Điều khoản bảo hiểm tạm thời trong hợp đồng bảo hiểm nhân thọ

17/02/2020

BẠCH THỊ NHÃ NAM

GV. Khoa Luật, Trường đại học Kinh tế Luật, Đại học quốc gia TP. HCM.

 Tóm tắt: Bảo hiểm tạm thời trong Quy tắc điều khoản bảo hiểm nhân thọ đang tạo ra các lợi thế cạnh tranh cho các doanh nghiệp bảo hiểm đối với khách hàng. Đây không phải là một điều khoản cơ bản của hợp đồng bảo hiểm theo luật định, nhưng xuất hiện trong thực tiễn hợp đồng bảo hiểm trong thời gian gần đây ở Việt Nam. Bài viết phân tích các khái niệm, nội dung, thời hạn điều khoản bảo hiểm tạm thời, cơ sở pháp lý của thỏa thuận bảo hiểm tạm thời và bình luận các rủi ro pháp lý có liên quan đến điều khoản bảo hiểm tạm thời.
Từ khóa: Bảo hiểm tạm thời, trách nhiệm, trục lợi bảo hiểm.
Abstract: Provisional insurance is one of the Provisions in the life insurance policy that are creating competitive advantages for the prospective policy holders. This is not a basic provision of the insurance contracts under the law, but appears in the practice of insurance contracts recently in Vietnam. This article provides analysis of the concepts, contents, duration of provisional insurance terms, legal basis of provisional insurance agreements, and comments on legal risks related to provisional insurance terms.
Keywords: Provisional insurance, responsibility, insurance fraud.
 dieu-kien-vay-theo-b-e623.jpg
Ảnh minh họa: Nguồn internet
 
1.   Khái quát chung về điều khoản bảo hiểm tạm thời
Bảo hiểm tạm thời không được quy định trong Luật Kinh doanh bảo hiểm (KDBH) Việt Nam[1] hay trong các văn bản pháp luật khác về bảo hiểm. Tuy nhiên, trên thực tiễn, điều khoản bảo hiểm tạm thời lại xuất hiện trong các Quy tắc điều khoản sản phẩm bảo hiểm nhân thọ của các doanh nghiệp bảo hiểm (DNBH) nhân thọ. Theo đó, người dự định được bảo hiểm sẽ được hưởng quyền lợi “bảo hiểm tạm thời” khi đã 1) Thực hiện hồ sơ yêu cầu bảo hiểm 2) Đóng cho DNBH khoản phí bảo hiểm đầu tiên. Khi đó, trách nhiệm bảo hiểm tạm thời của DNBH nhân thọ đối với người dự định mua bảo hiểm sẽ phát sinh trong thời gian tạm thời cho một sự kiện bảo hiểm nhất định (ví dụ như cái chết của người dự định được bảo hiểm do tai nạn), mặc dù hợp đồng bảo hiểm giữa các bên chưa được giao kết. Tại thời điểm này, các bên không xác định được liệu hồ sơ yêu cầu bảo hiểm sau cùng sẽ được các bên chấp thuận hay từ chối bảo hiểm, giai đoạn này được xem là giai đoạn “tạm thời”, trước khi có quyết định về việc giao kết hợp đồng bảo hiểm giữa các bên.
Thời hạn bảo hiểm tạm thời được xác định từ khi DNBH đóng dấu xác nhận đầy đủ hồ sơ yêu cầu bảo hiểm hợp lệ và nhận khoản phí bảo hiểm đầu tiên theo thỏa thuận trong hợp đồng. Các DNBH quy định có chút khác biệt về thời điểm chấm dứt bảo hiểm tạm thời; cụ thể là bảo hiểm tạm thời sẽ chấm dứt vào ngày DNBH cấp Hợp đồng bảo hiểm hoặc ngày DNBH ban hành văn bản tạm hoãn hoặc từ chối bảo hiểm[2], hoặc vào thời điểm DNBH cấp Giấy chứng nhận bảo hiểm hoặc từ chối chấp thuận bảo hiểm hoặc bên mua bảo hiểm đề nghị hủy bỏ hồ sơ yêu cầu bảo hiểm bằng văn bản, tùy ngày nào đến trước[3], hoặc ngày hợp đồng bảo hiểm được phát hành, hoặc ngày thư từ chối bảo hiểm được phát hành (căn cứ vào ngày đóng dấu bưu điện, nếu gửi bưu điện), hoặc ngày bên mua bảo hiểm đề nghị hủy bỏ hồ sơ yêu cầu bảo hiểm bằng văn bản, hoặc sau sáu mươi (60) ngày kể từ ngày bảo hiểm tạm thời có hiệu lực[4] .
Sự kiện bảo hiểm tạm thời trong thời hạn bảo hiểm tạm thời là sự kiện rủi ro làm phát sinh trách nhiệm bảo hiểm của DNBH trong giai đoạn bảo hiểm tạm thời, thông thường là sự kiện tử vong do tai nạn đối với người dự định được bảo hiểm[5]. Về cơ bản, trong mọi trường hợp, quyền lợi bảo hiểm tạm thời này sẽ được chi trả phù hợp với quy tắc, điều khoản của sản phẩm bảo hiểm liên quan đã được Bộ Tài chính phê duyệt. Các quy tắc cơ bản liên quan đến điều khoản bảo hiểm tạm thời được tóm tắt như sau:
1) Quyền lợi bảo hiểm tạm thời sẽ được xem xét để chi trả nếu các thông tin kê khai tại hồ sơ yêu cầu bảo hiểm cho thấy, người dự định mua bảo hiểm đáp ứng các yêu cầu bảo hiểm với các điều kiện chuẩn và người dự định được bảo hiểm bị tử vong do tai nạn;
2) Tổng số tiền chi trả theo quyền lợi bảo hiểm tạm thời đối với mỗi người dự định được bảo hiểm sẽ không vượt quá X triệu đồng Việt Nam, mà không phụ thuộc vào số lượng chứng từ nộp phí bảo hiểm đầu tiên hoặc hồ sơ yêu cầu bảo hiểm liên quan đến người dự định được bảo hiểm này đã được nộp đến hoặc nhận bởi DNBH. Trong trường hợp chi trả quyền lợi bảo hiểm tạm thời, DNBH sẽ không có nghĩa vụ hoàn trả lại phí bảo hiểm đầu tiên đã đóng;
3) Nếu sự kiện xảy ra thuộc vào các trường hợp loại trừ bảo hiểm tạm thời, DNBH sẽ chỉ hoàn lại khoản phí bảo hiểm đầu tiên, không có lãi sau khi trừ đi các chi phí kiểm tra y tế (nếu có) đã phát sinh.
Mục đích của bảo hiểm tạm thời lànhằm thể hiện việc trao quyền lợi đặc biệt cho khách hàng trong giai đoạn tạm thời này. Điều khoản này giúp người dự định được bảo hiểm được hưởng quyền lợi bảo hiểm khi hồ sơ yêu cầu bảo hiểm vẫn đang trong giai đoạn thẩm định. Đồng thời, trong giai đoạn tạm thời này, người dự định mua bảo hiểm được quyền cân nhắc, đọc lại các quy tắc điều khoản quy định trong hợp đồng bảo hiểm để được giải thích rõ thêm, nếu bất lợi hoặc không chấp nhận thì có thể huỷ bỏ và được hoàn lại phí. Đối với phía DNBH, việc trao thêm lợi ích bảo hiểm tạm thời cho khách hàng dự kiến sẽ làm tăng lợi thế cạnh tranh của DNBH nhân thọ so với các DNBH nhân thọ khác trên thị trường. Vì các lý do trên mà trong những năm gần đây, các DNBH nhân thọ ở Việt Nam đều đưa điều khoản bảo hiểm tạm thời vào các sản phẩm bảo hiểm của mình như Dai-ichi life, Manulife, Prudential…
2.   Cơ sở pháp lý thỏa thuận bảo hiểm tạm thời
Theo quy định của Luật KDBH, trách nhiệm bảo hiểm của DNBH phát sinh trong ba trường hợp sau đây theo quy định tại Điều 15 Luật KDBH: 1) Hợp đồng bảo hiểm đã được giao kết và bên mua bảo hiểm đã đóng đủ phí bảo hiểm; 2) Hợp đồng bảo hiểm đã được giao kết, trong đó có thỏa thuận giữa doanh nghiệp bảo hiểm và bên mua bảo hiểm về việc bên mua bảo hiểm nợ phí bảo hiểm; 3) Có bằng chứng về việc hợp đồng bảo hiểm đã được giao kết và bên mua bảo hiểm đã đóng đủ phí bảo hiểm. Như vậy, Luật KDBH không xác định trách nhiệm của DNBH nhân thọ cho giai đoạn tạm thời của hợp đồng bảo hiểm, mà chỉ quy định trách nhiệm bảo hiểm của DNBH phát sinh kể từ khi hợp đồng bảo hiểm được giao kết hoặc có bằng chứng về sự giao kết đó.
Vấn đề cần được làm rõ ở đây là liệu điều khoản bảo hiểm tạm thời nêu trên được DNBH nhân thọ thiết kế trong các sản phẩm bảo hiểm và tự xác định trách nhiệm bảo hiểm phát sinh đối với người dự định mua bảo hiểm trong giai đoạn bảo hiểm tạm thời có phù hợp với quy định của pháp luật nói chung và Luật KDBH nói riêng hay không? Luật KDBH hiện không đề cập đến việc cho phép DNBH nhân thọ và người mua bảo hiểm có thỏa thuận khác, ngoài việc Luật chỉ quy định các điều khoản cơ bản của hợp đồng bảo hiểm[6], và Luật KDBH hiện cũng không đề cập đến các điều khoản cấm các bên thỏa thuận vấn đề bảo hiểm tạm thời.
Nguyên tắc của pháp luật dân sự là tôn trọng sự tự do ý chí và thỏa thuận của các bên. Qua nghiên cứu điều khoản bảo hiểm tạm thời, chúng tôi cho rằng, thỏa thuận này giữa DNBH nhân thọ và người dự định mua bảo hiểm được xem là một hành vi pháp lý làm phát sinh quyền, nghĩa vụ dân sự nên đây được xem là một giao dịch dân sự riêng biệt, khác với các nội dung của hợp đồng bảo hiểm dự định giao kết. Trên cơ sở đó, thỏa thuận này sẽ có hiệu lực khi đáp ứng đầy đủ các điều kiện được quy định tại Điều 107 Bộ luật Dân sự năm 2015 về năng lực chủ thể, về mục đích, nội dung giao dịch…
Như vậy, dù Luật KDBH không quy định về điều khoản bảo hiểm tạm thời, nhưng các bên trong quan hệ bảo hiểm có thể tự do thỏa thuận về nội dung này, khi đó DNBH nhân thọ tự nguyện và cam kết thực hiện nghĩa vụ chi trả khi phát sinh trách nhiệm bảo hiểm trong giai đoạn tạm thời của hợp đồng bảo hiểm.
Hợp đồng bảo hiểm là hợp đồng mẫu do DNBH soạn thảo theo Luật KDBH, đối với nghiệp vụ bảo hiểm nhân thọ, trước khi triển khai sản phẩm, các DNBH nhân thọ phải trình Bộ Tài chính phê chuẩn sản phẩm bảo hiểm dự kiến tiến hành, bao gồm cả quy tắc, điều khoản về sản phẩm bảo hiểm[7]. Do đó, về khía cạnh quản lý nhà nước, các điều khoản về bảo hiểm tạm thời đã được cơ quan chủ quản hoạt động kinh doanh bảo hiểm “rà soát” kỹ lưỡng, tạo tâm lý vững vàng cho các bên xác lập thỏa thuận bảo hiểm tạm thời và có căn cứ pháp lý để giải quyết khi có tranh chấp xảy ra.
3.   Bình luận các rủi ro pháp lý liên quan đến điều khoản bảo hiểm tạm thời
3.1. Về thuật ngữ tai nạn
Trách nhiệm bảo hiểm được DNBH nhân thọ xác định trong giai đoạn tạm thời chỉ trong trường hợp người dự định được bảo hiểm chết do tai nạn gây ra. Những sự kiện rủi ro khác đều không phải sự kiện bảo hiểm trong giai đoạn này, ví dụ như các sự kiện dẫn đến thương tật toàn bộ vĩnh viễn, hay bất kỳ sự kiện nào khác dẫn đến chết mà không do tai nạn gây ra.
Qua quá trình khảo cứu các sản phẩm bảo hiểm của DNBH nhân thọ, chúng tôi nhận thấy, thuật ngữ “tai nạn” trong giai đoạn bảo hiểm tạm thời không được nêu rõ trong thỏa thuận, chỉ có giải thích thuật ngữ “tai nạn” áp dụng cho giai đoạn có hiệu lực và phát sinh trách nhiệm bảo hiểm của hợp đồng bảo hiểm về sau.
Tuy nhiên, căn cứ việc áp dụng giải thích tương tự thuật ngữ để suy đoán ý chí của các bên trong thỏa thuận, thì “tai nạn” trong giai đoạn tạm thời có thể được giải thích tương tự như “tai nạn” trong quá trình phát sinh trách nhiệm chính thức của hợp đồng bảo hiểm nhân thọ. Đó là “một sự kiện hoặc một chuỗi sự kiện không bị gián đoạn gây ra bởi tác động của một lực hoặc một vật bất ngờ từ bên ngoài, không chủ độngngoài ý muốn của người được bảo hiểm lên cơ thể của người được bảo hiểm…”[8].
Như vậy, tai nạn xảy ra phải do các yếu tố từ bên ngoài tác động vào, là sự kiện không lường trước được, mang tính khách quan. Điều này nhằm loại bỏ các tai nạn do ý chí chủ quan và cố ý của phía khách hàng gồm người mua bảo hiểm, hoặc người thụ hưởng nhằm gây ra cái chết của người được bảo hiểm. Ngoài ra, một số DNBH còn đưa ra giải thích kèm theo như …sự kiện hoặc chuỗi sự kiện trên phải là nguyên nhân duy nhất, trực tiếpkhông liên quan đến bất kỳ nguyên nhân nào khác gây ra tử vong cho người được bảo hiểm[9]. Việc giải thích các yếu tố “duy nhất”, “trực tiếp”, hay “không liên quan bất kỳ nguyên nhân nào khác” mang tính chất phức tạp hơn và thông thường DNBH sẽ yêu cầu bên dự định mua bảo hiểm cung cấp các giấy tờ như trích lục khai tử, hay biên bản sự việc do cơ quan có thẩm quyền lập khi sự kiện bảo hiểm xảy ra để kiểm tra nguyên nhân. Giả định có tình huống dẫn đến tử vong của người dự định được bảo hiểm do nhiều nguyên nhân gây ra, bao gồm cả do tai nạn và các nguyên nhân khác. Đây được dự liệu sẽ là tình huống dẫn đến tranh chấp giữa các bên. Do đó, nhằm khắc phục vấn đề này, chúng tôi khuyến nghị các bên trong quan hệ bảo hiểm xem xét việc giải thích rõ thuật ngữ “tử vong do tai nạn” trong thời hạn bảo hiểm tạm thời nêu trên, tránh việc “vay mượn” giải thích thuật ngữ “tai nạn”, hoặc các bên hiểu nhầm trong việc xác lập ý chí chung.
3.2. Về các trường hợp loại trừ trách nhiệm bảo hiểm
Tất cả các DNBH nhân thọ đều đưa ra các trường hợp loại trừ trách nhiệm bảo hiểm trong thời hạn tạm thời, DNBH nhân thọ sẽ không chi trả quyền lợi bảo hiểm tạm thời nếu người dự định được bảo hiểm tử vong do các nguyên nhân trực tiếp gây ra sau đây: “i) Tự tử, dù trong trạng thái tinh thần bình thường hay mất trí; ii) hoặc sử dụng ma tuý, chất kích thích, chất gây nghiện hoặc các thức uống có cồn vi phạm pháp luật hiện hành; iii) hoặc các hành vi cố ý hoặc phạm tội của người được bảo hiểm, bên mua bảo hiểm hoặc của người thụ hưởng;”[10]. Một số DNBH nhân thọ khác có thể bổ sung thêm các trường hợp như: “iv) Người được bảo hiểm chết do bị thi hành án tử hình; hoặc v) Sự kiện tai nạn dẫn đến tử vong của người được bảo hiểm xảy ra trước khi thời hạn bảo hiểm tạm thời bắt đầu[11].Trong các trường hợp loại trừ trách nhiệm, DNBH nhân thọ sẽ hoàn lại toàn bộ phí bảo hiểm đã đóng và không tính lãi cho bên dự định mua bảo hiểm, có thể trừ đi các chi phí xét nghiệm y khoa (nếu có).
Việc quy định các trường hợp loại trừ trách nhiệm nhằm ngăn ngừa các ý định trục lợi bảo hiểm từ phía khách hàng bao gồm người mua bảo hiểm, người được bảo hiểm, người thụ hưởng. Bởi lẽ, trên thực tiễn, khách hàng chỉ cần nộp hồ sơ yêu cầu bảo hiểm thông qua đại lý bảo hiểm và đóng khoản phí bảo hiểm đầu tiên, thì đã phát sinh trách nhiệm bảo hiểm tạm thời của DNBH nhân thọ. Khoản phí bảo hiểm đầu tiên này sẽ được phân bổ phí bảo hiểm sau khi người mua bảo hiểm đóng cho DNBH nhân thọ. Thông thường, khoản phí bảo hiểm đầu tiên được xem là khoản tiền đặt cọc để DNBH tiến hành thẩm định hồ sơ, khám sức khỏe cho người dự định được bảo hiểm, do đó số tiền này không nhiều. Ví dụ, phí bảo hiểm cơ bản ban đầu trong gói sản phẩm An Tâm Hưng Thịnh của Dai-ichi life Việt Nam là 8.525.000 đồng[12]. Vì khoản phí bảo hiểm ban đầu thấp, nhưng cơ hội nhận số tiền bảo hiểm từ DNBH lên đến hàng trăm triệu đồng, nên đã nảy sinh nhiều trường hợp từ phía khách hàng bảo hiểm có ý định không thiện chí, hay trục lợi bảo hiểm. Do đó, việc quy định các trường hợp loại trừ trách nhiệm bảo hiểm tạm thời là hết sức cần thiết, nhằm ngăn chặn các ý định xấu của phía khách hàng.
3.3. Về nghĩa vụ cung cấp và giải thích thỏa thuận bảo hiểm tạm thời
Luật KDBH quy định về nghĩa vụ giải thích và cung cấp thông tin liên quan đến sản phẩm bảo hiểm cho bên mua bảo hiểm như: giải thích cho bên mua bảo hiểm về các điều kiện, điều khoản bảo hiểm; quyền, nghĩa vụ của bên mua bảo hiểm; cấp cho bên mua bảo hiểm hợp đồng bảo hiểm như giấy chứng nhận bảo hiểm, hay đơn bảo hiểm ngay sau khi giao kết hợp đồng bảo hiểm[13].
Nếu xem thỏa thuận bảo hiểm tạm thời là một thỏa thuận riêng biệt khác hợp đồng bảo hiểm dự kiến giao kết, thì Luật KDBH đã không quy định về nghĩa vụ giải thích và cung cấp nội dung chi tiết điều khoản bảo hiểm tạm thời đến khách hàng, vốn được thiết kế trong các quy tắc và điều khoản về sản phẩm bảo hiểm. Tuy nhiên, dựa trên các nguyên tắc của pháp luật về thiết lập giao dịch dân sự, thì trách nhiệm cung cấp thông tin và giải thích các điều khoản thỏa thuận là một nghĩa vụ cơ bản của DNBH. Do đó, mặc dù hợp đồng bảo hiểm chưa được giao kết, khi người mua mới nộp hồ sơ yêu cầu bảo hiểm đến DNBH và chờ thẩm định hồ sơ, thì trước khi đóng khoản phí bảo hiểm đầu tiên, người dự định mua bảo hiểm cần được phía DNBH cung cấp điều khoản bảo hiểm tạm thời và giải thích rõ ràng. Hay cụ thể hơn, quy tắc và điều khoản bảo hiểm chứa đựng điều khoản bảo hiểm tạm thời nên được cung cấp và giải thích đến khách hàng ở giai đoạn tiền hợp đồng này. Tránh các trường hợp phía khách hàng chỉ biết mơ hồ được hưởng quyền lợi bảo hiểm tạm thời và không rõ các trường hợp bị loại trừ trách nhiệm bảo hiểm tạm thời, hoặc DNBH “lạm dụng” quy định loại trừ trách nhiệm bảo hiểm để từ chối thực hiện, hoặc phía khách hàng không cung cấp đủ hồ sơ liên quan đến sự kiện “tử vong do tai nạn” nên bị từ chối chi trả bảo hiểm…Từ đó, dẫn đến quyền và lợi ích chính đáng của người dự định mua bảo hiểm không được đảm bảo trong giai đoạn tạm thời.
Chúng tôi cho rằng, dù sự kiện bảo hiểm trong giai đoạn tạm thời và giai đoạn hợp đồng bảo hiểm phát sinh trách nhiệm bảo hiểm được quy định khác nhau, nhưng các trường hợp loại trừ trách nhiệm, hay quy trình tiếp nhận thông tin và tiến hành bồi thường của DNBH nhân thọ sẽ được xử lý khá giống nhau. Do đó, để đảm bảo quyền lợi bảo hiểm cho phía khách hàng, DNBH nhân thọ vẫn chịu nghĩa vụ ràng buộc về việc cung cấp thông tin, giải thích thông tin chi tiết liên quan đến thỏa thuận bảo hiểm tạm thời, cũng như giải thích về hồ sơ yêu cầu và quy trình xem xét bồi thường khi sự kiện bảo hiểm tạm thời xảy ra.
Tóm lại, điều khoản bảo hiểm tạm thời là một điều khoản được thỏa thuận riêng biệt cho giai đoạn thẩm định hồ sơ bảo hiểm và trách nhiệm bảo hiểm tạm thời sẽ phát sinh khi người dự định mua bảo hiểm đã tiến hành đóng khoản phí bảo hiểm đầu tiên cho DNBH nhân thọ. Đây là một điều khoản mang lại nhiều quyền, lợi ích bảo hiểm cho phía khách hàng, ngay từ thời điểm hợp đồng bảo hiểm chưa được giao kết. Tuy nhiên, qua phân tích cơ sở pháp lý, thực tiễn cho thấy, còn tiềm ẩn nhiều rủi ro pháp lý đối với các bên trong quan hệ bảo hiểm. Do đó, về mặt quy định và diễn đạt điều khoản này, DNBH cần diễn đạt rõ ràng thuật ngữ “tử vong do tai nạn”, các trường hợp loại trừ trách nhiệm, thủ tục hồ sơ yêu cầu đối với phía người dự định mua bảo hiểm khi tai nạn xảy ra để nhận số tiền bảo hiểm. Đồng thời, trước khi thiết lập thỏa thuận bảo hiểm tạm thời, DNBH nhân thọ phải có trách nhiệm cung cấp nội dung điều khoản và giải thích rõ ràng với phía khách hàng để tránh các tranh chấp tiềm ẩn trong tương lai./.
 

 


[1] Luật Kinh doanh bảo hiểm số 24/2000/QH10 ban hành ngày 09/12/2000, có hiệu lực từ ngày 01/04/2001, được sửa đổi, bổ sung một số Điều bởi Luật số 61/2010/QH12 ban hành ngày 24/11/2010, có hiệu lực từ ngày 01/07/2011. 
[2] Khoản 3.1, Điều 3 Điều khoản sản phẩm đơn vị liên kết đóng phí định kỳ Công ty bảo hiểm Manulife.
[3]Tham khảo bảo hiểm tạm thời – Quy tắc điều khoản hợp đồng BHNT, https://www.baohiem-dai-ichi-life.com/dieu-3-bao-hiem-tam-thoi-cua-quy-tac-dieu-khoan-bhnt/, truy cập ngày 09/05/2019.
[4] Tham khảo bài viết tại https://moigioibaohiem.vn/hoi-dap/thoi-han-cua-bao-hiem-tam-thoi, truy cập ngày 09/05/2019.
[5] Xem Quy tắc và điều khoản sản phẩm Pru-Khởi đầu linh hoạt của của Prudential: “Nếu người được bảo hiểm tử vong do tai nạn trong thời hạn bảo hiểm tạm thời, Prudential sẽ chi trả giá trị nào nhỏ hơn của 100.000.000 (một trăm triệu) đồng hoặc (Tổng) số tiền bảo hiểm của sản phẩm bảo hiểm chính trong (các) hồ sơ yêu cầu bảo hiểm mới tại thời điểm mua bảo hiểm, bất kể người được bảo hiểm có bao nhiêu hồ sơ yêu cầu bảo hiểm…” tại https://www.prudential.com.vn/export/sites/prudential-vn/.galleries/Product/ke-hoach-tiet-kiem/pdf/pru-khoi-dau-linh-hoat-dieu-khoan.pdf, truy cập ngày 09/04/2019; Xem Quy tắc và điều khoản sản phẩm baỏ hiểm nhân thọ tử kỳ đóng phí ngắn hạn của Dai-ichi life“Nếu Người được bảo hiểm của sản phẩm bảo hiểm chính tử vong do Tai nạn trong thời hạn bảo hiểm tạm thời, Dai-ichi Life Việt Nam sẽ chi trả giá trị nào nhỏ hơn của 100.000.000 (một trăm triệu) đồng hoặc (tổng) quyền lợi bảo hiểm trường hợp tử vong không do tai nạn của năm hợp đồng đầu tiên của (các) sản phẩm bảo hiểm chính của (các) hồ sơ yêu cầu bảo hiểm mới tại thời điểm tham gia bảo hiểm, tính trên mỗi người được bảo hiểm của sản phẩm chính…”. Thông tin trên https://dai-ichi-life.com.vn/images/news/94/2142/2525/QTDK%20BH%20NHAN%20THO%20TU%20KY%20DONG%20PHI%20NGAN%20HAN%20-%20CLEAN.pdf, truy cập ngày 09/05/2019.
[6] Xem Điều 13 Luật KDBH. 
[7] Khoản 3 Điều 39 Nghị định số 78/2016/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết Luật Kinh doanh bảo hiểm và Luật sửa đổi, bổ sung một số Điều của Luật Kinh doanh bảo hiểm.
[8] Tham khảo khoản 17 Điều 1 Giải thích từ ngữ, Quy tắc sản phẩm Pru-Khởi đầu linh hoạt của của Prudential.
[9] Tham khảo khoản 17 Điều 1 Giải thích từ ngữ, Quy tắc sản phẩm Pru-Khởi đầu linh hoạt của của Prudential.
[10] Tham khảo khoản 3 Điều 3 Điều khoản sản phẩm bảo hiểm liên kết đơn vị đóng phí định kỳ (phiên bản 2), tại https://www.manulife.com.vn/content/dam/pwsa/vietnam/fragments/cuoc-song-tuoi-dep/CSTD%20-%20Dieu%20khoan%20san%20pham.pdf, truy cập ngày 09/05/2019.
[11] Tham khảo khoản 3 Điều 5 Quy tắc và điều khoản sản phẩm bảo hiểm nhân thọ t kỳ đóng phí ngắn hạn của Dai-ichi life.
[12] Xem Bảng minh họa quyền lợi sản phẩm An Tâm Hưng Thịnh, Dai-ichi Life Việt Nam tại https://www.dai-ichi-life.com.vn/Uploads/file/Bang%20minh%20hoa%20An%20Tam%20Hung%20Thinh_22-10-12.pdf, truy cập ngày 09/05/2019.
[13] Xem khoản 2a, 2b Điều 17 Luật KDBH.

(Nguồn tin: Bài viết được đăng tải trên Ấn phẩm Tạp chí Nghiên cứu Lập pháp số 20 (396), tháng 10/2019.)


Ý kiến bạn đọc