát thực tế, chúng tôi cho rằng, Bộ luật TTDS cần bỏ quy định mang tính liệt kê cụ thể các tranh chấp KD, TM, mà chỉ nên quy định một cách khái quát các tranh chấp KD, TM thuộc thẩm quyền giải quyết của tòa án. Bởi các tranh chấp có thể kiện ra tòa án đều đã được quy định ở các luật nội dung. Khi đó Bộ luật TTDS với vai trò là luật tố tụng mới có thể điều chỉnh được tất cả các tranh chấp KD, TM nảy sinh trong nền kinh tế. Từ đó, khắc phục tình trạng các tranh chấp KD, TM phát sinh nhưng tòa án lại không có cơ sở thụ lý và giải quyết khi đương sự có yêu cầu.
Một điểm bất cập nữa là theo quy định tại khoản 1 Điều 29 Bộ luật TTDS: “Tranh chấp phát sinh trong các hoạt động KD, TM giữa các cá nhân, tổ chức có đăng ký kinh doanh với nhau và đều có mục đích lợi nhuận…”[5]. Theo quy định này thì một tranh chấp KD, TM được xác định thuộc thẩm quyền giải quyết của tòa án khi thỏa mãn hai điều kiện là: (1) các bên tranh chấp bắt buộc phải có đăng ký kinh doanh và (2) đều phải có mục đích lợi nhuận. Tuy nhiên, theo hướng dẫn tại điểm b tiểu mục 1.1 Mục 1 Phần I Nghị quyết số 01/2005/NQ-HĐTP ngày 31/3/2005 thì: “Tòa Kinh tế có thẩm quyền giải quyết các tranh chấp về KD, TM mà một hoặc các bên không có đăng ký kinh doanh, nhưng đều có mục đích lợi nhuận”. Đồng thời, tại tiểu mục 3.2 Mục 3 Phần I Nghị quyết cũng đã chỉ rõ: “Mục đích lợi nhuận của cá nhân, tổ chức trong hoạt động KD, TM là mong muốn của cá nhân, tổ chức đó thu được lợi nhuận mà không phân biệt có thu được hay không thu được lợi nhuận từ hoạt động KD, TM đó”[6].
Như vậy, hướng dẫn của Nghị quyết số 01/2005/NQ-HĐTP đã mở rộng thẩm quyền giải quyết của Tòa Kinh tế hơn so với quy định của Bộ luật TTDS; đó là từ việc xác định tranh chấp KD, TM theo hai tiêu chí: “có đăng ký kinh doanh” và “mục đích lợi nhuận” nay chỉ còn căn cứ vào tiêu chí duy nhất là “mục đích lợi nhuận” và mục đích lợi nhuận này xét đến cùng chỉ mang tính ý chí mà không cần xét đến kết quả có thu được lợi nhuận đó hay không và nếu không có mục đích lợi nhuận thì thuộc thẩm quyền của Tòa Dân sự. Rõ ràng, hướng dẫn của Nghị quyết 01/2005/NQ-HĐTP đã vượt quá (trái) so với những quy định của Bộ luật TTDS. Điều này trái với nguyên tắc pháp chế trong hoạt động ban hành văn bản quy phạm pháp luật, lẽ ra phải đình chỉ và bãi bỏ văn bản này, nhưng trong thực tế, một số tòa án vẫn căn cứ vào Nghị quyết này để thụ lý vụ án, một số lại căn cứ vào Bộ luật TTDS để không thụ lý. Chính điều này đã gây ra không ít những tranh cãi và khó khăn cho việc xác định thẩm quyền vụ án thuộc tòa chuyên trách nào trong quá trình thụ lý giải quyết các tranh chấp về KD, TM.
Việc hướng dẫn như Nghị quyết số 01/2005/NQ-HĐTP dẫn đến các tranh chấp giữa các bên không cần yếu tố có đăng ký kinh doanh, chỉ có mục đích lợi nhuận mà vẫn coi là tranh chấp KD, TM. Điều này làm cho phạm vi giới hạn tranh chấp KD, TM sẽ rất rộng. Khi ấy, nhiều vụ dân sự thông thường sẽ được chuyển thành án KD, TM và Tòa Kinh tế sẽ quá tải.
Ví dụ: Doanh nghiệp tư nhân Khang Quang ký hợp đồng với ông Nguyễn Văn Hào hành nghề photocopy (ông Hào không đăng ký kinh doanh). Theo hợp đồng, doanh nghiệp Khang Quang bán cho ông Hào 03 máy photocopy trị giá 90 triệu đồng, ông Hào trả trước 50 triệu đồng, số tiền còn lại sẽ trả hết khi nhận máy vào ngày 15/6/2014. Nhưng sau khi nhận được máy, ông Hào vẫn không trả tiền, mặc dù doanh nghiệp Khang Quang đã nhiều lần yêu cầu thanh toán nợ. Trong trường hợp này nếu doanh nghiệp Khang Quang khởi kiện thì Tòa Kinh tế hay Tòa Dân sự thụ lý giải quyết?
Với vụ tranh chấp này, nếu theo quy định của Bộ luật TTDS thì đây là tranh chấp dân sự chứ không phải là tranh chấp KD, TM vì không thỏa mãn điều kiện "tranh chấp phát sinh trong các hoạt động KD, TM giữa các cá nhân, tổ chức có đăng ký kinh doanh".Nhưng nếu theo Nghị quyết số 01/2005/NQ-HĐTP thì đây là tranh chấp KD, TM vì thỏa mãn điều kiện "các bên đều có mục đích lợi nhuận".
Để khắc phục bất cập trên, Nghị quyết số 01/2005/NQ-HĐTP cần quy định thống nhất theo Bộ luật TTDS, tức là tất cả các tranh chấp phải thỏa mãn cả hai điều kiện “các bên tranh chấp bắt buộc phải có đăng ký kinh doanh và đều phải có mục đích lợi nhuận" mới thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa Kinh tế.
Thứ hai, bất cập tại khoản 3 Điều 29 Bộ luật TTDS
Khoản 3 Điều 29 Bộ luật TTDS quy định: “Tranh chấp giữa công ty với các thành viên của công ty, giữa các thành viên của công ty với nhau liên quan đến việc thành lập, hoạt động, giải thể, sáp nhập, hợp nhất, chia, tách, chuyển đổi hình thức tổ chức của công ty” thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa Kinh tế.
Một vấn đề đặt ra ở đây, là trong thực tiễn có những tranh chấp phát sinh từ hoạt động góp vốn giữa các cá nhân là thành viên của hội đồng quản trị các trường dân lập, tư thục, trường dạy nghề. Nếu đối chiếu với Luật Doanh nghiệp, các tổ chức này cũng không phải là loại hình “công ty" và không được điều chỉnh bởi Luật Doanh nghiệp. Do đó, khi phát sinh tranh chấp thì tòa án nào giải quyết? Nghị quyết số 01/2005/NQ-HĐTP cũng không đề cập đến vấn đề này. Tuy nhiên, khi hướng dẫn nghiệp vụ thư ký, Tòa án nhân dân tối cao đã hướng dẫn: "Đối với các tranh chấp phát sinh từ việc thành lập, hoạt động, giải thể, sáp nhập, hợp nhất, chia, tách chuyển đổi hình thức tổ chức của một số loại hình tổ chức không được quy định trong Luật Doanh nghiệp 2005 như trường dạy nghề, trường dân lập, trường tư thục, các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực chứng khoán... cần xác định đây cũng là tranh chấp thuộc loại việc được quy định tại khoản 3 Điều 29 Bộ luật TTDS"[7].
Về vấn đề này, hiện nay có hai quan điểm khác nhau. Quan điểm thứ nhất cho rằng, tranh chấp đó là tranh chấp giữa công ty và thành viên công ty, giữa các thành viên công ty, được quy định tại khoản 3 Điều 29 Bộ luật TTDS. Quan điểm thứ hai cho rằng, tranh chấp đó thuộc loại việc được quy định tại khoản 4 Điều 29 Bộ luật TTDS.
Chúng tôi đồng ý với quan điểm thứ nhất cho rằng, tranh chấp thuộc loại việc được quy định tại khoản 3 Điều 29 Bộ luật TTDS (tranh chấp giữa công ty với thành viên công ty, giữa các thành viên công ty với nhau...). Bởi nếu xét về mục đích, khi góp vốn vào các tổ chức này, thành viên góp vốn cũng mong muốn đạt được lợi nhuận.
Tuy nhiên, cần có sự giải thích chính thức hoặc có quy định cụ thể về thẩm quyền giải quyết tranh chấp phát sinh từ việc thành lập, hoạt động, giải thể, sáp nhập, hợp nhất, chia tách, chuyển đổi hình thức tổ chức của một số loại hình tổ chức không được quy định trong Luật Doanh nghiệp năm 2005 như: trường dạy nghề, trường dân lập, trường tư thục, bệnh viện tư nhân... để việc áp dụng pháp luật được thống nhất.
Thứ ba, thẩm quyền giải quyết các tranh chấp KD, TM quy định tại khoản 4 Điều 29 Bộ luật TTDS
Khoản 4 Điều 29 Bộ luật TTDS quy định, toà án có thẩm quyền giải quyết: “Các tranh chấp khác về KD, TM mà pháp luật có quy định”. Đây là một quy định “mở” lường trước những quan hệ mới phát sinh mà Điều 29 Bộ luật TTDS không dự liệu hết được các tranh chấp sẽ phát sinh trong tương lai. Trường hợp nếu phát sinh tranh chấp về KD, TM mà đối chiếu không thuộc các trường hợp quy định tại các khoản 1, 2, 3 Điều 29 Bộ luật TTDS thì Tòa án có thể xem xét và xếp vào khoản 4 Điều 29 Bộ luật TTDS. Tuy nhiên, quy định này sẽ tạo nên sự tùy tiện trong việc áp dụng pháp luật. Các Tòa án sẽ áp dụng thiếu thống nhất khi chưa có hướng dẫn cụ thể từ phía Tòa án nhân dân tối cao.
Do đó, như trên đã kiến nghị, Bộ luật TTDS chỉ nên quy định một cách khái quát các tranh chấp KD, TM thuộc thẩm quyền giải quyết của tòa án, không nên quy định liệt kê như khoản 1 hay quy định “mở” như khoản 4 Điều 29 Bộ luật TTDS./.

 


[1] Luật Thương mại 2005.
[2] Khoản 1, 2 Điều 8 Luật Kinh doanh bất động sản 2006.
[3] Khoản 2 Điều 4 Luật Kinh doanh bất động sản 2006.
[4] Khoản 3 Điều 4 Luật Kinh doanh bất động sản 2006.
[5] Bộ luật TTDS (sửa đổi, bổ sung 2011).
[6] Nghị quyết số 01/2005/NQ-HĐTP ngày 31/3/2005 của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao hướng dẫn thi hành một số quy định trong Phần thứ nhất "Những quy định chung” của Bộ luật TTDS.
 
[7] Điểm 2.1.2, tiểu mục 2, mục IV phần thứ hai Sổ tay Thư ký tòa án.

(Nguồn tin: Bài viết đăng tải trên Ấn phẩm Tạp chí Nghiên cứu lập pháp số 1(281), tháng 1/2015)