Một số kiến nghị cụ thể nhằm hoàn thiện Dự thảo Luật về Hội

01/11/2016

NGUYÊN THÀNH

Tạp chí Nghiên cứu Lập pháp.

Xây dựng Luật về Hội là một bước cụ thể hóa quy định tại Điều 25 Hiến pháp năm 2013 “Công dân có quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, tiếp cận thông tin, hội họp, lập hội, biểu tình”, đồng thời đáp ứng yêu cầu sửa đổi, bổ sung, thay thế các văn bản pháp luật hiện hành liên quan đến quyền lập hội hay quyền tự do hiệp hội, như Luật quy định về Quyền lập hội năm 1957, Nghị định số 45/2010/NĐ-CP ngày 21/4/2010 của Chính phủ Quy định về tổ chức, hoạt động và quản lý hội… Xây dựng Luật về Hội cũng là một bước đảm bảo quyền tự do hiệp hội của người dân theo chuẩn mực quốc tế về quyền tự do hiệp hội trong Công ước quốc tế về các Quyền dân sự, chính trị (ICCPR) mà Việt Nam đã gia nhập. 
Xây dựng Luật về Hội là công việc đã được “thai nghén” và tiến hành từ lâu[1], thu hút sự quan tâm của rất nhiều tổ chức trong xã hội và các cá nhân vì sự ảnh hưởng bao trùm của Luật này. Cơ quan chủ trì soạn thảo đã tổ chức nhiều hội nghị, hội thảo xin ý kiến các chuyên gia và người dân cũng như tiếp thu kinh nghiệm các nước. Qua rất nhiều lần Dự thảo rồi lấy ý kiến để sửa đổi, bổ sung, Dự thảo Luật về Hội ngày 16/9/2016 đang chuẩn bị trình Quốc hội khóa XIV thông qua tại kỳ họp thứ hai đã khác xa nội dung các Dự thảo trước đó. Tuy nhiên, vẫn còn có ý kiến cho rằng, Dự thảo ngày 16/9/2016 vẫn còn “sơ sài”, vẫn “thiên về công tác quản lý nhà nước đối với việc lập và hoạt động của Hội”, chứ chưa thật sự quan tâm đến đảm bảo quyền tự do hiệp hội của người dân[2].
Theo chúng tôi, Dự thảo Luật về Hội ngày 16/9/2016 đã là một Dự thảo khá tốt. Tuy nhiên, để hoàn chỉnh hơn, Dự thảo cần được sửa đổi, bổ sung trước khi trình Quốc hội thông qua. Các nội dung cần được sửa đổi, bổ sung và hoàn thiện cụ thể là:
Untitled_27.png
Ảnh minh họa: (Nguồn internet)
Thứ nhất,Dự thảo Luật về Hội không nên có các quy định hạn chế quyền lập hội của mọi người. Ví dụ, tại khoản 6 Điều 13 và khoản 4 Điều 23 Dự thảo quy định tiêu chuẩn của sáng lập viên và đại diện theo pháp luật của hội phải là người “có hiểu biết chuyên môn nghiệp vụ và có uy tín trong lĩnh vực hội hoạt động” và “có sức khỏe, điều kiện để đảm bảo thực hiện nhiệm vụ”. Với quy định này, những người khuyết tật (như khiếm thị, khiếm thính…) có thể bị từ chối quyền đại diện cho hội (vì điều kiện sức khỏe), còn có “hiểu biết chuyên môn nghiệp vụ và có uy tín” trong lĩnh vực hội dự kiến hoạt động cũng là các khái niệm định tính, không rõ ràng, dễ gây ra sự tùy tiện khi áp dụng. Ngay cả quy định sáng lập viên là người phải đủ 18 tuổi trở lên cũng nên xem xét, vì có thể trong thực tế có cả những hội do trẻ em tổ chức ra (hội không đăng ký), như hội trẻ em đường phố, hội trẻ em đánh giày… gồm những trẻ có cùng hoàn cảnh, cùng công việc và cùng nương tựa vào nhau hàng ngày, hoặc để trẻ em hòa chung sở thích như câu lạc bộ ca múa nhạc Sơn Ca, câu lạc bộ chơi ghi ta gỗ Tây Bán Cầm, v.v.. Hơn nữa, Điều 15 Công ước Liên hiệp quốc về Quyền Trẻ em đã có quy định, trẻ em được tự do lập hội, hội họp ôn hòa và không ai được phép cản trở.
Hay tại khoản 1 Điều 8 Dự thảo Luật quy định “người bị kết án về tội xâm phạm quyền lập hội nhưng chưa được xóa án tích” không được thực hiện quyền lập hội. Quy định này sẽ gây bất lợi cho những người đã chấp hành xong án phạt, đang từng bước hòa nhập với đời sống xã hội. Chúng ta biết rằng,xóa án tích là một chế định nhân văn của pháp luật hình sự. Bộ luật Hình sự năm 2015 đã sửa đổi cơ bản chế định xóa án tích theo hướng tạo điều kiện thuận lợi cho người bị kết án tái hòa nhập cộng đồng, ổn định để làm ăn, sinh sống. Tuy nhiên, trên thực tế, theo Báo cáo tổng kết thi hành Bộ luật Hình sự năm 1999[3], quá trình xem xét xoá án tích đối với người bị kết án trong thời gian qua gặp một số khó khăn, vướng mắc, ảnh hưởng đến quyền, lợi ích chính đáng của người bị kết án, cản trở quá trình tái hòa nhập cộng đồng. Cụ thể, một trong những điểm nhân văn của Bộ luật Hình sự là quy định trường hợp đương nhiên được xoá án tích, theo đó, người bị kết án sẽ được đương nhiên xoá án tích nếu trong thời hạn luật định kể từ ngày chấp hành xong bản án hoặc kể từ ngày hết thời hiệu thi hành bản án mà người đó không phạm tội mới thì được xoá án tích và được toà án cấp giấy chứng nhận. Nhưng trên thực tế hiện nay, toà án chỉ cấp giấy chứng nhận đã được xoá án tích cho các đối tượng có đơn yêu cầu. Và khi có đơn, thủ tục xin giấy chứng nhận đã được xoá án tích cũng hết sức phức tạp, gây phiền hà cho người bị kết án[4], nên rất nhiều người tuy đã chấp hành xong án phạt, nhưng vẫn chưa “xóa án tích” được. Quy định “người bị kết án về tội xâm phạm quyền lập hội nhưng chưa được xóa án tích” không được thực hiện quyền lập hội có thể làm nặng nề hơn bước chân tái hòa nhập cộng đồng, ổn định để làm ăn, sinh sống của những người này. Hơn nữa, nếu vì việc xóa án tích hết sức phức tạp, gây phiền hà cho người đã chấp hành xong án phạt, nên họ quyết định lập một hội, ví dụ như “Hội của những người muốn xóa án tích” để cùng phối hợp xin xóa án tích, hoặc nêu các kiến nghị với Nhà nước để đơn giản hóa thủ tục này, thì giải quyết như thế nào, khi ý nghĩa xã hội của các việc làm này là rõ ràng?
Cũng khoản 3 Điều 8 có quy định: “Cán bộ, công chức và những người đang làm việc trong cơ quan, đơn vị thuộc Quân đội nhân dân, Công an nhân dân chỉ được sáng lập hội, đăng ký thành lập hội, lãnh đạo, điều hành hoạt động các hội có đăng ký, khi được cơ quan có thẩm quyền phân công”. Quy định này chưa hợp lý. Cán bộ, công chức, viên chức nhà nước, người đang làm việc trong cơ quan, đơn vị thuộc Quân đội nhân dân, Công an nhân dân ngoài nghĩa vụ đối với Nhà nước còn có nghĩa vụ đối với xã hội như một thành viên. Họ có quyền tham gia vào các hoạt động văn hóa, xã hội, thể dục, thể thao hay có thiện chí, thiện tâm thành lập các hội để giúp đỡ người nghèo, bảo vệ môi trường, bảo vệ trẻ em… do vậy; không nên hạn chế đối với công chức, viên chức, người đang làm việc trong cơ quan, đơn vị thuộc Quân đội nhân dân, Công an nhân dân (nhất là những người sắp nghỉ hưu) trong việc thực hiện quyền lập hội.
Thứ hai,Dự thảo Luật vẫn còn các quy định có thể gây nên cách hiểu là sẽ hạn chế lĩnh vực hoạt động của hội. Ví dụ, tại khoản 3 của Điều 9 có mục a. cấm các hội hoạt động nhằm “làm phương hại đến lợi ích của Nhà nước... truyền thống và bản sắc văn hóa dân tộc”; mục b. về “gây chia rẽ khối đại đoàn kết dân tộc”; và mục c. ghi cấm hội “tuyên truyền trái chính sách, pháp luật của Nhà nước; gây ảnh hưởng xấu đến hình ảnh của đất nước, danh nhân, anh hùng dân tộc”. Tất cả các điều cấm này đều đã có quy định trong pháp luật hình sự, dành cho mọi thể nhân, pháp nhân trong xã hội, nên liệu có cần nhắc lại trong Luật về Hội? Ngoài ra, các điều cấm này rộng hơn so với quy định về hạn chế quyền trong khoản 2 Điều 14 Hiến pháp năm 2013. 
Thứ ba, Dự thảo Luật nênbỏ các quy định hạn chế địa bàn hoạt động của hội. Cụ thể, khoản 1 và 2 Điều 15 (Thẩm quyền cấp Giấy chứng nhận đăng ký thành lập hội) và khoản 1 và 2 Điều 36 (Thẩm quyền, trình tự, thủ tục thành lập quỹ) đang giới hạn địa bàn hoạt động của hội theo địa bàn hành chính nơi hội đăng ký. Việc này trái với nhu cầu thực tế hoạt động của hội, vì trên thực tế, các hội thường tham gia các hoạt động vượt ra khỏi các địa bàn hành chính, nhất là các hoạt động bảo vệ môi trường, hoạt động xã hội, văn hóa. Các quy định trên sẽ khiến các hội phải xin giấy phép con khi có hoạt động ở các địa phương khác nhau. Nên quy địnhcho phép hội đăng ký ở một địa phương nhưng hoạt động ở toàn quốc, khu vực và cả quốc tế.
Thứ tư, khoản 4 Điều 12 quy định: hội phải “thông báo bằng văn bản với Ủy ban nhân dân cấp xã nơi có địa chỉ liên lạc về việc thành lập hội, người đại diện theo ủy quyền của các hội viên và khi có sự thay đổi người đại diện hoặc trước khi chấm dứt hoạt động”. Dự thảo nên xem lại quy định này, vì yêu cầu hội không đăng ký phải thông báo bằng văn bản với Ủy ban nhân dân cấp xã, nơi có địa chỉ liên lạc, về việc thành lập hội là không khả thi, tăng thêm thủ tục hành chính vì hiện nay có hàng ngàn hội không đăng ký như hội đồng hương, hội đồng ngũ, câu lạc bộ bóng đá… vẫn hoạt động bình thường mà không cần thông báo bằng văn bản cho Ủy ban nhân dân cấp xã, phường. Nhất là khi “chấm dứt hoạt động” thì có ai tiến hành việc thông báo bằng văn bản với Ủy ban nhân dân cấp xã nữa không?
Thứ năm, các quy định về quy trình thành lập hội ghi trong Dự thảo Luật còn nhiêu khê, gây khó khăn, tốn kém cho cả công tác quản lý và hạn chế quyền tự do hiệp hội của người dân. Ví dụ, khoản 2 Điều 14 yêu cầu công dân phải nộp đủ hồ sơ để được cấp “Giấy chứng nhận đăng ký thành lập hội”. Sau khi được cấp giấy này thì mới được tổ chức đại hội thành lập hội. Sau khi tổ chức đại hội, hội lại phải báo cáo kết quả để cơ quan chức năng (Bộ Nội vụ hoặc Sở Nội vụ) ra quyết định công nhận “điều lệ và người đại diện theo pháp luật” của hội (khoản 5 Điều 17). Như vậy, muốn hội hoạt động được, phải có đến hai lần làm thủ tục giấy tờ, một lần xin “Giấy chứng nhận đăng ký thành lập hội”, một lần xin quyết định công nhận “điều lệ và người đại diện theo pháp luật” của hội từ cơ quan quản lý nhà nước. Không những thế, tại khoản 6 Điều 21 còn quy định sau mỗi lần Đại hội nhiệm kỳ, hội lại phải xin cơ quan nhà nước có thẩm quyền ra quyết định công nhận Điều lệ hội và người đại diện theo pháp luật của hội.  
Theo chúng tôi, Dự thảo nên bỏ quy định tại khoản 2 Điều 14, bỏ mục a của khoản 1 Điều 28 và sửa Điều 17 theo hướng cho phép hội chỉ phải nộp hồ sơ đăng ký một lần sau đại hội thành lập.Khoản 6 Điều 21, vì thế, cũng nên bỏ.
Thứ sáu, Dự thảo Luật về Hội đã có các quy định về tổ chức và hoạt động của các tổ chức phi chính phủ quốc tế tại Chương V“Đăng ký và quản lý hoạt động của các tổ chức phi chính phủ nước ngoài tại Việt Nam”, nhưng chưa có quy định tương tự cho các tổ chức phi chính phủ Việt Nam, trong khi theo thống kê của Bộ Khoa học và Công nghệ về việc phê duyệt Quy hoạch mạng lưới tổ chức khoa học và công nghệ đến hết năm 2014, cả nước đã có khoảng 2.500 tổ chức khoa học và công nghệ, trong đó có tới 1.150 tổ chức khoa học và công nghệ công lập thuộc các bộ, ngành và địa phương và 1.350 tổ chức khoa học và công nghệ ngoài công lập về bản chất hoạt động như các tổ chức phi chính phủ[5]. Do vậy, Dự thảo Luật cần bổ sung các quy định về đăng ký và hoạt động của cáctổ chức phi chính phủ Việt Nam.
Thứ bảy,Dự thảo Luật quy định tại Điều 10: “Lĩnh vực hoạt động chính của hội không trùng lặp với lĩnh vực hoạt động chính của hội đã được thành lập trước đó trong cùng phạm vi hoạt động” là một quy định chưa hợp lý. Trên thực tế, việc có nhiều hội cùng hoạt động trong cùng một phạm vi sẽ nâng tính cạnh tranh của các hội. Tuy hoạt động chính và phạm vi hoạt động có thể giống nhau, nhưng cách thức hoạt động, phương pháp hoạt động, thời gian hoạt động có thể khác nhau, nên hiệu quả có thể khác nhau và sẽ tạo ra “thương hiệu” của từng hội. Và như một quy luật, hội nào hoạt động tốt hơn, hiệu quả hơn thì sẽ khẳng định được mình, hội nào không làm tốt thì sẽ tự động chấm dứt hoạt động.
Thứ tám, Dự thảo Luật cần làm rõ hơn nữa nguyên tắc cơ bản của hội dân lập là tính tự nguyện, tự chủ và tự trang trải kinh phí. Các hội này ra đời đều xuất phát từ nhu cầu thực tế, để giải quyết một vấn đề của thành viên hoặc của cộng đồng. Hạn chế đến mức tối đa việc các hội trông chờ vào ngân sách nhà nước hay vận động kinh phí hoạt động quá đà, gây ảnh hưởng đến người dân.
Trong quá trình phát triển hiện nay của đất nước, vai trò của các hội trong nền kinh tế - xã hội, bảo vệ môi trường và phát huy quyền con người ngày càng quan trọng. Xây dựng Luật về Hội sẽ góp phần đảm bảo quyền tự do hiệp hội của người dân, để người dân có thêm cơ hội thể hiện quyền làm chủ của mình, đóng góp chung và sự phát triển của đất nước./.
 

* Nhà báo, Tạp chí Nghiên cứu Lập pháp.
[1] “Chúng ta đã bắt tay chuẩn bị Luật về Hội từ 30 năm trước (1986) khi cả nước bắt đầu tiến hành công cuộc “đổi mới” -Phát biểu của ông Nguyễn Ngọc Lâm, nguyên Vụ trưởng Vụ Tổ chức phi chính phủ, Bộ Nội vụ tại Hội thảo “Góp ý hoàn thiện Dự thảo Luật về Hội” do Viện Nghiên cứu Lập pháp phối hợp với Quỹ Rosa Luxemburg (CHLB Đức) tổ chức tại thành phố Vũng Tàu từ ngày 06 - 07/10/2016.
[2] Các ý kiến phát biểu tại Hội thảo “Góp ý hoàn thiện Dự thảo Luật về Hội” do Viện Nghiên cứu Lập pháp phối hợp với Quỹ Rosa Luxemburg (CHLB Đức) tổ chức tại thành phố Vũng Tàu từ ngày 06 - 07/10/2016.
 
[3] Xem Báo cáo tổng kết thực tiễn thi hành Bộ luật Hình sự năm 1999 và định hướng xây dựng dự thảo Bộ luật Hình sự (sửa đổi) của Bộ Tư pháp tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc ngày 15/3/2014.
[4] Xem thêm: Quang Minh, “Khốn khổ hành trình đi xin xóa án tích”, tại http://baophapluat.vn/tu-phap/khon-kho-hanh-trinh-di-xin-xoa-an-tich-230670.html.
 
[5] Báo cáo của Bộ Khoa học và Công nghệ;
Nguồn: www.most.gov.vn/.../baf01e9da07a4f70afc87aac9033d0e1-Du_thao_To_trinh_PD_...
 

(Nguồn tin: Bài viết đăng tải trên ấn phẩm Nghiên cứu lập pháp số 21(325)-tháng 11/2016)


Thống kê truy cập

33941515

Tổng truy cập