Tiếp tục hoàn thiện cơ chế kiểm soát quyền lực nhà nước đối với chính quyền đô thị không tổ chức Hội đồng nhân dân ở quận, phường

07/06/2024

TS. HOÀNG MINH HỘI

Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh.

Tóm tắt: Sau gần ba năm, việc thực hiện mô hình chính quyền đô thị không tổ chức Hội đồng nhân dân ở một số địa phương đã đạt được những kết quả tích cực. Tuy nhiên, việc không tổ chức Hội đồng nhân dân cũng đang đặt ra những yêu cầu và nhiệm vụ cần hoàn thiện cơ chế kiểm soát quyền lực nhà nước. Bài viết dưới đây phân tích, đánh giá thực trạng cơ chế kiểm soát quyền lực nhà nước đối với chính quyền địa phương ở đô thị nơi không tổ chức Hội đồng nhân dân và đề xuất một số kiến nghị.
Từ khóa: Kiểm soát quyền lực nhà nước, chính quyền đô thị, Hội đồng nhân dân.
Abstract: After nearly three years, the enforcement of the urban government modality without the People's Council in particular localities has reached a number of positive achievements. However, the absence of the People's Council also poses requirements and tasks to improve the mechanism to control state power. In this article, the author provides an analysis and assessment of the current state of the state power control mechanism for local administration in urban areas where the People's Council is absent and proposes a number of relevant recommendations.
 Keywords: State power controlling; urban administration, People's Councils.
Anh-minh-hoa-chinh-quyen-dia-phuong_1.jpg
Ảnh minh họa: Nguồn internet
1. Chính quyền đô thị không tổ chức Hội đồng nhân dân ở quận, phường và yêu cầu kiểm soát quyền lực nhà nước
Điều 111 Hiến pháp năm 2013 quy định: “Cấp chính quyền địa phương gồm có Hội đồng nhân dân (HĐND) và Ủy ban nhân dân (UBND) được tổ chức phù hợp với đặc điểm nông thôn, đô thị, hải đảo, đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt do luật định” (khoản 2). Cụ thể hóa nội dung và tinh thần của Hiến pháp năm 2013, lần đầu tiên Luật Tổ chức chính quyền địa phương năm 2015 phân định rõ bốn mô hình tổ chức chính quyền địa phương ở nước ta: (1) chính quyền địa phương ở nông thôn; (2) chính quyền địa phương ở đô thị; (3) chính quyền địa phương ở hải đảo: (4) chính quyền địa phương ở đơn vị hành chính – kinh tế đặc biệt. Luật Tổ chức chính quyền địa phương năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2019) quy định: “Chính quyền địa phương ở quận là cấp chính quyền địa phương, trừ trường hợp cụ thể Quốc hội quy định không phải là cấp chính quyền địa phương” (Điều 44); “Chính quyền địa phương ở phường là cấp chính quyền địa phương, trừ trường hợp cụ thể Quốc hội quy định không phải là cấp chính quyền địa phương” (Điều 58). Việc sửa đổi, bổ sung trên đây trong Luật Tổ chức chính quyền địa phương năm 2015 đã tạo cơ sở để Quốc hội quyết định một số đề án về thí điểm chính quyền đô thị ở một số địa phương phù hợp với đặc điểm và yêu cầu quản lý của từng đô thị[1].
Thực hiện chủ trương xây dựng chính quyền đô thị, Quốc hội đã ban hành Nghị quyết số 97/2019/QH14 về thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị tại thành phố Hà Nội. Trên cơ sở đó, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 32/2021/NĐ-CP quy định chi tiết và biện pháp thi hành Nghị quyết số 97/2019/QH14 của Quốc hội về thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị tại thành phố Hà Nội (Nghị định số 32/2021/NĐ-CP). Ngày 19/6/2020, Quốc hội ban hành Nghị quyết số 119/2020/QH14 về thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị và một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Đà Nẵng. Theo đó, Chính phủ ban hành Nghị định số 34/2021/NĐ-CPquy định chi tiết và biện pháp thi hành Nghị quyết số 119/2020/QH14 của Quốc hội về thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị và một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Đà Nẵng (Nghị định số 34/2021/NĐ-CP). Ngày 16/11/2020, Quốc hội ban hành Nghị quyết số 131/2020/QH14 về tổ chức chính quyền đô thị tại TP. Hồ Chí Minh. Triển khai nội dung Nghị quyết trên đây, Chính phủ ban hành Nghị định số 33/2021/NĐ-CP quy định chi tiết và biện pháp thi hành Nghị quyết số 131/2020/QH14 của Quốc hội về tổ chức chính quyền đô thị tại TP. Hồ Chí Minh (Nghị định số 33/2021/NĐ-CP).Theo quy định của các văn bản trên đây, ở quận, phường của TP. Hồ Chí Minh chính quyền địa phương chỉ tổ chức UBND. Thành phố Hà Nội và thành phố Đà Nẵng thực hiện thí điểm chính quyền đô thị, trong đó thành phố Hà Nội không tổ chức HĐND ở phường; thành phố Đà Nẵng không tổ chức HĐND ở quận, phường.
Hiến pháp năm 2013 quy định: “Nhân dân thực hiện quyền lực nhà nước bằng dân chủ trực tiếp, bằng dân chủ đại diện thông qua Quốc hội, HĐND và thông qua các cơ quan khác của Nhà nước” (Điều 6). Theo quy định của pháp luật, HĐND bầu UBND cùng cấp và thực hiện chức năng giám sát đối với UBND và các chủ thể khác theo quy định của pháp luật. Tuy nhiên, khi không tổ chức cấp chính quyền, chính quyền địa phương chỉ có UBND. Chủ tịch, phó Chủ tịch UBND quận, phường do Chủ tịch UBND cấp trên trực tiếp bổ nhiệm. Chủ tịch UBND quận, phường là người đứng đầu UBND quận, phường, có trách nhiệm lãnh đạo, quản lý, điều hành UBND quận, phường thực hiện chức năng, nhiệm vụ và thẩm quyền được giao. UBND làm việc theo chế độ thủ trưởng. Do vậy, đã từng có ý kiến cho rằng, khi chỉ còn HĐND cấp thành phố, trong khi khối lượng công việc nhiều, dẫn đến lo ngại việc giám sát, chống lạm quyền đối với chính quyền cấp quận, phường sẽ khó thực hiện. Một vấn đề hết sức đáng chú ý, đó là giám sát quyền lực, đảm bảo quyền lực nhà nước sử dụng đúng mục đích, hiệu quả và ngăn ngừa tình trạng lạm quyền[2].
Để bảo đảm kiểm soát quyền lực nhà nước đối với chính quyền địa phương ở quận, phường, pháp luật quy định HĐND thành phố trực thuộc trung ương, quận thực hiện các chức năng, nhiệm vụ giám sát UBND quận, phường nơi không tổ chức HĐND. Cụ thể, Nghị quyết số 131/2020/QH14 về tổ chức chính quyền đô thị tại TP. Hồ Chí Minh quy định HĐND Thành phố có nhiệm vụ giám sát việc tuân theo Hiến pháp, pháp luật và việc thực hiện nghị quyết của HĐND Thành phố trên địa bàn quận, phường thuộc quận; giám sát hoạt động của UBND quận, UBND phường thuộc quận; lấy phiếu tín nhiệm đối với Chủ tịch UBND quận. Người được lấy phiếu tín nhiệm có quá nửa tổng số đại biểu HĐND Thành phố đánh giá tín nhiệm thấp thì có thể xin từ chức; trường hợp có từ hai phần ba tổng số đại biểu HĐND Thành phố trở lên đánh giá tín nhiệm thấp thì HĐND Thành phố đề nghị Chủ tịch UBND Thành phố xem xét, quyết định theo thẩm quyền. Đại biểu HĐND Thành phố có quyền chất vấn Chủ tịch UBND quận. Tương tự, Nghị quyết số 119/2020/QH14 của Quốc hội về thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị và một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Đà Nẵng quy định HĐND thành phố Đà Nẵng thực hiện chức năng, nhiệm vụ giám sát thay cho HĐND quận, phường trước đây. Trong khi đó, Nghị quyết số 97/2019/QH14 của Quốc hội về thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị tại thành phố Hà Nội quy định HĐND quận, thị xã giám sát việc tuân theo Hiến pháp, pháp luật và việc thực hiện nghị quyết của HĐND cấp mình ở phường; giám sát hoạt động của UBND, Chủ tịch UBND phường (Điều 2). Pháp luật quy định UBND cấp trên có nhiều biện pháp giám sát UBND cấp dưới bảo đảm hệ thống hành chính thông suốt, hoạt động hiệu lực hiệu quả.
Để bảo đảm quyền giám sát của Nhân dân đối với chính quyền đô thị nơi không tổ chức HĐND, hệ thống pháp luật có nhiều văn bản quy phạm pháp luật quy định về quyền giám sát của Nhân dân đối với chính quyền địa phương nói chung trong đó có chính quyền đô thị. Các nghị quyết của Quốc hội và nghị định của Chính phủ áp dụng cho từng đô thị như Nghị định số 32/2021/NĐ-CP, Nghị định số 34/2021/NĐ-CP, Nghị định số 33/2021/NĐ-CP và các văn bản có liên quan quy định các hình thức, biện pháp giám sát của Nhân dân đối với UBND nơi không tổ chức HĐND. Theo đó, Chủ tịch UBND quận, phường có trách nhiệm mời Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc (MTTQ) Việt Nam, người đứng đầu tổ chức chính trị - xã hội của quận, phường tham dự cuộc họp của UBND quận, phường khi nội dung cuộc họp có các vấn đề liên quan. Kết luận cuộc họp liên quan đến người dân phải được đưa tin trên Cổng thông tin điện tử của UBND quận, phường (trừ thông tin thuộc bí mật Nhà nước) theo quy định của pháp luật và quy chế làm việc của UBND quận, phường để thông tin công khai và kịp thời đến các cơ quan, tổ chức và Nhân dân biết, thực hiện. Bên cạnh đó, hằng năm, Chủ tịch UBND quận, phường có trách nhiệm tổ chức hội nghị đối thoại với Nhân dân.
2. Thực trạng cơ chế kiểm soát quyền lực nhà nước đối với chính quyền đô thị không tổ chức Hội đồng nhân dân ở quận, phường
Khi không tổ chức HĐND quận, phường, quyền giám sát của Nhân dân đối với chính quyền địa phương vẫn được bảo đảm bằng cách tăng cường sự tham gia, giám sát của người dân vào quá trình ra quyết định của chính quyền. Kinh nghiệm từ thực tiễn tổ chức và hoạt động của chính quyền đô thị ở TP. Hồ Chí Minh cho thấy, hằng năm, trước kỳ họp của HĐND Thành phố, Chủ tịch UBND quận, phường tổ chức hội nghị đối thoại với Nhân dân về tình hình hoạt động của quận, phường và những vấn đề liên quan đến quyền lợi, nguyện vọng của công dân. Kết quả của hội nghị đối thoại được gửi đến UBND, HĐND cấp trên. Quyền đại diện, quyền dân chủ và quyền được tiếp nhận thông tin của người dân vẫn được bảo đảm và duy trì ở mức độ cao như trước đây[3].
Giám sát của Nhân dân đối với chính quyền đô thị vẫn được thực hiện hiệu quả thông qua các thiết chế của Nhân dân như MTTQ Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội, Ban Thanh tra nhân dân, Ban Giám sát đầu tư của cộng đồng. Một số nơi, UBND phường thông qua khu phố và MTTQ để Nhân dân tham gia ý kiến vào nhiều nội dung liên quan đến quyền lợi của Nhân dân trước khi quyết định. Một số địa phương, “MTTQ ban hành quy chế hoạt động mẫu của Ủy ban MTTQ phường khi thực hiện thí điểm mô hình chính quyền đô thị và triển khai tới các đơn vị. Đến nay, 100% Ban Thường trực Ủy ban MTTQ các phường đều xây dựng quy chế hoạt động của đơn vị phù hợp với việc tổ chức chính quyền đô thị”[4]. Công tác phối hợp giữa chính quyền với MTTQ và các đoàn thể chính trị, xã hội của phường luôn chặt chẽ, đồng bộ, có sự thống nhất cao trên cơ sở tôn trọng và phát huy sự chủ động, vai trò, chức năng nhiệm vụ của từng cơ quan. Giám sát của Nhân dân đối với chính quyền địa phương quận, phường còn được thực hiện thông qua trách nhiệm công khai thông tin trong hoạt động của chính quyền. Giám sát trực tiếp của Nhân dân thông qua việc “thực hiện quyền khiếu nại, tố cáo, thông qua báo chí, các kênh thông tin, truyền thông, mạng xã hội… Vì vậy, tiếng nói của người dân ở cấp cơ sở của các đô thị vẫn được HĐND các cấp cũng như cơ quan nhà nước lắng nghe, xem xét, giải quyết” [5].
Kiểm soát quyền lực nhà nước của HĐND, UBND cấp trên đối với chính quyền địa phương ở quận, phường nơi không tổ chức HĐND đạt được những kết quả tích cực: “Quyền lực nhà nước được thực hiện đúng mục đích, hiệu quả, hạn chế tình trạng lạm quyền. Người đứng đầu ở nhiều cấp uỷ Đảng, chính quyền đã tăng cường tiếp xúc, đối thoại, lắng nghe, tiếp thu, giải quyết những bức xúc và nguyện vọng chính đáng của nhân dân”[6]. Kết luận số 50-KL/TW ngày 28/2/2023 của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW, ngày 25/10/2017 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về "Một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả" khẳng định: “Việc thực hiện thí điểm một số mô hình đã làm rõ thêm lý luận và thực tiễn về tổ chức bộ máy... Kết quả thực hiện Nghị quyết 18 góp phần khắc phục một số hạn chế về hiệu lực, hiệu quả hoạt động của tổ chức bộ máy… tạo nền tảng tiếp tục thực hiện hiệu quả Nghị quyết 18 đến năm 2030”[7].
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, cơ chế kiểm soát quyền lực nhà nước đối với chính quyền đô thị không tổ chức HĐND ở quận, phường còn có một số hạn chế:
- Về thể chế pháp lý kiểm soát quyền lực nhà nước đối với chính quyền đô thị không tổ chức HĐND ở quận, phường
Thực tiễn hoạt động chính quyền đô thị không tổ chức HĐND ở quận, phường một số địa phương cho thấy, thực hiện chế độ trách nhiệm người đứng đầu của Chủ tịch UBND quận, phường chưa đầy đủ. Pháp luật quy định UBND quận, phường hoạt động theo chế độ thủ trưởng thay vì chế độ tập thể lãnh đạo kết hợp cá nhân phụ trách. Tuy nhiên, thực tiễn hoạt động của chính quyền quận, phường, cơ chế điều hành hành chính mang tính tập thể của UBND đã ảnh hưởng đến hiệu lực, hiệu quả của chính quyền đô thị trong thực hiện chức năng nhiệm vụ được giao. Có kiến cho rằng “vai trò, trách nhiệm cá nhân người đứng đầu (Chủ tịch UBND) chưa rõ ràng”[8].
Quá trình tổ chức mô hình chính quyền đô thị còn thiếu nhiều văn bản hướng dẫn thực hiện pháp luật nên dẫn đến nhiều nội dung thực hiện thiếu thống nhất, đồng bộ. Ví dụ, “Nghị định số 34/2021/NĐ-CP quy định chi tiết biện pháp thi hành Nghị quyết số 119/2020/QH14 đã quy định về việc: “Tổ chức hội nghị đối thoại giữa Chủ tịch quận với Nhân dân”. Tuy nhiên, Nghị định số 34/2021/NĐ-CP chưa hướng dẫn chi tiết, cụ thể về nhiều nội dung của hội nghị”[9]. Pháp luật còn thiếu quy định về hình thức để Nhân dân tham gia đối thoại với chính quyền đô thị về những nội dung quản lý hành chính nhà nước liên quan đến quyền, lợi ích hợp pháp của Nhân dân. Bên cạnh đó, pháp luật còn thiếu quy định về hình thức để Nhân dân gửi kiến nghị đến chính quyền; hình thức để Nhân dân trực tiếp giám sát việc bổ nhiệm người đứng đầu chính quyền.
Pháp luật về tổ chức chính quyền địa phương đã kịp thời có những sửa đổi, bổ sung phù hợp với chủ trương của Đảng về tổ chức kiện toàn chính quyền địa phương trong đó có chính quyền đô thị. Tuy nhiên, có ý kiến cho rằng “nội dung các Nghị quyết của Quốc hội về chính quyền đô thị tại ba thành phố lớn vẫn còn rất khác nhau, chưa giải quyết được nhiều vấn đề liên quan đến cấu trúc tổ chức bộ máy chính quyền, đến nhiệm vụ, thẩm quyền, phương thức hoạt động, đặc biệt liên quan đến kiểm soát quyền lực nhà nước tại các đơn vị hành chính không tổ chức cấp chính quyền”[10]. Các nghị quyết về tổ chức chính quyền đô thị bao gồm cả thí điểm chưa quy định rõ ràng, cụ thể nội dung, cũng như hình thức giám sát của HĐND thành phố trực thuộc trung ương, quận khi không tổ chức HĐND quận, phường. Bên cạnh đó, “phương thức quy trình, thủ tục thực hiện việc giám sát của Đại biểu HĐND, Tổ đại biểu HĐND đối với hoạt động của chính quyền phường, chính quyền quận vẫn chưa được quy định rõ, gây khó khăn, lúng túng cho các đại biểu, Tổ đại biểu HĐND cấp trên khi thực hiện nhiệm vụ giám sát”[11]. Khi không tổ chức HĐND phường, một số nhiệm vụ của thiết chế này được chuyển giao cho HĐND cấp trên. Tuy nhiên, qua thực tiễn hoạt động chính quyền đô thị “vướng một khoảng trống pháp luật, đó là thẩm quyền bãi bỏ các văn bản quy phạm pháp luật sau rà soát của Hội đồng nhân dân quận, phường đối với những văn bản ban hành trước đây cũng như văn bản quy phạm pháp luật của UBND phường trước đây. Hiện nay khoảng trống pháp luật này chưa được đề cập tới”[12].
Hoạt động giám sát và phản biện của MTTQ Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội một số nơi còn hình thức vì thiếu nhiều văn bản hướng dẫn, thiếu đồng bộ. Từ thực tiễn thí điểm chính quyền đô thị ở Hà Nội, có ý kiến cho rằng “về cơ bản, chức năng giám sát của MTTQ và các tổ chức thành viên vẫn thực hiện theo các văn bản trước, chưa có văn bản mới hướng dẫn việc thực hiện chức năng giám sát, góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền khi không còn HĐND phường… Quyền hạn của Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam còn bị giới hạn trong phạm vi giám sát, phản ánh và kiến nghị”[13]. Pháp luật chưa quy định thật cụ thể, rõ ràng về trách nhiệm và quyền hạn của MTTQ cấp phường theo hướng mở rộng quyền hạn cho MTTQ phù hợp với mô hình chính quyền đô thị, “hiện hiệu lực giám sát của MTTQ và các đoàn thể chính trị, xã hội chủ yếu mang tính đôn đốc, kiến nghị, chưa có quy định cụ thể về trách nhiệm giải trình, tiến độ giải quyết... nên việc tiếp thu, giải quyết của UBND phường có nội dung còn chậm, chưa hiệu quả. Đặc biệt ở một số lĩnh vực như quản lý đô thị, môi trường”[14].
Về thiết chế thực hiện hoạt động kiểm soát quyền lực nhà nước đối với chính quyền đô thị không tổ chức HĐND ở quận, phường
Đối với các thiết chế kiểm soát quyền lực bên trong bộ máy nhà nước
Từ những hạn chế của pháp luật về giám sát của HĐND thành phố trực thuộc trung ương, quận đối với UBND nơi không tổ chức HĐND, thực tiễn hoạt kiểm soát quyền lực nhà nước đối với chính quyền địa phương cho thấy “hoạt động giám sát của HĐND đối với cơ quan hành chính nhà nước tại phường, quận, nơi không tổ chức cấp chính quyền rất lúng túng và khó thực hiện”[15]. Ở các địa phương thực hiện mô hình chính quyền đô thị không tổ chức HĐND ở quận, phường, theo quy định của pháp luật, HĐND thành phố trực thuộc trung ương có thêm thẩm quyền là xem xét báo cáo công tác của UBND quận. Tuy nhiên, hiệu quả giám sát của HĐND thành phố trực thuộc trung ương bằng hình thức xem xét báo cáo công tác đối với UBND quận không cao. Do đó, HĐND thành phố trực thuộc trung ương khó có điều kiện giám sát quyền lực của UBND quận nơi không tổ chức HĐND[16].
Một số quy định về kiểm tra, thanh tra và giám sát đối với chính quyền đô thị chưa đầy đủ, toàn diện. Ngoài ra, việc phân bổ điều kiện, nguồn lực để thực hiện hiệu quả cơ chế kiểm soát quyền lựcnhà nước đối với chính quyền đô thị không tổ chức HĐND ở quận, phường cần có những quan tâm thỏa đáng hơn. Trách nhiệm giám sát của đại biểu HĐND chưa phát huy hiệu quả. Có ý kiến cho rằng “nhiệm vụ, quyền hạn của HĐND quận, thị xã tăng lên, trong khi số lượng đại biểu chuyên trách của HĐND quận, thị xã còn ít, nên việc tổ chức các hoạt động giám sát mới chỉ được duy trì ở mức độ như trước khi thực hiện thí điểm mô hình chính quyền đô thị, chưa có sự thay đổi rõ nét, chủ động thực sự về số lượng và chất lượng khi không tổ chức HĐND ở phường. Hoạt động của HĐND ở một số địa phương còn mang tính hình thức”[17].
Đối với các thiết chế kiểm soát quyền lực bên ngoài bộ máy nhà nước
Ở một số địa phương, quyền giám sát của Nhân dân đối với chính quyền đô thị không tổ chức HĐND ở quận, phường bằng hình thức đối thoại chưa thực sự hiệu quả. Một số nơi “việc tổ chức hội nghị đối thoại của Chủ tịch UBND các phường với Nhân dân ở phường chất lượng chưa cao, phần lớn mang tính kiến nghị, chưa thể hiện rõ trách nhiệm của người đứng đầu cấp phường, cũng như một số cử tri chưa nhận thức rõ những nội dung của đối thoại”[18]. Pháp luật về chính quyền địa phương còn thiếu các quy định cụ về lấy ý kiến cộng đồng hay tập hợp, lấy ý kiến của các cá nhân tiêu biểu; quy định về đối thoại giữa Nhân dân với chính quyền; về tiếp nhận những ý kiến thông qua dư luận xã hội...
Giám sát của MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội ở một địa phương không tổ chức HĐND chưa có bước đột phá. Ở một số nơi, kết luận giám sát của MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội “vẫn còn hiện tượng nể nang, né tránh, ngại va chạm, chưa mạnh dạn góp ý những hạn chế, yếu kém của cấp ủy, chính quyền các cấp; nhiều kiến nghị của người dân kéo dài nhiều năm chưa được giải quyết dứt điểm; kinh phí thực hiện giám sát chưa đảm bảo; một số nơi còn trùng lắp đơn vị, nội dung với các hoạt động kiểm tra, giám sát của các cơ quan có thẩm quyền khác; nhiều đề xuất kiến nghị sau giám sát chưa được các cấp chính quyền quan tâm xem xét, giải quyết và phản hồi một cách thỏa đáng”[19]... Hiện nay, MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội phụ thuộc về tài chính, được UBND cấp hoặc bổ sung (khi có đề xuất) nên khi tiến hành giám sát gặp nhiều khó khăn, hiệu quả chưa như mong muốn[20].
Một vài nơi, MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội vẫn lệ thuộc chính quyền địa phương, trong khi đó UBND là đối tượng bị giám sát về biên chế, cơ sở vật chất, kinh phí hoạt động. Do vậy, MTTQ mới chỉ đóng vai trò là cơ quan phối hợp, cơ quan tham gia thực hiện giám sát. Vì vậy, “cần có những quy định cụ thể hơn về trách nhiệm và quyền hạn của MTTQ cấp phường theo hướng mở rộng quyền hạn cho MTTQ phù hợp với mô hình chính quyền đô thị”[21]. Một số địa phương “hiệu lực giám sát của MTTQ và các đoàn thể chính trị - xã hội chủ yếu mang tính đôn đốc, kiến nghị, chưa có quy định cụ thể về trách nhiệm giải trình, tiến độ giải quyết... nên việc tiếp thu, giải quyết của UBND phường có nội dung còn chậm, chưa hiệu quả. Đặc biệt ở một số lĩnh vực như quản lý đô thị, môi trường”[22]... Các ý kiến của MTTQ và tổ chức chính trị - xã hội chỉ mang tính chất phản ánh, không có hiệu lực cao như ý kiến của HĐND. Do vậy, có nhiều trường hợp chính quyền xem nhẹ việc giải quyết các ý kiến theo kênh của MTTQ[23]. Một số kiến nghị, phản ánh về hoạt động giám sát của MTTQ đối với chính quyền địa phương được gửi đến cơ quan, tổ chức, người có thẩm quyền chưa kịp thời giải quyết thấu đáo, dẫn đến tình trạng đùn đẩy hoặc né tránh việc trả lời kiến nghị giám sát của nhân dân.
Những bất cập trên đây là do nhiều nguyên nhân: một số chủ trương của Đảng về kiện toàn, tổ chức chính quyền đô thị chưa kịp thời thể chế hóa bằng pháp luật đồng bộ, thống nhất. Một số quy định về chính quyền đô thị trong Hiến pháp năm 2013 chưa được nhận thức thống nhất và chậm được triển khai. Ví dụ, khoản 2 Điều 111 Hiến pháp năm 2013 quy định: “Cấp chính quyền địa phương gồm có HĐND và UBND được tổ chức phù hợp với đặc điểm nông thôn, đô thị, hải đảo, đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt do luật định”, nhưng Điều 4 Luật Tổ chức chính quyền địa phương năm 2015 chưa thể hiện đúng nội dung quy định này khi quy định: “Cấp chính quyền địa phương gồm có HĐND và UBND được tổ chức ở các đơn vị hành chính theo Điều 2 của Luật này”. Tiếp theo đó, Điều 44, Điều 58 Luật Tổ chức chính quyền địa phương năm 2015 quy định chính quyền địa phương ở quận, phường là “cấp chính quyền địa phương”. Đến năm 2019, các điều luật trên đây của Luật Tổ chức chính quyền địa phương năm 2015 mới được sửa đổi, tạo cơ sở pháp lý để Quốc hội ban hành các Đề án về tổ chức chính quyền đô thị cho các địa phương đã được phân tích trên đây. Bên cạnh đó, hoạt động nghiên cứu lý luận, tổng kết thực tiễn về chính quyền địa phương nói chung và chính quyền đô thị chưa thật sự được quan tâm thỏa đáng.
3. Một số kiến nghị tiếp tục hoàn thiện cơ chế kiểm soát quyền lực nhà nước đối với chính quyền đô thị không tổ chức Hội đồng nhân dân ở quận, phường trong thời gian tới
- Nâng cao năng lực thể chế hóa chủ trương của Đảng về kiện toàn tổ chức chính quyền đô thị; cần rà soát, loại bỏ những chồng chéo, mâu thuẫn giữa các văn bản quy phạm pháp luật về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của chính quyền đô thị nơi không tổ chức HĐND, bảo đảm phù hợp với tình hình phát triển đô thị hiện nay.
- Xây dựng kế hoạch tổng kết thí điểm chính quyền đô thị ở Hà Nội, Đà Nẵng, tổng kết thực tiễn hoạt động chính quyền đô thị ở TP. Hồ Chí Minh để xây dựng luận cứ, cơ sở khoa học nghiên cứu xây dựng Dự án Luật Tổ chức chính quyền đô thị ở Việt Nam.
- Kịp thời ban hành văn bản quy phạm pháp luật quy định rõ hơn quy trình, thủ tục thực hiện nhiệm vụ giám sát của đại biểu HĐND, Tổ đại biểu HĐND và HĐND thành phố trực thuộc trung ương đối với quận, phường ở nơi không tổ chức HĐND.
 - Quy định rõ hơn trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức trong việc tiếp thu ý kiến của Nhân dân và công khai kết quả lấy ý của Nhân dân ở quận, phường. Quy định trách nhiệm của chính quyền địa phương trong việc khai thác, tận dụng những tiện ích của công nghệ thông tin hiện đại để đa dạng hóa các hình thức lấy ý kiến Nhân dân theo quy định của Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở năm 2022.
- Hoàn thiện cơ chế giám sát của Nhân dân đối với người đứng đầu UBND quận, phường; tăng cường các Hội nghị đối thoại, tiếp xúc giữa chính quyền với Nhân dân, hoàn thiện cơ chế để Nhân dân phản ánh, kiến nghị đến chính quyền đô thị. Quy định rõ hơn trách nhiệm của Chủ tịch UBND quận, phường nơi không tổ chức HĐND trong việc tổ chức Hội nghị trao đổi, đối thoại với Nhân dân theo quy định của pháp luật; xây dựng Quy chế phối hợp hoạt động của UBND quận, phường với Ủy ban MTTQ Việt Nam cùng cấp để tổ chức Hội nghị trao đổi, đối thoại với Nhân dân địa phương.

Trung ương MTTQ Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội, các tổ chức xã hội sớm ban hành quy chế nhằm bảo đảm sự phối hợp giữa MTTQ với các tổ chức chính trị - xã hội, các tổ chức xã hội trong hoạt động giám sát chính quyền địa phương ở nơi không tổ chức HĐND quận, phường./.



[1] Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Giáo trình Nhà nước và pháp luật Việt Nam, dùng cho hệ đào tạo cao cấp lý luận chính trị, Nxb. Lý luận chính trị, Hà Nội, 2021, tr. 325.
[2]Xem: Minh Quân (2020), TP. Hồ Chí Minh không tổ chức HĐND cấp quận, phường: Tăng giám sát, chống lạm quyền, https://laodong.vn/thoi-su/tphcm-khong-to-chuc-hdnd-cap-quan-phuong-tang-giam-sat-chong-lam-quyen-862100.ldo
[3]Đỗ Thị Hiện (2022), Mô hình chính quyền đô thị tại TP. Hồ Chí Minh, http://lyluanchinhtri.vn/home/index.php/thuc-tien/item/4287-mo-hinh-chinh-quyen-do-thi-tai-thanh-pho-ho-chi-minh.html.
[4]Hạnh Nguyên (2022), Phát huy vai trò giám sát, phản biện của Mặt trận Tổ quốc trong chính quyền đô thị, https://tuoitrethudo.com.vn/phat-huy-vai-tro-giam-sat-phan-bien-cua-mttq-trong-chinh-quyen-do-thi-201263.html.
[5]Trần Thị Diệu Oanh (2022), Thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị tại thành phố Hà Nội, https://tapchicongsan.org.vn/web/guest/nghien-cu/-/2018/825428/thi-diem-to-chuc-mo-hinh-chinh-quyen-do-thi-tai-thanh-pho-ha-noi.aspx.
[6]  Đảng Cộng sản Việt Nam (2021),  Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, tập 1, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, tr. 71.
[7]Kết luận số 50-KL/TW ngày 28/2/2023 của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW, ngày 25/10/2017 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII "Một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả". Nguồn: https://tulieuvankien.dangcongsan.vn.
[8]Quý Anh (2022), Tiếp tục xây dựng và hoàn thiện thể chế về chính quyền đô thị, https://baoxaydung.com.vn/tiep-tuc-xay-dung-va-hoan-thien-the-che-ve-chinh-quyen-do-thi-344880.html.
[9]Vũ Anh Tuấn, Nguyễn Thị Linh Giang (2023), Kết quả bước đầu thực hiện thí điểm và giải pháp tiếp tục triển khai có hiệu quả mô hình chính quyền đô thị tại thành phố Đà Nẵng, https://tcnn.vn/news/detail/58251/Ket-qua-buoc-dau-thuc-hien-thi-diem-va-giai-phap-tiep-tuc-trien-khai-co-hieu-qua-mo-hinh-chinh-quyen-do-thi-tai-thanh-pho-Da-Nang.html.
[10] Lê Minh Thông (2023), Tạo cơ sở pháp lý phù hợp với đặc điểm, yêu cầu giám sát trong mô hình chính quyền đô thị, https://quochoi.vn/tintuc/pages/tin-hoat-dong-cua-quoc-hoi.aspx?ItemID=80275.
[11] Lê Minh Thông (2023), tlđd.
[12]Hải Yến (2023), Sửa đổi Nghị quyết 119 cần giải quyết khoảng trống pháp luật, bãi bỏ văn bản pháp luật trước ngày thực hiện mô hình chính quyền đô thị, https://quochoi.vn/tintuc/Pages/tin-hoat-dong-cua-quoc-hoi.aspx?ItemID=81346.
[13] Tiêu Thị Trang Ngân, Nguyễn Minh Hưng (2023), Tổ chức chính quyền đô thị tại TP. Hồ Chí Minh: thực trạng và kiến nghị, https://tapchicongthuong.vn/bai-viet/to-chuc-chinh-quyen-do-thi-tai-thanh-pho-ho-chi-minh-thuc-trang-va-kien-nghi-104207.htm
[14]Hạnh Nguyên (2022), tlđd.
[15]Lê Minh Thông (2023), tlđd.
[16] Xem: Hoàng Minh Hội (2023), Giám sát của HĐND trong cơ chế pháp lý kiểm soát quyền lực nhà nước ở Việt Nam hiện nay – Lý luận và thực tiễn, Tạp chí Khoa học pháp lý Việt Nam, số 7 năm 2023, tr. 9.
[17] Nguyễn Văn Phong (2023), Tăng cường phát huy dân chủ ở cơ sở, thực hiện hiệu quả mô hình chính quyền đô thị trên địa bàn Thủ đô Hà Nội - Một số vấn đề đặt ra hiện nay, https://www.tapchicongsan.org.vn/web/guest/nghien-cu/-/2018/828103/view_content#.
[18]Thông tấn xã Việt Nam (2023), Hà Nội: Mô hình chính quyền đô thị cho kết quả tích cực, https://www.vietnamplus.vn/ha-noi-mo-hinh-chinh-quyen-do-thi-cho-ket-qua-tich-cuc/885300.vnp.
[19]Quách Thị Minh Phượng (2023), Vai trò của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam trong hoạt động giám sát chính quyền đô thị ở TP. Hồ Chí Minh, https://tcnn.vn/news/detail/58117/Vai-tro-cua-Mat-tran-To-quoc-Viet-Nam-trong-hoat-dong-giam-sat-chinh-quyen-do-thi-o-Thanh-pho-Ho-Chi-Minh.html.
[20]Nguyễn Phan (2020), Chính quyền đô thị tại TP. Hồ Chí Minh: Quyền làm chủ của nhân dân được phát huy, https://nld.com.vn/thoi-su/quyen-lam-chu-cua-nhan-dan-duoc-phat-huy-20201025221055858.htm.
[21]Mai Thanh (2022), Bảo đảm quyền làm chủ của nhân dân qua hoạt động giám sát, https://nhandan.vn/bao-dam-quyen-lam-chu-cua-nhan-dan-qua-hoat-dong-giam-sat-post708361.html.
[22]Hạnh Nguyên (2022), tlđd.
[23] Huy Dương, Hoàng Lan (2022), Mô hình chính quyền đô thị tại TP. Hà Nội: Hứa hẹn mùa “quả ngọt”: Bài 2: Thực tiễn phát sinh vướng mắc, https://www.qdnd.vn/xa-hoi/cac-van-de/mo-hinh-chinh-quyen-do-thi-tai-tp-ha-noi-hua-hen-mua-qua-ngot-bai-2-thuc-tien-phat-sinh-vuong-mac-705335.

(Nguồn tin: Bài viết được đăng tải trên Ấn phẩm Tạp chí Nghiên cứu lập pháp số 09 (488), tháng 05/2024.)


Thống kê truy cập

33920783

Tổng truy cập