Nguyên tắc bảo đảm quyền bào chữa của người bị buộc tội trong tố tụng hình sự - một số bất cập và kiến nghị hoàn thiện

30/10/2023

PHẠM XUÂN THANH

Văn phòng Luật sư Xuân và Đồng sự.

Tóm tắt: Quyền bào chữa của người bị buộc tội là một trong những quyền cơ bản và quan trọng nhất của người bị buộc tội. Việc bảo đảm cho người bị buộc tội thực hiện quyền bào chữa là yêu cầu khách quan của tố tụng hình sự. Trong bài viết này, tác giả phân tích thực trạng bảo đảm quyền bào chữa của người bị buộc tội ở nước ta, làm rõ những hạn chế, tồn tại và đề xuất các kiến nghị nhằm nâng cao hiệu quả bảo đảm quyền bào chữa cho người bị buộc tội.
Từ khóa: Quyền bào chữa, bảo đảm quyền bào chữa, người bị buộc tội, Bộ luật Tố tụng hình sự.
Abstract: The defense right is one of the most basic and important rights of the accused person. A guarantee for the accused person's implementation of this right is an objective requirement in criminal proceedings. Within this article, the author provides an analysis of the current situation in ensuring the defense rights of the accused person in our country, clarifies the shortcomings, and also gives out a number of recommendations for improvement on the defense rights of the accused person.
Keywords:Defense right; defense right guarantee; accused person; the Criminal Procedure Code.
LUẬT-SƯ_2.jpg
Ảnh minh họa: Nguồn internet
1. Khái quát về nguyên tắc bảo đảm quyền bào chữa của người bị buộc tội
Quyền bào chữa (QBC) là quyền con người cơ bản đã được ghi nhận trong các Công ước quốc tế về quyền con người. Tuyên ngôn thế giới về Nhân quyền năm 1948 khẳng định: Mọi người đều bình đẳng trước pháp luật và có quyền được pháp luật bảo vệ, không có bất kỳ sự phân biệt nào; mọi người đều có quyền được bảo vệ tại các Toà án có thẩm quyền trong nước để chống lại các hành động xâm phạm các quyền cơ bản đã được Hiến pháp và luật pháp của các nước thừa nhận; không ai bị bắt, giam hoặc đày ải một cách vô cớ; được hưởng quyền bình đẳng, được xét xử công bằng và công khai trước Tòa án độc lập và không thiên vị; được coi là vô tội cho đến khi được chứng minh là phạm tội theo pháp luật; không bị coi là phạm tội về hành vi mà theo luật quốc gia hoặc quốc tế không cấu thành tội hình sự. Điểm b khoản 3 Điều 14 Công ước của Liên hợp quốc về các Quyền dân sự và chính trị đã ghi nhận cụ thể QBC: Trong quá trình xét xử về một tội hình sự, mọi người đều có quyền được “có đủ thời gian và điều kiện thuận lợi để chuẩn bị bào chữa và liên hệ với người bào chữa do chính mình lựa chọn”[1].
Ở Việt Nam, nguyên tắc bảo đảm QBC của người bị buộc tội là nguyên tắc hiến định, đồng thời là nguyên tắc đặc thù của tố tụng hình sự (TTHS). Việc ghi nhận và thực hiện nguyên tắc này góp phần quan trọng trong việc bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người bị buộc tội, đồng thời giúp các cơ quan tiến hành TTHS giải quyết vụ án một cách chính xác.
Hiến pháp năm 1946 - bản Hiến pháp đầu tiên của nước Việt Nam dân chủ cộng hòa đã ghi nhận: “Người bị cáo được quyền tự bào chữa lấy hoặc mượn luật sư[2]. Các bản Hiến pháp tiếp theo đều ghi nhận QBC của bị cáo[3]. Kế thừa các bản Hiến pháp trước đó, Hiến pháp năm 2013 cũng đã hiến định nguyên tắc quan trọng này như sau: “Người bị bắt, tạm giữ, tạm giam, khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử có quyền tự bào chữa, nhờ luật sư hoặc người khác bào chữa”[4] và “QBC của bị can, bị cáo, quyền bảo vệ lợi ích hợp pháp của đương sự được bảo đảm”[5]. Như vậy, Hiến pháp năm 2013 đã mở rộng phạm vi các đối tượng được bảo đảm QBC trong TTHS, theo đó không chỉ bị cáo mới có QBC như các bản Hiến pháp trước đây mà ngay từ khi bị bắt người đó đã phát sinh QBC. Bộ luật TTHS năm 2015 đã được sửa đổi, bổ sung năm 2021 (Bộ luật TTHS) cũng đã sử dụng thuật ngữ “người bị buộc tội”, thuật ngữ thường chỉ được sử dụng trong các công trình nghiên cứu khoa học pháp lý trước đây để ghi nhận QBC cho các đối tượng này một cách rõ ràng hơn. Cụ thể, Bộ luật này quy định: “Người bị buộc tội gồm người bị bắt, người bị tạm giữ, bị can, bị cáo[6].
Về mặt lý luận, QBC của người bị buộc tội thể hiện ở các nội dung sau[7]:
Một là, về nội dung của QBC:
Bào chữa là tất cả các hoạt động của người bị buộc tội và người bào chữa từ khi bị buộc tội đến khi có bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật của Tòa án không bị kháng cáo, kháng nghị. Thông qua hành vi cụ thể, họ sử dụng các quyền luật định để làm sáng tỏ những tình tiết chứng minh cho sự vô tội, để làm giảm nhẹ trách nhiệm hình sự hoặc các tình tiết khác có lợi cho người bị buộc tội. Đó có thể là hành vi tố tụng hướng đến việc bác bỏ một phần hoặc toàn bộ sự buộc tội của cơ quan tiến hành tố tụng hoặc đưa ra những chứng cứ để làm giảm nhẹ trách nhiệm hình sự của người bị buộc tội hoặc các hành vi tố tụng khác nhằm bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người bị buộc tội được pháp luật quy định ngay cả khi chúng không trực tiếp liên quan đến việc giảm nhẹ trách nhiệm hình sự trong vụ án.
Hai là, về vai trò của QBC:
Bảo đảm QBC của người bị buộc tội là một trong các nguyên tắc cơ bản của pháp luật TTHS. Việc bảo đảm QBC được xem như một sự đối trọng với chức năng buộc tội của các cơ quan tiến hành TTHS. Chính sự đối trọng này bảo đảm cho hoạt động TTHS được diễn ra khách quan, dân chủ và công bằng. Điều này thể hiện rõ qua nhận định: “Có buộc tội mà không có bào chữa thì hoạt động tố tụng sẽ mang tính chất một chiều và kết buộc chứ không phải là tranh tụng. TTHS không thể được thừa nhận là dân chủ khi chức năng buộc tội không có đối trọng là chức năng bào chữa”[8].
Ba là, về thời điểm bắt đầu và kết thúc QBC:
QBC xuất hiện từ khi giữ người trong trường hợp khẩn cấp, bắt người, có quyết định tạm giữ hoặc từ khi khởi tố bị can. QBC kết thúc khi vụ án được xét xử và bản án, quyết định của Tòa án có hiệu lực pháp luật. Trong một số trường hợp đặc biệt, khi những căn cứ của việc buộc tội không còn, chủ thể có thẩm quyền ra quyết định đình chỉ giải quyết vụ án thì QBC sẽ kết thúc sớm hơn.
Bốn là, về chủ thể thực hiện QBC:
Theo quy định của Bộ luật TTHS, QBC không chỉ thuộc về bị can, bị cáo mà còn thuộc về người bị tình nghi phạm tội (những người bị bắt, bị tạm giữ nhưng chưa bị khởi tố). Như vậy, chủ thể trực tiếp của QBC bao gồm: người bị bắt, người bị tạm giữ, bị can, bị cáo. Các chủ thể này sẽ tự bào chữa thông qua việc sử dụng sự hiểu biết pháp luật của mình đưa ra các chứng cứ, yêu cầu, tranh luận tại phiên tòa… để chứng minh sự vô tội hoặc làm giảm trách nhiệm hình sự của mình. Ngoài ra, trong trường hợp người bị buộc tội nhờ người khác bào chữa cho mình thì QBC của người bị buộc tội được thực hiện thông qua các chủ thể đó[9]. Đây là hình thức người bị buộc tội nhờ luật sư, bào chữa viên nhân dân, người đại diện, trợ giúp viên pháp lý bào chữa cho họ. Những người này áp dụng các quy định của pháp luật để trợ giúp pháp lý, chứng minh sự vô tội hoặc làm giảm trách nhiệm của người bị buộc tội[10].
2. Một số bất cập về nguyên tắc bảo đảm quyền bào chữa của người bị buộc tội
Bộ luật TTHS năm 2015 đã được sửa đổi, bổ sung năm 2021, đã có những tiến bộ nhất định trong việc luật hóa nguyên tắc bảo đảm QBC của người bị buộc tội, mở rộng đối tượng được hưởng QBC cũng như xây dựng các quy định nhằm bảo đảm thực hiện QBC của người bị buộc tội. Tuy nhiên, các quy định về nguyên tắc bảo đảm QBC của người bị buộc tội trong Bộ luật TTHS hiện hành vẫn còn một số điểm bất cập cần hoàn thiện.
Thứ nhất, việc ghi nhận nguyên tắc bảo đảm QBC được xem là điều kiện cần để quyền tố tụng quan trọng này của người bị buộc tội được thực thi. Tuy nhiên, nếu chỉ dừng lại ở điều khoản mang tính nguyên tắc thì quyền này sẽ khó có thể triển khai hiệu quả mà cần phải có các quy định hướng tới cơ chế bảo đảm thực hiện quyền. Thực tế cho thấy, người bị buộc tội là người “ở thế yếu”, họ bị hạn chế những quyền nhân thân nhất định so với các cá nhân bình thường, trong đó có quyền tự do đi lại, quyền tiếp cận thông tin. Trong khi đó, đa số người bị buộc tội thuộc trường hợp thiếu hiểu biết pháp luật. Do vậy, việc người bị buộc tội nhận thức về QBC và sử dụng quyền này để bảo vệ quyền lợi của mình trong TTHS còn hạn chế.
Trên thực tế, một số người bị buộc tội không biết mình có quyền nhờ người bào chữa từ lúc nào, phần lớn cho rằng, khi ra tòa mới được mời người bào chữa. Tương tự, theo quy định của Bộ luật TTHS, bị can có quyền đọc, ghi chép bản sao tài liệu… liên quan đến việc buộc tội, gỡ tội, bào chữa; bị cáo có quyền xem biên bản phiên tòa, yêu cầu ghi những sửa đổi, bổ sung vào biên bản phiên tòa. Quy định là vậy song đa số bị can, bị cáo không biết để thực hiện hoặc cơ quan có thẩm quyền cũng không giải thích, tạo điều kiện để bị can, bị cáo biết hay thực hiện được quyền này[11]. Mặc dù hiện nay Điều 16 Bộ luật TTHS có quy định: “Cơ quan, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng có trách nhiệm thông báo, giải thích và bảo đảm cho người bị buộc tội thực hiện đầy đủ QBC”, tuy nhiên để ràng buộc cơ quan, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng thực hiện nghiêm túc quy định này là điều không dễ dàng do thiếu vắng quy định kiểm soát việc thực hiện trách nhiệm này.
Bên cạnh đó, Bộ luật TTHS chỉ quy định một cách chung chung cho người bào chữa được quyền gặp mặt, hỏi người bị buộc tội. Người bào chữa cũng có quyền được đọc, ghi chép và sao chụp những tài liệu trong hồ sơ vụ án liên quan đến việc bào chữa từ khi kết thúc điều tra. Tuy nhiên, việc thực hiện các quyền này của người bào chữa trong thực tiễn gặp nhiều khó khăn do thủ tục phức tạp, tốn nhiều thời gian khi người bào chữa muốn gặp bị can, bị cáo tại trại tạm giam, tạm giữ. Trong trường hợp người bị buộc tội đang bị tạm giam thể hiện mong muốn của mình được mời luật sư, đề nghị luật sư bào chữa cho mình thì việc gặp này rất khó khăn, thậm chí trong trường hợp đã mời luật sư bào chữa, bảo vệ quyền lợi cho mình nhưng khi luật sư thực hiện các thủ tục để tham gia bào chữa, các cơ quan tiến hành tố tụng cũng gây không ít khó khăn và không tạo điều kiện, có trường hợp luật sư còn bị cơ quan tiến hành tố tụng từ chối thủ tục đăng ký bào chữa[12].
Thứ hai, Bộ luật TTHS năm 2003 trước đây quy định một người muốn trở thành người bào chữa cho người bị buộc tội phải thực hiện thủ tục cấp giấy chứng nhận bào chữa[13]. Tuy nhiên, thực tiễn thi hành cho thấy, thủ tục này còn rườm rà, phức tạp, làm hạn chế vai trò bào chữa của người bào chữa, ảnh hưởng đến quyền lợi nói chung và quyền được xét xử công bằng của người bị buộc tội. Do vậy, để nâng cao vai trò của người bào chữa, bảo đảm quyền của người bị buộc tội, bảo đảm Tòa án xét xử công bằng, Điều 78 Bộ luật TTHS quy định điều luật mới hoàn toàn về thủ tục đăng ký bào chữa, theo đó Bộ luật này bỏ thủ tục cấp Giấy chứng nhận người bào chữa, chuyển sang chế độ đăng ký đối với diện chủ thể người bào chữa.
Hiện nay, ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động của cơ quan nhà nước, hướng tới phát triển chính quyền điện tử là xu thế tất yếu, là mô hình phổ biến của nhiều quốc gia. Chính quyền điện tử là bộ máy chính quyền ứng dụng công nghệ thông tin trong tổ chức và hoạt động nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của cơ quan nhà nước, tăng cường công khai, minh bạch thông tin, giảm phiền hà, tham nhũng, tiết kiệm chi phí, cung cấp dịch vụ công tốt hơn. Thời gian qua, Đảng và Nhà nước ta đã và đang thực hiện mạnh mẽ chủ trương ứng dụng công nghệ thông tin nhằm cải cách hành chính, hiện đại hóa hoạt động của các cơ quan nhà nước, trong đó có các cơ quan tiến hành TTHS. Tuy nhiên, việc ứng dụng công nghệ thông tin trong thủ tục đăng ký người bào chữa vẫn chưa được triển khai, từ đó gây ra nhiều khó khăn, phiền hà cho người bào chữa khi phải liên hệ trực tiếp các cơ quan tiến hành TTHS để thực hiện thủ tục này.
Thứ ba, đối với người bị buộc tội là người dưới 18 tuổi, khoản 1 Điều 422 Bộ luật TTHS quy định họ “có quyền tự bào chữa hoặc nhờ người khác bào chữa”, quy định này dẫn đến cách hiểu người bị buộc tội là người dưới 18 tuổi chỉ có quyền lựa chọn một trong hai phương án: một là tự bào chữa, hai là nhờ người khác bào chữa. Cách quy định như trên là không hợp lý, không thống nhất với nguyên tắc bảo đảm QBC của người bị buộc tội quy định tại Điều 16 Bộ luật TTHS, bởi điều khoản này quy định người bị buộc tội đồng thời có cả quyền tự bào chữa và quyền nhờ người khác bào chữa, họ có thể thực hiện cả quyền tự bào chữa và quyền nhờ người khác bào chữa; cũng có thể không nhờ người khác bào chữa. Cách quy định như trên đã làm hạn chế QBC của người bị buộc tội là người dưới 18 tuổi[14].
Ngoài ra, khoản 3 Điều 422 Bộ luật TTHS quy định: “Trường hợp người bị buộc tội là người dưới 18 tuổi không có người bào chữa hoặc người đại diện của họ không lựa chọn người bào chữa thì Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát, Tòa án phải chỉ định người bào chữa theo quy định”. Việc quy định: “Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát, Tòa án” là các chủ thể có trách nhiệm chỉ định người bào chữa cho người dưới 18 tuổi bị buộc tội là chưa bao hàm đầy đủ các chủ thể có trách nhiệm này. Bộ luật TTHS quy định: “Cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng gồm cơ quan tiến hành tố tụng và cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra[15]. Trong đó, các cơ quan tiến hành tố tụng bao gồm Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát, Tòa án[16]; còn cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra gồm: Các cơ quan của Bộ đội biên phòng; Các cơ quan của Hải quan; Các cơ quan của Kiểm lâm; Các cơ quan của lực lượng Cảnh sát biển; Các cơ quan của Kiểm ngư; Các cơ quan của Công an nhân dân được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra; Các cơ quan khác trong Quân đội nhân dân được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra[17]. Do vậy, để bảo đảm QBC của người bị buộc tội là người dưới 18 tuổi cần bổ sung trách nhiệm chỉ định người bào chữa cho các cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng bao gồm cả cơ quan tiến hành tố tụng và cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra.
3. Một số kiến nghị hoàn thiện
Một là, để người bị buộc tội có thể tiếp cận thông tin về QBC, nhận thức và sử dụng quyền này hiệu quả đòi hỏi phải có sự hỗ trợ từ phía các cơ quan tiến hành TTHS. Vì thế, tác giả cho rằng, để tăng tính minh bạch và để thực hiện nghiêm chỉnh hoạt động này đòi hỏi các nhà làm luật cần phải bổ sung quy định về việc phải lập biên bản về việc giải thích quyền và nghĩa vụ của người bị buộc tội, trong đó có QBC, người bị buộc tội phải ký xác nhận là đã được giải thích các quyền và nghĩa vụ theo quy định của pháp luật. Các biên bản này phải được lưu tại hồ sơ vụ án như một quy định bắt buộc[18].
Ngoài ra, để bảo đảm thực hiện quyền của người bào chữa nhằm hỗ trợ tốt nhất cho người bị buộc tội, bên cạnh việc ghi nhận các quyền của người bào chữa như hiện nay đòi hỏi Bộ luật TTHS cần được bổ sung các chế tài đối với các cơ quan, người tiến hành TTHS khi có hành vi cản trở người bào chữa thực hiện các quyền tố tụng của mình. Pháp luật hiện nay chưa có một chế tài nào cũng như chưa có quy định về trách nhiệm của các cơ quan tiến hành tố tụng, cá nhân, tổ chức khác có hành vi cản trở, gây khó khăn cho hoạt động của người bào chữa hoặc các hành vi cố tình che giấu, không cung cấp các tài liệu, chứng cứ của các cá nhân, tổ chức khi người bào chữa có yêu cầu. Các hành vi này cần được xem là những hành vi vi phạm nghiêm trọng TTHS để có chế tài xử lý, từ đó đảm bảo cho việc giải quyết vụ án được kịp thời, nhanh chóng, khách quan và đúng pháp luật, tránh trường hợp dẫn đến oan, sai trong TTHS.
Hai là, để tạo thuận lợi cho người bào chữa thực hiện thủ tục đăng ký bào chữa, cần ứng dụng công nghệ thông tin vào hoạt động đăng ký bào chữa. Theo đó, người bào chữa sẽ thực hiện đăng ký bào chữa thông qua mạng internet và thông tin này sẽ được kết nối chung đến các Cơ quan tiến hành tố tụng. Khi đến làm việc, người bào chữa chỉ cần xuất trình các giấy tờ của người bào chữa như Thẻ luật sư hoặc giấy tờ tùy thân.
Ba là, để bảo đảm QBC cho người bị buộc tội là người dưới 18 tuổi, cần sửa đổi quy định tại Điều 422 Bộ luật TTHS như sau:
1. Người bị buộc tội là người dưới 18 tuổi có quyền tự bào chữa nhờ người khác bào chữa.
2. Người đại diện của người dưới 18 tuổi bị buộc tội có quyền lựa chọn người bào chữa hoặc tự mình bào chữa cho người dưới 18 tuổi bị buộc tội.
3. Trường hợp người bị buộc tội là người dưới 18 tuổi không có người bào chữa hoặc người đại diện của họ không lựa chọn người bào chữa thì Cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng phải chỉ định người bào chữa theo quy định tại Điều 76 của Bộ luật này”./. 

 


[1] Phan Thị Thanh Mai (2019), “Hoàn thiện quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 về bảo đảm quyền bào chữa của người bị buộc tội”, Tạp chí Khoa học kiểm sát, số 2, tr. 26-27.
[2] Điều thứ 67 Hiến pháp năm 1946.
[3] Điều 101 Hiến pháp năm 1959, Điều 133 Hiến pháp năm 1980, Điều 132 Hiến pháp năm 1992 (sửa đổi, bổ sung năm 2001).
[4] Khoản 4 Điều 31 Hiến pháp năm 2013.
[5] khoản 7 Điều 103 Hiến pháp năm 2013.
[6] Điểm đ khoản 1 Điều 4 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2021).
[7] Tôn Thiện Phương (2016), “Quyền bào chữa của người bị buộc tội trong Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015”, Tạp chí Kiểm sát, số 10, tr. 43.
[8] Nguyễn Thái Phúc (1999), “Một số vấn đề về quyền công tố của Viện kiểm sát”, Kỷ yếu Đề tài nghiên cứu khoa học cấp Bộ của Viện Khoa học kiểm sát – Viện kiểm sát nhân dân tối cao, tr. 22.
[9] Điều 72 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2021) quy định “Người bào chữa là người được người bị buộc tội nhờ bào chữa hoặc cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng chỉ định và được cơ quan, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng tiếp nhận việc đăng ký bào chữa”. Người bào chữa có thể là: Luật sư; Người đại diện của người bị buộc tội; Bào chữa viên nhân dân; Trợ giúp viên pháp lý trong trường hợp người bị buộc tội thuộc đối tượng được trợ giúp pháp lý.
[10] Nguyễn Trần Như Khuê (2020), “Bảo đảm xét xử công bằng cho người bị buộc tội thông qua quy định quyền bào chữa của người bị buộc tội”, Tạp chí Khoa học kiểm sát, số chuyên đề 3, tr. 43.
[11] Nguyễn Trần Như Khuê (2020), “Bảo đảm xét xử công bằng cho người bị buộc tội thông qua quy định quyền bào chữa của người bị buộc tội”, Tạp chí Khoa học kiểm sát, số chuyên đề 3, tr. 44.
[12] Ngô Văn Duyên (2022), “Một số kiến nghị hoàn thiện quy định về hoạt động bào chữa trong giai đoạn xét xử sơ thẩm vụ án hình sự”, Tạp chí Công thương, số 3, tr. 52.
[13] Khoản 4 Điều 56 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2003.
[14] Ngô Thị Vân Anh (2021), “Bào chữa, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người tham gia tố tụng dưới 18 tuổi theo quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015”, Tạp chí Giáo dục và xã hội, số 6, tr. 92.
[15] Điểm a khoản 1 Điều 4 Bộ luật TTHS.
[16] Khoản 1 Điều 34 Bộ luật TTHS.
[17] Khoản 1 Điều 35 Bộ luật TTHS.
[18] Nguyễn Văn Linh (2021), “Bảo đảm quyền bào chữa của bị cáo thực trạng và kiến nghị hoàn thiện pháp luật”, Tạp chí Dân chủ và pháp luật, số 2, tr. 50.

(Nguồn tin: Bài viết được đăng tải trên Ấn phẩm Tạp chí Nghiên cứu Lập pháp số 14 (486), tháng 07/2023.)