Mở rộng phạm vi hoạt động của luật sư hành nghề với tư cách cá nhân ở Việt Nam

03/11/2022

TS. VŨ THẾ HOÀI, Giảng viên chính, Phó Trưởng khoa Luật, Trường Đại Sài Gòn

THS. HỒ TRẦN HƯNG, Công ty TNHH Delphi Counsel

THS. QUÁCH THỊ NGỌC THIỆN, Chuyên viên pháp chế, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn

Đại học Quốc gia TP.Hồ Chí Minh.

Tóm tắt: Trong phạm vi bài viết này, nhóm tác giả chỉ ra các vướng mắc, bất hợp lý khi thu hẹp phạm vi hành nghề của luật sư hành nghề với tư cách cá nhân thông qua việc phân tích thị trường luật sư hành nghề với tư cách cá nhân hiện nay ở Việt Nam; so sánh với các hình thức hành nghề luật sư thông qua góc nhìn quản trị rủi ro; bàn luận về việc đánh giá mức độ chuyên nghiệp của luật sư; và so sánh quy định về hành nghề luật sư tại Việt Nam với quy định về hành nghề luật sư ở một số quốc gia trên thế giới; và đưa ra các kiến nghịsửa đổi Luật Luật sư năm 2006 đã được sửa đổi, bổ sung năm 2012.
Từ khóa: Luật sư, hành nghề luật sư với tư cách cá nhân, luật sư nội bộ.
Abstract:Within the scope of this article, the authors give out a number ofrelated obstacles and inconsistencies when it is to narrow the scope of solo practitioner through analyzing the market of solo practitioner in Vietnam; provide a comparison of a range of directions of law practice through the perspective of risk management; discuss the work ethics performed by lawyers; and juxtapose the regulations on work practice of lawyers in Vietnam with those ina number of countries; and made recommendations to amend the Law on Lawyer on 2006, which was amended in 2012.
Keywords: Lawyer; solo practitioner; in-house lawyer.
LUẬT-SƯ.jpg
 Ảnh minh họa: Nguồn internet
1. Phạm vi hoạt độngcủa luật sư hành nghề với tư cách cá nhânở Việt Nam
Nghề luật sư là một nghề gắn với việc thực hiện bảo vệ quyền lợi hợp pháp của các chủ thể trong xã hội, góp phần bảo vệ công lý, sự công bằng, lẽ phải. Ở Việt Nam,luật sư là người đáp ứng đủ các tiêu chuẩn, điều kiện hành nghề theo quy định củaLuật Luật sư năm 2006 đã được sửa đổi, bổ sung năm 2012 (Luật Luật sư).Luật sư được tham gia tố tụng, tư vấn pháp luật, đại diện ngoài tố tụng, cung cấp các dịch vụ pháp lý khác. Hoạt động hành nghề của luật sư thuộc nhóm dịch vụ tư nhân, cung cấp dịch vụ bằng kiến thức chuyên môn, kinh nghiệm trong lĩnh vực pháp luật. Luật sư được lựa chọn hành nghề tại tổ chức hành nghề luật sư (như Văn phòng Luật sư, các loại hình Công ty Luật thuộc Đoàn Luật sư các tỉnh trong cả nước) hoặc hành nghề với tư cách cá nhân (HNCN)[1].
Luật sư HNCN là luật sư làm việc theo hợp đồng lao động(HĐLĐ) cho một chủ thể không hành nghề luật sư chuyên trách. Luật sư HNCN chỉ được cung cấp dịch vụ pháp lý cho chủ thể mà mình đã giao kết HĐLĐ, không được cung cấp dịch vụ pháp lý cho khách hàng khác, trừ khi được cơ quan có thẩm quyền yêu cầu hoặc Đoàn luật sư phân công hoặc thực hiện công tác trợ giúp pháp lý. Để HNCN, luật sư phải ký kết HĐLĐ với một chủ thể không hành nghề luật sư, đăng ký hành nghề tại Sở Tư pháp địa phương và được cơ quan này cấp giấy đăng ký HNCN, sau đó phải thông báo cho Đoàn luật sư về việc hoạt động HNCN[2].
Phạm vi hành nghề của luật sư HNCN theo Luật số 20/2012/QH13 sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Luật sư(Luật sửa đổi, bổ sung năm 2012) đã bị thu hẹp hơn so với Luật Luật sư năm 2006.Cụ thể là luật sư HNCN theo Luật sửa đổi năm 2012chỉ là luật sư làm việc theo HĐLĐ cho một chủ thể không hành nghề luật sư chuyên trách, không được hành nghề theo mô hình hộ kinh doanh cá thể, không được tự mình nhận vụ việc như trước. Hệ quả là luật sư HNCN không được cung cấp dịch vụ pháp lý cho khách hàng nào khác ngoài chủ thể đã giao kết HĐLĐ; nếu cung cấp dịch vụ pháp lý cho khách hàng khác, luật sư HNCN có thể bị xử phạt vi phạm hành chính[3]. Nếu luật sư HNCN có tham gia thành lập tổ chức hành nghề luật sư hoặc giao kết HĐLĐ với tổ chức hành nghề luật sư khác, hành nghề không đúng hình thức thì có thể bị xử phạt đến bảy triệu đồng, đồng thời có thể bị tước quyền sử dụng chứng chỉ hành nghề từ một đến ba tháng[4].
Trong quá trình xây dựng luật, Ban soạn thảo Luật sửa đổi, bổ sung năm 2012cho rằng, việc thu hẹp phạm vi hành nghề của luật sư HNCN theo hướng chỉ được ký HĐLĐ với một đơn vị sử dụng lao động là phù hợp với thông lệ hành nghề luật sư trên thế giới và tạo điều kiện để cơ quan, doanh nghiệp sử dụng dịch vụ thường xuyên của luật sư, đa dạng hóa hình thức hành nghề của luật sư. Bên cạnh đó, Báo cáo đánh giá tác động của Dự ánLuật sửa đổi, bổ sung năm 2012do Bộ Tư pháp chủ trì đã cho rằng, việc thu hẹp phạm vi hành nghề có thể mang lại các điểm tích cực như: tổ chức, doanh nghiệp tăng cơ hội tiếp cận dịch vụ pháp lý của luật sư; phù hợp với nhu cầu thực tiễn ở nước ta, phù hợp với thông lệ quốc tế vềin-house lawyer; nâng cao tính chuyên nghiệp trong tổ chức, hoạt động hành nghề luật sư; tạo điều kiện thuận lợi cho công tác quản lý nhà nước về luật sư và hành nghề luật sư, quản lý việc thực hiện nghĩa vụ thuế của luật sư...[5].
Tuy nhiên, nhìn lại tiến trình sửa đổi, bổ sung Luật Luật sư năm 2006, nhómtác giả nhận thấy có nhiều luận điểm mà Ban soạn thảo cùng các bên liên quan sử dụng làm cơ sở đệ trình Quốc hội phê duyệt dự luật là chưa thực sự thuyết phục.
2. Các vấn đề vướng mắc phát sinh do thu hẹp phạm vi hành nghề của luật sư hành nghề với tư cách cá nhân
- Hạn chế khả năng tiếp cận dịch vụ pháp lý của luật sư hành nghề với tư cách cá nhân do thiếu nhân lực
Thực tế tại Tp. Hà Nội và Tp. Hồ Chí Minh, luật sư HNCN thường làm việc tại các cơ quan, tổ chức ngoài nhà nước, chỉ có thiểu số luật sư HNCN tại cơ quan, tổ chức nhà nước hoặc trong các đơn vị sự nghiệp công lập,hiện trạng trên tương thích với việc không cho phép luật sư kiêm nhiệm cán bộ, công chức, viên chức và ngược lại[6]. Ngoài ra, ngay tại các doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ từ 50% vốn điều lệ hoặc số cổ phiếu có quyền biểu quyết (doanh nghiệp nhà nước- DNNN), chức danh quản lý từ cấp Phó Tổng Giám đốc trở lên là cán bộ quản lý doanh nghiệp; thậm chí, chức vụ Phó trưởng phòng, ban chuyên môn cũng được tham gia hội nghị cán bộ chủ chốt, mà hội nghị này được tổ chức nhằm quy hoạch nhân sự quản lý; các nhân sự này về sau có thể thuộc diện tiếp nhận làm công chức[7]. Trong tình huống được bổ nhiệm chức vụ quản lý cấp cao tại DNNN, luật sư HNCN đứng trước khả năng phải lựa chọn, nếu giữ chức vụ quản lý thì phải từ bỏ nghề luật sư và ngược lại.
Trong quá trình hội nhập kinh tế quốc tế, doanh nghiệp Việt Nam nhận thấy nhiều lợi ích thiết thực từ việc thiết lập, tổ chức nhóm công ty theo các mô hình điển hình trên thế giới, chẳng hạn mô hình Conglomorate của Đức,Holding ở Hoa Kỳ, Keiretsu tại Nhật Bản, hay Chaebol tại Hàn Quốc, với đặc điểm chung nằm ở sự kết hợp giữa các công ty có quyền và nghĩa vụ riêng biệt, trong đó công ty mẹ có quyền tác động đến hoạt động của công ty con[8]. Sự khác biệt về pháp luật khiến doanh nghiệp Việt Nam khó mô phỏng nguyên trạng mô hình gốc và thường tiến hành thiết lập cấu trúc của nhóm công ty dưới dạng liên doanh giữa các doanh nghiệp, hoặc tổ chức hoạt động theo mô hình công ty mẹ – công ty con. Mô hình liên doanh giữa các doanh nghiệp được thực hiện khi hai hoặc nhiều doanh nghiệp cùng nhau góp một phần tài sản, quyền, nghĩa vụ và lợi ích hợp pháp của mình để hình thành một doanh nghiệp mới; mô hình công ty mẹ –công ty con hình thành thông qua quá trình công ty mẹ sở hữu cổ phần hoặc phần vốn góp tại công ty con, từ đó giữ quyền kiểm soát, chi phối; gián tiếp điều hành bộ máy của công ty con theo định hướng của công ty mẹ[9]. Các mô hình tổ chức nêu trên tạo nên sự liên kết mật thiết về định hướng hoạt động, mục tiêu, lợi ích và giúp nâng cao hiệu suất khai thác nguồn lực sẵn có. Trong mối liên hệ chặt chẽ đó, khó có thể tránh khỏi việc nhân sự của công ty mẹ kiêm nhiệm công việc, chức vụ tại các công ty con và ngược lại.
Luật sư HNCN tại doanh nghiệp trong nhóm công ty mẹ - công ty con phải thường xuyên tham gia giải quyết công việc tại các doanh nghiệp mà luật sư đó không đăng ký HNCN. Việc điều chuyển, yêu cầu nhân sự kiêm nhiệm công việc, chức danh trong nhóm công ty liên doanh, liên kết, công ty mẹ –công ty con là nhu cầu thực tế của các chủ doanh nghiệp, nhằm khai thác nhân lực một cách hiệu quả và tối ưu về chi phí. Tuy nhiên, xét quy định HNCN, nếu luật sư đã đăng ký HNCN tại một doanh nghiệp trong nhóm công ty, sau đó tiếp tục kiêm nhiệm công việc (có giao kết thêm HĐLĐ) hay thực hiện công việc pháp lý của luật sư cho doanh nghiệp khác trong nhóm công ty đó thì khả năng có thể bị xem là vi phạm quy định tại điểm a khoản 3 Điều 6 Nghị định số 82/2020/NĐ-CP của Chính phủ ngày 15/7/2020 do bị xem là cung cấp dịch vụ pháp lý cho chủ thể khác ngoài chủ thể mà luật sư đã giao kếtHĐLĐ trước.
Theo quan điểm của nhómtác giả, đây chính là sự cản trở trong việc phát triển đội ngũ luật sư HNCN, đồng thời thể hiện sự thiếu hài hòa giữa pháp luật về HNCN và nguyên tắc thực hiện pháp luật về lao động, việc làm. Chẳng hạn, Điều 35 Hiến pháp năm 2013 đã ghi nhận công dân có quyền làm việc, lựa chọn việc làm và nơi làm việc;bên cạnh đó, Điều 19 Bộ luật Lao động năm 2019 cho phép người lao động được giao kết nhiều HĐLĐ với nhiều người sử dụng lao động, miễn là bảo đảm thực hiện đúng sự cam kết giữa các bên. Tuy nhiên, pháp luật luật sư lại hạn chế quyền làm việc, lựa chọn nơi làm việc và quyền giao kết nhiều HĐLĐ của luật sư HNCN thông qua việc giới hạn phạm vi khách hàng mà luật sư HNCN được tiếp cận, luật sư HNCN chỉ được cung cấp dịch vụ pháp lý cho một chủ thể. Cần lưu ý rằng, hành vi giao kết nhiều HĐLĐ không thuộc nhóm hành vi mà luật sư bị cấm, không được làm; cũng không thuộc nhóm vụ việc không được tiếp nhận theo Bộ quy tắc đạo đức và ứng xử nghề nghiệp của luật sư. Hạn chế này cũng thiếu tương thích với định hướng phát triển kinh tế của Đảng và Nhà nước, đó là khuyến khích phát triển tập đoàn kinh tế tư nhân nhằm tăng sức cạnh tranh, tầm vóc của doanh nghiệp Việt Nam khi tham gia mạng lưới sản xuất và chuỗi cung ứng khu vực, toàn cầu[10].
- Phạm vi hành nghề và tính chuyên nghiệp của luật sư
Để trở thành luật sư chuyên nghiệp, trước hết, người hành nghề cần phải tuân thủ các quy tắc đạo đức nghề nghiệp áp dụng trong phạm vi lãnh thổ hành nghề; nhìn chung, các quy tắc đạo đức hành nghề này được thừa nhận rộng rãi trên thế giới thông qua việc các quốc gia tham khảo quy tắc mẫu do các tổ chức quốc tế về nghề nghiệp luật sư soạn thảo, chẳng hạn như: Bộ quy tắc đạo đức hành nghề của Liên đoàn Luật sư quốc tế (IBA) – phiên bản mới nhất là năm 2011, hay của Hiệp hội Luật sư quốc tế (UIA) – phiên bản mới nhất phát hành năm 2018. Ngoài ra, còn có các bộ quy tắc khác cũng được thừa nhận trên phạm vi khu vực như Quy tắc hành nghề của luật sư Liên minh châu Âu, do Hội đồng các liên đoàn luật sư và cộng đồng hành nghề luật của Liên minh châu Âu – CCBE ban hành[11]. Tựu trung lại, các quy tắc nêu trên đặt ra các chuẩn mực tối thiểu về hành vi mà luật sư phải tuân thủ, chẳng hạn về hạn chế xung đột lợi ích, tính độc lập, mối quan hệ với đồng nghiệp, minh bạch tài chính, bảo hiểm nghề nghiệp, bảo mật thông tin…[12].Ở Việt Nam, luật sư phải tuân thủ Bộ quy tắc đạo đức hành nghề do Liên đoàn Luật sư Việt Nam ban hành (phiên bản cập nhật mới nhất năm 2019), với các nguyên tắc chung không trái với nội dung quy tắc do IBA ban hành. Bên cạnh các chuẩn mực tối thiểu, luật sư còn phải đáp ứng các tiêu chí khác nhằm đáp ứng được với nhu cầu của thị trường[13]. Trên thực tế, có rất nhiều tiêu chuẩn, phương pháp để đánh giá hoạt động nghề nghiệp của luật sư và tổ chức hành nghề luật sư và tùy thuộc bộ tiêu chuẩn áp dụng, kết quả đánh giá có thể khác nhau. Cũng cần thống nhất nhận thức rằng, không có hệ quy chiếu nào được xem là “khuôn vàng, thước ngọc”, là duy nhất để đánh giá hoạt động nghề nghiệp của luật sư, bởi sự đa dạng về lĩnh vực hành nghề và các vấn đề mà luật sư cần phải giải quyết trong thực tiễn hoạt động nghề nghiệp.
Tuy nhiên, với các lý do liên quan đến tính chuyên nghiệp của luật sư để làm cơ sở giải trình cho việc thu hẹp phạm vi hành nghề của luật sư HNCN mà Ban soạn thảo nêu tại Bản thuyết minh về Dự án Luật sửa đổi, bổ sung năm 2012 (Mục 7 Phần III), kết quả đánh giá tại Báo cáo đánh giá tác động của Dựán (Mục 9 Phần B), chưa cho thấy được cơ sở thực chứng tại thời điểm giải trình cũng như hiện nay về sự gia tăng mức độ chuyên nghiệp của luật sư HNCN kể từ khi bị thu hẹp phạm vi hành nghề,cũng như nội dung đánh giá. Do đó, cần có các đánh giá, phân tích mang tính định lượng liên quan đến các khía cạnh mà Ban soạn thảo đề cập để bảo đảm rằng việc thu hẹp phạm vi hành nghề của luật sư HNCN là thực sự xác đáng và khoa học.
-          Việc thu hẹp phạm vi hành nghề chưa xem xét đến yếu tố cân bằng rủi ro lợi ích
Để có thể làm rõ thêm được sự thiếu thuyết phục khi thu hẹp phạm vi hành nghề, chúng ta cùng so sánh giữa loại hình tổ chức hành nghề luật sư chịu trách nhiệm bằng toàn bộ tài sản là Văn phòng luật sư, Công ty hợp danh với luật sư HNCN, đồng thời so sánh với luật sư HNCN theo Luật Luật sư năm 2006 (trước khi được sửa đổi, bổ sung vào năm 2012),[14] cụ thể:
tiêu chí
VPLS
Công ty hợp danh
HNCN – LLS 2006
HNCN – LLS 2012
Phạm vi trách nhiệm
Bằng toàn bộ tài sản cá nhân
Bằng toàn bộ tài sản cá nhân
Bằng toàn bộ tài sản cá nhân
Theo hợp đồng trách nhiệm dân sự (nếu có) và theo pháp luật lao động
Điều kiện nhân lực tối thiểu
Một cá nhân
Hai cá nhân
Một cá nhân
Một cá nhân
Bảo hiểm nghề nghiệp
Bắt buộc
Bắt buộc
Bắt buộc
Theo hợp đồng lao động
Phạm vi hành nghề
Cung cấp dịch vụ pháp lý cho tất cả các chủ thể
Cung cấp dịch vụ pháp lý cho tất cả các chủ thể
Cung cấp dịch vụ pháp lý cho tất cả các chủ thể
Cung cấp dịch vụ pháp lý cho một chủ thể (trừ khi được yêu cầu hoặc được sự phân công hoặc trợ giúp pháp lý)
Bộ luật Dân sự năm 2015 ghi nhận rằng, chủ thể vi phạm hợp đồng phải bồi thường toàn bộ thiệt hại (trừ trường hợp có sự thỏa thuận khác); tiếp đến, Bộ luật Lao động năm 2019 ghi nhận người lao động phải bồi thường nếu có hành vi gây thiệt hại về tài sản, mất tài sản hoặc tiêu hao quá mức quy định. Tựu trung lại, quy định về bồi thường theo Bộ luật Dân sự năm 2015 và Bộ luật Lao động năm 2019 khá tương thích, hệ quả là luật sư HNCN vẫn phải bồi thường toàn bộ thiệt hại, trừ khi có thỏa thuận khác; cụ thể, phải chịu trách nhiệm bằng toàn bộ tài sản nếu gây thiệt hại giá trị lớn hơn mười tháng lương tối thiểu vùng,hoặc làm mất tài sản mà không thỏa thuận được mức bồi thường thiệt hại hoặc nội quy lao động không có quy định[15]. Như vậy, so với các hình thức hành nghề mang tính trách nhiệm vô hạn, hình thức HNCN không có sự khác biệt quá lớn nhưng lại bị khống chế về số lượng khách hàng được tiếp cận là không tương xứng, không thực sự hợp lý so với trách nhiệm pháp lý tương ứng mà họ phải gánh chịu.
3. Tham khảo kinh nghiệm ở một số quốc gia
- Hành nghề luật sư với tư cách cá nhân tại Trung Quốc
Tại Trung Quốc, chủ thể hành nghề luật sư gồm có cơ sở dịch vụ luật sư một chủ (sole partnership), luật sư nội bộ doanh nghiệp (internal/corporate lawyers), hãng luật hợp danh (partnership law firm), luật sư bán thời gian (part-time practising lawyer), văn phòng luật sư có vốn nhà nước và luật sư quân đội (military lawyers)[16]. Luật sư nội bộ doanh nghiệp là hình thức hành nghề có tính chất tương đồng nhất với hình thức luật sư HNCN tại Việt Nam; theo đó, để được hành nghề luật sư nội bộ doanh nghiệp tại Trung Quốc, cần đáp ứng các điều kiện tiên quyết như: đã được phép hành nghề luật sư, được doanh nghiệp tuyển dụng. Luật sư nội bộ doanh nghiệp tại Trung Quốc cũng không được cung cấp dịch vụ pháp lý cho bên thứ ba ngoài chủ thể đã giao kết HĐLĐ. Bên cạnh hình thức hành nghề luật sư nội bộ, pháp luật Trung Quốc còn cho phép cá nhân không phải luật sư cung cấp dịch vụ pháp lý cho các doanh nghiệp thuộc sở hữu nhà nước, thường gọi là cố vấn pháp lý doanh nghiệp. Cá nhân được phép hành nghề cố vấn pháp lý doanh nghiệp nếu đỗ kỳ thi quốc gia kiểm tra về kiến thức pháp luật chung, pháp luật về dân sự, kinh doanh, thương mại, quản trị doanh nghiệp và kỹ năng tư vấn;cố vấn pháp lý doanh nghiệp được quyền tư vấn pháp luật về vận hành doanh nghiệp (quản trị nội bộ, quản trị kinh doanh…), thẩm tra văn bản pháp luật lao động (hợp đồng, nội quy, cơ cấu tiền lương…), soạn thảo hợp đồng và các tài liệu pháp lý khác[17]. Giống như luật sư nội bộ, cố vấn pháp lý doanh nghiệp không được cung cấp dịch vụ liên quan đến pháp luật cho chủ thể khác ngoài chủ thể đã giao kết HĐLĐ. Có thể thấy rằng, chính sách pháp luật về hoạt động HNCN giữa Trung Quốc và Việt Nam khá tương đồng, song nếu chỉ dựa trên pháp luật Trung Quốc để cho rằng việc thu hẹp phạm vi hành nghề của luật sư HNCN tại Việt Nam là phù hợp thông lệ quốc tế thì chưa đầy đủ cơ sở thuyết phục.
-          Hành nghề luật sư với tư cách cá nhân tại Pháp
Luật sư của Pháp có thể HNCN theo hội nhóm, hoặc là người lao động của luật sư khác hoặc hội nhóm luật sư hoặc công ty luật. Việc HNCN (a self-employed person) được hiểu là việc hợp tác của luật sư cá nhân với chủ thể hành nghề luật sư thông qua hợp đồng cộng tác viên (freelance collaboration contract); theo hình thức này, luật sư HNCN thực hiện công việc một cách độc lập, không bị chi phối, áp đặt, đồng thời, có quyền có khách hàng riêng (có thể là chủ thể hành nghề luật khác, cá nhân, pháp nhân)[18]. Bên cạnh đó, tại Pháp còn có hình thức hành nghề luật sư nội bộ, hình thức này được xác lập thông qua HĐLĐ, luật sư nội bộ không được có khách hàng riêng.Tuy nhiên, luật sư nội bộ được cung cấp dịch vụ pháp lý (tư vấn, soạn thảo văn bản pháp lý) cho cả các công ty có mối quan hệ liên kết, kiểm soát, chi phối với công ty mà luật sư đó đã giao kết HĐLĐ[19]. Có thể thấy, việc xác định hình thức hành nghề luật sư tại Pháp không dựa trên nơi hành nghề của luật sư như ở Việt Nam, mà dựa trên cơ sở loại hợp đồng mà luật sư giao kết; cụ thể là, nếu luật sư giao kết hợp đồng cộng tác viên với chủ thể hành nghề luật thì được xác định là HNCN; nếu giao kết HĐLĐ thì được xác định là luật sư nội bộ. Quy định của pháp luật về luật sư của Pháp nhìn chung khá giống với quy định của Luật Luật sư năm 2006 của Việt Nam trước khi sửa đổi, bổ sung vào năm 2012.
-          Hành nghề luật sư với tư cách cá nhân tại Singapore
Các chủ thể hành nghề luật sư tại Singapore gồm có chủ thể hành nghề trong nước, hợp tác trong nước – ngoài nước và đơn vị trực thuộc, hành nghề nước ngoài và văn phòng đại diện, formal law alliance, luật sư nước ngoài; trong đó, văn phòng luật một chủ hoặc văn phòng luật hợp danh, công ty luật và hãng luật hợp danh hữu hạn là chủ thể hành nghề trong nước. Về hoạt động hành nghề mang tính chất cá nhân, pháp luật Singapore đề cập đến hình thức văn phòng luật một chủ (sole proprietor), locum solicitor và hợp tác với luật sư nước ngoài. Mô hình văn phòng luật một chủ là mô hình kinh doanh do một chủ thể (cá nhân, pháp nhân, hãng hợp danh)thành lập, kiểm soát và vận hành[20]. Văn phòng luật một chủ không có tư cách pháp nhân, chủ thể đăng ký thành lập phải chịu trách nhiệm bằng toàn bộ tài sản của mình. Để được hoạt động theo mô hình trên, trước hết phải đăng ký thành lập cơ sở kinh doanh một chủ, sau đó mới tiến hành đăng ký hành nghề luật sư[21]. Loại hình văn phòng luật một chủ tại Singapore tương tự hình thức doanh nghiệp tư nhân, hộ kinh doanh cá thể, cá nhân kinh doanh tại Việt Nam; đồng thời, tương ứng với mô hình văn phòng luật sư (doanh nghiệp tư nhân), HNCN theo mô hình hộ kinh doanh cá thể (theo quy định của Luật Luật sư năm 2006)[22]. Pháp luật Singapore không phân biệt các loại hình kinh doanh một chủ như ở Việt Nam, do đó, không bắt buộc luật sư phải lựa chọn loại hình một chủ nhất định nào để tham gia thị trường cung cấp dịch vụ pháp lý. Ngược lại, Việt Nam cho phép luật sư đăng ký loại hình tổ chức hành nghề theo loại hình doanh nghiệp tư nhân (văn phòng luật sư), hoặc cá nhân đăng ký kinh doanh (HNCN), nhưng không cho phép hành nghề luật sư với hình thức hộ kinh doanh cá thể, mặc dù các hình thức trên đều không có tư cách pháp nhân và tương đồng về chế độ trách nhiệm pháp lý.
Ngoài hình thức hành nghề thông qua văn phòng luật một chủ, luật sư tại Singapore còn được hành nghề thông qua hình thức “locum solicitor”, được hiểu là luật sư hợp tác tạm thời với một hoặc nhiều tổ chức hành nghề luật sư;luật sư được đăng ký hành nghề “locum solicitor” nếu có quốc tịch hoặc cư trú dài hạn tại Singapore, đồng thời có thời gian hành nghề không dưới ba năm liên tục hoặc năm năm không liên tục và đã hoàn thành thời gian đào tạo[23]. Cuối cùng, cá nhân luật sư nước ngoài được phép hợp tác chia sẻ lợi nhuận với chủ thể hành nghề luật sư thành lập trong nước theo pháp luật Singapore. Tóm lại, pháp luật Singapore phân biệt hình thức hành nghề của luật sư dựa trên mức độ được tham gia vào trình tự tố tụng thay vì phân biệt dựa theo hình thức hành nghề và không có giới hạn nào nhắm đến các luật sư HNCN.
-          Hành nghề luật sư với tư cách cá nhân tại Thái Lan
Tại Thái Lan, luật sư là người đã đăng ký hành nghề và được cấp giấy phép hành nghề bởi Hội đồng luật sư quốc gia; luật sư chỉ được đăng ký một địa điểm hành nghề, là nơi luật sư đã kê khai tại hồ sơ đề nghị cấp phép hành nghề và phải thông báo nếu đăng ký địa điểm khác[24]. Pháp luật Thái Lan không phân biệt luật sư hành nghề tại tổ chức và luật sư HNCN; đồng thời, không phân biệt luật sư tranh tụng và luật sư tư vấn. Tuy nhiên, để hành nghề trong các lĩnh vực chuyên biệt, luật sư ở Thái Lan phải được cấp chứng chỉ phù hợp[25]. Đặc biệt, ngoại trừ các công việc liên quan đến tố tụng tại Tòa án, pháp luật Thái Lan không hạn chế bất kỳ ai cung cấp dịch vụ tư vấn pháp lý và đại diện ngoài tố tụng. Có thể nhận thấy, pháp luật Thái Lan không phân nhóm luật sư theo nơi hành nghề như hành nghề tại tổ chức hành nghề hay HNCN, do đó mà không có giới hạn cụ thể nào đối với luật sư HNCN.
-          Hành nghề luật sư với tư cách cá nhân tại Hoa Kỳ
Khoảng một nửa số bang ở Hoa Kỳ buộc người hành nghề luật sư phải là thành viên đoàn luật sư của bang mình, còn khi xuất hiện ở Tòa án Liên bang, luật sư phải là thành viên của đoàn luật sư liên bang. Nói chung, chỉ có giấy phép hành nghề dành riêng cho từng tiểu bang, không có giấy phép quốc gia để hành nghề luật sư ở Hoa Kỳ. Do đó, một luật sư được cấp phép ở một tiểu bang chỉ có thể hành nghề ở một tiểu bang khác nếu được pháp luật của tiểu bang thứ hai đó cho phép[26]. Điều lệ mẫu của Liên đoàn luật sư Hoa Kỳ (ABA Model Rule 5.4(d))ngăn cấmluật sư làm việc trong tổ chức hành nghề có cá nhân không phải là luật sư mà có các quyền lợi trực tiếp trong tổ chức đó, hoặc là Giám đốc, hoặc giữ chức quản lý điều hành khác, hoặc có quyền kiểm soát, tác động đến hoạt động nghề nghiệp của luật sư. Tuy nhiên, ở tiểu bang Columbia - bang Arizonacho phép một luật sư có thể hành nghề luật sư trong một công ty hợp danh hoặc các hình thức tổ chức khác, trong đó có cá nhân không phải luật sư nắm giữ lợi ích tài chính hoặc quyền quản lý, nhưng phải đáp ứng các điều kiện tùy thuộc vào từng địa phương. Chẳng hạn, ở bang Arizona thì chỉ luật sư và các cá nhân nào được Tòa án Tối cao Arizona cho phép mới được quyền cung cấp dịch vụ pháp lý. Tại tiểu bang Columbia, tổ chức hành nghề chỉ được có mục đích duy nhất là cung cấp dịch vụ pháp lý; người có quyền quản lý hoặc nắm giữ lợi ích tài chính của tổ chức đó cam kết tuân thủ các Quy tắc ứng xử nghề nghiệp, các luật sư chia sẻ quyền tài chính hoặc quyền quản lý trong công ty hợp danh cam kết chịu trách nhiệm cho thành viên hợp danh khác không phải là luật sư ở mức độ tương tự như thể những người này là luật sư[27].Tóm lại, ngoại trừ việc phải tuân theo các quy tắc ứng xử nghề nghiệp tại nơi được cấp phép,không có quy định cụ thể nào nhắm đến việc hạn chế phạm vi hành nghề của các luật sư cung cấp dịch vụ pháp lý theo dạng hành nghề tự do (freelance) hay luật sư HNCN.
4. Kiến nghịmở rộng phạm vi hoạt động luật sư hành nghề với tư cách cá nhân ở Việt Nam
Thứ nhất,cần thiết mở rộng phạm vi hoạt động của luật sư hành nghề với tư cách cá nhân ở Việt Nam. Trước mắt, nên cho phép luật sư HNCN được cung cấp dịch vụ pháp lý cho cả các doanh nghiệp có sự liên kết, kiểm soát, chi phối trong nhóm công ty (chẳng hạn như: quan hệ liên doanh, quan hệ công ty mẹ - công ty con) với chủ thể mà luật sư đã giao kết HĐLĐ. Việc này tạo ra lợi ích ở nhiều khía cạnh, như giúp tối ưu hóa việc khai thác nguồn lực của doanh nghiệp, tăng cơ hội tiếp cận dịch vụ pháp lý của doanh nghiệp; góp phần mở rộng thị trường, cơ hội làm việc cho luật sư HNCN, qua đó tạo môi trường tốt hơn để luật sư ở Việt Nam phát triển năng lực chuyên môn, đáp ứng kịp thời nhu cầu về dịch vụ pháp lý của thị trường. Đồng thời, đây là cách tiếp cận phù hợp với định hướng phát triển kinh tế - xã hội của hệ thống chính trị, tạo sự hài hòa giữa các quy định về HNCNvà quyền lao động của công dân.
Thứ hai, về mô hình hoạt động, nhóm tác giả khuyến nghị tham khảo mô hình hành nghề luật sư với tư cách cá nhân của Cộng hòa Pháp, đặc biệt là các quy định về luật sư nội bộ để làm cơ sở xem xét điều chỉnh hoạt động hành nghề của luật sư HNCN ở Việt Nam; bởi lẽ, quy định củaCộng hòa Pháp và quy định của Việt Namvề HNCN có sự tương thích nhất định như đã phân tích ở phần trên.Do đó, việc điều chỉnhnhư vậy dễ thực hiện hơn trong thực tiễn, mà vẫn hạn chế và kiểm soát được các tác động không mong muốn của việc thay đổi quy định của pháp luật./.

 


[1] Điều 22 Luật Luật sư; khoản 13, khoản 19 Điều 1 Luật sửa đổi, bổ sung năm 2012.
[2] Khoản 3 Điều 17 Luật Trợ giúp pháp lý năm 2017; khoản 11, khoản 20 Điều 1 Luật sửa đổi, bổ sung năm 2012.
[3] Khoản 19 Điều 1 Luật sửa đổi, bổ sung năm 2012; điểm a khoản 3 Điều 6 Nghị định số 82/2020/NĐ-CPquy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bổ trợ tư pháp; hành chính tư pháp; hôn nhân và gia đình; thi hành án dân sự; phá sản doanh nghiệp, hợp tác xã; Điều 4, khoản 1 Điều 49 Luật Luật sư.
[4] Điểm c, d khoản 3, điểm a khoản 8 Điều 6 Nghị định số 82/2020/NĐ-CP.
[5] Mục 7 Chương III Bản thuyết minh về Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Luật sư, https://quochoi.vn/hoatdongcuaquochoi/cackyhopquochoi/quochoikhoaXIII/kyhopthuba/Pages/van-kien-tai-lieu.aspx?ItemID=1348, truy cập 08/03/2022; Mục 2.1 Báo cáo đánh giá tác động của Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Luật sư do Bộ Tư pháp phát hành, http://vibonline.com.vn/du_thao/du-thao-luat-luat-su-sua-doi>, truy cập 08/03/2022.
[6] Thông tin luật sư HNCN tại Tp. Hà Nội, https://luatsuhanoi.vn/luat-su.html, truy cập 23/07/2022; Thông tin luật sư HNCN tại Tp. Hồ Chí Minh, https://sotuphap.hochiminhcity.gov.vn,truy cập 25/07/2022; khoản 8, 9 Điều 1 Luật sửa đổi, bổ sung năm 2012.
[7] Khoản 1 Điều 4 Luật Cán bộ, công chức năm 2008 đã được sửa đổi, bổ sung năm 2019; khoản 4 Điều 2, Điều 28, điểm a khoản 3 Điều 21, Chương IV Nghị định số 159/2020/NĐ-CP về quản lý người giữ chức danh, chức vụ và người đại diện phần vốn nhà nước tại doanh nghiệp; điểm d khoản 1 Điều 18 Nghị định số 138/2020/NĐ-CP quy định về tuyển dụng, sử dụng và quản lý công chức.
[8] Trần Minh Anh (2019), Quy định về nhóm công ty trong pháp luật một số quốc gia và những nội dung tham khảo cho Việt Nam, Tạp chí Nghiên cứu lập pháp số 13 (389),http://lapphap.vn/Pages/tintuc/tinchitiet.aspx?tintucid=210349, truy cập 20/01/2022.
[9] Điểm d khoản 1, khoản 5 Điều 29 Luật Cạnh tranh năm 2018; Điều 195 Luật Doanh nghiệp năm 2020.
[10] Xem tại:https://thuvienphapluat.vn/van-ban/Doanh-nghiep/Nghi-dinh-69-2014-ND-CP-tap-doan-kinh-te-nha-nuoc-tong-cong-ty-nha-nuoc-239958.aspx,truy cập 04/03/2022, và https://tulieuvankien.dangcongsan.vn/he-thong-van-ban/van-ban-cua-dang/nghi-quyet-so-10-nqtw-ngay-362017-hoi-nghi-lan-thu-nam-ban-chap-hanh-trung-uong-dang-khoa-xii-ve-phat-trien-kinh-te-tu-3222, truy cập 04/03/2022.
[11] International Bar Associate, IBA International Principles on Conduct for the Legal Profession; International Union of Lawyers, Core principles of the legal profession.
[12] Council for Trade in Service – WTO, Legal Service: Background note by the Secrectariat, xem tại, https://www.wto.org/english/tratop_e/serv_e/w43.doc.
[13] Quan điểm của ABA, https://www.americanbar.org/groups/litigation/committees/real-estate-condemnation-trust/practice/2017/top-10-tips-for-civility-and-professionalism-for-new-lawyers/#:~:text=Always%20be%20professional%20and%20courteous,you%20an%20even%20better%20lawyer.
[14]Điểm b khoản 1 Điều 177, khoản 1 Điều 188 Luật Doanh nghiệp năm 2020; khoản 2 Điều 34 Luật Luật sư; Điểm d khoản 2 Điều 52, khoản 1 Điều 49 Luật Luật sư; Điều 129 Bộ luật Lao động năm 2019; khoản 17, khoản 19 Điều 1 Luật sửa đổi, bổ sung năm 2012.
[15] Điều 360, Điều 419 Bộ luật Dân sự năm 2015; khoản 1 Điều 129 Bộ luật Lao động năm 2019; Điều 3 Nghị định số 90/2019/NĐ-CP quy định về mức lương tối thiểu vùng áp dụng đối với người lao động làm việc theo HĐLĐ.
[16] Điều 12, 15, 16, 20, 57 Luật Luật sư Trung Quốc năm 1996 (sửa đổi 2001, 2007 và 2017), http://www.lawinfochina.com/display.aspx?id=23923&lib=law, truy cập 06/06/2022; Ding Xiangshun, Chinese Corporate Lawyers face challenges in maintaining corporate social responsibility in the age of globalization. Ind Int’s & Comp. L. Rev, vol.21:3,https://journals.iupui.edu/index.php/iiclr/article/download/17663/17818/0.
[17] Order of the State-Owned Assets Supervision and Administration Committee of the State Council (No. 6), effective, June 1, 2004; Provisional Regulations on the Qualification of Enterprise Legal Advisors promulgated by the Ministry of Justice, Mar. 12, 1997, effective Aug. 14, 2004 (China); Measures for the Administration of In-house Legal Counsels of State-owned Enterprises promulgated by the State Asset Supervision & Admin. Comm., May 11, 2004, effective June 1, 2004, art. 24 (China).
[18] Section 7 of Law No.71-1130 of December 31, 1971 (amended by Artilce 5 of Law No.2011-331 of March 28, 2011); Law No.90-1258 of December 31, 1990 (Amended by Ordinance No.2016-728 of June 2, 2016 – art. 23 (M)); Clause II of Article 18 of Law No.2005-882 of August 2, 2005 (Amended by Law No.2014-873 of August 4, 2014 – article.17), https://www.legifrance.gouv.fr/loda/article_lc/LEGIARTI000029336794/.
[19] Section 7 of Law No.71-1130 of December 31, 1971 (amended by Artilce 5 and 67 of Law No.90-1259 of December 31, 1990); Section 58 of Act 71-1130 of December 31, 1971 (modified by Artilce 26 of Law No.2011-331 of March 28, 2011); Article L233-1 of Commercial Code of France.
[20] Điều 2, Điều 75C Luật về hành nghề luật sư của Singapore 1966 (sửa đổi năm 2021); Điều 2, Tiết iv, v Điểm b Khoản 1 Điều 6 Luật về đăng ký tên chủ thể kinh doanh năm 2014 của Singapore, https://sso.agc.gov.sg/Act/BNRA2014; theo Điểm e Khoản 1 Điều 25D Luật Công ty Singapore 1967 (sửa đổi 2022), https://sso.agc.gov.sg/Act/CoA1967.
[21] Điều 75, khoản 5 Điều 131 Luật về hành nghề luật sư của Singapore 1966 (sửa đổi 2021); khoản 1 Điều 5 Luật về đăng ký tên chủ thể kinh doanh năm 2014 của Singapore.
[22] Khoản 1 Điều 188 Luật Doanh nghiệp năm 2020; khoản 1 Điều 79 Nghị định số 01/2021/NĐ-CPvề đăng ký doanh nghiệp; khoản 1 Điều 6 Luật Thương mại năm 2005; khoản 1 Điều 33, khoản 1 Điều 49 Luật Luật sư.
[23] Khoản 1 Điều 2, khoản 1A Điều 26 Luật về hành nghề luật sư của Singapore 1966 (sửa đổi 2021).
[24] Nandana Indananda & Manaswee Wongsuryrat, An overview of the Legal profession in Thailand, https://www.tilleke.com/wp-content/uploads/2019/07/NEW2__CH01-An-Overview-of-the-Legal-Profession-in-Thailand_20190515_0.pdf.
[25] Điều 42 Luật Luật sư Thái Lan 1985, https://www.imolin.org/doc/amlid/Thailand_Lawyers%20Act.pdf; Notification of the DIP regarding Registration for Patent Agent B.E. 2552 (2009); Notification of RD regarding Qualification, Application, Issuance, Renewal and Apply for Replacement of the Tax Agent Certificate for Filing a Tax Form and Handling Tax Payments or Other Regulated Actions for Taxpayers through RD’s website B.E. 2547 (2004) and the updated Notification B.E. 2552 (2009).
[26]Robert M. Buchholz, Cassidy E. Chivers, Noah D. Fiedler, Alyssa A. Johnson, Katherine G. Schnake, Joanna L. Storey and Suzanne M. Walsh, Hinshaw & Culbertson LLP, Regulation of the legal profession in the United States: overview, https://uk.practicallaw.thomsonreuters.com/2-633-6340?transitionType=Default&contextData=(sc.Default)&firstPage=true.
[27]Section 501(c)(3) of the Internal Revenue Code, Washington, D.C. Rules, https://www.americanbar.org/content/dam/aba/administrative/professional_responsibility/mrpc_washington_dc.pdf.

(Nguồn tin: Bài viết được đăng tải trên Ấn phẩm Tạp chí Nghiên cứu Lập pháp số 19 (467), tháng 10/2022.)