Cần luật hóa trách nhiệm giải trình của trường đại học công lập

01/07/2018

ThS.GV. ĐÀO THỊ THU HẰNG

Trường Đại học Kinh tế Luật, Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh

Tóm tắt: Thi hành Luật GDĐH năm 2012, song song với nghị định về tự chủ đại học, Chính phủ cần nhanh chóng ban hành một nghị định quy định về trách nhiệm giải trình đại học. Trong đó, nguyên tắc giải trình là phải công khai, minh bạch, đầy đủ, kịp thời, bảo vệ lợi ích của các bên liên quan; trách nhiệm giải trình đại học tốt nhất là thuộc về Hiệu trưởng; hình thức quan trọng nhất của trách nhiệm giải trình là công bố khung thông tin về hoạt động của trường.
Từ khóa: Giải trình đại học, trách nhiệm giải trình, giải trình của Hiệu trưởng, quản lý trường đại học công.Abstract: For enforcement of the Law on Higher Education of 2012, along with the decree on university autonomy, it is required the Government to quickly issue a decree regulating university accountability. In particular, the principle of accountability should be open, transparent, adequate and timely and protective for the interests of the concerned parties; It is the best that the university principal is subject to the academic accountability; and it is the most important manner of the acadamic accountability is the information publication about the university's performance.
Keywords: University accountability, accountability, accountability of the principal, public university management. 

Untitled_184.jpg

Ảnh minh họa: nguồn internet

1. Trách nhiệm giải trình của trường đại học
Tự chủ đại học (university autonomy) luôn phải đi kèm với trách nhiệm giải trình (accountability). Nếu tự chủ được xem là “chân ga” giúp các trường đại học tăng tốc và phát triển, thì trách nhiệm giải trình được xem là “chân phanh” giúp các trường “hãm lại”, tránh đi lạc hướng[1]. Tự chủ mà tách rời trách nhiệm giải trình thì sẽ là một thảm họa[2]
Quan điểm quản trị đại học này hiện đang được xem là hiệu quả và phù hợp với xu thế quản lý nhà nước về giáo dục của các quốc gia tiên tiến trên thế giới. Đáp ứng đòi hỏi của thực tiễn, ngày 24/10/2014, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 77/NQ-CP về thí điểm đổi mới cơ chế hoạt động đối với các cơ sở giáo dục đại học (GDĐH) công lập giai đoạn 2014-2017, quy định về quyền tự chủ của các cơ sở GDĐH, bao gồm: tự chủ về đào tạo, nghiên cứu khoa học, tổ chức bộ máy nhân sự, về tài chính. Theo đó, từ tháng 10/2014 - 9/2017, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án thí điểm đổi mới cơ chế hoạt động giai đoạn 2015-2017 theo Nghị quyết số 77/NQ-CP cho 23 cơ sở GDĐH công lập trực thuộc các bộ, ngành trung ương. Chính phủ cũng đã ban hành Nghị định số 16/2015/NĐ-CP Quy định cơ chế tự chủ của đơn vị sự nghiệp công lập trong đó có lĩnh vực giáo dục, đào tạo. Khái niệm tự chủ đại học cũng được Dự thảo Luật Giáo dục Đại học sửa đổi ghi nhận tại Điều 1.1.[3]Có thể thấy, cơ sở pháp lý cho tự chủ đại học cơ bản đã được ban hành.
Tuy nhiên, trách nhiệm giải trình của cơ sở đào tạo nói chung, trường đại học nói riêng còn rất sơ sài. Cụ thể, Luật GDĐH năm 2012 cũng chỉ sử dụng hai lần cụm từ “giải trình”. Trong đó, một là yêu cầu các cơ sở GDĐH có vốn đầu tư nước ngoài giải trình[4], hai là “giải trình” với tư cách là mục tiêu của kiểm định chất lượng GDĐH. Như vậy, nội dung, hình thức và cách thức giải trình của cơ sở GDĐH nói chung và Hiệu trưởng - với tư cách là người quản lý cơ sở GDĐH nói riêng chưa được Luật GDĐH quy định. Trong Dự thảo Luật Giáo dục đại học sửa đổi và các tài liệu có liên quan cũng chỉ đề cập đến “tự chủ cơ sở giáo dục đại học” mà khuyết hẳn phần đối lập là “trách nhiệm giải trình đại học”.
Quyết định số 70/2014/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ ban hành về Điều lệ Trường đại học đã quy định cụ thể hơn về trách nhiệm giải trình. Cụm từ “giải trình” được sử dụng sáu lần trong Quy chế[5]. Theo đó, những chủ thể như Hội đồng trường, Thư ký Hội đồng trường, Hiệu trưởng nhà trường có trách nhiệm phải giải trình. Tuy nhiên, giải trình nội dung gì? với ai? như thế nào? khi nào? chịu hậu quả gì khi không giải trình hoặc giải trình chậm trễ hoặc nội dung giải trình không đúng sự thật… thì Điều lệ chưa quy định rõ.
Thực tế có một số trường đại học công lập đã, đang và sẽ thực hiện quyền tự chủ. Vấn đề đặt ra là trách nhiệm giải trình của họ được quy định như thế nào để cân bằng được giữa quyền và trách nhiệm, để sử dụng hiệu quả các nguồn lực mà Nhà nước giao cho các trường đại học, tạo môi trường cạnh tranh bình đẳng trong thực hiện mục tiêu giáo dục giữa trường đại học công lập và ngoài công lập. Vậy, trách nhiệm giải trình của trường đại học là gì?
Có nhiều quan điểm khác nhau về trách nhiệm giải trình. Quan điểm thứ nhất cho rằng, trách nhiệm giải trình (accountability) là sự thừa nhận về trách nhiệm đối với mọi hành động, mọi sản phẩm, mọi quyết định hay chính sách mà chúng ta đưa ra trong việc lãnh đạo, quản lý, và thực hiện công việc[6]. Quan điểm thứ hai cho rằng, trách nhiệm giải trình bao gồm các nghĩa vụ cung cấp thông tin, lý giải và chịu trách nhiệm về mọi hoạt động của nhà trường[7]. Ý kiến thứ ba giải thích, trách nhiệm giải trình “được hiểu nôm na là trách nhiệm giải thích việc thực thi nhiệm vụ, công vụ, hành động, hoạt động, sản phẩm, quyết định và chính sách bao gồm cả việc quản lý, quản trị của một tổ chức, hay một cá nhân khi được (ai đó) yêu cầu. Nội hàm của trách nhiệm giải trình bao gồm nghĩa vụ báo cáo, giải thích, chịu trách nhiệm về hậu quả, và phải chịu hình phạt trong trường hợp có hành vi sai trái về những gì tổ chức, cá nhân đó đã cam kết, hoặc theo một quy định hay khế ước nào đó của luật pháp, của xã hội”[8]. Từ những quan điểm nêu trên, chúng tôi cho rằng, trách nhiệm giải trình của trường đại học là nghĩa vụ của trường đại học công bố thông tin, giải thích, báo cáo và chịu trách nhiệm về mọi hoạt động của nhà trường cũng như kết quả thực hiện mục tiêu giáo dục với người học, người lao động, đối tác và cơ quan quản lý nhà nước.
2. Hình thức trách nhiệm giải trình
Có thể thấy, trách nhiệm giải trình được thực hiện thông qua hành vi công bố thông tin cập nhật thường xuyên, giải thích khi có khiếu nại, thắc mắc từ người học, người lao động, đối tác và báo cáo với cơ quan quản lý nhà nước khi cần thiết. Trong đó, công bố thông tin là thành phần quan trọng nhất của trách nhiệm giải trình, nó phải là thủ tục bắt buộc để người học, đối tác và cơ quan quản lý có thể tiếp cận thuận lợi, dễ dàng, nhanh chóng. Thông tin có thể được công bố trên trang web của mỗi trường hoặc của Bộ Giáo dục và Đào tạo. “Trong các cơ chế bảo đảm trách nhiệm giải trình, công khai thông tin được xem là cơ chế ít tốn nguồn lực và hiệu quả, nhưng dường như vẫn chưa được khai thác triệt để tại Việt Nam”[9]. Yêu cầu này cũng góp phần vào sự minh bạch hoạt động quản lý và đào tạo của nhà trường với mức chi phí thực thi không quá cao. Trường đại học cũng có nghĩa vụ giải thích về những hành vi, quyết định, chính sách của mình với người học, đối tác và cơ quan quản lý nhà nước. Chẳng hạn, theo GS. Hoàng Xuân Sính, ngay cả trong những hoạt động thuần túy phục vụ lợi ích của người học như trao học bổng, trường cũng phải trả lời hàng loạt câu hỏi của sinh viên, phụ huynh về nguồn gốc học bổng, cách chia các suất học bổng, cách chọn lựa sinh viên nhận học bổng…[10]. Tuy nhiên, nếu trách nhiệm giải trình chỉ dừng lại ở công bố và giải thích thì chưa đủ mà trường đại học còn phải chịu trách nhiệm về những hành vi của mình đối với người học, với đối tác, người lao động và với cơ quan quản lý nhà nước qua việc cá nhân chịu nhận lỗi, bị kỷ luật, từ chức, phạt tiền, hay kể cả truy cứu trách nhiệm hình sự về những sai sót của mình hay của trường đại học do mình quản lý, điều hành. Ở khía cạnh này, trách nhiệm giải trình khác với trách nhiệm bởi nó nhấn mạnh đến sự chịu trách nhiệm của một cá nhân nào đó khi không hoàn thành hay hoàn thành chưa tốt trách nhiệm được giao.
3. Nội dung của trách nhiệm giải trình
Tùy vào góc độ tiếp cận mà nội dung giải trình khác nhau. Chẳng hạn, trong Đạo luật về Công khai thông tin của các cơ sở giáo dục của Hàn Quốc, tất cả các cơ sở giáo dục tại Hàn Quốc sẽ phải định kỳ công bố thông tin theo các khía cạnh: sinh viên, giảng viên, hợp tác, ngân sách và cơ sở vật chất[11]. Theo trình bày lại của GS. Đặng Ứng Vận thì có 3 hình thức giải trình của cơ sở giáo dục: 1/ Giải trình theo chiến lược đã được phê duyệt; 2/ Giải trình theo hợp đồng đã ký kết giữa nhà trường và nhà nước; 3/ Giải trình theo quy chế về kết quả hoạt động của nhà trường[12]. Theo GS. Trần Đức Viên, trách nhiệm giải trình của cơ sở GDĐH trong điều kiện và hoàn cảnh cụ thể của chúng ta có thể thể hiện qua các hoạt động sau: (i) Công khai về sứ mạng, mục tiêu giáo dục và các giá trị cốt lõi của nhà trường, đồng thời, cam kết thực hiện những nội dung đó; (ii) Xây dựng, hoàn thiện và thực hiện đầy đủ các văn bản quản trị và quản lý nội bộ đối với mọi lĩnh vực hoạt động của trường; (iii) Công khai chỉ số đầu ra cơ bản KPIs đã cam kết; (iv) Định kỳ kiểm định chất lượng trường và chương trình đào tạo đạt yêu cầu của tiêu chuẩn chất lượng GDĐH quốc gia, khuyến khích kiểm định chất lượng khu vực và quốc tế, và công khai kết quả kiểm định chất lượng; (v) Thực hiện kiểm toán độc lập hằng năm và công khai kết quả kiểm toán; (vi) Thực hiện nghiêm túc và đầy đủ chế độ báo cáo các cơ quan quản lý trường đại học, cơ quan giám sát, các thông tin công khai phải được cập nhật thường xuyên, định kỳ[13]. Chúng tôi cho rằng, dưới góc độ quản lý và sử dụng hiệu quả nguồn lực nhà nước thì trách nhiệm giải trình của trường đại học sẽ thể hiện qua ba nội dung cơ bản sau:
- Cơ sở vật chất, hoạt động tài chính, nhân lực mà trường đang quản lý sử dụng. Chẳng hạn, diện tích đất sử dụng, vị trí đặt trường, số lượng, chất lượng cán bộ, giảng viên, nhân viên, kinh phí đầu tư thiết bị nghiên cứu và giảng dạy, số phòng nghiên cứu, phòng thí nghiệm, số phòng thí nghiệm đạt tiêu chuẩn ISO, kinh phí đầu tư cho trung tâm học liệu, v.v.. Các trường đại học công lập hiện nay được giao quản lý và sử dụng những nguồn lực với giá trị và đặc thù khác nhau. Chẳng hạn, Trường Đại học Bách khoa TP. Hồ Chí Minh hiện nay được xem là một trong những trường sử dụng diện tích đất lớn nhất khu vực thành phố, Trường Đại học Khoa học xã hội và nhân văn có lợi thế là đóng ngay trung tâm, dễ dàng thu hút người học, đặc biệt là những khóa học ngắn hạn hoặc buổi tối. So với các trường đại học tư thục, thì trường đại học công lập có nhiều lợi thế về quyền sử dụng đất, diện tích và vị trí đất mà trường tọa lạc. Vấn đề này ảnh hưởng không nhỏ đến mức học phí giữa hai khối này. Do vậy, để so sánh mức thu học phí của các trường, chúng ta phải đưa về một mặt bằng, tức phải quy ra tiền tổng giá trị tài sản của trường để đánh giá. Mặt khác, số lượng giảng viên, nhân viên của các trường cũng là vấn đề cần phải giải trình, dù nhiều trường đại học công lập đã triển khai đề án về vị trí, việc làm. Chẳng hạn, phải giải trình nếu trường có số lượng giáo sư, tiến sỹ đông nhưng số lượng các nghiên cứu khoa học lại ít, số lượng học viên, sinh viên ít và như vậy, có đảm bảo sử dụng nhân lực hiệu quả?  
- Sản phẩm đầu ra bao gồm: số lượng lượt sinh viên, học viên được đào tạo và những công bố khoa học. Trường đã đào tạo bao nhiêu cử nhân, bao nhiêu thạc sỹ, tiến sỹ, bồi dưỡng thế nào, số sản phẩm khoa học và công nghệ, tiến bộ kỹ thuật, công nghệ mới được áp dụng, số bài báo thuộc hệ thống ISI/ Scopus, số lượng giải thưởng quốc gia, quốc tế về khoa học và công nghệ, số lượt giảng viên tham gia các hội thảo khoa học quốc gia và quốc tế, tỷ lệ kinh phí hoạt động khoa học và công nghệ/tổng kinh phí, số phát minh sáng chế, số hợp đồng hợp tác với doanh nghiệp, với địa phương, v.v.. Hiện nay, hầu hết các trường đại học đều chạy theo số lượng học viên được đào tạo. Số lượng học viên học càng nhiều thì nguồn thu của trường sẽ càng tốt, mặc dù không có trường nào thừa nhận mình là doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ giáo dục. Bên cạnh đó, cũng cần cân nhắc khi đánh giá việc công bố công trình khoa học, vì hiện nay, việc công bố đang được tính theo đơn vị trường mà không đề cập đến trường đó có bao nhiêu giảng viên, chuyên viên. Chẳng hạn, trường hơn 1.000 giảng viên, chuyên viên mà công bố khoa học là 200 công trình thì phải được đánh giá khác với trường có 300 giảng viên, chuyên viên mà công bố khoa học cũng 200 công trình. Hoặc đánh giá những công trình nghiên cứu của nhà trường có đóng góp gì cho xã hội không?
- Chất lượng đào tạo, mức độ đạt mục tiêu giáo dục được giao tỷ lệ giảng viên/người học, tỷ lệ giảng viên có học vị tiến sỹ, tỷ lệ giảng viên có chức danh giáo sư, phó giáo sư, số chương trình đào tạo được kiểm định, mức độ hài lòng của nhà tuyển dụng, tỷ lệ sinh viên có việc làm ở trong nước và nước ngoài, v.v.. Chúng ta vẫn biết rằng, việc đo lường, đánh giá hiệu quả trong hoạt động giáo dục là không dễ. Tuy nhiên, dù khó vẫn phải làm. Có như vậy mới tránh được tình trạng tham ô, lợi dụng chức vụ quyền hạn, biến của công thành của tư, biến nhà trường thành tổ chức gia đình trị, sử dụng không hiệu quả các nguồn lực của Nhà nước. Thông qua trách nhiệm giải trình, cơ quan quản lý nhà nước, học viên, người lao động, đối tác sẽ có bức tranh tương đối đầy đủ để đánh giá về hiệu quả hoạt động của trường và của người quản lý điều hành trường. Sản phẩm đầu ra của giáo dục mang tính đặc thù, ngoài những kiến thức, kỹ năng chuyên môn, còn là thái độ, phẩm chất của người học được bồi bổ, tu dưỡng hàng ngày và phụ thuộc rất lớn vào năng lực và mong muốn của học viên. Do vậy, việc đánh giá chất lượng đào tạo nên do các trung tâm trung lập đánh giá, trong đó quan trọng hơn cả là đánh giá của các nhà tuyển dụng. Nhưng đánh giá mức độ hoàn thành mục tiêu giáo dục thì phải do cơ quan quản lý nhà nước đảm nhiệm dựa trên báo cáo của các trường đại học.
Chúng tôi rất đồng tình với ý kiến của TS. Phạm Đăng Huấn, mục đích cuối cùng của trách nhiệm giải trình là tạo sức ép lên cán bộ lãnh đạo và công chức, từ đó tăng cường hiệu lực pháp luật và hiệu quả thực thi chính sách[14]. Trong bối cảnh hiện nay, chúng ta chưa thể đòi hỏi trách nhiệm giải trình là nhằm bảo đảm trường sẽ duy trì những nguyên tắc đạo đức cơ bản. Bởi ngay cả khung pháp lý về trách nhiệm giải trình của các trường đại học chúng ta còn chưa có. Nhưng trên tinh thần tương tự như đòi hỏi của Nhà nước đối với doanh nghiệp nhà nước về công bố thông tin trong Luật Doanh nghiệp, trường đại học công lập phải có trách nhiệm giải trình chặt chẽ, chi tiết, nghiêm ngặt hơn các trường đại học dân lập.
4. Người thực hiện trách nhiệm giải trình của các trường đại học công lập
Điều lệ trường đại học đã quy định về người có trách nhiệm giải trình bao gồm: Hiệu trưởng, Hội đồng trường và Thư ký Hội đồng trường[15], tuy nhiên quy định còn khá chung chung và chưa thực tế.
Luật GDĐH và Điều lệ trường đại học đều quy định về Hội đồng trường. Nhưng trên thực tế hiện nay, hầu hết các trường công lập đều chưa lập Hội đồng trường hoặc Hội đồng trường hoạt động mang tính hình thức, quyền lực thực sự vẫn tập trung vào tay Hiệu trưởng[16]. Hiệu trưởng trường đại học là người đại diện cho cơ sở GDĐH trước pháp luật, chịu trách nhiệm quản lý các hoạt động của cơ sở GDĐH. Hiệu trưởng do cơ quan nhà nước có thẩm quyền bổ nhiệm hoặc công nhận[17]. Hiệu trưởng cơ sở GDĐH công lập là chủ tài khoản, chịu trách nhiệm trước pháp luật về toàn bộ công tác quản lý tài chính và tài sản của cơ sở GDĐH; thực hiện quyền tự chủ và tự chịu trách nhiệm công khai, minh bạch về tài chính theo quy định của pháp luật; chấp hành các quy định về kế toán và kiểm toán. Điều lệ trường đại học còn bổ sung thêm rằng: “Hiệu trưởng là người điều hành tổ chức, bộ máy của trường đại học”[18]. Với tư cách là người đứng đầu điều hành tổ chức bộ máy của trường đại học, Hiệu trưởng có rất nhiều quyền lực trong trường đại học[19]. Do vậy, theo chúng tôi, vẫn nên quy định trách nhiệm giải trình thuộc về Hiệu trưởng, kể cả khi có Hội đồng trường. Bởi lẽ Hội đồng trường chỉ là cơ quan được thiết kế để quản trị, tức đưa ra đường lối, phương hướng thực hiện mục tiêu giáo dục và Hiệu trưởng là một thành viên của Hội đồng trường. Việc quản lý điều hành, cụ thể là Hiệu trưởng. Ngay cả khi có Hội đồng trường thì việc tuyển dụng và sử dụng nhân sự vẫn do Hiệu trưởng trực tiếp thực hiện. Tài chính của trường vẫn do Hiệu trưởng thu và chi. Bằng cấp, chứng chỉ vẫn do Hiệu trưởng ký, phát hành. Hội đồng trường như thiết kế trong Luật GDĐH hiện tại chỉ mang tính “cố vấn” và Hiệu trưởng có thể không nghe theo và được quyền báo cáo với cơ quan trực tiếp quản lý trường[20]. Suy cho cùng thì Hiệu trưởng vẫn phải là người có quyền để tổ chức điều hành bộ máy trường đại học để thực hiện hoạt động đào tạo, nghiên cứu khoa học, hợp tác giáo dục và đảm bảo chất lượng.
Nếu trách nhiệm quy định chung chung cho một Hội đồng trường với các thành phần phức tạp, gồm cả trong trường và ngoài trường, có lợi ích trực tiếp và không có lợi ích trực tiếp, thì thực sự chưa ổn và phi thực tế[21]. Do vậy, trách nhiệm giải trình nên được quy về cho Hiệu trưởng - người trực tiếp thực hiện việc điều hành, người trực tiếp nhân danh nhà trường trong quan hệ với cơ quan quản lý nhà nước, với người học, với người lao động trong trường, với đối tác, với doanh nghiệp. Hiệu trưởng cũng là người biết rõ về từng giảng viên, chuyên viên trong trường đang thực hiện hoạt động nào được giao. Do vậy, dù có Hội đồng trường hay không thì Hiệu trưởng vẫn phải là người chịu trách nhiệm giải trình ở trường đại học là quy định hoàn toàn xác đáng. Điều này cũng tương thích với quy định về trách nhiệm giải trình của cơ quan nhà nước phải là người đứng đầu[22].
5. Giải trình với những chủ thể nào?
Điều lệ Trường đại học cũng đã chỉ ra rằng, trường đại học có trách nhiệm giải trình với cơ quan quản lý nhà nước và các bên liên quan về các hoạt động của nhà trường theo quy định của pháp luật”[23]. Như vậy, giải trình không chỉ đến địa chỉ “cơ quan quản lý nhà nước” về giáo dục mà Điều lệ cũng chỉ ra gồm cả những bên liên quan. Cơ quan quản lý nhà nước có thể là cơ quan chủ quản hoặc cơ quan quản lý về giáo dục, chẳng hạn Bộ Nội vụ là cơ quan chủ quản của Trường Đại học Nội vụ; Bộ Giáo dục và đào tạo là cơ quan quản lý nhà nước ở trung ương về hoạt động giáo dục đào tạo.
Mặc dù Điều lệ không chỉ rõ “bên liên quan” bao gồm những ai, nhưng từ thực tiễn hoạt động đào tạo thì “bên liên quan” có thể là người học, đối tác của trường như trường đại học khác trong quan hệ liên kết đào tạo hoặc doanh nghiệp có hợp đồng đào tạo với nhà trường, người lao động trong trường, tức các bên có quan hệ hợp đồng với trường.
Liệu “các bên liên quan” này có bao gồm cả phụ huynh, nhà tuyển dụng? Chúng tôi cho rằng, không nên giải thích nội hàm của “các bên liên quan” quy định trong khoản 3 Điều 5 Điều lệ Trường đại học bao gồm cả phụ huynh, nhà tuyển dụng, thậm chí là xã hội nói chung. Bởi lẽ, sinh viên, học viên học đại học là những người đã đủ 18 tuổi, năng lực dân sự đầy đủ thì họ mới đủ điều kiện để học đại học. Do vậy khi họ xác lập mối quan hệ với trường đại học, họ là một bên của giao dịch cung ứng dịch vụ giáo dục, họ hoàn toàn có đầy đủ năng lực để tự mình xác lập và chịu trách nhiệm về hành vi của mình. Do vậy, người cần được giải trình là họ chứ không phải là phụ huynh của họ. Ví dụ, khi tuyển sinh, nhà trường yêu cầu học đủ và đạt 150 tín chỉ thì sẽ cấp bằng. Tuy nhiên, học hết chương trình nhưng chỉ có 149 tín chỉ, bởi lỗi do sơ suất trong việc xây dựng chương trình thì phía nhà trường phải giải trình với chính những sinh viên đó. Hoặc khi xây dựng chương trình đào tạo luật thương mại quốc tế, nhưng vì lý do nào đó, sinh viên không được học về Incoterms[24] dẫn đến khi đi thực tập, sinh viên không đáp ứng được yêu cầu của doanh nghiệp, thì nhà trường phải có trách nhiệm giải trình với những sinh viên này. Hoặc trong trường hợp, phòng học của trường mà chỉ có một cửa ra vào duy nhất và không có một cửa sổ nào, trường cho rằng phòng học có gắn máy lạnh thì không cần cửa sổ, sinh viên yêu cầu giải thích về tiêu chuẩn của một phòng học và họ không chấp nhận lời giải thích từ phía trường, thì họ có thể dùng quyền khiếu nại của mình hoặc thậm chí là kiện ra tòa về điều kiện cung cấp dịch vụ không đảm bảo.
Nhà tuyển dụng là cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp sử dụng lao động là sinh viên được trường đào tạo, họ không có mối quan hệ trực tiếp, quyền lợi trực tiếp gắn với trường đại học, do vậy, yêu cầu trường đại học phải giải trình với họ là điều không cần thiết, dù rằng, những yêu cầu từ phía nhà tuyển dụng đối với người lao động là sinh viên, học viên của trường vô cùng quan trọng với việc xây dựng chương trình đào tạo và đánh giá chất lượng giáo dục.
6. Cần luật hóa chi tiết trách nhiệm giải trình của trường đại học công lập
Có quan điểm cho rằng, trách nhiệm giải trình là điểm yếu nhất trong Điều lệ Trường đại học. Điều lệ chỉ đòi hỏi các trường thực hiện việc báo cáo, công khai và giải trình “theo các quy định của pháp luật”, một cụm từ thường được dùng để thu hẹp ngoại diên của các khái niệm. Nói cách khác, chừng nào pháp luật còn chưa quy định cụ thể về trách nhiệm giải trình của các trường thì các trường không việc gì phải bận tâm. Điều cần làm nhất trong công tác quản lý nhà nước với tư cách là người bảo vệ lợi ích công là đòi hỏi trách nhiệm giải trình công khai của các trường và thiết lập một hành lang pháp lý giúp cho các trường có một hệ thống quản trị lành mạnh[25]. Chúng tôi hoàn toàn nhất trí với nhận định này.
Trong các văn bản quy định hiện hành về GDĐH, nội hàm của khái niệm trách nhiệm giải trình chưa thực sự được làm rõ. Ngay trong Dự thảo Thông tư về ban hành Quy chế thực hiện công khai đối với cơ sở giáo dục và đào tạo thuộc hệ thống giáo dục quốc dân của Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng không đề cập đến trách nhiệm giải trình[26]. Do vậy, việc ban hành khung pháp lý về trách nhiệm giải trình của các trường đại học là vô cùng cần thiết và cấp bách. Trong khung pháp lý đó, phải thiết kế sao cho trách nhiệm giải trình của các trường đại học công lập chặt chẽ, nghiêm khắc hơn các trường tư thục. Mặt khác, phải hình thành các nội dung cần phải công bố công khai trên website của trường của Bộ Giáo dục và Đào tạo theo khung thống nhất. Kinh nghiệm của Hàn Quốc cho thấy, khung công bố thông tin bắt buộc cho các cơ sở giáo dục gồm 13 nhóm vấn đề sau:[27] nội quy trường học; các vấn đề liên quan đến nội dung và hoạt động của chương trình giảng dạy; các vấn đề liên quan đến phương pháp và biểu thời gian lựa chọn học viên; các vấn đề liên quan đến tình trạng hiện tại của sinh viên, chẳng hạn như tỷ lệ nhập học và số học viên ghi danh; các vấn đề liên quan đến các khóa học cho học viên đã tốt nghiệp, chẳng hạn như hiện trạng của học viên học cao hơn và những người đã có việc làm; vấn đề liên quan giáo viên cơ hữu; thành tích nghiên cứu của giáo viên cơ hữu; vấn đề liên quan đến kế toán của trường và những sáng lập viên của nó bao gồm các chi tiết về ngân sách và các tài khoản quyết toán; các vấn đề liên quan đến việc tính học phí và chi phí giáo dục cho mỗi học sinh; các vấn đề liên quan đến lệnh điều chỉnh... theo Điều 60 đến 62 của Đạo luật GDĐH; kế hoạch phát triển và chuyên môn của trường; hiện trạng nghiên cứu của cán bộ giảng dạy, giáo dục cho học viên và sự hợp tác giữa các ngành công nghiệp và giới học thuật; hiện trạng hỗ trợ thư viện và nghiên cứu; các vấn đề khác liên quan đến điều kiện giáo dục, tình trạng hoạt động của trường học...
Trong điều kiện Việt Nam hiện nay, song song với nghị định về tự chủ đại học, Chính phủ cần nhanh chóng ban hành một nghị định quy định về trách nhiệm giải trình đại học. Trong đó, nguyên tắc giải trình là phải công khai, minh bạch, đầy đủ, kịp thời, bảo vệ lợi ích của các bên liên quan. Trách nhiệm giải trình đại học tốt nhất là giao cho Hiệu trưởng, hình thức quan trọng nhất của trách nhiệm giải trình là công bố khung thông tin về hoạt động của trường. Trong các nội dung công bố, ở giai đoạn hiện nay cần nhấn mạnh các nội dung về nguồn lực cơ sở vật chất, hoạt động tài chính, chất lượng đào tạo, công bố khoa học và sự hài lòng của nhà tuyển dụng. Làm tốt công tác công bố thông tin, chúng ta sẽ góp phần làm minh bạch môi trường cạnh tranh trong giáo dục, tránh được những tiêu cực không đáng có tại các trường đại học công lập hiện nay và nâng cao sức cạnh tranh của các trường đại học công lập ở Việt Nam./.

 


[1] Phạm Hiệp, Thúc đẩy trách nhiệm giải trình,
http://www.nhandan.com.vn/cuoituan/item/34537702-thuc-day-trach-nhiem-giai-trinh.html, truy cập ngày 27/12/2017
[2] Phạm Thị Ly, Điều lệ đại học: Trốn trách nhiệm giải trình,
http://dantri.com.vn/giao-duc-khuyen-hoc/dieu-le-truong-dai-hoc-trong-trach-nhiem-giai-trinh-1420381142.htm, truy cập ngày 27/12/2017
[3] Điều 1.1 Dự thảo Luật Giáo dục Đại học sửa đổi năm 2018: Tự chủ đại học là quyền của các cơ sở giáo dục đại học được cơ quan nhà nước và các tổ chức, cá nhân khác tôn trọng trong việc tự xác định mục tiêu và lựa chọn cách thức thực hiện mục tiêu; tự quyết định và có trách nhiệm giải trình về các hoạt động chuyên môn, tổ chức và nhân sự, tài chính, tài sản và các hoạt động khác phù hợp với năng lực tự chủ; đảm bảo các tiêu chuẩn chất lượng giáo dục đại học và chấp hành sự thanh tra, kiểm tra của cơ quan quản lý có thẩm quyền theo quy định của pháp luật.”- (Tài liệu số A17.02 Dự thảo Luật Giáo dục Đại học sửa đổi năm 2018)
[4] Xem Điều 39 Luật GDĐH năm 2012.
[5] Xem Điều 5, Điều 9 và Điều 21 Điều lệ Trường đại học kèm theo Quyết định 70/2014/QĐ-TTg ngày 10/12/2014.
[6] Phạm Thị Ly, Trách nhiệm giải trình của trường đại học, 
http://www.thesaigontimes.vn/119362/Trach-nhiem-giai-trinh-cua-truong-dai-hoc.html, truy cập ngày 27/12/2017.
[7] Nguyễn Minh Thuyết, Tự chủ đại học - Thực trạng và giải pháp,
http://hcmussh.edu.vn/?ArticleId=f27e753c-74dc-4658-b0f0-c279198d2dde, truy cập ngày 27/12/2017
[8] Như Quỳnh, Tự chủ đại học và trách nhiệm giải trình: hai mặt của một vấn đề, trên: https://baomoi.com/tu-chu-dai-hoc-va-trach-nhiem-giai-trinh-hai-mat-cua-mot-van-de/c/23808666.epi truy cập ngày 28/12/2017
[9] Phạm Hiệp, Thúc đẩy trách nhiệm giải trình, trên: http://www.nhandan.com.vn/cuoituan/item/34537702-thuc-day-trach-nhiem-giai-trinh.html, truy cập ngày 27/12/2017
[10] Như Quỳnh, Tự chủ đại học và trách nhiệm giải trình: hai mặt của một vấn đề, tlđd.
[11] Luật số 12844, sửa đổi bổ sung về những trường hợp đặc biệt liên quan đến công bố thông tin của các cơ sở đào tạo (Act on special cases concerning the disclosure information by education – related institutions) ngày 19/10/2014.
[12] Đặng Ứng Vận, Đại học tự chủ: Giải trình và chịu trách nhiệm với xã hội như thế nào? http://giaoduc.net.vn/Giao-duc-24h/Dai-hoc-tu-chu-Giai-trinh-va-chiu-trach-nhiem-voi-xa-hoi-nhu-the-nao-post157127.gd, truy cập ngày 27/12/2017.
[13] Như Quỳnh, Tự chủ đại học và trách nhiệm giải trình: hai mặt của một vấn đề, tlđd.
[14] Đặng Văn Huấn, Gây hậu quả xấu không thể nhận lỗi tập thể, http://vietnamnet.vn/vn/tuanvietnam/gay-hau-qua-xau-khong-the-nhan-loi-tap-the-245082.html, truy cập ngày 27/12/2017
[15] Điều 5, Điều 9 Điều lệ Trường đại học, ban hành kèm theo Quyết định 70/2014/QĐ-TTg ngày 10/12/2014 của Thủ tướng Chính phủ.
[16]Lâm Nguyên, Phải đảm bảo hội đồng trường có thực quyền, http://www.sggp.org.vn/phai-bao-dam-hoi-dong-truong-co-thuc-quyen-486995.html; truy cập ngày 25/12/2017.
[17] Điều 20 Luật GDĐH năm 2012.
[18] Điều 11 Điều lệ Trường đại học, ban hành kèm theo Quyết định 70/2014/QĐ-TTg ngày 10/12/2014 của Thủ tướng Chính phủ.
[19] Điều 11. Hiệu trưởng trường đại học(Điều lệ trường đại học 2014)
...2. Nhiệm vụ, quyền hạn của hiệu trưởng được quy định tại Khoản 3, Điều 20 của Luật GDĐH và một số nhiệm vụ và quyền hạn cụ thể sau đây:
a) Xây dựng chiến lược và kế hoạch phát triển đào tạo và nghiên cứu khoa học của nhà trường trình hội đồng trường phê duyệt;
b) Xây dựng quy định về: Số lượng, cơ cấu lao động, vị trí việc làm, tuyển dụng, quản lý, sử dụng, phát triển đội ngũ giảng viên, nghiên cứu viên, cán bộ quản lý, người lao động trình hội đồng trường thông qua;
c) Tổ chức tuyển dụng, quản lý và sử dụng hiệu quả đội ngũ giảng viên, cán bộ quản lý, viên chức và người lao động khác theo quy định của pháp luật;
d) Hàng năm, tổ chức đánh giá giảng viên, cán bộ quản lý, viên chức và người lao động khác;
đ) Xem xét các ý kiến tư vấn của hội đồng khoa học và đào tạo trước khi quyết định các vấn đề đã giao cho hội đồng khoa học và đào tạo tư vấn. Trường hợp không đồng ý với nội dung tư vấn, hiệu trưởng được quyết định, chịu trách nhiệm cá nhân về quyết định và báo cáo hội đồng trường trong kỳ họp hội đồng trường gần nhất;
e) Tổ chức thực hiện nghị quyết của hội đồng trường; trao đổi với chủ tịch hội đồng trường và thống nhất cách giải quyết theo quy định của pháp luật nếu phát hiện nghị quyết vi phạm pháp luật, ảnh hưởng đến hoạt động chung của nhà trường. Trường hợp không thống nhất được cách giải quyết thì hiệu trưởng báo cáo với cơ quan trực tiếp quản lý trường.
Điều 20. Hiệu trưởng (Luật GDĐH năm 2012).
...3. Nhiệm vụ và quyền hạn của hiệu trưởng:
a) Ban hành các quy chế, quy định trong cơ sở GDĐH theo nghị quyết của hội đồng trường, hội đồng quản trị, hội đồng đại học;
b) Quyết định thành lập, sáp nhập, chia, tách, giải thể các tổ chức của cơ sở GDĐH theo nghị quyết của hội đồng trường, hội đồng quản trị, hội đồng đại học; bổ nhiệm, bãi nhiệm và miễn nhiệm các chức danh trưởng, phó các tổ chức của cơ sở GDĐH;
c) Tổ chức thực hiện nghị quyết của hội đồng trường, hội đồng quản trị, hội đồng đại học;
d) Xây dựng quy hoạch và phát triển đội ngũ giảng viên, cán bộ quản lý;
đ) Tổ chức thực hiện các hoạt động đào tạo, nghiên cứu khoa học, hợp tác quốc tế, bảo đảm chất lượng GDĐH;
e) Thực hiện chế độ thông tin, báo cáo và chịu sự giám sát, thanh tra, kiểm tra theo quy định;
g) Xây dựng và thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở; tiếp thu ý kiến và chịu sự giám sát của cá nhân, tổ chức, đoàn thể trong cơ sở GDĐH;
h) Hằng năm, báo cáo kết quả thực hiện nhiệm vụ của hiệu trưởng và ban giám hiệu trước hội đồng trường, hội đồng quản trị, hội đồng đại học;
i) Các nhiệm vụ và quyền hạn khác theo quy định của pháp luật.
[20] Điểm e Khoản 2 Điều 11 Điều lệ Trường đại học, kèm theo Quyết định 70/2014/QĐ-TTg ngày 10/12/2014 của Thủ tướng Chính phủ.
[21] Điều 9 Điều lệ Trường đại học, ban hành kèm theo Quyết định 70/2014/QĐ-TTg ngày 10/12/2014 của Thủ tướng Chính phủ.
[22] Điều 3, Nghị định số 90/2013/NĐ-CP quy định về trách nhiệm giải trình của cơ quan nhà nước trong việc thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn được giao ngày 08/8/2013.
[23] Khoản 3 Điều 5 Điều lệ Trường đại học, ban hành kèm theo Quyết định 70/2014/QĐ-TTg ngày 10/12/2014 của Thủ tướng Chính phủ.
[24] Incoterms (International Commerce Terms – Các điều khoản thương mại quốc tế) là một Bộ các quy tắc thương mại quốc tế được công nhận và sử dụng rộng rãi trên toàn thế giới.
[25] Phạm Thị Ly, Điều lệ Trường đại học: Trống trách nhiệm giải trình, http://dantri.com.vn/giao-duc-khuyen-hoc/dieu-le-truong-dai-hoc-trong-trach-nhiem-giai-trinh-1420381142.htm, truy cập ngày 28/12/2017
[27] Article 6 (Information, etc. subject to Publication by Higher Educational Institutions)(1) The head of a school that provides higher education shall publish each of the following information which is held and managed by the school, at least once a year. In such cases, the head of such school shall submit the disclosed information to the Minister of Education:  <Amended by Act No. 8852, Feb. 29, 2008; Act No. 9643, May 8, 2009; Act No. 11690, Mar. 23, 2013>

(Nguồn tin: Bài viết đăng tải trên ấn phẩm Nghiên cứu lập pháp số 13(365)-tháng 7/2018)


Ý kiến bạn đọc