Thực hiện pháp luật dân chủ của cán bộ tự quản thôn, buôn, tổ dân phố các tỉnh Tây Nguyên và những vấn đề đặt ra

01/12/2012

ThS. ĐỖ VĂN ĐƯƠNG

Trường Chính trị Đăk Lăk

Một trong những đặc trưng quan trọng của nền dân chủ xã hội chủ nghĩa ở nước ta là phát huy mạnh mẽ vai trò của các tổ chức tự quản, trong đó có vai trò của thiết chế cán bộ tự quản thôn, buôn, tổ dân phố trong tổ chức nhân dân thực hiện pháp luật về dân chủ ở cơ sở (PLDCCS) xã, phường và thị trấn, phát huy quyền làm chủ của nhân dân, giám sát hoạt động của các cơ quan nhà nước và chính quyền các cấp. Thực hiện pháp luật về dân chủ ở cơ sở là một khâu then chốt của toàn bộ quá trình dân chủ hóa xã hội. Ở miền núi Tây Nguyên, đây là quá trình thực hiện và phát triển dân chủ từ cơ sở thôn, buôn, tổ dân phố đảm bảo quyền dân chủ và làm chủ của nhân dân các dân tộc ở Tây Nguyên, nhân tố có ảnh hưởng quyết định tới sự ổn định và phát triển kinh tế - xã hội trên toàn vùng.
Tây Nguyên, gồm 5 tỉnh Kon Tum, Gia Lai, Đắk Lắk, Đắk Nông và Lâm Đồng, diện tích tự  nhiên 54.474 km2, chiếm 16,8% diện tích cả nước, dân số hiện nay, nếu tính cả những di dân tự do không đăng ký cư trú với cơ quan chính quyền ước lượng dân số Tây Nguyên thực tế vào khoảng 5,5 đến 6 triệu người.  Trong toàn vùng Tây Nguyên hiện nay, đội ngũ cán bộ tự quản thôn, buôn, tổ dân phố có khoảng 31.973 người. Họ là những người có uy tín nhất định đối với nhân dân và có tiếng nói quan trọng trong thôn, buôn, tổ dân phố.
Untitled_519.png
Ảnh minh họa: nguồn internet
1. Thực hiện pháp luật về dân chủ cơ sở
Một số thành tựu
Trong quá trình triển khai thực hiện PLDCCS ở xã, phường, thị trấn (XPTT) trên địa bàn các tỉnh Tây Nguyên, việc bảo đảm vai trò của đội ngũ cán bộ thôn, buôn, tổ dân phố trong thực hiện PLDCCS luôn được Tỉnh uỷ, Hội đồng Nhân dân, Uỷ ban nhân dân (UBND) các cấp và Mặt trận Tổ quốc Việt Nam của các tỉnh vùng Tây Nguyên đặc biệt chú trọng. Nhiều thôn, buôn, tổ dân phố trên toàn vùng, đặc biệt là vùng sâu, vùng xa, vùng căn cứ cách mạng, vùng có đông đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) sinh sống, đội ngũ cán bộ tự quản thôn, buôn, tổ dân phố đã góp phần quan trọng thực hiện PLDCCS ở XPTT với phương châm dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra đã phát huy quyền làm chủ, tinh thần trách nhiệm của nhân dân trong thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước và những quy định của địa phương, tạo động lực mới góp phần tăng trưởng kinh tế và đời sống của nhân dân. Qua đó, giúp cho chính quyền cơ sở thực hiện các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, nghị quyết của các cấp ủy đảng, vận động bà con phát triển kinh tế, xóa đói, giảm nghèo, giữ gìn bản sắc văn hóa, kết hợp hài hòa giữa luật tục và pháp luật, giữa truyền thống và hiện đại, thực hiện tốt các hoạt động tự quản tại cơ sở, xây dựng và thực hiện quy ước, hương ước trong cộng đồng và thực hiện dân chủ, công bằng xã hội, chống lại âm mưu "diễn biến hòa bình" của các thế lực thù địch, xây dựng khối đại đoàn kết vững mạnh ở Tây Nguyên.
Những nội dung dân bàn, tham gia ý kiến để cấp có thẩm quyền quyết định chủ yếu bao gồm: xây dựng quy ước, hương ước, bầu, miễn nhiệm, bãi nhiệm trưởng thôn, bản, tổ trưởng dân phố, thành viên ban thanh tra nhân dân, ban giám sát đầu tư cộng đồng; dự thảo kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, quy hoạch kế hoạch sử dụng đất, phương án đền bù hỗ trợ giải phóng mặt bằng, xây dựng khu tái định cư... đều được cán bộ thôn, buôn, tổ dân phố phối hợp với chính quyền thực hiện qua các cuộc tiếp xúc cử tri của đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp, họp thôn bản, tổ dân phố hoặc qua hòm thư góp ý một cách hiệu quả.
Thông qua đội ngũ cán bộ tự quản thôn, buôn, tổ dân phố để Đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc các cấp cơ sở ở Tây Nguyên nắm bắt được tâm tư nguyện vọng chính đáng của nhân dân, kịp thời giải quyết những vướng mắc phát sinh từ cơ sở; đồng thời tuyên truyền, vận động bà con xóa bỏ dần các tập tục lạc hậu, thực hiện định canh, định cư, khai hoang làm ruộng lúa nước, lập vườn, xây dựng đời sống mới. Đến nay, trên 85% số buôn làng đã định canh, định cư ổn định, có 95% hộ dân đã được dùng điện … Đặc biệt, trong cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư” bằng tinh thần và trách nhiệm của mình, đông đảo già làng, trưởng thôn, buôn, tổ dân phố đã nỗ lực vận động cộng đồng dân cư làm tròn trách nhiệm công dân, góp phần giữ vững sự ổn định chính trị, phát triển kinh tế - xã hội, giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa của mỗi tộc người. Tính đến nay, toàn vùng Tây Nguyên đã có có 5.133/7.334 thôn, buôn, tổ dân phố đã có xây dựng và bổ sung quy ước thôn, buôn văn hóa, đảm bảo phù hợp với phong tục, tập quán, văn hoá của vùng đồng bào DTTS và đặc thù của từng địa phương; số hộ được công nhận gia đình văn hoá ngày càng tăng, riêng tỉnh Đắk Lắk, đến nay có 285.000 gia đình đạt tiêu chuẩn văn hóa; 1.419 thôn, buôn, tổ dân phố đạt tiêu chuẩn văn hóa; 16 XPTT đạt tiêu chuẩn văn hóa cấp tỉnh. Có 1.825/2.447 thôn, buôn, tổ dân phố đã xây dựng quy ước, hương ước được các cấp có thẩm quyền phê duyệt (đạt 74,58%); Thực hiện các dự án, chương trình mục tiêu quốc gia như chương trình 134,135, các già làng, trưởng thôn, buôn, tổ dân phố đã đi đầu tích cực tuyên truyền, vận động nhân dân đổi mới cách làm ăn, xây dựng vườn đồi, làm kinh tế trang trại, không phá rừng làm rẫy, tham gia xóa nhà tạm, xây dựng trường lớp, đường giao thông nông thôn, tu sửa kênh mương thủy lợi… trưởng thôn, buôn, tổ dân phố là những người chủ công trong việc tìm tòi, khôi phục các nghề truyền thống, giữ gìn và phát huy các giá trị văn hóa các dân tộc Tây Nguyên.
Thực tiễn trong những năm qua cho thấy, thành công hay thất bại trong kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, ổn định chính trị, an ninh và quốc phòng trên địa bàn các tỉnh Tây Nguyên, đặc biệt là trong quá trình thực hiện dân chủ và PLDCCS, đã có sự tham gia đóng góp rất lớn của cán bộ tự quản thôn, buôn, tổ dân phố. Đây là yếu tố quan trọng có ảnh hưởng không nhỏ đến quá trình phát triển kinh tế - xã hội trên vùng đất hết sức đặc thù này.
Những hạn chế
Tuy nhiên, sau nhiều năm thực hiện PLDCCS, tại nhiều thôn, buôn, tổ dân dân phố trên địa bàn các tỉnh vùng Tây Nguyên, vai trò của đội ngũ cán bộ tự quản này chưa được bảo đảm. Nhiều Trưởng thôn, buôn, già làng, tổ trưởng tổ dân phố chưa nhận thức rõ vai trò của mình nên khi thực hiện nhiệm vụ còn lúng túng. Đội ngũ cán bộ ở thôn, buôn, tổ dân phố ít được đào tạo, bồi dưỡng nên năng lực công tác còn hạn chế, một số kém nhiệt tình làm cho hiệu quả công tác thấp. Bên cạnh đó, nhiều Trưởng thôn, buôn, tổ trưởng dân phố thường phải “ăn cơm nhà vác tù và hàng tổng” do phụ cấp quá thấp, chưa đủ tiền ăn sáng và đổ xăng xe máy để đi lại lo việc công. Do thiếu hiểu biết luật pháp và có khi do cả bức xúc về đời sống, có Trưởng thôn, buôn còn vi phạm pháp luật như ra quyết định cưỡng chế, tịch thu tài sản của dân… Chế độ phụ cấp còn quá thấp đã không thu hút được những người giỏi làm Trưởng thôn, buôn, tổ dân phố dẫn đến nhiều Trưởng thôn, buôn, tổ dân phố chểnh mảng với công việc, chỉ lo việc nhà. Nhiều cán bộ thôn, buôn, tổ dân phố và già làng còn nặng về gia đình, dòng tộc, thiếu kỹ năng tổ chức, vận động nhân dân; mặt khác ở nhiều nơi, nhiều lúc, các cấp uỷ Đảng và chính quyền chưa quan tâm đúng mức đến vai trò của cán bộ thôn, buôn, tổ dân phố trong việc thực hiện dân chủ và pháp luật dân chủ cơ sở, chưa tạo điều kiện thuận lợi cho họ phát huy vai trò của mình. Một số thôn, buôn, tổ dân phố chưa có tổ chức đảng nên phải sinh hoạt ghép, số đảng viên tại chỗ ít (toàn vùng hiện vẫn còn 51 thôn, buôn, tổ dân phố chưa có đảng viên tại chỗ, chiếm 0,67%), chất lượng và thời gian sinh hoạt không đều, nặng về hình thức, vai trò nòng cốt của đảng viên chưa cao. Số đảng viên được phát triển ở thôn, buôn còn thấp, nhất là vùng đồng bào có đạo, vùng đồng bào DTTS, vùng biên giới (tỉnh Đắk Lắk vẫn còn 186/2445 thôn, buôn, tổ dân phố không có tổ chức đảng và 20/2445 thôn, buôn, tổ dân phố không có đảng viên). Sự quản lý, chỉ đạo, điều hành, hỗ trợ, kiểm tra của UBND xã đối với cán bộ thôn, buôn, tổ dân phố chưa sát sao, chưa kịp thời, thiếu chính xác dẫn đến nhiều cán bộ tự quản khi tổ chức nhân dân thực hiện pháp luật về dân chủ ở XPTT gặp không ít khó khăn, thậm chí không tổ chức được; sự phối hợp giữa Trưởng thôn, buôn, tổ dân phố với Ban công tác Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể nhân dân ở thôn, buôn trong thực hiện PLDCCS ở XPTT chưa được thể hiện tốt, chưa làm tốt công tác kiểm tra, giám sát việc thực hiện các chủ trương, chính sách, giám sát cơ quan dân cử và các đại biểu dân cử, giám sát việc thực hiện pháp luật... nên trong tổ chức nhân dân thực hiện PLDCCS ở XPTT kết quả chưa cao; công tác phổ biến tuyên truyền chủ trương đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước và pháp luật PLDCCS ở XPTT ở một số xã vùng Tây Nguyên chưa đầy đủ, dẫn đến nhân dân và một số cán bộ, đảng viên nhận thức và thực hiện chưa đúng; một bộ phận nhân dân còn lơ là, thiếu trách nhiệm trong tham gia bàn bạc, giám sát, lợi dụng dân chủ để khiếu kiện vì lợi ích cá nhân; trình độ dân trí không đồng đều giữa các xã miền núi có nhiều dân tộc khác nhau sinh sống họ có phong tục, tập quán khác nhau nên khi cán bộ thôn, buôn, tổ dân phố tổ chức nhân dân thực hiện PLDCCS ở XPTT gặp không ít khó khăn, nhiều người dân chưa dám đấu tranh với những hiện tượng tiêu cực của cán bộ, công chức sợ bị trù dập, trả thù.
Tất cả những hạn chế, thiếu sót trên đây đã ảnh hưởng đến việc thực hiện pháp luật dân chủ của cán bộ tự quản thôn, buôn, tổ dân phố ở các tỉnh Tây Nguyên trong những năm vừa qua.
Nguyên nhân của những hạn chế, yếu kém
Nhận thức của các tổ chức trong hệ thống chính trị ở nhiều địa phương và một bộ phận nhân dân về vai trò của dân chủ, vai trò của cán bộ tự quản thôn, buôn, tổ dân phố trong thực hiện   PLDCCS chưa đầy đủ, có nơi còn coi cán bộ thôn, buôn chỉ là những người thực hiện những nhiệm vụ hành chính do UBND xã giao mà không thấy được họ còn là người đại diện cho nhân dân để tổ chức các hoạt động tự quản ở thôn, buôn, tổ dân phố.
Công tác lãnh đạo của Chi bộ; sự quản lý, chỉ đạo, điều hành, hỗ trợ và kiểm tra của UBND xã; sự phối hợp hoạt động giữa Trưởng ban công tác Mặt trận và các đoàn thể nhân dân ở thôn, buôn, tổ dân phố với Trưởng thôn, buôn, tổ dân phố nhiều nơi, nhiều lúc chưa được phát huy đầy đủ. Ở một số nơi, cán bộ, đảng viên thôn, buôn còn chần chừ, né tránh vì e ngại rằng, khi triển khai thực hiện PLDCCS ở xã sẽ nảy sinh nhiều vấn đề phức tạp, nhất là ở những xã nội bộ mất đoàn kết; vẫn còn một bộ phận cán bộ quan liêu, tham nhũng, sách nhiễu dân, công tác tiếp dân còn hình thức, chiếu lệ, giải quyết đơn thư khiếu kiện còn né tránh, chưa dứt điểm, đùn đẩy.
 Các trưởng thôn, buôn, tổ dân phố làm việc theo nhiệm kỳ, sau khi bầu cử nhiệm kỳ mới các cán bộ thôn, buôn kế nhiệm chưa nắm bắt tình hình kịp thời, nên khi thực hiện nhiệm vụ gặp không ít khó khăn, hiệu quả tổ chức nhân dân thực hiện pháp luật về dân chủ không cao. Nhiều Trưởng thôn, buôn, tổ dân phố còn nhiều hạn chế về năng lực, trình độ, lý luận chính trị, quản lý nhà nước, một số còn có đạo đức, lối sống không lành mạnh, thiếu gương mẫu, không có khả năng tổ chức, vận động quần chúng, không có phương pháp làm việc khoa học… nên chưa đáp ứng được yêu cầu, nhiệm vụ.
 Công tác đào tạo, bồi dưỡng chính trị, quản lý nhà nước, kỹ năng và phương pháp hoạt động, bồi dưỡng kiến thức pháp luật về thực hiện dân chủ cho cán bộ thôn, buôn, tổ dân phố chưa được quan tâm đúng mức, chưa đáp ứng nhu cầu; công tác đào tạo, bồi dưỡng còn nặng về lý luận, chưa hướng dẫn kỹ năng xử lý các tình huống. Công tác tuyên truyền pháp luật thực hiện dân chủ cho nhân dân chưa được đề cao; một bộ phận nhân dân kém hiểu biết hoặc bị kích động đã lợi dụng dân chủ để gây rối chống đối chính quyền.
 Chế độ chính sách đãi ngộ đối với cán bộ tự quản thôn, buôn, tổ dân phố đặc biệt đối với vùng Tây Nguyên chưa thực sự động viên, khuyến khích được đội ngũ cán bộ này mặn mà với công việc. Rất nhiều thôn, buôn còn chưa có nhà văn hoá thôn để nhân dân sinh hoạt, không có hệ thống truyền thanh để Trưởng thôn, buôn thông báo kịp thời cho nhân dân những nội dung của pháp luật thực hiện dân chủ ở XPTT. Hoạt động giám sát của Ban thanh tra nhân dân, Ban giám sát đầu tư của công đồng, Mặt trận và các đoàn thể nhân dân còn mang tính hình thức, hiệu quả thấp.
2. Một số biện pháp nâng cao năng lực thực hiện pháp luật dân chủ cơ sở cho đội ngũ cán bộ tự quản thôn, buôn, tổ dân phố ở các tỉnh Tây Nguyên
Để đảm bảo năng lực thực hiện PLDCCS ở xã, phường thị trấn của đội ngũ cán bộ tự quản thôn, buôn, tổ dân phố ở các tỉnh Tây Nguyên, cần triển khai, thực hiện đồng bộ một số biện pháp sau đây:
Thứ nhất, cần tăng cường bồi dưỡng nâng cao trình độ, kiến thức, đạo đức, pháp luật, đồng thời có chính sách, chế độ phù hợp cho đội ngũ cán bộ tự quản thôn, buôn, tổ dân phố.
 Thôn, buôn, tổ dân phố là nơi trực tiếp tổ chức thực hiện mọi chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước. Do vậy, để hoạt động thực sự có hiệu lực, hiệu quả, đội ngũ cán bộ tự quản thôn, buôn, tổ dân phố phải thực sự có năng lực, phẩm chất, gần dân, tôn trọng dân, hướng mọi hoạt động vì lợi ích của dân. Khắc phục và xử lý nghiêm những hành vi tham nhũng, tiêu cực, hành dân, trù dập dân, cục bộ, bè phái...
Phải thường xuyên bồi dưỡng kiến thức cho đội ngũ cán bộ tự quản thôn buôn, tổ dân phố, già làng và người có uy tín, qua đó cung cấp thông tin về phát triển kinh tế - xã hội, các vấn đề khác liên quan địa phương, các âm mưu, thủ đoạn của kẻ thù chống phá chế độ nhân dân, để đội ngũ này hiểu rõ hơn tình hình, nhằm khuyên bảo bà con trong thôn, buôn làng, tổ dân phố là một trong những việc làm có hiệu quả để nâng cao chất lượng hoạt động của chính quyền cơ sở. Xây dựng đội ngũ cán bộ thôn, buôn, tổ dân phố có đủ trình độ, phẩm chất đạo đức, năng lực công tác là thiết thực góp phần làm tốt công tác dân vận ở thôn, buôn, tổ dân phố và công tác tổ chức nhân dân thực hiện pháp luật về dân chủ ở XPTT trên địa bàn các tỉnh Tây Nguyên trong những năm tiếp theo.
 Các trường Chính trị tỉnh, trung tâm bồi dưỡng Chính trị huyện phải có trách nhiệm mở các lớp bồi dưỡng ngắn hạn, với những chương trình đặc biệt, dễ hiểu, dễ tiếp thu, không máy móc, nặng nề giúp đội ngũ này có những tri thức hiểu biết cần thiết về kinh tế, xã hội, luật pháp. Kinh nghiệm cho thấy, quan tâm chăm lo đào tạo, sử dụng cán bộ tại chỗ sẽ mang lại hiệu quả rất cao, vì họ thông thạo ngôn ngữ, phong tục tập quán và hiểu tâm lý, nguyện vọng của người dân, nên nói được dân nghe, dân tin. Một khi người dân đã nghe, đã tin thì điều quan trọng là phải biết định hướng được công tác tuyên truyền, vận động để nhân dân thực hiện tốt được quy chế dân chủ ở cơ sở thông qua các công việc rất cụ thể như xây dựng và thực hiện hương ước, quy ước; xây dựng buôn làng, gia đình văn hóa; bảo vệ trật tự an toàn xã hội.
Thứ hai, nâng cao vai trò, trách nhiệm của Chi bộ thôn, buôn, tổ dân phố trong lãnh đạo cán bộ tự quản thực hiện PLDCCS ở XPTT.
Chi bộ cơ sở là hạt nhân lãnh đạo toàn diện các mặt công tác ở cơ sở nên cần nắm vững nội dung và phương pháp, hình thức tiến hành triển khai thực hiện PLDCCS ở XPTT một cách thường xuyên, có kết quả thực chất. Lãnh đạo đội ngũ cán bộ tự quản thôn, buôn, tổ dân phố thực hiện PLDCCS ở xã gắn liền chặt với thực hiện các nhiệm vụ chính trị, hướng vào mục tiêu đưa Pháp lệnh Thực hiện dân chủ ở XPTT vào cuộc sống. Chi bộ phải chăm lo phát huy vai trò làm chủ của nhân dân, không ngừng nâng cao dân trí, phát triển kinh tế - xã hội ở thôn, buôn, tổ dân phố. Tạo điều kiện thuận lợi cho đội ngũ cán bộ này tổ chức nhân dân tham gia đóng góp xây dựng chủ trương chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, tham gia giám sát hoạt động của cán bộ, đảng viên và các tổ chức đảng trên cơ sở Hiến pháp, pháp luật và những qui định của Điều lệ Đảng.
Thứ ba, tăng cường sự quản lý, chỉ đạo, điều hành, kiểm tra của UBND cấp xã đối với của đội ngũ cán bộ thôn, buôn, tổ dân phố trong tổ chức nhân dân thực hiện PLDCCS ở cơ sở.
Đội ngũ cán bộ tự quản chịu sự quản lý, chỉ đạo, điều hành của UBND xã. Do vậy, cần thiết phải tăng cường sự hỗ trợ, quản lý, chỉ đạo, điều hành, kiểm tra của UBND xã đối với hoạt động của đội ngũ cán này. UBND xã giao nhiệm vụ cho cán bộ tự quản thôn, buôn, tổ dân phố bảo đảm giao nhiệm vụ đúng thẩm quyền, không trái luật và phù hợp với tình hình thực tế của địa phương; hướng dẫn về mặt pháp lý cho cán bộ tự quản thôn, buôn, tổ dân phố; hướng dẫn  phương pháp và kỹ năng hoạt động cho cán bộ thôn, buôn, tổ dân phố; hướng dẫn cách thức xử lý các vấn đề phát sinh trên địa bàn thôn, buôn.
Kiểm tra là một biện pháp hết sức quan trọng của quá trình quản lý. Kiểm tra có thể ngăn ngừa được các sai lầm trong điều hành của UBND xã, sai lầm trong tổ chức thực hiện của cán bộ tự quản thôn, buôn, tổ dân phố để phát hiện kịp thời những công việc chưa phù hợp trong kế hoạch để điều chỉnh và nếu có vi phạm thì tiến hành xử lý theo thẩm quyền, hoặc nếu vi phạm vượt quá thẩm quyền xử lý thì đề nghị cơ quan có thẩm quyền xử lý theo quy định của pháp luật.
Thứ tư, tiếp tục hoàn thiện cơ chế phối hợp công tác giữa cán bộ thôn, buôn, tổ dân phố với Ban công tác Mặt trận và các đoàn thể nhân dân ở thôn, buôn, tổ dân phố.
Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể nhân dân ở thôn, buôn, tổ dân phố là nơi đại diện cho quyền làm chủ của nhân dân, phải thường xuyên phối hợp thống nhất hành động, đổi mới phương thức hoạt động, tạo sức hấp dẫn để thu hút đoàn viên, hội viên vào tổ chức và từ đó có điều kiện để phát huy đúng, phát huy tốt quyền làm chủ của nhân dân.
Cần bảo đảm sự phối hợp nhịp nhàng giữa cán bộ thôn, buôn, tổ dân phố với Trưởng ban công tác Mặt trận và các đoàn thể nhân dân ở thôn, buôn, tổ dân phố trong tổ chức họp cử tri để thực hiện các nội dung của  PLDCCS ở XPTT; bảo đảm sự phối hợp giữa đội ngũ cán bộ tự quản thôn, buôn, tổ dân phố với Trưởng ban công tác Mặt trận và các đoàn thể nhân dân ở thôn, buôn trong tuyên truyền, tổ chức, vận động nhân dân thực hiện pháp luật thực hiện dân chủ ở XPTT.   
Thứ năm, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật, vận động nhân dân nâng cao ý thức chấp hành pháp luật; nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân ở cộng đồng dân cư thôn, buôn, tổ dân phố.
Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật, vận động nhân dân nâng cao ý thức chấp hành pháp luật, bằng nhiều hình thức như: tổ chức hội nghị, củng cố hệ thống đài truyền thanh, truyền hình, công tác thông tin cổ động, hoạt động hoà giải, xây dựng các nhóm nòng cốt... Nội dung tuyên truyền, giáo dục phải thiết thực, cụ thể dễ nhớ, dễ hiểu phù hợp với các đối tượng, các vùng miền để từng người dân đều có hành trang cơ bản thực thi pháp luật. Những nội dung, hình thức thực hiện dân chủ ở XPTT càng phải được hướng dẫn cụ thể theo hướng những việc dân được biết, được bàn, được kiểm tra, được giám sát, được thụ hưởng.
Chăm lo cải thiện đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân có ý nghĩa rất lớn, đó chính là những đảm bảo quan trọng cho việc phát huy dân chủ ở cơ sở. Chính quyền sớm đầu tư xây dựng và hoàn thiện hệ thống thiết chế văn hoá nhà nước từ tỉnh đến xã hoàn chỉnh. Có thể khẳng định rằng, đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân được nâng cao chính là tiền đề để người dân nhận thức đúng đắn các quyền và lợi ích hợp pháp của mình, và từ đó họ mới có điều kiện tham gia giải quyết các công việc của nhà nước và phát huy nội lực của bản thân để góp phần thực hiện tốt PLDCCS ở XPTT, từ đó mới bảo đảm vai trò của đội ngũ cán bộ tự quản thôn, buôn và tổ dân phố trong thực hiện PLDCCS ở XPTT trên địa bàn các tỉnh Tây Nguyên trong giai đoạn hiện nay.
Thư sáu, tăng cường sự giám sát đối với hoạt động của cán bộ tự quản thôn, buôn, tổ dân phố; kịp thời làm tốt công tác sơ kết và tổng kết
Giám sát hoạt động củacán bộ tự quản thôn, buôn, tổ dân phố là một nội dung quan trọng trong pháp luật PLDCCS ở XPTT. Giám sát hoạt động của cán bộ tự quản nhằm phát hiện kịp thời những vấn đề lệch lạc hoặc sai sót trong quá trình hoạt động để cán bộ tự quản thôn, buôn, tổ dân phố kịp thời uốn nắn, khắc phục, điều chỉnh những hành vi sai lệch của mình, do đó, giám sát sẽ có tác dụng làm cho họ hoàn thành tốt nhiệm vụ của mình trong tổ chức nhân dân thực hiện PLDCCS ở XPTT.
Để bảo đảm vai trò của mình thì cán bộ tự quản thôn, buôn, tổ dân phố ngoài việc tổ chức nhân dân thực hiện PLDCCS, cán bộ thôn, buôn, tổ dân phố cần phải kịp thời sơ kết, tổng kết hoạt động của mình. Sơ kết, tổng kết việc tổ chức nhân dân thực hiện PLDCCS ở xã không phải chỉ là liệt kê những ưu điểm, khuyết điểm mà còn phải tìm ra những nguyên nhân của những ưu điểm, hạn chế đó để từ đó phát huy ưu điểm, tìm ra các giải pháp để khắc phục hạn chế, đồng thời, rút ra được những bài học kinh nghiệm để tổ chức nhân dân thực hiện PLDCCS ở XPTT trên địa bàn các tỉnh Tây Nguyên ngày càng tốt hơn, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa vùng miền núi Tây Nguyên trong những năm tiếp theo./.
 
 

(Nguồn tin: Bài viết đăng tải trên ấn phẩm Tạp chí Nghiên cứu lập pháp số 23(231), tháng 12/2012)


Thống kê truy cập

33956496

Tổng truy cập