Nghị quyết số 614/2008/UBTVQH12 của Ủy ban thường vụ Quốc hội về việc thành lập Viện Nghiên cứu lập pháp

01/09/2008

ỦY BAN THƯỜNG VỤ QUỐC HỘI CÔNG BỐ THÀNH LẬP VIỆN NGHIÊN CỨU LẬP PHÁP THUỘC ỦY BAN THƯỜNG VỤ QUỐC HỘI
 
Ngày 15/8/2008, Ủy ban thường vụ Quốc hội đã tổ chức lễ công bố Nghị quyết số 614/2008/UBTVQH12 ngày 29 tháng 4 năm 2008 của Ủy ban thường vụ Quốc hội về việc thành lập Viện Nghiên cứu lập pháp. Dưới đây là toàn văn Nghị quyết.
 
NGHỊ QUYẾT CỦA ỦY BAN THƯỜNG VỤ QUỐC HỘI
Về việc thành lập Viện Nghiên cứu lập pháp
 
ỦY BAN THƯỜNG VỤ QUỐC HỘI NƯỚC CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
 
Căn cứ Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam năm 1992 đã được sửa đổi, bổ sung một số điều theo Nghị quyết số 51/2001/QH10;
Căn cứ Luật tổ chức Quốc hội số 30/2001/QH10 đã được sửa đổi, bổ sung một số điều theo Luật số 83/2007/QH11;
Căn cứ Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật ngày 12 tháng 11 năm 1996 đã được sửa đổi, bổ sung một số điều theo Luật số 02/2002/QH11;
Xét đề nghị của Trưởng ban Công tác đại biểu tại Tờ trình số 282/TTr-BCTĐB ngày 10 tháng 12 năm 2007 về việc thành lập Viện Nghiên cứu lập pháp.
 
QUYẾT NGHỊ:
Điều 1.
Thành lập Viện Nghiên cứu Lập pháp.
Viện Nghiên cứu Lập pháp là cơ quan thuộc Ủy ban thường vụ Quốc hội, có chức năng nghiên cứu những vấn đề lý luận, thực tiễn về tổ chức và hoạt động của Quốc hội; tổ chức thông tin khoa học để hỗ trợ việc thực hiện các nhiệm vụ, quyền hạn của Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội và đại biểu Quốc hội.
Điều 2.
Viện nghiên cứu Lập pháp có những nhiệm vụ và quyền hạn sau đây:
1. Nghiên cứu cơ bản những vấn đề về tổ chức và hoạt động của Quốc hội phục vụ cho việc xây dựng phương hướng đổi mới tổ chức và phương thức hoạt động của Quốc hội;
2. Nghiên cứu ứng dụng những vấn đề liên quan đến hoạt động lập hiến, lập pháp; quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước; hoạt động giám sát tối cao xuất phát từ yêu cầu của thực tiễn và yêu cầu của các cơ quan của Quốc hội, đại biểu Quốc hội để hỗ trợ việc thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của các cơ quan của Quốc hội, đại biểu Quốc hội;
3. Xây dựng cơ sở dữ liệu thông tin khoa học liên quan đến việc thực hiện chức năng của Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội và đại biểu Quốc hội; thực hiện và phối hợp thực hiện việc phổ biến, ứng dụng kết quả nghiên cứu hỗ trợ hoạt động của Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội, đại biểu Quốc hội; là đầu mối trong việc thu thập, chọn lọc, phổ biến, ứng dụng kết quả nghiên cứu khoa học của các cơ quan nghiên cứu trong và ngoài nước phục vụ cho việc đổi mới tổ chức và hoạt động của Quốc hội;
4. Hợp tác nghiên cứu khoa học với các cơ quan, tổ chức nghiên cứu ở trong nước và nước ngoài về những vấn đề liên quan đến tổ chức và hoạt động của Quốc hội; thu hút các nhà khoa học, các chuyên gia tham gia nghiên cứu và tổ chức công tác thông tin khoa học;
5. Tổ chức công tác nghiên cứu khoa học và quản lý hoạt động nghiên cứu khoa học trong các cơ quan của Quốc hội, các cơ quan của Ủy ban thường vụ Quốc hội và Văn phòng Quốc hội.
6. Thực hiện những nhiệm vụ khác do Ủy ban thường vụ Quốc hội, lãnh đạo Quốc hội giao.
Điều 3.
1. Viện Nghiên cứu Lập pháp có Viện trưởng, các Phó Viện trưởng.
2. Cơ cấu tổ chức của Viện nghiên cứu Lập pháp bao gồm Trung tâm Nghiên cứu khoa học, Trung tâm thông tin khoa học và Phòng tổng hợp.
3. Tổ chức và nhiệm vụ cụ thể của các đơn vị thuộc Viện Nghiên cứu lập pháp do Viện trưởng Viện Nghiên cứu lập pháp quy định.
4. Biên chế của Viện Nghiên cứu lập pháp do Ủy ban thường vụ Quốc hội quyết định.
5. Viện trưởng Viện Nghiên cứu lập pháp quyết định việc tuyển chọn cán bộ, công chức, bổ nhiệm, cách chức lãnh đạo các đơn vị thuộc Viện.
Điều 4.
1. Viện trưởng, các Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu lập pháp do Ủy ban thường vụ Quốc hội bổ nhiệm, miễn nhiệm, cách chức. Viện trưởng là nguời chịu trách nhiệm trước Ủy ban thường vụ Quốc hội về tổ chức và hoạt động của Viện.
2. Viện trưởng Viện Nghiên cứu lập pháp có những nhiệm vụ và quyền hạn sau đây:
a. Tổ chức quản lý và điều hành hoạt động của Viện theo chức năng, nhiệm vụ của Viện;
b. Chịu sự chỉ đạo của Ủy ban thường vụ Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội; giữ mối liên hệ với Thường trực Hội đồng dân tộc, Thường trực Ủy ban của Quốc hội, Văn phòng Quốc hội, các cơ quan của Ủy ban thường vụ Quốc hội và các cơ quan, tổ chức hữu quan khác;
c. Thay mặt Viện trong mối quan hệ với các cơ quan, tổ chức hữu quan và trong quan hệ đối ngoại;
d. Thực hiện các nhiệm vụ khác do Ủy ban thường vụ Quốc hội, lãnh đạo Quốc hội giao.
3. Các Phó Viện trưởng giúp Viện trưởng thực hiện nhiệm vụ theo sự phân công của Viện trưởng. Khi Viện trưởng vắng mặt thì một Phó Viện trưởng được Viện trưởng ủy quyền thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của Viện trưởng.
4. Quy chế hoạt động của Viện Nghiên cứu lập pháp do Viện trưởng Viện Nghiên cứu lập pháp quy định sau khi được sự đồng ý của Ủy ban thường vụ Quốc hội.
Điều 5.
Viện Nghiên cứu lập pháp là đơn vị sự nghiệp, có con dấu, tài khoản riêng theo quy định của pháp luật.
Kinh phí hoạt động thường xuyên của Viện gồm một khoản trong kinh phí hoạt động của Quốc hội và nguồn thu trong hoạt động sự nghiệp có thu theo quy định của pháp luật. Cơ sở vật chất và các điều kiện hoạt động của Viện do Văn phòng Quốc hội bảo đảm.
Điều 6.
 Nghị quyết này có hiệu lực từ ngày ký.
 Viện trưởng Viện Nghiên cứu lập pháp,Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, Trưởng ban Công tác đại biểu và các cơ quan hữu quan theo trách nhiệm thi hành Nghị quyết này.
 
TM.ỦY BAN THƯỜNG VỤ QUỐC HỘI
                                                                                      CHỦ TỊCH
                                       (đã ký)
                                       Nguyễn Phú Trọng
 
 

(Nguồn tin: Bài viết đăng tải trên Ấn phẩm Tạp chí Nghiên cứu lập pháp số 14, tháng 9/2008)


Thống kê truy cập

33927719

Tổng truy cập