Các giải pháp bảo đảm quyền có việc làm của hộ nông dân bị thu hồi đất

01/09/2012

PGS. TS. NGUYỄN THANH TUẤN

Viện Nghiên cứu quyền con người

1. Tình hình biến động về việc làm của các hộ nông dân thuộc diện thu hồi đất để phục vụ phát triển kinh tế, xã hội
Từ giữa những năm 1990, với việc đất nước bước vào giai đoạn đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa thì tại nhiều vùng nông thôn đã diễn ra quá trình chuyển đổi mục đích sử dụng đất nông nghiệp (ĐNN) mạnh mẽ để phục vụ việc xây dựng các khu công nghiệp (KCN), khu chế xuất, khu đô thị, các trung tâm dịch vụ và kết cấu hạ tầng hiện đại. Tình hình trên đây đã tác động đến quyền có việc làm của các hộ nông dân thuộc diện thu hồi đất (THĐ) ở các phương diện sau:
Một là, sự biến động trong quy hoạch, quản lý, sử dụng ĐNN
Tính từ 2001 đến 2010, bình quân hàng năm, gần 10 vạn ha ĐNN được thu hồi để phục vụ việc xây dựng các KCN, dịch vụ, đô thị, đường giao thông... Khoảng 50% diện tích ĐNN thu hồi nằm trong vùng kinh tế trọng điểm; trong đó, 80% thuộc loại đất màu mỡ cho 2 vụ lúa/năm. Hệ quả của “làn sóng” công nghiệp hóa, hiện đại hóa gắn với đô thị hóa cộng với quá trình tăng dân số đã làm cho ĐNN bình quân đầu người giảm, hiện chỉ còn dưới 0,1ha/người; (bình quân trên thế giới là 0,25ha/người).
Sự yếu kém trong quy hoạch, kế hoạch quản lý, sử dụng đất cùng với tư tưởng chạy theo lợi ích kinh tế trước mắt đã dẫn đến tình trạng sử dụng ĐNN tuỳ tiện, lãng phí, kể cả tình trạng đất bị ngầm chuyển đổi mục đích sử dụng mà cơ quan chức năng không nắm bắt được, v.v.. Có không ít dự án được quy hoạch nhưng để đất hoang hoá. Nhiều công trình được đầu tư hàng chục tỷ đồng nhưng hàng chục năm không được đưa vào sử dụng, trong khi nông dân không có đất canh tác, phải chuyển đổi ngành nghề, hoặc phải di cư vào thành phố kiếm sống.
Hầu hết các KCN, dịch vụ, đô thị… đều bám dọc các quốc lộ huyết mạch, các vùng nông thôn trù phú, còn những diện tích đất khó thâm canh thì được để lại cho nông dân. Hệ quả là hàng chục vạn ha ĐNN màu mỡ - tư liệu sản xuất quan trọng và quý giá nhất của người nông dân - đã bị sử dụng lãng phí, tác động tiêu cực lớn đến hàng triệu lao động nông thôn.
Hai là, sự biến động trong việc chuyển dịch cơ cấu kinh tế ở nông thôn
Từ giữa thập niên 1990 đến nay, quá trình dịch chuyển cơ cấu lao động của nông dân diễn ra khá nhanh, nhưng chưa tương thích và đáp ứng được yêu cầu chuyển dịch cơ cấu kinh tế. Năm 2009, giá trị nông nghiệp trong GDP đã giảm xuống còn 19,6% trong khi tỷ lệ lao động nông nghiệp vẫn còn ở mức cao 52,8%. Nghịch lý này phản ánh thực tế là công nghiệp, dịch vụ trên địa bàn nông thôn chưa đủ sức tạo việc làm mới để thu hút lao động nông nghiệp, trước hết là đối với các hộ nông dân thuộc diện THĐ. Trong nông nghiệp, ngành trồng trọt vẫn chiếm tỷ trọng lớn; tỷ trọng lâm nghiệp còn thấp; chăn nuôi, thuỷ sản phát triển thiếu ổn định. Công nghiệp, dịch vụ nông thôn phát triển chậm, chưa tác động trực tiếp và thúc đẩy mạnh quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế ở nông thôn nói chung và các hộ nông dân thuộc diện THĐ nói riêng. Doanh nghiệp nông thôn số lượng ít, quy mô nhỏ; số doanh nghiệp tham gia chế biến nông, lâm, thuỷ sản không nhiều. Phần lớn nông sản, kể cả nông sản xuất khẩu, có giá trị gia tăng thấp, chỉ số cạnh tranh chỉ ở mức trung bình hoặc dưới trung bình so với thế giới. Đây là một trong những nguyên nhân làm chậm quá trình chuyển dịch và hạn chế chất lượng cơ cấu kinh tế ở nông thôn.
Ba là, tình trạng ứ đọng lao động ở nông thôn
Cùng với diện tích đất bị thu hồi, tình trạng nông dân không có việc làm trở nên bức xúc. Bình quân mỗi năm ở nông thôn có khoảng 13-15 nghìn lao động không có việc làm. Năm 1990 dân số nông thôn có 53,1 triệu người, chiếm 80,5% dân số cả nước; năm 2010 dân số nông thôn Việt Nam có khoảng 63 triệu người, chiếm 71,0% dân số cả nước.
Trình độ của lao động nông thôn lại chưa đáp ứng được yêu cầu của các doanh nghiệp trong các KCN. Theo thống kê, có trên 83% lao động nông thôn chưa qua khóa đào tạo khoa học kỹ thuật nào; khoảng 18,9% lao động nông thôn đang làm việc chưa tốt nghiệp tiểu học trở xuống. Vì thế khả năng chuyển đổi nghề nghiệp, tìm kiếm hoặc tự tạo việc làm tốt hơn đối với nhóm lao động này là rất khó. Thêm vào đó là lề lối làm ăn lạc hậu trong ngành nông nghiệp truyền thống và tình trạng ruộng đất manh mún, nhỏ lẻ như hiện nay đã hạn chế tính chủ động, sáng tạo của người nông dân trong sản xuất, kinh doanh, cũng như khả năng tiếp cận thị trường của người nông dân.
Tình trạng này đã dẫn đến sự ứ đọng một lượng lớn lao động ở nông thôn. Một số tìm cách di cư ra thành thị tìm việc, tạo sức ép việc làm cho khu vực đô thị. Số còn lại làm nghề phụ ở thôn quê. Thu nhập của lao động nông nghiệp vì thế thấp và thất thường bởi tính thời vụ và rủi ro cao. Đây chính là lý do khiến tỷ lệ nghèo tập trung chủ yếu ở nông thôn. Nguồn lao động thất nghiệp này đã và sẽ làm nảy sinh rất nhiều vấn đề xã hội khác.
Bốn là, các hệ lụy về xã hội, văn hoá, môi trường trong quá trình chuyển đổi mục đích sử dụng đất 
 Sự hình thành trên địa bàn nông thôn những KCN, khu đô thị mới… đã nâng giá trị sử dụng của đất lên gấp nhiều lần, tạo những ngành nghề và việc làm mới, nâng cao giá trị lao động và cải thiện đời sống của một bộ phận đáng kể các hộ nông dân thuộc diện bị THĐ.
 Nhưng đồng thời, quá trình này cũng làm cho những giá trị văn hoá truyền thống ngày càng trở nên mờ nhạt. Nhiều hiện tượng văn hoá mới, thậm chí có những nét xô bồ, lệch lạc ngày một phát tán rõ ở nông thôn. Theo nhiều cách, chúng thâm nhập và làm tha hoá một bộ phận dân cư nông thôn, đặc biệt giới trẻ, bào mòn và làm rạn nứt quan hệ tương thân, tương ái, đồng thuận trong cộng đồng nông thôn.
Khi ĐNN có thể được chuyển thành đất công nghiệp, thương mại và đô thị thì nó trở thành một thứ hàng hóa mà nhà nhà, người người đều muốn chiếm giữ. Người ta sẵn sàng tìm đủ mọi cách, vượt qua mọi thứ tình cảm cha con, anh em… để chiếm giữ quyền sử dụng đất. Và khi quyền sử dụng đất bị thu hồi thì xuất hiện hàng loạt những hệ lụy pháp lý, xã hội, văn hóa, như chiếm dụng đất, thất nghiệp và các tệ nạn xã hội (ma túy, mại dâm...).
Đồng thời, quá trình đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, đô thị hoá cũng mang lại nhiều hệ lụy đối với môi trường ở nông thôn. Tài nguyên ĐNN bị khai thác triệt để, diện tích cây xanh và mặt nước giảm, ô nhiễm môi trường ngày càng gia tăng, đặc biệt ô nhiễm môi trường nước.          
2. Một số giải pháp bảo đảm quyền có việc làm của các hộ nông dân bị thu hồi đất phục vụ việc phát triển kinh tế, xã hội
Xây dựng và triển khai một chương trình về đào tạo nghề cho những người thuộc diện THĐ để phát triển kinh tế, xã hội và thực hiện chiến lược phát triển nông thôn mới
 Đây là giải pháp có tính cấp bách cần được triển khai thống nhất từ trung ương đến địa phương, để tránh trường hợp người dân sau khi nhận tiền đền bù ruộng đất phải lâm vào tình trạng thất nghiệp và không có thu nhập, từ đó phát sinh nhiều tệ nạn xã hội. Vì vậy, ngay từ khâu quy hoạch, cấp phép đầu tư cho đến xây dựng kết cấu hạ tầng trong và ngoài “hàng rào” các KCN, sân gôn, khu đô thị mới... phải có kinh phí cho việc đào tạo nghề đối với người dân bị THĐ. Phương châm là đào tạo không tràn lan, mà phải phù hợp với nhu cầu của lao động tại từng địa phương (huyện, tỉnh), có kết nối với Chương trình việc làm quốc gia.
 Các giải pháp cụ thể gồm:
Tiếp tục đào tạo nghề theo các chương trình khuyến nông, khuyến lâm, khuyến ngư. Đây là hình thức đào tạo đã khá ổn định. Cần tiếp tục mở rộng đối tượng tham gia và nâng cao chất lượng đào tạo. Trong đó rất cần thu hút những người tham gia đào tạo vào mạng lưới tiêu thụ sản phẩm. Bởi chỉ bảo đảm được “đầu ra” người học mới thực hành nghề được đào tạo, nhờ đó những người làm công ăn lương ở nông thôn có thể phát triển được kinh tế gia đình, giảm cường độ và mức độ làm thuê.
Hỗ trợ đào tạo nghề theo chiến lược xuất khẩu, kể cả hỗ trợ đào tạo nghề để tham gia xuất khẩu lao động. Nền nông nghiệp nói riêng và nền kinh tế nước ta nói chung đã và sẽ tiếp tục hướng về xuất khẩu. Do đó đào tạo nghề theo chiến lược xuất khẩu là một phương hướng thực hành nghề rất quan trọng cho lao động nông thôn, nhất là đối với các hộ nông dân thuộc diện THĐ.
Trong lĩnh vực xuất khẩu lao động, Thủ tướng Chính phủ cũng đã ký Quyết định số 71/2009/QĐ-TTg ngày 29/04/2009 phê duyệt “Đề án hỗ trợ các huyện nghèo đẩy mạnh xuất khẩu lao động góp phần giảm nghèo bền vững giai đoạn 2009-2020”. Trong đó có những chính sách: hỗ trợ người lao động (NLĐ) học bổ túc văn hóa, học nghề, ngoại ngữ, bồi dưỡng kiến thức cần thiết để tham gia xuất khẩu lao động; cho NLĐ vay tín dụng ưu đãi với lãi suất bằng 50% lãi suất cho vay hiện hành của Ngân hàng Chính sách xã hội; các cơ sở dạy nghề cho xuất khẩu lao động cũng được vay vốn tín dụng ưu đãi để đầu tư tăng quy mô đào tạo. Đối với các lĩnh vực xuất khẩu khác cũng cần thiết có chính sách hỗ trợ đào tạo nghề như vậy.
Kết hợp “truyền nghề” với đào tạo chính quy. Truyền nghề là hình thức đào tạo dân gian khá phổ biến tại các làng nghề. Nên có chính sách hỗ trợ cho các nghệ nhân, những người thợ lành nghề, nhất là tại các làng nghề, mở các lớp đào tạo theo kiểu truyền nghề; hoặc liên kết với các trường dạy nghề để đào tạo theo kiểu bán chính quy.
Liên kết cơ sở đào tạo, cơ sở cung ứng lao động và cơ sở tuyển dụng lao động để đào tạo nghề. Đây là giải pháp có tính xã hội hóa, nhằm hướng vào những lao động và doanh nghiệp ở nông thôn có nhu cầu đào tạo nghề cho mình và cho những người khác. Sự liên kết giữa họ với các trường dạy nghề sẽ thúc đẩy hình thành mạng lưới các điểm đào tạo nghề theo hướng chính quy và bảo đảm “đầu ra” của công tác đào tạo.
Giải pháp là, một mặt, tiến hành liên kết “ba nhà” - cơ sở đào tạo, cơ sở cung ứng lao động và cơ sở tuyển dụng lao động, trong việc đào tạo nghề mới hoặc đào tạo lại đối với nhưng ng­ười đã qua đào tạo, nhằm thoả mãn yêu cầu nguồn lao động có chất lư­ợng cao của các cơ sở tuyển dụng. Thông qua đó bảo đảm công tác đào tạo gắn với tuyển dụng, với yêu cầu lao động thực tế tại các doanh nghiệp. Mặt khác, cần khuyến khích hoặc có chính sách, như miễn hoặc giảm thuế để các doanh nghiệp, các làng nghề dành ngân sách cho việc đào tạo, bồi d­ưỡng lao động trẻ có năng lực tại chỗ thay vì tuyển dụng từ bên ngoài, rất tốn kém và thiếu ổn định.
Hỗ trợ cho vay vốn để học nghề, nhất là đối với các hộ nông dân nghèo. Chi phí cho việc học nghề, hoặc chuyển đổi nghề là một vấn đề lớn đối với người nghèo. Vì vậy, cần có chính sách giảm chi phí học nghề, như bằng cách hỗ trợ cho vay vốn để đào tạo nghề cho hộ nông dân nghèo. Bên cạnh đó, cần có chính sách ưu đãi để người dân sau khi đi học nghề có thể có việc làm phù hợp ở địa phương, hoặc việc làm tại các doanh nghiệp được xây dựng trên đồng ruộng trước đây của họ.
Tiếp tục xây dựng và hoàn thiện thị trường lao động cho những người ”làm công ăn lương” ở nông thôn
Xác định rõ vai trò và định hướng chính sách tương đối độc lập cho đội ngũ làm công ăn lương ở nông thôn. Những người nông dân bị THĐ dĩ nhiên phải gia nhập thị trường lao động tự do. Họ trở thành những người làm công ăn lương. Nhưng cho đến nay, chúng ta đánh giá chưa đúng, chưa đủ vai trò của đội ngũ làm công ăn lương ở nông thôn trong sự nghiệp xây dựng một nước công nghiệp theo hướng hiện đại. Không nên nhìn nhận họ chỉ ở hiện tượng “lao động cửu vạn” và chỉ mang lại áp lực lớn cho đô thị. Thực ra, đội ngũ này thể hiện cho sự giải phóng lực lượng sản xuất ở khu vực nông nghiệp, nông dân, nông thôn. 
Vai trò của đội ngũ này nên được xác định là lực lượng đột phá trong việc giải quyết vấn đề “tam nông”; kết nối quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa, đô thị hóa giữa nông thôn và đô thị trong sự nghiệp xây dựng xã hội công nghiệp theo hướng hiện đại; là một lực lượng thúc đẩy quá trình “công nhân hóa” các giai tầng xã hội nhằm phát triển ngày càng đông đảo đội ngũ những NLĐ công nghiệp và dịch vụ, trước hết ở nông thôn.
Có thể căn cứ vào các vai trò trên đây của đội ngũ làm công ăn lương ở nông thôn để xác định nội dung các chính sách tương đối độc lập đối với đội ngũ này.
Nhanh chóng xóa bỏ những phân biệt không hợp lý của thị trường lao động ở thành phố nhằm tạo mặt bằng cạnh tranh bình đẳng cho những NLĐ nhập cư vào đô thị. Hiện nay, chúng ta đang tiến hành đổi mới cách thức quản lý đô thị, trong đó có việc đổi mới quản lý hộ tịch. Đây là vấn đề liên quan đến nhiều vấn đề khác, ví dụ an ninh xã hội, nên rất khó thực hiện việc xóa bỏ quản lý hộ tịch. Thế nhưng đang tồn tại tình trạng một số việc làm ổn định có thu nhập tốt chỉ tuyển dụng người có hộ khẩu ở thành phố; hoặc cùng một công việc nhưng thù lao có sự chênh lệch giữa “lao động nhập cư” và lao động thành phố; hoặc người “lao động nhập cư” rất khó đăng ký sản xuất - kinh doanh và cho con nhập học do không có hộ khẩu hoặc nhà ở tại thành phố (mới đây, Hà Nội đã có chính sách cho phép những người ngoại tỉnh không có hộ khẩu nhưng vẫn được đăng ký mua nhà). Cần tiếp tục đổi mới theo hướng này để những người làm công ăn lương ở nông thôn khi thực hiện lao động, sản xuất - kinh doanh tại thành phố không vấp phải những rào cản quá lớn. Cần tập trung xóa bỏ sự phân cách không hợp lý trong thị trường lao động làm công ăn lương giữa nông thôn và đô thị. Trên cơ sở tuyên truyền rộng rãi, cần tăng cường giám sát và kiểm tra, giáo dục về cách thức cạnh tranh bình đẳng, tôn trọng nhân cách và lao động của những NLĐ nhập cư vào thành phố.
Tích cực điều tiết và tạo việc làm cho lao động nhập cư. Cần tích cực điều tiết lao động nhập cư từ nơi thừa sang nơi thiếu. Nên có hình thức liên kết giữa các trung tâm giới thiệu việc làm tại những địa phương có nguồn lao động dồi dào và các doanh nghiệp có nhu cầu tuyển dụng nhiều lao động để bù đắp lao động thiếu hụt. Thực tế, tại những địa ph­ương đang có nhu cầu tuyển dụng nhiều lao động cũng có hàng nghìn, thậm chí hàng chục nghìn lao động tại chỗ, vẫn đang ở trạng thái thăm dò, hoặc đang tìm cách xin việc như­ng không biết nơi cần tuyển dụng. Do đó, cần có hình thức thông tin thích hợp và trực tiếp tại các khu nhà trọ của NLĐ nhập c­ư để tuyển dụng họ. 
Tính chất nhập c­ư lưu động của những người làm công ăn lương ở nông thôn gây khó khăn cho việc kết nối giữa NLĐ và người sử dụng lao động, khi mà NLĐ nhập cư quen tìm việc theo kiểu “truyền tai, rỉ tai” cho nhau, trong khi trang web về việc làm tại một số tỉnh, thành, với rất nhiều thông tin doanh nghiệp cần tuyển dụng lao động lại không đến đ­ược NLĐ. Tình trạng thấp kém trong việc sử dụng vi tính nói riêng và trình độ chuyên môn kỹ thuật nói chung đang cản trở cách thức tìm kiếm việc làm ở tuyệt đại đa số công nhân nông thôn. Từ đó dễ dẫn đến tình trạng thăm dò, băn khoăn về l­ương thấp, công việc không phù hợp, xa nhà trọ, chế độ không rõ ràng v.v…
Giải pháp là tăng cư­ờng phổ biến sâu rộng, ví dụ bằng tờ rơi, bằng mạng l­ưới truyền thanh của xã, phư­ờng, doanh nghiệp…, và bằng trang web về việc làm tại các khu nhà ở, nhà trọ của công nhân nông thôn để hư­ớng dẫn họ cách thức tìm kiếm việc làm theo con đ­ường chính thức và tiện ích này.
Điều tiết và tạo việc làm cho lao động nông thôn “ly nông bất ly hương”: Cần có chính sách và biện pháp phối hợp cụ thể giữa các Bộ, ngành, ví dụ giữa Bộ Công thư­ơng và Bộ Lao động- Th­ương binh và Xã hội để tìm kiếm thị trường tiêu thụ hàng hoá nhằm bảo đảm và tạo việc làm cho những người làm công ăn lương ở nông thôn, đặc biệt tại các làng nghề, các hợp tác xã tiểu thủ công nghiệp trên cả nước.
Cải biến những ngư­ời bán hàng rong thành những người làm công hưởng thu nhập theo hướng hiện đại, văn minh. Một phần không nhỏ các hộ nông dân bị THĐ đã phải mưu sinh bằng gánh hàng rong. Ước tính trên cả n­ước có khoảng 1 triệu ng­ười bán hàng rong khắp đô thị, nông thôn. Những người bán hàng rong là một loại hình làm công hưởng thu nhập theo vụ việc, mà không thuộc một loại hình biên chế nào. Hằng ngày với số vốn 200.000 – 300.000 đồng, những người bán hàng rong có thể kiếm lời khoảng 30.000 – 40.000 đồng. Số tiền lãi này, nếu đ­ược họ đưa vào thị trư­ờng thì đây là cách nuôi đồng vốn và nuôi thị trường tốt nhất. Những ngư­ời bán hàng rong cũng là những nhà phân phối năng động và tài giỏi trong việc đ­ưa hàng hoá đến tận nhà ngư­ời tiêu dùng với giá cả phải chăng. Đối với nền kinh tế thị trư­ờng định h­ướng xã hội chủ nghĩa, khâu phân phối đến tận tay ngư­ời tiêu dùng với giá cả ổn định, có ý nghĩa cực kỳ quan trọng. Chính những ng­ười bán hàng rong là một lực lượng quan trọng góp phần tổ chức mối quan hệ liên thông giữa sản xuất và tiêu dùng nhằm bình ổn giá cả và thị tr­ường.
Giải pháp tổ chức cách thức lao động của họ một cách hợp lý là: Nhân rộng và kết nối “mô hình bán hàng rong” riêng rẽ, nhỏ lẻ của từng cá nhân thành các cộng đồng bán hàng rong theo địa phư­ơng và theo chủng loại hàng hoá, để thực hiện bán hàng rong theo chuỗi với những điểm hậu cần cung ứng nguồn hàng, hay còn gọi là các “chân hàng”. Họ không phải thuộc “biên chế” của một tổ chức kinh tế cụ thể nào, như­ng đ­ược vay vốn ­ưu đãi, đ­ược cung cấp hàng trả chậm để nâng cấp “gánh hàng rong”. Dĩ nhiên, họ phải tuân thủ luật giao thông, vệ sinh đường phố và môi trư­ờng.
Đây là giải pháp vừa khắc phục cách “không quản lý đ­ược thì cấm”, để hình thành lực l­ượng “phân phối nhân dân” theo kiểu kết nối giữa “du kích” và hiện đại nhằm kết nối sản xuất với tiêu dùng và bình ổn giá cả, thị trường; vừa kết nối cách cho “con cá” với “cần câu” nhằm xoá đói giảm nghèo và thiết lập văn minh đ­ường phố. Như­ vậy, gánh hàng rong không còn là hiện tư­ợng nhếch nhác, mà có thể cải biến những người bán hàng rong thành những người làm công ăn lương ngày càng văn minh, hiện đại.
Hạn chế số hộ nông dân bị THĐ để tiết chế tình trạng biến động về lao động ở nông thôn
Về nguyên tắc, để thực hiện được việc làm bao giờ cũng phải có sự kết nối giữa sức lao động và tư liệu sản xuất. Đối với người nông dân, nếu không có ruộng đất thì không thể tạo ra được việc làm cho bản thân và gia đình. Nói cách khác, quyền có việc làm của nông dân chỉ được tôn trọng, bảo vệ và thực hiện khi kết nối được với ruộng đất. Do đó:
- Các Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương cần chú ý tiếp thu ý kiến của chính quyền cơ sở (xã, phường, thị trấn) trong việc tổng kết, rà soát lại hệ thống quy hoạch trên địa bàn địa phương để đảm bảo việc sử dụng ĐNN, nông thôn có hiệu quả nhất.
Hiện nay, phần lớn các dự án lấy ĐNN làm KCN, khu đô thị mới,... thường được phê duyệt từ trên xuống, vì thế tiếng nói của chính quyền xã rất yếu. Kinh nghiệm việc triển khai xây dựng một số KCN, đô thị, đặc biệt khu nghĩa trang, khu chế biến rác thải cho thấy, nếu không được sự đồng thuận của người dân sở tại thì rất khó khăn, và thường gây nên những cuộc khiếu kiện, phản ứng kéo dài, phức tạp. Do đó phải có sự phối hợp giữa các cấp, các ngành, trong đó không thể thiếu ý kiến của chính quyền xã.
Tình hình hiện nay đặt ra thách thức lớn là phải sử dụng đất như thế nào cho thật hợp lý. Đối với vùng đất phù hợp với hoạt động nông nghiệp thâm canh, cần tránh xây dựng KCN, khu đô thị,... Với những dự án đã được triển khai nhưng chưa đưa vào sử dụng, để đất hoang hoá, cần có biện pháp kịp thời giải quyết theo hướng đảm bảo quỹ đất cho phát triển nông nghiệp một cách hợp lý.
 - Duy trì và tăng diện tích đất cho nông nghiệp: Để đảm bảo sự bền vững cho tổng diện tích ĐNN, cần phải khai hoang những diện tíchđất hiện không được sử dụng hoặc sử dụng không hết công suất. Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 2011 - 2020 cũng đã nhấn mạnh việc khai hoang đất ở các vùng ven biển miền Trung để phát triển nông nghiệp.
 - Giao ĐNN cho nông dân quản lý: Cần đề ra các chính sách về giao ĐNN cho người dân quản lý để trồng trọt hoặc chăn nuôi gia súc tùy theo khả năng của đất và nhu cầu về các sản phẩm của thị trường nội địa và xuất khẩu. Tỉnh An Giang đã có chính sách “Về việc quy định hạn mức đất ở cho hộ gia đình, cá nhân tại đô thị và nông thôn trên địa bàn tỉnh An Giang”, cụ thể hạn mức đất ở tại nội đô của thành phố Long Xuyên và thị xã Châu Đốc là 200m2; khu vực thị trấn, ven đô thị là 300m2; khu vực nông thôn là 600m2; tại các xã nông thôn miền núi thuộc 2 huyện Tri Tôn và Tịnh Biên là 800m2.
- Cần phải có chính sách và sự quản lý nghiêm minh của Nhà nước đối với việc chuyển đổi mục đích sử dụng ĐNN: Nhà nước phải có chính sách phù hợp để đạt được hiệu quả tối ưu mục đích sử dụng ĐNN; việc chuyển đổi diễn ra phải dưới sự kiểm soát của Nhà nước, và quan trọng là không làm mất quyền có việc làm của nông dân thuộc diện THĐ./.            
 
 

(Nguồn tin: Bài viết đăng tải trên ấn phẩm Tạp chí Nghiên cứu lập pháp số 17(225), tháng 9/2012)


Thống kê truy cập

33963767

Tổng truy cập