Kinh nghiệm quốc tế về công nghiệp hóa và tiêu chí về nước công nghiệp (Kỳ 1)

01/04/2014

TS. NGUYỄN ĐỨC KIÊN

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội

Công nghiệp hóa, hiện đại hóa là nhiệm vụ trọng tâm của nước ta hiện nay. Việc học tập những kinh nghiệm của quốc gia đi trước và thành công trong quá trình công nghiệp hóa hiện đại hóa sẽ đúc kết những khuyến nghị bổ ích cho mô hình phát triển công nghiệp Việt Nam trong bối cảnh mới, đặc biệt trong tương quan với nhiệm vụ đổi mới mô hình tăng trưởng, tái cơ cấu nền kinh tế gắn với nền kinh tế tri thức. Bên cạnh đó, bài viết đề xuất một số tiêu chí đánh giá nước công nghiệp.  
Untitled_380.png
Ảnh minh họa: nguồn internet
1. Kinh nghiệm quốc tế về công nghiệp hóa và hiện đại hóa
Hàn Quốc, Singapore, Đài Loan và một số quốc gia khác trong khu vực Đông Bắc Á và Đông Nam Á là những hình mẫu kinh nghiệm cả về thành công và thất bại, trong phát triển công nghiệp hóa để thúc đẩy tăng trưởng nền kinh tế.  
1.1. Kinh nghiệm công nghiệp hóa của Hàn Quốc
Hàn Quốc bắt đầu quá trình công nghiệp hóa và phát triển kinh tế từ những năm đầu thập kỷ 60 với một nền tảng công nghiệp quy mô nhỏ, trình độ công nghệ và vốn đầu tư còn rất thấp. Đầu những năm 1960, Hàn Quốc vẫn là quốc gia phụ thuộc vào viện trợ với thu nhập bình quân đầu người dưới 100 đô la Mỹ, thấp hơn cả một số quốc gia châu Phi (ví dụ Ghana và Kenya) và Mỹ La tinh. Cùng với Đài Loan, đến thời điểm này, Hàn Quốc là một trong số rất ít quốc gia thành công trong việc phát triển từ một nền kinh tế nghèo nàn trở thành một quốc gia công nghiệp với trình độ ngang bằng những nền kinh tế tiên tiến nhất của khối OECD[1].
Trong ba thập kỷ liên tiếp, xuất khẩu của Hàn Quốc tăng trung bình 20% một năm; đến năm 2010 tổng giá trị xuất khẩu chiếm 46% GDP, đạt 466,4 tỷ đô la Mỹ, thăng dư cán cân thương mại đạt 41,7 tỷ đô la, là nền kinh tế đứng thứ 13 thế giới và quốc gia xuất khẩu đứng thứ 7. Một số ngành công nghiệp mũi nhọn của Hàn Quốc đã khẳng định trình độ và quy mô phát triển rất cao: công nghiệp đóng tàu (đứng hàng đầu thế giới về sản lượng); thiết bị bán dẫn DRAM (hàng đầu thế giới về sản lượng); thiết bị điện tử (đứng thứ 3 thế giới về sản lượng), sản xuất ô tô, thép (đứng thứ 5 thế giới về sản lượng). Theo nghiên cứu của GS. Siwook Lee (2013), Đại học Myongji, nếu như Đan Mạch, Ireland mất 114 năm, Pháp mất 104 năm, Đức mất 68 năm, Mỹ mất 54 năm... để hoàn thành công nghiệp hóa, thì quá trình này diễn ra ở Hàn Quốc chỉ trong vòng 19 năm.
Có rất nhiều nghiên cứu đã phân tích những lý do làm nên thành công của quá trình công nghiệp hóa tại Hàn Quốc; đa số đều cho rằng, đây là một quá trình phát triển ngoại sinh với xuất khẩu và thương mại quốc tế hiệu quả đã thúc đẩy hiệu ứng lan tỏa về tri thức và công nghệ đối với nền kinh tế. Tuy nhiên, một lý do căn bản của toàn bộ quá trình này được cho là vai trò tích cực của chính phủ trong việc hỗ trợ và đẩy nhanh quá trình tích lũy vốn con người.
Quá trình công nghiệp hóa của Hàn Quốc trải qua một số giai đoạn như sau: giai đoạn chịu sự chiếm đóng của Nhật Bản (1910-1945) tập trung sản xuất nguyên vật liệu thô xuất khẩu sang Nhật Bản, các ngành công nghiệp chính đều sở hữu bởi người Nhật; giai đoạn tái thiết (1945-1961) thực hiện chính sách công nghiệp thay thế nhập khẩu trong bối cảnh dựa chủ yếu vào nguồn lực viện trợ; giai đoạn phát triển kinh tế (1961-1980) thực hiện chính sách công nghiệp hướng về xuất khẩu với sự hình thành các tập đoàn công nghiệp nặng và hóa chất trong những năm 70; giai đoạn ổn định (1980 đến nay) thực hiện chính sách tự do hóa kinh tế và thúc đẩy kinh tế tri thức với trọng tâm thúc đẩy công nghệ chất lượng cao, công nghệ thông tin từ những năm 90.
Chính sách công nghiệp của Hàn Quốc, trên cả hai khía cạnh xây dựng và thực thi, đều có tính chất tập trung rất cao với vai trò can thiệp mạnh mẽ của khu vực nhà nước. Bộ Kế hoạch đầu tư của Hàn Quốc (ECB-Economic Planning Board), khác với nhiều quốc gia trên thế giới, vừa hoạch định chính sách vừa kiểm soát ngân sách. Giai đoạn đầu công nghiệp hóa, khu vực tư nhân được hỗ trợ tối đa về tín dụng và ngoại hối. Khác với trường hợp Nhật Bản thành lập một số ngân hàng đặc biệt để hỗ trợ sản xuất và xuất khẩu, tất cả các ngân hàng ở Hàn Quốc đều là ngân hàng quốc doanh đến tận năm 1983 và những ngân hàng đã cổ phần hóa trong những năm 1990 vẫn bị kiểm soát bởi Chính phủ; và vì vậy, tín dụng ưu đãi theo chỉ định của Chính phủ rất phổ biến.
Các tập đoàn nhà nước lớn được thành lập để đẩy nhanh quá trình công nghiệp hóa. Ví dụ điển hình là việc thành lập Công ty thép nhà nước Pohang (Posco) là công ty sản xuất thép lớn thứ 2 trên toàn thế giới. Thông qua Ngân hàng phát triển Hàn Quốc sở hữu bởi nhà nước, Chính phủ cũng quốc hữu hóa hoặc trở thành cổ đông chính nhiều công ty trong các giai đoạn tái cấu trúc ngành sản xuất để bảo đảm các mục tiêu công nghiệp hóa tiếp tục được thực hiện tập trung. Trong những lĩnh vực mà khu vực công không có điều kiện thuận lợi để tham gia, Chính phủ thông qua hàng loạt các chính sách, bao gồm cả hỗ trợ và trừng phạt, thúc đẩy các công ty tư nhân thực hiện các mục tiêu công nghiệp đầy tham vọng. Khi Huyndai bắt đầu tham gia vào thị trường đóng tàu toàn cầu, công ty này không có kế hoạch xây dựng một cầu tàu quy mô lớn phục vụ công nghiệp đóng tàu hiện đại. Chính phủ Hàn Quốc đã đưa ra các điều kiện: nếu Huyndai không tham gia thì sẽ không được nhận những ưu đãi về tín dụng và ngoại hối; trong trường hợp tham gia sẽ nhận được bảo hộ của nhà nước và hỗ trợ mua lại sản phẩm trong giai đoạn đầu quá trình sản xuất.
Mặc dù Hàn Quốc cũng hỗ trợ các nhà đầu tư trước những năm 1990 của thế kỷ trước, nhưng hỗ trợ có chọn lọc, tập trung vào một số ngành và với thời hạn nhất định nhằm phát triển một số ngành sản xuất phục vụ xuất khẩu. Các ngành được ưu tiên này trở thành đầu tàu của tăng trưởng và kéo các ngành khác phát triển theo. Mô hình này không phải là không có vấn đề, tuy nhiên, điểm nổi bật của Hàn Quốc là các ưu đãi đó không trở thành gánh nặng cho ngân sách nhà nước.
Cùng với tốc độ tăng trưởng của nền kinh tế thì tốc độ tăng thu nhập bình quân đầu người cũng rất cao. Nhờ đó chỉ trong vòng 5 thập niên, thu nhập tính theo đầu người của Hàn Quốc tăng gần 30 lần (GNP[2] tính theo PPP[3] của năm 1965 là 710 USD/người tăng lên đến gần 20.000USD/người vào năm 2010).
Quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế của Hàn Quốc theo hướng hiện đại hóa cũng đã chứng minh cho sự tăng trưởng thần kỳ của quốc giá Đông Á này: Từ một nước có tỷ trọng nông nghiệp chiếm đến 61% vào năm 1960 đã giảm xuống còn 3,6% năm 2009 và tăng tỷ trọng công nghiệp và dịch vụ trong thời gian tương ứng lần lượt là 10% lên đến 39,6% và 28% lên đến 57%. Nếu như năm 1950 chỉ có 21% dân số sống ở thành thị thì đến năm 1975, con số này tăng hơn gấp 2 lần, lên tới 48%, và đến năm 2009, lượng dân số sống ở thành thị chiếm hơn 81,5% và Hàn Quốc được đánh giá là một trong những nước có mức đô thị hóa lớn nhất thế giới (ở Nhật Bản là 63% và Trung Quốc chỉ có 39%).
Tỷ lệ dân số thuộc diện nghèo giảm nhanh chóng từ 48,4% năm 1965 xuống còn 10,5% năm 1990 và hiện tại không còn dân số sống dưới mức 2 USD/ngày. Hàn Quốc thành công trong chiến lược giảm nghèo do Chính phủ có những chính sách cải thiện mạng lưới an sinh xã hội tốt, cả chính phủ và người dân đều tập trung cao vào vốn con người, bên cạnh đó chính sách kế hoạch hóa gia đình phát huy rất hiệu quả.
Nhóm chỉ tiêu chăm sóc sức khỏe và tuổi thọ bình quân được cải thiện rõ rệt, nguyên nhân là do người dân Hàn Quốc ngày nay được hưởng chế độ chăm sóc sức khỏe ngang với những nước công nghiệp hàng đầu khác như Mỹ, Anh và Đan Mạch… Chẳng hạn năm 1960, khi những nước công nghiệp phát triển đã đạt tuổi thọ trung bình khoảng 70 thì người Hàn Quốc chỉ có tuổi thọ chưa đến 54. Đến năm 2009, tuổi thọ của người Hàn Quốc đã tăng lên 81,8 đối với nữ và 74,6 đối với nam. Những chỉ số khác về sức khỏe cũng cho thấy sự tiến bộ tương tự, ví dụ như tỷ lệ tử vong của trẻ sơ sinh đã giảm từ 9% trong số các ca sinh thành công năm 1960 xuống còn 0,5% năm 2009.
Chính phủ Hàn Quốc rất coi trọng phát triển giáo dục, coi giáo dục là chìa khoá dẫn đến thành công thông qua việc ban hành chính sách giáo dục miễn phí và bắt buộc cho tới hết trung học. Theo điều tra của OECD năm 2007 thì 100% trẻ em trong độ tuổi đến trường và 97% thanh niên Hàn Quốc học hết cấp 3 và sau đó khoảng 70% học lên đến các cấp học cao hơn. Bên cạnh đó, chính phủ cũng đầu tư cho giáo dục rất lớn, dành 21% ngân sách nhà nước cho giáo dục, trong khi đó tại Anh là 4% và Mỹ là 2%. Do vậy, nền giáo dục khoa học của Hàn Quốc được OECD đánh giá và xếp hạng thứ 3 trong số những nền giáo dục tốt nhất thế giới, xếp thứ hai về môn toán và văn học, đứng đầu về tư duy giải quyết vấn đề.
Nhờ tăng trưởng nhanh mà cơ hội việc làm cho người dân cũng tăng lên, biểu thị thông qua tỷ lệ thất nghiệp giảm xuống từ 5,2% năm 1980 xuống 2,05% năm 1996. Sau cuộc khủng hoảng tài chính tiền tệ khu vực, do phải cơ cấu lại sản xuất kinh doanh nên tình trạng thất nghiệp tăng lên đến 6,95% năm 1998 nhưng đến năm 2008 giảm xuống còn 3,2%.
Cùng với việc giảm tỷ lệ thất nghiệp thì chế độ làm việc của người lao động cũng được cải thiện rõ rệt thông qua chế độ tiền lương và giờ làm. Số giờ làm việc trung bình năm 2005 là 46,9 giờ giảm 2,4 giờ so với năm 2000 và giảm 12 giờ so với năm 1965.
Trong gần 50 năm qua, Hàn Quốc đã lựa chọn mô hình kết hợp giữa công nghiệp hóa, tăng trưởng kinh tế và công bằng xã hội trong phân phối thu nhập. Đặc điểm cơ bản của mô hình này được thể hiện rõ nét qua các chính sách mà Chính phủ Hàn Quốc thực thi trong các lĩnh vực kinh tế và xã hội nhằm tạo ra sự phát triển đồng bộ của hai lĩnh vực này.
Phát triển nhanh chóng và đúng hướng của Hàn Quốc là kết quả của việc kết hợp đặc biệt giữa các nhân tố kinh tế và xã hội: mức độ cao về biết chữ và sự cần cù của người dân; thực hiện cải cách kinh tế (bao gồm cả cải cách ruộng đất vào những năm 1960) nhằm phát triển các ngành cần nhiều lao động và theo hướng xuất khẩu; xóa bỏ dần các hạn chế đối với nhập khẩu; đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng giao thông, tính linh hoạt rất cao trong quản lý kinh tế; sự kết hợp chặt chẽ giữa khu vực nhà nước và khu vực tư nhân; tính tự chủ của hệ thống ngân hàng và sự phát triển của một thị trường tài chính hiệu quả.
Đồng thời, chính phủ cũng đã ưu tiên nhiều hơn cho khoa học - công nghệ, giáo dục và ngân sách công cho giáo dục cũng được ưu tiên nhiều hơn cho giáo dục cơ bản. Nhờ đó, Hàn Quốc khá thành công trong phát triển nguồn nhân lực và hệ số Gini về giáo dục hay sự bất bình đẳng trong giáo dục đã giảm nhanh chóng. Sự kết hợp đó làm cho đầu tư vào tài sản vốn vật chất và vốn con người trở nên cân bằng hơn, bất bình đẳng thấp hơn hẳn so với các nước đang phát triển và tăng trưởng thực sự đi đôi với giảm nghèo. Từ năm 1980 đến nay, Hàn Quốc đã duy trì được tốc độ tăng trưởng kinh tế khá cao, một phần do khu vực công có khả năng hỗ trợ đầu tư hình thành tài sản vốn vật chất và vốn con người đồng thời trong nhiều năm. Các chỉ số xã hội của Hàn Quốc tốt hơn rất nhiều so với các nước đang phát triển khác. Hàn Quốc là nước đi đầu trong điều chỉnh cơ cấu chi tiêu cho giáo dục phổ thông.
Thành công của Hàn Quốc cũng được nhìn nhận ở góc độ cải cách hành chính nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế. Chính phủ Hàn Quốc đã chuyển đổi từ chính phủ “quân sự” sang chính phủ “dân sự” với sự tham gia tích cực của người dân trong quá trình quản lý. Cải cách hành chính của Hàn Quốc gắn chặt với hai mấu chốt là trách nhiệm giải trình, tính minh bạch. Hàn Quốc đề cao vai trò của cá nhân và trách nhiệm cá nhân trong quá trình quản lý nhà nước. Đây được xem là động lực cho các quyết sách có trách nhiệm và vì người dân để xã hội phát triển.
1.2. Kinh nghiệm công nghiệp hóa của Singapore
Chính sách công nghiệp của Singapore có thể tổng kết với một số đặc điểm chính: sự can thiệp mạnh mẽ của nhà nước để thúc đẩy công nghiệp hóa; tăng cường tái cấu trúc nền kinh tế và một số lĩnh vực ưu tiên; thu hút nguồn lực dựa vào tự do thương mại và đầu tư trực tiếp nước ngoài; đầu tư vào cơ sở hạ tầng và nguồn nhân lực để cải thiện cung sản xuất; giữ ổn định môi trường kinh doanh và các quan hệ trong ngành công nghiệp; sử dụng các công cụ kích thích tài khóa để giảm gánh nặng chi phí cho doanh nghiệp.
Ngay từ những năm đầu thập niên 60, Singapore đã chuyển đổi thành công từ vai trò một cảng hàng hóa và căn cứ quân sự của Anh trở thành một trung tâm dịch vụ và công nghiệp của khu vực. Những năm 1960, công nghiệp chỉ chiếm 12% GDP và tập trung vào các hoạt động liên quan đến chế biến nguyên liệu thô và dịch vụ hậu cần phục vụ quân đội.
Giai đoạn 1959-1965, Chính phủ Singapore đã thông qua chiến lược công nghiệp hóa thay thế nhập khẩu. Mục tiêu là nhằm cung cấp một trụ cột kinh tế mới, củng cố vai trò là cảng trung chuyển thương mại đồng thời tạo việc làm cho lực lượng lao động ngày càng tăng nhanh. Kế hoạch công nghiệp hóa của Singapore thời điểm đầu những năm 1960 dựa chủ yếu trên của Báo cáo khảo sát của Phái đoàn Liên hợp quốc về công nghiệp. Báo cáo của Phái đoàn liệt kê các ngành công nghiệp có tính khả thi về mặt kinh tế trong ngành đóng tàu và sửa chữa, kỹ thuật kim loại, hóa chất, thiết bị điện cũng như kế hoạch phát triển các khu công nghiệp, các biện pháp kinh tế, tổ chức và hoạt động để thúc đẩy sản xuất các ngành công nghiệp ưu tiên phát triển.
Báo cáo cũng khuyến nghị Chính phủ Singapore tiếp tục các biện pháp bảo hộ sản xuất đối với một số ngành công nghiệp và có chính sách khuyến khích khu vực sản xuất trong nước tham gia quá trình công nghiệp hóa. Chính phủ phải trực tiếp đầu tư ở những lĩnh vực mà nhà đầu tư nước ngoài hoặc doanh nghiệp tư nhân trong nước không tham gia.
Với quy mô kích nhỏ bé (dân số 2 triệu người tại thời điểm tách ra từ Malaysia vào năm 1965), Singapore đã không lựa chọn chính sách bảo hộ các ngành công nghiệp non trẻ vì đây là lựa chọn chính sách đòi hỏi quá nhiều nguồn lực. Thay vì đó, quốc gia này đã lựa chọn cơ chế thương mại tự do làm nền tảng cho quá trình công nghiệp hóa; đó đó quá trình hoạch định và thực thi chính sách công nghiệp của Singapore khác biệt rất nhiều so với các nước Đông Á khác.
Thêm vào đó, với xuất phát điểm gần như không có các doanh nghiệp nội địa có năng lực sản xuất công nghiệp đủ mạnh, chính phủ Singapore đã quyết định hợp tác chặt chẽ với các công ty xuyên quốc ngay từ giai đoạn đầu của quá trình công nghiệp hóa. Kết quả là, Singapore có tỷ trọng đầu tư của của FDI trong tổng vốn đầu tư toàn nền kinh tế vào loại cao nhất trên toàn thế giới, thậm chí cao hơn cả nền kinh tế tự do hoàn toàn như Hongkong.
Tuy nhiên, điều này không có nghĩa là Singapore theo đuổi một chính sách công nghiệp phó mặc hoàn toàn cho sự vận động của thị trường mà ngược lại, trong các lĩnh vực được coi là quan trọng, quyết định năng lực cạnh tranh quốc gia, Chính phủ Singapore thành lập doanh nghiệp nhà nước (DNNN) hoạt động và hạn chế sự tham gia của các tập đoàn đa quốc gia. Singapore Airlines là một DNNN rất thành công, cùng với các ngành công nghiệp khác như đóng tàu và viễn thông cũng đều do các DNNN đảm nhận và giữ vai trò chủ đạo, dẫn đến khu vực DNNN tại Singapore thuộc loại lớn trên thế giới tính theo tỷ trọng trong nền kinh tế. Nếu như từ năm 1970 đến năm 1990, thị phần của khu vực công tính theo tỷ trọng trong tổng vốn cố định tại Hàn Quốc là khoảng 10 phần trăm thì con số tương ứng tại Singapore là hơn 30-36 phần trăm trong những năm 1960, 27 phần trăm trong năm 1970, và 30 phần trăm trong năm 1980. Nói một cách khác, đặc điểm bức tranh công nghiệp Singapore là những công ty lớn hoặc là chi nhánh của tập đoàn đa quốc gia, hoặc là công ty nhà nước. Nếu như giai đoạn 1971-1990 Singapore tập trung nâng cấp khu vực công nghiệp, cùng với các ưu đãi về tài chính, thuế, để trở thành điểm đến đầu tư của các tập đoàn đa quốc gia xuất khẩu thì giai đoạn 1991 đánh dấu Kế hoạch phát triển kinh tế chiến lược Singapore với tầm nhìn 30 năm. Chiến lược này định vị Singapore trong vòng 20-30 năm tới trở thành một trung tâm kinh doanh và sản xuất của khu vực và thế giới, với sản xuất công nghệ cao, giá trị gia tăng cao và dịch vụ là hai động lực chính của tăng trưởng.
Việc áp dụng một chính sách công nghiệp thân thiện với các tập đoàn đa quốc gia không có nghĩa là Singapore để cho các công ty xuyên quốc tự lựa chọn quyết định đầu tư vào lĩnh vực nào; thay vào đó chính phủ Singapore đã thu hút FDI một cách có định hướng vào những lĩnh vực công nghiệp có vai trò quan trọng cho việc tăng cường năng lực cạnh tranh quốc gia bằng việc đầu tư các điều kiện thuận lợi về nguồn nhân lực và cơ sở hạ tầng cũng như cung cấp các ưu đãi tài chính

 


[1] OECD: Organization for Economic Co-operation and Development: Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế  
[2] GNP (Gross National Product): Tổng sản lượng quốc gia hay Tổng sản phẩm quốc gia, là một chỉ tiêu kinh tế đánh giá sự phát triển kinh tế của một đất nước. Nó được tính là tổng giá trị bằng tiền của các sản phẩm cuối cùng và dịch vụ mà công dân của một nước làm ra trong một khoảng thời gian nào đó, thông thường là một năm tài chính, không kể làm ra ở đâu (trong hay ngoài nước) - BTV.
[3]PPP (Purchasing power parity): sức mua tương đương- BTV  

(Nguồn tin: Bài viết đăng tải trên Ấn phẩm Nghiên cứu lập pháp số 8(264), tháng 4/2014)


Thống kê truy cập

33952451

Tổng truy cập