Luật thuế thu nhập cá nhân: những bất cập và hướng hoàn thiện

01/10/2012

PGS. TS. LÊ THỊ THU THỦY

Khoa Luật, Đại học Quốc gia Hà Nội

Luật Thuế thu nhập cá nhân (TNCN) được ban hành năm 2007 và có hiệu lực từ năm 2009. Trong quá trình thực thi luật này đã phát sinh những bất cập và có nhiều nội dung khó thực thi. Việc sửa đổi Luật Thuế TNCN là rất cấp thiết trong giai đoạn hiện nay, nhằm đảm bảo quyền và lợi ích của người nộp thuế và tạo sự bình đẳng, công bằng về nghĩa vụ thuế của công dân. Bài viết tập trung vào việc phân tích những bất cập của Luật Thuế TNCN và nêu hướng sửa đổi thích hợp về bốn vấn đề: thu nhập chịu thuế, giảm trừ gia cảnh, biểu thuế suất và khoảng cách giữa các bậc thuế trong biểu thuế.
Untitled_538.png
Ảnh minh họa: nguồn internet
Luật thuế TNCN ra đời đã đánh dấu sự tiến bộ vượt bậc và tạo bước ngoặt trong lịch sử phát triển hệ thống thuế Việt Nam, nhằm đảm bảo công bằng trong điều tiết thu nhập của các tầng lớp dân cư trong xã hội, đảm bảo động viên một cách hợp lý thu nhập của dân cư, khuyến khích mọi cá nhân ra sức lao động, sản xuất kinh doanh, gia tăng thu nhập làm giàu chính đáng. Thuế TNCN không còn là trách nhiệm chỉ của những người có thu nhập cao, mà về nguyên tắc, mọi cá nhân có thu nhập đều phải thực hiện nghĩa vụ thuế. Thuế TNCN ra đời đã điều hòa thu nhập, thu hẹp khoảng cách chênh lệch giữa người có thu nhập cao và người có thu nhập thấp trong xã hội.
Có thể nói, việc ban hành Luật thuế TNCN năm 2007 là phù hợp với thông lệ quốc tế  và phù hợp với tình hình nước ta khi gia nhập WTO phải thực hiện các cam kết về tài chính và có sự kế thừa có chọn lọc những quy định trong chính sách thuế hiện hành. Tuy nhiên, sau 5 năm ban hành và 3 năm thực thi, tình hình kinh tế - xã hội đã có nhiều biến động, kinh tế thế giới cũng có nhiều “thăng trầm, xáo trộn”, và tác động không nhỏ đến đời sống và thu nhập của người dân Việt Nam. Các cuộc khủng hoảng ngân hàng, tài chính khởi nguồn từ Mỹ năm 2007, lan tỏa sang các nước Châu Âu, châu Á đã để lại hậu quả nặng nề mà biểu hiện của nó là sự phá sản hàng loạt ngân hàng, doanh nghiệp, lạm phát tăng cao[1], khủng hoảng nợ công, thất nghiệp. Điều này đã khiến cuộc sống của người dân bị ảnh hưởng nặng nề, khả năng nộp thuế cũng hạn chế. Hơn nữa, Luật Thuế TNCN cũng có nhiều điểm bất cập, khó thực thi. Vì vậy, việc sửa đổi các đạo luật thuế, trong đó có Luật thuế TNCN là rất cấp thiết trong giai đoạn hiện nay, nhằm đảm bảo quyền và lợi ích của người nộp thuế và tạo nguồn thu cho ngân sách nhà nước.  
Về nguyên tắc, Luật Thuế TNCN cần quy định rõ mọi vấn đề về sắc thuế này, tránh tình trạng dùng các văn bản dưới luật để giải thích, bổ sung nội dung của luật. Hiện nay có đến 20 văn bản hướng dẫn về thuế TNCN, làm cho người nộp thuế nhiều khi cũng khó xác định được là trách nhiệm của mình ở mức nào, có được miễn thuế hay giảm thuế không? Cơ quan chi trả thu nhập có tính đúng mức thuế phải trả cho Nhà nước không? Thực trạng này đòi hỏi luật sửa đổi, bổ sung phải quán triệt nguyên tắc rõ ràng, minh bạch, dễ hiểu và dễ thực thi. Hiện nay, quy định về một loạt các vấn đề đang còn nhiều bất cập, tạo ra sự không bình đẳng trong nghĩa vụ thuế thu nhập cá nhân của người dân.
1. Về thu nhập chịu thuế
Luật thuế TNCN đã phân loại thu nhập chịu thuế theo nguồn phát sinh thu nhập (10 loại theo Điều 3 của Luật). Tuy nhiên, các thu nhập được miễn thuế còn tương đối nhiều (14 loại theo Điều 4 của Luật). Liệu việc miễn thuế có đảm bảo được sự bình đẳng, công bằng trong nghĩa vụ thuế không? Về bản chất, thuế TNCN là thuế trực thu nên việc điều tiết thu nhập phải hợp lý, tránh tình trạng bao cấp cho những người giàu và trút gánh nặng lên những người có thu nhập trung bình. Việc xác định thu nhập miễn thuế chính là thể hiện ưu đãi của Nhà nước đối với đối tượng nộp thuế và thường hướng tới mục tiêu kinh tế - xã hội nhất định. Nếu những mục tiêu này đặt ra và không khả thi thì cũng phải tính tới việc việc loại bỏ những thu nhập miễn thuế này và đưa vào diện chịu thuế.
Theo Khoản 4 Điều 4 của Luật thì: “Thu nhập từ nhận thừa kế, quà tặng là bất động sản giữa vợ với chồng; cha đẻ, mẹ đẻ với con đẻ; cha nuôi, mẹ nuôi với con nuôi; cha chồng, mẹ chồng với con dâu; cha vợ, mẹ vợ với con rể; ông nội, bà nội với cháu nội; ông ngoại, bà ngoại với cháu ngoại; anh, chị, em ruột với nhau” thuộc diện được miễn thuế. Ở đây, cần xem xét  tới yếu tố công bằng trong việc thực hiện nghĩa vụ thuế đối với Nhà nước. Ở các nước, các khoản thu nhập trên đều phải chịu thuế, tùy thuộc vào giá trị của tài sản mà mức thuế phải trả là khác nhau. Người thừa kế phải nộp thuế thu nhập (hoặc thuế thừa kế di sản) khi giá trị của tài sản thừa kế vượt qua một mức nào đó và tùy thuộc vào việc đối tượng nộp thuế thuộc hàng thừa kế nào. Ví dụ, theo Luật của Đức trước đây, vợ chồng, con cái nếu được thừa kế tài sản trị giá từ 50.000 DM phải nộp 3% thuế trên giá trị tài sản đó. Nếu tài sản lớn hơn 100 triệu DM thì người thừa kế phải nộp 35% giá trị tài sản. Nếu người thừa kế là cháu nội, cháu ngoại, cha mẹ thì số thuế phải nộp tương ứng là 6% và 50% giá trị tài sản thừa kế, những người ở hàng thừa kế khác có thể phải nộp một mức thuế lên đến 70% giá trị tài sản thừa kế. Pháp luật của Nam Phi quy định, người thừa kế phải nộp thuế với mức 25% giá trị tài sản thừa kế không phụ thuộc vào hàng thừa kế[2]. Từ hai ví dụ này, việc miễn thuế đối với thu nhập từ thừa kế bất động sản theo Luật Thuế TNCN của Việt Nam hiện nay cần được xem xét để sửa đổi theo hướng đưa thu nhập này vào diện chịu thuế,  nhằm bảo đảm luật thuế là công cụ để đảm bảo công bằng trong điều tiết thu nhập có hiệu quả. Việc không đánh thuế đối với thu nhập trên đã tạo cơ sở cho sự tích tụ, đầu cơ đất đai một cách không hợp lý ở một số đối tượng, làm cho giá nhà đất không phản ánh đúng quy luật của nó và đặc biệt không bảo đảm được quyền có nhà ở của công dân.
Hơn nữa, thu nhập từ hoạt động chuyển nhượng nhà ở, quyền sử dụng đất ở trong trường hợp người chuyển nhượng chỉ có một nhà ở, đất ở duy nhất thì không phải nộp thuế. Điều này cũng cần xem xét lại, vì trên thực tế rất khó có thể kiểm soát việc sở hữu nhà ở, đất ở của người bán có phải là duy nhất hay không. Hiện nay Việt Nam chưa có hệ thống đăng ký quyền sở hữu nhà, quyền sử dụng đất hợp nhất trên cả nước nên việc kiểm soát hiện nay chủ yếu dựa vào sự tự giác của người dân. Nếu ý thức nộp thuế của người dân không cao thì việc thất thu thuế của Nhà nước là điều không tránh khỏi. Trong khi đó, mục tiêu của sửa đổi luật thuế vẫn là duy trì nguồn thu đáng kể cho ngân sách nhà nước.
Đối với thu nhập chịu thuế, Luật thuế hiện hành chưa bao quát hết các khoản thu nhập thuộc diện phải điều tiết như thu nhập từ ủy quyền bán bất động sản, thu nhập từ đổi nhà, đổi đất. Đây thường là những khoản thu nhập lớn, cần thiết phải có sự điều tiết của Nhà nước dưới hình thức thuế để đảm bảo quyền sở hữu nhà, đất ở của người dân một cách chính đáng. Theo Luật thuế TNCN của Mỹ, nguồn thu nhập chịu thuế không được giới hạn cụ thể mà linh hoạt, có nghĩa là các thu nhập chịu thuế khác có thể phát sinh và Luật chỉ mang tính dự liệu. Tuy nhiên, Điều 3 Luật thuế TNCN ở Việt Nam lại ấn định thu nhập chịu thuế bao gồm 10 loại. Vì vậy, có thể quy định thêm một mục ở Điều 3 là “và các khoản thu nhập khác”.
Ngoài ra, Luật thuế TNCN chưa đánh thuế lũy tiến đối với thu nhập từ chuyển nhượng bất động sản và cũng chưa phân biệt mức độ điều tiết theo thời gian nắm giữ bất động sản. Đây là một trong các nguyên nhân dẫn đến tình trạng đầu cơ và bong bóng thị trường bất động sản hoành hành và gây thất thu cho ngân sách nhà nước. Kinh nghiệm Trung Quốc cho thấy, thu nhập từ chuyển nhượng bất động sản bị áp các mức thuế suất lũy tiến: lợi nhuận dưới 50% thì các khoản được khấu trừ: thuế suất 30%; lợi nhuận trên 50% nhưng dưới 100%, các khoản được khấu trừ: thuế suất 40%; lợi nhuận trên 100% nhưng dưới 200%, các khoản được khấu trừ: thuế suất 50%; lợi nhuận trên 200% các khoản được khấu trừ: thuế suất 60%. Các chi phí được phép khấu trừ ở đây bao gồm: tiền mua quyền sử dụng đất, chi phí cải tạo đất, chi phí xây dựng mới hoặc cải tạo công trình trên đất, các chi phí liên quan đến giao dịch bất động sản. Ngoài ra, một số nước còn áp dụng thuế đối với lợi nhuận thu được từ giao dịch bất động sản phù hợp với tần suất giao dịch, thời gian mua, bán lại bất động sản. Nếu thời gian này diễn ra càng nhanh thì thuế suất càng cao, diễn ra chậm hơn thì lãi suất thấp hơn. Ví dụ, tại Singapore, đất mua đi, bán lại trong năm đầu tiên bị đánh thuế 100% trên giá trị chênh lệch mua, bán, sau hai năm thì mức thuế suất là 50%, sau ba năm là 25%. Tại Đài Loan, giao dịch bất động sản thực hiện trong năm đầu sau khi mua áp dụng thuế suất là 15%, thực hiện sau năm đầu và trong năm thứ hai sau khi mua, thuế suất là 10%[3]. Luật Thuế TNCN cần nghiên cứu sửa đổi theo hướng quy định đánh thuế lũy tiến đối với thu nhập từ chuyển nhượng bất động sản và phân biệt mức độ điều tiết theo thời gian nắm giữ bất động sản.
Đối với thu nhập từ chuyển nhượng chứng khoán, cần xem xét lại mức điều tiết bởi lẽ tại thời điểm này, thị trường chứng khoán Việt Nam vẫn chưa phát triển ổn định, số lượng nhà đầu tư tham gia thị trường còn ít, việc đầu tư còn mang tâm lý “bầy đàn”, lướt sóng, lợi nhuận thu được chỉ là may, rủi, không thường xuyên, vì vậy đánh thuế vào thu nhập từ chuyển nhượng chứng khoán có thể coi là rào cản, không thúc đẩy sự phát triển thị trường này. Trong khi đó, thu nhập từ lãi tiền vay ngân hàng mang tính chất thường xuyên, nhưng vẫn thuộc diện thu nhập miễn thuế.
2. Giảm trừ gia cảnh
Có thể nói, với mức giảm trừ gia cảnh như hiện nay (đối với bản thân người nộp thuế là 4 triệu/tháng, người phụ thuộc là 1,6 tr/1 người/tháng) cuộc sống bình thường của người dân Việt Nam không được đảm bảo. Giá cả hàng hóa tăng nhanh, mức lạm phát cao đã đẩy nhiều người dân vào cảnh phải “thắt lưng buộc bụng” trong chi tiêu. Hiện nay, Chính phủ đã có những chính sách tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp và người dân, tuy nhiên các chính sách này còn chưa được hài hòa, đồng bộ, chưa bảo đảm được lợi ích của người dân lẫn doanh nghiệp. Có doanh nghiệp thì được hỗ trợ lãi suất, ưu đãi vay vốn, giảm thuế thu nhập doanh nghiệp, VAT, có doanh nghiệp nhà nước được bao cấp, mặc dù lỗ hàng nghìn tỷ đồng những vẫn có “bầu vú” quen thuộc của ngân sách nhà nước để hỗ trợ. Mức chi phí được khấu trừ đối với doanh nghiệp khi tính thu nhập chịu thuế là linh hoạt, không bị ấn định như thuế TNCN. Trong khi đó, đối với người nộp thuế TNCN, mặc dù có được miễn, giảm thuế, nhưng do mức lương tối thiểu thấp, những chính sách hỗ trợ của Nhà nước chỉ mang tính nhất thời (vài tháng), sau đó đâu lại hoàn đấy. Vì vậy, trên thực tế xảy ra tình trạng chi phí tối thiểu, hợp lý cho cuộc sống hàng ngày của người dân thì rất nhiều, nhưng lại không được khấu trừ hết mà chỉ được khấu trừ rất ít. Điều này là không công bằng, bởi lẽ thuế TNCN là thuế đánh vào phần thu nhập của người dân và cần căn cứ vào nhiều yếu tố như chế độ an sinh xã hội, khả năng, thu nhập và mức sống dân cư. Cũng từ đó mà cần xác định mức giảm trừ gia cảnh là bao nhiêu. Theo Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung Luật thuế TNCN thì mức giảm trừ là 6 triệu đồng/1 tháng đối với người nộp thuế. Mức này liệu có đảm bảo để tái tạo sức lao động của người nộp thuế không? Bao lâu thì phải sửa luật để đảm bảo tính hợp lý của việc giảm trừ gia cảnh?
 Tham khảo về những thay đổi chính sách thuế TNCN ở các nước đang phát triển trong 10 năm qua cho thấy, tần suất điều chỉnh các khoản giảm trừ ít thường xuyên hơn so với các nước phát triển và thường duy trì ổn định trong một thời gian nhất định. Luật thuế các nước này nhìn chung cũng không quy định cứng tần suất bao lâu sẽ thực hiện điều chỉnh. Đồng thời, khác với nhiều nước phát triển, phần lớn các nước đang phát triển không quy định nguyên tắc điều chỉnh mức giảm trừ như một số nước phát triển mà việc điều chỉnh thường được thực hiện thông qua việc sửa luật thuế TNCN (ví dụ: Trung Quốc, In-đô-nê-xi-a, Ma-lai-xi-a).
Kể từ khi ban hành Luật thuế TNCN đến nay, Trung Quốc cũng đã 7 lần điều chỉnh, trong đó có cả lần điều chỉnh giảm để mở rộng đối tượng nộp thuế (ví dụ, lần điều chỉnh năm 1986 đã giảm mức miễn trừ gia cảnh từ 800 NDT/tháng xuống 400 NDT/tháng). Gần đây (1/9/2011), mức giảm trừ của Trung Quốc được điều chỉnh tăng từ 24.000 NDT/năm (áp dụng từ năm 2008) lên 42.000 NDT/năm (tương đương 6.404 USD hay 1,23 lần GDP bình quân đầu người năm 2011)[4].
Đối với Việt Nam, nên chăng cần xem xét lại theo hướng không quy định cụ thể một mức giảm trừ gia cảnh mà nên tính theo lương tối thiểu đối với công chức nhân với một hệ số nào đó. Điều này sẽ tạo hiệu lực lâu dài cho đạo luật thuế và đảm bảo được bản chất của giảm trừ gia cảnh (ngưỡng thu nhập không đánh thuế đối với người nộp thuế) là Nhà nước không đánh thuế vào phần thu nhập tối thiểu trung bình xã hội dùng để tái tạo sức lao động của người nộp thuế, bao gồm phần tái tạo sức lao động của bản thân người nộp thuế và phần để nuôi dưỡng những người phụ thuộc. Ngoài ra, khi chính sách tiền lương thay đổi thì mức giảm trừ gia cảnh cũng mặc nhiên thay đổi theo, không cần phải sửa đổi luật liên quan.
Ngoài ra, tiêu chí xác định người phụ thuộc được giảm trừ gia cảnh hiện nay chưa rõ ràng. Ví dụ, con ngoài giá thú được tính là người phụ thuộc nhưng con riêng của vợ, chồng lại không quy định, con đi học muộn, con lưu ban, con đang chờ đi thi đại học cũng không được quy định rõ ràng, gây khó khăn trong thực thi luật. Các vấn đề này cần phải được sửa đổi và thể hiện rõ trong Luật thuế TNCN.
3. Biểu thuế suất
Hiện nay, biểu thuế theo Luật thuế TNCN (bao gồm 7 bậc) còn nhiều bất cập, mức thuế suất cao nhất là 35% thực sự chưa khuyến khích được những người có trình độ kỹ thuật cao, năng lực điều hành tốt, các chuyên gia giỏi tham gia lao động, cống hiến cho xã hội và sự phát triển của đất nước và thậm chí hạn chế khả năng thu hút đầu tư nước ngoài vào Việt Nam. Kinh nghiệm nước ngoài cho thấy, những năm gần đây, nhiều nước đã thực hiện cắt giảm mức thuế suất, kể cả mức thuế suất luỹ tiến cao nhất và mức thuế suất thấp nhất trong Biểu thuế để nâng cao tính hấp dẫn của môi trường đầu tư trong nước, thu hút được lao động có kỹ thuật cao từ bên ngoài (In-đô-nê-xi-a, Singapore, Ma-lai-xi-a, Ba Lan, Cộng hòa Séc...). Cá biệt, một số quốc gia đã thực hiện cải cách chính sách thuế TNCN của mình theo hướng xoá bỏ biểu thuế luỹ tiến và chuyển sang áp dụng duy nhất một mức thuế suất thuế TNCN với mức khá thấp, nhất là các nước thuộc Liên Xô cũ và Đông Âu. Ví dụ, Nga áp dụng một mức thuế suất là 13%, Cộng hòa Séc một mức là 15% và Bun-ga-ri một mức là 10%. Tuy nhiên, việc thu thuế theo phương thức này - tuy tạo sự đơn giản trong thực hiện song cũng đang nhận phải một số chỉ trích liên quan đến việc thực hiện chức năng điều tiết, phân bố lại thu nhập của thuế TNCN.
Tình hình và đặc điểm nền kinh tế Việt Nam cũng như thực tiễn thi hành luật thuế TNCN cho thấy, việc quy định mức thuế suất 35% là quá cao và không tương tác với mức thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp 25%. Điều này có thể ảnh hưởng tới việc lựa chọn hình thức, loại hình doanh nghiệp để kinh doanh và gây tác động tiêu cực đến nhu cầu lao động của các tổ chức, cá nhân trong xã hội. Tâm lý người dân sẽ hoang mang khi thấy rằng, thuế suất đánh vào thu nhập tính thuế là rất cao, trong khi đó các khoản thuế này nhiều khi cũng không rõ có được chi một cách hợp lý để thực hiện các nhiệm vụ của Nhà nước hay không. Hơn nữa, những quyền mà người nộp thuế được hưởng nhiều khi còn mơ hồ và gián tiếp, có khi chỉ là khẩu hiệu (nộp thuế là quyền và nghĩa vụ của công dân), “có tiếng mà không có miếng”. Vì vậy, việc quy định mức thuế suất thấp vừa đủ sẽ tạo động lực cho người dân tuân thủ nghĩa vụ thuế một cách tự nguyện. Nên bỏ mức thuế suất 35% và chỉ còn lại 6 bậc trong biểu thuế.
4. Khoảng cách giữa các bậc thuế trong biểu thuế
Về nguyên tắc, biểu thuế lũy tiến được xây dựng căn cứ vào nguyên tắc đánh thuế dựa trên khả năng nộp thuế của các cá nhân. Những người có thu nhập cao thì có nhiều khả năng nộp thuế cao hơn những người có thu nhập thấp và ngược lại. Tư tưởng đánh thuế dựa vào khả năng của người nộp thuế của nhà vua Writ - vị vua của nước Anh thế kỷ 17 - là cơ sở cho sự ra đời các biểu thuế lũy tiến[5]. Khoảng cách tương đối giữa các bậc thuế suất sẽ quyết định tính chất lũy tiến mạnh hay yếu của biểu thuế. Khoảng cách quá xa sẽ có thể tạo điều kiện cho hành vi chuyển dịch thu nhập để tránh thuế, ngược lại sẽ tạo ra sự bất hợp lý trong điều tiết thu nhập của một nhóm đối tượng nộp thuế. Luật thuế TNCN sửa đổi, bổ sung lần này nên quy định mở rộng khoảng cách giữa các bậc thu nhập và hạ mức thuế suất khởi điểm nhằm động viên, khuyến khích cá nhân làm giàu hợp pháp và tăng khả năng thu hút nguồn lực nước ngoài, đảm bảo nền kinh tế phát triển và hội nhập quốc tế. Ví dụ, mức thuế suất bậc 1 sẽ là 3%, bậc 2 là 8%, tiếp theo là 13%, 18%, 23%, 28%. Khoảng cách giữa các bậc thu nhập có thể giữ nguyên cho đến bậc 6 theo Luật thuế TNCN hiện hành.
Để thuế TNCN phát huy được tốt nhất vai trò trong việc đảm bảo công bằng xã hội, điều tiết thu nhập của mọi tầng lớp dân cư một cách hợp lý, bảo vệ quyền lợi của người nộp thuế thì việc sửa đổi, bổ sung một số nội dung nêu trên là hết sức cần thiết, góp phần tăng tính cạnh tranh so với các nước trong khu vực, các nước có điều kiện tương đồng với nước ta, phù hợp với xu thế cải cách thuế và thông lệ quốc tế. Ngoài ra, việc sửa đổi luật thuế cũng cần xác định rõ mục tiêu đầu tiên là đảm bảo công bằng xã hội, còn việc tạo nguồn thu cho ngân sách nhà nước chỉ là mục tiêu thứ hai. Nếu hai mục tiêu trên song hành thì rất khó thực hiện. Hơn nữa, nguyên tắc sửa đổi phải đảm bảo sự đồng bộ, phù hợp với các đạo luật khác trong hệ thống pháp luật Việt Nam, đảm bảo và phát huy quyền tự do kinh doanh của người dân, kích thích sự phát triển của mọi thị trường, phù hợp với các chính sách phát triển kinh tế của Nhà nước. Nếu trong giai đoạn hiện nay, Nhà nước chú trọng đầu tư cho sự phát triển của thị trường tài chính thì nên chăng, những khoản thuế thu nhập đối với các chủ thể tham gia thị trường này (người gửi tiền, nhà đầu tư chứng khoán) nên có sự nhất quán, tránh trình trạng “trống đánh xuôi, kèn thổi ngược” như hiện nay (người gửi tiền thì không phải nộp thuế, còn nhà đầu tư chứng khoán thua lỗ cũng vẫn không thoát khỏi nghĩa vụ thuế TNCN). Điều này là hết sức cần thiết nhằm đảm bảo sự bình đẳng về nghĩa vụ thuế và tránh tình trạng thuế TNCN chỉ “nắm được người có tóc”./.
 
 
 

[1]Tỷ lệ lạm phát cả năm 2011 lên tới 18,58%, năm 2010 là 11,5%. Xem: “Việt Nam: lạm phát 2011 ở mức 18,6%”, BBC Tiếng Việt, 23/12/2011
[2] Dương Anh Sơn, Đối tượng nộp thuế và thu nhập chịu thuế, Hội thảo về thuế TNCN của Tổng cục Thuế tại TP. Hồ Chí Minh, tháng 8/2007
[3] Xem: http://investtaiwan.nat.gov.tw/matter/show_eng.jsp
[4]Báo cáo kinh nghiệm cải cách thuế thu nhập cá nhân của một số nước trên thế giới, Nguồn: Bộ Tài chính, 7/2012
 
[5] Xem: www.taxworld.org: History of taxation.

(Nguồn tin: Bài viết đăng tải trên ấn phẩm Tạp chí Nghiên cứu lập pháp số 19(227), tháng 10/2012)


Thống kê truy cập

33931075

Tổng truy cập