Tạp chí Nghiên cứu lập pháp với hoạt động của Quốc hội

08/12/2020

Tóm tắt: Tạp chí Nghiên cứu lập pháp (Tạp chí) đã được thành lập theo Nghị quyết số 242-NQ/UBTVQH10 ngày 14/12/2000 của Ủy ban thường vụ Quốc hội (UBTVQH). Qua 20 năm xây dựng và phát triển (14/12/2000-14/12/2020), Tạp chí đã thực hiện tốt chức năng của mình là tổ chức các hoạt động trao đổi thông tin, tuyên truyền, đăng tải các kết quả nghiên cứu lý luận và thực tiễn về Nhà nước và pháp luật, chính sách,phục vụ việc thực hiện các chức năng của Quốc hội;và qua đó, đã có những đóng góp thiết thực phục vụ hoạt động của Quốc hội và các đại biểu dân cử. Trước những thách thức và cơ hội hiện nay, Tạp chí cần phải tiếp tục đổi mới và phát triển để thực hiện tốt hơn nữa chức năng, nhiệm vụ cung cấp thông tin nghiên cứu khoa học phục vụ Quốc hội và đại biểu dân cử.
Từ khóa: Tạp chí Nghiên cứu lập pháp, hoạt động của Quốc hội.
Bài-anh-Tuân-chuẩn.JPG
Tập thể công chức, viên chức Tạp chí Nghiên cứu Lập pháp trong buổi Tổng kết công tác năm 2019 của Viện Nghiên cứu lập pháp (Ảnh chụp cùng Lãnh đạo Viện NCLP)
Ở Việt Nam vào những năm cuối của Thế kỷ thứ 20, nhu cầu xây dựng pháp luật phục vụ Công cuộc Đổi mới toàn diện đất nước và hội nhập quốc tế ngày càng tăng cao. Trong khi đó, Quốc hội nước ta thường họp mỗi năm 2 kỳ và mỗi kỳ họp thường kéo dài khoảng hơn một tháng; các đại biểu Quốc hội đa phần là hoạt động kiêm nhiệm và thường chỉ chuyên sâu về một lĩnh vực chuyên môn nhất định. Vì vậy, nhu cầu cung cấp thông tin nghiên cứu khoa học phục vụ hoạt động của Quốc hội, đại biểu Quốc hội là rất lớn.
Trước tình hình đó, được sự đồng ý của Chủ tịch Quốc hội và lãnh đạo Văn phòng Quốc hội, tháng 10/1999, Trung tâm Thông tin - Thư viện và Nghiên cứu khoa học đã xuất bản và phát hành “Bản tin Thông tin hoạt động lập pháp”, xuất bản 2 tháng/kỳ[1], để góp phần đáp ứng yêu cầu cung cấp thông tin nghiên cứu phục vụ Quốc hội và đại biểu dân cử. Đến tháng 1/2000, Bản tin Thông tin hoạt động lập pháp được đổi tên thành Bản tin “Nghiên cứu Lập pháp”. Tháng 5/2000, Chủ tịch Quốc hội, lãnh đạo Văn phòng Quốc hội đã đồng ý cho phép nâng cấp Bản tin Nghiên cứu Lập pháp thành “Tạp chí Nghiên cứu Lập pháp” với nhiệm vụ “cung cấp kịp thời, thường xuyên các thông tin lý luận và thực tiễn về hoạt động lập pháp, về hoạt động của Hội đồng nhân dân các cấp cho các vị đại biểu Quốc hội, các cơ quan hữu quan và các nhà chuyên môn có liên quan nhằm góp phần ngày một nâng cao chất lượng hoạt động lập pháp và hoạt động của các cơ quan dân cử[2].
Ngày 14/12/2000, UBTVQH ban hành Nghị quyết số 242-NQ/UBTVQH10, quyết nghị chuyển Bản tin Nghiên cứu Lập pháp thành “Tạp chí Nghiên cứu Lập pháp”. Ngày 14/12/2000 đã được xác định là ngày thành lập Tạp chí.
Qua 20 năm xây dựng và phát triển (14/12/2000-14/12/2020), Tạp chí đã thực hiện tốt chức năng của mình là tổ chức các hoạt động trao đổi thông tin, tuyên truyền, đăng tải các kết quả nghiên cứu lý luận và thực tiễn về Nhà nước và pháp luật[3], chính sách, phục vụ việc thực hiện các chức năng của Quốc hội[4], và qua đó, đã có những đóng góp thiết thực trước hết là phục vụ hoạt động của Quốc hội, UBTVQH, các đại biểu Quốc hội thể hiện trên các mảng công việc chính sau đây:   
1.      Những đóng góp của Tạp chí phục vụ hoạt động của Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội, đại biểu dân cử
1.1. Công tác xuất bản Tạp chí in 
Công tác xuất bản Tạp chí in phục vụ hoạt động của Quốc hội và đại biểu dân cử từ năm 2000 đến nay có thể chia thành các giai đoạn sau đây.
- Giai đoạn từ năm 2000 đến năm 2005
Trong giai đoạn này, Tạp chí đã xuất bản định kỳ một số Tạp chí/tháng, hai số chuyên đề trong một năm và một số chuyên đề bằng tiếng Anh; hàng năm đều có ấn phẩm “Tổng mục lục” tra cứu theo chuyên đề và theo tác giả, được cập nhật liên tục. Tính đến tháng 6/2005, Tạp chí đã xuất bản 53 số tạp chí, với hơn 4.500 trang; năm số chuyên đề và ba số tạp chí bằng tiếng Anh. Từ hơn một nghìn bản in trong những số đầu tiên, đến năm 2005, Tạp chí đã phát hành mỗi số trên năm nghìn bản.
Các chuyên mục chính của các số Tạp chí thường kỳ bao gồm: chuyên mục Thời sự - trao đổi; chuyên mục Nghiên cứu Nhà nước và Pháp luật; chuyên mục Chính sách; Lịch sử Nhà nước và Pháp luật; Tham khảo nước ngoài. Chuyên mục Trang địa phương được mở từ năm 2004 với mục đích tạo diễn đàn trao đổi những vấn đề lý luận, thực tiễn về chính quyền địa phương và việc thực hiện chính sách, pháp luật ở địa phương trong điều kiện mới hội nhập và tự chủ của chính quyền địa phương.
Các bài viết đăng trên Tạp chí trọng tâm là cung cấp thông tin nghiên cứu khoa học phục vụ Quốc hội trong việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 1992, việc gia nhập của Việt Nam vào Tổ chức Thương mại thế giới (WTO), thực hiện Hiệp định Thương mại Việt – Mỹ (BTA), cũng như tiếp tục hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa.  
- Giai đoạn từ tháng 7/2005 đến tháng 4/2008
Trong giai đoạn này, Tạp chí đã xuất bản hàng tháng 01 kỳ ấn phẩm “Nghiên cứu Lập pháp” bản in và 01 kỳ ấn phẩm chuyên đề Hiến kế Lập pháp. Việc xuất bản số chuyên đề Hiến kế Lập pháp là nhằm thu hút sự đóng góp ý kiến của đông đảo quần chúng nhân dân, tạo ra một kênh phản hồi của người dân đến công tác xây dựng pháp luật; phản ánh tốt hơn ý chí, nguyện vọng của cử tri trong cả nước đối với công tác lập pháp và xây dựng chính sách của Quốc hội.
Các bài viết đăng Tạp chí trọng tâm là cung cấp thông tin nghiên cứu khoa học phục vụ Quốc hội trong việc cụ thể hóa các quy định của Hiến pháp năm 1992 đã được sửa đổi, bổ sung một số điều năm 2001 với nhiều quy định mới, trong đó có quy định “Nhà nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam là Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân”, “Quyền lực nhà nước là thống nhất, có sự phân công và phối hợp giữa các cơ quan nhà nước trong việc thực hiện các quyền lập pháp, hành pháp, tư pháp”; tiếp tục hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; cũng như trong việc hoàn thiện hệ thống pháp luật nhằm đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế của nước ta.
- Giai đoạn từ tháng 4/2008 đến năm 2013
Tạp chí đã xuất bản mỗi tháng 02 kỳ ấn phẩm in với nhiều cải tiến, đổi mới. Các bài viết của số chuyên đề Hiến kế Lập pháp được chuyển lên thể hiện tại Website Nghiên cứu Lập pháp.
Tạp chí đã có sự đổi mới trong cấu trúc, các chuyên mục, dung lượng bài và hình thức thể hiện, bên cạnh việc duy trì các chuyên mục đã định hình như: Nhà nước và Pháp luật, Chính sách, Thực tiễn pháp luật, Kinh nghiệm quốc tế, đã mở thêm các chuyên mục mới.
+ Chuyên mục Nhà nước và Pháp luật thường xuyên đăng tải các bài nghiên cứu chuyên sâu về mọi vấn đề liên quan đến Nhà nước và pháp luật, đặc biệt chú trọng đến các vân đề Xây dựng Nhà nước pháp quyền Việt Nam XHCN. Sự xác định này không chỉ là khẳng định quyết tâm chính trị của Đảng ta trong việc đẩy mạnh cải cách tổ chức và hoạt động của Nhà nước, phát huy dân chủ, tăng cường pháp chế, mà còn là sự đánh dấu một giai đoạn phát triển mới của sự nghiệp xây dựng nhà nước kiểu mới- một Nhà nước của Nhân dân, do Nhân dân, vì Nhân dân.
Chuyên mục Nhà nước và Pháp luật, cùng với chuyên mục Kinh nghiệm quốc tế trên Tạp chí là đã trải rộng khắp mọi lĩnh vực của khoa học nghiên cứu về Nhà nước và Pháp luật ở Việt Nam, nêu bật kinh nghiệm và bài học quý báu của khoa học nghiên cứu về Nhà nước và Pháp luật từ các quốc gia khác trên thế giới.
Đặc biệt, để tăng cường tính hiệu quả trong việc cung cấp thông tin lý luận và thực tiễn cho hoạt động lập pháp của Quốc hội, Tạp chí đã mở chuyên mục Bàn về các Dự án luật. Chuyên mục này đã bám sát Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của Quốc hội, Chương trình các kỳ họp Quốc hội, các phiên họp của UBTVQH, để kịp thời đăng tải các bài nghiên cứu, thông tin tham khảo, kinh nghiệm lập pháp quốc tế về các lĩnh vực cụ thể gắn với các dự án luật, pháp lệnh mà các Ban soạn thảo đang xây dựng hoặc Quốc hội đang xem xét, thông qua.
+ Chuyên mục Chính sách là một chuyên mục chủ lực của Tạp chí Nghiên cứu Lập pháp trên Diễn đàn về Nhà nước, Pháp luật và Chính sách. Các bài viết trên chuyên mục này tập trung nghiên cứu các vấn đề về cơ chế, chính sách để phát triển kinh tế - xã hội, tạo điều kiện cho hội nhập kinh tế quốc tế; đề xuất các chính sách và giải pháp đẩy mạnh việc xây dựng nếp sống, lối sống văn hóa, văn minh; giữ gìn và phát triển các giá trị tốt đẹp của xã hội và con người Việt Nam; kiến nghị xây dựng các chính sách xã hội, nâng cao đời sống văn hóa tinh thần cho nhân dân.
+ Chuyên mục Thực tiễn pháp luật tập trung đề cập đến công tác thi hành pháp luật, áp dụng pháp luật vào thực tiễn đời sống, có chú trọng đến thực tiễn hoạt động của các cơ quan Quốc hội, Hội đồng nhân dân các cấp, Chính phủ, Tòa án, Công an, Viện kiểm sát, Thanh tra, Kiểm toán.... Chuyên mục Thực tiễn pháp luật cũng đã có các kiến nghị sửa đổi, bổ sung những vấn đề bất cập, khó khăn trong việc thi hành từng điều khoản cụ thể trong các luật, bộ luật.
+ Chuyên mụcKinh nghiệm quốc tế tập trung giới thiệu kết quả nghiên cứu về hoạt động lập pháp nước ngoài, giới thiệu kinh nghiệm và mô hình tổ chức và hoạt động của Quốc hội, Chính phủ và các cơ quan tư pháp, việc tổ chức, hoạt động trong lĩnh vực dịch vụ tư vấn pháp lý ở một số nước trong khu vực và trên thế giới; những vấn đề pháp luật quốc tế liên quan đến quá trình hội nhập của nước ta. Chuyên mục Kinh nghiệm quốc tế cũng chú trọng thông tin về tổ chức và hoạt động của chính quyền địa phương ở một số nước trong khu vực và trên thế giới.
Ngoài các chuyên mục đã định hình nêu trên, để đáp ứng yêu cầu của thực tiễn, Tạp chí linh hoạt mở thêm các chuyên mục khác như: Từ tháng 10/2011, để chủ động công bố, đăng tải các bài viết về tổng kết việc thi hành Hiến pháp năm 1992 và xây dựng Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992, Tạp chí đã mở chuyên mục “Bàn về Lập hiến”, tạo nên một diễn đàn khoa học để các chuyên gia, nhà khoa học công bố, đăng tải kết quả nghiên cứu cũng như các kiến nghị lập hiến.
Trong giai đoạn này, các bài viết đăng trên Tạp chí trọng tâm là cung cấp thông tin nghiên cứu khoa học phục vụ Quốc hội và đại biểu dân cử trong việc hoàn thiện pháp luật về Nhà nước pháp quyền Việt Nam của Nhân dân, do Nhân dân, vì Nhân dân; tiếp tục hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; cũng như trong việc hoàn thiện hệ thống pháp luật nhằm đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế của nước ta; đặc biệt, có nhiều bài viết hướng đến sửa đổi toàn diện Hiến pháp năm 1992.
- Giai đoạn từ 2013 đến nay
Tạp chí đã tiếp tục xuất bản mỗi tháng 02 kỳ ấn phẩm Tạp chí Nghiên cứu Lập pháp bản in với việc duy trì các chuyên mục đã định hình như: Nhà nước và Pháp luật, Chính sách, Thực tiễn pháp luật, Kinh nghiệm quốc tế, và đã mở thêm các chuyên mục mới như:
+ Ngay sau khi được thông qua và để triển khai tổ chức thực hiện Hiến pháp năm 2013, Tạp chí đã chủ động mở Chuyên mục mới “Bình luận Hiến pháp”. Chuyên mục này bắt đầu đăng các bài bình luận, tuyên truyền, phổ biến Hiến pháp năm 2013 từ tháng 12/2013 và kéo dài đến hết tháng 12/2014. Trong một năm, hàng trăm bài nghiên cứu, bình luận đã được đăng tải trên Tạp chí bản in và sau đó được đưa lên Trang thông tin điện tử của Tạp chí, với sự tham gia của các tác giả là các đồng chí lãnh đạo Đảng và Nhà nước, các nhà quản lý, hoạch định chính sách, các nhà khoa học tập trung bình luận, phân tích nội dung, ý nghĩa và các giá trị của bản Hiến pháp năm 2013.
+ Để chào mừng kỷ niệm 70 năm ngày Tổng tuyển cử đầu tiên bầu ra Quốc hội Việt Nam (6/1/1946 – 6/1/2016), Tạp chí đã mở tiểu mục “Vinh quang 70 năm Quốc hội Việt Nam” để đăng tải các công trình nghiên cứu liên quan đến lịch sử ra đời và quá trình hoạt động của Quốc hội Việt Nam qua các thời kỳ.
+ Nhân kỷ niệm 20 năm ngày thành lập Tạp chí Nghiên cứu Lập pháp (14/12/2000-14/12/2020), Tạp chí mở thêm Chuyên mụcChính quyền địa phương”, đăng tải những bài viết phản ánh kinh nghiệm thực tiễn trong tổ chức và hoạt động của Hội đồng nhân dân (HĐND), các cơ quan của HĐND, đại biểu HĐND các cấp. Việc mở Chuyên mục “Chính quyền địa phương” là bước đổi mới của Tạp chí cho phù hợp với nhu cầu cung cấp thông tin và xu thế phát triển của Quốc hội nhằm hiện thực hóa mục tiêu xây dựng Nhà nước pháp quyền Việt Nam của Nhân dân, do Nhân dân, vì Nhân dân.
Trong giai đoạn này, các bài viết đăng trên Tạp chí trọng tâm là cung cấp thông tin nghiên cứu khoa học phục vụ Quốc hội và các đại biểu dân cử trong việc cụ thể hóa các quy định của Hiến pháp năm 2013 và hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng của nước ta. Các vấn đề được bàn luận nhiều có thể kể đến là các vấn đề xoay quanh chủ để Nhà nước pháp quyền Việt Nam của Nhân dân, do Nhân dân, vì Nhân dân; vấn đề quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân; các vấn đề liên quan đến Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) và Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu (EVFTA); các vấn đề môi trường, biển đảo; kỹ thuật lập pháp; dịch bệnh covid-19; v.v..
Trong 20 năm qua, Tạp chí đã xuất bản được 423 số thường kỳ, với 3825 bài viết khoa học, tương đương 24000 trang in khổ 19cm x 27cm. Ngoài ra, Tạp chí đã xuất bản được 03 số bằng tiếng Anh. Xuất phát từ yêu cầu cung cấp đa dạng hơn thông tin nghiên cứu phục vụ cho Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội và đại biểu dân cử cũng như bạn đọc cả nước, từ tháng 7/2005 đến tháng 3/2008, Tạp chí xuất bản số chủ đề Hiến kế Lập pháp. Số chủ đề Hiến kế Lập pháp đãxuất bản được 33 số với 716 bài viết, tương đương 2.642 trang in. Nhiều ý tưởng, kiến nghị (trọng tâm là về Nhà nước pháp quyền Việt Nam của Nhân dân, do Nhân dân, vì Nhân dân; về nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; về các quyền con người, quyền và nghĩa vụ của công dân; về hội nhập quốc tế, về kỹ thuật lập pháp; v.v..) trong các bài viết đăng trên Tạp chí đã được chuyển tải đến Quốc hội, các đại biểu dân cử để nghiên cứu tiếp thu và đã thể hiện trong Hiến pháp và nhiểu văn bản pháp luật khác. Điều này phần nào ghi nhận những đóng góp quí báu của các cộng tác viên, các chuyên gia, các nhà khoa học đã có bài viết đăng trên Tạp chí cũng như của tập thể công chức, viên chức, nhà báo, phóng viên, biên tập viên Tạp chí.
1.2. Công tác xuất bản sách
 Để nâng cao chất lượng và tính toàn diện của thông tin lý luận đến các đại biểu Quốc hội, các nhà hoạch định chính sách và các nhà khoa học, giúp nâng cao tính tiện dụng khi tra cứu, Tạp chí Nghiên cứu Lập pháp tổ chức biên soạn các cuốn sách “Quốc hội Việt Nam -Những vấn đề lý luận và thực tiễn”,  “Khái niệm pháp lý trong các văn bản pháp luật”,Quốc hội và các thiết chế trong Nhà nước pháp quyền Việt Nam XHCN”, “Bàn về Lập Hiến”, “Bàn về sửa đổi, bổ sung Hiến pháp năm 1992”, “Hiến pháp nước CHXHCNVN- nền tảngchính trị pháp lý cho công cuộc đổi mới đất nước”. Các công trình này là tập hợp hàng trăm bài viết công phu, sâu sắc, thể hiện sự trăn trở, tâm huyết từ kết quả nghiên cứu, khảo sát thực tiễn trong và ngoài nước của các tác giả, góp phần làm nên bản sắc, diện mạo riêng của Tạp chí Nghiên cứu lập pháp.
1.2. Trang thông tin điện tử Tạp chí Nghiên cứu lập pháp
Để tạo thuận lợi cho việc cung cấp thông tin nghiên cứu khoa học phục vụ Quốc hội và đại biểu dân cử, Tạp chí đã xin phép thiết lập và đưa vào vận hành Trang thông tin điện tử tổng hợp trên Internet[5] (Trang thông tin điện tử) để đăng tải các bài viết trên Tạp chí Nghiên cứu lập pháp bản in, tổng hợp thông tin về các vấn đề liên quan đến chính sách, pháp luật của Nhà nước, chương trình hoạt động của Quốc hội từ năm 2005.
Trong năm 2019, Tạp chí được lãnh đạo Văn phòng Quốc hội phê duyệt kinh phí đầu tư nâng cấp Trang Thông tin điện tử. Sau khi hoàn thành và đưa vào hoạt động chính thức từ đầu năm 2020 đến nay, Trang thông tin điện tử của Tạp chí tại địa chỉ mới: http://lapphap.vn đã thu hút gần 5 triệu lượt truy cập. Đây là những nỗ lực rất lớn của Tạp chí, trong thời điểm xuất bản ấn phẩm in gặp nhiều khó khăn, tạo thêm một kênh thông tin hữu ích, kịp thời truyền tải các nghiên cứu mới phục vụ cho hoạt động của Quốc hội, các đại biểu Quốc hội cũng như đáp ứng nhu cầu của nhiều độc giả trong và ngoài nước. Hiện nay, Trang Thông tin điện tử của Tạp chí đang tiếp tục các bước đổi mới, trên con đường định hình một Tạp chí điện tử trên internet. 
2. Thách thức và cơ hội của Tạp chí trong việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ phục vụ hoạt động của Quốc hội, đại biểu dân cử
2.1. Những thách thức
- Tạp chí Nghiên cứu lập pháp hoạt động trong một lĩnh vực đặc thù, đó là hoạt động nghiên cứu khoa học và thông tin khoa học lập pháp, khi cả nước đã có hàng trăm cơ quan thông tin báo chí ngày đêm miệt mài truyền tải mọi thông tin của đời sống kinh tế - xã hội, trong đó có một dung lượng lớn các thông tin lập pháp, xây dựng chính sách và thi hành pháp luật, nhiều cơ quan báo chí có thế mạnh cả về nhân sự, cộng tác viên và tài chính.
- Trong bối cảnh của Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư (Cuộc cách mạng 4.0), báo viết và các loại hình tạp chí in trong cả nước cũng đang gặp phải sự cạnh tranh quyết liệt của các báo, tạp chí điện tử. Tạp chí Nghiên cứu lập pháp tuy có được một lượng độc giả ổn định, số lượng phát hành ổn định, nhưng nếu không “tự làm mới mình” về nội dung, về hàm lượng thông tin, về tính cập nhật, về hình thức xuất bản… thì sẽ đối mặt với sự cạnh tranh khốc liệt của các báo, tạp chí điện tử.
- Trong bối cảnh toàn cầu hóa và Cuộc cách mạng 4.0, ở mọi quốc gia đều không chỉ có sự hoạt động của báo chí chính thống, mà còn xuất hiện một loại hình thông tin mới, đó là mạng xã hội. Chính vì thế, sự tương tác giữa mạng xã hội và báo chí là điều tất yếu xảy ra. Vấn đề là Tạp chí phải làm như thế nào để tận dụng được ưu thế về tính tương tác ấy cũng như hạn chế những mặt tiêu cực của mạng xã hội. 
- Tạp chí là cơ quan báo chí hoạt động theo cơ chế đơn vị sự nghiệp có thu, được hỗ trợ tài chính từ nguồn ngân sách nhà nước và bổ sung thu từ nguồn phát hành - quảng cáo. Tuy nhiên, việc thực hiện tự chủ tài chính trong hoạt động xuất bản và nâng cao đời sống cho cán bộ, phóng viên, biên tập viên trong Tạp chí hiện đang gặp rất nhiều khó khăn. Bởi vì, Tạp chí hiện không được xác định là đơn vị tài chính cấp ba nên mọi hoạt động giao dịch tài chính của Tạp chí đều qua pháp nhân của cơ quan chủ quản là Viện Nghiên cứu lập pháp mà Viện Nghiên cứu lập pháp là tổ chức khoa học công nghệ nên hoạt động quảng cáo của Tạp chí không thể thực hiện được; hơn nữa, do nội dung các bài viết đăng trên Tạp chí là các thông tin khoa học phục vụ nhiệm vụ chính trị (chủ yếu phục vụ Quốc hội, đại biểu dân cử), nên các ấn phẩm Tạp chí không phù hợp để phát hành rộng rãi ra công chúng nhằm mục đích kinh doanh, thu lợi nhuận.
2.2. Những cơ hội 
- Năm 2021, Quốc hội nước ta bắt đầu một nhiệm kỳ mới. Với các thành tựu và kinh nghiệm đã đạt được sau mười bốn khóa hoạt động, Quốc hội sẽ tiếp tục đổi mới cả về tổ chức và hoạt động. Trên các lĩnh vực lập pháp, giám sát, quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước và hoạt động đối ngoại sẽ có những bước tiến mới. Đây chính là hiện thực phong phú, sinh động, là nguồn chất liệu khổng lồ, vô tận để Tạp chí tiếp tục viết và đăng bài phản ánh.
- Viện Nghiên cứu lập pháp là cơ quan thuộc UBTVQH, có chức năng nghiên cứu những vấn đề lý luận, thực tiễn về tổ chức và hoạt động của Quốc hội; tổ chức thông tin khoa học để hỗ trợ việc thực hiện các nhiệm vụ, quyền hạn của Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội và đại biểu Quốc hội. Tạp chí Nghiên cứu lập pháp là cơ quan báo chí trực thuộc Viện Nghiên cứu lập pháp cũng là một thuận lợi cơ bản để kịp thời công bố các kết quả nghiên cứu khoa học mới nhất, nâng cao hơn nữa chất lượng của một Diễn đàn về Nhà nước, Pháp luật và Chính sách.
- Trong quá trình thực hiện Công cuộc đổi mới toàn diện đất nước và hội nhập quốc tế, Quốc hội đã và đang có nhiều đổi mới, thu hút ngày càng nhiều sự quan tâm, theo dõi của cử tri cả nước, trong đó có các nhà khoa học. Nhiều người rất tâm huyết, mong muốn có sự cống hiến trí tuệ của mình cho Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội, các đại biểu Quốc hội và coi đó là một vinh dự, tự hào. Đây cũng là cơ hội tốt giúp Tạp chí phát triển đội ngũ cộng tác viên viết bài cho Tạp chí.
3. Phương hướng xây dựng và phát triển Tạp chí để phục vụ có hiệu quả hoạt động của Quốc hội
Trước những thách thức và cơ hội nêu trên, để phục vụ có hiệuquả hoạt động của Quốc hội trong thời gian tới, Tạp chí tiếp tục được xây dựng và phát triển theo các hướng sau đây:
Một là, Tạp chí tiếp tục bám sát các chương trình làm việc của Quốc hội, UBTVQH, đặc biệt là các Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của Quốc hội; giữ mối liên hệ thường xuyên với các cơ quan của Quốc hội, đại biểu Quốc hội để phối hợp, tham gia nghiên cứu và đăng tải các công trình nghiên cứu phù hợp với yêu cầu thực tiễn, đặc biệt là phải sớm phát hiện ra những vấn đề mới, những yêu cầu mới của xã hội và cử tri đối với công tác lập pháp và thi hành pháp luật.
Hai là, tiếp tục thực hiện đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng, các quy định của pháp luật về báo chí, xuất bản, quảng cáo và các quy định khác có liên quan đến hoạt động của Tạp chí. Nội dung đăng trên Tạp chí một mặt phản ánh tinh thần tự do báo chí, tự do ngôn luận, trung thực, thẳng thắn trong nghiên cứu khoa học; mặt khác, phải phù hợp với lợi ích của đất nước và Nhân dân, tuân thủ các quy định của pháp luật về báo chí, chấp hành sự chỉ đạo của lãnh đạo Viện Nghiên cứu lập pháp là cơ quan chủ quản và các cơ quan có thẩm quyền.    
Ba là, tiếp tục giữ mối liên hệ chặt chẽ, thường xuyên, có các hình thức quan tâm thích hợp đối với các nhà khoa học, cộng tác viên thân thiết trong cả nước. Trong điều kiện phát triển kinh tế thị trường, sự cạnh tranh giữa các cơ quan báo chí về cung cấp thông tin cũng rất gay gắt thì việc giữ vững và phát triển đội ngũ các nhà khoa học, cộng tác viên là điều kiện tiên quyết đảm bảo cho Tạp chí hoạt động ổn định và phát triển bền vững.       
Bốn là, phát huy truyền thống đoàn kết, giúp đỡ, tương trợ lẫn nhau giữa các bộ phận trong Tạp chí, tạo sự đồng thuận trong việc thực hiện các chủ trương, quyết sách và sự chỉ đạo của Lãnh đạo.
Năm là, tiếp tục nâng cao trình độ nghiệp vụ của cán bộ, phóng viên, biên tập viên, hoàn thiện hơn nữa tổ chức bộ máy, nâng cao hơn nữa tính chuyên nghiệp của một tạp chí có vị thế ngày càng cao trong giới nghiên cứu khoa học nói chung và giới luật học nói riêng. Tiếp tục hoàn thiện các quy chế nghiệp vụ về thư ký, biên tập, trị sự, xây dựng văn hoá của đơn vị phù hợp với đặc trưng của cơ quan báo chí, chăm lo đến đời sống vật chẩt và tinh thần, tạo dựng lòng tin, sự yên tâm công tác và động lực phấn đấu của công chức, viên chức.
*
*       *
Hai mươi năm qua, với sự nỗ lực không ngừng của tập thể công chức, viên chức, các nhà báo, phóng viên và biên tập viên, Tạp chí đã thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ của mình và quá đó, có những đóng góp thiết thực vào các hoạt động của Quốc hội, UBTVQH, các đại biểu dân cử. Nhìn chung, chất lượng các ấn phẩm của Tạp chí trong những năm qua đã nhận được nhiều khen ngợi của các bạn đọc về nội dung truyền tải, hình thức trình bày, tính chuyên nghiệp trong giao dịch với bạn đọc và các cộng tác viên.
Trước yêu cầu xây dựng Nhà nước pháp quyền Việt Nam của Nhân dân, do Nhân dân, vì Nhân dân; trước nhu cầu thông tin ngày càng đa dạng và đòi hỏi tính cập nhật cao, Tạp chí cần tiếp tục xây dựng và phát triển để xứng đáng là một Diễn đàn về Nhà nước, Pháp luật và Chính sách, một Tạp chí lý luận hàng đầu về tổ chức và hoạt động lập pháp, hoạt động dân cử trong cả nước./.
 

 Tạp chí Nghiên cứu lập pháp


[1] Theo Giấy phép xuất bản số 3654/BC ngày 10/9/1999 của Bộ Văn hóa - Thông tin.
[2] Công văn số 930/CN-VP ngày 27/5/2000 của Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội.
[3] Điều 1 Quyết định số 849/QĐ-VPQH ngày 28/4/2005 của Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội quy định về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, tổ chức của Tạp chí Nghiên cứu lập pháp.
[4] Điều 1 Quyết định số 172/QĐ-VNCLP ngày 15/9/2013 của Viện trưởng Viện Nghiên cứu lập pháp quy định về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, cơ cấu tổ chức của Tạp chí Nghiên cứu lập pháp;
[5] Giấy phép xuất bản lần đầu số 37/GP-BC-BVHTT do Bộ Văn hoá - Thông tin cấp ngày 08/4/2005.

(Nguồn tin: Bài viết được đăng tải trên Ấn phẩm Tạp chí Nghiên cứu Lập pháp số 23 (423), tháng 12/2020.)