Tăng thuế có làm gia tăng buôn lậu thuốc lá?

01/09/2014

NGUYỄN THỊ THU HIỀN, ĐÀO THẾ SƠN

Trường Đại học Thương mại Hà Nội

Thực hiện Chương trình xây dựng pháp luật của Quốc hội và Chiến lược cải cách thuế của Chính phủ đến năm 2015, Bộ Tài chính đã đề xuất việc sửa đổi Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (TTĐB), trong đó có nội dung tăng thuế TTĐB đối với thuốc lá. Việc tăng thuế TTĐB đối với thuốc lá trong Dự thảo luật[1] đã nhận được hầu hết các ý kiến ủng hộ của các cơ quan chức năng. Tuy nhiên, vẫn có những quan ngại rằng, tăng thuế có thể làm gia tăng buôn lậu thuốc lá. Bài viết phân tích và cung cấp các bằng chứng thực tế cho thấy tăng thuế không phải là nguyên nhân chính dẫn đến sự gia tăng buôn lậu thuốc lá. Vì vậy, để giảm buôn lậu thuốc lá thì biện pháp phù hợp phải là Nhà nước cần tăng cường kiểm soát buôn lậu thay vì do dự không tăng thuế đối với sản phẩm này.
Untitled_326.png
Ảnh minh họa: (Nguồn internet)
1. Sự cần thiết phải tăng thuế thuốc lá
Việt Nam đã phê chuẩn Công ước Khung về Kiểm soát thuốc lá (FCTC) của Tổ chức Y tế Thế giới[1]. Điều 6 của FCTC, các biện pháp về giá và thuế để giảm cầu thuốc lá, quy định: “Các biện pháp về giá và thuế là những biện pháp quan trọng và hữu hiệu để giảm tiêu thụ thuốc lá trong các tầng lớp dân cư, đặc biệt là thanh thiếu niên”. Ngoài ra, trong Khoản 2 Điều 4 Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá của Việt Nam cũng quy định: “Áp dụng chính sách thuế phù hợp để giảm tỷ lệ sử dụng thuốc lá”. Kinh nghiệm tại các quốc gia có chính sách kiểm soát thuốc lá cao cũng cho thấy, tăng thuế sẽ làm gia tăng giá bán lẻ thuốc lá và góp phần quan trọng vào việc giảm tiêu dùng thuốc lá.
Ở nước ta, mức thuế hiện hành đối với thuốc lá là 65% và đã được duy trì cố định trong suốt 6 năm, kể từ năm 2008. Mức thuế này khá thấp so với nhiều nước trong khối ASEAN và tỷ lệ thuế trong giá bán lẻ mới đạt 41,6%, cũng thấp hơn nhiều so với khuyến nghị của WHO[2]. Việc giữ cố định tỷ lệ thuế trong thời gian dài làm cho giá thực của thuốc lá không tăng, trong khi đó thu nhập bình quân đầu người tăng đã khiến cho thuốc lá trở nên dễ tiếp cận hơn đối với người tiêu dùng[3].
Ngày 25/01/2013, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 229/QĐ-TTg về Chiến lược quốc gia phòng chống tác hại thuốc lá đến năm 2020, trong đó xác định mục tiêu giảm tỷ lệ hút thuốc lá trong thanh thiếu niên (từ 15 - 24 tuổi) giảm từ 26% năm 2011 xuống 18% năm 2020; tỷ lệ hút thuốc của nam giới giảm từ 47,4% năm 2011 xuống 39% năm 2020 và của nữ giới giảm xuống dưới 1,4% năm 2020.
Như vậy, hiện nay chúng ta cần tiếp tục thực hiện tăng thuế thuốc lá nhằm: (i) Góp phần đạt mục tiêu quốc gia về giảm tỷ lệ hút thuốc trong nam giới Việt Nam; (ii) Thực thi các cam kết khi tham gia Công ước Khung của Tổ chức Y tế thế giới, thực thi Luật Phòng chống tác hại thuốc lá; và (iii) ngăn ngừa thanh thiếu niên hút thuốc - góp phần bảo vệ các thế hệ tương lai của đất nước khỏi sự tàn phá của các căn bệnh do sử dụng thuốc lá gây ra.
Theo ước tính của Bộ Y tế, thuế TTĐB cần phải tăng lên mức 105% vào năm 2015 và tiếp tục tăng lên 145% vào năm 2018, sau đó tiếp tục xem xét tăng thuế vào năm 2020 sẽ có thể đạt mục tiêu quốc gia về giảm tỷ lệ hút thuốc vào năm 2020. Đồng thời, với mức tăng thuế này, thu ngân sách sẽ tăng khoảng 5.500 tỷ năm 2015, 16.000 tỷ năm 2018[4].
2. Các nguyên nhân dẫn đến buôn lậu thuốc lá
Theo pháp luật của Việt Nam và các nước trên thế giới, buôn lậu là một hoạt động phi pháp và có thể bị truy tố hình sự. Tuy nhiên, hoạt động này vẫn đang diễn ra và ngày càng tinh vi hơn vì những khoản lợi nhuận lớn mà nó mang lại. Có nhiều ý kiến cho rằng, buôn lậu xảy ra là do chênh lệch giá cả hàng hóa giữa các nước, đặc biệt là khi giá hàng hóa trong nước tăng cao hơn giá sản phẩm cùng loại ở nước ngoài sẽ làm gia tăng buôn lậu. Tuy nhiên, đây không phải là lý do duy nhất. Trong thực tế, buôn lậu còn phụ thuộc rất nhiều vào các yếu tố khác. Trong đó phải kể đến các yếu tố: (i) hiệu quả hoạt động kiểm soát buôn lậu của Nhà nước (các chính sách phòng chống buôn lậu, khả năng kiểm soát tại biên giới, năng lực hoạt động của các cơ quan quản lý thị trường tại các địa bàn; của các lực lượng chức năng khác…); (ii) mức độ minh bạch hay mức độ tham nhũng trong công tác chống buôn lậu; (iii) hiệu quả phối hợp giữa các nước trong công tác phòng chống buôn lậu, v.v.. Khi những yếu tố này được thực hiện và kiểm soát tốt sẽ hạn chế buôn lậu, ngược lại, nếu chúng không được kiểm soát tốt thì buôn lậu sẽ gia tăng.
Đối với sản phẩm thuốc lá, hoạt động buôn lậu còn xảy ra do “gu” hút thuốc của người tiêu dùng. Đặc tính của sản phẩm thuốc lá là mỗi loại có những hương vị riêng và chúng có tính gây nghiện. Vì thế, khi người tiêu dùng đã quen với một loại sản phẩm thuốc lá nào thì họ có xu hướng thích dùng loại đó và không thay đổi loại thuốc lá hút cho dù giá của chúng có thể cao hơn so với các nhãn hiệu khác. Trong nhiều trường hợp, người tiêu dùng có sở thích hút loại thuốc mà trong nước không sản xuất họ sẽ tìm đến các sản phẩm thuốc lá nhập lậu để thỏa mãn “gu” tiêu dùng của mình. Điều này là động lực làm gia tăng buôn lậu thuốc lá. Sự khác biệt về “gu” hút thuốc là một trong những nguyên nhân làm cho hoạt động buôn lậu vẫn xảy ra ngay cả khi giá thuốc lá trong nước thấp hơn so với giá của nước ngoài.
Tuy nhiên, ngay cả khi có nhu cầu tiêu dùng các loại thuốc lá lậu do sở thích tiêu dùng thì nếu Nhà nước có các biện pháp kiểm soát tốt vẫn có thể hạn chế tình trạng buôn lậu thuốc lá.
3. Mối quan hệ giữa tăng thuế thuốc lá và buôn lậu thuốc lá  
Biểu đồ 1 thể hiện tổng sản lượng thuốc lá tiêu thụ nội địa, lượng thuốc lá lậu và các mức thuế TTĐB đối với thuốc lá giai đoạn 2007 - 2013. Ta thấy rằng, khối lượng thuốc lá lậu tăng, giảm qua các năm trong giai đoạn này. Trong 3 năm từ 2007 đến 2009, lượng thuốc lá lậu tăng bình quân là 117 triệu bao mỗi năm. Cũng trong giai đoạn này mức thuế TTĐB đối với thuốc lá tăng từ 55% năm 2007 lên 65% vào năm 2008. Giai đoạn từ 2009 - 2011, lượng thuốc lá lậu vào nước ta lại có xu hướng giảm nhẹ từ 870 triệu bao năm 2009 xuống 750 triệu bao năm 2011. Tuy nhiên, trong 3 năm, từ 2011 đến 2013, mặc dù Nhà nước không tăng thuế nhưng chúng ta vẫn chứng kiến sự gia tăng mạnh mẽ của lượng thuốc lá lậu từ mức 750 triệu bao năm 2011 lên 900 triệu bao năm 2012 tức là tăng 150 triệu bao. Năm 2013, con số thuốc lá lậu vẫn duy trì ở mức cao là 930 triệu bao. 
Tại thị trường trong nước, thuốc lá lậu chiếm khoảng 22,1% thị phần và theo Hiệp hội thuốc lá Việt Nam thì con số này có thể tiếp tục tăng lên 25% vào năm 2015. Như vậy, số lượng thuốc lá lậu vào nước ta tăng, giảm qua các năm và tăng ngay cả khi thuế thuốc lá không tăng. Báo cáo của Ban chỉ đạo chống buôn lậu, hàng giả và gian lận thương mại (Ban chỉ đạo 127) cho thấy, nguyên nhân của tình trạng này là do hoạt động buôn lậu thuốc lá ngày càng tinh vi hơn, trong khi hoạt động kiểm soát thuốc lá lậu còn gặp khó khăn do thiếu các nguồn lực thực hiện.
Theo đánh giá của Cục Quản lý thị trường, Việt Nam hiện có tới 90% thuốc lá lậu là nhãn hiệu thuốc Jet và Hero. Con số này cũng đồng nhất với kết quả khảo sát toàn cầu về sử dụng thuốc lá ở người trưởng thành (GATS) năm 2010 là Jet và Hero chiếm 90% tổng thị trường thuốc lá lậu. Mức giá trung bình của Jet và Hero cao hơn mức giá trung bình của các nhãn hiệu thuốc lá hợp pháp khoảng từ 30% đến 60%[5]. Điều này có nghĩa là giá của phần lớn thuốc lá nhập lậu cao hơn giá thuốc lá hợp pháp được sản xuất trong nước. Theo tính toán, nếu thuế TTĐB tăng lên tới 140% cũng chưa thể làm giá thuốc lá trong nước cao hơn giá thuốc lá lậu[6]. Như vậy, có thể kết luận rằng, lý do chính của buôn lậu thuốc lá tại nước ta không xuất phát từ chênh lệch về giá trong nước cao hơn giá nước ngoài.
Ngoài ra, kết quả điều tra tiêu dùng thuốc lá tại 12 tỉnh ở Việt Nam năm 2012 cho thấy, trên 70% người sử dụng thuốc lá lậu là do hương vị, tò mò, bạn bè mời và chỉ có 15% người sử dụng thuốc lá lậu là do giá thấp[7]. Như vậy, có thể cho rằng nhu cầu của người tiêu dùng về thuốc lá lậu chủ yếu là do “gu” hút chứ không phải là do giá thấp. Vì thế, ngay cả khi giá thuốc lá trong nước tăng do tăng thuế thì cũng sẽ không phải là nguyên nhân làm gia tăng buôn lậu thuốc lá.
Xem xét số liệu thống kê của các nước trên thế giới cũng cho thấy, không có mối liên hệ rõ ràng giữa giá thuốc lá và lượng thuốc lá lậu.
Biểu đồ 2 mô tả về giá thuốc lá và lượng thuốc lá lậu ở 76 quốc gia trên thế giới. Kết quả cho thấy, có những quốc gia có mức giá trung bình của thuốc lá rất cao nhưng mức độ buôn lậu lại thấp (các quốc gia nằm ở gần trục hoành và xa gốc tọa độ). Ví dụ điển hình như trường hợp Thụy Điển là nước có giá thuốc lá cao nhất thế giới nhưng lại có tỷ lệ buôn lậu mặt hàng này thấp nhất thế giới. Ngược lại có những quốc gia có mức giá trung bình của thuốc lá rất thấp, nhưng mức độ buôn lậu lại rất lớn (các quốc gia nằm gần trục tung và xa gốc tọa độ).
Một minh chứng khác cũng cho thấy thực chất không có mối liên hệ giữa tăng thuế và buôn lậu thuốc lá là tại Brazil. Các công ty thuốc lá liên tục viện dẫn tỷ lệ buôn lậu cao (27 - 30%) như là một lý do để không tăng thuế thuốc lá, họ cho rằng thuế tăng sẽ làm tăng sự chênh lệch giá giữa thuốc lá hợp pháp và thuốc lá lậu và đẩy mạnh buôn lậu. Tuy nhiên, chiến lược giá của ngành công nghiệp thuốc lá lại không nhất quán với viện dẫn này. Bằng chứng là vào đầu những năm 2000, khi thuế TTĐB giảm, ngành công nghiệp thuốc lá lại giữ nguyên giá bán lẻ thuốc lá, vì vậy dẫn đến sự khác biệt giá của thuốc lá hợp pháp (có thuế) với thuốc lá nhập lậu. Năm 2009, khi thực hiện tăng thuế lần hai, ngành công nghiệp thuốc lá đã tăng giá thuốc lá cao hơn mức tăng thuế. Điều này cho thấy công nghiệp thuốc lá ít lo ngại về tăng chênh lệch giá giữa thuốc lá hợp pháp và buôn lậu.
4. Một số kết luận và kiến nghị
Việt Nam mới chỉ điều chỉnh thuế về một mức vào năm 2006 và tăng thuế vào năm 2008 trong khi buôn lậu thuốc lá là vấn đề xảy ra từ nhiều năm nay. Kết quả thống kê cho thấy, xu hướng buôn lậu gia tăng ngay cả khi không tăng thuế.
Ở nước ta, hương vị hay còn gọi là "gu" hút của người hút thuốc tác động nhiều hơn đến việc lựa chọn sử dụng thuốc lá lậu, chứ không phải giá cả. Và theo tính toán, nếu thuế TTĐB tăng cũng chưa thể làm giá thuốc lá trong nước cao hơn giá thuốc lá lậu.
Số liệu thống kê tại các nước trên thế giới cũng cho thấy, không có mối liên hệ giữa giá thuốc lá ở các nước và mức buôn lậu. Tại các nước có mức giá thuốc lá thấp, tình trạng buôn lậu lại xảy ra với mức độ cao hơn cả những nước có mức giá thuốc lá cao.
Vì vậy, để đạt các mục tiêu quốc gia về giảm tỷ lệ hút thuốc, giảm những tổn thất do tác hại của việc hút thuốc gây ra, đồng thời làm tăng thu ngân sách, Nhà nước cần tiếp tục tăng thuế thuốc lá mà không phải lo lắng về vấn đề tăng thuế sẽ làm gia tăng buôn lậu.
Để giảm buôn lậu thuốc lá trong thời gian tới, chúng ta cần tập trung vào các giải pháp sau: một là, tăng cường kiểm soát mạng lưới bán lẻ, phạt nghiêm các trường hợp kinh doanh thuốc lá lậu; hai là, tăng cường công tác thông tin các quy định về cấm kinh doanh thuốc lá lậu cho người bán lẻ và công chúng; ba là, tăng cường và thực thi nghiêm các quy định về kiểm soát buôn lậu như quy định về dán tem thuốc lá; bốn là, áp dụng các hình thức xử phạt nghiêm đối với các trường hợp vi phạm; năm là, tăng cường hợp tác quốc tế trong phòng chống buôn lậu thuốc lá./.

[1] Bản Dự thảo Bộ Tài chính gửi lấy ý kiến Bộ, Ngành ngày 25/01/2014.

[1]Công ước đã có hiệu lực tại Việt Nam từ ngày 17/3/2005
[2]Thuế cần chiếm từ 2/3 đến ¾ giá bán lẻ để có hiệu quả tốt hơn trong việc giảm tỷ lệ hút thuốc.
[3]Bộ Tài chính, Báo cáo nghiên cứu sức mua và đánh giá tác động của tăng thuế đối với thuốc lá (2013).
[4]Văn phòng Phòng chống tác hại thuốc lá (2014), Lộ trình tăng thuế thuốc lá, Bài trình bày tại Hội thảo góp ý về Dự thảo tăng thuế TTĐB tại Quảng Ninh.
[5] Nguyễn Thạc Minh, Đào Thế Sơn và các cộng sự (2014). Thực trạng buôn lậu thuốc lá tại Việt Nam. Báo cáo nghiên cứu.
[6] nt.
[7] nt.

(Nguồn tin: Bài viết đăng tải trên Ấn phẩm Tạp chí Nghiên cứu lập pháp số 17(273), tháng 9/2014)


Thống kê truy cập

33951959

Tổng truy cập