Kiến nghị hoàn thiện dự thảo sửa đổi Luật du lịch

01/05/2017

ThS. ĐÀO THỊ THU HẰNG

Trường Đại học Kinh tế _ Luật Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh.

Tóm tắt: Bài viết phân tích, chỉ ra những điểm còn hạn chế, thiếu hợp lý trong Dự thảo sửa đổi Luật Du lịch năm 2005 và nêu các kiến nghị hoàn thiện.
Từ khóa: kinh doanh du lịch, quản lý nhà nước về du lịch. 
Abstract: The article provides analysss, limitations, inappropriateness in the Bill of Tourism (the admendment of the Law on Tourism of 2005) and also recommendations for improvements.
Keywords: Tourism business, the state management on tourism.
 Untitled_1066.png
Ảnh minh họa: nguồn internet
1. Khái niệm du lịch và một số khái niệm liên quan
Theo quy định của Dự thảo sửa đổi Luật Du lịch năm 2005(sau đây gọi là Dự thảo), “Du lịch là các hoạt động có liên quan đến chuyến đi của con người ngoài nơi cư trú trong thời gian không quá 01 năm liên tục nhằm đáp ứng nhu cầu tham quan, nghỉ dưỡng, giải trí, tham dự hội nghị, hội thảo hoặc kết hợp với mục đích hợp pháp khác”[1]. Với quy định này, du lịch chỉ là các hoạt động có liên quan đến chuyến đi của con người. Việc Dự thảo quy định mục đích của chuyến đi là: tham quan, nghỉ dưỡng, giải trí, tham dự hội nghị, hội thảo hoặc kết hợp với mục đích hợp pháp khác. Như vậy, ngoài chuyến đi có mục đích khác như: đi du lịch chữa bệnh, đi du lịch để học nấu ăn, đi du lịch để viết sách, đi du lịch mạo hiểm để khám phá bản thân, du lịch tâm linh… còn những chuyến đi có mục đích như về thăm quê, đi công tác… có thuộc phạm vi điều chỉnh của Dự thảo không? Quy định thời hạn 01 năm cho chuyến du lịch trong Dự thảo dường như cũng trở nên lạc hậu, khi mà những chuyến đi du lịch vòng quanh thế giới được tổ chức ngày càng nhiều và nó có thể mất vài năm[2].
Ngoài ra, đối chiếu với Luật Xuất cảnh, nhập cảnh, quá cảnh và cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam năm 2014, quy định của Dự thảo còn không đảm bảo tính thống nhất. Cụ thể, Điều 8 Luật Xuất cảnh, nhập cảnh, quá cảnh và cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam năm 2014 quy định có 20 loại thị thực, theo đó, người vào Việt Nam du lịch sẽ được cấp hộ chiếu ký hiệu DL, người vào dự hội nghị hộ chiếu có ký hiệu HN, người vào thực tập, học tập ký hiệu DH. Với cách hiểu này, thì đi du lịch, đi hội nghị hay học tập là những mục đích khác nhau.
Tổ chức Du lịch Thế giới thuộc Liên hiệp quốc (UNWTO)[3] đã đưa ra khái niệm về du lịch nhưng góc độ tiếp cận rất rộng: “Du lịch bao gồm các hoạt động của con người du hành đến và ở lại những nơi nằm ngoài môi trường sống thường ngày của họ trong khoảng thời gian không quá một năm nhằm để giải trí, kinh doanh và những mục đích khác”[4]. Như vậy, với khái niệm này, chỉ ngoại trừ việc di chuyển nhằm mục đích cư trú, còn lại việc di chuyển ra ngoài môi trường sinh sống thường xuyên của con người trong vòng một năm vì mục đích gì cũng có thể được xem là du lịch. Tuy nhiên, khái niệm này của UNWTO chỉ có tính chất tham khảo, không mang tính ràng buộc pháp lý.
Do vậy, trong trường hợp Dự thảo không thể mô tả được một cách khái quát nhất nội hàm của khái niệm du lịch thì nên đưa ra định nghĩa thế nào là du lịch. Thực tiễn cho thấy, luật du lịch của đa số các nước trên thế giới đều không đưa ra khái niệm du lịch, thay vào đó là khái niệm hoạt động kinh doanh du lịch. Bởi lẽ, hoạt động kinh doanh du lịch mới thuộc phạm vi mà luật du lịch hướng đến. Ví dụ, Luật Du lịch của Thái Lan (Tourism Business and Guide Act) năm 2008 quy định: “Kinh doanh du lịch có nghĩa là việc kinh doanh liên quan đến hoạt động hướng dẫn du khách để lữ hành hoặc để nhằm những mục đích du lịch khác bằng cách cung cấp một hoặc nhiều dịch vụ hoặc tiện ích như lưu trú, ăn uống, dẫn đường hoặc bất kỳ dịch vụ nào khác do Bộ quy định’[5].Luật Du lịch năm 2013 của Trung Quốc cũng xác định trong phạm vi điều chỉnh của nó là: “Luật này áp dụng cho các hoạt động lữ hành, nghỉ dưỡng, giải trí và các loại hình du lịch khác tổ chức trong lãnh thổ hoặc vượt ra ngoài lãnh thổ của Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa và hoạt động kinh doanh cung cấp các dịch vụ du lịch có liên quan”[6].
Vì vậy, chúng tôi cho rằng, không nên đưa khái niệm du lịch vào trong Dự thảo, thay vào đó, cần giải thích rõ khái niệm kinh doanh du lịch.
Dự thảo còn sử dụng một số thuật ngữ không rõ ràng, ví dụ, khoản 5 Điều 3 Dự thảo quy định: “Sản phẩm du lịch là tập hợp các giá trị tài nguyên du lịch và dịch vụ cần thiết nhằm thoả mãn nhu cầu của khách du lịch”.Cụm từ “cần thiết” còn lặp đi lặp lại nhiều lần ở những quy định khác[7]. Câu hỏi đặt ra là, dịch vụ nào là cần thiết, bắt buộc phải có và dịch vụ nào là phụ trợ? Thực tế cho thấy, có dịch vụ cần thiết với khách du lịch này, nhưng lại không cần thiết với khách du lịch khác. Nếu đứng trên góc độ quản lý, đưa ra sự cần thiết theo quan điểm chủ quan thì sẽ cứng nhắc và không phù hợp với hoạt động cung cấp dịch vụ. Vì vậy, cần phải rà soát, loại bỏ cụm từ không xác định này.
2. Đối tượng điều chỉnh, phạm vi điều chỉnh
Dự thảo xem “cộng đồng dân cư” là đối tượng điều chỉnh của Luật Du lịch. Có thể nói, cộng đồng dân cư một loại chủ thể khá hạn chế trong pháp luật Việt Nam và dường như, chỉ có trong lĩnh vực đất đai. Luật Du lịch sẽ điều chỉnh cộng đồng dân cư bao gồm những ai? bằng phương pháp nào? và về vấn đề gì trong du lịch? Dự thảo có 8 lần nhắc về cộng đồng dân cư. Tuy nhiên, nội dung này có phần mang tính “khẩu hiệu” hơn là tính chất của quy phạm pháp luật. Cộng đồng dân cư có địa vị pháp lý gì? Cộng đồng dân cư nếu có bầu được ra người đại diện theo ủy quyền thì ở góc độ nào đó, nó vẫn chỉ là tổ chức xã hội tự quản. Quan hệ pháp luật du lịch khác với quan hệ pháp luật đất đai, có thể nó diễn ra hàng ngày, hàng giờ trong cộng đồng dân cư đó, nếu xem du lịch như là một ngành nghề kiếm thu nhập của họ. Vậy cộng đồng này sẽ ủy quyền cho người đại diện những nội dung gì? Chúng tôi cho rằng, nếu cộng đồng dân cư nào đó có lợi ích chung và họ muốn khai thác dưới góc độ thương mại thì họ nên thành lập hợp tác xã. Như vậy, cả phía cơ quan nhà nước cũng dễ dàng quản lý hơn. Do vậy, không nên đưa “cộng đồng dân cư” vào đối tượng điều chỉnh của Luật Du lịch.
3. Kinh doanh du lịch
Thứ nhất, về nội hàm của kinh doanh lữ hành. Hoạt động kinh doanh du lịch chủ yếu bao gồm kinh doanh lữ hành, vận tải khách du lịch, cơ sở lưu trú du lịch. Tại Điều 33 Dự thảo quy định phạm vi kinh doanh lữ hành bao gồm: 1. Kinh doanh lữ hành nội địa; và 2. Kinh doanh lữ hành quốc tế. Tại khoản 4 quy định: "Doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài chỉ được kinh doanh lữ hành quốc tế theo phạm vi quy định tại khoản 2 Điều 10 Luật này, trừ trường hợp điều ước quốc tế mà Cộng hòa XHCN Việt Nam là thành viên có quy định khác”. Quy định này mâu thuẫn với các cam kết gia nhập WTO của Việt Nam. Theo các cam kết này thì doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài chỉ được kinh doanh dịch vụ đưa khách du lịch vào Việt Nam (inbound - xuất khẩu dịch vụ du lịch), không cam kết dịch vụ đưa khách du lịch ra khỏi Việt Nam (outbound - nhập khẩu dịch vụ du lịch), tức là doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài chỉ được kinh doanh lữ hành quốc tế theo phạm vi quy định tại khoản 3 Điều 10 mới đúng.
Thứ hai, điều kiện kinh doanh lữ hành không thể là “thành lập doanh nghiệp” như Điều 30 Dự thảo được mà phải là: “là doanh nghiệp được thành lập theo…”. Điều đáng tiếc là Dự thảo đã loại bỏ quyền kinh doanh lữ hành của hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã - một chủ thể kinh doanh mà Đảng và Nhà nước đang nỗ lực khuyến khích vực dậy. 
Thứ ba, vấn đề ký quỹ tại tổ chức tín dụng. Có thể nói, cho đến thời điểm này, quy định này là trái với quy định của Luật Đầu tư năm 2014. Theo đó, kinh doanh lữ hành không phải là ngành nghề kinh doanh có điều kiện. ­Mặt khác, việc quy định ký quỹ trong kinh doanh lữ hành đã từng được quy định trong Pháp lệnh Du lịch năm 1999, sau đó quy định này dường như không phù hợp với thực tiễn, gây khó khăn cho hoạt động của doanh nghiệp, nên được bỏ một phần, chỉ còn doanh nghiệp kinh doanh lữ hành quốc tế phải ký quỹ 250 triệu đồng. Đây được xem là điểm tiến bộ trong cải cách luật pháp thời kỳ này của pháp luật kinh doanh nói chung và kinh doanh du lịch nói riêng. Như vậy, quy định ký quỹ trong kinh doanh lữ hành trong Dự thảo là một bước thụt lùi, bởi vì: i) Dưới góc độ quản lý nhà nước, việc ký quỹ kinh doanh lữ hành nhằm để dùng bồi thường cho khách du lịch khi doanh nghiệp kinh doanh lữ hành gây thiệt hại cho khách du lịch. Có ý kiến cho rằng, việc ký quỹ như vậy sẽ bảo vệ lợi ích của người tiêu dùng, vì khác với những người tiêu dùng khác, khách du lịch là những người không dựa được vào cơ chế bảo vệ tại nơi cư trú của mình[8]. Tuy nhiên, lẽ hiển nhiên doanh nghiệp du lịch phải có lỗi hoặc gây thiệt hại cho khách du lịch thì mới phải bồi thường. Quan hệ giữa doanh nghiệp du lịch và khách du lịch là quan hệ dân sự, vấn đề bồi thường chắc chắn sẽ được thỏa thuận trong hợp đồng dịch vụ du lịch và khi xảy ra tranh chấp đã có pháp luật về hợp đồng điều chỉnh để đảm bảo quyền lợi của đôi bên được cân bằng. Mặt khác, với mức ký quỹ 250 triệu đồng như hiện nay, hoặc 500 triệu đồng theo dự kiến, liệu có đủ bồi thường cho các du khách trong đoàn của doanh nghiệp?; ii) dưới góc độ kinh tế, việc ký quỹ khiến cho một số tiền vốn trong nền kinh tế bị “đóng băng”, phong tỏa trong suốt thời gian ký quỹ. Đối với doanh nghiệp vừa và nhỏ, doanh nghiệp siêu nhỏ hoặc mới khởi nghiệp số tiền ký quỹ sẽ ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh, khả năng cạnh tranh của họ. Điều này, đi ngược lại với tinh thần của Luật Hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ sẽ được trình Quốc hội trong thời gian tới đây; iii) Mặt khác, tại điểm d khoản 2 Điều 41 Dự thảo cũng đã có quy định doanh nghiệp kinh doanh lữ hành có nghĩa vụ: “mua bảo hiểm du lịch cho khách du lịch trong thời gian thực hiện chương trình du lịch trừ trường hợp khách đã có bảo hiểm cho toàn bộ chương trình du lịch”. Như vậy, việc ký quỹ là không hợp lý và không cần thiết.
           
Tài liệu tham khảo

[1]     Bùi Thanh Thủy, “Về nội hàm văn hóa du lịch”, Tạp chí Du lịch - số 12/2009.

[2]     China National Tourism Admistration online, Tourism law of People’s Republic of China, 30 August 2016. <http://en.cnta.gov.cn/Policies/TourismPolicies/201507/t20150707_721478.shtml>. [3] Dự thảo sửa đổi, bổ sung Luật Du lịch lần thứ 5 năm 2016.

[4]     Đảng Cộng sản Việt Nam, Báo cáo đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2011 - 2015 và phương hướng, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2016 – 2020, Văn kiện Đại hội Đảng lần thứ XII.

[5]     Luật Du lịch năm 2005.

[6]     Luật Cư trú 2013
[7]     Tourism Authority of Thailand online, Thailand TAT tourism licence tourism business and guide Act, 30 August 2016,    <https://www.samuiforsale.com/company-law/thailand-tat-tourism-license-tourism-business-and-guide-act.html>.
[8]     Tin nhanh Việt Nam online, Vòng quanh thế giới, <http://vnexpress.net/vong-quanh-the-gioi/tag-246102-1.html>
[9]     Trịnh Đăng Thanh, “Thực trạng pháp luật du lịch Việt Nam”, Tạp chí Nhà nước và Pháp luật số 01/2005
[10] Vũ Quang Lý, Tham gia ý kiến về phát triển du lịch tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu, Bài tham gia  tọa đàm về pháp luật du lịch ngày 23/9/2016 tại thành phố Vũng Tàu.
[11] World Tourism Organization online, Tourism Satellite Account: Recommended Methodological Framework, 30 August 2016.< http://unstats.un.org/unsd/publication/SeriesF/SeriesF_80e.pdf>
[12] World Tourism Organization (1995), UNWTO Technical Manual: Collection of Tourism Expediture Statistics, Madrid, Spain.
 

 


[1] Khoản 1 Điều 3 dự thảo Luật Du lịch (Dự thảo lần 6).
[2] Tin nhanh Việt Nam online, http://vnexpress.net/vong-quanh-the-gioi/tag-246102-1.html.
[3] World Tourism Organization.
[4] World Tourism Organization (1995), UNWTO Technical Manual: Collection of Tourism Expediture Statistics, Madrid, Spain, p.10.
[5] Tourism Authority of Thailand online, Thailand TAT tourism licence tourism business and guide Act, 30 August 2016,<https://www.samuiforsale.com/company-law/thailand-tat-tourism-license-tourism-business-and-guide-act.html>.
[6] China National Tourism Admistration online, Tourism law of People’s Republic of China, 30 August 2016, http://en.cnta.gov.cn/Policies/TourismPolicies/201507/t20150707_721478.shtml.
[7] Khoản 1 Điều 25, Điều 26 Dự thảo.
[8]Trịnh Đăng Thanh, Thực trạng pháp luật du lịch Việt Nam, Tạp chí Nhà nước và Pháp luật số 01/2005, trang 34.

(Nguồn tin: Bài viết đăng tải trên Ấn phẩm Tạp chí Nghiên cứu lập pháp số 10(338), tháng 5/2017)


Thống kê truy cập

33934781

Tổng truy cập