Hoàn thiện luật bảo vệ môi trường 2005 - Nhìn từ yêu cầu phát triển bền vững

01/05/2013

Ths. VÕ THỊ MỸ HƯƠNG

Khoa Luật, Đại học Huế

1. Đánh giá nội dung quy định của Luật Bảo vệ môi trường dưới góc độ phát triển bền vững
1.1. Những kết quả đạt được
Luật Bảo vệ môi trường(BVMT) 2005 có nhiều quy định thể hiện quan điểm phát triển bền vững (PTBV) phù hợp với điều kiện hiện nay.  
Một là, khẳng định việc BVMT là sự nghiệp của toàn xã hội, là quyền và trách nhiệm của cơ quan nhà nước, tổ chức, hộ gia đình, cá nhân. Đây là quy định vừa mang tính chính trị, tính pháp lý, vừa mang tính xã hội, bởi lẽ, để bảo vệ thành công môi trường không thể dựa vào từng cá nhân, tổ chức đơn lẻ mà cần phải có sự đồng thuận, liên kết của toàn xã hội. Không ai có thể sống mà không hít thở không khí, một địa điểm bị ô nhiễm môi trường (ONMT) chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến các vùng xung quanh; bảo vệ tốt môi trường là hành trang và của cải quan trọng của thế hệ hôm nay dành cho thế hệ mai sau.
Hai là, Luật BVMT 2005 đã cụ thể hóa trách nhiệm của Nhà nước, tổ chức, hộ gia đình, cá nhân trong BVMT. Với tính chất là chủ thể của quyền lực công, Nhà nước đóng vai trò là trung tâm trong việc xây dựng, triển khai các chính sách về BVMT nhằm bảo đảm cho sự PTBV đất nước. Theo đó, chính sách BVMT của Nhà nước bao gồm: sử dụng hợp lý, tiết kiệm tài nguyên thiên nhiên, phát triển năng lượng sạch, năng lượng tái tạo; đẩy mạnh tái chế, tái sử dụng và giảm thiểu chất thải; ưu tiên giải quyết các vấn đề môi trường bức xúc; tập trung xử lý các cơ sở gây ONMT nghiêm trọng; phục hồi môi trường ở các khu vực bị ô nhiễm, suy thoái; chú trọng BVMT đô thị, khu dân cư; ưu đãi về đất đai, thuế, hỗ trợ tài chính cho các hoạt động BVMT và các sản phẩm thân thiện với môi trường; kết hợp hài hoà giữa bảo vệ và sử dụng có hiệu quả các thành phần môi trường cho phát triển…[1]. Một trong những nội dung quan trọng của chính sách BVMT là Nhà nước ta đã khẳng định: “đầu tư BVMT là đầu tư phát triển”, nghĩa là, Nhà nước coi BVMT là một nội dung phát triển, không như giai đoạn trước đây chấp nhận mọi điều kiện để phát triển. Việc quy định rõ các hành vi bị cấm trong BVMT là tiền đề quan trọng cho việc xây dựng các quy định về xử lý vi phạm pháp luật (VPPL) về BVMT[2].
Đối với tổ chức, hộ gia đình, cá nhân, họ vừa là người gây ONMT ở những mức độ khác nhau, vừa là người gánh chịu các thiệt hại từ ONMT mang lại, vừa là chủ thể quan trọng của sự nghiệp BVMT quốc gia. Theo quy định của pháp luật hiện hành, tổ chức, hộ gia đình, cá nhân gây ô nhiễm, suy thoái môi trường có trách nhiệm khắc phục, bồi thường thiệt hại và chịu các trách nhiệm khác theo quy định của pháp luật[3].
Ba là, các quy định về tiêu chuẩn môi trường (TCMT) trong Luật BVMT 2005 là cơ sở pháp lý quan trọng cho PTBV. TCMT được xây dựng trên các nguyên tắc: i) đáp ứng mục tiêu BVMT; phòng ngừa ô nhiễm, suy thoái và sự cố môi trường; ii) ban hành kịp thời, có tính khả thi, phù hợp với mức độ phát triển kinh tế - xã hội, trình độ công nghệ của đất nước và đáp ứng yêu cầu hội nhập kinh tế quốc tế; iii) phù hợp với đặc điểm của vùng, ngành, loại hình và công nghệ sản xuất, kinh doanh, dịch vụ[4]. Bên cạnh đó, Luật BVMT 2005 còn quy định cụ thể về hệ thống TCMT quốc gia, yêu cầu đối với tiêu chuẩn về chất lượng môi trường xung quanh, yêu cầu đối với tiêu chuẩn về chất thải cũng như quy định về thẩm quyền ban hành và công bố áp dụng TCMT quốc gia để theo dõi và đánh giá hiện trạng môi trường nước ta đáp ứng các yêu cầu về PTBV.  
Để bảo đảm thực thi TCMT trong thực tiễn, pháp luật BVMT Việt Nam đã: i) đưa yêu cầu BVMT vào trong toàn bộ quá trình phát triển ở tầm quốc gia thông qua quy định về đánh giá môi trường chiến lược cũng như quá trình lập, phê duyệt, triển khai các dự án đầu tư thông qua quy định về đánh giá tác động môi trường[5]; ii) cụ thể hóa yêu cầu BVMT theo ngành, lĩnh vực kinh doanh như: công nghiệp[6], xây dựng[7], giao thông vận tải[8], thương mại[9], khai thác khoáng sản[10], du lịch[11], nông nghiệp[12], thủy sản[13] kết hợp với quy định về BVMT theo địa bàn và khu vực như: khu vực đô thị[14], khu dân cư tập trung[15], nơi công cộng[16], bệnh viện và cơ sở y thế khác[17], khu vực sản xuất kinh doanh dịch vụ tập trung[18], cơ sở sản xuất kinh doanh dịch vụ[19], làng nghề[20]...
Bốn là, để bảo đảm thực thi pháp luật về BVMT, Luật BVMT 2005 quy định cụ thể về thanh tra, kiểm tra, xử lý VPPL về môi trường. Các chế tài xử lý vi phạm môi trường cũng rất đa dạng như: xử phạt hành chính[21], bồi thường thiệt hại[22] và xử lý hình sự[23]. Các quy định này đã tạo thành cơ chế đồng bộ cho việc phát hiện, xử lý nghiêm minh, có hiệu quả và kịp thời các VPPL môi trường.
Bên cạnh quy định về thanh tra, kiểm tra, xử lý VPPL về môi trường, pháp luật BVMT Việt Nam cũng đã quy định cụ thể các công cụ kinh tế về BVMT như quy định các loại phí môi trường nhất là Luật Thuế BVMT được thông qua năm 2010 có hiệu lực từ ngày 01/01/2012 là cơ sở cho việc khuyến khích sản xuất hàng hóa thân thiện với môi trường cũng như tạo nguồn thu quan trọng cho ngân sách nhà nước.
Năm là, pháp luật về BVMT Việt Nam đã góp phần vào việc huy động nguồn lực xã hội để BVMT. Thực tiễn đã chứng minh, phát triển kinh tế, trực tiếp hoặc gián tiếp sẽ có những tác động xấu đến môi trường sinh thái, ảnh hưởng tới đời sống của người dân không chỉ ở thế hệ hiện tại mà cả thế hệ tương lai. Do đó, việc huy động nguồn lực xã hội để BVMT là chủ trương đúng đắn và thực sự đã mang lại hiệu quả rất lớn. Các tổ chức xã hội đã trở thành lực lượng chủ đạo trong giám sát thực thi pháp luật về BVMT. Công tác xã hội hóa nhiệm vụ BVMT đã phát huy tác dụng trong phản biện xã hội không chỉ đối với việc xây dựng, hoạch định chính sách, pháp luật về BVMT mà còn đối với việc thực thi pháp luật, nhất là việc phát hiện và đưa ra trước pháp luật các vụ VPPL môi trường…
1.2. Bất cập của Luật Bảo vệ môi trường 2005 nhìn từ góc độ phát triển bền vững
Thứ nhất, Luật BVMT chưa có quy định cụ thể về PTBV, nhưng nội dung các quy định về PTBV được quy định rải rác ở nhiều quy định của Luật BVMT. Để tìm hiểu về nội dung PTBV, chúng ta phải “dò tìm” trong từng quy định pháp luật và sau đó đối chiếu với tiêu chí PTBV làm cơ sở cho việc đánh giá mức độ đáp ứng yêu cầu PTBV trong từng quy định cụ thể. Nội dung vấn đề PTBV chưa đủ độ để “phủ” hết nội hàm của khái niệm này dẫn đến tình trạng cơ quan nhà nước có thẩm quyền phải giải thích nội dung PTBV, gây nên tình trạng không thống nhất, chồng chéo trong cách hiểu và hướng dẫn về PTBV nhìn từ góc độ BVMT.
Thứ hai, Luật BVMT chưa đủ sức ngăn chặn tình trạng ONMT ngày càng tăng ở nước ta. Bên cạnh các khu công nghiệp và làng nghề gây ONMT, tại các đô thị lớn, tình trạng ô nhiễm cũng ở mức báo động. Đó là ô nhiễm về nước thải, rác thải sinh hoạt, rác thải y tế, không khí, tiếng ồn... Những năm gần đây, dân số ở các đô thị tăng nhanh khiến hệ thống cấp thoát nước không đáp ứng được và xuống cấp nhanh chóng. Nước thải, rác thải sinh hoạt (vô cơ và hữu cơ) ở đô thị hầu hết đều trực tiếp xả ra môi trường mà không có bất kỳ một biện pháp xử lý nào ngoài việc vận chuyển đến bãi chôn lấp. Theo thống kê của cơ quan chức năng, mỗi ngày người dân ở các thành phố lớn thải ra hàng nghìn tấn rác; các cơ sở sản xuất thải ra hàng trăm nghìn mét khối nước thải độc hại; các phương tiện giao thông thải ra hàng trăm tấn bụi, khí độc. Trong tổng số khoảng 34 tấn rác thải rắn y tế mỗi ngày, thì Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh chiếm đến 1/3; bầu khí quyển của Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh có mức benzen và sunfua đioxit đáng báo động. Theo một kết quả nghiên cứu công bố năm 2008 của Ngân hàng Thế giới, trên 10 tỉnh thành phố Việt Nam, xếp theo thứ hạng về ô nhiễm đất, nước, không khí, thành phố Hồ Chí Minh và Hà Nội là những địa bàn ô nhiễm đất nặng nhất. Theo báo cáo của Chương trình môi trường của Liên hiệp quốc, Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh đứng đầu Châu Á về mức độ ô nhiễm bụi[24].
Thứ ba, trách nhiệm pháp lý đối với hành vi VPPL môi trường không đủ sức răn đe. Điều này được thể hiện ở tình trạng VPPL môi trường ở Việt Nam hiện nay không ngừng gia tăng về số vụ vi phạm. Theo thống kê của Cục Cảnh sát môi trường, trong năm 2010, lực lượng Cảnh sát môi trường các cấp đã phát hiện trên 6.500 vụ VPPL về BVMT, so với năm 2009 tăng 43%, trong đó có tới gần 22% số vụ là các hành vi xả nước thải, khí thải độc hại chưa qua xử lý ra ngoài gây ONMT; 19% số vụ vi phạm xâm phạm nguồn tài nguyên, khoáng sản; 27% số vụ vi phạm không thực hiện đầy đủ nội dung báo cáo đánh giá tác động môi trường... Lực lượng công an các cấp đã khởi tố 88 vụ, 106 đối tượng, xử lý hành chính 2.288 vụ...[25].
Luật BVMT 2005 đã quy định rõ: “Người VPPL về BVMT thì tuỳ tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử phạt vi phạm hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự; nếu gây ô nhiễm, suy thoái, sự cố môi trường, gây thiệt hại cho tổ chức, cá nhân khác thì còn phải khắc phục ô nhiễm, phục hồi môi trường, bồi thường thiệt hại theo quy định của Luật này và các quy định khác của pháp luật có liên quan”[26]. Từ quy định này cho thấy, biện pháp xử lý đối với hành vi VPPL môi trường có thể là xử phạt vi phạm hành chính hoặc xử lý hình sự. Việc xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi VPPL môi trường được thực hiện theo Nghị định 117/2009/NĐ-CP về xử lý VPPL trong lĩnh vực BVMT (sau đây gọi chung là Nghị định 117/2009/NĐ-CP) và các văn bản hướng dẫn thi hành. Việc xử lý hình sự đối với hành vi phạm tội được thực hiện theo quy định của Bộ luật Hình sự (BLHS) năm 1999 và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của BLHS năm 2009.
Theo quy định của Nghị định 117/2009/NĐ-CP, mức phạt các cơ sở gây ONMT cao nhất có thể lên đến 500 triệu đồng/doanh nghiệp. Ngoài việc nộp phạt hành chính, tuỳ theo tính chất, mức độ vi phạm, các cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp vi phạm hành chính trong lĩnh vực BVMT còn có thể bị áp dụng một hoặc các hình thức xử phạt bổ sung, từ tước quyền sử dụng đối với Giấy chứng nhận đạt TCMT, Giấy phép hành nghề vận chuyển và xử lý chất thải nguy hại; Giấy phép xả nước thải vào nguồn nước và các loại giấy phép, chứng chỉ hành nghề có nội dung liên quan về BVMT… đến tạm đình chỉ hoạt động, cấm hoạt động và buộc di dời. Đối với ô nhiễm nước thải, ngoài cảnh cáo thì mức phạt nhẹ nhất là từ 100 - 500 nghìn đồng trong trường hợp thải lượng nước thải nhỏ hơn 10m3/ngày đêm, mức phạt cao nhất là từ 400 - 500 triệu đồng cho các hành vi xả nước thải có chứa chất phóng xạ gây nhiễm xạ môi trường vượt tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật cho phép. Mức phạt hành chính thấp nhất đối với vi phạm về thải khí, bụi là 500 nghìn đồng đến 2 triệu đồng cho hành vi thải mùi hôi thối, mùi khó chịu vào môi trường. Hành vi thải khí, bụi vượt tiêu chuẩn kỹ thuật về chất thải (dưới 1,5 lần) sẽ bị phạt từ 1 - 120 triệu đồng. Mức phạt tăng dần lên tới 500 triệu đồng trong trường hợp vi phạm thải khí, bụi có chứa chất phóng xạ gây nhiễm xạ môi trường vượt tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật cho phép. Đối với các vi phạm về tiếng ồn, mức phạt thấp nhất là 2 triệu đồng và cao nhất là 100 triệu đồng. Mức phạt cao nhất áp dụng cho các hành vi gây tiếng ồn vượt tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật về tiếng ồn từ 1,5 lần trở lên trong khoảng thời gian từ 22 giờ ngày hôm trước đến 6 giờ ngày hôm sau. Vi phạm các quy định về độ rung sẽ bị phạt tiền từ 15 - 50 triệu đồng. Các hành vi gây ô nhiễm đất, nước hoặc không khí bị phạt tiền từ 10 - 500 triệu đồng.
Nghiên cứu quy định về xử lý đối với hành vi VPPL môi trường của doanh nghiệp thời gian qua cho thấy, mức xử phạt vi phạm hành chính theo quy định của pháp luật hiện hành chưa đủ sức răn đe đối với doanh nghiệp. Đã có hiện tượng doanh nghiệp “chấp nhận” bị xử phạt vi phạm còn hơn là đầu tư hệ thống hạ tầng BVMT tốn kém. Việc xử lý VPPL môi trường nước ta thời gian qua đa phần là xử phạt vi phạm hành chính, còn việc xử lý hình sự cũng chỉ xử lý được 2/10 tội danh là tội Huỷ hoại rừng (Điều 189) và tội Vi phạm quy định bảo vệ động vật hoang dã, quý hiếm (Điều 190), còn các tội danh khác chưa đưa ra truy tố được vụ nào. Trong khi đó, nhiều vụ vi phạm rõ ràng là có đủ dấu hiệu để truy cứu trách nhiệm hình sự, song do vướng mắc về quy định pháp luật nên không thể xử lý hình sự được[27].
Thứ tư, Luật BVMT chưa bảo đảm quyền giám sát xã hội đối với hoạt động BVMT. Điều này được thể hiện ở những khía cạnh sau đây: i) sự tham gia của các tổ chức xã hội trong giám sát việc tuân thủ pháp luật về BVMT chưa được ghi nhận như là một nguyên tắc của Luật BVMT; ii) chính sách khuyến khích, tạo điều kiện thuận lợi để mọi tổ chức, cộng đồng dân cư, hộ gia đình, cá nhân tham gia hoạt động BVMT chưa được cụ thể hóa thành các chương trình hành động cụ thể, nhất là sự tham gia BVMT của các tổ chức chính trị, chính trị xã hội; iii) chưa quy định cụ thể về trách nhiệm của các tổ chức ngành nghề trong BVMT, điều này sẽ gây khó khăn đáng kể trong việc phát huy vai trò của các tổ chức này trong tập hợp và huy động nguồn lực của các thành viên trong BVMT…
Thứ năm, thực tiễn thực thi Luật BVMT 2005 đã phát sinh những bất cập như: i) hoạt động BVMT chưa được tiến hành thường xuyên, chưa trở thành nhận thức hành động của các doanh nghiệp mà nó còn mang nặng tính đối phó, thời vụ. Nghiên cứu các trường hợp VPPL môi trường ở nước ta thời gian qua cho thấy, việc đầu tư cho công tác BVMT mới thực hiện cho “có”, thậm chí có doanh nghiệp đầu tư hệ thống xử lý nước thải rất hiện đại nhưng hầu như không hoạt động mà tất cả nước thải của doanh nghiệp lại được xả thẳng ra môi trường qua kênh “không chính thức”; ii) hậu quả của các vụ việc VPPL môi trường của doanh nghiệp chưa được xử lý triệt để, kéo dài gây tâm lý hoang mang cho người bị thiệt hại. Chúng ta thật sự đau lòng trước hiện tượng: “Người phát bệnh, đồng ruộng phải bỏ hoang là những gì mà hơn 80 hộ dân xóm Vĩnh Ngọc, xã Hương Vĩnh, huyện Hương Khê (tỉnh Hà Tĩnh) đang phải gánh chịu bởi nước thải từ kho chứa mủ cao su của Nông trường Hàm Nghi (Công ty cao su Hà Tĩnh)”[28], hay bà con nông dân các tỉnh Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu, thành phố Hồ Chí Minh quá vất vả trong việc đòi bồi thường thiệt hại do hành vi VPPL môi trường gây ra; iii) hoạt động BVMT tại các cơ sở sản xuất kinh doanh đôi khi chưa được thực hiện đồng bộ cùng với quy hoạch, chiến lược phát triển các khu chế xuất, khu công nghiệp, nhất là các cơ sở sản xuất kinh doanh hình thành từ trước. Điều này dẫn đến tình trạng các doanh nghiệp xây dựng cơ sở sản xuất đan xen trong khu dân cư, trên một đơn vị hành chính, một đoạn sông càng làm cho mức độ ONMT cũng như công tác xử lý gặp nhiều khó khăn do việc phân bố sản xuất không đồng đều, các doanh nghiệp thường tận dụng tối đa diện tích để bố trí máy móc, thiết bị và các công đoạn sản xuất, hậu cần và trụ sở văn phòng, không chú trọng hoặc không dành quỹ đất cho xây dựng hệ thống xử lý chất thải gây ONMT.
2. Hoàn thiện Luật Bảo vệ môi trường Việt Nam nhìn từ góc độ phát triển bền vững
Chiến lược PTBV Việt Nam giai đoạn 2011 - 2020 đã xác định những ưu tiên trong chính sách để PTBV, trong đó có vấn đề tài nguyên môi trường. Theo đó, để bảo đảm PTBV cần: chống thoái hóa, sử dụng hiệu quả và bền vững tài nguyên đất; BVMT nước và sử dụng bền vững tài nguyên nước; khai thác hợp lý và sử dụng tiết kiệm, bền vững tài nguyên khoáng sản; BVMT biển, ven biển, hải đảo và phát triển tài nguyên biển; bảo vệ và phát triển rừng; giảm ô nhiễm không khí và tiếng ồn ở các đô thị lớn và khu công nghiệp; quản lý có hiệu quả chất thải rắn và chất thải nguy hại; bảo tồn và phát triển đa dạng sinh học; giảm thiểu tác động và ứng phó với biến đổi khí hậu, phòng chống thiên tai.
Để bảo đảm mục tiêu PTBV, một trong những giải pháp cần thực hiện là tập trung hoàn chỉnh hệ thống chính sách, pháp luật về BVMT, trước hết là sửa đổi Luật BVMT 2005” theo hướng: i) tăng cường hiệu quả quản lý nhà nước theo hướng đẩy mạnh cải cách hành chính, nâng cao tính minh bạch quản trị quốc gia và phòng chống tham nhũng. Tăng cường sự phối hợp giữa các bên liên quan trong tổ chức thực hiện. Kiện toàn hệ thống tổ chức bộ máy các cấp để đảm nhiệm công tác quản lý PTBV; ii) lồng ghép các quan điểm, nguyên tắc PTBV trong các chiến lược, chính sách, quy hoạch, kế hoạch phát triển; đảm bảo việc xây dựng và tổ chức thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia phải gắn với Chiến lược đã được Chính phủ thông qua và phải được kiểm tra, đánh giá theo các tiêu chí, chỉ tiêu PTBV một cách thường xuyên, chặt chẽ; iii) xây dựng các chương trình/kế hoạch hành động các cấp để thực hiện Chiến lược; iv) tiếp tục nghiên cứu, bổ sung, cập nhật để hoàn thiện bộ chỉ tiêu giám sát, đánh giá PTBV cho phù hợp với từng giai đoạn phát triển; v) tăng cường sự lãnh đạo của Đảng và quản lý nhà nước trong thực hiện Chiến lược, thường xuyên thanh tra, kiểm tra, giám sát việc triển khai thực hiện các chính sách, các mục tiêu, chỉ tiêu PTBV; iv)áp dụng nghiêm minh các chế tài hình sự, hành chính có nội dung bảo đảm PTBV; chú trọng hoàn thiện chế tài xử lý các hành vi VPPL môi trường; có chính sách khen thưởng rõ ràng những tổ chức, cá nhân thực hiện nghiêm túc các quy định về bảo đảm PTBV.
Để thực hiện các giải pháp trên, theo chúng tôi, cần thực hiện tốt các nội dung sau:
Một là, bổ sung thêm Chương PTBV trong Luật BVMT sửa đổi nhằm tạo lập cơ sở pháp lý thống nhất cho việc thực hiện các mục tiêu PTBV trong lĩnh vực môi trường. Nội dung của chương này cần tập trung vào các nội dung: quy định các mục tiêu cụ thể về BVMT trong PTBV; thẩm quyền, trách nhiệm của các chủ thể đối với BVMT hướng tới sự PTBV.
Hai là, đẩy mạnh công tác giáo dục, phổ biến pháp luật về môi trường, nâng cao nhận thức của người dân, doanh nghiệp về BVMT, nhất là tuyên truyền, phổ biến tác hại của hành vi VPPL môi trường. Đây là việc làm cần được tiến hành thường xuyên, liên tục với sự vào cuộc của toàn xã hội. Để cho giải pháp này có tính khả thi, cần tập trung vào một số vấn đề sau: i) thiết lập trang thông tin cập nhật doanh nghiệp bị xử lý VPPL môi trường để người dân và cộng đồng doanh nghiệp biết và giám sát; ii) yêu cầu các doanh nghiệp phải công khai tình trạng môi trường của đơn vị mình trên trang thông tin điện tử hoặc các ấn phẩm của doanh nghiệp. Kịp thời cập nhật tình trạng môi trường và báo cáo cơ quan nhà nước có thẩm quyền biết thực trạng môi trường để có biện pháp hỗ trợ khi cần thiết; iii) thường xuyên tôn vinh các doanh nghiệp BVMT tốt thông qua các biện pháp ưu đãi về thuế, phí liên quan đến môi trường; iv) thiết lập bản tin môi trường tại các khu chế xuất, khu công nghiệp để cập nhật tình trạng môi trường ở mỗi khu chế xuất, khu công nghiệp; v) đa dạng hóa các kênh tiếp nhận thông tin ONMT và nâng cao trách nhiệm của đơn vị tiếp nhận thông tin ONMT; vi) phát huy vai trò trách nhiệm của các hiệp hội ngành nghề trong việc BVMT, theo đó, hiệp hội ngành nghề phải thường xuyên theo dõi, đôn đốc các thành viên của mình trong việc BVMT, bổ sung thêm tiêu chí bảo vệ tốt môi trường mới được kết nạp là thành viên...
Ba là, nghiên cứu để truy cứu trách nhiệm hình sự đối với doanh nghiệp gây ONMT, hay thừa nhận pháp nhân là chủ thể của tội phạm[29]. Vấn đề pháp nhân có thể là chủ thể của tội phạm hay không vẫn đang còn là tranh luận giữa các nhà nghiên cứu khoa học pháp lý không những ở nước ta mà ngay cả ở ở những nước đã coi pháp nhân như một trong những chủ thể của tội phạm. Ở nước ta, từ trước tới nay, pháp luật hình sự luôn luôn không coi pháp nhân là chủ thể của tội phạm, mà vấn đề này được tiếp cận trên quan điểm tội phạm có tổ chức - một dạng đặc biệt của đồng phạm. Điều này được thể hiện ngay từ những sắc lệnh đầu tiên sau khi thành lập chính quyền dân chủ nhân dân, Nhà nước ta có thái độ cương quyết trừng trị đối với những hành vi phạm tội có tổ chức. Ví dụ, Sắc lệnh 267-SL ngày 15/6/1956 trừng trị những âm mưu và hành động phá hoại tài sản của Nhà nước và nhân dân, cản trở việc thực hiện chính sách, kế hoạch của Nhà nước; Sắc lệnh số 151-SL ngày 12/4/1953 trừng trị địa chủ chống pháp luật trong khi và ở những nơi phát động quần chúng thi hành chính sách ruộng đất;...
Trong những năm gần đây, vấn đề pháp nhân có thể là chủ thể của tội phạm hay không được bàn nhiều, đặc biệt, những hành vi VPPL của các công ty, xét về mức độ nguy hiểm cho xã hội phải bị truy cứu trách nhiệm hình sự, nhưng không bị truy cứu do Việt Nam không truy cứu trách nhiệm hình sự đối với pháp nhân, chẳng hạn trường hợp công ty Vedan Việt Nam gây thiệt hại cho môi trường và thiệt hại cho người dân.
Theo chúng tôi, nên coi pháp nhân là chủ thể của tội phạm vì những lý do sau đây: (i) nền kinh tế của chúng ta đang thực hiện là nền kinh tế thị trường, thì sự tham gia của các doanh nghiệp - với tư cách là chủ thể pháp luật - vào các quan hệ kinh tế ngày càng nhiều. Trong hệ thống các hành vi pháp lý mà chủ thể này thực hiện, có hành vi hợp pháp, có hành vi không hợp pháp/VPPL và những hành vi này cần được xử lý theo quy định của pháp luật, trong đó có chế tài hình sự; (ii) thực tiễn hành vi vi phạm của doanh nghiệp trong nền kinh tế, đôi khi được thực hiện theo quyết định của tập thể người quản lý công ty như Hội đồng quản trị, Hội đồng thành viên và trở thành Nghị quyết để các bộ phận trong công ty triển khai. Do vậy, xét về bản chất, đây là ý chí của công ty được thực hiện thông qua người đại diện theo pháp luật, song nếu đó là quyết định trái pháp luật (buôn lậu, phát hành chứng khoán, mua lại chứng khoán của công ty với mục đích thao túng hoặc cố tình công bố thông tin sai lệch theo quyết định của công ty…) thì chỉ áp dụng đối với những người tham gia quyết định. Tuy nhiên, xét về bản chất, nếu thực hiện thành công, khoản lợi nhuận này sẽ chuyển vào cho công ty và những người này được “hưởng lợi” một phần, nhưng vẫn bị xử lý hình sự trong khi công ty chỉ bị xử phạt hành chính; (iii) trong thời gian qua, nhiều trung tâm thông tin đã sưu tầm tài liệu, đặc biệt đã biên dịch nhiều văn bản pháp luật hình sự của nước ngoài để Ban soạn thảo BLHS, các cơ quan giúp việc của Quốc hội, đại biểu Quốc hội và nhân dân tham khảo khi đóng góp ý kiến xây dựng BLHS và điều này đã gây không ít tranh luận trong giới khoa học cũng như các cán bộ làm công tác thực tiễn về chế định chủ thể tội phạm. Giờ đây, pháp nhân có thể được coi là chủ thể của tội phạm không đã và luôn là câu hỏi nghiêm túc trước những người làm công tác nghiên cứu khoa học pháp lý hình sự và nó cũng cần có câu trả lời nghiêm túc và khoa học. Vì vậy, đã đến lúc cùng với việc xử lý vấn đề trách nhiệm hình sự đối với tổ chức tội phạm, có thể và cần thiết giải quyết cả vấn đề trách nhiệm hình sự đối với các doanh nghiệp, tổ chức kinh tế, văn hóa, xã hội có tư cách pháp nhân trên cơ sở thừa nhận họ như một chủ thể của quan hệ pháp luật hình sự

 


[1] Điều 5 Luật BVMT 2005.
[2] Điều 7 Luật BVMT 2005.
[3] Khoản 5 Điều 4 Luật BVMT 2005.
[4] Khoản 1 Điều 8 Luật BVMT 2005.
[5] Xem cụ thể tại Chương III từ Điều 14 đến Điều 27 Luật BVMT 2005.
[6] Xem từ Điều 35 đến Điều 37 Luật BVMT 2005.
[7] Xem Điều 40 Luật BVMT 2005.
[8] Xem Điều 41 Luật BVMT 2005.
[9] Xem từ Điều 42 đến Điều 43 Luật BVMT 2005.
[10] Xem Điều 44 Luật BVMT 2005.
[11] Xem Điều 45 Luật BVMT 2005.
[12] Xem Điều 46 Luật BVMT 2005.
[13] Xem Điều 47 Luật BVMT 2005.
[14] Xem Điều 50, 51 Luật BVMT 2005.
[15] Xem Điều 51 Luật BVMT 2005.
[16] Xem Điều 52 Luật BVMT 2005.
[17] Xem Điều 39 Luật BVMT 2005.
[18] Xem Điều 36 Luật BVMT 2005.
[19] Xem Điều 37 Luật BVMT 2005.
[20] Xem Điều 38 Luật BVMT 2005.
[21] Xem Nghị định 117/2009/NĐ-CP ngày 31/12/2009 của Chính phủ về xử lý VPPL  trong lĩnh vực BVMT.
[22] Xem thêm: Võ Thị Mỹ Hương (2012), Pháp luật về bảo đảm quyền yêu cầu bồi thường thiệt hại do VPPL môi trường ở Việt Nam, Tạp chí Nhà nước và Pháp luật số 1/2012, tr 49 - 54.
[23] Xem thêm:
- Chương XVII Bộ luật Hình sự năm 1999 (sửa đổi 2009) từ Điều 182 đến Điều 191a. Ngoài các tội theo Bộ luật Hình sự 1999, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Hình sự năm 2009 bổ sung thêm 3 tội là: Tội vi phạm quy định về phòng ngừa sự cố môi trường (Điều 182a), Tội vi phạm quy định về quản lý chất thải nguy hại (Điều 182b) và Tội nhập khẩu, phát tán các loài ngoại lai xâm hại (Điều 191a).
- TS. Phạm Văn Lợi (Chủ biên, 2004), Tội phạm về môi trường một số vấn đề lý luận và thực tiễn, NXB Chính trị quốc gia, Hà Nội.
[24] TS. Trần Đắc Hiến (2010), ONMT ở nước ta hiện nay - Thực trạng và một số giải pháp khắc phục,http://www.khucongnghiep.com.vn/news_detail.asp?ID=163&CID=163&IDN=2170&lang=vn,(Thứ sáu, 08/01/2010, 09:59 GMT+7).
[25] Lê Bảo (2011), “Vi phạm pháp luật về môi trường: Chồng chéo văn bản, khó khởi tố hình sự”, http://www.baomoi.com/Home/PhapLuat/daidoanket.vn/Vi-pham-phap-luat-ve-moi-truong-Chong-cheo-van-ban-kho-khoi-to-hinh-su/6047422.epi (11/04/2011)
[26] Khoản 1 Điều 127 Luật BVMT 2005.
[27] Duy Tuấn (2008), “Đủ căn cứ khởi tố hình sự Công ty Vedan”, http://vtc.vn/2-191391/xa-hoi/du-can-cu-khoi-to-hinh-su-cong-ty-vedan.htm (17/09/2008 01:24).
[28] Hà Vy (2010), “Người phát bệnh, đồng ruộng bỏ hoang vì công ty cao su xả thải” http://tamnhin.net/Canhbao/4531/Nguoi-phat-benh-dong-ruong-bo-hoang-vi-cong-ty-cao-su-xa-thai.html, Thứ tư, 29/9/2010 16:01 GMT+7.
[29] Tham khảo thêm, Trung tâm Con người và Thiên nhiên (2009), “Xử lý hình sự vi phạm môi trường: Những bất cập của pháp luật Việt Nam”.

(Nguồn tin: Bài viết đăng tải trên ấn phẩm Tạp chí Nghiên cứu lập pháp số 9(241), tháng 5/2013)


Thống kê truy cập

33960678

Tổng truy cập