Thẩm quyền giải quyết tranh chấp của trọng tài trong thực tiễn hiện nay

01/02/2017

ThS. CAO ANH NGUYÊN

Luật sư thuộc Đoàn luật sư tỉnh Khánh Hòa.

Tóm tắt: Kể từ khi Luật Trọng tài thương mại năm 2010 (Luật TTTM) được ban hành đến nay, số lượng vụ việc được giải quyết bằng trọng tài đang có xu hướng tăng. Nhưng nếu so sánh với số lượng vụ việc mà Tòa án thụ lý thì chưa tương xứng với tiềm năng hiện có của Trọng tài Việt Nam. Một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng này là phạm vi thẩm quyền giải quyết tranh chấp của Trọng tài vẫn còn hẹp. Bên cạnh đó, pháp luật hiện hành có các quy định, giải thích khác nhau về phạm vi thẩm quyền của Trọng tài, dẫn đến việc hiểu và áp dụng pháp luật khác nhau, nên phán quyết của Trọng tài có nguy cơ bị Tòa án tuyên hủy vì cho rằng Trọng tài vượt quá thẩm quyền. Do vậy, việc mở rộng thẩm quyền trọng tài là hết sức cần thiết để tạo ra diện mạo mới cho hoạt động trọng tài ở Việt Nam.
Từ khóa: Giải quyết tranh chấp, Trọng tài thương mại.
Abstract: Since the Commercial Arbitration Act 2010 was issued, the arbitration has seen improvements. The number of disputes resolved by arbitration is likely to be increasing, yet is comparatively little to the cases accepted and settled by the Courts, and does not correspond to the potential of Vietnam arbitration panel. One of the main factors that lead to existing issues is the narrowness of jurisdiction of attribution dispute settlement. In additions, as the current legislation provides different provisions and interpretations of arbitration’s scope of jurisdiction, which leads to diverse perceptive and applications, arbitral award can be declared cancelled by courts if an arbitrator is believed to exceed his authority. Nowadays, with new essential acts of legislation being issued, it is essential to expand the competence of arbitrators in order to define a new appearance to Vietnam Arbitration activities.
Keywords: Disputes Resolution, Commercial Arbitration
Untitled_500.jpg
Ảnh minh họa: nguồn internet
1. Tranh chấp phát sinh từ hoạt động thương mại
Theo quy định tại Điều 2 Luật TTTM thì Trọng tài có thẩm quyền giải quyết các tranh chấp như sau: tranh chấp giữa các bên phát sinh từ hoạt động thương mại (khoản 1); tranh chấp phát sinh giữa các bên trong đó ít nhất một bên có hoạt động thương mại (khoản 2); tranh chấp khác giữa các bên mà pháp luật quy định được giải quyết bằng Trọng tài (khoản 3). Mặc dù, Luật TTTM có nhiều điểm tiến bộ so với Pháp lệnh TTTM trước đây, nhưng Luật vẫn sử dụng thuật ngữ “hoạt động thương mại” làm bản lề cho việc giới hạn thẩm quyền giải quyết tranh chấp của Trọng tài.
Việc Luật TTTM quy định các dạng tranh chấp tại khoản 1, khoản 2 Điều 2 là không rõ ràng, thậm chí chồng chéo với nhau[1], bởi vì:
- Thứ nhất, “tranh chấp giữa các bên phát sinh từ hoạt động thương mại” (khoản 1), nghĩa là nội dung giao kết, thực hiện giao dịch của các bên phải là hoạt động thương mại, dạng tranh chấp này được hiểu là giữa thương nhân với thương nhân. Nếu hoạt động thương mại xuất phát từ một bên mà phát sinh tranh chấp thì không rơi vào quy định khoản 1 Điều 2.
- Thứ hai, “tranh chấp phát sinh giữa các bên trong đó ít nhất một bên có hoạt động thương mại” (khoản 2), từ ngữ “ít nhất” này nghĩa là khi các bên giao kết, thực hiện giao dịch thì chỉ cần hoạt động thương mại xuất phát từ một bên, dạng tranh chấp này được hiểu là giữa thương nhân với cá nhân, tổ chức bất kỳ. Luật TTTM không yêu cầu một bên còn lại phải là thương nhân, nên cá nhân, tổ chức này có hoạt động thương mại hay không là không cần thiết. Nếu hiểu “hoạt động thương mại” dưới góc độ không phải là nội dung giao dịch, mà là ngành nghề kinh doanh của ít nhất một bên tranh chấp, thì sẽ rất khó để cho rằng Trọng tài có thẩm quyền giải quyết tranh chấp phát sinh trong một số trường hợp, và không đúng với tinh thần của Luật TTTM.
Như vậy, nếu phân tích kỹ nội dung quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều 2 thì sẽ thấy rằng bản chất nội dung khoản 2 đã bao trùm nội dung khoản 1. Do đó, về kỹ thuật lập pháp thì quy định tại khoản 1 Điều 2 là không cần thiết.
Từ trước đến nay trong khoa học pháp lý, vấn đề ranh giới giữa “tranh chấp kinh doanh thương mại” và “tranh chấp dân sự” là rất mong manh. Từ Nghị quyết số 01/2005/NQ-HĐTP ngày 31/3/2005 cho đến Nghị quyết số 03/2012/NQ-HĐTP ngày 03/12/2012 của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao hướng dẫn thi hành một số quy định của Bộ luật Tố tụng dân sự vẫn không đưa ra được tiêu chí thuyết phục để xác định ranh giới giữa tranh chấp kinh doanh thương mại và tranh chấp dân sự. Điểm d khoản 1 Điều 2 Nghị quyết số 03/2012/NQ-HĐTP quy định: “Trong trường hợp căn cứ vào hướng dẫn tại các điểm a, b và c khoản 1 Điều này mà khó xác định được tranh chấp hoặc yêu cầu đó thuộc nhiệm vụ, quyền hạn của Toà chuyên trách nào, thì Chánh án Tòa án nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương quyết định phân công cho một Toà chuyên trách giải quyết theo thủ tục chung. Trường hợp sau khi thụ lý vụ việc dân sự mới phát hiện được vụ việc dân sự thuộc nhiệm vụ, quyền hạn của Toà chuyên trách khác, thì Toà chuyên trách đã thụ lý tiếp tục giải quyết vụ việc dân sự theo thủ tục chung”. Quy định này mang tính chất mệnh lệnh hành chính, nếu quan điểm của các thẩm phán không thống nhất hoặc mơ hồ về việc xác định vụ việc thuộc nhiệm vụ, quyền hạn của Tòa kinh tế hay Tòa dân sự, thì Chánh án sẽ là biểu tượng đứng ra chỉ đạo Tòa chuyên trách nào sẽ giải quyết vụ việc đó. Thực tiễn xét xử cho thấy, không có một Chánh án cấp tỉnh nào có đầy đủ năng lực chuyên sâu về mọi lĩnh vực dân sự, kinh tế, lao động, hôn nhân, gia đình, hình sự, hành chính,… để đưa ra kết luận chuẩn xác về từng loại tranh chấp.
Trong thực tế, có nhiều tổ chức không phải là tổ chức kinh doanh như các ban quản lý dự án, cơ quan hành chính sự nghiệp tham gia đấu thầu hoặc giao kết hợp đồng, kể cả hợp đồng mua sắm chính phủ, trong đó sử dụng trọng tài theo khuyến nghị của các nhà tài trợ, định chế tài chính quốc tế như Ngân hàng Thế giới, Ngân hàng phát triển châu Á,… và trên thế giới, các chủ thể này hoàn toàn có quyền lựa chọn trọng tài để giải quyết tranh chấp nhưng tại Việt Nam thì lại không được phép. Tuy nhiên, khi Bộ luật Dân sự năm 2015 (BLDS) bắt đầu phát sinh hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/01/2017 thì các cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị, xã hội, nghề nghiệp,… đều được liệt kê là pháp nhân phi thương mại, kể cả Nhà nước khi tham gia quan hệ dân sự thì cũng bình đẳng với các chủ thể khác, và được hiểu rằng Nhà nước đã “từ bỏ” quyền miễn trừ của mình[2]. Do đó, tiêu chí chủ thể ký thoả thuận trọng tài không còn ý nghĩa quan trọng. Pháp luật cho phép các tổ chức này hoạt động thương mại nhưng không có mục tiêu chính là tìm kiếm lợi nhuận. Pháp luật các nước ghi nhận về nguyên tắc, bất cứ tranh chấp nào có thể giải quyết bởi một hội đồng trọng tài tư thì cũng có thể giải quyết bởi thẩm phán của tòa án quốc gia. Ví dụ, Điều 2059, BLDS Pháp quy định “tất cả các bên có thể tham gia vào một thỏa thuận trọng tài có liên quan đến quyền mà họ có thể tự do quyết định”. Mặc dù, Điều 2060 có quy định thêm rằng, các bên không thể thỏa thuận giải quyết tranh chấp bằng trọng tài trong một số lĩnh vực cụ thể (ví dụ như luật gia đình), và “một cách khái quát hơn là trong tất cả các vấn đề liên quan đến lợi ích công cộng”, nhưng sự giới hạn này đã được các tòa án Pháp giải thích theo một nghĩa rất hạn chế[3].
Trước đây, trong quá trình Dự thảo Luật TTTM, nhiều nhà khoa học pháp lý đã đề xuất việc mở rộng thẩm quyền trọng tài đến cả các quan hệ tranh chấp dân sự, lao động,… Sau khi tiến hành nghiên cứu pháp luật của hơn 80 quốc gia trên thế giới, Ban Soạn thảo Luật TTTM đi đến kết luận rằng, hầu hết pháp luật các nước đều không phân biệt rõ các tranh chấp thương mại và tranh chấp phi thương mại. Ngoài ra, khái niệm “thương mại” quy định tại chú thích 2 của Luật mẫu 1985 không phải là một danh sách liệt kê toàn bộ các hành vi thương mại. Trên thực tế, rất khó phân biệt giữa hành vi thương mại và phi thương mại. Sự không rõ ràng này có thể sẽ bị toà án lạm dụng[4]. Nhưng dường như quan điểm của cơ quan lập pháp cho rằng, việc mở rộng thẩm quyền trọng tài là quá tham vọng trong bối cảnh Trọng tài được xem là kênh bổ trợ cho Tòa án, chứ không được xếp ngang hàng với Tòa án. Thực tế cho thấy, cơ quan lập pháp chưa tính đến xu hướng thay đổi các đạo luật quan trọng như BLDS năm 2015, Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015 (Bộ luật TTDS), Luật Doanh nghiệp năm 2014 (Luật DN),… nên dẫn đến phát sinh những bất cập, chồng chéo như hiện nay. Một lần nữa, vấn đề mở rộng thẩm quyền trọng tài được đặt ra cấp thiết, Luật TTTM cần sớm sửa đổi, bổ sung để đồng bộ, thống nhất với các đạo luật liên quan khác, đặc biệt khi lần đầu tiên BLDS năm 2015 quy định cá nhân, tổ chức được quyền lựa chọn Tòa án hoặc Trọng tài để yêu cầu bảo vệ quyền dân sự bị xâm phạm hoặc khi có tranh chấp phát sinh. Quyền dân sự của cá nhân, tổ chức được xác lập trên cơ sở hợp đồng và ngoài hợp đồng[5]. Điều này là phù hợp với pháp luật và thực tiễn trọng tài quốc tế vốn chỉ nhấn mạnh tiêu chí thoả thuận, nghĩa là khi có thoả thuận của các bên chọn trọng tài thì Trọng tài sẽ có thẩm quyền giải quyết. Pháp luật các nước thường xác định phạm vi thẩm quyền của Trọng tài theo cách liệt kê các loại việc không thuộc thẩm quyền giải quyết của Trọng tài. Theo phương pháp loại trừ này, thẩm quyền của Trọng tài được xác định ở phạm vi mở, tạo khả năng thích ứng và linh hoạt trong tố tụng trọng tài. Theo đó, về nguyên tắc, không cho phép Trọng tài giải quyết các vấn đề liên quan đến quyền nhân thân, tình trạng cá nhân, quan hệ hôn nhân, gia đình; tranh chấp về phá sản, vỡ nợ công ty, về sở hữu trí tuệ; tranh chấp liên quan đến trật tự công cộng, lợi ích công… Ở một số nước, các vấn đề trong lĩnh vực quyền sở hữu trí tuệ như phạm vi bảo hộ, hiệu lực của văn bằng, vi phạm quyền tác giả, quyền sở hữu công nghiệp tuy không thể giải quyết bằng Trọng tài, nhưng các bên lại có thể giải quyết bằng Trọng tài vấn đề li-xăng. Một số nước cho phép các chủ nợ có thể ký kết thoả thuận trọng tài về giải quyết nợ trước khi Toà án tiến hành thủ tục phá sản. Trong lĩnh vực hình sự, các bên không thể thoả thuận về mức hình phạt, song có thể thoả thuận về mức bồi thường thiệt hại và có thể dùng Trọng tài để giải quyết[6].
2. Tranh chấp khác giữa các bên mà pháp luật quy định được giải quyết bằng Trọng tài
Việc Luật TTTM quy định thêm thẩm quyền giải quyết tranh chấp khác giữa các bên mà pháp luật quy định được giải quyết bằng Trọng tài thể hiện sự thụ động trong việc mở rộng thẩm quyền trọng tài. Trên thực tế, kể từ khi Luật TTTM có hiệu lực cho đến nay, các Trung tâm trọng tài hầu như không thấy đưa ra giải quyết các vụ việc tranh chấp rơi vào trường hợp được quy định tại khoản 3 Điều 2. Nếu các bên đưa các dạng tranh chấp này ra Trọng tài giải quyết thì chắc chắn, các Trung tâm trọng tài lẫn các Trọng tài viên sẽ e dè khi xem xét xem có thẩm quyền thụ lý, giải quyết vụ việc hay không. Bởi lẽ, pháp luật thực định vẫn còn tồn tại sự phân biệt giữa tranh chấp dân sự và tranh chấp kinh doanh thương mại cả về mặt nội dung và hình thức.
Xét về mặt hình thức: Luật Tổ chức Tòa án nhân dân năm 2014 vẫn giữ nguyên cách phân định cơ cấu tổ chức theo chiều dọc từ trung ương xuống địa phương, bao gồm: Tòa kinh tế, Tòa dân sự, Tòa hình sự, Tòa hành chính, Tòa lao động, Tòa gia đình và người chưa thành niên. Việc phân chia các Tòa chuyên trách như trên mang nặng tính chất quản lý nhà nước. Trong hoạt động xét xử, Thẩm phán không có quyền lựa chọn loại vụ việc để thụ lý giải quyết, mà Chánh án là người phân công vụ việc cho từng Thẩm phán. Trên thực tế, rất nhiều Thẩm phán Tòa kinh tế vẫn được giao giải quyết loại án dân sự, lao động, hành chính, thậm chí là cả loại án hình sự và ngược lại. Do đó, có thể thấy rằng việc phân định Tòa kinh tế, Tòa dân sự, Tòa lao động,… chỉ mang nặng tính chất quản lý nhà nước nhiều hơn là sự xác định loại quan hệ tranh chấp. Trong hoạt động xét xử, tất cả tài liệu, văn bản tố tụng, bản án, quyết định của Tòa án đều xác định chủ thể pháp luật là “Tòa án nhân dân” với tư cách là nhân danh Nhà nước, chứ không xác định Tòa chuyên trách là chủ thể pháp luật.
Xét về mặt nội dung: Bộ luật TTDS 2015 vẫn giữ cách phân chia loại tranh chấp dân sự và tranh chấp kinh doanh thương mại[7]. Như phân tích trên, ranh giới giữa “tranh chấp kinh doanh thương mại” và “tranh chấp dân sự” là rất mong manh. Điều này được thể hiện rõ nét hơn khi Bộ luật TTDS năm 2015 quy định “tranh chấp kinh doanh thương mại bao gồm cả tranh chấp giữa người chưa phải là thành viên công ty nhưng có giao dịch về chuyển nhượng phần vốn góp với công ty, thành viên công ty” (khoản 3 Điều 30). Vấn đề đặt ra ở đây, thành viên công ty có phải bao giờ cũng là thương nhân theo quy định tại khoản 1 Điều 6 Luật Thương mại năm 2005: “Thương nhân bao gồm tổ chức kinh tế được thành lập hợp pháp, cá nhân hoạt động thương mại một cách độc lập, thường xuyên và có đăng ký kinh doanh”. Ví dụ: Ông A lần đầu tiên là thành viên Công ty trách nhiệm hữu hạn, vì công ty kinh doanh thua lỗ nên ông A chấp nhận chuyển nhượng phần vốn góp của mình cho ông B với mức giá chịu lỗ và phát sinh tranh chấp. Vậy hoạt động chuyển nhượng phần vốn góp giữa chủ thể cá nhân - cá nhân có phải là hoạt động thương mại theo khoản 1 Điều 3 Luật Thương mại năm 2005: “Hoạt động thương mại là hoạt động nhằm mục đích sinh lợi, bao gồm mua bán hàng hoá, cung ứng dịch vụ, đầu tư, xúc tiến thương mại và các hoạt động nhằm mục đích sinh lợi khác”, trong khi ông A không phải là thương nhân và không có mục đích sinh lợi trong giao dịch này. Mặt khác, Pháp lệnh Án phí, lệ phí năm 2009 quy định về án phí, lệ phí của tranh chấp dân sự và tranh chấp kinh doanh thương mại là tương đồng nhau.
Hiện nay, Luật DN năm 2014 vẫn giữ nguyên khái niệm kinh doanh như trước đây: “Kinh doanh là việc thực hiện liên tục một, một số hoặc tất cả các công đoạn của quá trình, đầu tư, từ sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm hoặc cung ứng dịch vụ trên thị trường nhằm mục đích sinh lợi”[8]. Nhưng cần phải hiểu rằng, hoạt động kinh doanh và hoạt động thương mại là không có ranh giới, thực tiễn gọi chung bằng cụm từ “hoạt động kinh doanh thương mại”. Tuy nhiên, Điều 147 Luật DN năm 2014 tiếp tục ghi nhận phương thức tài phán bằng trọng tài trong những trường hợp nhất định, cụ thể: “Trong thời hạn 90 ngày, kể từ ngày nhận được biên bản họp Đại hội đồng cổ đông (ĐHĐCĐ) hoặc biên bản kết quả kiểm phiếu lấy ý kiến ĐHĐCĐ, cổ đông, nhóm cổ đông quy định tại khoản 2 Điều 114 của Luật này có quyền yêu cầu Tòa án hoặc Trọng tài xem xét, hủy bỏ nghị quyết hoặc một phần nội dung nghị quyết của ĐHĐCĐ trong các trường hợp sau đây: (1) Trình tự và thủ tục triệu tập họp và ra quyết định của ĐHĐCĐ không thực hiện đúng theo quy định của Luật này và Điều lệ công ty, trừ trường hợp quy định tại khoản 2 Điều 148 của Luật này; (2) Nội dung nghị quyết vi phạm pháp luật hoặc Điều lệ công ty”.
Vấn đề giải quyết yêu cầu xem xét, hủy bỏ nghị quyết của ĐHĐCĐ bằng con đường Tòa án thì khá đơn giản với hệ thống các văn bản pháp luật tố tụng điều chỉnh cụ thể. Nhưng câu chuyện sẽ trở nên rất phức tạp nếu cổ đông, nhóm cổ đông quy định tại khoản 2 Điều 114 Luật DN năm 2014 lựa chọn phương thức giải quyết bằng trọng tài. Về vấn đề này, chúng tôi xin đưa ra 2 hướng giải thích như sau:
- Hướng giải thích thứ nhất: Xác định yêu cầu hủy bỏ nghị quyết ĐHĐCĐ là tranh chấp về kinh doanh thương mại
Cổ đông thiểu số là cổ đông sở hữu một tỷ lệ cổ phần nhỏ trong công ty cổ phần và không có khả năng chi phối, kiểm soát hoạt động của công ty. Bởi vậy, việc bảo vệ quyền lợi của các cổ đông thiểu số, đối tượng dễ bị xâm phạm quyền lợi do sự yếu thế trong việc quyết định những vấn đề quan trọng trong hoạt động của công ty, là hết sức cần thiết. Theo Luật DN năm 2014 thì một trong những cách thức bảo vệ quyền lợi cổ đông thiểu số là việc lựa chọn cơ quan tài phán giải quyết tranh chấp phát sinh. Khoản 3 Điều 3 Luật TTTM định nghĩa thuật ngữ “các bên tranh chấp” là cá nhân, cơ quan, tổ chức Việt Nam hoặc nước ngoài tham gia tố tụng trọng tài với tư cách nguyên đơn, bị đơn. Từ đây, lẽ dĩ nhiên xác định cổ đông thiểu số là nguyên đơn trong vụ kiện, công ty là bị đơn.
Để xác định Trọng tài có thẩm quyền giải quyết loại việc này thì chỉ có thể viện dẫn khoản 3 Điều 2 Luật TTTM: “Tranh chấp khác giữa các bên mà pháp luật quy định được giải quyết bằng Trọng tài” để diễn dịch thẩm quyền trọng tài. Bởi vì, yêu cầu hủy bỏ nghị quyết của ĐHĐCĐ không phát sinh từ hoạt động thương mại thuần túy. Có lẽ Luật TTTM dự liệu được các tình huống tranh chấp trong nội bộ công ty nên có sự tiếp thu cần thiết pháp luật các nước trên thế giới bằng quy định hình thức thỏa thuận trọng tài được thể hiện cả trong giao dịch các bên có dẫn chiếu đến một văn bản có thể hiện thỏa thuận trọng tài như hợp đồng, chứng từ, điều lệ công ty và những tài liệu tương tự khác[9]. Quy định này thường có ở các nước như Đức, Thụy Sĩ hoặc Áo. Theo đó, các bên trong thỏa thuận trọng tài sẽ là (1) mỗi một cổ đông riêng lẻ và (2) công ty, do giám đốc đại diện, người mà cũng có thể là cổ đông. Đây là một thỏa thuận nhiều bên điển hình[10].
Một vấn đề cần được làm rõ là thời hiệu khởi kiện sẽ được xác định như thế nào. Điều 147 Luật DN 2014 ấn định thời hạn tối đa là 90 ngày, kể từ ngày nhận được biên bản họp ĐHĐCĐ hoặc biên bản kết quả kiểm phiếu lấy ý kiến ĐHĐCĐ, cổ đông thiểu số có quyền lựa chọn Tòa án hoặc Trọng tài xem xét, hủy bỏ nghị quyết hoặc một phần nội dung nghị quyết của ĐHĐCĐ. Về vấn đề này, điều khoản trọng tài trong điều lệ của công ty Đức quy định về nghị quyết cổ đông: Nếu một cổ đông nguyên đơn muốn yêu cầu tuyên bố nghị quyết cổ đông của công ty là vô hiệu thì người này sẽ phải tiến hành thủ tục trọng tài phản đối lại công ty, bị đơn, trong vòng một tháng sau khi nghị quyết được thông qua. Nếu quá thời gian đó thì không được đưa ra yêu cầu tuyên bố nghị quyết cổ đông là vô hiệu[11]. Mặc dù thời hạn yêu cầu hủy bỏ nghị quyết của ĐHĐCĐ theo pháp luật Việt Nam kéo dài hơn so với pháp luật Đức, nhưng trong thực tiễn xét xử của Tòa án vẫn tồn tại quan điểm xếp loại đây là xung đột quyền lợi trong nội bộ công ty và xác định thời hiệu khởi kiện theo Bộ luật TTDS. Do đó, hết thời hạn 90 ngày thì Trung tâm trọng tài sẽ e dè thụ lý vụ việc. Nếu Trọng tài từ chối giải quyết, thì có xem thỏa thuận trọng tài là không thể thực hiện được hay không, để xác định thẩm quyền thụ lý giải quyết của Tòa án nếu đương sự có yêu cầu.
- Hướng giải thích thứ hai: Xác định yêu cầu hủy bỏ nghị quyết ĐHĐCĐ là yêu cầu về kinh doanh thương mại
Trước đây, trong thực tiễn xét xử của Tòa án có những quan điểm trái chiều về việc liệt kê yêu cầu hủy bỏ nghị quyết của ĐHĐCĐ vào loại tranh chấp dân sự hay yêu cầu dân sự, vì Bộ luật TTDS năm 2004 đã được sửa đổi, bổ sung năm 2011 không có hướng dẫn cụ thể xác định loại việc này, dẫn đến sự lúng túng trong hoạt động xét xử. Nhưng nay Bộ luật TTDS năm 2015 đã định hình rõ cho loại việc này là yêu cầu về kinh doanh, thương mại[12]. Xưa nay, Bộ luật TTDS và các văn bản quy phạm pháp luật hướng dẫn thi hành đều có sự phân chia rõ ràng giữa tranh chấp dân sự và yêu cầu về dân sự để xác định thẩm quyền giải quyết của Tòa án. Việc cá nhân, tổ chức yêu cầu Tòa án giải quyết tranh chấp kinh doanh thương mại hay yêu cầu giải quyết việc kinh doanh thương mại sẽ được thực hiện theo những trình tự, thủ tục tố tụng khác nhau và dẫn đến những hậu quả pháp lý khác nhau. Theo quy định của pháp luật thì có nhiều tiêu chí để phân biệt tranh chấp về dân sự và yêu cầu về dân sự, tiêu chí cơ bản nhất để phân biệt là vụ việc có tranh chấp xảy ra hay không có tranh chấp[13]. Đối với yêu cầu về dân sự thì không có nguyên đơn, bị đơn mà chỉ có người yêu cầu Tòa án giải quyết và người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan. Xuất phát từ yêu cầu của đương sự, Tòa án mở phiên họp giải quyết việc dân sự để công nhận hoặc không công nhận một sự kiện pháp lý nào đó.
Điều 2 Luật TTTM đã giới hạn thẩm quyền trọng tài chỉ được phép giải quyết các tranh chấp phát sinh khi giữa các bên có thỏa thuận trọng tài. Nếu cổ đông thiểu số dẫn chiếu đến khoản 3 Điều 2 Luật TTTM: “Tranh chấp khác giữa các bên mà pháp luật quy định được giải quyết bằng Trọng tài” để cho rằng trọng tài có thẩm quyền giải quyết thì có lẽ không thuyết phục. Bởi vì, tranh chấp về kinh doanh thương mại có sự khác biệt so với yêu cầu về kinh doanh thương mại. Để hiểu thấu đáo vấn đề này, chúng tôi đưa ra 2 cách luận giải như sau:
- Quan điểm thứ nhất: Hướng đến hình thức quan hệ pháp luật
Theo chúng tôi, đối với loại việc này, khi xây dựng Bộ luật TTDS năm 2015, có lẽ các nhà lập pháp lấy yếu tố hình thức quan hệ pháp luật làm tiêu chí xác định loại việc có tranh chấp hay không có tranh chấp. Hình thức quan hệ pháp luật được xác định trên cơ sở quyết định của số đông theo nguyên tắc thiểu số phải phục tùng đa số. Nghĩa là, khi biểu quyết, số đông cổ đông chấp thuận thông qua thì lẽ dĩ nhiên nghị quyết của ĐHĐCĐ sẽ có giá trị pháp lý ràng buộc đối với tất cả cổ đông ngay lập tức và được thi hành trên thực tế, cổ đông thiểu số buộc phải “miễn cưỡng” chấp nhận tính hợp pháp của nghị quyết ĐHĐCĐ. Do đó, Điều 148 Luật DN năm 2014 quy định: (1) Các nghị quyết của ĐHĐCĐ có hiệu lực kể từ ngày được thông qua hoặc từ thời điểm hiệu lực ghi tại nghị quyết đó. (3) Trường hợp có cổ đông, nhóm cổ đông yêu cầu Tòa án hoặc Trọng tài hủy bỏ nghị quyết của ĐHĐCĐ theo quy định tại Điều 147 của Luật này, thì các nghị quyết đó vẫn có hiệu lực thi hành cho đến khi Tòa án, Trọng tài có quyết định khác, trừ trường hợp áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời theo quyết định của cơ quan có thẩm quyền. Như vậy, trong thời gian chờ đợi kết luận đúng/sai của cơ quan tài phán thì cổ đông thiểu số có trách nhiệm chấp hành Nghị quyết ĐHĐCĐ. Nếu cơ quan tài phán bác yêu cầu của cổ đông thiểu số thì Nghị quyết ĐHĐCĐ sẽ tiếp tục có giá trị pháp lý ràng buộc đối với tất cả các cổ đông. Ngược lại, nếu yêu cầu được chấp nhận, thì trách nhiệm “miễn cưỡng” chấp nhận Nghị quyết ĐHĐCĐ chấm dứt ngay tại thời điểm phán quyết có hiệu lực pháp luật, và tất cả cổ đông phải tuân thủ phán quyết. Mặt khác, khi giao dịch với đối tác thì người đại diện cho công ty có đầy đủ tính hợp pháp từ kết quả đã được ĐHĐCĐ thông qua và đối tác cũng không cần quan tâm đến sự xung đột quyền lợi của các cổ đông. Vì vậy, yếu tố không tranh chấp là đặc trưng của loại việc yêu cầu về dân sự được diễn giải trong tình huống này có lẽ là sự đồng thuận tạm thời của cổ đông thiểu số đối với tính hợp pháp về mặt hình thức của Nghị quyết ĐHĐCĐ. Do đó, trong trường hợp này, cần xác định đây là yêu cầu về dân sự, tư cách tham gia tố tụng của cổ đông thiểu số là người yêu cầu, công ty là người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan. Luật TTTM hiện hành không điều chỉnh đối với loại việc yêu cầu về dân sự.
- Quan điểm thứ hai: Hướng đến nội dung quan hệ pháp luật
Trong quá trình hoạt động kinh doanh, không phải lúc nào công ty cũng nhận được sự đồng thuận của tất cả cổ đông, và không phải lúc nào ý kiến của đa số cổ đông cũng đều sáng suốt, mà đôi khi xâm phạm đến quyền lợi của cổ đông thiểu số. Bản chất mối quan hệ tranh chấp ở đây là giữa cổ đông thiểu số với cổ đông đa số, được luật hóa trở thành mối quan hệ tranh chấp giữa cổ đông thiểu số với công ty, vì công ty là chủ thể pháp luật có nghĩa vụ phải thực hiện nội dung nghị quyết của ĐHĐCĐ theo quy định của điều lệ công ty. Yếu tố tranh chấp sẽ được kéo dài từ khi cổ đông thiểu số bày tỏ ý kiến phản đối cho đến khi phán quyết tuyên chấp nhận yêu cầu. Hướng luận giải này là tương thích với pháp luật các nước trên thế giới khi liệt kê loại tranh chấp này vào nhóm tranh chấp nội bộ trong công ty. Điều khoản trọng tài trong điều lệ của công ty Đức quy định về nghị quyết cổ đông nêu rằng: Tất cả tranh chấp từ, hoặc liên quan tới Điều lệ sẽ được giải quyết duy nhất bằng một hội đồng trọng tài. Hội đồng trọng tài sẽ quyết định các công việc cụ thể về: (i) Tính hiệu lực của Điều lệ, nội dung và sự giải thích; (ii) Bất cứ một tranh chấp nào giữa công ty hoặc một trong các thành viên và cổ đông; (iii) Tranh chấp giữa cổ đông; (iv) Tranh chấp quyết định tuyên bố của cổ đông là bị vô hiệu hoặc bị tuyên bố không có hiệu lực; (v) Tranh chấp giải thể công ty[14].
Rõ ràng, với các quy định của pháp luật hiện hành, các Trung tâm Trọng tài ở Việt Nam sẽ lúng túng nếu nhận được đơn kiện về yêu cầu xem xét, hủy bỏ nghị quyết của ĐHĐCĐ và nguy cơ phán quyết trọng tài bị Tòa án tuyên hủy là việc khó tránh khỏi. Cách xây dựng thẩm quyền giải quyết tranh chấp của Trọng tài theo pháp luật hiện hành ở Việt Nam vẫn còn mang tính bị động nên cần phải xem xét lại cho phù hợp với yêu cầu thực tiễn. Thực tế đã có tranh luận xảy ra ở Đức là liệu Hội đồng trọng tài có thể quyết định tính hiệu lực một nghị quyết cổ đông? Theo Luật Trọng tài năm 1998 của Đức thì điều này là khả thi trong điều kiện liên quan tới trường hợp tranh chấp nhiều bên đã giải quyết một cách phù hợp theo điều lệ hoặc nội quy của công ty. Trường hợp tương tự cũng đã xảy ra tại Áo hoặc Thụy Sĩ. Tất cả các cổ đông phải có cơ hội tham gia việc thành lập Hội đồng trọng tài và trong quá trình giải quyết tranh chấp bằng trọng tài. Nguyên tắc này được ra đời trên cơ sở quyết định của Tòa sơ thẩm của Pháp đối với vụ Ducto[15]. Tuy nhiên, trong trường hợp nguyên đơn là nhóm cổ đông thiểu số sẽ phát sinh những vấn đề pháp lý mới liên quan như lựa chọn Trung tâm Trọng tài, chỉ định Trọng tài viên,… nếu trong nội bộ nhóm cổ đông có sự không đồng thuận, vì Luật TTTM hiện hành của nước ta chưa dự liệu được những tình huống này nên không có tiêu chí nào để giải quyết thấu đáo sự việc.
3. Kiến nghị
Hiện nay, trong BLDS năm 2015, Bộ luật TTDS năm 2015, Luật DN năm 2014,… đang có sự không thống nhất về phạm vi thẩm quyền trọng tài. Những lỗ hổng pháp lý này cần sớm được khắc phục để đảm bảo quyền lựa chọn phương thức giải quyết tranh chấp bằng trọng tài và sự an toàn của phán quyết trọng tài, đặc biệt là khi các đạo luật quan trọng đã, đang và sẽ phát sinh hiệu lực trong thực tiễn. Luật TTTM cần mở rộng phạm vi thẩm quyền giải quyết của Trọng tài đối với các tranh chấp dân sự và một số yêu cầu về dân sự nhất định để phù hợp với yêu cầu thực tiễn, tạo sự đồng bộ, thống nhất trong hệ thống pháp luật, cũng như phải đảm bảo tối đa quyền tự định đoạt của các bên trong việc lựa chọn hình thức tài phán./.

 


[2] Điều 76, Điều 97 BLDS năm 2015.
[3] Alan Redfern, Martin Hunter, Nigel Blackaby và Constantine Partasides (2004), “Pháp luật và thực tiễn trọng tài thương mại quốc tế”, tái bản lần thứ 4, Nxb. Sweet & Maxwel, London, tr. 166-167.
[4] Phạm Duy Nghĩa, “Pháp luật trọng tài ở Việt Nam - Quá trình phát triển và các vấn đề đặt ra”, trích dẫn từ: http://vibonline.com.vn/vi-VN/Forum/TopicDetail.aspx?TopicID=2179.
[5] Điều 8, Điều 14 BLDS năm 2015.
[6] Đào Trí Úc, “Những vấn đề cơ bản của Luật Trọng tài”, 2006, trích dẫn từ: http://vibonline.com.vn/vi-VN/Forum/TopicDetail.aspx?TopicID=2178.
[7] Điều 26, Điều 27, Điều 30, Điều 31 Bộ luật TTDS năm 2015.
[8] Khoản 16 Điều 4 Luật DN năm 2014.
[9] Điểm d khoản 2 Điều 16 Luật TTTM năm 2010.
[10] Albert Jan Van Den Berg (Chủ biên) (2000), “Trọng tài quốc tế và Tòa án quốc gia: Câu chuyện không hồi kết”, Kỷ yếu Hội nghị lần thứ 10 Hội đồng Trọng tài Quốc tế ICCA, Nxb. Lao Động, Hà Nội, tr. 87.
[11] Albert Jan Van Den Berg (Chủ biên) (2000), tldd, tr. 89.
[12] Khoản 1 Điều 31, Điều 361 Bộ luật TTDS 2015.
[13] Điều 361 Bộ luật TTDS 2015 quy định: Việc dân sự là việc cơ quan, tổ chức, cá nhân không có tranh chấp, nhưng có yêu cầu Tòa án công nhận hoặc không công nhận một sự kiện pháp lý là căn cứ làm phát sinh quyền, nghĩa vụ dân sự, hôn nhân và gia đình, kinh doanh, thương mại, lao động của mình hoặc của cơ quan, tổ chức, cá nhân khác; yêu cầu Tòa án công nhận cho mình quyền về dân sự, hôn nhân và gia đình, kinh doanh, thương mại, lao động”.
[14] Albert Jan Van Den Berg (Chủ biên) (2000), tldd, tr. 88.
[15] Albert Jan Van Den Berg (Chủ biên) (2000), tldd, tr. 87.

(Nguồn tin: Bài viết đăng tải trên Ấn phẩm Tạp chí Nghiên cứu lập pháp số 4(332), tháng 2/2017)


Thống kê truy cập

33949027

Tổng truy cập