Thực thi Công ước Quyền trẻ em ở Việt Nam:Tuổi chịu trách nhiệm hình sự và chế tài đối với người chưa thành niên phạm tội

01/09/2014

PHẠM THỊ THANH NGA

Công tác tại Tòa án nhân dân tối cao, NCS Đại học Wollongong, Australia

1. Giới thiệu chung
Tuổi chịu trách nhiệm hình sự (TNHS) và chế tài hình sự hay hình phạt là những vấn đề cơ bản và không thể thiếu trong cả hệ thống pháp luật quốc gia và quốc tế, thể hiện quan điểm và cách thức xử lý người phạm tội, cũng như các biện pháp bảo vệ trật tự xã hội, an toàn công cộng và quyền con người. Việc xác định những giới hạn độ tuổi chịu TNHS thích hợp, đặc biệt là tuổi tối thiểu luôn là vấn đề khó khăn khi xây dựng chính sách hình sự ở mỗi quốc gia cũng như các điều ước và hướng dẫn chung trong cộng đồng quốc tế[1].
Trong phạm vi Công ước quyền trẻ em (CUQTE), tuổi chịu TNHS và chế tài đối với người chưa thành niên(NCTN) phạm tội là những nội dung đặc biệt quan trọng. Việt Nam phê chuẩn CUQTE (không bảo lưu bất kỳ điều khoản nào) vào năm 1990[2], là quốc gia đầu tiên ở Châu Á chấp nhận Công ước. Nhà nước ta đã tuyên bố rằng, thực thi CUQTE là một nội dung ưu tiên trong chiến lược thực thi quyền con người của quốc gia[3]. Như mọi quốc gia thành viên, Việt Nam có nghĩa vụ tiến hành mọi biện pháp cần thiết cả về lập pháp, hành pháp và tư pháp để hiện thực hóa các quyền của trẻ em được ghi nhận trong Công ước[4].
 Ở đây, chúng tôi đánh giá mức độ tương thích giữa pháp luật và thực tiễn của Việt Nam với các chuẩn mực pháp lý quốc tế, trung tâm là CUQTE về tuổi chịu TNHS và chế tài đối với  NCTN phạm tội. Các vấn đề tố tụng (quyền bào chữa, quyền riêng tư, hoặc thủ tục giải quyết) không thuộc phạm vi của nghiên cứu này. Kết quả nghiên cứu chỉ ra rằng, so với các tiêu chuẩn quốc tế, tuổi chịu TNHS ở Việt Nam hiện nay được quy định hoàn toàn phù hợp; hệ thống chế tài thiếu đảm bảo về nguyên tắc nhưng thiếu tính đa dạng, một số chế tài (đặc biệt là các biện pháp tư pháp) thiếu tính khả thi.
Trong các văn bản pháp luật và nghiên cứu học thuật, những thuật ngữ liên quan đến tuổi chịu TNHS được sử dụng khá phổ biến nhưng không được định nghĩa hoặc giới hạn rõ ràng và thống nhất. Trong nhiều tài liệu, ‘tuổi chịu TNHS' (the age of criminal responsibility) có thể được hiểu như ‘tuổi tối thiểu của TNHS’ (the minimum age of criminal responsibility). Ở một số trường hợp khác, thuật ngữ này được sử dụng rất chung, không phân biệt các giới hạn tuổi khác nhau, gồm 'tuổi tối thiểu của TNHS’, ‘độ tuổi tối đa thuộc tư pháp NCTN’ (the upper age-limit for juvenile justice)[5], hay ‘tuổi tối thiểu của TNHS đầy đủ’ (the minimum age of criminal maturity). Những giới hạn độ tuổi này khá đa dạng, phụ thuộc vào từng hệ thống pháp luật. Ở mức độ chung và khái quát, có hai giới hạn độ tuổi phổ biến thường được đề cập, bao gồm: ‘tuổi tối thiểu của TNHS’ và ‘tuổi tối thiểu của TNHS đầy đủ’.
‘Tuổi tối thiểu của TNHS’ là độ tuổi thấp nhất mà một người có thể phải chịu TNHS khi họ vi phạm pháp luật (VPPL) hình sự. Những người dưới độ tuổi này được coi là không có năng lực VPPL hình sự, hay không có năng lực TNHS và không bị xử lý theo thủ tục tư pháp hình sự trong bất kỳ hoàn cảnh nào[6].
‘Tuổi tối thiểu của TNHS đầy đủ’ là độ tuổi thấp nhất mà người VPPL hình sự bị xử lý theo hệ thống hình phạt và thủ tục tố tụng dành cho người đã trưởng thành. Những người ở độ tuổi này hoặc lớn hơn không được xem xét giảm nhẹ hình phạt hay xét xử theo thủ tục đặc biệt dành cho những người được coi là chưa trưởng thành; không là đối tượng của chính sách tư pháp NCTN.
Khác với vấn đề tuổi, hình phạt hay chế tài đối với người phạm tội thường được định nghĩa và liệt kê cụ thể trong hệ thống pháp luật quốc gia. Ở tầm khái quát, chế tài được hiểu là những hạn chế về quyền mà một người có thể phải chịu do họ phạm pháp luật hình sự.
Những nội dung cụ thể về tuổi chịu TNHS và chế tài theo các chuẩn mực pháp lý quốc tế, các quy định của pháp luật và thực tiễn thi hành tại Việt Nam sẽ được trình bày trong các phần tiếp theo.
2. Pháp luật quốc tế về tuổi chịu trách nhiệm hình sự và chế tài áp dụng đối với người chưa thành niên phạm tội
Trong hệ thống pháp luật quốc tế, tuổi chịu TNHS và chế tài phải phù hợp các điều ước quốc tế liên quan về quyền con người và tư pháp hình sự. Không kể đến các văn kiện áp dụng chung cho tất cả mọi người như Tuyên bố toàn cầu về Quyền con người[7] hay Công ước về các quyền dân sự và chính trị[8], các văn bản đặc biệt quan trọng đối với tuổi chịu TNHS và hình phạt đối với NCTN phạm tội bao gồm:
CUQTE được thông qua và mở cho các quốc gia ký kết, phê chuẩn và gia nhập theo Nghị quyết của Đại hội đồng Liên hợp quốc số 44/25 ngày 20/10/1989;[9]
Bộ quy tắc về Tiêu chuẩn tối thiểu về Quản lý tư pháp NCTN, được ban hành bởi Đại hội đồng Liên hợp quốc năm 1985 (thường gọi là Quy tắc Bắc Kinh);[10]
Bộ quy tắc về Bảo vệ trẻ em bị tước tự do, được Đại hội đồng Liên hợp quốc ban hành năm 1990 (thường gọi là Quy tắc Havana);[11]
Hướng dẫn về Làm việc với trẻ em trong hệ thống tư pháp hình sự, được Hội đồng Kinh tế - Xã hội của Liên hợp quốc thông qua năm 1997;[12]
Bình luận Chung số 10 (2007) về Quyền trẻ em trong Tư pháp NCTN, được Uỷ ban Quyền trẻ em đưa ra năm 2007.
Trong số văn bản trên, CUQTE là trung tâm và có giá trị pháp lý bắt buộc đối với hầu hết mọi quốc gia trên thế giới, 193 quốc gia thành viên của Công ước[13]. Những văn bản còn lại, có tính khuyến nghị, chứa đựng những hướng dẫn cụ thể, làm sáng tỏ các yêu cầu liên quan đối với tư pháp NCTN, bao gồm cả tuổi chịu TNHS và hình phạt mà mỗi quốc gia cần phải tuân theo để đảm bảo quyền của trẻ em theo quy định của Công ước.
Về tuổi chịu TNHS, CUQTE yêu cầu mỗi quốc gia phải quy định một độ tuổi tối thiểu mà trẻ em dưới độ tuổi đó được coi là không có khả năng VPPL hình sự[14]. Nói cách khác, mỗi quốc gia cần quy định ‘tuổi tối thiểu chịu TNHS’.
Điều 4 Quy tắc Bắc Kinh hướng dẫn rằng điểm bắt đầu của giới hạn tuổi chịu TNHS không được quy định ở mức quá thấp, phải chú ý tới sự phát triển của cảm xúc, tâm lý và nhận thức của NCTN. Nghĩa là việc quy định ‘tuổi tối thiểu của TNHS’ phải đủ cao để đảm bảo trẻ em đã nhận thức được tính chất nguy hiểm trong hành vi phạm tội thì mới có thể phải chịu TNHS.
Trên thực tế, tuổi tối thiểu của TNHS được quy định rất khác nhau giữa các quốc gia, từ bảy đến 18 tuổi, hoặc không được quy định[15].
Khẳng định rằng nếu quy định độ tuổi tối thiểu của TNHS quá thấp, thì ý nghĩa của việc quy định không còn và không đảm bảo quyền của NCTN, Uỷ ban CUQTE kết luận rằng nếu tuổi tối thiểu của TNHS thấp hơn 12 sẽ bị coi là không phù hợp với chuẩn mực pháp lý quốc tế. Do đó Uỷ ban kêu gọi các quốc gia hiện đang quy định độ tuổi tối thiểu của TNHS quá thấp cần nâng lên 12 - mức có thể chấp nhận ở tầm quốc tế, và tiếp tục tăng lên tới độ tuổi cao hơn[16]. Độ tuổi tối thiểu được Uỷ ban khuyến nghị là 14[17].
Tuổi tối thiểu của TNHS đầy đủ, không được định nghĩa rõ ràng trong các văn kiện pháp lý, nhưng được hiểu khá thống nhất là 18 tuổi. Theo CUQTE và các văn kiện liên quan thì trẻ em hay NCTN được định nghĩa là bất kỳ ai dưới 18 tuổi[18]. Theo các văn bản đó, cũng như khuyến nghị từ các tổ chức bảo vệ trẻ em, các quốc gia luôn được khuyến khích áp dụng chính sách tư pháp NCTN, bao gồm cả về hình phạt và thủ tục tố tụng thân thiện đối với mọi người phạm tội dưới 18 tuổi, bất kể loại tội phạm họ thực hiện[19]. Trên thực tế, ở một số quốc gia (như Malaysia, một số bang của Mỹ, Singapore và Úc), Toà án NCTN (Toà án trẻ em) có thẩm quyền xét xử những người dưới 16 tuổi; nhưng không có thẩm quyền giải quyết đối với những vụ việc đặc biệt nghiêm trọng, những vụ có cả bị cáo trên 16 tuổi, hoặc những vụ liên quan đến vũ khí, an ninh quốc gia[20]. Trong những trường hợp như vậy, NCTN phạm tội được xét xử bởi các toà án hình sự thông thường, theo thủ tục như đối với người đã trưởng thành. Ở một số quốc gia khác, Toà án thanh thiếu niên[21] có thẩm quyền giải quyết các vụ án mà người phạm tội dưới 21 tuổi. Nghĩa là thủ tục tố tụng đặc biệt dành cho NCTN được áp dụng đối với không chỉ những người dưới 18 tuổi mà cả những người lớn hơn nhưng không quá 21 tuổi. Những quy định như vậy, rất được Uỷ ban CUQTE khuyến khích và ủng hộ[22].
Về hình phạt, bên cạnh những quy định có tính nguyên tắc chung về bảo vệ và chăm sóc trẻ em như bảo vệ lợi ích tốt nhất và sự phát triển hài hoà của trẻ em, CUQTE và các hướng dẫn đều yêu cầu các quốc gia đảm bảo những vấn đề có tính đặc trưng về tư pháp hình sự trong xử lý NCTN phạm tội. Các yêu cầu đó bao gồm: không tra tấn, đối xử tàn tệ vô nhân đạo hay làm mất phẩm giá con người; không xử phạt tử hình hay tù chung thân vì những hành động phạm pháp do người dưới 18 tuổi gây ra; việc bắt, giam giữ hay bỏ tù phải được tiến hành theo pháp luật và chỉ được dùng đến như một biện pháp cuối cùng và trong thời hạn ngắn nhất có thể; và trẻ em bị tước tự do phải được đối xử nhân đạo và tôn trọng phẩm giá của con người theo cách thức phù hợp với các nhu cầu của lứa tuổi[23].
Các văn kiện pháp lý cũng nhấn mạnh việc cần có những hệ thống xử lý NCTN phạm tội mà không phải dùng đến các đến các thủ tục tố tụng, xét xử và giam giữ chính thức[24]. Các quốc gia được khuyến nghị để xây dựng và phát triển các quy trình xử lý chuyển hướng, các biện pháp thay thế giam giữ như lệnh giám sát, chăm sóc và hướng dẫn, tư vấn, các chương trình giáo dục nghề nghiệp, tái hoà nhập cộng đồng[25].
Như vậy, ngoại trừ quy định không áp dụng hình phạt tử hình và tù chung, CUQTE và các văn kiện liên quan không đưa ra những quy định chi tiết về tội phạm, hình phạt và các biện pháp xử lý đối với NCTN phạm tội. Các hướng dẫn về xử lý và áp dụng hình phạt có tính định hướng và kỹ thuật. Điều này có thể giải thích bởi hệ thống chế tài hình sự luôn phản ánh quan điểm của mỗi nhà nước về tội phạm và cách thức bảo vệ quyền con người; và chịu ảnh hưởng của truyền thống pháp luật và điều kiện kinh tế - xã hội ở mỗi quốc gia.
Thông qua các kết quả việc giám sát và hỗ trợ thực thi CUQTE và quyền trẻ em trong lĩnh vự tư pháp NCTN, Uỷ ban CUQTE và các tổ chức quốc tế hoạt động trong lĩnh vực này (UNICEF, Save the Children, và Mạng lưới tư pháp NCTN) có thể nhận thấy tư pháp NCTN thu được ít thành công so với các lĩnh vực khác của quyền trẻ em[26]. Đến nay, chưa có quốc gia nào xây dựng được mô hình tư pháp NCTN đáp ứng đầy đủ các yêu cầu của những chuẩn mực pháp lý quốc tế liên quan, dù rằng ở một số tiêu chí hẹp hơn (như tòa án chuyên biệt hay chương trình giáo dục cộng động) đã được thực hiện hiệu quả ở một số quốc gia[27].
Trong quá trình giám sát việc thực thi Công ước, Uỷ ban CUQTE thường xuyên đề nghị các quốc gia thành viên, bao gồm cả Việt Nam, cần quan tâm hơn nữa đến tư pháp NCTN, trong đó có vấn đề tuổi và chế tài hình sự hay hình phạt.
3. Pháp luật và thực tiễn ở Việt Nam
3.1. Về tuổi chịu TNHS
Pháp luật Việt Nam hiện hành có hai quy trình khác nhau để xử lý những hành vi có dấu hiệu của tội phạm: trình tự tố tụng hình sự (TTHS) và thủ tục hành chính - tư pháp. Trình tự TTHS được quy định bởi Bộ luật TTHS năm 2003, thủ tục hành chính - tư pháp được quy định bởi Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2013. Căn cứ để xác định thủ tục giải quyết vụ việc phụ thuộc vào tuổi của người vi phạm và tính chất nghiêm trọng của hành vi.
Theo thông lệ, khi thảo luận về tuổi chịu TNHS và hình phạt, các nhà nghiên cứu Việt Nam thường chỉ tập trung bàn đến những vấn đề được quy định bởi Bộ luật Hình sự  (BLHS) và Bộ luật TTHS. Trong hai bộ luật này, tuổi tối thiểu của TNHS và tuổi chịu TNHS đầy đủ không được định nghĩa rõ ràng, nhưng có thể được xác định chính xác. Tuổi tối thiểu chịu TNHS là 14 và tuổi chịu TNHS đầy đủ là 18[28]. Hai bộ luật này cũng như pháp luật nói chung, sử dụng thuật ngữ ‘NCTN’ phù hợp với định nghĩa của Bộ luật Dân sự: người chưa đủ 18 tuổi là NCTN, người từ đủ 18 tuổi trở lên là người đã thành niên[29].
Tuổi tối thiểu của TNHS là 14 không đồng nghĩa với việc nếu một người đủ 14 tuổi VPPL hình sự sẽ luôn phải chịu trách nhiệm theo thủ tục TTHS và người dưới 14 tuổi vi phạm thì không bị áp dụng các biện pháp hạn chế tự do như bắt, tạm giữ, hoặc đưa vào trường giáo dưỡng. Theo pháp luật hiện hành, người đạt độ tuổi tối thiểu của TNHS (14 tuổi) nhưng chưa đủ 16 tuổi chịu trách nhiệm trong trường hợp cố ý thực hiện tội phạm rất nghiêm trọng hoặc tội phạm đặc biệt nghiêm trọng; và người đủ 16 tuổi hoặc lớn hơn phải chịu TNHS về mọi tội phạm mà họ thực hiện[30].
Từ phương diện hình phạt, việc xác định loại tội phạm có thể dựa vào mức cao nhất của khung hình phạt mà BLHS quy định. Tội phạm ít nghiêm trọng có mức cao nhất của khung hình phạt không quá ba năm tù; tội phạm nghiêm trọng có mức cao nhất của khung hình phạt từ trên ba năm đến bảy năm tù; tội phạm rất nghiêm trọng có mức cao nhất của khung hình phạt từ trên bảy năm tù đến 15 năm tù; tội phạm đặc biệt nghiêm trọng có mức cao nhất của khung hình phạt trên 15 năm tù, tù chung thân hoặc tử hình.
Như vậy, những người đạt độ tuổi tối thiểu của TNHS, 14 tuổi hoặc lớn hơn nhưng chưa đủ 16 tuổi, chỉ phải chịu trách nhiệm pháp lý theo thủ tục TTHS nếu họ thực hiện tội phạm có mức cao nhất của khung hình phạt là trên 15 năm tù, tù chung thân hoặc từ hình; hoặc cố ý thực hiện tội phạm có mức cao nhất của khung hình phạt trên bảy năm tù.
Cả BLHS và Bộ luật TTHS đều có những quy định áp dụng riêng đối với NCTN phạm tội. Hình phạt áp dụng với người phạm tội khi chưa đủ 18 tuổi nhẹ hơn; thủ tục tố tụng áp dụng với người bị bắt, bị can, bị cáo dưới 18 tuổi có tính đến những điểm đặc thù, phù hợp với tâm lý lứa tuổi của người chưa trưởng thành[31]. Nói cách khác, người từ đủ 18 tuổi trở lên chịu TNHS theo các quy định của pháp luật hình sự và TTHS, không có bất kỳ ưu tiên nào vì lý do người phạm tội còn non nớt về thể chất và tinh thần.
Tóm lại, khi xác định TNHS theo quy định của BLHS và Bộ luật TTHS, tuổi tối thiểu của TNHS (14 tuổi) và tuổi tối thiểu của TNHS đầy đủ (18 tuổi) là hoàn toàn phù hợp với chuẩn mức pháp lý quốc tế, phù hợp với các khuyến nghị của Uỷ ban CUQTE.
Nếu xét trong cả hệ thống pháp luật Việt Nam, những người từ 12 đến dưới 14 tuổi dù được coi là không có năng lực TNHS, nếu vi phạm các quy định của BLHS vẫn có thể bị áp dụng các biện pháp hạn chế tự do theo pháp luật về xử lý các vi phạm hành chính. Ví dụ, người từ đủ 12 tuổi đến dưới 14 tuổi thực hiện hành vi có dấu hiệu của một tội phạm đặc biệt nghiêm trọng do cố ý; và người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi thực hiện hành vi có dấu hiệu của một tội phạm rất nghiêm trọng do vô ý có thể bị đưa vào trường giáo dưỡng từ sáu đến 24 tháng[32]. Về nguyên tắc, việc áp dụng những biện pháp xử lý hành chính, bao gồm giáo dục tại xã, phường, thị trấn; và biện pháp đưa vào trường giáo dưỡng có tính giải pháp và trị liệu trong quản lý hành chính - tư pháp, nhằm mục đích giáo dục hơn là mang tính trừng phạt, khác với các hình phạt và biện pháp được quy định trong BLHS.  
Có thể nói rằng, biện pháp đưa vào trường giáo dưỡng, cả theo thủ tục TTHS và hành chính - tư pháp, có thể xem như một loại biện pháp cưỡng chế có tính chất hạn chế tự do do VPPL hình sự theo phạm vi điều chỉnh của CUQTE. Trong Công ước, cũng như các hướng dẫn về tư pháp NCTN không có sự phân biệt biện pháp hành chính hay biện pháp hình sự, mà quan tâm đến bản chất của những chế tài, sự hạn chế tự do áp dụng lên trẻ em - NCTN do họ thực hiện những hành vi trái pháp luật hình sự. Điều này có thể thấy qua các báo cáo thực hiện CUQTE và các yêu của Uỷ ban CUQTE đối với các quốc gia trong việc cung cấp thông tin về việc xử lý trẻ em VPPL cả về hình sự và cả biện pháp hành chính có tính chất hạn chế tự do đưa vào các cơ sở giáo dục bắt buộc (như trường giáo dưỡng, trung tâm cai nghiện).
Và như vậy, khi mở rộng phạm vi nghiên cứu thì có thể nói rằng, độ tuổi thấp nhất mà một người có thể phải chịu trách nhiệm trước pháp luật khi họ VPPL hình sự ở Việt Nam là 12 tuổi. Người 12 tuổi thực hiện hành vi mà BLHS quy định mức cao nhất của khung hình phạt là trên 15 năm tù, tù chung thân hoặc tử hình sẽ bị áp dụng biện pháp đưa vào trường giáo dưỡng từ sáu đến 24 tháng theo thủ tục hành chính - tư pháp. Giới hạn 12 tuổi này không trái với các chuẩn mực pháp lý quốc tế về độ tuổi tối thiểu của TNHS, nhưng không phải là mức mà tổ chức chịu trách nhiệm giám sát thực thi CUQTE khuyến khích.
Trong thực tiễn áp dụng pháp luật, hệ thống thông tin dữ liệu chính thức của các cơ quan tiến hành tố tụng không có những số liệu rõ ràng về những việc truy cứu TNHS sai lầm liên quan đến tuổi chịu TNHS. Tuy nhiên, Tòa án nhân dân tối cao đã luôn phải có những hướng dẫn để xác định tuổi của bị cáo trong những trường hợp các tài liệu liên quan không rõ ràng[33]. Thời gian gần đây đã xảy ra trường hợp Tòa án cấp phúc thẩm quyết định trả một hồ sơ để điều tra lại vì cho rằng bị cáo chưa đủ 14 tuổi khi thực hiện hành vi phạm tội, kết luận giám định về độ tuổi của bị cáo chưa rõ ràng[34]. Hoặc trường hợp Tòa án đã quyết định xử phạt tử hình đối với một người phạm tội đặc biệt nghiêm trọng, nhưng sau đó xét xử lại và xử phạt 18 năm tù do xác định rằng, vào thời điểm thực hiện hành vi phạm tội, bị cáo chưa đủ 18 tuổi[35]. Trong những vụ này, một trong các căn cứ dẫn đến sự thay đổi trong kết luận của Tòa án là do bị cáo không có giấy khai sinh bản gốc, những tài liệu liên quan đến xác định ngày sinh của bị cáo, bao gồm cả các kết luận giám định không thống nhất.
3.2 Chế tài hình sự đối với người chưa thành niên phạm tội
3.2.1. Những quy định chung về hình phạt và các biện pháp tư pháp
Trong hệ thống pháp luật Việt Nam, chế tài hình sự có thể áp dụng đối với người thực hiện hành vi trái pháp luật hình sự bao gồm hình phạt và biện pháp tư pháp[36].
Hình phạt nói chung gồm các hình phạt chính và hình phạt bổ sung. Có bảy loại hình phạt chính gồm: Cảnh cáo; Phạt tiền; Cải tạo không giam giữ; Trục xuất; Tù có thời hạn; Tù chung thân; và Tử hình. Trong đó, xét về mối liên hệ với loại tội phạm thì Cảnh cáo và Phạt tiền chỉ áp dụng đối với tội phạm ít nghiêm trọng; Cải tạo không giam giữ chỉ áp dụng đối với người phạm tội ít nghiêm trọng hoặc nghiêm trọng; Trục xuất chỉ áp dụng với người nước ngoài; Tù có thời hạn (từ 3 tháng đến 20 năm) có thể áp dụng đối với mọi loại tội phạm; Tù chung thân và Tử hình chỉ áp dụng đối với tội đặc biệt nghiêm trọng[37]. Hình phạt bổ sung gồm bảy loại[38], và không áp dụng đối với NCTN[39]. Đối với những người bị xử phạt tù không quá ba năm, căn cứ vào nhân thân người phạm tội và các tình tiết giảm nhẹ, tòa án có thể áp cho người bị kết án hưởng án treo với thời gian thử thách từ một đến năm năm.
Các biện pháp tư pháp quy định tại Chương VI BLHS bao gồm: Tịch thu vật, tiền trực tiếp liên quan đến tội phạm; Trả lại tài sản, sửa chữa hoặc bồi thường thiệt hại; buộc công khai xin lỗi; và Bắt buộc chữa bệnh. Những biện pháp này có thể áp dụng đối với mọi tội phạm và người phạm tội này khi xét thấy có các căn cứ tương ứng quy định tại các Điều 41-44 của Bộ luật. Đối với các vụ án NCTN phạm tội, hai biện pháp tư pháp nữa có thể áp dụng là Giáo dục tại xã, phường, thị trấn; và Đưa vào trường giáo dưỡng.
Theo quy định của pháp luật, không phải tất cả những người có hành vi VPPL hình sự đều bị áp dụng các chế tài hình sự và hình phạt. Trong quá trình giải quyết vụ án, các cơ quan tiến hành tố tụng có thể miễn TNHS và miễn hình phạt khi có các căn cứ tương ứng quy định tại các Điều 25 và 54 BLHS. Ví dụ, khi vụ án đang được điều tra, truy tố hoặc xét xử, do chuyển biến của tình hình mà hành vi phạm tội hoặc người phạm tội không còn nguy hiểm cho xã hội nữa, thì người phạm tội được miễn TNHS[40].
3.3.2. Hình phạt và các biện pháp áp dụng đối với NCTN phạm tội
BLHS quy định rằng, việc xử lý NCTN phạm tội phải bảo đảm các nguyên tắc và quy định tại Chương X (các Điều 69-77) và các quy định khác mà không trái với chương này. Về cơ bản, bao gồm:
- Việc xử lý chủ yếu nhằm giáo dục, giúp đỡ họ sửa chữa sai lầm; chỉ truy cứu TNHS trong trường hợp cần thiết, căn cứ vào tính chất của hành vi phạm tội, nhân thân NCTN phạm tội và yêu cầu của việc phòng ngừa tội phạm;
- Có thể miễn TNHS nếu họ phạm tội ít nghiêm trọng hoặc tội nghiêm trọng mà có nhiều tình tiết giảm nhẹ và được gia đình hoặc tổ chức nhận giám sát, giáo dục;
- Nếu thấy không cần thiết phải áp dụng hình phạt, toà án có thể áp dụng một trong hai biện pháp tư pháp (giáo dục tại xã, phường, thị trấn; và đưa vào trường giáo dưỡng);
- Không xử phạt tù chung thân hoặc tử hình; Hạn chế áp dụng hình phạt tù;
- Hình phạt áp dụng đối với họ nhẹ hơn mức án áp dụng với người thành niên phạm tội tương ứng;
- Không áp dụng hình phạt tiền đối với NCTN phạm tội ở độ tuổi từ 14 đến dưới 16[41];
- Không áp dụng hình phạt bổ sung;
- Án đã tuyên đối với người dưới 16 tuổi không tính để xác định tái phạm hoặc tái phạm nguy hiểm;
- Những hình phạt có thể áp dụng đối với NCTN phạm tội gồm: Cảnh cáo; Phạt tiền; Cải tạo không giam giữ; và Tù có thời hạn[42];
- Phạt tiền chỉ áp dụng đối với người từ đủ 16 tuổi trở lên và có tài sản riêng với mức phạt không quá một phần hai mức phạt tiền mà điều luật quy định;
- Thời hạn cải tạo không giam giữ đối với họ là không quá một phần hai thời hạn mà điều luật quy định;
- Hình phạt tù áp dụng đối với NCTN khi phạm tội là không quá 12 năm hoặc 18 năm lần lượt đối với đối với người từ 14 đến dưới 16 tuổi, hoặc từ 16 đến dưới 18 tuổi. Cụ thể: 
+ Đối với người từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi khi phạm tội, nếu điều luật được áp dụng quy định hình phạt tù chung thân hoặc tử hình, thì mức hình phạt cao nhất được áp dụng không quá 18 năm tù; nếu là tù có thời hạn thì mức hình phạt cao nhất được áp dụng không quá ba phần tư mức phạt tù mà điều luật quy định;
+ Đối với người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi khi phạm tội, nếu điều luật được áp dụng quy định hình phạt tù chung thân hoặc tử hình, thì mức hình phạt cao nhất được áp dụng không quá 12 năm tù; nếu là tù có thời hạn thì mức hình phạt cao nhất được áp dụng không quá một phần hai mức phạt tù mà điều luật quy định[43].
- Biện pháp tư pháp: Giáo dục tại xã, phường, thị trấn có thời hạn từ một đến hai năm, có thể áp dụng đối với những NCTN phạm tội ít nghiêm trọng hoặc nghiêm trọng[44]. Biện pháp đưa vào trường giáo dưỡng có thời hạn từ một năm đến hai năm, nếu xét thấy không cần áp dụng hình phạt đối với NCTN phạm tội nhưng cần đưa người đó vào một tổ chức giáo dục có kỷ luật chặt chẽ[45].
Từ những trình bày trên đây, có thể nói rằng, các nguyên tắc xử lý NCTN phạm tội của pháp luật Việt Nam khá phù hợp với các chuẩn mực pháp lý quốc tế về hình phạt và mục đích của áp dụng hình phạt. Việt Nam không áp dụng hình phạt tù chung thân và tử hình đối với NCTN khi phạm tội. Hình phạt áp dụng đối với NCTN đặc biệt giảm nhẹ so với người đã thành niên phạm tội tương ứng. Những người từ đủ 14 đến dưới 16 tuổi chỉ phải chịu TNHS trong trường hợp phạm tội rất nghiêm trọng do cố ý hoặc tội đặc biệt nghiêm trọng. Hình phạt nghiêm khắc nhất mà những người này có thể bị áp dụng là 12 năm tù. Đối với những từ 16 đến chưa đủ 18 tuổi khi phạm tội, thì hình phạt nặng nhất là 18 năm. NCTN không bị áp dụng hình phạt bổ sung.
Tuy nhiên, có thể thấy rằng, hệ thống hình phạt và biện pháp có thể áp dụng đối với NCTN phạm tội là không đa dạng, có rất ít các phương án để lựa chọn, đặc biệt đối với những người từ 14 đến dưới 16 tuổi. Tù có thời hạn là loại hình phạt duy nhất có thể áp dụng đối với người phạm tội từ đủ 14 đến dưới 16 tuổi. Tưởng rằng các biện pháp tư pháp sẽ làm đa dạng hóa sự lựa chọn cho tòa án khi quyết định hình phạt, nhưng thực tế, các biện pháp này lại thiếu tính khả thi. Biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn không thể áp dụng đối với người phạm tội từ 14 đến dưới 16 tuổi vì biện pháp này chỉ áp dụng đối với người phạm tội ít nghiêm trọng hoặc nghiêm trọng - những tội mà người từ 14 đến dưới 16 không phải chịu trách nhiệm. Biện pháp đưa vào trường giáo dưỡng tưởng có thể áp dụng đối với những người khi phạm tội từ 14 đến dưới 16 tuổi nếu Tòa án xét thấy không cần áp dụng hình phạt. Tuy nhiên, việc không áp dụng hình phạt đối với người phạm tội phạm đặc biệt nghiêm trọng hoặc tội phạm rất nghiêm trọng với lỗi cố ý thì rất khó xảy ra[46]. Đối với người phạm tội nhóm từ 16 đến dưới 18 tuổi thì các biện pháp này lại không phù hợp về thời gian. Các biện pháp tư pháp có thời gian từ một đến hai năm, nên khi tòa án quyết định bị cáo cần phải dưới 17 tuổi. Nói cách khác, những người khi phạm tội gần 17 tuổi sẽ không thể đủ điều kiện để được áp dụng biện pháp tư pháp. Đối với những người khi phạm tội 16 tuổi, thì thời gian áp dụng biện pháp tư pháp với họ cũng phải ngắn hơn hai năm vì sau khi có hành vi phạm tội, các cơ quan tiến hành tố tụng cần thời gian để điều tra, truy tố và xét xử.
Với đặc điểm của hệ thống hình phạt và biện pháp xử lý như vậy, nên có lẽ đây là lý do cơ bản mà UNICEF nhận xét rằng, hệ thống hình phạt của Việt Nam mang nặng tính trừng phạt hơn so với các quốc gia khác trong cùng khu vực[47]. Hơn thế nữa, các biện pháp xử lý không chính thức và biện pháp thay thế được nhấn mạnh trong các tiêu chuẩn quốc tế, không được quy định cụ thể và chi tiết trong BLHS. Pháp luật Việt Nam chưa có một cơ chế chính thức cho các việc xử lý NCTN phạm tội mà không phải áp dụng các thủ tục TTHS chính thức. Trong xu hướng hiện nay, khi mà các chương trình phòng ngừa NCTN phạm tội, cáo báo cáo tổng kết của cơ quan tư pháp thường đưa ra các nhận xét rằng xu hướng phạm tội gia tăng và trẻ hóa; hay NCTN phạm tội đặc biệt nghiêm trọng với cách thức vô cùng độc ác và tàn bạo[48], thì đã có những ý kiến cho rằng, cần xử lý nghiêm khắc hơn đối với NCTN phạm tội để góp phần phòng ngừa tội phạm nói chung. Cụ thể, đã có những ý kiến cho rằng pháp luật hình sự cần sửa đổi theo hướng giảm độ tuổi chịu TNHS xuống 12, tăng các mức hình phạt đối với NCTN, và có thể áp dụng hình phạt tử hình với những người phạm tội khi chưa đủ 18 tuổi nếu họ phạm tội đặc biệt nghiêm trọng và có tính chất hung bạo, man rợ[49]. Những quan điểm như vậy, trái ngược với các quan điểm và tiêu chuẩn quốc tế, đã gắn cho hình phạt và việc trừng phạt một nhiệm vụ là phòng ngừa tội phạm, mà chưa đi sâu vào giải quyết nguyên nhân cốt lõi của tội phạm như đói nghèo, thiếu học, thiếu kỹ năng sống. Các nghiên cứu và số liệu thống kê đã chỉ ra rằng, phần lớn tội phạm ở NCTN liên quan đến tội xâm phạm sở hữu, đặc biệt là tội trộm cắp tài sản; và phần nhiều trong số NCTN phạm tội là bỏ học, sống lang thang hoặc từ những gia đình không hoàn chỉnh[50].
3.3.3. Thực tiễn áp dụng áp dụng chế tài hình sự đối với NCTN phạm tội
Dù các số liệu thống kê tư pháp hình sự, các chỉ số về quyền trẻ em nói chung ngày càng được thu thập và đánh giá theo nhiều tiêu chí hơn, nhưng số liệu liên quan đến trẻ em VPPL chưa thực sự đầy đủ. Các nghiên liên quan về tư pháp NCTN thường nhận định rằng, ở Việt Nam không có những phương thức để thống kê chính xác mọi trường hợp trẻ em VPPL, đặc biệt là pháp luật hành chính[51]; hoặc hệ thống thông tin dữ liệu về tình hình trẻ em VPPL rất ít độ tin cậy[52]. Trong một bối cảnh như vậy, chúng tôi xem xét và đánh giá thực tiễn áp dụng pháp luật về chế tài áp dụng đối với NCTN phạm tội dựa trên các nghiên cứu và số liệu sẵn có được thống kê bởi các cơ quan có trách nhiệm liên quan trong giai đoạn 2005 - 2012[53].
Theo tài liệu Tổng kết dự án Đấu tranh phòng, chống tội phạm xâm hại trẻ em và tội phạm trong lứa tuổi vị thành niên[54], số NCTN vi phạm trong giai đoạn 2006-2010 dao động trong khoảng 12.878 đến 16.444 người/năm, tổng số tăng khoảng 6,70% so với giai đoạn năm năm trước đó[55]. Và số liệu trong năm 2011 là 13.600 người, tăng 5,60% so với số NCTN VPPL trong năm 2010[56]. Bình quân trên cả nước, số NCTN VPPL chiếm 20% tổng số người VPPL trong lĩnh vực trật tự an toàn xã hội[57]. Số liệu của Dự án cũng xác định được rằng, trong giai đoạn 2006-2011, có 24.452 người, chiếm khoảng 30% tổng số NCTN VPPL, bị xử lý theo thủ tục TTHS. Trong giai đoạn 2000-2005 tỷ lệ NCTN VPPL bị xử lý hình sự là 18%.
Xem xét sự tăng lên về số lượng và tỷ lệ NCTN VPPL và bị xử lý về hình sự trong bối cảnh phi hình sự hóa nhiều hành vi xâm phạm sở hữu do sự sửa đổi BLHS trong năm 2009,[58] có thể thấy một sự gia tăng về xu hướng VPPL hoặc ít nhất là số NCTN VPPL bị phát hiện và xử lý, đặc biệt là xử lý theo thủ tục TTHS. 
Biểu đồ 1 mô tả khái quát số liệu tổng hợp trong bảy năm về xử lý NCTN VPPL, kể từ năm 2005. Những người này từ độ tuổi tối thiểu của TNHS (14 tuổi) nhưng chưa đủ tuổi chịu TNHS đầy đủ, dưới 18 tuổi tại thời điểm thực hiện hành vi trái pháp luật hình sự. Những người bị khởi tố, truy tố và xét xử lần lượt chiếm khoảng 50%, 33% và 30% số những người có hành vi vi phạm. Một nửa số NCTN VPPL hình sự nhưng không bị xử lý về hình sự có thể do một trong hai lý do: họ được cho là chưa đủ tuổi phải chịu TNHS đối với tội phạm cụ thể mà họ thực hiện; hoặc cơ quan có thẩm quyền quyết định không khởi tố đối với họ. Hiện nay, không có thống kê phân loại cụ thể về lý do và căn cứ của việc không khởi tố đối với những người này. Đối với những trường hợp đã khởi tố, điều tra nhưng không bị truy tố, xét xử thì phần lớn là được cơ quan điều tra hoặc Viện kiểm sát miễn TNHS.
Các số liệu thống kê cũng chỉ ra rằng, phần đặc biệt lớn những NCTN phạm tội bị xử lý hình sự là từ 16 đến dưới 18 tuổi. Số người trong độ tuổi này chiếm đến 93% tổng số NCTN phạm tội bị kết án trong giai đoạn 2007-2012.
Theo số liệu thống kê của Tòa án nhân dân tối cao, trong sáu năm, từ 2007 đến 2012, có 24.270 NCTN bị đưa ra xét xử theo thủ tục sơ thẩm. Trong số đó, 14 người được tuyên không phạm tội; số người được áp được miễn hình phạt và bị áp dụng biện pháp tư pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn và đưa vào trường giáo dưỡng lần lượt là 46 và 25. Số người bị phạt cảnh cáo, phạt tiền và cải tạo không giam giữ là 58, 26 và 931. Nhóm những người không bị xử phạt tù có tỷ lệ rất thấp, chiếm chỉ hơn 4% số NCTN bị kết án. Số còn lại bị xử phạt tù. Trong đó, hơn 31% số NCTN bị xử phạt tù nhưng được hưởng án treo với thời gian thử thách từ một đến năm năm; 46% bị xử phạt tù từ ba tháng đến ba năm (không tính những người được hưởng án treo) và số còn lại, gần 19% bị xử phạt tù từ trên ba năm đến 18 năm (xem biểu đồ 2).
Nếu so sánh việc áp hình phạt trong cả hệ thống tư pháp hình sự, có thể đưa ra một số thông tin sau: số bị cáo chưa thành niên chiếm khoảng 4% tổng số bị cáo bị đưa ra xét xử sơ thẩm. Số NCTN được áp dụng các biện pháp cảnh cáo, phạt tiền và cải tạo không giam giữ lần lượt chiếm 6,78%; 6,50% và 5,18% trong tổng số các hình phạt tương ứng mà Tòa án đã tuyên. Tỷ lệ những người phạm tội bị xử bị tước bỏ tự do (áp dụng hình phạt tù và không được hưởng án treo) là 64,70% ở nhóm chưa thành niên và 70,27% trong toàn hệ thống. Như vậy, tỷ lệ NCTN phạm tội được áp dụng các biện pháp không tước tự do cao hơn; hình phạt nhẹ hơn đáng kể so mức áp dụng đối với người đã thành niên.
Từ kết quả xét xử của các Tòa án cũng nhận thấy rằng, các biện pháp tư pháp rất ít được áp dụng, chỉ có 71 quyết định trong tổng số 24.170 bị cáo chưa chưa thành niên bị đưa ra xét xử. Nguyên nhân chủ yếu của tình trạng này là do các biện pháp tư pháp thiếu tính thực tế, không có tính khả thi như đã đề cập, phạm vi đối tượng có thể áp dụng rất hẹp. Hơn nữa, các thẩm phán, những người có quyền lựa chọn và quyết định thường e ngại, không thích áp dụng các biện pháp này. Họ thường quyết định hình phạt tù và cho hưởng án treo hơn là miễn hình phạt và áp dụng biện pháp tư pháp[59].
4. Kết luận
Từ nhưng phân tích về hệ thống pháp luật và thực tiễn thi hành, có thể kết luận rằng, Việt Nam đã phần nào tiếp cận được các chuẩn mực quốc tế về tư pháp NCTN.
Quy định về tuổi chịu TNHS là phù hợp với CUQTE và các hướng dẫn liên quan. Nhưng thực tiễn thi hành chưa hoàn toàn hiệu quả, do việc xác định không chính xác độ tuổi của người bị xử lý. Do đó, việc đăng ký khai sinh cần được quản lý tốt hơn, hạn chế việc trẻ em không được đăng ký khai sinh, đăng ký muộn hoặc có sự ghi không thống nhất trong các giấy tờ hộ tịch liên quan.
Chế tài áp dụng đối với NCTN ở Việt Nam đã đáp ứng yêu cầu của CUQTE và các chuẩn mực pháp lý quốc tế về nguyên tắc: nhằm giáo dục người phạm tội, chỉ áp dụng hình phạt khi thật cần thiết, hạn chế áp dụng hình phạt tù, và mức hình phạt nhẹ hơn so với mức áp dụng với người đã thành niên. Tuy nhiên, hệ thống này thiếu tính đa dạng, thiếu sự lựa chọn. Biện pháp tư pháp không thực sự khả thi. Những hạn chế này nên được đặc biệt lưu ý khi BLHS đang được nghiên cứu sửa đổi.
Nếu việc quản lý về đăng ký khai sinh và hộ tịch được thực hiện tốt hơn, những hạn chế trong hệ thống chế tài đối với NCTN nêu trên được chỉnh sửa sẽ góp phần nâng cao tính khả thi của pháp luật hình sự, bảo đảm tốt hơn quyền của NCTN phạm tội. Từ đó, khoảng cách giữa pháp luật quốc gia và các chuẩn mực pháp lý quốc tế về tư pháp NCTN sẽ ngắn lại và Việt Nam có thể thực thi tốt hơn trách nhiệm của một quốc gia thành viên theo CUQTE./.

 


[1] Gregor Urbas (2000) "The Age of Criminal Responsibility" in Trends and Issues in Crime and Criminal Justice, (Austrailan Institute of Criminology), trang 1; Cipriani Don (2009) Children's Rights and the Minimum Age of Criminal Responsibility: A Global Perspective, Burlington, VT, Ashgate. xiv; Delmage Enys (2013) "The Minimum Age of Criminal Responsibility: A Medico-Legal Perspective." Youth Justice 13(2), trang 104.
[2] Xem: <http://www2.ohchr.org/english/law/crc.htm>.
[3] Vietnam (1999) Báo cáo quốc gia về việc thực hiện Công ước quyền trẻ em giai đoạn 1993-1998, trang 66.
[4] CUQTE: Điều 4.
[5] Xem: Bình luận chung số 10 (2007) về Quyền của Trẻ em trong tư pháp NCTN của Uỷ ban Công ước về Quyền trẻ em <http://www2.ohchr.org/english/bodies/crc/docs/co/CRC.C.HND.CO.3_en.pdf> (sau đây gọi tắt là Bình luận chung số 10): các Đoạn: 35-36.
[6] Ở một số quốc gia, tồn tại hai giới hạn độ tuổi tối thiểu của TNHS, độ tuổi tối thiểu trên và độ tuổi tối thiểu dưới. Những người từ độ tuổi tối thiểu dưới nhưng chưa đạt độ tuổi tối thiểu trên thực hiện các hành động phạm tội sẽ phải chịu TNHS nếu Toà án kết luận người đó đã đủ trưởng thành và nhận thức được tính chất sai trái của hành vi. Xem thêm: Bình luận chung số 10, các Đoạn 30- 33; Thomas Crofts (2012) "The Age of Innocence: Raising the Age of Criminal Responsibility"
<http://rightnow.org.au/topics/children-and-youth/the-age-of-innocence-raising-the-age-of-criminal-responsibility/>. 
[7] United Nations (1948) The Universal Declaration of Human Rights <http://www.un.org/en/documents/udhr/>.
[8] United Nations (1966) The International Covenant on Civil and Political Rights <http://www.ohchr.org/en/professionalinterest/pages/ccpr.aspx>.
[9] Xem, <http://www2.ohchr.org/english/law/crc.htm>.
[10] United Nations (1985) Standard Minimum Rules for Administration of Juvenile Justice <http://www2.ohchr.org/english/law/beijingrules.htm>.
[11] United Nations (1990) United Nations Rules for the Protection of Juveniles Deprived for their Liberty <http://www2.ohchr.org/english/law/res45_113.htm>.
[12] United Nations Economic and Social Council (1997) Guidelines for Action on Children in the Criminal Justice System  <http://www2.ohchr.org/english/law/system.htm>
[13] Đến nay, CUQTE có 193 quốc gia thành viên, bao gồm tất cả các thành viên của Liên hợp quốc ngoại trừ chỉ hai quốc gia, Mỹ và Somalia đã ký kết nhưng chưa phê chuẩn. Xem thêm tại: <http://treaties.un.org/Pages/ViewDetails.aspx?src=TREATY&mtdsg_no=IV-11&chapter=4&lang=en>.
[14] CUQTE: Điều 40/3/a.
[15] Xem Angela Melchiorre (2004) At What Age?... Are School-children Employed, Married and Taken to Court?, Right to Education Project, <htpp://www.right-to-education.org/sites/r2e.gn.apc.../At%20What%20Age_.pdf‎Cached>; Bình luận chung số 10: Đoạn 30.
[16] Bình luận chung số 10: Đoạn 32.
[17] Bình luận chung số 10: Đoạn 33.
[18] Xem CUQTE: Điều 1; Công ước số 183 của Tổ chức Lao động quốc tế về Loại bỏ những hình thức lao động trẻ em đặc biệt tồi tệ: Điều 2; Nghị định thư về Phòng chống và trực phạt tội phạm mua bán người, đặc biệt là phụ nữ và trẻ em – Bổ sung Công ước của Liên hợp quốc về Phòng chống tội phạm có tổ chức: Điều 3(d); Quy tắc Havana: Quy tắc 11(d).
[19] Xem Bình luận chung số 10: Đoạn 38.
[20] Xem Champion, D. J. và G. L. Mays (1991) Transferring Juveniles to Criminal Courts: Trends and Implications for Criminal Justice, New York, Praeger; Chris Cunneen và Rob White (2007) Juvenile Justice: Youth and Crime in Australia, Oxford University Press; Chan, W.-C. (2012) "Juvenile Offenders in Singapore."
[21] Tên tiếng Anh: the Youth Court
[22] Bình luận chung số 10: Đoạn 38.
[23] CUQTE: Điều 37; Quy tắc Bắc Kinh; Quy tắc Havana; Bình luận chung số 10.
[24] CUQTE: Điều 40/3
[25] CUQTE: Điều 40; Hướng dẫn Làm việc với trẻ em trong hệ thống tư pháp hình sự; Quy tắc Havana.
[26] Xem: International Network on Juvenile Justice (2001) Báo cáo của Ủy ban Quyền trẻ em Liên hợp quốc về Công tác tư pháp NCTN (sách dịch), Nhà xuất bản Chính trị Quốc gia, trang 6.
[27] Pham Thị Thanh Nga (2013) "The Establishment of Juvenile Courts and the Fulfiment of Vietnam's Obligations under the Convention on the Rights of the Child." Australian Journal of Asian Law 14(1), trang 17; xem thêm: UNICEF Regional Office for South Asia (2006) Juvenile Justice in South Asia: Improving Protection for Children in Conflict with the Law, Switzerland, Geneva; UNICEF (2007) Implementation Handbook for the Convention on the Rights of the Child, Switzerland, United Nations Publications, trang 615.
[28]  BLHS năm 1999, được sửa đổi bổ sung năm 2009: các Điều 12, 68-77  
[29] Bộ luật Dân sự năm 2005: Điều 18.
[30] BLHS: Điều 12.
[31] Xem Bộ luật TTHS: Chương XXXII.
[32]Luật Xử lý vi phạm hành chính: các Điều 91- 92; Nghị định số 01/2014/NĐ-CP quy định chế độ áp dụng, thi hành biện pháp xử lý hành chính đưa vào trường giáo dưỡng và có sở giáo dục bắt buộc.
[33] Tòa án nhân dân tối cao, Công văn số 81/2002/TANDTC: mục 11.
[34] Tòa án nhân dân thành phố Hồ Chí Minh, Bản án số 30/2014/HSPT ngày 10/01/2014.
[35] Xem: Thoát án tử sau hai lần bị tuyên tử hình: <http://www.thanhnien.com.vn/pages/20131226/thoat-an-tu-sau-hai-lan-bi-tuyen-tu-hinh.aspx>
[36] Đối với các biện pháp ngăn chặn (bắt, tạm giữ hay tạm giam) là những vấn đề thuộc về thủ tục TTHS, không được thảo luận trong phạm vi bài viết này như đã giới hạn ở trên.
[37] BLHS: các Điều 28-35.
[38] Gồm: Cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định; Cấm cư trú; Quản chế; Tước một số quyền công dân; Tịch thu tài sản; Phạt tiền, khi không áp dụng là hình phạt chính; và Trục xuất, khi không áp dụng là hình phạt chính. Xem BLHS: Điều 28/2.
[39] BLHS: Điều 69/5.
[40] BLHS: Điều 25/1.
[41] Thực ra quy định này là không cần thiết. Hình phạt tiền chỉ có thể áp dụng đối với tội phạm ít nghiêm trọng hoặc nghiêm trọng, những tội phạm mà người người từ đủ 14 đến dưới 16 không phải chịu TNHS. Xem BLHS: các Điều 8/3; 12 và 30/1
[42] BLHS: Điều 71.
[43] BLHS: Điều 74.
[44] BLHS: Điều 71/2
[45] BLHS: các Điều 69/2, 70/3.
[46] Người từ đủ 14 đến dưới 16 tuổi khi phạm tội chỉ phải chịu TNHS về tội rất nghiêm trọng do cố ý hoặc tội đặc biệt nghiêm trọng.
[47] UNICEF (2011) Báo cáo phân tích tình hình trẻ em Việt Nam 2010 <hppt:www.unicef.org/sitan/files/SitAn-Viet_Nam_2010_Eng.pdf>, trang 234.
[48] Tòa án nhân dân thành phố Hồ Chí Minh (2006) Báo cáo tổng kết công tác năm 2006 và Phương hướng công tác năm 2007, trang 2; Tòa án nhân dân tối cao (2008) Báo cáo tổng kết công tác năm 2008 và Triển khai nhiệm vụ công tác năm 2009 của ngành Tòa án nhân dân, trang 1; Ban chủ nhiệm đề án IV – Ban Chỉ đạo 138/CP (2012) Tổng kết thực hiện Đề án IV “Đấu tranh phòng, chống tội phạm xâm hại trẻ em và Tội phạm trong lứa tổi vị thành niên – Chương trình Quốc gia phòng chống tội phạm giai đoạn 2006-2010, trang 16; Cục Cảnh sát hình sự - Tổng cục Cảnh sát phòng chống tội phạm (2012), Kết quả thực hiện đề án IV-CT138/CP năm 2011.
[49] Xem: Xuân Hùng (2012) Giảm tuổi vị thành niên để phòng chống tội phạm trẻ em <http://www.tinmoi.vn/giam-tuoi-vi-thanh-nien-de-chong-toi-pham-tre-011096568.html>; Hà Nguyễn (2013) Bàn về Độ tuổi chịu TNHS của NCTN <http://www.tinmoi.vn/ban-ve-do-tuoi-chiu-trach-nhiem-hinh-su-cua-nguoi-chua-thanh-nien-011263431.html>; Hồng Thúy (2013) Cân nhắc tăng hình phạt đối với Người phạm tội chưa thành niên <http://dantri.com.vn/phap-luat/can-nhac-tang-hinh-phat-voi-nguoi-pham-toi-chua-thanh-nien-718153.htm>; Hồng Thúy (2013) Tội phạm như Lê Văn Luyện có thể bị tử hình <http://tiin.vn/chuyen-muc/24h/toi-pham-nhu-le-van-luyen-co-the-bi-tu-hinh.html>;Lê Nhung và Minh Thắng (2012) Đề xuất hạ tuổi thành niên xuống 16 < http://us.24h.com.vn/tin-tuc-trong-ngay/de-xuat-ha-tuoi-thanh-nien-xuong-16-c46a495427.html>.
[50] UNICEF (2011) Báo cáo phân tích tình hình trẻ em Việt Nam 2010 <www.unicef.org/sitan/files/SitAn-Viet_Nam_2010_Eng.pdf>
[51] Pamala Cox (2010) "Juvenile justice reform and policy convergence in the new Vietnam" Youth Justice 10(3), trang 232.
[52] UNICEF (2011) Báo cáo phân tích tình hình trẻ em Việt Nam 2010 <hppt:www.unicef.org/sitan/files/SitAn-Viet_Nam_2010_Eng.pdf> trang 232.
[53] Từ 2005 các cơ quan tiến hành tố tụng bắt đầu thực hiện việc việc thống kê tội phạm, thống kê hình sự chung, đầu mối là Viện kiểm sát nhân dân tối cao, xem Thông tư số 01/2005/TTLT-VKSNDTC-TANDTC-BCA-BQP.
[54] Đề án IV trong Chương trình phòng chống tội phạm (Chương trình 138/CP), các giai đoạn từ năm 1998 đến năm 2012, xem: Quyết định số 138/1998/QĐ-TTg ngày 31/7/1998 của Thủ tướng Chính phủ về Phê duyệt chương trình hành động quốc gia phòng chống tội phạm.
[55] Cục Cảnh sát hình sự - Tổng cục Cảnh sát phòng chống tội phạm (2012), Kết quả thực hiện đề án IV-CT138/CP năm 2011.
[56] Như trên.
[57] Xem: Ban chủ nhiệm đề án IV – Ban Chỉ đạo 138/CP (2012) Tổng kết thực hiện Đề án IV “Đấu tranh phòng, chống tội phạm xâm hại trẻ em và Tội phạm trong lứa tổi vị thành niên – Chương trình Quốc gia phòng chống tội phạm giai đoạn 2006-2010, trang 16; Cục Cảnh sát hình sự - Tổng cục Cảnh sát phòng chống tội phạm (2012), Kết quả thực hiện đề án IV-CT138/CP năm 2011, trang 33.
[58] Luật số 37/2009/QH12 Sửa đổi, bố sung một số điều của BLHS năm 1999, đã nâng mức định lượng tối thiểu của tài sản bị xâm hại lên gấp 4 lần đối với một số tội phạm xâm hại quyền sở hữu - nhóm tội phổ biến nhất trong các tội mà NCTN vi phạm.
[59] Hoàng Yến (2013) Luật chung chung, Trẻ em phạm tội thiệt <http://phapluattp.vn/2013072612073689p0c1063/luat-chung-chung-tre-pham-toi-thiet.htm>.

(Nguồn tin: Bài viết đăng tải trên Ấn phẩm Tạp chí Nghiên cứu lập pháp số 18(274), tháng 9/2014)


Thống kê truy cập

33947570

Tổng truy cập