Việt Nam gửi Công hàm phản đối Trung Quốc tại Liên hợp quốc

26/04/2020

HOÀNG VIỆT

Trường Đại học Luật TP. Hồ Chí Minh

Tóm tắt: Ngày 30/3/2020, Phái đoàn thường trực Việt Nam tại Liên hợp quốc đã gửi bản Công hàm để phản bác lại các lập luận của phía Trung Quốc về vấn đề Biển Đông. Bài viết này tập trung làm rõ bối cảnh dẫn đến việc Việt Nam ban hành Công hàm này, phân tích các lập luận của Việt Nam, các lập luận của Trung Quốc và đưa ra kết luận về các lập luận của Trung Quốc vi phạm luật quốc tế.
Từ khoá: Công hàm, quyền lịch sử, Phán quyết năm 2016, Toà trọng tài.
Abstract: On March 30, 2020, the Permanent Mission of Vietnam to the United Nations presented a Note Verbale to counter the Chinese Government’s claims on the East Sea. This article is focused on clarifying the context that led to the issuance of this Note, along with the analysis of the Vietnam's arguments and of the China's ones through these notes. Thereby, it is drawn conclusions about how the China's arguments violates the international law.
Keywords: Note Verbale, historic rights, the Award of 2016, Arbitral Tribunal.
 VN-PHẢN-ĐỐI-TRUNG-QUỐC.jpg
Ảnh minh họa: Chiến sĩ Việt Nam ở Quần đảo Trường Sa (ST)

  1- Cuộc chạy đua đệ trình thềm lục địa mở rộng

Theo quy định của Công ước Luật biển của Liên hợp quốc năm 1982 (Viết tắt tiếng Anh là UNCLOS) mỗi quốc gia ven biển sẽ có vùng thềm lục địa. Thềm lục địa của một quốc gia ven biển bao gồm đáy biển và lòng đất dưới đáy biển bên ngoài lãnh hải của quốc gia đó..”[1]. Thềm lục địa của mỗi quốc gia ven biển thường sẽ có chiều rộng là 200 hải lý tính từ Đường cơ sở của quốc gia ven biển đó. Tuy nhiên, trong một số trường hợp, thềm lục địa của một quốc gia ven biển có thể kéo dài tới tối đa là 350 hải lý tính từ đường cơ sở.
UNCLOS quy định ngày 13/5/2009 là hạn chót để các quốc gia nộp các bản Đệ trình kèm theo bằng chứng khoa học chứng minh cho Uỷ ban Ranh giới thềm lục địa của Liên hợp quốc (Viết tắt tiếng Anh là CLCS), nếu thấy mình có đủ cơ sở pháp lý và bằng chứng cho việc yêu cầu một vùng thềm lục địa mở rộng vượt quá 200 hải lý.
Chính vì vậy, ngày 6/5/2009, Việt Nam đã gửi một bản Đệ trình chung với Malaysia về thềm lục địa mở rộng chồng lấn của hai quốc gia này tại khu vực phía Nam Biển Đông[2].
Đồng thời, ngày 7/5/2009, Việt Nam cũng gửi một bản Đệ trình về thềm lục địa mở rộng của riêng mình tại khu vực Bắc Biển Đông[3].
Ngay sau đó, ngày 8/5/2009, Phái đoàn thường trực của Trung Quốc đã gửi Công hàm để phản đối tất cả các bản Đệ trình của Việt Nam và Malaysia[4]. Trong Công hàm này, có đính kèm bản đồ có hình “đường lưỡi bò”.
Ngày 4/8/2009, Phái đoàn thường trực của Philippines cũng gửi Công hàm lên Liên hợp quốc để phản đối các Đệ trình của Việt Nam và Malaysia[5].
2- Malaysia tái yêu sách thềm lục địa mở rộng
Ngày 12/12/2019, Malaysia đã gửi một bản Đệ trình lên Uỷ ban Ranh giới thềm lục địa của Liên hợp quốc[6]; theo đó, yêu sách một phần thềm lục địa mở rộng của nước này trên Biển Đông, dựa trên Điều 76 của Công ước Luật biển của Liên hợp quốc năm 1982 (UCLOS). Việc đệ trình này là toan tính của Malaysia như học giả Nguyễn Hồng Thao đã chỉ ra: việc đệ trình cũng khuyến khích Ủy ban Ranh giới thềm lục địa xem xét lại đệ trình chung của Việt Nam-Malaysia năm 2009, vì căn cứ mà Trung Quốc và Philippines dựa vào để phản đối đệ trình đó đã bị Tòa trọng tài 2016 bác bỏ. Chính xác hơn, đường chín đoạn đã bị tuyên bố là không có giá trị pháp lý và các thực thể trong quần đảo Trường Sa không đủ điều kiện hưởng quy chế đảo. Nói cách khác, đệ trình của Malaysia đặt ra câu hỏi về mối quan hệ giữa hoạt động của Ủy ban Ranh giới thềm lục địa và các phán quyết pháp lý[7].
Cũng trong ngày 12/12/2019, Phái đoàn thường trực của Trung Quốc tại Liên hợp quốc đã gửi Công hàm phản đối Đệ trình của Malaysia[8].
3- Philippines lên tiếng
Ngày 6/3/2020, Phái đoàn thường trực của Philippines tại Liên hợp quốc đã đệ trình hai Công hàm lên Liên hợp quốc, một để đáp lại Đệ trình của Malaysia[9], và một để phản bác các quan điểm về yêu sách của Trung Quốc[10]. Trong Công hàm phản bác Trung Quốc, Philippines đã nêu ra 3 điểm quan trọng:
1) Philippines khẳng định rằng, các yêu sách biển của Trung Quốc là không phù hợp với luật pháp quốc tế, bao gồm cả UNCLOS.
2) Philippines khẳng định chủ quyền và quyền tài phán của Philippines tại nhóm cấu trúc thuộc quần đảo Trường Sa mà Philippines gọi là Kalayaan Island Group cùng với Bãi cạn Scarborough mà Philippines gọi là Bajo de Masinloc.
3) Philippines viện dẫn Phán quyết của Toà trọng tài ngày 12/7/2016 trong việc giải thích tính chất pháp lý của các cấu trúc thuộc Trường Sa, theo khoản 3 Điều 121 UNCLOS. Philippines cũng nhắc lại tinh thần của Phán quyết rằng: Các quy định của UNCLOS về các vùng biển của quốc gia ven biển sẽ có sức mạnh vượt trội so với các quyền lịch sử, hoặc các quyền chủ quyền hoặc quyền tài phán nếu vượt quá các quy định của UNCLOS”.
Như vậy, chúng ta có thể thấy, mặc dù Tổng thống đương nhiệm Philippines Duterte đã từng tuyên bố không nhắc tới Phán quyết năm 2016 của Toà trọng tài trong Vụ Philippines kiện Trung Quốc về những tranh chấp trên biển Đông giữa hai quốc gia này (Phán quyết năm 2016). Thế nhưng, với các nội dung của Công hàm mà Philippines đệ trình cho thấy, Phán quyết năm 2016 có sức mạnh pháp lý lớn hơn rất nhiều những tuyên bố chính trị” của Tổng thống Duterte.
4- Trung Quốc lặp lại luận điệu cũ
Ngày 23/3/2020, Trung Quốc đã ra Công hàm đáp trả Công hàm của Malaysia và Philippines[11]. Công hàm này của Trung Quốc gồm những nội dung như sau:
1) Công hàm khẳng định Trung Quốc có chủ quyền đối với quần đảo Trường Sa (Trung Quốc gọi là quần đảo Nam Sa) và Scarborough (Trung Quốc gọi là đảo Hoàng Nham) cùng với những vùng nước kế cận các đảo này cũng như đối với đáy biển và lòng đất dưới đáy biển; Trung Quốc có quyền lịch sử ở biển Đông; chủ quyền và các quyền liên quan khác cùng với quyền tài phán của Trung Quốc được hỗ trợ bởi các bằng chứng lịch sử và pháp lý.
2) Cái gọi là Kalayaan Island Group là một phần của quần đảo Trường Sa (Trung Quốc gọi là quần đảo Nam Sa) và chưa bao giờ là một phần lãnh thổ của Philippines; cho tới những năm 70, Philippines đã chiếm đoạt một cách bất hợp pháp một số cấu trúc biển này; Philippines không thể viện dẫn vào hành vi chiếm đoạt bất hợp pháp này để bảo vệ cho yêu sách lãnh thổ của họ.
3) Là một phần của quần đảo Trung Sa[12], Scaborough (Trung Quốc gọi là Hoàng Nham đảo) là lãnh thổ lâu đời của Trung Quốc; Trung Quốc đã thực hiện chủ quyền một cách hiệu quả và liên tục và quyền tài phán tại Scarborough; yêu sách lãnh thổ phi pháp của Philippines đối với Scarborough hoàn toàn không dựa trên luật pháp quốc tế.
4) Toà trọng tài trong Vụ Philippines kiện Trung Quốc không có thẩm quyền vì tranh chấp này liên quan đến tranh chấp chủ quyền, phân định biển và thực hiện quyền tài phán, nên Toà này đã vi phạm UNCLOS; các hành động và Phán quyết của Toà này là phi pháp, bất chính; Chính phủ Trung Quốc không chấp nhận, không tham gia và không thừa nhận phán quyết này và không bao giờ chấp nhận các hành vi hoặc các yêu sách dựa trên Phán quyết này. Trung Quốc và Philippines đã đi tới thoả thuận chung bỏ qua Phán quyết này, sử dụng tham vấn và thương lượng song phương để giải quyết các tranh chấp biển này.
5) Chính quyền Cộng hoà Nhân dân Trung Hoa yêu cầu Uỷ ban Ranh giới thềm lục địa của Liên hợp quốc không xem xét đến Đệ trình về thềm lục địa mở rộng này của Malaysia.
Qua Công hàm này của Trung Quốc, chúng ta lại thấy những luận điệu nhàm chán của Trung Quốc: một mặt, Trung Quốc làm phức tạp hoá vấn đề bằng các trộn các khái niệm khác nhau trong tuyên bố của mình, lúc thì quyền lịch sử, lúc thì chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán; mặt khác, trong tuyên bố của Trung Quốc luôn có cụm từ Trung Quốc có các bằng chứng lịch sử và pháp lý”. Tuy nhiên, các bằng chứng đó thì hoặc Trung Quốc không đưa ra một cách rõ ràng, hoặc Trung Quốc đưa ra nhưng đã bị bác bỏ.
Những căn cứ mà Trung Quốc nêu ra về chủ quyền đối với Scarborough là vi phạm luật pháp quốc tế. Cụ thể, Scarborough là một bãi cạn, nó không thể là một “đảo” theo điều 121 của UNCLOS. Trong Phán quyết năm 2016, Toà trọng tài có khẳng định sau khi đối chiếu các tài liệu của Trung Quốc và Philippines: “Toà trọng tài kết luận rằng Bãi cạn Scarborough là một nhóm bao gồm các đá (rocks) nổi lên trên mặt biển khu thuỷ triều lên cao và theo đó, đó là cấu trúc nổi khi thuỷ triều lên cao”[13].
Tuy nhiên, Trung Quốc tự coi Scarborough là một “đảo” để Trung Quốc lúc thì viện dẫn chủ quyền, lúc thì quyền lịch sử… để có thể tìm cớ bao biện cho mục đích muốn độc chiếm Biển Đông của họ.
Phán quyết năm 2016 của Toà trọng tài được thành lập theo Phụ lục VII của UNCLOS là một phán quyết lịch sử, góp phần làm sáng tỏ Điều 121 của UNCLOS, theo đó giải thích không có cấu trúc nào thuộc Trường Sa có thể đáp ứng được yêu cầu là “đảo” cả. Đồng thời, Phán quyết cũng bác bỏ cái gọi là “yêu sách quyền lịch sử” của Trung Quốc trong vùng Biển Đông. Một mặt, Trung Quốc viện dẫn luật quốc tế và UNCLOS, nhưng mặt khác, Trung Quốc lại luôn tìm cách chống lại Phán quyết này, cho dù bị thế giới lên án.
5- Việt Nam đáp trả luận điệu của Trung Quốc
Đối với Đệ trình của Malaysia, có một phần chồng lấn với thềm lục địa của Việt Nam, vì thế, cũng đã có ý kiến yêu cầu Malaysia phải thảo luận với phía Việt Nam về khu vực chồng lấn này, để bảo vệ lợi ích của Việt Nam[14]. Ngày 14/4/2020, Việt Nam cũng gửi thêm hai công hàm để đáp lại quan điểm của Malaysia[15] và Philippines[16].
Ngày 30/3/2020, Phái đoàn thường trực Việt Nam tại Liên hợp quốc đã đệ trình Công hàm phản đối luận điệu” của Trung Quốc[17]. Công hàm của Việt Nam nêu rõ: Việt Nam phản đối các yêu sách của Trung Quốc tại các Công hàm trên. Các yêu sách này vi phạm nghiêm trọng chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam tại Biển Đông.
Vit Nam có đy đ chng c lch s và cơ s pháp lý đ khng đnh ch quyn đi vi qun đo Hoàng Sa và qun đo Trưng Sa, phù hp vi các quy đnh ca lut pháp quc tế.
Vit Nam khẳng định Công ước của Liên hợp quốc về luật Biển 1982 (Công ước) là cơ sở pháp lý duy nhất, quy đnh toàn din và trit đ v phm vi quyn đưc hưng vùng bin gia Vit Nam và Trung Quc”.
Ni dung ca Công hàm có mt s đim đáng lưu ý sau đây:
Th nht, Malaysia, Philippines và Việt Nam đã tìm thấy được những điểm chung trong việc phản đối “luận điệu” của Trung Quốc qua các bản Công hàm này.
Th hai, trong Công hàm ngày 30/3/2020 ca mình, Vit Nam đã tuyên b rõ thêm: vùng bin ca các cu trúc luôn ni ti qun đo Hoàng Sa và qun đo Trưng Sa phi đưc xác đnh phù hp vi Điu 121 (3) ca Công ưc; các nhóm đo ti Bin Đông, bao gm qun đo Hoàng Sa và qun đo Trưng Sa, không có đưng cơ s đưc v bng cách ni lin các đim ngoài cùng ca các cu trúc xa nht; các bãi ngm, hoc cu trúc lúc chìm lúc ni không phải là đối tượng thụ đắc lãnh thổ và không có vùng biển riêng". Tuyên bố này có hàm ý sau:
i) theo Điều 121 (3) UNCLOS 1982, được giải thích qua Phán quyết 2016, quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa sẽ không có cấu trúc nào được coi là “đảo” (islands). Mặc dù Phán quyết 2016 chỉ nhắc tới Trường Sa, nhưng Việt Nam muốn “áp dụng pháp luật tương tự” từ quy chế pháp lý của Trường Sa cho Hoàng Sa;
ii) Do các cấu trúc này không đáp ứng được yêu cầu là “đảo”, cho nên không thể vạch đường cơ sở thẳng vẽ bằng cách nối liền các điểm ngoài cùng của các cấu trúc xa nhất”, điều này ám chỉ việc Trung Quốc đã tuyên bố đường cơ sở thẳng bao quanh Hoàng Sa năm 1996 là không hợp lý, và Việt Nam phản đối điều này. Việc phản đối này của Việt Nam cũng thống nhất với quan điểm mà Việt Nam đã tuyên bố trong Công hàm phản đối đường cơ sở thẳng này của Trung Quốc từ năm 1996.
Ngoài ra, Việt Nam có quan điểm tương tự như của Philippines, khi tuyên bố: “các bãi ngm, hoc cu trúc lúc chìm lúc ni không phải là đối tượng thụ đắc lãnh thổ và không có vùng biển riêng". Quan điểm này dựa trên nguyên tắc quan trọng của Luật biển quốc tế “đất thống trị biển”. Đây là một nguyên tắc chung của luật quốc tế, được phát triển từ luật tập quán quốc tế và qua các phán quyết của các toà án quốc tế[18]. Khởi đầu từ Vụ Thềm lục địa Biển Bắc năm 1969, được nhắc lại trong nhiều phán quyết sau này của Toà án Công lý quốc tế (ICJ) sau đó, nguyên tắc này đã được pháp điển hoá trong quy định tại Điều 121 (2) của UNCLOS 1982[19]. Theo nguyên tắc này, các cấu trúc lúc chìm lúc nổi cùng các cấu trúc luôn chìm dưới mặt nước biển không thể là lãnh thổ để yêu sách chủ quyền tại đó. Bởi vì, chủ quyền chỉ có thể được yêu sách đối với đất liền và đảo (islands) - được coi là một vùng đất tự nhiên nhưng có nước bao bọc xung quanh và luôn nổi trên mặt nước khi thuỷ triều lên. Chính vì vậy, việc yêu sách chủ quyền đối với các cấu trúc lúc chìm lúc nổi và các bãi ngầm luôn chìm dưới mặt nước biển của Chính phủ Trung Quốc là vi phạm nghiêm trọng đến luật biển quốc tế.
Thứ ba, tương tự như nội dung trong Công hàm ngày 6/3/2020 của Philippines, Việt Nam cũng phản đối các yêu sách ở Biển Đông vượt quá những giới hạn được quy định tại Công ước, trong đó có yêu sách quyền lịch sử, các yêu sách này đều không có giá trị pháp lý”. Điểm này, Việt Nam dựa theo Phán quyết 2016 để phản đối trực diện vào “đường lưỡi bò” mà Trung Quốc đưa ra dưới nhiều hình thức khác nhau, trong đó có hình thức quyền lịch sử”. Toà trọng tài trong Phán quyết năm 2016 đã nói rõ: “Toà trọng tài kết luận rằng, giữa Philippines và Trung Quốc, yêu sách của Trung Quốc về quyền lịch sử, hay là các quyền chủ quyền khác hoặc quyền tài phán, trong sự tôn trọng các khu vực biển tại biển Đông bị bao bọc bởi các phần liên quan trong "đường chín đoạn” là trái ngược với UNCLOS… Toà trọng tài kết luận rằng UNCLOS vượt lên trên bất cứ quyền lịch sử nào hoặc quyền chủ quyền hay là quyền tài phán khi vượt quá các ranh giới được quy định tại UNCLOS”[20].
6- Trung Quốc đưa thêm Công hàm
Ngày 17/4/2020, Trung Quốc đã gửi công hàm tới Liên hợp quốc để đáp trả Công hàm ngày 30/3/2020 của Việt Nam[21]. Trong Công hàm này của Trung Quốc, ngoài phần đầu lặp lại các yêu sách lộn xộn như trong các công hàm phản đối Malaysia, Philippines và Việt Nam trước đây, Trung Quốc còn cho rằng Việt Nam đã thừa nhận chủ quyền của Trung Quốc tại Hoàng Sa và Trường Sa với Công thư năm 1958 của Thủ tướng Việt Nam lúc đó Phạm Văn Đồng. Ngoài ra, Trung Quốc còn cho rằng, cho tới thập kỷ 70 của thế kỷ XX, phía Việt Nam đã luôn chính thức công nhận Hoàng Sa, Trường Sa là một bộ phận lãnh thổ lâu đời của Trung Quốc.
Thêm nữa, Trung Quốc còn cho rằng, sau năm 1975, Việt Nam đã vi phạm nguyên tắc estoppel trong luật quốc tế vì đã có hành vi yêu sách trái phép đối với Hoàng Sa và Trường Sa. Trung Quốc cũng ngang ngược khẳng định rằng Việt Nam đã sử dụng vũ lực trái phép để chiếm đoạt các đảo và đá của Trường Sa, vốn thuộc Trung Quốc.
Đặc biệt, trong Công hàm này của Trung Quốc có thêm một câu: Trung Quốc cương quyết yêu cầu Việt Nam rút tất cả người và vật dụng trên các đảo và đá ở Trường Sa” này. Trong bài viết của Nguyễn Hồng Thao đăng ngày 19/4/2020,[22] tác giả đưa ra khả năng đây có thể là tín hiệu cho thấy Trung Quốc sẽ sử dụng vũ lực đối với Việt Nam? Điều này được suy luận bởi vì trong các công hàm đáp trả Malaysia và Philippines của Trung Quốc cùng thời gian này không có câu tương tự.
Theo sự tìm kiếm của Dự án Đại Sự ký Biển Đông, thì trong một tuyên bố của Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc ngày 22/2/1988 cũng có một câu tương tự như sau: Phía Việt Nam phải rút khỏi các đảo và các cụm san hô này. Nếu phía Việt Nam cản trở các hành động chính đáng của Trung Quốc tại các khu vực đã nói trên, bất chấp sự nhất quán của Trung Quốc thì (Việt Nam) sẽ chịu hoàn toàn trách nhiệm trước các hậu quả phát sinh”.
Và như chúng ta đã biết, Trung Quốc tuyên bố câu này ngày 22/2/1988 thì ngày 14/3/1988 xảy ra sự kiện Hải quân Trung Quốc thảm sát lính công binh Việt Nam tại Gạc Ma.
Về lập luận Việt Nam đã thừa nhận chủ quyền của Trung Quốc thông qua Công thư năm 1958 ca Cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng, thì đây chỉ là một luận điểm cố tình suy diễn và xuyên tạc từ phía Trung Quốc, được phía Trung Quốc lặp đi lặp lại nhiều lần. Không có chuyện Việt Nam thừa nhận chủ quyền của Trung Quốc tại Hoàng Sa, Trường Sa vì những lý do sau đây:
1) Trong thư trả lời của Thủ tướng Phạm Văn Đồng chỉ nhắc rõ ràng việc thừa nhận hải phận” của Trung Quốc là 12 hải lý, không hề nhắc tới thừa nhận chủ quyền trên Hoàng Sa, Trường Sa.
2) Đây chỉ là một tuyên bố đơn phương, nên không thể sử dụng sự ràng buộc giống như một hiệp ước đa phương. Thực chất đây chỉ là một tuyên bố chính trị.
3) Theo quy định của Hiến pháp Việt Nam, Thủ tướng không thể là người quyết định được các vấn đề về biên giới, lãnh thổ, mà phải là Quốc hội, nên phát biểu của Thủ tướng, nếu có, cũng không thể hiện thái độ của quốc gia về vấn đề này.
4) Thực tế Việt Nam lúc đó là một quốc gia bị chia ct làm hai, giống nhiều quốc gia trên thế giới ở thời kỳ Chiến tranh Lạnh. Theo tinh thần của Hiệp định Geneve năm 1954, phía Nam vĩ tuyến 17 là chính thể Việt Nam Cộng Hoà, còn phía Bắc vĩ tuyến 17 là Việt Nam Dân chủ Cộng hoà. Theo Hiệp định Geneve cũng như thực tế lịch sử, Hoàng Sa và Trường Sa nằm dưới sự quản lý của Việt Nam Cộng hoà nên các tuyên bố của Việt Nam Dân chủ Cộng hoà, nếu có, không thể ảnh hưởng tới chủ quyền của Hoàng Sa, Trường Sa. Người ta không thể quyết định thứ mà không nằm trong quyền sở hữu của mình và cũng không chiếm hữu nó trên thực tế.
5) Về việc Trung Quốc khẳng định Việt Nam đã vi phạm nguyên tắc estoppel, Estoppel là một nguyên tắc bắt đầu từ trong nội luật nước Anh, sau này được phát triển và công nhận trong luật quốc tế liên quan đến lãnh thổ. Tuy nhiên, hiểu về estoppel là một điều phức tạp, nó không đơn giản như các suy luận thông thường là một quốc gia cứ phát biểu một điều gì là bị ràng buộc pháp lý bởi estoppel mà phải đáp ứng một số yếu tố nhất định. Tuyên bố về một lãnh thổ sẽ bị ràng buộc bởi estoppel, nhưng như Tiến sĩ Từ Đặng Minh Thu đã phân tích,[23] một tuyên bố bị ràng buộc bởi estoppel phải đáp ứng các điều kiện:
i) Lời tuyên bố hoặc hành động phải do một người hoặc cơ quan đại diện cho quốc gia phát biểu và phải được phát biểu một cách rõ ràng, công khai.
ii) Quốc gia nại estoppel” phải chứng minh rằng mình đã dựa trên những lời tuyên bố hoặc hoạt động của quốc gia kia, mà có những hoạt động nào đó, hoặc không hoạt động. Yếu tố này trong luật quốc nội Anh - Mỹ gọi là “reliance”.
iii) Quốc gia nại estoppel” cũng phải chứng minh rằng, vì dựa vào lời tuyên bố của quốc gia kia, mình đã bị thiệt hại, hoặc quốc gia kia đã hưởng lợi khi đưa ra tuyên bố đó.
Nhiều bản án còn đòi hỏi lời tuyên bố hoặc hoạt động phải được phát biểu một cách liên tục và kéo dài.
Như vậy, xem xét các điều kiện trên, ta thấy Công thư của cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng khó mà đáp ứng được các yêu cầu để trở thành một estoppel. Vì thế, nó chỉ nên được coi như một lời hứa vô thưởng vô phạt, không thể bị ràng buộc về mặt pháp lý.
7- Kết luận
Tranh chấp biển Đông là một trong những tranh chấp phức tạp bậc nhất trên thế giới. Tranh chấp này liên quan đến rất nhiều lĩnh vực từ địa lý, hi dương đến các vấn đề như năng lượng, luật pháp và địa chính trị… Tuy nhiên, việc Trung Quốc càng ngày càng lấn lướt trên biển Đông với các hành động hung hăng, hiếu chiến của mình, đã đe doạ an ninh, an toàn và môi trường hoà bình ở Biển Đông. Chính vì vậy, nhiều người trên thế giới vẫn mong muốn tranh chấp này sẽ được giải quyết bằng biện pháp hoà bình, dựa trên luật pháp quốc tế thì mới có thể cân bằng được các mâu thuẫn lợi ích của các bên liên quan.
Qua lập trường của các bên thể hiện qua các văn bản trên đây, chúng ta thấy, Phán quyết năm 2016 của Toà trọng tài là một quyết định quan trọng, không ai có thể xoá bỏ được nó, cho dù các tuyên bố chính trị của Tổng thống đương nhiệm Philippines. Và tất cả những yêu sách không phù hợp vi luật pháp quốc tế, như của Trung Quốc, cũng sẽ bị bác bỏ./.
 


[1] Điều 76 (1) UNCLOS.
[2]https://www.un.org/Depts/los/clcs_new/submissions_files/mysvnm33_09/mys_vnm2009excutivesummary.pdf.
[3]https://www.un.org/Depts/los/clcs_new/submissions_files/submission_vnm_37_2009.htm.
[4] https://www.un.org/depts/los/clcs_new/submissions_files/mysvnm33_09/chn_2009re_mys_vnm_e.pdf.
[5] https://www.un.org/Depts/los/clcs_new/submissions_files/vnm37_09/clcs_37_2009_los_phl.pdf.
[6] https://www.un.org/Depts/los/clcs_new/submissions_files/mys85_2019/2019_12_12_MYS_NV_UN_001.pdf.
[7] https://thediplomat.com/2019/12/malaysias-new-game-in-the-south-china-sea/.
[8] https://www.un.org/Depts/los/clcs_new/submissions_files/mys85_2019/CML_14_2019_E.pdf.
[9]https://www.un.org/Depts/los/clcs_new/submissions_files/mys_12_12_2019/2020_03_06_PHL_NV_UN.001. p df?fbclid=IwAR3q2F1iL1ioWnJ_cnFTbnJSwmOkueQV_vHKMWz5DjDNwu5BLEJHK2Dqdzs.
[10]https://www.un.org/Depts/los/clcs_new/submissions_files/mys_12_12_2019/2020_03_06_PHL_NV_UN_001.pdf?fbclid=IwAR3q2F1iL1ioWnJ_cnFTbnJSwmOkueQV_vHKMWz5DjDNwu5BLEJHK2Dqdzs
[11] https://www.un.org/Depts/los/clcs_new/submissions_files/mys_12_12_2019/China_Philippines_ENG.pdf.
[12] Tên gọi quốc tế là Bãi Macclefield. Mặc dù Trung Quốc gọi là quần đảo Trung Sa, nhưng tất cả các cấu trúc thuộc bãi này đều luôn chìm dưới mặt nước biển.
[13] Phán quyết của Toà trọng tài trong Vụ Philippines kiện Trung Quốc ngày 12/7/2016, đoạn 334, https://pcacases.com/web/sendAttach/2086.
[14] https://amti.csis.org/malaysia-should-embrace-compliance-on-its-overlapping-continental-shelf-claim/.
[17] ttps://www.un.org/Depts/los/clcs_new/submissions_files/mys_12_12_2019/VN20200330_ENG.pdf?fbclid= IwAR3pJ-Wdsxx9OL0DW0lmu6r9tR9FxVnwhtoTtlPHUicJ8I275L5Ep8w-BF0.
[18] BING BING JIA, The Principle of the Domination of the Land over the Sea: A Historical Perspective on the Adaptability of the Law of the Sea to New Challenges, GERMAN YEARBOOK OF INTERNATIONAL LAW 57, 2014, tr. 4, http://iilj.org/wp-content/uploads/2016/09/JiaIILJColloq2015.pdf .
[20] Phán quyết của Toà trọng tài trong Vụ Philippines kiện Trung Quốc ngày 12/7/2016, đoạn 278, https://pcacases.com/web/sendAttach/2086.
[21] https://www.un.org/Depts/los/clcs_new/submissions_files/mys_12_12_2019/20200417CHVNM_EN.pdf.
[22]http://www.maritimeissues.com/law/extended-continental-shelf-a-renewed-south-china-sea-competition.html.
[23]https://www.tapchithoidai.org/ThoiDai11/200711_TuDangMinhThu.htm.
 

(Nguồn tin: Bài viết được đăng tải trên Ấn phẩm Tạp chí Nghiên cứu Lập pháp số 08 (408), tháng 04/2020.)


Ý kiến bạn đọc