Xây dựng pháp luật về hoạt động gọi vốn cộng đồng

01/01/2017

ThS. LÊ HƯƠNG GIANG

Khoa Pháp luật kinh tế, Đại học Luật Hà Nội.

Tóm tắt: Gọi vốn cộng đồng là một hoạt động khá mới ở Việt Nam, có tốc độ phát triển rất nhanh chóng và sôi động. Hiện nay, gọi vốn cộng đồng (GVCĐ) chia thành hai dạng: Các dự án khởi nghiệp gọi vốn để thực hiện dự án kinh doanh và các dự án của các tổ chức từ thiện kêu gọi tài trợ cho các chương trình phục vụ lợi ích cộng đồng (phi lợi nhuận). Trong đó, các dự án khởi nghiệp kinh doanh chiếm phần lớn trong hoạt động GVCĐ hiện nay. Vì đây là một hoạt động khá mới mẻ, có thể tiềm ẩn những rủi ro nhất định mà chưa có quy định pháp luật cụ thể, do đó, các nhà lập pháp nên nghiên cứu, thiết lập cơ sở pháp lý cho hoạt động này được tồn tại một cách an toàn ở Việt Nam.
Từ khoá: Gọi vốn cộng đồng, doanh nghiệp vừa và nhỏ, doanh nghiệp khởi nghiệp, khởi nghiệp trong lĩnh vực công nghệ
Abstract: Crowdfunding is a new method for calling up the financial resource, which has strong development in Vietnam. Currently, crowdfunding is divided into two types: Crowdfunding for start-up projects (profit) and crowdfunding for the charity projects (non-profit). However, most of crowdfunding projects are carried out with the purpose of profit. Because crowdfunding may have potential risks, legislators should establish the legal basis for this activity in order that it could be performed safely in Vietnam.
Keywords: Crowdfunding, small and medium-sized enterprises (SMEs), startup enterprises, technology startup projects.
Untitled_440.jpg
Ảnh minh họa: (Nguồn internet)
1. Tổng quan về hoạt động gọi vốn cộng đồng
GVCĐ được hiểu là một phương thức kêu gọi vốn để tập hợp một khoản tiền nhất định từ công chúng trên môi trường mạng nhằm tài trợ cho một dự án nào đó, mà chủ yếu là các dự án khởi nghiệp của các cá nhân hay một dự án mới của một doanh nghiệp có quy mô nhỏ. GVCĐ bắt nguồn từ hoạt động của website ArtistShare tại Mỹ vào năm 2003, của Brian Camelio - một nhà lập trình máy tính và sản xuất âm nhạc.. Dự án đầu tiên của ArtistShare là gọi vốn cho việc sản xuất album “Concert in a Garden” của Maria Schneider. Hình thức gọi vốn của dự án này như sau: Với gói tài trợ 9,95$, người tài trợ có thể trở thành một trong những khách hàng đầu tiên được tải xuống album vào năm 2004; với mức tài trợ từ 250$ trở lên thì người đóng góp sẽ được in tên trên sản phẩm album với tư cách “người làm nên sản phẩm này”; với mức đóng góp 10.000$ thì được ghi tên là nhà sản xuất. Nhờ sự thành công của ArtistShare, rất nhiều website GVCĐ tiếp tục được thiết lập, điển hình như Indiegogo (năm 2008), Kickstarter (năm 2009)[1]. Các dự án GVCĐ có thể thành công, có thể thất bại, nhưng ngày càng chứng tỏ rằng GVCĐ là một hình thức gọi vốn hiệu quả cho những dự án khởi nghiệp kinh doanh trên thế giới.
Ở Việt Nam, GVCĐ mới manh nha từ năm 2013 và đến nay, hoạt động GVCĐ đã được phổ biến hơn, với một số website[2]… Tuy nhiên, rào cản lớn đối với sự phát triển hoạt động GVCĐ ở Việt Nam là nhận thức của xã hội còn chưa cao, người dân còn thiếu sự tin tưởng vào các dự án khởi nghiệp hay kinh doanh. Bên cạnh đó, bản thân những nhà khởi nghiệp cũng còn ngại ngần khi công khai dự án, ý tưởng để kêu gọi sự giúp đỡ vốn từ xã hội, khi mà họ còn chưa thể chắc chắn về sự thành công hay thất bại của dự án đó. Ngoài ra, sự thiếu hụt khung pháp lý cho hoạt động GVCĐ cũng là một lý do quan trọng khiến hoạt động này chưa có chỗ đứng và phát triển trong thị trường.
Về bản chất, GVCĐ là một hình thức kêu gọi vốn rộng rãi từ công chúng thông qua một website nhằm thực hiện một dự án kinh doanh hoặc từ thiện. GVCĐ có những đặc trưng như sau:
Thứ nhất, về chủ thể, các chủ thể xuất hiện trong hoạt động GVCĐ bao gồm người góp vốn (backers), chủ dự án GVCĐ (bên gọi vốn), tổ chức cung cấp dịch vụ GVCĐ[3]. Trong đó, người góp vốn có thể là mọi tổ chức, cá nhân trong xã hội, những người có khả năng tài chính phù hợp, có nhu cầu giúp đỡ dự án GVCĐ trở thành hiện thực. Chủ dự án GVCĐ (bên gọi vốn) là những tổ chức, cá nhân có ý tưởng thực hiện một dự án kinh doanh hoặc từ thiện, cần sự giúp đỡ từ cộng đồng để tập hợp được nguồn vốn đủ để thực hiện dự án của mình. Tổ chức cung cấp dịch vụ GVCĐ là một tổ chức kinh doanh, thiết lập môi trường để chủ dự án GVCĐ có thể giới thiệu về dự án của mình, tìm kiếm sự giúp đỡ từ cộng đồng. Hiện nay, tư cách pháp lý của tổ chức cung cấp dịch vụ này chưa được pháp luật Việt Nam quy định rõ. Tuy nhiên, xét trên chức năng chính của tổ chức này, có thể thấy, vai trò của họ là nhà môi giới cho sự “gặp gỡ” giữa bên gọi vốn và bên góp vốn. Ngoài ra, trong một số trường hợp có yêu cầu từ bên gọi vốn, tổ chức này sẽ có thể là bên tư vấn và hỗ trợ một số công việc theo yêu cầu.
Thứ hai, về mục đích, khi tham gia vào hoạt động GVCĐ, các chủ thể đều có mục đích của mình. Trước hết, đối với chủ dự án GVCĐ, mục đích có thể là gây quỹ từ thiện hoặc là một bước ban đầu để hiện thực hoá dự án khởi nghiệp kinh doanh. Đối với dự án gọi vốn kinh doanh, do hoạt động GVCĐ có bản chất là kêu gọi sự giúp đỡ, hỗ trợ ban đầu từ xã hội, cho nên chủ dự án GVCĐ thường là các cá nhân khởi nghiệp hoặc tổ chức kinh doanh có ít vốn. Thông qua GVCĐ, bên gọi vốn quảng bá cho dự án, tiếp thị sản phẩm trước khi ra mắt. Bên cạnh đó, khi thực hiện GVCĐ, chủ dự án còn có cơ hội khảo sát nhu cầu thị trường, thu thập các ý kiến và đánh giá mức độ thành công của dự án. Đối với những người góp vốn, việc góp vốn cho một dự án GVCĐ trước hết thể hiện sự yêu thích ý tưởng của dự án, hỗ trợ những nhà kinh doanh khởi nghiệp, ủng hộ tinh thần sáng tạo hay những hoạt động từ thiện trong cộng đồng. Ngoài ra, những người góp vốn còn có thể hướng đến những quyền lợi nhất định nếu dự án thành công, như quà tặng[4], cổ phần, lãi vay. Như vậy, người góp vốn vào các hoạt động GVCĐ cho các dự án kinh doanh cũng trở thành một nhà đầu tư. Cuối cùng, tổ chức cung cấp dịch vụ GVCĐ là một tổ chức kinh doanh, là bên trung gian (môi giới) kết nối giữa chủ dự án GVCĐ và những người có nhu cầu góp vốn để ủng hộ dự án đó. Nếu quan hệ giữa bên gọi vốn và bên góp vốn vào dự án GVCĐ không phải lúc nào cũng mang tính thương mại (trong trường hợp dự án từ thiện) thì quan hệ giữa bên gọi vốn với tổ chức cung cấp dịch vụ GVCĐ luôn là quan hệ thương mại. Tổ chức cung cấp dịch vụ GVCĐ hưởng lợi ích từ việc thiết lập môi trường (website) cho chủ dự án GVCĐ đăng tải được nội dung dự án của mình, do đó, họ sẽ được hưởng một số tiền với tỷ lệ phần trăm nhất định theo quy định sẵn hoặc theo thoả thuận với chủ dự án GVCĐ.
Thứ ba, về hình thức, hiện nay có thể kể đến bốn loại hình GVCĐ[5] là: (i) gọi vốn theo hình thức cổ phần (equity -based crowdfunding), là hình thức huy động góp vốn vào dự án mà lợi ích nhận được sẽ là cổ phần của công ty, người ủng hộ trong trường hợp này là một nhà đầu tư hướng đến việc trở thành một cổ đông trong công ty cổ phần[6]; (ii) gọi vốn theo hình thức vay vốn (lending-based crowdfunding), là hình thức những người góp vốn trở thành bên cho vay, hình thức này phù hợp với những doanh nghiệp nhỏ không đủ tài sản thế chấp để vay ngân hàng, cần sự trợ giúp của những người ủng hộ trong xã hội[7]; (iii) gọi vốn theo hình thức trả phần thưởng, quà tặng (reward-based crowdfunding), chủ dự án sẽ dành cho người góp vốn những lợi ích (thể hiện bằng gói quà tặng) được quy định sẵn phù hợp với số tiền mà người góp vốn bỏ ra để đầu tư vào dự án mà không phụ thuộc vào lợi nhuận dự án thu được[8]; (iv) gọi vốn theo hình thức quyên góp từ thiện (donation-based crowdfunding) thường được các tổ chức xã hội, tổ chức từ thiện, tổ chức phi chính phủ đứng ra kêu gọi tài trợ để giúp đỡ những dự án không nhằm mục tiêu lợi nhuận như hỗ trợ thiên tai, giúp đỡ người có hoàn cảnh đặc biệt…, do đó chủ dự án không cần trả lợi ích cho người góp vốn[9].
Thứ tư, về cơ sở pháp lý, pháp luật nước ta hiện chưa có quy định cụ thể về tư cách, quyền hạn, trách nhiệm của mỗi bên trong quan hệ GVCĐ. Tuy nhiên, căn cứ vào các quy định chung về dân sự, thương mại hay hoạt động thương mại điện tử (TMĐT), các cơ sở pháp lý để phân định quyền hạn và trách nhiệm của các bên như sau: Hợp đồng sử dụng dịch vụ GVCĐ (Bên GVCĐ - Tổ chức cung cấp dịch vụ GVCĐ); thoả thuận giữa bên GVCĐ với bên góp vốn (thể hiện bằng lời giới thiệu, hình ảnh, cam kết mà chủ dự án công bố trên website GVCĐ).
2. Khuyến nghị xây dựng pháp luật về hoạt động gọi vốn cộng đồng
2.1 Sự cần thiết phải xây dựng các quy định của pháp luật về hoạt động GVCĐ
Các nhà làm luật Việt Nam đã có ý tưởng về việc xây dựng các quy định của pháp luật về GVCĐ tại Dự thảo Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa[10]. Việc xây dựng các quy định của pháp luật về hoạt động GVCĐ trong bối cảnh hiện nay là cần thiết, xuất phát từ những lý do sau:
Thứ nhất, xuất phát từ thực tiễn. Hiện nay, hoạt động GVCĐ, đặc biệt là cho các dự án khởi nghiệp ngày càng trở nên sôi động, thu hút sự quan tâm của nhiều nhà đầu tư và chủ dự án, khá nhiều dự án khởi nghiệp thành công do đã huy động được đủ nguồn vốn ban đầu từ xã hội. Bản thân những người muốn bỏ vốn ủng hộ các dự án cũng cần hiểu rõ bản chất của hoạt động này, cần có những cơ chế bảo vệ quyền lợi của họ khi tham gia vào quan hệ GVCĐ. Những chủ dự án GVCĐ hay tổ chức cung cấp dịch vụ GVCĐ cần có những quy định của pháp luật để phân định rõ trách nhiệm giữa họ và để thừa nhận tư cách pháp lý của tổ chức đó.
Thứ hai, xuất phát từ nhu cầu quản lý. Từ thực tiễn tồn tại của hoạt động GVCĐ hiện nay, các nhà quản lý cũng cần có những cơ sở pháp lý để theo dõi, giám sát hoạt động GVCĐ, nhằm tạo điều kiện phát huy những mặt tích cực và hạn chế, triệt tiêu những mặt tiêu cực của hoạt động này. Đặc biệt, đây là một hoạt động khá mới mẻ tại Việt Nam, sự tác động tới xã hội sẽ là khá lớn nếu như có yếu tố tiêu cực xảy ra (ví dụ như xuất hiện yếu tố lừa đảo). Do đó, dịch vụ GVCĐ cần được ghi nhận là một ngành nghề cụ thể, cần được hoạt động và được quản lý trong một khuôn khổ pháp lý được quy định bởi Nhà nước.
Thứ ba, xuất phát từ chủ trương chính sách khuyến khích phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa, hỗ trợ các dự án khởi nghiệp. Cụ thể, tại Nghị quyết số 142/2016/QH13 ngày 12/4/2016 của Quốc hội về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2016-2020 đã khẳng định, Việt Nam “đẩy mạnh tinh thần khởi nghiệp gắn với chính sách hỗ trợ của Nhà nước. Thúc đẩy xã hội hóa sở hữu và sản xuất kinh doanh, khuyến khích phát triển các hình thức doanh nghiệp cổ phần. Trợ giúp để phát triển mạnh doanh nghiệp nhỏ và vừa, kinh tế hộ gia đình, kinh tế hợp tác”; Nghị quyết số 19/2016/NQ-CP của Chính phủ về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia 2 năm 2016-2017, định hướng đến năm 2010 cũng chỉ rõ nhiệm vụ của Chính phủ là “tạo lập hệ thống hỗ trợ khởi nghiệp, tạo môi trường đầu tư, kinh doanh thuận lợi, ổn định, tự do sáng tạo cho doanh nghiệp khởi nghiệp”. Việc xây dựng các quy định của pháp luật về GVCĐ là phù hợp với chủ trương hiện nay, nhằm tận dụng khả năng nội tại của những nhà khởi nghiệp, cũng như tận dụng nguồn vốn có sẵn trong xã hội mà Nhà nước không cần trực tiếp tham gia trợ giúp vốn cho các dự án khởi nghiệp. Việc Nhà nước công nhận và pháp luật có quy định rõ ràng về GVCĐ cũng sẽ khuyến khích hoạt động này phát triển.
Như vậy, việc thiết lập cơ sở pháp lý cần thiết cho hoạt động GVCĐ sẽ đem lại lợi ích cho nhiều bên như: đảm bảo an toàn, tạo sự an tâm cho người góp vốn; chuyên nghiệp hoá và tránh thất thu thuế từ nguồn lợi nhuận của hoạt động cung cấp dịch vụ GVCĐ; giúp giảm thiểu các tranh chấp phát sinh giữa các chủ thể tham gia vào hoạt động GVCĐ… Có một khung pháp lý đầy đủ với sự quản lý của Nhà nước, người dân sẽ cảm thấy an tâm hơn khi tham gia đầu tư vốn cho các dự án GVCĐ, từ đó, hoạt động GVCĐ tại Việt Nam sẽ càng phát triển.
2.2 Một số đề xuất cụ thể về nội dung của pháp luật về GVCĐ[11]
Một là, cần ghi nhận hoạt động GVCĐ (cho các dự án kinh doanh) trong Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa
Hoa Kỳ đã có một đạo luật có quy định về GVCĐ[12]. Ở Anh, website GVCĐ phải được đăng ký. Tại Pháp, người quản lý website GVCĐ phải có chứng chỉ “cố vấn đầu tư GVCĐ” (investment-crowdfunding adviser) sau khi đã vượt qua các kỳ sát hạch theo quy định[13].Tại Việt Nam, thực tế đòi hỏi Nhà nước cần quan tâm tới việc thiết lập hàng rào pháp lý để chính thức “công nhận”, đưa hoạt động này trở nên phổ biến hơn, từ đó tạo sự an tâm cho cả bên huy động vốn, bên hỗ trợ vốn và đặc biệt là bên trung gian cung cấp dịch vụ GVCĐ. Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa nên quy định một số vấn đề đặc thù về hỗ trợ tiếp cận vốn cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa, dự án khởi nghiệp, trong đó hoạt động GVCĐ sẽ là một cách thức tiếp cận nguồn vốn từ xã hội hiệu quả[14].
Hai là, cần xây dựng địa vị pháp lý cho tổ chức cung cấp dịch vụ GVCĐ
Hiện nay, tổ chức cung cấp dịch vụ GVCĐ tồn tại khá nhiều ở Việt Nam, nhưng từ góc độ pháp luật, chưa có quy định ghi nhận rõ tư cách pháp lý, quyền và nghĩa vụ của tổ chức này đối với các bên trong quan hệ GVCĐ. Thực tế cho thấy, các tổ chức GVCĐ thực hiện hoạt động TMĐT, có thu nhập thường xuyên nhưng chưa được quản lý chặt chẽ. Nghị định số 52/2013/NĐ-CP của Chính phủ quy định về TMĐT có liệt kê các hình thức tổ chức hoạt động TMĐT bao gồm: website TMĐT bán hàng (do thương nhân, tổ chức, cá nhân tự thiết lập để phục vụ hoạt động xúc tiến thương mại, bán hàng hoặc cung ứng dịch vụ của mình), website cung cấp dịch vụ TMĐT (cung cấp môi trường cho các thương nhân, tổ chức, cá nhân khác tiến hành hoạt động thương mại, bao gồm sàn giao dịch điện tử, website đấu giá trực tuyến, website thương mại trực tuyến, website khác do Bộ Công thương quy định)[15]. Như vậy, trang web GVCĐ không thuộc các hình thức tổ chức hoạt động TMĐT đã được liệt kê, vậy sẽ thuộc trường hợp “website khác do Bộ Công thương quy định”. Pháp luật cần quy định rõ tổ chức cung cấp dịch vụ GVCĐ phải là thương nhân, bởi tổ chức này lấy hoạt động cung cấp dịch vụ GVCĐ để làm thu nhập thường xuyên cho mình. Bên cạnh đó, cần phải có quy định về tư cách của tổ chức cung cấp dịch vụ GVCĐ trong mối quan hệ với bên chủ dự án gọi vốn và bên góp vốn, theo đó, tổ chức cung cấp dịch vụ GVCĐ là trung gian môi giới; từ đó, ràng buộc trách nhiệm của tổ chức cung cấp dịch vụ GVCĐ với bên gọi vốn[16] cũng như với các thông tin được công bố trên website dùng để gọi vốn.
Ba là, cần quy định rõ một số trách nhiệm cơ bản của bên gọi vốn và bên góp vốn vào dự án GVCĐ
Những dự án GVCĐ cho các dự án kinh doanh thường sẽ có hình thức hoàn trả lợi ích khác nhau cho bên góp vốn, có thể bằng cổ phần của công ty, lãi vay hoặc quà tặng. Do đó, các nhà làm luật cần xét đến sự khác nhau này để quy định cho phù hợp.
Về trách nhiệm của bên gọi vốn cho dự án GVCĐ: Pháp luật cần có quy định bên gọi vốn phải đảm bảo tính trung thực và chịu trách nhiệm về mọi thông tin được công khai về dự án GVCĐ. Bên gọi vốn phải đảm bảo việc sử dụng nguồn vốn huy động được đúng mục đích, triển khai dự án đúng tiến độ như đã cam kết với những người góp vốn. Bên gọi vốn cũng phải đảm bảo đúng thời hạn, tiến độ hoàn trả lợi ích cho người góp vốn như cam kết. Đặc biệt, đối với những dự án hoàn trả lợi ích bằng quà tặng, bên gọi vốn phải trả sản phẩm quà tặng đúng chủng loại, đúng chất lượng, đúng các tiêu chí theo cam kết và phải ưu tiên trả sản phẩm cho những người góp vốn trước rồi mới được bán các sản phẩm ra thị trường. Trong thực tế, đã có nhiều dự án GVCĐ thành công, nhưng sau khi triển khai đã không đảm bảo đúng thời hạn trả quà tặng cho những người góp vốn, làm ảnh hưởng không nhỏ tới sự phát triển chung của hoạt động GVCĐ. Do đó, pháp luật cũng cần có quy định về thời hạn tối đa trả lợi ích cho người góp vốn, đặc biệt trong trường hợp trả lợi ích bằng quà tặng. Đối với các dự án GVCĐ nhằm mục tiêu kinh doanh, nhằm đảm bảo đúng tính chất kêu gọi vốn “cộng đồng”, cần có quy định mức trần góp vốn trên cơ sở cân nhắc yếu tố an toàn cho xã hội nhưng vẫn đáp ứng được nhu cầu kêu gọi vốn và khả năng thành công của các dự án kinh doanh. Ngoài ra, cần quy định trách nhiệm và thời hạn tối đa hoàn trả vốn góp cho những người góp vốn vào dự án trong trường hợp dự án GVCĐ không thành công.
Trách nhiệm của bên góp vốn cho các dự án GVCĐ: Do nhận thức chúng về GVCĐ còn chưa cao, nên pháp luật cần có những quy định mang tính định hướng rõ ràng cho người góp vốn về các nghĩa vụ của mình. Mặc dù việc góp vốn cho các dự án GVCĐ xuất phát từ sự tự nguyện, tin tưởng vào sự thành công của dự án hay những hấp dẫn từ gói quà tặng có tính chất độc đáo, nhưng một khi đã quyết định góp vốn, người góp vốn cần được quy định chỉ được quyền rút lại vốn trong một số trường hợp như: (i) Có sự đồng ý của bên gọi vốn; (ii) Dự án gọi vốn không thành công, bên gọi vốn trả lại vốn góp; (iii) Bên gọi vốn vi phạm những nghĩa vụ cơ bản với bên góp vốn; (iv) Theo thoả thuận khác giữa các bên. Điều này cần được pháp luật quy định rõ nhằm tránh những tranh chấp không đáng có.
Chúng tôi cho rằng, việc thiết lập khung pháp lý về hoạt động GVCĐ là phù hợp với bối cảnh thực tiễn, nhu cầu của xã hội và chính sách của Nhà nước. Trên đây chỉ là một số kiến nghị chung, có tính định hướng cho hoạt động lập pháp. Để hoàn thiện khung pháp lý, các nhà lập pháp cần tiếp tục có những nghiên cứu để pháp luật kịp thời điều chỉnh các quan hệ trong xã hội, vừa đảm bảo sự phát triển năng động, sáng tạo của thị trường, đảm bảo sự an toàn cho người dân./.
 

[1]David M.Freedman, Matthew R.Nutting (2015), A brief history of crowdfuding, source: http://www.freedman-chicago.com/ec4i/History-of-Crowdfunding.pdf.
[2] Số liệu từ Toạ đàm “Crowdfunding như thế nào”, do Bảo Kim tổ chức, ngày 7/8/2016 tại Hà Nội.
[3] Các dự án GVCĐ hiện nay phần lớn đều thông qua các trang web của tổ chức cung cấp dịch vụ GVCĐ; các tổ chức cung cấp dịch vụ GVCĐ có chuyên môn để hỗ trợ, tư vấn khi cần thiết. Tuy nhiên, cũng có một số trường hợp chủ dự án GVCĐ tự mình thiết lập website để GVCĐ, nhưng cách thức này ít khi được sử dụng bởi chủ dự án GVCĐ là những nhà khởi nghiệp, vốn ít.
[4] Các chủ dự án GVCĐ thường thiết kế nhiều gói quà tặng để gia tăng cơ hội huy động được vốn, các gói quà tặng tăng dần về lợi ích và mức độ hấp dẫn tương ứng với mức tiền đóng góp.
[5] Garry A Gabison, JRC Science and Policy Report- Understanding crowdfunding and its regulations, 2015, trang 9-10. Nguồn: http://publications.jrc.ec.europa.eu/repository/bitstream/JRC92482/lbna26992enn.pdf
[6] Điển hình là cách thức hoạt động của Crowdfunder (https://www.crowdfunder.com).
[7] Điển hình như Lendingclub (https://www.lendingclub.com) hay Kiva (https://www.kiva.org).
[8] Điển hình là trang Kickstarter (https://www.kickstarter.com), ở Việt Nam có Betado (http://www.betado.com).
[9]Điển hình như Crowdrise (https://www.crowdrise.com) trên thế giới, Charitymap (https://www.charity-map.org) ở Việt Nam.
[10] Được thể hiện tại Dự thảo Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa ngày 25/5/2016 đăng trên Cổng thông tin điện tử của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, nhưng đến Dự thảo ngày 7/7/2016 thì phần về hỗ trợ khởi nghiệp, hoạt động GVCĐ không còn được quy định trong Dự thảo.
[11] Các đề xuất trong phần này liên quan đến việc GVCĐ cho các dự án nhằm mục đích kinh doanh. Các đề xuất chỉ mang tính định hướng chung, các đề xuất chi tiết hơn sẽ được triển khai ở những nghiên cứu tiếp theo.
[12] Đạo luật về Khởi nghiệp - Jumpstart our Business Startup (JOBS) Act (2012) - có quy định tại Mục III về “crowdfunding”
[13] Garry A Gabison, JRC Science and Policy Report- Understanding crowdfunding and its regulations, 2015, trang 21. Nguồn: http://publications.jrc.ec.europa.eu/repository/bitstream/JRC92482/lbna26992enn.pdf
[14] Có thể sẽ có ý kiến phản biện rằng, hoạt động GVCĐ bao gồm: gọi vốn cho dự án kinh doanh và dự án từ thiện. Đối với các dự án gọi vốn từ thiện, không thể được điều chỉnh bởi Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa. Tuy nhiên, chúng tôi đề xuất như vậy bởi phần lớn các hoạt động GVCĐ hiện nay là cho các dự án kinh doanh, đặc biệt là dự án khởi nghiệp. Khi đã có quy định về GVCĐ cho các dự án kinh doanh tại Luật này, địa vị pháp lý của tổ chức cung cấp dịch vụ GVCĐ sẽ được ghi nhận, từ đó cũng có thể có những văn bản dưới luật hướng dẫn thêm cho hoạt động GVCĐ cho dự án từ thiện.
[15] Điều 25 Nghị định số 52/2013/NĐ-CP về TMĐT.
[16] Áp dụng quy định về môi giới thương mại tại Điều 151 Luật Thương mại (2005).

(Nguồn tin: Bài viết đăng tải trên ấn phẩm Nghiên cứu lập pháp số 1+2(329+330)-tháng 2/2017)


Thống kê truy cập

33940101

Tổng truy cập