So sánh các quy định về thủ tục xét hỏi và tranh luận tại phiên tòa hình sự sơ thẩm của Mỹ, Pháp, Nga và Việt Nam

01/04/2014

ThS. NGUYỄN NGỌC KIỆN

Trường Đại học Luật, TP. Hồ Chí Minh

Khi nguyên tắc tranh tụng được Hiến pháp năm 2013 ghi nhận chính thức, thì nhiệm vụ sửa đổi Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2003 (BLTTHS) theo hướng tiếp thu những hạt nhân hợp lý của mô hình tố tụng tranh tụng trở nên vô cùng cần thiết. Về mặt lý luận, việc đổi mới phiên tòa hình sự phải gắn liền với đổi mới thủ tục xét xử, trong đó đổi mới thủ tục xét hỏi và tranh luận là quan trọng nhất. Vì thủ tục xét hỏi và tranh luận có vị trí trung tâm trong tiến trình xét xử, nó phản ánh mô hình tố tụng và nguyên tắc tranh tụng được áp dụng. Bài viết góp phần làm rõ quy định về xét hỏi và tranh luận tại phiên tòa hình sự sơ thẩm (HSST) ở một số nước trên thế giới có nền pháp luật tố tụng hình sự (TTHS) tiêu biểu, phát triển (có so sánh với pháp luật TTHS Việt Nam). 
Untitled_389.png
Ảnh minh họa: nguồn internet
1. Hợp chúng quốc Hoa Kỳ
Ở Hoa Kỳ, hoạt động xét hỏi và tranh luận dựa trên Quy tắc tố tụng hình sự Liên bang, Quy tắc Liên bang về Bằng chứng (FRE) và Quy tắc Miranda. Thủ tục TTHS Hoa Kỳ không phân chia thành hai phần xét hỏi và tranh luận như ở Việt Nam.
Phần chất vấn, còn được gọi là phần lấy chứng cứ do công tố viên và luật sư đảm trách. Thẩm phán sẽ giải quyết bất cứ vấn đề pháp lý nào được công tố viên hoặc luật sư bào chữa đặt ra. Tuy nhiên, trong giới hạn về quyền của mình, thẩm phán cũng có thể đặt ra một số câu hỏi để làm rõ vấn đề với một nhân chứng nhất định được gọi[1] (trên thực tế, thẩm phán họa hoằn lắm mới thực hiện việc này). Các bồi thẩm viên không được hỏi bất cứ câu hỏi nào trong phiên tòa, mà chỉ lắng nghe lời khai và xem xét chứng cứ. Về phía bị can (ở Việt Nam, khi đã mở phiên tòa thì gọi là bị cáo) không có vai trò gì trong phần lấy chứng cứ, ngoài việc cung khai như một nhân chứng và được trao đổi riêng với luật sư trong cả phiên tòa. Quyền im lặng của bị can xuất phát từ cơ sở pháp lý của Hiến pháp Hoa Kỳ, tại Tu chính án thứ Năm bảo đảm cho cá nhân quyền giữ im lặng, không ai bị bắt buộc phải buộc tội mình. Bị can có quyền từ chối cung khai, từ chối đưa ra bất cứ chứng cứ nào. Thay vào đó, bị can có quyền lập luận rằng công tố viên đã không đưa ra chứng cứ nào kết luận về tội của mình. Đó cũng được xem là chiến thuật của bị can, nếu công tố viên không chứng minh được lý lẽ của mình thì bị can được tha bổng[2]. Bị can cũng không được nói và đặt câu hỏi trong phiên tòa. Mặt khác, bị can không cần trả lời bất cứ câu hỏi nào của bất cứ ai, trừ phi họ quyết định khai báo như một nhân chứng thì họ phải trả lời trước tòa. Cả nạn nhân (bị hại) và luật sư (được thuê) đều không được phép đặt câu hỏi cho bất cứ ai trong phiên tòa. Nạn nhân chỉ được đưa ra lời khai như một nhân chứng trong phần lấy chứng cứ, nếu họ được công tố viên hoặc luật sư triệu tập tới như một nhân chứng[3]. Tang vật, chứng vụ án đều được xuất trình công khai trước tòa, không có hồ sơ vụ án được thành lập trước phiên xử để cho thẩm phán hay bồi thẩm đoàn tra cứu riêng; các nhân chứng được thẩm vấn riêng và không ai được tiếp xúc với ai[4].  
Quy trình chất vấn (còn được gọi là Chính phủ cung cấp chứng cứ): Công tố viên gọi các nhân chứng vào phiên tòa và “trực vấn” (hỏi cung) nhân chứng. Luật sư bào chữa có quyền phản đối ngay câu hỏi hoặc câu trả lời của công tố viên vì tin rằng nó vi phạm FRE, và thẩm phán sẽ quyết định về sự phản đối đó bằng cách cấm câu hỏi hoặc câu trả lời, hoặc cho phép đưa ra câu hỏi hoặc câu trả lời[5]. Ngay sau khi công tố viên thẩm vấn, luật sư “chất vấn chéo” (hỏi cung) nhân chứng đó. Thông thường, luật sư (cũng như công tố viên) chỉ được phép đặt câu hỏi “dẫn dắt” trong lúc chất vấn chéo. Tuy nhiên, luật sư có thể từ chối chất vấn chéo nhân chứng, như vậy họ có thể mất cơ hội thẩm vấn nhân chứng đó. Song pháp luật TTHS Hoa Kỳ vẫn cho phép luật sư bào chữa được triệu tập lại chính người đó làm nhân chứng trong phần bào chữa, nhưng lúc này chỉ được trực vấn chứ không được đặt những câu hỏi thông thường[6]. Ngược lại nếu công tố viên cho rằng, luật sư khi chất vấn chéo hoặc câu trả lời có thể có vi phạm quy định của FRE, được phản đối, và thẩm phán sẽ quyết định chấp thuận hoặc bác bỏ sự phản đối đó bằng cách giống như trường hợp của luật sư nêu trên. Mặt khác, công tố viên có quyền đặt câu hỏi bổ sung với nhân chứng khi “tái trực vấn” sau khi luật sư kết thúc “chất vấn chéo”, và luật sư có quyền đặt câu hỏi bổ sung với nhân chứng khi “tái chất vấn chéo,” nhưng chỉ dừng lại ở những vấn đề mới được đưa ra trong lúc tái trực vấn. Công tố viên sau khi thực hiện nghĩa vụ chứng minh, sẽ tuyên bố đóng vụ án của chính phủ[7].  
Phần bào chữa, với thủ tục luật sư cho gọi nhân chứng để lần lượt lấy lời khai. Quá trình này của luật sư có thể bị công tố viên phản đối và việc chấp nhận hay không phụ thuộc vào thẩm phán, tương tự như thủ tục thẩm vấn của công tố viên trong phần cung cấp chứng cứ của chính phủ. Đồng thời công tố viên được quyền chất vấn chéo nhân chứng sau khi luật sư trực vấn xong. Lúc này luật sư lại có cơ hội phản đối việc chất vấn chéo của công tố viên, và tất nhiên việc chấp nhận cho tiếp tục đặt ra câu hỏi và câu trả lời hay không phụ thuộc vào thẩm phán, xét trên quy tắc FRE. Tiếp đến, luật sư có quyền tái trực vấn nhân chứng bào chữa, sau đó công tố viên được tái chất vấn chéo. Cuối cùng, luật sư bào chữa sẽ tuyên bố kết thúc phần bào chữa của mình[8]. Đó là một quy trình lập luận liên tục, làm cho phiên tòa trở nên gay cấn.  
Ở phần đưa ra lời lập luận cuối cùng (“quy trình lập luận”), với thủ tục công tố viên sẽ trình lên bồi thẩm đoàn lập luận cuối cùng đầu tiên. Tiếp theo, luật sư bào chữa sẽ làm tương tự như vậy. Sau đó, công tố viên sẽ trình lên bồi thẩm đoàn lập luận bác bỏ[9]. Nếu phiên tòa không có bồi thẩm đoàn, công tố viên và luật sư sẽ trình bày lập luận cuối cùng của mình lên cho riêng thẩm phán, chủ thể này một mình quyết định về chứng cứ và pháp luật áp dụng. Thủ tục lập luận cuối cùng là khá đơn giản. Có thể lý giải là, sau khi kết thúc phần lập luận cuối cùng, thẩm phán sẽ đọc cho bồi thẩm đoàn nghe chỉ dẫn của mình về các quy định trong luật mà bồi thẩm đoàn sẽ áp dụng đối với các tình tiết của vụ án vì các tình tiết đó sẽ do bồi thẩm đoàn quyết định[10]. Lưu ý là thẩm phán có quyền bình luận hoặc không bình luận về các chứng cứ trong khi đọc chỉ dẫn. Tuy vậy, hầu như các thẩm phán không thực hiện quyền nhận xét này, vì nó có thể can thiệp vào chức năng của bồi thẩm đoàn, và dẫn đến khả năng xử phúc thẩm bác bỏ phán quyết và khiến tòa phải mở phiên xét xử mới cho vụ án[11].  
Quá trình thẩm vấn và tranh biện tại phiên xét xử hình sự sơ thẩm ở Hoa Kỳ biểu hiện các đặc điểm như sau:
Thứ nhất, việc thẩm vấn bị cáo tại phiên xét xử hình sự được đảm trách bởi công tố viên và người bào chữa; thẩm phán có vai trò mờ nhạt trong hoạt động này. Phần triệu tập nhân chứng cũng do hai bên buộc tội và gỡ tội quyết định. Người bị hại và bị cáo trở thành vai trò là người làm chứng khi được triệu tập với tư cách là nhân chứng ra phiên tòa. Phương pháp thẩm vấn và thủ tục cách ly nhân chứng rất được coi trọng. Đồng thời, các bên lập luận liên tục tại phiên xét xử được dựa trên chứng cứ trực tiếp trưng diện. Không có hồ sơ vụ án được thành lập trước. Những vấn đề này hoàn toàn khác biệt với quy định và thực tiễn pháp luật TTHS Việt Nam.
Thứ hai, tính đối tụng thể hiện rất cao tại phiên xét hỏi và tranh luận, nó trở thành điểm đặc sắc của mô hình TTHS tranh tụng ở Hoa Kỳ. Cả ở phần thẩm vấn cũng như tranh luận, vai trò của thẩm phán rất mờ nhạt, họ có nhiệm vụ dẫn dắt, điều khiển phiên tòa, hướng dẫn luật áp dụng cho bồi thẩm đoàn, mà không được can thiệp vào quá trình cung cấp chứng cứ và lập luận của bên buộc tội và bên bào chữa. Các chức năng cơ bản của TTHS được phân biệt rõ tại phiên tòa. Yếu tố tranh tụng công bằng thể hiện rất đậm nét trong phần xét hỏi, làm cho phiên tòa đảm bảo tính dân chủ, sinh động, quyền con người của bị can được bảo vệ. Điều thú vị là, ngay trong phần cung cấp chứng cứ, hai bên buộc tội và gỡ tội đã thể hiện yếu tố tranh biện trong đó. Đó là chất vấn chéo và tái chất vấn chéo nhân chứng của nhau để làm rõ chứng cứ, và quy trình này cho phép thẩm phán ngắt lời việc xét hỏi và trả lời từ hai bên, nếu phản đối của họ là hợp lý. Nhưng thủ tục xét hỏi và tranh luận tại phiên tòa HSST của Hoa Kỳ có hạn chế là phải trải qua nhiều thủ tục, rườm rà, phiên tòa phải kéo dài thời gian, hao tốn sức lực, tiền của. Sự bị động thái quá của bị can trước phiên tòa cũng chưa hẳn đã là tích cực trong việc tranh tụng, vì thiếu đi sự hợp tác và khai thác triệt để từ bị can sẽ gây khó khăn cho hoạt động chứng minh, có thể bỏ lọt hành vi, bỏ lọt tội phạm và người đồng phạm.
2. Cộng hoà Pháp
Ở Pháp, hệ thống tòa án xét xử gồm: Tòa vi cảnh - chuyên xét xử loại tội vi cảnh (loại tội ít nghiêm trọng); Tòa tiểu hình - chuyên xét xử loại khinh tội (mức hình phạt dưới 10 năm tù, hoặc bị phạt chịu sự giám sát, yêu cầu lao động công ích, hoặc bị tước quyền về tài sản hoặc các đặc quyền); Tòa đại hình - chuyên xét xử loại trọng tội (loại tội nghiêm trọng với mức hình phạt trên 10 năm tù, tù chung thân hoặc tử hình).    
 BLTTHS Pháp - có hiệu lực thi hành vào năm 1958, và qua nhiều lần sửa đổi, bổ sung[12] - dành Chương 6 quy định về “Thủ tục tranh luận tại phiên tòa”. Các Điều 309, Điều 310, Điều 311 và Điều 312 đã định hình hoạt động tranh luận như: chủ tọa phiên tòa giữ gìn trật tự phiên tòa và điều khiển phiên tranh luận; chủ tọa phiên tòa áp dụng mọi biện pháp cần thiết để xác định sự thật của vụ án, như có quyền ra lệnh áp giải bất cứ người nào đến để lấy lời khai và cung cấp tài liệu; các thẩm phán thành viên HĐXX và bồi thẩm có thể hỏi bị cáo và người làm chứng, nhưng phải được chủ tọa phiên tòa cho phép. Bộ luật cũng quy định cho phép đại diện Viện công tố, bị cáo, nguyên đơn dân sự, luật sư của các bên được tham gia xét hỏi nhưng phải thông qua chủ tọa phiên tòa. Đối với người làm chứng, họ bắt buộc phải tuyên thệ trước khi đưa ra lời khai, sau đó chủ tọa phiên tòa xét hỏi họ tuần tự từng người một. Người làm chứng không bị ngắt lời khi cung khai. Tuy nhiên, công tố viên và các bên đương sự có thể phản đối việc lấy lời khai của một người làm chứng nếu người này không được tống đạt hoặc tống đạt không hợp lệ. Nếu việc phản đối có căn cứ thì chủ tọa phiên tòa quyết định rằng lời khai của người làm chứng chỉ có giá trị là thông tin mà không có giá trị buộc tội. Người làm chứng phải ở lại phòng xử án cho đến khi kết thúc phiên tòa (Điều 330, Điều 331, Điều 332). Trong quá trình xét hỏi, chủ tọa phiên tòa có thể cho bị cáo hoặc những người làm chứng xem xét các vật chứng và nghe lời nhận xét của họ (Điều 341). Ngoài ra, thủ tục xét xử ở Pháp còn cho phép đại diện viện công tố, bị cáo, nguyên đơn dân sự có quyền yêu cầu chủ tọa phiên tòa cho người làm chứng tạm thời rời phòng xử án, để nghe những lời khai khác, sau đó cho họ trở lại cung khai, dù có thể xảy ra việc đối chất hay không (Điều 338). Thủ tục xét hỏi được đặt ra đối với người làm chứng rất được pháp luật TTHS Pháp coi trọng, vì cho rằng, lời khai của họ có giá trị chứng minh cao. Về thủ tục cách ly người làm chứng trong quá trình xét hỏi, ở Pháp quy định tương đối giống với Việt Nam, như chủ tọa phiên tòa ra lệnh cho một hoặc nhiều bị cáo rời khỏi phòng xử án để hỏi riêng từng người làm chứng về một số tình tiết vụ án. Mặt khác, ở Điều 340 cho phép các thẩm phán và bồi thẩm ghi chép những điểm quan trọng trong lời khai của người làm chứng và lời bào chữa của bị cáo. Ở Việt Nam, mặc dù thực tế không cấm việc ghi chép nhưng chưa được luật quy định chính thức. Thủ tục này khác biệt với phiên tòa HSST ở Hoa Kỳ, bồi thẩm đoàn hoàn toàn không được ghi chép. Pháp luật TTHS Pháp chứng tỏ sự tiến bộ khi cấm các chủ thể tham gia xét hỏi bày tỏ quan điểm, chính kiến của mình trong quá trình xét hỏi; nhưng lại không đặt ra quyền được ghi chép của bị cáo và người tham gia tố tụng khác tại phiên tòa.
Về cơ bản, thủ tục xét hỏi tại phiên tòa HSST ở Pháp rất giống với Việt Nam, ví dụ như chủ tọa phiên tòa vẫn chịu trách nhiệm chính trong việc xét hỏi; là chủ thể có quyền hạn rất lớn trong việc làm rõ chứng cứ; vai trò của viện công tố và người bào chữa và các chủ thể khác khi tham gia xét hỏi rất mờ nhạt, v.v.. Điểm khác biệt rõ là phiên tòa HSST ở Pháp rất coi trọng vai trò người làm chứng (quy định chặt chẽ thủ tục cách ly và lấy lời khai người làm chứng), chứ không phải chỉ đặt nặng vào lời khai của bị cáo trước tòa như ở nước ta.  
Khi cuộc thẩm vấn kết thúc, nguyên đơn dân sự (hoặc luật sư của họ) được trình bày ý kiến. Viện công tố trình bày kết luận của mình. Tiếp đến bị cáo (hoặc luật sư của họ) trình bày lời bào chữa. Như vậy, nếu như phiên tòa hình sự ở Việt Nam - chính công tố viên là người trình bày lời buộc tội trước, còn ở Pháp là người bị hại. Viện công tố theo pháp luật Pháp cũng chỉ trình bày lời kết luận, chứ không phải là luận tội. Nội hàm của kết luận và luận tội là khác nhau. Mặt khác, pháp luật TTHS Pháp quy định khá đơn giản về thủ tục đối đáp khi các bên đưa ra các kết luận buộc tội và gỡ tội, đó là: “Nguyên đơn dân sự và Viện công tố được quyền đáp lại, nhưng bị cáo hay luật sư của bị cáo luôn được nói lời sau cùng” (Điều 346). Có thể lý giải cho sự đơn giản trong thủ tục trình bày kết luận và đối đáp ở Pháp là ở đó coi trọng phần thẩm vấn do chủ tọa phiên tòa đảm trách. Vừa thẩm vấn vừa tranh luận, mà không có sự tách bạch rõ ràng như ở Việt Nam.
 Pháp luật TTHS Pháp coi việc xét hỏi là thể hiện sự tranh luận, là thủ tục của quá trình tranh luận tại phiên tòa. Điều này chứng tỏ, ngày nay pháp luật TTHS ở Pháp dù vẫn giữ các đặc điểm của mô hình tố tụng thẩm vấn nhưng lại đan xen mạnh mẽ các yếu tố tranh tụng, và đã làm nên một mô hình tố tụng hỗn hợp.  
3. Liên bang Nga
Bộ luật TTHS Liên bang Nga năm 2001, được sửa đổi, bổ sung nhiều lần, cho đến lần sửa đổi, bổ sung bởi Luật liên bang số 153/LLB ngày 27/7/2006[13]. Chương IX - Thủ tục tố tụng tại tòa án cấp sơ thẩm quy định về xét hỏi và tranh luận. 
Pháp luật Nga không gọi là hoạt động xét hỏi (hoặc thẩm vấn) như ở Việt Nam và ở nhiều nước khác, mà gọi là “điều tra tại tòa án”. Vì thế, tại phiên tòa HSST ở nước này, ngoài hoạt động xét hỏi còn có các hoạt động khác mang tính chất điều tra. Trước khi tiến hành hoạt động xét hỏi, công tố viên công bố lời buộc tội. Đối với vụ án tư tố thì bắt đầu bằng việc tư tố viên công bố lời buộc tội. Sau đó chủ tọa phiên tòa hỏi bị cáo xem họ có hiểu nội dung buộc tội hay không, họ có nhận tội hay không và họ (kể cả người bào chữa của họ) có cần bày tỏ thái độ với lời buộc tội hay không (Điều 273). Việc công bố lời buộc tội rõ ràng là hợp lý, giảm thời gian không cần thiết, nó khác hẳn với phiên tòa HSST ở Việt Nam là kiểm sát viên đọc nguyên bản cáo trạng trước khi bắt đầu xét hỏi, cho dù trước đó cáo trạng bắt buộc phải tống đạt công khai. Trong việc đưa ra chứng cứ tại tòa, pháp luật TTHS Nga quy định rất cụ thể là, bên buộc tội có nghĩa vụ đưa ra chứng cứ trước để xem xét rồi mới đến bên bào chữa. Tiếp theo bị cáo là người được đưa ra chứng cứ. Tuy nhiên nếu vụ án có nhiều bị cáo thì trình tự đưa ra chứng cứ của các bị cáo do chủ tọa quyết định trên cơ sở ý kiến các bên (Điều 274). Cách thức đưa ra chứng cứ như vậy sẽ bảo đảm quyền bình đẳng, dân chủ trong quá trình tranh tụng. Điều 243 đã đặt trách nhiệm của chủ tọa phiên tòa là điều khiển phiên tòa và áp dụng tất cả những biện pháp để bảo đảm sự tranh tụng và bình đẳng của các bên. Quyền bình đẳng của các bên còn được ghi nhận cụ thể tại Điều 244 (Bình đẳng về quyền giữa các bên), đó là: “Tại phiên tòa, bên buộc tội và bên bào chữa bình đẳng về quyền đề nghị thay đổi người tham gia tố tụng và đưa ra các yêu cầu, đưa ra chứng cứ, tham gia vào việc xem xét chứng cứ, phát biểu khi tranh luận…”. Đồng thời, yếu tố tranh tụng được thể hiện rõ ngay trong quy định bị cáo không bắt buộc phải đưa ra lời khai. Nếu họ đồng ý đưa ra lời khai thì thủ tục xét hỏi được tiến hành, bằng việc trước tiên người bào chữa và những người tham gia tố tụng thuộc bên bào chữa hỏi bị cáo, sau đó mới đến lượt bên buộc. Sau khi các bên đã hỏi bị cáo thì tòa án đặt câu hỏi sau cùng. Lưu ý là chủ tọa phiên tòa không chấp nhận những câu hỏi của các bên có tính chất gợi ý (mớm cung) và không liên quan đến nội dung vụ án. Tuy nhiên, tòa án vẫn có quyền thay đổi trình tự hỏi bị cáo nếu trong vụ án có nhiều bị cáo và phải có yêu cầu của một trong các bên (Điều 275).
Như vậy, theo pháp luật TTHS Liên bang Nga thì bên bị buộc tội là người hỏi trước tiên đối với bị cáo, chủ tọa phiên tòa hỏi sau cùng mà không phải là bên buộc tội hoặc chủ tọa tòa án chịu trách nhiệm chính trong việc xét hỏi và là người hỏi trước (như ở Việt Nam và ở Pháp). Có thể thấy, trách nhiệm xét hỏi được chia đều cho hai bên buộc tội và gỡ tội; tòa án là người hỏi sau cùng. Điều này cho thấy tính tranh tụng rất cao. Tuy nhiên, hạn chế có thể thấy là pháp luật TTHS ở Nga chỉ quy định chủ tọa phiên tòa không chấp nhận những câu hỏi có tính gợi ý và không liên quan đến vụ án mà không đặt ra quyền của chủ tọa trong trường hợp này được cắt ngang ý kiến. Điều này dẫn đến việc phiên xét hỏi có thể bị kéo dài. Mặt khác, với quy định tòa án đưa ra câu hỏi đối với bị cáo, nhưng không giới hạn phạm vi hỏi của chủ tọa, nên có thể bị lạm dụng trong việc hỏi.  
Hoạt động xét hỏi người bị hại và người làm chứng (theo Điều 277, Điều 278), đáng chú ý là bên nào yêu cầu triệu tập người bị hại, người làm chứng đến phiên tòa thì bên đó đặt câu hỏi đối với họ trước, cuối cùng thẩm phán mới đưa ra câu hỏi. Trong khi đó, tại phiên tòa HSST ở nước ta thì chủ tọa phiên tòa chịu trách nhiệm chính trong việc xét hỏi và là người hỏi trước. Ở Nga, khi hỏi người làm chứng tại phiên tòa là phải lấy lời khai riêng từng người làm chứng, và không cho phép sự có mặt những người làm chứng khác chưa được lấy lời khai; tòa án không được tiết lộ những thông tin thực về nhân thân người làm chứng và có quyền tiến hành lấy lời khai của họ trong những điều kiện để những người khác tham gia vào quá trình xét xử không nhìn thấy họ; khi họ đã khai báo, chủ tọa có thể cho phép họ rời phòng xử án trước khi kết thúc việc điều tra tại tòa (sau khi đã tham khảo ý kiến các bên). Đây là thủ tục bắt buộc, khác với pháp luật TTHS nước ta (quy định chưa cụ thể việc cách ly người làm chứng trong trường hợp cần thiết, do Hội đồng xét xử quyết định). Và điểm tiến bộ là việc giữ bí mật lai lịch cho người làm chứng, việc xét hỏi họ trong điều kiện cần phải bảo đảm sự an toàn. Nó có ý nghĩa tích cực trong việc khuyến khích người làm chứng cung cấp chứng cứ, làm rõ nội dung vụ án.  
Bên cạnh đó, cần lưu ý đến quy định bị cáo và người bị hại có quyền đưa ra lời khai vào bất cứ thời điểm nào của quá trình điều tra tại tòa; bị cáo, người bị hại và người làm chứng có quyền sử dụng những ghi chép được trình ra trước tòa theo yêu cầu của họ. Các quy định này theo hướng mở, không cứng nhắc trong việc khép lại việc hỏi và trả lời đối với chủ thể bị xét hỏi nào đó. Có nghĩa là tại phần thủ tục xét hỏi, các chủ thể bị xét hỏi có quyền lựa chọn thời điểm đưa ra câu trả lời vì một chiến thuật có lợi cho mình hoặc chỉ đơn giản là họ trả lời vào thời điểm tùy thích.  
Việc lấy lời khai người giám định tại phiên tòa tương tự như lấy lời khai của người bị hại và người làm chứng: các bên buộc tội và bào chữa chịu trách nhiệm chính, bên nào đã yêu cầu trưng cầu giám định đưa ra câu hỏi trước, tòa án hỏi sau cùng. Ở Nga còn quy định, nếu cần thiết, tòa án có quyền dành thời gian cho người giám định để họ chuẩn bị cho việc đưa ra câu trả lời của các bên và tòa án. Điều này giúp làm rõ kết luận giám định hoặc bổ sung kết luận giám định mà không phải mọi lúc có thể trả lời được ngay.
Ở Nga, các trường hợp được công bố lời khai, xem xét vật chứng, xem xét chỗ ở và địa điểm, khá tương tự như ở Việt Nam. Ví nhụ công bố lời khai của người bị hại, người làm chứng khi họ vắng mặt, khi có mâu thuẫn trong lời khai. Tuy nhiên pháp luật Nga ghi nhận rõ ràng, cụ thể hơn việc công bố ảnh, băng ghi âm (hoặc ghi hình), phim. Mặt khác, việc công bố lời khai chỉ xảy ra khi có yêu cầu và sự đồng ý của các bên. Riêng đối với hoạt động xem xét chỗ ở và địa điểm thì khi đến nơi cần xem xét, tòa án có quyền đặt câu hỏi đối với bị cáo, người bị hại, người làm chứng, người giám định và nhà chuyên môn. Những vấn đề này chứng tỏ thêm về tính dân chủ trong hoạt động tranh tụng, một yếu tố bảo đảm nguyên tắc tranh tụng. Về thủ tục tòa án thực nghiệm điều tra, nhận dạng, xem xét dấu vết trên thân thể thì hầu hết các hoạt động này có sự tham gia của các bên, nếu cần thiết thì có cả người làm chứng, người giám định và nhà chuyên môn tham gia. Các bên cũng như thẩm phán được đặt ra câu hỏi để làm rõ (Điều 288, Điều 289, Điều 290).         
 Giống như ở Việt Nam, ở Nga thủ tục tranh luận được tách riêng khỏi thủ tục xét hỏi - thành một phần kế tiếp sau phần xét hỏi (Điều 292). Khái niệm “tranh luận” được nêu ngay tại khoản 1 Điều 292 BLTTHS Liên bang Nga. Luật coi tranh luận của các bên bao gồm phát biểu của người buộc tội và của người bào chữa. Trường hợp người bào chữa vắng mặt thì bị cáo tham gia vào tranh luận của các bên. Về trình tự phát biểu, trong mọi trường hợp người buộc tội phát biểu đầu tiên, bị cáo và người bào chữa phát biểu sau. Sau đó mới đến nguyên đơn dân sự và người đại diện của họ phát biểu, bị đơn dân sự và người đại diện của họ phát biểu tiếp theo. Như vậy tranh luận chỉ bao gồm hai bên buộc tội và bào chữa thực hiện. Giống như ở Việt Nam, pháp luật TTHS Nga không cho phép người tham gia tranh luận dựa vào những chứng cứ không được xem xét tại phiên tòa hoặc chứng cứ mà tòa án không chấp nhận. Đồng thời, tòa án không có quyền hạn chế thời gian tranh luận của các bên, có quyền cắt ngang ý kiến nếu các bên đề cập đến tình tiết không liên quan đến vụ án. Ở Việt Nam, tòa án còn có quyền cắt ngang ý kiến nếu ý kiến đó vòng vo, lặp đi lặp lại kéo dài thời gian không cần thiết. Và có thể thấy, phiên tranh luận ở Nga không được mở đầu bằng việc đọc bản luận tội như ở Việt Nam. Thủ tục tranh luận ở Nga quy định: sau khi tất cả những người tham gia tranh luận đã phát biểu, mỗi người trong số họ có thể phát biểu đối đáp một lần nữa; quyền đối đáp sau cùng thuộc về bị cáo hoặc người bào chữa của họ. Quy định quyền đối đáp cuối cùng thuộc về bên bị buộc tội nhằm tạo lợi thế cho họ về mặt ngôn từ khi khép lại một cuộc tranh luận. Tuy nhiên, với quy định mỗi người chỉ được phát biểu đối đáp một lần thì vô hình trung đã mâu thuẫn với quy định không hạn chế thời gian tranh luận và nếu chỉ được đối đáp một lần thì trong nhiều trường hợp không làm rõ hết được chứng cứ, tình tiết vụ án.
Có thể thấy, thủ tục xét hỏi và tranh luận ở phiên tòa HSST Liên bang Nga có tính tranh tụng cao. Tòa án thực hiện vai trò dẫn dắt phiên xét hỏi và tranh luận, chỉ đóng vai trò thứ yếu trong hoạt động xét hỏi. Các bên dân chủ, bình đẳng trong hoạt động chứng minh tại tòa như việc triệu tập, việc đưa ra chứng cứ, v.v.. Dù cho tòa án có tham gia vào một số hoạt động điều tra tìm kiếm chứng cứ buộc tội, không chỉ đơn thuần làm chức năng xét xử, nhưng đó là đặc trưng của mô hình tố tụng hỗn hợp, với xu hướng tăng cường tính tranh tụng tại phiên tòa. Đáng chú ý là tòa án tiến hành một số hoạt động điều tra có sự tham gia của các bên buộc tội và bào chữa, người làm chứng và nhà chuyên môn - sự khách quan trong hoạt động điều tra của tòa vẫn được bảo đảm.

 


[1] Quy tắc Liên bang về Bằng chứng (Quy tắc 614(b)), xem tại địa chỉ http://www.UScourts.gov/UScourts/Quy tắcsAndPolicies/quy tắcs/2010%20Quy tắcs/Evidence.pdf
 
[2] Phan Văn Ba và Phan Xuân Thảo (2012), Everyday American Law, Nxb Tổng hợp TP. Hồ Chí Minh, tr.43.
[3] Tham khảo tác giả Richard S. Shine, bài “Mô hình tố tụng hình sự Hoa Kỳ”, tại Hội thảo Mô hình TTHS một số nước trên thế giới- Kinh nghiệm đối với việc hoàn thiện mô hình TTHS Việt Nam, do Chương trình Đối tác tư pháp và Viện kiểm sát nhân dân tối cao tổ chức, Hà Nội ngày 15-16 tháng 11/2011.  
[4] Tham khảo tác giả E. Allun Furnswarth, cuốn “Introduction to the U.S legal system”, Columbia University law , Oceana Publications, New York, year 1963.
[5] Tham khảo tác giả Richard S. Shine, như trên.  
[6] Quy tắc Liên bang về Bằng chứng (Quy tắc 611).
[7] Tham khảo tác giả Richard S. Shine, như trên.
[8] Tham khảo tác giả Richard S. Shine, như trên.
[10] Quy tắc TTHS Liên bang (Quy tắc 30(c).
[11] Quy tắc TTHS Liên bang (Quy tắc 30(d)). 
[12] Bộ luật TTHS Cộng hòa Pháp, Nxb Chính trị Quốc gia (1998)                 
 
[13] Tham khảo tại địa chỉ http://tks.edu.vn/law/detail/1028_0_Bo-luat-to-tung-hinh-su-Lien-bang-Nga.html

(Nguồn tin: Bài viết đăng tải trên Ấn phẩm Nghiên cứu lập pháp số 7(263), tháng 4/2014)


Thống kê truy cập

33952501

Tổng truy cập