Hoàn thiện các quy định về bảo vệ quyền trẻ em trong dự thảo luật an ninh mạng

01/01/2018

TS.TRẦN KIÊN

GV. Khoa Luật, Đại học Quốc gia Hà Nội.

Tóm tắt: Việc bảo vệ an ninh mạng có tác động trực tiếp và liên hệ với việc bảo vệ, thực thi quyền trẻ em. Do đó, khi xây dựng các quy định pháp luật về mạng và an ninh mạng cần phải thiết kế các cơ chế đảm bảo vừa phòng, tránh được các rủi ro, nguy cơ có thể xâm hại trẻ, vừa đảm bảo việc không hạn chế hoặc tước đoạt các quyền vốn có của các em.
Từ khóa: quyền trẻ em, luật nhân quyền quốc tế, luật an ninh mạng, internet, biện pháp nghiệp vụ. 
Abstract: The protection of the network security provides direct influences to and is close linked to the protection and enforcement of the children's rights. Therefore, once the  law on network and network security is developed, it is necessary to design mechanisms to ensure the prevention and protection against risks and threats that may harm the children and ensure that there is no restriction or deprive them of their inherent rights.
Keywords: the children's rights, International human rights instruments; network security law,  internet, professional measures
toan-van-luat-an-ninh-mang--1-.jpg
(Ảnh minh họa: Nguồn internet)
1. Trẻ em và không gian mạng
Một phần ba người dùng internet trên thế giới là trẻ em. Tại các quốc gia phát triển, trẻ em chiếm một phần năm số người dùng internet. Nhưng tại các quốc gia đang hoặc kém phát triển, số người dùng là trẻ em có thể lên đến một phần hai hoặc một phần ba tổng số[1]. Đây là con số thống kê chính thức do Văn phòng Kinh tế và xã hội của Liên hiệp quốc đưa ra. Tại Việt Nam, khảo sát cho thấy có đến 38% người dùng internet nằm trong độ tuổi từ 15 đến 24[2]. Điều này cho phép dự đoán số lượng trẻ em sử dụng internet ở Việt Nam cũng nằm trong khoảng 1/3 tổng số người dùng giống như tỷ lệ trung bình của thế giới. Tỷ lệ trẻ em sử dụng mạng điện tử cao không chỉ phản ánh thực tế khách quan về sự năng động, nhanh nhạy trong việc nắm bắt và làm chủ công nghệ của giới trẻ, nó còn cho thấy khuynh hướng chuyển dịch thói quen sinh hoạt và cách thức sống của thế hệ tương lai từ thế giới thực sang thế giới ảo. Kể từ khi mạng internet ra đời, thế giới đã chứng kiến sự chuyển dịch mạnh mẽ các hoạt động cơ bản của con người như mua bán, vui chơi, giải trí, kết nối, tương tác và kể cả tâm lý, tình cảm, hôn nhân, gia đình từ môi trường thực sang môi trường điện tử. Mạng internet đã chuyển từ một phương tiện liên lạc, kết nối trở thành một thế giới - nơi các hoạt động con người diễn ra. Và một trong những tác nhân chính thúc đẩy sự tiến hóa này chính là trẻ em, nhóm người dùng đông đảo nhất và tích cực nhất.
Như một logic khách quan, các hoạt động của con người dù diễn ra ở đâu, trong môi trường nào cũng tiềm ẩn cả cơ hội lẫn nguy cơ, đặc biệt là đối với các quyền và lợi ích hợp pháp của các chủ thể, nhất là trẻ em. Không gian ảo[3] cũng không phải là một ngoại lệ. Một mặt, mạng điện tử tạo ra cơ hội để có thể thúc đẩy, thực thi tốt hơn các quyền của trẻ. Ví dụ như quyền tự do biểu đạt, tự do ngôn luận, quyền được tiếp cận và hưởng thụ các thành quả văn học, khoa học, nghệ thuật hay quyền được giáo dục[4]. Mặt khác, khi thế giới ngày càng kết nối hơn và sự kết nối đó lại có tính chất ảo thì các nguy cơ, rủi ro càng dễ phát tán nhưng lại khó phát hiện hơn. Lừa đảo, lạm dụng, đe dọa, bóc lột là các hiện tượng ngày càng trở nên phổ biến trong không gian mạng và nạn nhân dễ bị tác động nhất lại cũng chính là trẻ em[5]. Chính hai mặt đối lập và song hành này trong mối quan hệ giữa mạng điện tử và quyền của trẻ em là cơ sở để xây dựng nên các tiêu chuẩn kỹ thuật về an ninh mạng cũng như các quy định pháp lý về bảo vệ hoặc hạn chế quyền của trẻ em trên không gian mạng. Do đó, cần phải xác định một cách cụ thể, khoa học các nguy cơ và cơ hội này làm cơ sở để xây dựng các biện pháp bảo vệ cũng như thúc đẩy quyền của trẻ em trong các văn bản quy phạm pháp luật[6].
2. Kinh nghiệm quốc tế về biện pháp bảo vệ quyền trẻ em trên không gian mạng
Các quốc gia và cộng đồng quốc tế đã chú ý từ rất sớm nguy cơ và rủi ro mạng internet có thể tạo ra đối với trẻ em. Ngay từ năm 1996, Liên minh châu Âu đã ban hành các nghiên cứu và khuyến nghị chính thức nêu rõ các nguy cơ tiêu cực, độc hại mà trẻ em có thể gặp phải và đề xuất các biện pháp bảo vệ trẻ em trong không gian trực tuyến[7]. Theo sau đó, các tổ chức quốc tế lớn khác như OECD hay UNICEF đã đưa ra các nghiên cứu và khuyến nghị của riêng mình để bảo vệ quyền của trẻ em trên thế giới mạng[8]. Các nghiên cứu này chỉ rõ các nguy cơ và rủi ro đối với trẻ em từ thế giới mạng là rất đa dạng, phức tạp. Chúng có thể được mô tả như sau:
 Untitled_528.jpg
Nguồn: Mercy Wanjau, Patricia Muchiri, Vincent Ngundi and Geoffrey Tolle, Kenyan country experience:A safer cyber space for children Africa Child Online Protection (ACOP) Summit 15th-16th December, 2014, Kampala, Uganda
Theo mô tả trên, có ba nhóm rủi ro chính đối với trẻ em đó là: (1) Rủi ro về công nghệ internet ví dụ như nội dung độc hại, và rủi ro về giao tiếp, ví dụ, quấy rối tình dục trực tuyến; (2) rủi ro về thương mại điện tử, ví dụ, quảng cáo, chi tiêu quá mức hoặc bị lừa đảo; và (3) rủi ro về an ninh và bí mật đời tư của trẻ em, ví dụ, bị đánh cắp bí mật cá nhân hoặc bị tấn công mạng.
Các nhà nghiên cứu của Đại học Oxford, dựa trên 148 nghiên cứu thực chứng đã được công bố đã thống kê các mối nguy hại cụ thể sau đối với trẻ em trên mạng internet.
Untitled_527.jpg
Nguồn: Vera Slavtcheva-Petkova, Victoria Jane Nash & Monica Bulger (2015)Evidence on the extent of harms experienced by children as a result of online risks: implications for policy and research, Information, Communication & Society, 18:1, trang 53.
Những nghiên cứu thực chứng này cho thấy mức độ chi tiết và cụ thể của các hiểm họa đối với trẻ em từ thế giới mạng. Đặc biệt là các nguy cơ đối với sức khỏe, ví như tự tử, tự làm hại bản thân, rối loạn ăn uống hay bệnh nghiện internet. Ngoài ra, còn có các nguy cơ về tình dục và giới tính như bị lạm dụng, buôn bán. Bên cạnh đó, các rủi ro do bị bắt nạt hay xúc phạm danh dự nhân phẩm cá nhân trực tuyến cũng là các nguy cơ tiềm ẩn to lớn[9].
Từ việc nhận diện và phân tích các rủi ro đó, các tổ chức quốc tế cũng như quốc gia đã đề xuất nhiều biện pháp nhằm bảo vệ trẻ em trên mạng và kiến nghị việc thực thi các biện pháp này dưới các chế định và quy định pháp lý khác nhau. Các biện pháp này có thể được nhóm lại trong ba nhóm là: kiểm soát; ngăn chặn; và giáo dục.
- Điển hình cho nhóm kiểm soát là việc quy định trao cho bố mẹ, người giám hộ, đại diện theo pháp luật, hoặc trực tiếp chăm sóc nuôi dưỡng trẻ em quyền sử dụng các biện pháp hoặc thiết bị kỹ thuật điện tử để kiểm soát một cách cần thiết và phù hợp việc tiếp cận mạng và các nội dung trực tuyến của trẻ em[10].
- Biện pháp ngăn chặn cho phép các nhà lập pháp hoặc hành pháp thiết lập các yêu cầu buộc các công ty cung cấp dịch vụ internet hoặc các chủ thể có liên quan trực tiếp khác phải sàng lọc các nội dung bị coi là độc hại đối với trẻ em trên internet. Ví dụ, khiêu dâm hoặc bạo lực đồng thời phải báo cáo và cập nhật thường xuyên tới các cơ quan có thẩm quyền về việc thực thi nghĩa vụ ngăn chặn, sàng lọc của mình. Biện pháp này có thể được thiết lập qua các quy định pháp lý bắt buộc hoặc qua các bộ quy tắc nội bộ do các hiệp hội ban hành[11].
- Biện pháp giáo dục có mục đích giáo dục an ninh mạng cho trẻ em. Theo cách tiếp cận này, các tổ chức quốc tế khuyến cáo các trường học, nhất là các trường phổ thông phải đưa môn học hoặc có tiết học về an ninh mạng vào trong chương trình giảng dậy cho trẻ em để các em biết cách phòng và tránh các rủi ro, nguy cơ có thể gặp phải khi tiếp cận và sử dụng mạng[12].
Tuy nhiên, các biện pháp kiểm soát, ngăn chặn và giáo dục này phải được áp dụng trong ý thức luôn tôn trọng hai quyền căn bản của trẻ em; đó là quyền tự do ngôn luận và quyền riêng tư. Đây là hai quyền căn bản của một xã hội tự do dân chủ. Yêu cầu này nhấn mạnh rằng các biện pháp bảo vệ vừa phân tích phải được xây dựng trên cơ sở tôn trọng quyền tự do ngôn luận và quyền riêng tư. Bất kỳ việc hạn chế quyền nào đều phải do luật định, nhằm đạt được các mục tiêu thực sự của xã hội, đảm bảo hiệu quả nhưng không được áp đặt các hạn chế bất hợp lý đối với việc thực thi quyền. Nói cách khác, các biện pháp hạn chế nếu có phải hợp lý[13]. Điều này đòi hỏi sự nhận thức và hiểu rõ các quyền của trẻ em và việc thực thi bảo vệ các quyền đó trong môi trường điện tử.
3. Một số góp ý hoàn thiện Dự thảo Luật An ninh mạng
Từ sự phân tích nêu trên, có thể rút ra nhận định sau đây:
Thứ nhất, trẻ em là người dùng thường xuyên và là nhóm sử dụng không gian mạng lớn nhất thế giới hiện nay;
 Thứ hai, việc bảo vệ an ninh mạng có tác động trực tiếp và liên hệ với việc bảo vệ, thực thi quyền trẻ em; hoặc là các biện pháp bảo vệ an ninh mạng có mục tiêu bảo vệ trẻ em khỏi các hành vi, nội dung xâm hại; hoặc là các biện pháp bảo vệ an ninh mạng sẽ có tác động hạn chế các quyền của trẻ em. Hai kết luận này cần được nhận chân và chuyển tải vào trong bất kỳ chính sách hoặc pháp luật nào điều chỉnh về không gian mạng hay an ninh mạng để xác định phạm vi điều chỉnh, cách thức điều chỉnh, các biện pháp an ninh được sử dụng và giới hạn của các biện pháp an ninh đó.
Nhưng thật đáng tiếc, khi xây dựng Dự thảo Luật An ninh mạng, dường như cơ quan chủ trì soạn thảo đã không dành sự quan tâm và nghiên cứu thích đáng về vấn đề bảo vệ quyền trẻ em trên không gian mạng. Điều này được thể hiện rất rõ qua việc toàn bộ Dự thảo Luật không hề có một điều khoản nào đề cập trực tiếp đến trẻ em. Trong Tờ trình của cơ quan chủ trì soạn thảo cũng như của Chính phủ cũng không một lần đề cập đến trẻ em và quyền của trẻ em khi xây dựng Luật An ninh mạng[14].
Để hoàn thiện Dự thảo Luật, cơ quan chủ trì soạn thảo cần bổ sung thêm hướng tiếp cận dựa trên quyền của trẻ em; xác định rõ phạm vi của Dự luật có bao phủ cả ba nhóm quyền đối với phương tiện, được bảo vệ và quyền tham gia của các em hay không? Hay chỉ hướng đến việc bảo vệ quyền của các em; tách bạch rõ các quy định áp dụng cho trẻ em và các quy định áp dụng cho các đối tượng khác, ví dụ như người lớn để phản ánh được các đặc điểm, đặc thù riêng của trẻ em và việc tham gia vào môi trường mạng của các em.
Ban soạn thảo và Tổ biên tập Dự án Luật An ninh mạng cần nhận thức rõ trẻ em là đối tượng sử dụng mạng internet thường xuyên và phổ biến nhất. Do đó, trẻ em vừa là nhóm đối tượng lớn nhất có nhu cầu được bảo vệ khỏi các hành vi tấn công mạng, vừa là nhóm có khả năng tham gia vào việc thực hiện các hành vi đó; các biện pháp bảo vệ an ninh mà có tác động giới hạn quyền của trẻ em phải được áp dụng một cách tương xứng, nhất quán, không phân biệt và không tước bỏ các quyền không thể bị giới hạn[15]; việc áp dụng các biện pháp bảo vệ an ninh mạng đối với trẻ em nên tuân thủ một trình tự thủ tục riêng, chặt chẽ hơn.
Ngoài ra, Dự thảo Luật cần bổ sung quy định về các biện pháp bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng, ví dụ như buộc các tổ chức cung cấp dịch vụ internet phải sàng lọc và loại bỏ thông tin độc hại với trẻ em, định kỳ cập nhật và báo cáo việc thực thi nghĩa vụ này với các cơ quan chuyên trách bảo vệ trẻ em hay quy định các trường phổ thông phải có tiết học về an ninh mạng cho các em./.
 
 

[1]Sonia Livingstone, John Carr and Jasmina Byrne, GLOBAL COMMISSION ON INTERNET GOVERNANCE Paper Series: no. 22 - November 2015, trang 6
[2] Tuấn Anh, 40% người dùng Internet ở Việt Nam là dân văn phòng (ICT News) tại http://genk.vn/net/40-nguoi-dung-internet-o-viet-nam-la-dan-van-phong-20140916094756834.chn lên mạng ngày 25/09/2017.
 
[3] Trong bài viết này các thuật ngữ internet, mạng điện tử, không gian ảo, môi trường điện tử là các thuật ngữ tương đương và sẽ được dùng thay thế cho nhau.
[4] Alison Powell, Michael Hills and Victoria Nash, Child Protection and Freedom of Expression Online Oxford Internet Institute Forum Discussion Paper No. 17, 1 March 2010.
[5] Federica Casarosa, Safety and Security in a Networked World: Balancing Cyber-Rights and Responsibilities Oxford Internet Institute Conference tr. 1 – 2.
[6] Tony Krone, Developing measures of prevention and enforcement against the backdrop of international difference: Protecting children from online sexual exploitation: in search of a standard trình bày tại hội thảo Safety & Security in a Networked World: Balancing Cyber - Rights & Responsibilities (An Oxford Institute Internet Conference 8th – 10th September 2005).
[7] Commission of the European Communities, Green Paper on the protection of minors and human dignity in informational and audiovisual services, 16 October 1996, COM (96) 
[8] OECD, The Protection of Children Online, Recommendation of the OECD Council (2012).
[9]Vera Slavtcheva-Petkova, Victoria Jane Nash & Monica Bulger (2015) Evidence on the extent of harms experienced by children as a result of online risks: implications for policy and research, Information, Communication & Society, 18:1, 48-62
[10]Commission of the European Communities, Green Paper on the protection of minors and human dignity in informational and audiovisual services trang 15 – 20.
[11] Ofcom, Ofcom report on internet safety measures: Strategies of parental protection for children online (16 December 2015). Ví dụ như Bộ giáo dục Vương quốc Anh đang tham vấn công chúng để ban hành các quy tắc yêu cầu các trường phải sàng lọc và giám sát các nội dung độc hại trên mạng internet mà học sinh có thể tiếp cận tại trường. Xem Department for Education, New measures to keep children safe online at school and at home tại https://www.gov.uk/government/news/new-measures-to-keep-children-safe-online-at-school-and-at-home lên mạng ngày 25/09/2017. Xem thêm OECD, The Protection of Children Online, Recommendation of the OECD Council (2012) trang 43 – 44.
[12]OECD, The Protection of Children Online, Recommendation of the OECD Council (2012) trang 44.
[13]Commission of the European Communities, Green Paper on the protection of minors and human dignity in informational and audiovisual services trang 12 – 13.
[14] Tờ trình Số:/TTr-BCA của Bộ công an gửi Chính phủ ngày 06/06/2017 về Dự án Luật An ninh mạng, tại http://duthaoonline.quochoi.vn/DuThao/Lists/DT_DUTHAO_LUAT/View_Detail.aspx?ItemID=1382&TabIndex=2 lên mạng ngày 25/09/2017.
[15] Nguyễn Minh Tuấn, sđd, trang 51 – 56. 

(Nguồn tin: Bài viết đăng trên Ấn phẩm Tạp chí Nghiên cứu Lập pháp, số 1 (353), tháng 1/2018)


Thống kê truy cập

33048245

Tổng truy cập