Nội dung của di chúc theo quy định của Bộ luật Dân sự năm 2015

07/09/2021

TS. HOÀNG THỊ LOAN

Đại học Luật Hà Nội.

Tóm tắt: Trong phạm vi bài viết này, tác giả tập trung trình bày, phân tích các quy định của Bộ luật Dân sự năm 2015 về nội dung của di chúc, đặc biệt đã chỉ ra một số hạn chế và đưa ra kiến nghị hoàn thiện.
Từ khoá: Di chúc, nội dung của di chúc, điều khoản của di chúc, Bộ luật Dân sự năm 2015.
Abstract: Within the scope of this article, the author focuses on a analysis of the provisions of the Civil Code of 2015 on the content of wills, especially pointing out some limitations and making recommendations for further improvements.
Keywords: Wills, contents of written wills, term of wills.
 DI-CHÚC.png
Ảnh minh họa: Nguồn internet
1.                  Các quy định của Bộ luật Dân sự năm 2015 về nội dung của di chúc
Bộ luật Dân sự (BLDS) năm 2015 dành một chương riêng – Chương XXII quy định về thừa kế theo di chúc. Nội dung này bao gồm các vấn đề sau:
Thứ nhất,điều kiện để nội dung của di chúc được coi là hợp pháp.
Mặc dù nội dung của di chúc hoàn toàn do người để lại di sản tự định đoạt nhưng để được pháp luật bảo vệ, theo quy định của BLDS năm 2015, nội dung của di chúc phải đáp ứng các yêu cầu sau:
-          Có nội dung không vi phạm điều cấm của luật.
          Điểm b khoản 1 Điều 630 BLDS năm 2015 quy định: “Nội dung của di chúc không vi phạm điều cấm của pháp luật, trái đạo đức xã hội”. Theo quy định này, khi người để lại di sản thực hiện quyền lập di chúc của mình chỉ cần đảm bảo không vi phạm những quy định của luật không cho phép người lập di chúc thực hiện. Hiện nay, hầu hết các văn bản quy phạm pháp luật đều liệt kê hành vi bị cấm tương ứng với phạm vi điều chỉnh của văn bản. Ví dụ, Luật Thương mại năm 2005 (Điều 70, 71), Luật Doanh nghiệp năm 2014 (Điều 17, 39), Luật Đất đai năm 2013 (Điều 12)… Trong khi đó, BLDS năm 2015 chỉ liệt kê một số hành vi bị cấm như: “cấm lợi dụng việc xác định lại dân tộc nhằm mục đích trục lợi hoặc gây chia rẽ, phương hại đến sự đoàn kết của các dân tộc Việt Nam[1] hay “nghiêm cấm việc tổ chức họ dưới hình thức cho vay nặng lãi[2]. Đối với hoạt động xác lập giao dịch nói chung và di chúc nói riêng, BLDS năm 2015 không quy định cụ thể trường hợp nào cấm, không cho phép thực hiện. Do vậy, điều kiện nội dung của di chúc không vi phạm điều cấm của luật[3]cần hiểu theo hướng các điều khoản tổng hợp ý chí của người lập di chúc không rơi vào các trường hợp cấm được liệt kê trong các văn bản luật cụ thể. Việc quy định nội dung của di chúc không vi phạm điều cấm của luật là điểm mới của BLDS năm 2015. Đây cũng là một quy định thể hiện đúng tinh thần của Hiến pháp khi quy định tại khoản 2 Điều 14: “Quyền con người, quyền công dân chỉ có thể bị hạn chế theo quy định của luật trong trường hợp cần thiết vì lý do quốc phòng, an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, đạo đức xã hội, sức khỏe của cộng đồng”.
- Có nội dung không trái đạo đức xã hội.
          Theo quy định của Điều 123 BLDS năm 2015, “đạo đức xã hội là những chuẩn mực ứng xử chung trong đời sống xã hội, được cộng đồng thừa nhận và tôn trọng”. Đề cập tới yếu tố đạo đức xã hội, chúng ta có thiên hướng về việc giải thích sự vật, hiện tượng phản ánh nét văn hóa, truyền thống, chuẩn mực về giá trị ứng xử trong đời sống của cộng đồng, quốc gia. Mỗi một quốc gia sẽ mang những nét đặc thù riêng về các chuẩn mực đạo đức này. Việt Nam là quốc gia mang nét đặc trưng vùng lúa nước, sản xuất nông nghiệp nên cuộc sống giữa những người dân cũng phản ánh sự yêu thương, trân quý, trọng tình, trọng nghĩa của các mối quan hệ con người, đặc biệt là quan hệ giữa những người thân thích với nhau. Cho nên, việc lập di chúc của cá nhân cũng được điều tiết theo hướng không thể để nội dung của di chúc trái với đạo đức xã hội. Về quy định này, có quan điểm cho rằng: Việc lập di chúc có nội dung không trái pháp luật của một người mới chỉ là việc họ thực hiện bổn phận của công dân. Ngoài bổn phận công dân, họ còn phải thực hiện bổn phận làm người. Đạo làm người đòi hỏi các cá nhân khi lập di chúc phải luôn luôn hướng tới phong tục, tập quán, truyền thống nhân bản và tinh thần tương thân tương ái của cộng đồng gia đình cũng như cộng đồng dân tộc[4]. Vì vậy, các giao dịch nói chung và việc lập di chúc nói riêng ngoài tuân thủ quy định của pháp luật, nội dung của di chúc còn không được trái đạo đức xã hội. Tức nội dung của di chúc thể hiện được quyền định đoạt thuộc về sự tự do của cá nhân nhưng phải đảm bảo những chuẩn mực ứng xử chung trong đời sống xã hội, được cộng đồng thừa nhận và tôn trọng.
Xét về bản chất, đạo đức xã hội là yếu tố khó định lượng, nó không tồn tại giống quy định của pháp luật. Trong khoa học pháp lý chưa cho thấy sự độc lập trong việc xác định nội dung của di chúc trái đạo đức xã hội mà không vi phạm quy định của pháp luật. Điều này được giải thích rằng, quy định pháp luật của một quốc gia luôn phản ánh rõ nét kinh tế, chính trị, văn hóa, truyền thống... của quốc gia đó. Vì vậy, các quy định của pháp luật Việt Nam hầu hết phản ánh được sự phù hợp về đạo đức xã hội của người Việt Nam. Do đó, khi một bản di chúc bị tuyên có nội dung vi phạm điều cấm của pháp luật thường nó cũng sẽ trái đạo đức xã hội.
Việc lập di chúc là một trong các hành vi thực hiện quyền tự định đoạt của cá nhân liên quan đến tài sản. Bên cạnh quy định nội dung của giao dịch không vi phạm điều cấm của luật, không trái đạo đức xã hội, BLDS năm 2015 và các văn bản quy phạm có liên quan đã quy định nội dung quyền định đoạt tài sản của cá nhân. Đồng thời khoanh vùng, hành vi bị cấm liên quan tới quyền tự định đoạt của cá nhân có thể làm mất hiệu lực của di chúc. Điều này tạo ra hành lang pháp lý rõ ràng trong việc tôn trọng, bảo đảm quyền tự định đoạt của cá nhân và loại bỏ khả năng xâm phạm, lạm dụng tài sản của chủ thể khác để thực hiện tư lợi cá nhân hoặc mang lợi bất chất cho chủ thể nhất định thông qua bản di chúc.
          Thứ hai,nội dung cụ thể của di chúc.
          Khoản 1 Điều 631 BLDS năm 2015 xác định, di chúc gồm các nội dung chủ yếu sau:
          Một là, ngày, tháng, năm lập di chúc.
Điều khoản này giúp chúng ta xác định mốc thời gian thực hiện hành vi lập di chúc. Quy định này có ý nghĩa đối với việc xác định văn bản quy phạm pháp luật đang điều chỉnh[5]. Ngoài ra, yêu cầu nội dung của di chúc phải có ngày, tháng, năm lập di chúc còn ý nghĩa trong việc giải quyết tranh chấp đối với trường hợp một người lập nhiều bản di chúc đối với một tài sản. Khoản 5 Điều 643 BLDS năm 2015 quy định:Khi một người để lại nhiều bản di chúc đối với một tài sản thì chỉ bản di chúc sau cùng có hiệu lực”. Như vậy, di chúc không được ghi ngày, tháng, năm lập sẽ không thể giải quyết tranh chấp trong trường hợp này. Hơn nữa, việc không ghi ngày, tháng, năm lập di chúc sẽ không thể xác định di chúc được lập trước hay sau khi người để lại di sản chết. Điều này có thể dẫn tới thực trạng, di chúc bị giả mạo.
          Hai, họ, tên của người lập di chúc.
          Đây là điều khoản cá biệt hoá cá nhân và hành vi của người lập di chúc. Một bản di chúc luôn mang “sứ mệnh” là căn cứ để phân chia di sản. Nhưng quá trình phân chia phải gắn liền với việc xác định người để lại di sản là ai, họ đã chết hay chưa. Việc ghi nhận điều khoản này không chỉ mang lại lợi ích cho người lập di chúc mà còn bảo đảm quyền, lợi ích của những người thừa kế, người liên quan đến người xác lập di chúc. Do đó, họ và tên của người lập di chúc vẫn nên ghi nhận là điều khoản cần phải có trong di chúc.
          Ba, nơi cư trú của người lập di chúc.           
          Nơi cư trú của cá nhân là chỗ ở hợp pháp mà người đó thường xuyên sinh sống. Nơi cư trú của công dân là nơi thường trú hoặc nơi tạm trú[6]. Theo quy định của pháp luật, việc xác định nơi cư trú của công dân có ý nghĩa: là nơi cá nhân thực hiện các quyền và nghĩa vụ đối với nhà nước với tư cách là công dân; là nơi mà cơ quan nhà nước có thẩm quyền đăng ký và lưu trữ các giấy tờ về hộ tịch có liên quan đến cá nhân (đăng ký khai sinh, khai tử …);là nơi cơ quan nhà nước có thẩm quyền tống đạt các giấy tờ có liên quan đến cá nhân;là địa điểm thực hiện nghĩa vụ trong quan hệ nghĩa vụ khi các bên không có thoả thuận về địa điểm này và đối tượng của nghĩa vụ là động sản; là căn cứ để toà án tuyên bố một cá nhân mất tích hay đã chết;là địa điểm mở thừa kế khi cá nhân chết;là nơi toà án có thẩm quyền giải quyết tranh chấp nếu đó là nơi cư trú của bị đơn dân sự… Tuy nhiên, đối với việc lập di chúc dù ở dạng thức nào, việc ghi nơi cư trú của người lập di chúc trong bản di chúc cũng không thực sự có ý nghĩa. Vì thực tế, khi một cá nhân chết, cơ quan hành chính cấp cơ sở và quản lý hộ tịch phải hoàn tất các thủ tục theo quy định mai táng, cấp giấy chứng tử. Đây là căn cứ để xác định nơi cư trú của cá nhân đã chết. Riêng về bản di chúc, chính những người thừa kế được hưởng trong di chúc hoặc những người có liên quan khi hoàn tất các thủ tục hưởng thừa kế, giải quyết tranh chấp (nếu có) sẽ kê khai, xác nhận nơi cư trú của người để lại di sản. Vì vậy, điều khoản nơi cư trú của cá nhân lập di chúc có thể có hoặc không trong bản di chúc.
          Bốn là, họ, tên người, cơ quan, tổ chức được hưởng di sản.
          Họ, tên người, cơ quan, tổ chức được hưởng di sản là một trong các yếu tố cá biệt hóa chủ thể. Đối với di chúc, một trong các nội dung được quan tâm lớn nhất là chủ thể được hưởng di sản thừa kế. Nếu không có điều khoản này, quan hệ thừa kế theo di chúc sẽ không xuất hiện, việc dịch chuyển di sản sẽ không thể diễn ra hoặc diễn ra nhưng không theo mong muốn thực sự của người có di sản để lại. Kể cả trường hợp đặc biệt, thai nhi – chưa phải là chủ thể của quan hệ pháp luật xuất hiện, việc cá biệt hoá thai nhi thông qua họ, tên của người mang thai, hoặc người nào đó vẫn phải tồn tại mới có thể thực hiện việc phân chia di sản trên thực tế. Do đó, đây là điều khoản chủ yếu trong di chúc và phải là điều khoản bắt buộc.
          Năm, di sản để lại và nơi có di sản.
Một trong những yếu tố ảnh hưởng lớn tới hiệu lực của di chúc chính là di sản thừa kế. Một bản di chúc được lập hợp pháp nhưng di sản không còn tồn tại vào thời điểm mở thừa kế, việc phân chia sẽ không thể diễn ra. Điều này dẫn tới nhiều trường hợp chỉ có người lập di chúc mới biết rõ được mình có bao nhiêu loại tài sản, tài sản đó đang ở đâu. Điều khoản này có ý nghĩa sau: (i) tạo điều kiện thuận lợi cho việc kê khai di sản và xác nhận di sản; (ii) xác định Tòa án nơi có thẩm quyền thụ lý giải quyết các tranh chấp liên quan tới di sản thừa kế (điểm c khoản 1 Điều 39 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015 quy định “Đối tượng tranh chấp là bất động sản thì chỉ Tòa án nơi có bất động sản có thẩm quyền giải quyết”); (iii) xác định thẩm quyền cơ quan liên quan thực hiện vấn đề quản lý di sản trong trường hợp không có người thừa kế (khoản 3 Điều 616 BLDS năm 2015); (iv) xác định hiệu lực của di chúc trong trường hợp di sản không còn. Theo đó, người thừa kế, các cơ quan liên quan được đảm bảo sự thuận tiện trong quá trình thực hiện quyền năng của mình đối với di sản.
       Sáu, phân định di sản thừa kế trong di chúc.
       Đây là điều khoản không được liệt kê trong khoản 1 Điều 631 BLDS năm 2015 nhưng đây là điều khoản rất quan trọng. Nó tạo ra rõ ràng và khác biệt với trình tự phân chia di sản thừa kế theo pháp luật. Về nguyên tắc, hưởng theo pháp luật là hưởng bằng nhau. Hưởng theo di chúc là khác nhau vì tuỳ thuộc vào ý chí của người để lại di sản. Chính vì vậy, dù là định đoạt bằng nhau hay định đoạt khác nhau thì di chúc cần phải có điều khoản phân định phần giá trị di sản mà mỗi người thừa kế được hưởng để định hướng phân chia cụ thể.
Thứ ba, điều khoản mở rộng.
Khoản 2 Điều 631 BLDS năm 2015 quy định: “Ngoài các nội dung quy định tại khoản 1 Điều này, di chúc có thể có các nội dung khác”. Đây là điều khoản thể hiện rõ việc tự do lựa chọn các nội dung khác quy định bắt buộc từ pháp luật của người lập di chúc. Điều khoản này là một trong các nội dung mới của BLDS năm 2015 so với các văn bản quy phạm trước đây. Chúng tôi cho rằng, các văn bản quy phạm pháp luật trước đây không có điều luật nào ghi nhận nội dung của di chúc có điều kiện, nhưng xét về nguyên tắc thực hiện pháp luật, các chủ thể được phép làm những gì pháp luật không cấm. Do đó, quy định loại trừ các yêu cầu bắt buộc đối với nội dung của di chúc, di chúc có thể có các nội dung khác là một quy định không cần thiết.
          Thứ tư, điều khoản sử dụng từ viết tắt, viết ký hiệu, đánh dấu số trang trong di chúc.
Khoản 3 Điều 631 BLDS năm 2015 quy định: “Di chúc không được viết tắt hoặc viết bằng ký hiệu, nếu di chúc gồm nhiều trang thì mỗi trang phải được ghi số thứ tự và có chữ ký hoặc điểm chỉ của người lập di chúc.Trường hợp di chúc có sự tẩy xóa, sửa chữa thì người tự viết di chúc hoặc người làm chứng di chúc phải ký tên bên cạnh chỗ tẩy xóa, sửa chữa”. Thực tế cho thấy, việc viết tắt, viết bằng ký hiệu trong nội dung của di chúc trong nhiều trường hợp là ý chí của chính cá nhân viết di chúc. Họ hiểu được những từ viết tắt, ký hiệu được sử dụng trong di chúc. Nhưng di chúc được luật định có hiệu lực khi người lập chết đi. Do đó, nội dung của di chúc có bao gồm cả từ viết tắt, viết bằng ký hiệu sẽ không phản ánh được một cách trung thực ý chí của cá nhân lập di chúc. Điều này có thể dẫn tới tình trạng nội dung của di chúc được hiểu bằng nhiều cách khác nhau. Bên cạnh đó, bản di chúc gồm nhiều trang cũng là điều thường thấy ở thực tế. Nếu di chúc được viết với dung lượng nhiều trang thì luật cũng định rằng mỗi trang đều phải ghi số thứ tự, có chữ ký hoặc điểm chỉ của người lập di chúc, để tránh tình trạng không đảm bảo được tính liền mạch về nội dung của di chúc, đồng thời không đảm bảo được tính khách quan của việc lập di chúc. Hoặc trong quá trình lập di chúc có xuất hiện sự tẩy xóa, sửa chữa, pháp luật cũng quy định người tự viết di chúc hoặc người làm chứng phải ký tên bên cạnh chỗ tẩy xóa, sửa chữa. Những quy định này hướng tới tính thống nhất trong áp dụng đối với các trường hợp vi phạm điều khoản này.
Xuất phát từ vị trí của di chúc trong chế định thừa kế và giá trị thực sự của nó đối với quyền, lợi ích của người thừa kế, người có liên quan, Nhà nước đặt ra quy phạm mang tính mệnh lệnh khi yêu cầu về tính trang trọng, tính chính thống đối với thể thức của bản di chúc. Điều này cũng tránh được nhiều tranh cãi, mâu thuẫn trong quá trình giải thích nội dung của di chúc. Tuy nhiên, quy định của khoản 3 Điều 631 BLDS năm 2015 là chưa thực sự hợp lý và trong nhiều trường hợp pháp luật không đảm bảo được nguyên tắc tôn trọng quyền lập di chúc của cá nhân. Trên thực tế,, di chúc có nội dung được viết tắt, viết bằng ký hiệu mà người khác vẫn hiểu được hoặc vẫn đưa tới một cách hiểu thống nhất thì cần được coi là hợp pháp. Ví dụ: Nội dung của di chúc định đoạt tài sản là tiền ngoại tệ được sử dụng ký hiệu hoặc từ viết tắt là USD (đô la Mỹ), ¥ (nhân dân tệ Trung Quốc), JPY(yên Nhật), £ (bảng Anh), € (Euro)... hoặc nội dung của di chúc có nhắc tới các chủ thể như BIDV (Ngân hàng đầu tư và phát triển Việt Nam), Agribank (Ngân hàng Nông nghiệp và phát triển nông thôn)... Hoặc các cơ quan nhà nước như UBND (Uỷ ban nhân dân)… Tham khảo BLDS các nước như Nhật, Pháp, Thái Lan… cho thấy, pháp luật dân sự của các nước này không quy định cụ thể về vấn đề này.
Thứ năm, nội dung của di chúc có đặt điều kiện.
          Việc đặt điều kiện hay triển khai những nội dung khác trong di chúc như thế nào là tùy thuộc vào ý chí của người để lại di sản, chỉ cần nội dung này đảm bảo sự không vi phạm điều cấm của pháp luật và trái đạo đức xã hội. Tuy nhiên, thực tế cho thấy, nội dung di chúc của một cá nhân xuất phát từ tư duy rất “đời thường”, cho nên có những di chúc đặt ra điều kiện như sau: (i) Di chúc định đoạt di sản cho vợ nhưng chỉ cho hưởng nếu vợ không kết hôn với người khác; (ii) di chúc định đoạt cho con nhà và quyền sử dụng đất nhưng với điều kiện không được bán và tặng cho người khác; (iii) di chúc định đoạt cho con được hưởng thừa kế với điều kiện phải chăm sóc một người nào đó bị bệnh tâm thần, bị mất khả năng lao động, già yếu đến khi người này chết…
          Chúng tôi cho rằng, xuất phát từ nhiều lý do, người lập di chúc định đoạt tài sản của mình cho người khác mong muốn tài sản của họ được duy trì và tồn tại lâu, mang lại ý nghĩa, giá trị vật chất cho người thừa kế. Vậy nên, họ sẽ cố níu kéo ở mức có thể bằng việc đặt điều kiện trong di chúc rằng không được bán, không được thế chấp, cầm cố ... và hy vọng nội dung di chúc đó sẽ được thực hiện khi họ chết đi. Những tư duy này hoàn toàn là bình thường ở đời sống xã hội nhưng xét về mặt pháp lý, người lập di chúc đang xác lập một giao dịch và thông qua giao dịch này sẽ làm phát sinh, thay đổi hoặc chấm dứt quyền, nghĩa vụ của người hưởng di sản. Nếu chúng ta hiểu đây là quyền của người thừa kế sẽ không trọn vẹn, vì đã tồn tại là quyền, cá nhân đó có thể thực hiện hoặc không. Còn nếu coi đây là nghĩa vụ thì nghĩa vụ này vi phạm quy định của pháp luật. Vì người thừa kế chỉ phải thực hiện nghĩa vụ về tài sản do người chết để lại trong phạm vi di sản được hưởng. Rõ ràng, từ góc độ đời sống xã hội, chúng ta cũng nhận thấy một sự o ép, bó buộc, áp đặt ý chí của một chủ thể lên một chủ thể khác. Tuy nhiên, xét dưới góc độ pháp lý, việc hưởng thừa kế trong trường hợp này hay không vẫn do người thừa kế chủ động lựa chọn chứ không có sự áp đặt. Chính vì vậy, người thừa kế đã lựa chọn chấp nhận điều này đồng nghĩa với việc gắn kết nhận thức, hành vi của mình với điều kiện có trong di chúc. Nên di chúc có đặt điều kiện nhưng không vi phạm điều cấm của luật vẫn có giá trị pháp lý.
2. Kiến nghị
Nhằm tiếp tục hoàn thiện các quy định của BLDSnăm 2015 về nội dung di chúc, tác giả đề xuất một số kiến nghị như sau:
          Thứ nhất, sửa đổi khoản 1, 2 Điều 631 BLDS năm 2015 theo hướng làm rõ hơn nội dung của di chúc.
Khoản 1 Điều 631 BLDS năm 2015 quy định: “Di chúc gồm các nội dung chủ yếu sau…”. Cách thể hiện này tạo nên cách hiểu đây là điều khoản chỉ dẫn áp dụng, tức là có thể có hoặc không đưa vào nội dung của di chúc. Bên cạnh đó, quy định của khoản 1 và khoản 2 điều này sẽ không mâu thuẫn với nhau nếu xác định khoản 1 là nội dung cần phải có và khoản 2 là chỉ dẫn thêm nội dung khác. Theo đó, khoản 1, 2 Điều 631 BLDS năm 2015 sẽ được sửa đổi lại như sau:
Điều 631
1. Nội dung của di chúc do người lập di chúc định đoạt.
2.Trong nội dung của di chúc phải có ngày, tháng, năm lập; họ, tên của người lập di chúc; họ, tên (hoặc yếu tố cá biệt khác) của cá nhân, tên của cơ quan, tổ chức được hưởng di sản. Ngoài ra, di chúc có thể có các nội dung khác phụ thuộc vào ý chí định đoạt của người lập di chúc.
…………
          Thứ hai, sửa đổi khoản 3 Điều 631 BLDS năm 2015 theo hướng cho phép viết tắt trong di chúc nhưng cần giải thích (đối với từ ngữ thông dụng thì không cần giải thích). Theo đó, khoản 3 Điều 631 BLDS năm 2015 sẽ được sửa đổi lại như sau:
          3. Nội dung của di chúc có thể viết tắt hoặc viết bằng ký hiệu nhưng phải được giải thích đối với từ viết tắt hoặc ký hiệu đầu tiên, trừ trường hợp những từ viết tắt hoặc ký hiệu thông dụng. Nếu di chúc gồm nhiều trang thì mỗi trang cần được ghi số thứ tự và có chữ ký hoặc điểm chỉ của người lập di chúc.
          Trường hợp di chúc có sự tẩy xóa, sửa chữa thì người tự viết di chúc hoặc người làm chứng di chúc phải ký tên bên cạnh chỗ tẩy xóa, sửa chữa./. 
 

 


[1] Điều 29 BLDS năm 2015
[2] Điều 471 BLDS năm 2015
[3] Khoản 1 Điều 630 BLDS năm 2015
[4] Phạm Văn Tuyết (2003), Thừa kế theo di chúc theo quy định của Bộ luật Dân sự, Luận án tiến sĩ luật học, Trường Đại học Luật Hà Nội, Hà Nội, tr.94.
[5] Xem khoản 1 Điều 156 Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015.
[6] Điều 12 Luật Cư trú năm 2006.

(Nguồn tin: Bài viết được đăng tải trên Ấn phẩm Tạp chí Nghiên cứu Lập pháp số 10 (434), tháng 5/2021.)


Ý kiến bạn đọc