Giải quyết hòa bình các tranh chấp quốc tế trên Biển Đông

01/12/2012

PGS, TS. NGUYỄN TRUNG TÍN

Phó Tổng biên tập Tạp chí Nhà nước và pháp luật, Viện KHXH Việt Nam

Hiện nay, giữa một số quốc gia ven biển Đông vẫn còn một số tranh chấp về lãnh thổ và biển. Việc giải quyết thỏa đáng các tranh chấp đó sẽ tạo thêm điều kiện thuận lợi cho sự hợp tác, hòa bình, hữu nghị giữa các quốc gia trong khu vực và cả với các quốc gia khác trên thế giới. Bài viết mong muốn làm sáng tỏ một số cơ sở pháp lý quốc tế của các phương thức giải quyết các tranh chấp.
Untitled_516.png
Ảnh minh họa: nguồn internet
Có thể thấy, hiện nay có hai loại tranh chấp đang tồn tại ở biển Đông. Loại thứ nhất là các tranh chấp về các vùng biển và loại thứ hai là các tranh chấp về các đảo. Đối với loại tranh chấp thứ nhất, nền tảng pháp lý quốc tế chung để giải quyết trước hết phải là luật biển quốc tế (trong đó Công ước quốc tế về Luật Biển năm 1982 có ý nghĩa quan trọng nhất). Đối với loại tranh chấp thứ hai, nền tảng pháp lý quốc tế chung để giải quyết, trước hết là luật quốc tế về lãnh thổ quốc gia (trong đó các quy định mang tính chất tập quán vẫn còn là cơ sở pháp lý quan trọng). Ngoài ra, cần nhìn nhận rằng các nguyên tắc cơ bản của luật quốc tế hiện hành là nền tảng bao trùm cho quá trình giải quyết các tranh chấp đó, cả về luật nội dung, cả về luật tố tụng. Việc quốc gia nào đó không dựa vào các nền tảng pháp lý như vậy để đưa ra cách giải quyết riêng của mình là một điều hoàn toàn không thể chấp nhận được về mặt pháp lý quốc tế.
Để làm rõ các cơ sở pháp lý quốc tế trong việc giải quyết các tranh chấp trên, chúng tôi xin bàn về một số vấn đề pháp lý quốc tế hiện hành tạo nền tảng cho các cơ sở ấy.
1. Luật biển quốc tế và các tranh chấp trên biển Đông
1.1. Luật biển quốc tế và sự phát triển quan hệ quốc tế
Theo đà phát triển của khoa học - kỹ thuật trên thế giới, con người ngày càng mở rộng tri thức không chỉ về những nguồn tài nguyên khổng lồ và quý giá của biển mà còn về các cách thức khai thác và chế biến chúng. Sự nghiên cứu một cách tích cực và sử dụng các tài nguyên quý đó đặt ra một loạt vấn đề liên quan tới lợi ích sống còn của nhiều quốc gia và dân tộc như các vấn đề kinh tế, chính trị, quốc phòng, pháp lý và các vấn đề khác. Trước hết, đó là việc hoàn thiện hơn nữa chế độ pháp lý đối với các vùng không phận trên biển và trên không, điều chỉnh một loạt hoạt động của các thành viên cộng đồng quốc tế trong việc sử dụng và khai thác chúng.
Việc điều chỉnh pháp lý quốc tế đối với các quan hệ quốc tế, trước hết là đối với quan hệ giữa các quốc gia, cần phải được hình thành trên cơ sở có tính đến việc giữ gìn các giá trị văn minh của nhân loại, củng cố hòa bình và an ninh quốc tế, bảo đảm sự cân bằng sinh thái và giữ gìn điều kiện môi sinh thuận lợi cho các thế hệ mai sau.
Sự hình thành luật quốc tế nói chung và luật biển quốc tế nói riêng đã có từ xa xưa trong lịch sử nhân loại. Trong các giai đoạn khác nhau của lịch sử loài người, luật quốc tế cũng như luật biển quốc tế đã có những thay đổi không nhỏ. Mỗi một hình thái kinh tế - xã hội tương ứng với một hệ thống các nguyên tắc và các quy phạm luật quốc tế của nó.
Luật quốc tế hiện hành đã có sự phát triển đáng kể so với luật quốc tế trước đây ở nhiều điểm. Một trong các điểm đó là việc luật quốc tế có nhiều ngành, trong đó, mỗi ngành bao gồm tổng thể các nguyên tắc và quy phạm pháp luật quốc tế điều chỉnh các quan hệ giữa các chủ thể luật quốc tế với nhau về một lĩnh vực nhất định của đời sống quốc tế.
Sự phát triển của các ngành luật quốc tế phụ thuộc vào các điều kiện khách quan và chủ quan, trong đó, các điều kiện khách quan có ý nghĩa quyết định.
Mỗi một ngành luật quốc tế là một nhóm các nguyên tắc và các quy phạm luật quốc tế riêng biệt được hình thành trên cơ sở thỏa thuận của các chủ thể luật quốc tế một cách tự nguyện và bình đẳng để điều chỉnh các quan hệ giữa các chủ thể luật quốc tế trong một lĩnh vực nhất định của đời sống.
Luật biển quốc tế với tính chất là một ngành của luật quốc tế bao gồm tổng thể các nguyên tắc và các quy phạm của luật quốc tế điều chỉnh các quan hệ giữa các chủ thể luật quốc tế với nhau (chủ yếu là các quốc gia) trong lĩnh vực khai thác và sử dụng biển.
Luật biển quốc tế đã xuất hiện từ rất sớm trong lịch sử nhân loại. Luật biển quốc tế hiện hành được xây dựng trên nền tảng của các nguyên tắc cơ bản của luật quốc tế hiện hành. Các nguyên tắc đó là thành quả của nền văn minh nhân loại đã được hình thành sau nhiều thiên niên kỷ của các cuộc chiến tranh tàn khốc, đẫm máu và nước mắt.
Chính vì thế, các nguyên tắc và các quy phạm của luật biển quốc tế hiện hành đã đáp ứng được nhu cầu hợp tác bình đẳng và chính đáng của các quốc gia trong việc khai thác và sử dụng biển. Các nguyên tắc và quy phạm chung của luật biển quốc tế được ghi nhận chủ yếu trong Công ước về Luật biển quốc tế năm 1982 có hiệu lực từ ngày 16/11/1994 (sau đây gọi tắt là Công ước 1982). Công ước 1982 được ví như Bộ luật của cộng đồng thế giới trong việc khai thác và sử dụng biển.
Tuy nhiên, Công ước 1982 không phải là bộ luật được hình thành một lần, một cách bất di bất dịch, mà nó sẽ tiếp tục được hoàn thiện và phát triển. Mức độ hoàn thiện và phát triển đó phụ thuộc vào các điều kiện khách quan và chủ quan trong quan hệ giữa các quốc gia.
Luật biển quốc tế đã trải qua một thời kỳ phát triển đầy sóng gió. Nếu trong lĩnh vực chiến tranh và hòa bình, cuộc đấu tranh được tiến hành giữa hai lực lượng: yêu chuộng hòa bình và gây chiến, thì trong lĩnh vực phân chia lợi ích quốc gia trên biển, các quốc gia đấu tranh với nhau vì quyền lợi của chính mình không phụ thuộc vào trình độ phát triển, xu hướng chính trị… và vì vậy, việc tìm ra tiếng nói chung là vô cùng nan giải. Các nguyên tắc và quy phạm của luật biển quốc tế hiện hành đã được xây dựng trên cơ sở đó, dù rằng công việc này gặp không ít khó khăn.
1.2. Một số quy định của luật quốc tế về giải quyết tranh chấp trên biển
Công ước 1982 quy định các quốc gia thành viên có nghĩa vụ giải quyết các tranh chấp về giải thích và áp dụng Công ước trên cơ sở trước hết là Hiến chương Liên hiệp quốc.
Theo Hiến chương Liên hiệp quốc, các tranh chấp quốc tế bao gồm: các tranh chấp đe dọa hòa bình và an ninh, các tranh chấp mang tính chất pháp lý là các tranh chấp về giải thích các điều ước, các vấn đề bất kỳ của luật quốc tế, các sự kiện vi phạm các cam kết quốc tế, bồi thường thiệt hại.
Các tranh chấp đó, theo Hiến chương (Điều 33), cần phải được giải quyết bằng các biện pháp hòa bình. Cụ thể, các tranh chấp loại thứ nhất cần được giải quyết bằng các biện pháp đàm phán, điều tra, trung gian, hòa giải, trọng tài, các tổ chức quốc tế hoặc các biện pháp hòa bình khác mà các bên lựa chọn. Các tranh chấp loại thứ hai, về nguyên tắc, cần được đưa ra tòa án quốc tế giải quyết trên cơ sở quy chế Tòa án Quốc tế. Tuy nhiên, các quốc gia có thể thỏa thuận giải quyết bằng các biện pháp hòa bình khác.
Đại hội đồng Liên hiệp quốc có quyền thảo luận bất cứ vấn đề gì về hòa bình và an ninh, đưa ra khuyến nghị về bất cứ vấn đề gì cho quốc gia hữu quan hoặc Hội đồng Bảo an.
Hội đồng Bảo an có vai trò quan trọng trong việc giải quyết các tranh chấp quốc tế bằng các biện pháp hòa bình. Khi xét thấy cần thiết, Hội đồng Bảo an có quyền yêu cầu các bên giải quyết tranh chấp bằng các biện pháp được ghi nhận trong Hiến chương hoặc kiến nghị một biện pháp cụ thể.
Tòa án quốc tế là cơ quan tư pháp của Liên hiệp quốc. Tòa án quốc tế giải quyết các tranh chấp do các quốc gia thành viên thỏa thuận đưa ra Tòa án trên cơ sở luật quốc tế. Tất cả các quốc gia thành viên Liên hiệp quốc là các quốc gia thành viên Quy chế Tòa án quốc tế. Các quốc gia đó có thể vào bất kỳ khi nào tuyên bố rằng mình thừa nhận quyền tài phán của Tòa án quốc tế mà không cần một thỏa thuận riêng biệt sau này trong quan hệ với các quốc gia cũng có tuyên bố tương tự.
Như vậy, Đại hội đồng, Hội đồng Bảo an và Tòa án Quốc tế của Liên hiệp quốc có quyền giải quyết bất kỳ tranh chấp gì về luật biển quốc tế.
Theo Công ước 1982, các quốc gia thành viên có quyền đi đến thỏa thuận giải quyết vào bất cứ lúc nào, bằng bất kỳ phương pháp hòa bình nào theo lựa chọn của mình một vụ tranh chấp xảy ra giữa họ về các vấn đề đã nêu trên.
Trong quan hệ giữa các quốc gia xảy ra các tranh chấp trên, khi các quốc gia ấy đã thỏa thuận tìm cách giải quyết các tranh chấp đó bằng một phương pháp hòa bình thì các biện pháp đó được áp dụng. Nếu không thỏa thuận được thì các bên phải tiến hành thủ tục giải quyết bắt buộc mà Công ước 1982 quy định.
Công ước 1982 không cấm các quốc gia thành viên ký kết các điều ước quốc tế song phương hoặc đa phương quy định về cách thức hòa bình và giải quyết các tranh chấp đã nêu trên.
Theo Công ước 1982, khi có một tranh chấp xảy ra giữa các quốc gia thành viên liên quan đến việc giải thích hay áp dụng Công ước, các bên tranh chấp cần tiến hành trao đổi quan điểm về cách giải quyết tranh chấp bằng thương lượng hay bằng các phương pháp hòa bình khác.
Như vậy, nếu một quốc gia nào đó không giải quyết các tranh chấp quốc tế ở biển Đông bằng hòa bình thì có nghĩa là chính quốc gia đó vi phạm thô bạo luật quốc tế. Ngoài ra, Công ước 1982 còn bắt buộc các quốc gia phải giải quyết theo các phương thức được Công ước đưa ra trong trường hợp các quốc gia không thỏa thuận với nhau được về biện pháp hòa bình. Như vậy, con đường giải quyết các tranh chấp ở biển Đông hiện nay theo chúng tôi là nên chọn các phương thức được quy định trong Công ước 1982.
2. Các tranh chấp về các đảo ở biển Đông
Các tranh chấp về lãnh thổ hiện nay thường xảy ra trong ba trường hợp: (i) các tranh chấp thường xoay quanh vấn đề điểm mốc của đường biên cụ thể trên bộ (thường là trong các trường hợp không có các điều ước quốc tế về hoạch định biên giới); (ii) các tranh chấp thường liên quan tới vấn đề áp dụng điều ước quốc tế nào trong số các điều ước đều đề cập tới vấn đề hoạch định biên giới, hoặc là vấn đề giải thích khác nhau về quy định hoạch định biên giới; (iii) vấn đề tranh chấp đề cập tới chủ quyền của các quốc gia đối với một vùng lãnh thổ (thường là các hòn đảo).
Tranh chấp lãnh thổ được hình thành do quan điểm của các quốc gia hữu quan về sự tồn tại hoặc sự điều chỉnh của các quy phạm luật quốc tế chung, các quy phạm dưới dạng điều ước hoặc dưới dạng tập quán pháp về chủ quyền của các quốc gia đối với phần lãnh thổ tranh chấp. Khi một quốc gia đã có sự thừa nhận về việc tồn tại tranh chấp lãnh thổ có nghĩa là đã thừa nhận một bộ phận lãnh thổ là lãnh thổ tranh chấp. Tuy nhiên, không thể có tranh chấp lãnh thổ khi một bên đơn phương yêu cầu thay đổi lãnh thổ với việc tuyên bố không xuất phát từ các quy phạm luật quốc tế xác định địa vị pháp lý bộ phận lãnh thổ ấy.
Các tranh chấp lãnh thổ nói riêng cũng như các tranh chấp quốc tế nói chung phải được giải quyết bằng các biện pháp hòa bình. Tuy vậy, cũng không ít trường hợp các quốc gia đã vi phạm pháp luật quốc tế về vấn đề này - sử dụng lực lượng vũ trang để giải quyết.
Trong việc giải quyết các tranh chấp lãnh thổ, các chứng cứ có ý nghĩa quyết định. Trong các chứng cứ về chủ quyền của mỗi quốc gia đối với bộ phận lãnh thổ, ý nghĩa quyết định nhất thuộc về các điều ước quốc tế xác định biên giới quốc gia. Ngoài ra, các bản đồ cũng đóng vai trò quan trọng trong việc xác định đường biên giới. Trong số các loại bản đồ địa lý, bản đồ có ý nghĩa quyết định nhất là bản đồ được hình thành trên cơ sở điều ước quốc tế về hoạch định biên giới giữa các quốc gia hữu quan. Các bản đồ được xuất bản đơn phương từ một phía quốc gia kém giá trị pháp lý hơn. Tuy nhiên, trong một số trường hợp, có thể chúng cũng đóng vai trò đáng kể. Về nguyên tắc, sự xuất bản bản đồ chính thức của nhà nước là sự thừa nhận hoặc phủ nhận quan điểm của quốc gia tranh chấp kia về đường biên giới.
Trong quá trình tồn tại tranh chấp lãnh thổ, đôi khi xuất hiện trường hợp một trong các bên thừa nhận đường biên giới đang tồn tại trên thực tế hoặc sự chiếm hữu thực tế một bộ phận lãnh thổ tranh chấp. Việc thừa nhận đó có ý nghĩa rất quan trọng vì nó dẫn tới loại trừ tranh chấp trên. Việc thừa nhận đó có thể được thể hiện một cách rõ ràng hoặc im lặng. Việc thừa nhận rõ ràng thường được tiến hành dưới dạng văn bản hoặc bằng miệng. Cả hai trường hợp như vậy đều là sự thể hiện việc đồng ý với đường biên giới hiện tại hoặc với phần lãnh thổ đang được chiếm hữu thực tế. Sự thừa nhận một cách im lặng được hiểu là việc thiếu vắng sự phản đối cần thiết trong trường hợp khi cần phải thực hiện chúng. Quan điểm về việc thừa nhận im lặng thường được áp dụng tại Tòa án quốc tế khi giải quyết các tranh chấp về lãnh thổ.
Bằng chứng về việc không thừa nhận đường biên giới với sự chiếm hữu hiện hữu là tuyên bố về vấn đề đó. Đó là tuyên bố đơn phương của một bên về hành vi của phía bên kia trong mối quan hệ đối với đường biên giới hoặc vùng lãnh thổ tranh chấp. Sự phản đối như vậy là chứng tỏ việc khẳng định quan điểm của quốc gia về vùng lãnh thổ tranh chấp. Điều đó sẽ có ý nghĩa đáng kể trong việc giải quyết tranh chấp về vùng lãnh thổ đó.
Trong việc giải quyết các tranh chấp về lãnh thổ, đặc biệt là các tranh chấp về các đảo trên biển nói chung và trên biển Đông nói riêng, việc xem xét các phương thức thụ đắc lãnh thổ được thừa nhận trong luật quốc tế có ý nghĩa đặc biệt quan trọng (điều này giống như việc xem xét các cơ sở xác lập quyền sở hữu trong việc giải quyết tranh chấp về quyền sở hữu).
Thực tiễn luật quốc tế tồn tại rất nhiều hình thức thụ đắc lãnh thổ khác nhau tạo nên những lãnh thổ thuộc chủ quyền của mỗi quốc gia. Việc thụ đắc các lãnh thổ của các quốc gia phụ thuộc vào điều kiện, hoàn cảnh, thời gian của mỗi dân tộc. Có hình thức thụ đắc phù hợp với giai đoạn lịch sử phát triển này của luật pháp quốc tế, nhưng lại không phù hợp với giai đoạn kia. Mỗi một hình thức thụ đắc lãnh thổ có một loạt những đòi hỏi cấu thành được gọi là những đặc điểm của hình thức thụ đắc. Tùy từng điều kiện lịch sử, những đòi hỏi ấy cũng có sự thay đổi. Có đòi hỏi của hình thức thụ đắc phù hợp với thời kỳ này, nhưng lại không phù hợp với giai đoạn tiếp theo của lịch sử.
Thực tiễn của luật pháp quốc tế tồn tại năm hình thức thụ đắc lãnh thổ cơ bản sau: thụ đắc bằng chiếm hữu; thụ đắc bằng chuyển nhượng; thụ đắc bằng chiếm hữu theo thời hiệu; thụ đắc bằng xâm chiếm; thụ đắc bằng sự tác động của thiên nhiên.
Chiếm hữu (occupation) là hành động của quốc gia thiết lập và thực hiện quyền lực của mình trên một lãnh thổ vốn chưa thuộc chủ quyền về một quốc gia nào khác. Đây là một hình thức thụ đắc lãnh thổ cơ bản luôn là cơ sở cho việc hình thành lãnh thổ của đa số các quốc gia hiện nay. Điều kiện tiên quyết cho việc thụ đắc lãnh thổ là lãnh thổ chiếm hữu phải là lãnh thổ vô chủ. Tuy rằng, hiện nay không còn lãnh thổ vô chủ để các quốc gia có thể tiến hành chiếm hữu, nhưng những đặc điểm của nó trở thành tiêu chí để phán xét các tranh chấp lãnh thổ hiện nay của nhiều quốc gia trên thế giới.
Thụ đắc bằng chuyển nhượng (concession) là sự chuyển giao một cách tự nguyện chủ quyền lãnh thổ từ một quốc gia này sang một quốc gia khác. Thông thường hình thức chuyển nhượng được hợp thức thông qua các điều khoản của một hiệp định chính thức mà trong đó ghi chú một cách tỉ mỉ về vùng đất được chuyển nhượng cũng như các điều kiện để chuyển nhượng được hoàn thành.
Thụ đắc bằng chiếm hữu theo thời hiệu (precripton acquisitive) là sự thực hiện liên tục và hòa bình trong một thời gian dài quyền lực của một quốc gia đối với một vùng lãnh thổ vốn dĩ là chủ quyền của một quốc gia khác hoặc không rõ ràng bị tranh chấp.
Thụ đắc bằng xâm chiếm (conquest) là một hình thức thụ đắc lãnh thổ diễn ra sau các cuộc chiến tranh (sử dụng lực lượng vũ trang), theo đó một quốc gia chiến thắng sáp nhập lãnh thổ hoặc một phần lãnh thổ của một quốc gia bại trận vào lãnh thổ của mình. Phương thức này tồn tại trong thời kỳ phong kiến, hiện nay phương thức này hoàn toàn bị bác bỏ vì trái với nguyên tắc không sử dụng vũ lực hoặc đe dọa sử dụng vũ lực trong các quan hệ quốc tế.
Thụ đắc bằng các sự tác động của thiên nhiên (accretion) là một hình thức thụ đắc lãnh thổ mà theo đó, một quốc gia có quyền mở rộng diện tích lãnh thổ thông qua việc bồi đắp một cách tự nhiên vào lãnh thổ chính hoặc sự xuất hiện của đảo. Các vùng lãnh thổ này không chỉ trở thành một bộ phận lãnh thổ của quốc gia đó mà còn tạo nên sự mở rộng ra ngoài của đường biên giới quốc gia trên biển.
Ngoài những hình thức thụ đắc lãnh thổ trên, còn một số hình thức thụ đắc lãnh thổ khác, nhưng theo thời gian, chúng ngày càng mất hết ý nghĩa thực tế. Ví dụ, như việc cho tặng, việc thừa kế lãnh thổ của các vua chúa thời phong kiến. Những hình thức này trước đây cũng là những cơ sở tạo nên sự thụ đắc lãnh thổ của nhiều quốc gia. Chúng đã tồn tại khi mà hai khái niệm “chủ quyền” và “quyền sở hữu” của nhà vua không có sự phân biệt. Do vậy, việc tặng cũng như cho và thừa kế lãnh thổ như một thứ của hồi môn trở thành một trong những hình thức thụ đắc lãnh thổ quan trọng thời phong kiến. Thực tế đã xảy ra nhiều trường hợp vị hôn thê đã mang về với danh nghĩa của hồi môn một vùng lãnh thổ rộng lớn để thêm vào lãnh thổ của vị hôn phu.
Với việc cấm đe dọa bằng vũ lực và sử dụng vũ lực trong quan hệ quốc tế, xuất hiện nguyên tắc bất khả xâm phạm và toàn vẹn lãnh thổ quốc gia cùng nguyên tắc quyền dân tộc tự quyết, các hình thức thụ đắc lãnh thổ bằng xâm chiếm, chuyển nhượng đã không còn tồn tại trên thực tế.
Ngoài những hình thức thụ đắc nêu trên, còn nhiều hình thức khác như hình thức kế cận địa lý, hình thức này đã được dùng để vạch đường biên giới cho vùng Bắc Cực. Nhưng cho đến nay, hình thức này không có ý nghĩa thực tế nữa, vì trên trái đất không còn có những vùng tương tự như Bắc Cực.
Như vậy, hình thức thụ đắc lãnh thổ rất đa dạng, được xuất hiện, tồn tại và phát triển phù hợp với từng điều kiện hoàn cảnh lịch sử cụ thể. Trong số những hình thức thụ đắc lãnh thổ nêu trên thì việc thụ đắc bằng chiếm hữu là cơ bản và quan trọng nhất trong luật pháp và tập quán quốc tế.
Vì vậy, cần thiết phải phân tích sâu sắc các tiêu chí của luật quốc tế đối với việc chiếm hữu lãnh thổ. Có các tiêu chí sau:
- Điều kiện cần thứ nhất: vùng lãnh thổ chiếm hữu phải là vô chủ, không nằm trong hệ thống địa lý hành chính của bất kỳ quốc gia nào. Lãnh thổ vô chủ (terra nullius) là lãnh thổ chưa từng đặt dưới sự quản trị của một quốc gia nhất định nào. Nói một cách khác, lãnh thổ đó chưa có một tổ chức quốc gia (có thể có cư dân sống trong vùng lãnh thổ đó nhưng chưa có một tổ chức nhà nước nào ở trên đó). Sự chiếm hữu lãnh thổ vô chủ là một hình thức thụ đắc hợp pháp. Điều này xuất phát từ nguyên tắc cổ điển của luật dân sự là “mọi người đều có quyền ngang nhau đối với vật chưa thuộc quyền sở hữu của bất cứ ai và vật này sẽ thuộc về quyền sở hữu của người nào chiếm hữu nó trước nhất”.
Trong khoa học luật pháp quốc tế, lãnh thổ vô chủ còn được hiểu là lãnh thổ bị bỏ rơi. Tức là, vùng lãnh thổ trước kia vốn dĩ từng bị chiếm hữu, sau đó nhà nước chiếm hữu tự từ bỏ quyền chiếm hữu của mình. Lãnh thổ vô chủ được hiểu ở dưới dạng rộng hơn khi một quốc gia nào đó thực hiện chủ quyền nhà nước của mình trên một vùng lãnh thổ trong một thời gian dài liên tục bằng biện pháp hòa bình và không bị các quốc gia khác phản đối.
- Điều kiện cần thứ hai: việc chiếm hữu phải là hành động nhân danh quốc gia hoặc được quốc gia ủy quyền, tức là không phải hành động của tư nhân. Bất kỳ một hành động nào từ phía những người không mang danh nghĩa nhà nước đều không đủ tư cách hành động thực hiện chủ quyền lãnh thổ của nhà nước (không thể làm thay đổi tính chất chủ quyền ngay cả khi các cá nhân hợp thành một tập thể hay một công ty trừ khi được nhà nước ủy quyền).
- Điều kiện thứ ba: sự chiếm hữu phải thông qua một loạt các hành động thể hiện chủ quyền quốc gia một cách hiện thực rõ ràng và liên tục.
- Điều kiện thứ tư: tính hòa bình của sự chiếm hữu và việc chiếm hữu phải được dư luận đương thời chấp nhận không phản đối. Trong vụ đảo Palmas, trọng tài M.Huy-be tuyên bố việc thực hiện quyền lực trên thực tế một cách hòa bình trong một thời gian dài và đầy đủ là cần thiết cho việc xác lập chủ quyền đối với một vùng lãnh thổ vô chủ.
Tóm lại, chiếm hữu thực sự là một loại hình thụ đắc lãnh thổ quan trọng tạo nên chủ quyền quốc gia trên một vùng lãnh thổ vô chủ. Hình thức này được biểu hiện bằng một loạt các đòi hỏi phức tạp và đa dạng có liên quan chặt chẽ đến nhau: từ chỗ chiếm hữu đầu tiên bằng con đường hòa bình do các cá nhân quốc gia ủy quyền thực hiện sau đó được tiếp tục bằng việc thực hiện chủ quyền quốc gia trên lãnh thổ đó một cách liên tục với một phương pháp vừa đủ phù hợp với điều kiện hoàn cảnh của vùng lãnh thổ chiếm hữu.
Đến nay, các cứ liệu lịch sử đều cho thấy, Nhà nước Việt Nam đã chiếm hữu thực sự hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa ít nhất từ thế kỷ thứ XVII, tức là trước khi có sự công bố bản đồ của Đỗ Bá năm 1686. Điều này có nghĩa là, Nhà nước Việt Nam đã sử dụng hình thức chiếm hữu thực sự cho việc thụ đắc hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa phù hợp với bốn điều kiện trên của luật quốc tế hiện hành. Điều này hoàn toàn phù hợp với công bố Nhà nước trong sách trắng của Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
Ngoài ra, các chứng cứ lịch sử cũng cho thấy, Nhà nước Việt Nam trên thực tế đã làm chủ hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa bằng những hoạt động tổ chức khai thác, khảo sát, đặt bia, xây miếu, trồng cây, bảo vệ ngư dân; đặt ra các quy định thưởng phạt nghiêm minh, thực hiện nghĩa vụ trong việc bảo đảm an toàn hàng hải quốc tế, cứu hộ người bị hại… Nhà nước ta đã đáp ứng được đầy đủ các tiêu chuẩn của việc thụ đắc lãnh thổ vô chủ vào cả thời kỳ trước đây và hiện nay./.
 
 
 

(Nguồn tin: Bài viết đăng tải trên ấn phẩm Tạp chí Nghiên cứu lập pháp số 23(231), tháng 12/2012)


Thống kê truy cập

33936192

Tổng truy cập