Kiến nghị từ quy định xử phạt người “không đủ điều kiện hành nghề luật sư mà hành nghề luật sư”

01/11/2012

BÙI ĐĂNG VƯƠNG

thanh tra Sở Tư pháp Quảng Ngãi

1. Quy định xử phạt người “không đủ điều kiện hành nghề luật sư mà hànhnghề luật sư dưới bất kỳ hình thức nào”   
Theo quy định tại Điều 2 Luật Luật sư năm 2006, luật sư làngười có đủ tiêu chuẩn, điều kiện hành nghề theo quy định của Luật Luật sư, thực hiện dịch vụ pháp lý theo yêu cầu của cá nhân, cơ quan, tổ chức. Các tiêu chuẩn của luật sư được quy định tại Điều 10 của Luật Luật sư. Theo đó, công dân Việt Nam trung thành với Tổ quốc, tuân thủ Hiến pháp và pháp luật, có phẩm chất đạo đức tốt, có bằng cử nhân luật, đã được đào tạo nghề luật sư, đã qua thời gian tập sự hành nghề luật sư, có sức khoẻ bảo đảm hành nghề luật sư, thì có thể trở thành luật sư. Nhưng muốn hành nghề luật sư, cần có thêm điều kiện hành nghề luật sư: phải có chứng chỉ hành nghề luật sư và gia nhập một Đoàn luật sư (Điều 11, Luật Luật sư). 
 Khoản 1 Điều 92 Luật Luật sư năm 2006 quy định: “Cá nhân không đủ điều kiện hành nghề luật sư mà hành nghề luật sư dưới bất kỳ hình thức nào thì bị buộc phải chấm dứt hành vi vi phạm, bị phạt tiền theo quy định của pháp luật về xử lý vi phạm hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự; nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật”.
Cụ thể hóa những quy định này của Luật, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 60/2009/NĐ-CP ngày 23/7/2009 về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tư pháp (Nghị định 60). Điều 24 của Nghị định quy định 27 hành vi được coi là vi phạm trong hoạt động hành nghề của luật sư. Chúng tôi chỉ phân tích một hành vi được quy định tại điểm l khoản 4 Điều 24 của Nghị định 60. Đó là hành vi vi phạm “Không đủ điều kiện hành nghề luật sư theo quy định của pháp luật mà hành nghề luật sư dưới bất kỳ hình thức nào”. Hành vi này theo quy định thì chỉ bị xử phạt tiền từ 5 triệu đến 10 triệu đồng. Hình thức xử phạt bổ sung và biện pháp khắc phục hậu quả của hành vi này chưa được Nghị định 60 quy định.
Hiện nay đang có hai cách hiểu về quy định: “Không đủ điều kiện hành nghề luật sư theo quy định của pháp luật mà hành nghề luật sư dưới bất kỳ hình thức nào”.Quan điểm thứ nhất cho rằng, không đủ điều kiện hành nghề luật sư mà hànhnghề luật sư dưới bất kỳ hình thức nào là việc một người không phải là luật sư, không phải là Trợ giúp viên pháp lý, không có bằng cấp về luật... nhưng lại hoạt động trong lĩnh vực của luật sư, cung cấp các dịch vụ pháp lý như tham gia tố tụng, tư vấn pháp luật, đại diện ngoài tố tụng cho khách hàng và các dịch vụ pháp lý khác. Trong thực tế thì những người này có thể là một người bình thường nhưng có khả năng am hiểu pháp luật do họ tự nghiên cứu pháp luật, có thể do họ có quen biết với các quan chức có thẩm quyền trong các cơ quan nhà nước để “lo lót, chạy chọt”, hoặc cũng có những người “am tường pháp luật”, biết đường đi nước bước trong việc kiện tụng từ chính những việc khiếu nại, kiện tụng của cá nhân họ... Những người này (tạm gọi họ là “cò kiện”) tham gia hoạt động cung cấp dịch vụ pháp lý như luật sư, có thu thù lao từ việc cung cấp những dịch vụ pháp lý này. Như vậy, các đối tượng này không phải là luật sư, khi họ tham gia hoạt động trong lĩnh vực này, họ không đủ điều kiện hành nghề luật sư mà đã hànhnghề luật sư dưới các hình thức khác nhau và hành vi của họ phải bị xử phạt theo quy định tại điểm l khoản 4 Điều 24 của Nghị định 60.
Quan điểm thứ haicho rằng, chủ thể của các hành vi vi phạm quy định tại điểm l khoản 4 Điều 24 của Nghị định 60 phải là luật sư, và khi luật sư “không đủ điều kiện hành nghề luật sư theo quy định của pháp luật mà hành nghề luật sư dưới bất kỳ hình thức nào” thì mới bị xử phạt. Như vậy với cách hiểu này, bắt buộc đối tượng vi phạm phải là luật sư thì mới bị pháp luật điều chỉnh, Thanh tra Tư pháp mới có quyền xử phạt, còn nếu đối tượng vi phạm không phải là luật sư thì Thanh tra Tư pháp không được xử phạt.
Trên đây là hai quan điểm,cách hiểu và áp dụng khác nhau về chế định này trong thực tiễn. Chúng tôi đồng ý với cách hiểu thứ hai này. Theo đó, đối tượng bị xử phạt trong chế định này phải là luật sư bởi các lý do sau:
Thứ nhất, theo Điều 11 Luật Luật sư về điều kiện hành nghề luật sư thì người có đủ tiêu chuẩn quy định tại Điều 10 của Luật Luật sư muốn được hành nghề luật sư phải có chứng chỉ hành nghề luật sưgia nhập một Đoàn luật sư. Như vậy điều kiện hành nghề ở đây phải đáp ứng được hai tiêu chí: phải có chứng chỉ hành nghề luật sưgia nhập một Đoàn luật sư.
Thứ hai, “điều kiện hành nghề luật sư” là một vế của định nghĩa về luật sư. Theo định nghĩa về luật sư quy định tại Điều 2 của Luật Luật sư năm 2006 thì luật sư là người có “đủ tiêu chuẩn” và đủ “điều kiện hành nghề” mới được hoạt động trong lĩnh vực của luật sư. Quy định tại điểm l khoản 4 điều 24 của Nghị định 60 chỉ nêu một nội dung là “điều kiện hành nghề” chứ không quy định về “đủ tiêu chuẩn”.Do vậy, cách hiểu điều kiện hành nghề luật sư theo quan điểm thứ hai là hoàn toàn chính xác.
2. Thực tế vi phạm và kiến nghị xử lý hành vi vi phạm   
Trong thực tiễn giải quyết khiếu nại, tố cáo tại các tỉnh Quảng Ngãi, Kiên Giang... và một số địa phương khác, thời gian qua đã có nhiều đối tượng không đủ tiêu chuẩn, điều kiện hành nghề luật sư nhưng đã tham gia vào lĩnh vực hoạt động này. Lợi dụng vấn đề “uỷ quyền khiếu nại” và sự thiếu hiểu biết pháp luật của một bộ phận công dân, các đối tượng này thường xúi giục người dân uỷ quyền cho họ để thực hiện khiếu nại, khởi kiện thuê, có thu thù lao nhằm thu lợi bất chính và làm ảnh hưởng đến uy tín của những luật sư chân chính, gây khó khăn cho các cơ quan nhà nước cũng như gây ra các vụ lừa đảo chiếm đoạt tài sản của nhân dân. Thực tế đã xảy ra nhiều vụ lừa đảo kiểu này và người bị hại chỉ còn biết khởi kiện ra Tòa án để bảo vệ quyền của mình. Như vậy, những đối tượng này đã có hành vi xâm phạm trong lĩnh vực hoạt động luật sư.
Tuy nhiên, như đã phân tích, thì những đối tượng này lại không thuộc đối tượng điều chỉnh của Nghị định 60, bởi họ không phải là luật sư và Thanh tra Sở Tư pháp cũng như Chủ tịch UBND các cấp không thể phạt những đối tượng này. Điều này đồng nghĩa với việc các cơ quan nhà nước có thấy được hành vi của các đối tượng này khi họ gây khó khăn cho cơ quan nhà nước, lừa đảo nhân dân, nhưng cũng đành phải chấp nhận vì chưa có chế tài xử lý. Có thể nói đây là một lỗ hổng lớn của pháp luật trong lĩnh vực xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực luật sư cần phải được bổ sung kịp thời.
Từ thực trạng trên, chúng tôi xin đưa ra các kiến nghị:
Thứ nhất, cần phải sửa đổi, bổ sung Điều 92 của Luật Luật sư năm 2006. Điều 92 quy định về Xử lý vi phạm đối với cá nhân, tổ chức hành nghề luật sư bất hợp pháp. Theo đó, cá nhân không đủ điều kiện hành nghề luật sư mà hành nghề luật sư dưới bất kỳ hình thức nào thì bị buộc phải chấm dứt hành vi vi phạm, bị phạt tiền theo quy định của pháp luật về xử lý vi phạm hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự; nếu gây thiệt hại phải bồi thường theo quy định của pháp luật. Quy định như vậy là chưa đủ, cần bổ sung thêm. Cụ thể là: “Cá nhân không đủ tiêu chuẩn, điều kiện hành nghề luật sư...” (bổ sung thêm từ “tiêu chuẩn” vào khoản 1, khoản 2 Điều 92 Luật Luật sư).
Thứ hai, sửa đổi, bổ sung điểm l khoản 4 điều 24 Nghị định 60 theo hai cách sau:
Cách 1: Sửa lại điểm l như sau: “Không đủ tiêu chuẩn, điều kiện hành nghề luật sư theo quy định của pháp luật mà hành nghề luật sư dưới bất kỳ hình thức nào”.
Cách 2: Quy định thêm điểm m với nội dung sau: “Không đủ tiêu chuẩn hành nghề luật sư theo quy định của pháp luật mà hành nghề luật sư dưới bất kỳ hình thức nào”.
Trong hai cách trên thì theo chúng tôi, cách 1 phù hợp hơn.
Thứ ba, đề nghị quy định thêm hình thức xử phạt bổ sung và biện pháp khắc phục hậu quả đối với hành vi quy định tại điểm l khoản 4 Điều 24 Nghị định 60. Hiện nay, Nghị định 60 chỉ mới quy định người không đủ điều kiện hành nghề luật sư theo quy định của pháp luật mà hành nghề luật sư thì bị xử phạt chính bằng tiền từ 05 triệu đến 10 triệu đồng mà không có các hình thức phạt bổ sung, biện pháp khắc phục hậu quả. Trong khi đó, lợi nhuận họ thu được lớn hơn gấp nhiều lần mức xử phạt này. Vì thế, việc quy định mức phạt như vậy là còn quá nhẹ chưa đủ sức răn đe. Cần thiết phải quy định thêm hình thức xử phạt bổ sung đối với hành vi này, ví dụ như tước quyền sử dụng chứng chỉ hành nghề luật sư (có thời hạn từ 6 tháng đến 1 năm), đồng thời áp dụng thêm biện pháp khắc phục hậu quả là buộc hoàn trả số lợi bất hợp pháp thu được./.
 

(Nguồn tin: Bài viết đăng tải trên ấn phẩm Tạp chí Nghiên cứu lập pháp số 21(229), tháng 11/2012)


Thống kê truy cập

33929832

Tổng truy cập