Hoàn thiện chế định người làm chứng trong Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015

01/12/2018

ThS. BÙI AI GIÔN

Tòa án nhân dân tỉnh Bà Rịa, Vũng Tàu.

Tóm tắt: Kế thừa Bộ luật Tố tụng hình sự (TTHS) năm 2003, Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 hoàn thiện và phát triển thêm quy định về quyền và nghĩa vụ của người làm chứng. Việc bổ sung hoàn thiện quyền của người làm chứng có ý nghĩa quan trọng trong hoạt động tố tụng hình sự, đảm bảo công tác phòng ngừa và chống tội phạm được hiệu quả, hạn chế được tình trạng bỏ lọt tội phạm và hạn chế được tình trạng oan, sai trong hoạt đồng điều tra, truy tố, xét xử. Tuy nhiên, các quy định về quyền và nghĩa vụ của người làm chứng trong Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 vẫn cần được trao đổi và bình luận thêm.
Từ khóa: Bộ luật Tố tụng hình sự, quyền và nghĩa vụ của người làm chứng
Summary: Based on the Criminal Procedure Code of 2003, the provisions on rights and obligations of witnesses were developed and added to the Criminal Procedure Code (CCC) of 2015. The supplementation of the right of witnesses has important implications in criminal proceedings, to ensure the prevention and fight against crimes in effective manner, to limit the cases of criminal negligence as well as unfairness and wrongdoing in investigation, prosecution and trial activities. However, the provisions on rights and obligations of the witnesses under the Criminal Procedure Code of 2015 need receiving further reviews and discussions.
Keywords: Criminal Procedure Code; rights and obligations of the witnesses
Untitled_109.jpg
Ảnh minh họa: nguồn internet
1. Những quy định về người làm chứng trong Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015
Người làm chứng là người biết các tình tiết có liên quan đến vụ án và được các cơ quan tiến hành tố tụng triệu tập để khai báo về những sự việc cần xác minh trong vụ án. Lời khai của người làm chứng là một trong những nguồn chứng cứ quan trọng để xác định sự thật của vụ án hình sự. Việc xác định xuất xứ thông tin, lý do vì sao người làm chứng biết được tình tiết đó là một điều cần thiết. Người làm chứng có thể trực tiếp chứng kiến vụ án, trực tiếp biết được những tình tiết có liên quan đến vụ án mà không thông qua một khâu trung gian nào hoặc họ có thể được nghe người khác kể lại. Thông qua việc xác định nguồn gốc của những lời khai này, cơ quan tiến hành tố tụng sẽ đề ra được biện pháp thu thập thêm chứng cứ, kiểm tra, đánh giá chứng cứ một cách hợp lý. Thông thường, lời khai của người làm chứng có tính trung thực, khách quan cao, có ý nghĩa lớn trong việc xác định sự thật của vụ án. Tuy nhiên, nếu tất cả những tình tiết do người làm chứng trình bày đều được dùng làm chứng cứ mà không cần xem xét đến việc người làm chứng biết được những tình tiết đó bằng cách nào thì lời khai thu thập được không đảm bảo đầy đủ các thuộc tính của chứng cứ. Bởi lẽ, có những trường hợp người làm chứng khai báo thông tin không đúng sự thật: có thể trên thực tế có những tình tiết như người làm chứng khai báo nhưng đã bị bóp méo theo ý chí chủ quan của người làm chứng hoặc không hề có tình tiết đó nhưng người làm chứng đã cố tình xuyên tạc hay làm giả để vu khống hoặc có thể là bao che cho người đã thực hiện hành vi phạm tội. Trên thực tế, do tác động của nhiều yếu tố khác nhau như: khả năng tiếp nhận thông tin của người làm chứng, mối quan hệ giữa người làm chứng với người phạm tội hoặc người bị hại… mà lời khai của họ có thể dẫn đến việc thông tin về vụ án thiếu tính chính xác. Do đó, khi lấy lời khai của người làm chứng, việc xác minh lý do họ biết được tình tiết liên quan đến vụ án được xem là một điều bắt buộc trong quá trình cơ quan tiến hành tố tụng thu thập chứng cứ để làm sáng tỏ sự thật của vụ án.
Kế thừa Bộ luật Tố tụng hình sự (TTHS) năm 2003, khoản 2 Điều 66 Bộ luật TTHS năm 2015 quy định những trường hợp không được làm chứng bao gồm: người bào chữa của người bị buộc tội; người do nhược điểm về tâm thần hoặc thể chất mà không có khả năng nhận thức được những tình tiết liên quan đến nguồn tin về tội phạm, về vụ án hoặc không có khả năng khai báo đúng đắn. Bên cạnh đó, khoản 3 Điều 66 cũng quy định người làm chứng có các quyền cơ bản như sau: được thông báo, giải thích quyền và nghĩa vụ; yêu cầu cơ quan triệu tập bảo vệ tính mạng, sức khoẻ, danh dự, nhân phẩm, tài sản và quyền, lợi ích hợp pháp khác của mình, người thân thích của mình khi bị đe dọa; khiếu nại quyết định, hành vi tố tụng của cơ quan, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng liên quan đến việc mình tham gia làm chứng; được cơ quan triệu tập thanh toán chi phí đi lại và những chi phí khác theo quy định của pháp luật. Ngoài những quyền do luật định, người làm chứng cũng phải thực hiện nghĩa vụ như sau: có mặt theo giấy triệu tập của cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng; trường hợp cố ý vắng mặt mà không vì lý do bất khả kháng hoặc không do trở ngại khách quan và việc vắng mặt của họ gây trở ngại cho việc giải quyết nguồn tin về tội phạm, khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử thì có thể bị dẫn giải; trình bày trung thực những tình tiết mà mình biết liên quan đến nguồn tin về tội phạm, về vụ án và lý do biết được những tình tiết đó.
Trường hợp người làm chứng có những hành vi khai báo gian dối hoặc từ chối khai báo, trốn tránh việc khai báo mà không vì lý do bất khả kháng hoặc không do trở ngại khách quan thì phải chịu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật. Theo quy định của Điều 383 BLHS năm 2015, nếu người làm chứng khai không đúng sự thật, cố tình bịa đặt, cung cấp tài liệu giả mạo, gian dối nhằm chuyển hướng dư luận, nhiễu loạn thông tin, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến uy tín của các cơ quan tố tụng, sẽ phải chịu chế tài hình sự với mức hình phạt thấp nhất là cảnh cáo và cao nhất là 5 năm tù giam.
Ngoài ra, để bảo vệ người làm chứng, người tố giác tội phạm, bị hại và người tham gia tố tụng khác, Bộ luật TTHS năm 2015 đã dành một chương riêng - Chương 34 quy định về các biện pháp bảo vệ các đối tượng này. Theo đó, khi tham gia tố tụng, nếu người làm chứng bị cá nhân, cơ quan, tổ chức nào có hành vi đe doạ hoặc cưỡng bức đến bản thân hoặc người thân thích trong gia đình thì có quyền đề nghị cơ quan có thẩm quyền áp dụng biện pháp bảo vệ được quy định tại Điều 486 Bộ luật TTHS. Trong trường hợp khẩn cấp, người làm chứng có thể đến trực tiếp cơ quan có thẩm quyền   áp dụng biện pháp bảo vệ hoặc thông qua phương tiện thông tin liên lạc nhưng sau đó phải thể hiện bằng văn bản đề nghị. Sau đó Cơ quan điều tra phải kiểm tra căn cứ, tính xác thực của đề nghị, yêu cầu bảo vệ, nếu đủ căn cứ thì ra quyết định áp dụng biện pháp bảo vệ và lập hồ sơ bảo vệ. Nếu xét thấy không cần thiết áp dụng thì phải giải thích rõ cho người đã yêu cầu, đề nghị biết. Cơ quan có thẩm quyền áp dụng biện pháp bảo vệ người làm chứng là Cơ quan điều tra của Công an nhân dân và Cơ quan điều tra của Quân đội nhân dân (Điều 485 Bộ luật TTHS). Thời gian bảo vệ người làm chứng được tính từ khi có quyết định áp dụng biện pháp bảo vệ cho đến khi có quyết định chấm dứt áp dụng biện pháp bảo vệ (Điều 489 Bộ luật TTHS).
Vấn đề bảo vệ người làm chứng đã được pháp luật nhiều nước trên thế giới quy định và áp dụng từ lâu. Nước Mỹ có cả quy chế đầy đủ và chặt chẽ để bảo vệ người làm chứng nhằm mục đích tránh sự trả thù hoặc các hành vi làm phương hại đến người làm chứng của bị can, bị cáo và những người có liên quan. Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hoa Kỳ là người xem xét cho nhân chứng và người thân khi gặp nguy hiểm tham gia chương trình bảo vệ người làm chứng, với điều kiện nhân chứng phải ký cam kết về nội dung, phương án bảo vệ, việc giám hộ, thăm nom và biện pháp xử lý vi phạm… Người tham gia chương trình bảo vệ nhân chứng được đảm bảo an toàn tính mạng, sức khỏe và tài sản cùng các phúc lợi xã hội khác. Năm 2004, Liên bang Nga ban hành Luật Bảo vệ nhân chứng, đến năm 2006, Chính phủ Nga thông qua chương trình nhà nước bảo vệ nạn nhân và nhân chứng và những người tham gia tố tụng khác với số tiền lên đến 01 tỷ rúp (tương đương 633 tỷ đồng) cho riêng giai đoạn 2006 đến 2008. Ngày 23/6/2010, Nga thành lập Cục Bảo vệ nhân chứng và quan toà trực thuộc Bộ Nội vụ liên bang nhằm bảo vệ những người thuộc diện bảo vệ của Nhà nước. Tại Philippines, năm 1991 Bộ Tư pháp nước này đã triển khai chương trình trợ cấp an ninh và bảo vệ nhân chứng. Tham gia chương trình nhân chứng, người làm chứng và người thân có thể thay đổi chỗ ở, được trợ cấp tiền bạc, thanh toán chi phí đi lại và trợ cấp đi lại1. Quy chế Rome về Toà án Hình sự quốc tế cũng đã quy định giải pháp bảo vệ nhân chứng và nạn nhân bằng các biện pháp phòng ngừa và lập Phòng nạn nhân, Phòng nhân chứng2.
So với Bộ luật TTHS năm 2003 thì Bộ luật TTHS năm 2015 có một số điểm mới sau: Nếu như Bộ luật TTHS năm 2003 quy định trong giai đoạn xác minh tố giác, tin báo về tội phạm chưa phát sinh tư cách người làm chứng, thì Bộ luật TTHS năm 2015 đã quy định thời điểm người làm chứng tham gia tố tụng sớm hơn, kể từ khi Cơ quan có thẩm quyền xác minh các nguồn tin về tội phạm; Bộ luật TTHS năm 2015 cũng xác định rõ cơ chế, biện pháp bảo vệ người làm chứng, tạo tâm lý an tâm cho người tham gia làm chứng khi tham gia tố tụng, nhất là trong những vụ án phức tạp có tổ chức. Đây là bước tiến mới của Bộ luật TTHS năm 2015 thể hiện tinh thần cải cách tư pháp đáp ứng yêu cầu của Hiến pháp năm 2013 và phù hợp với pháp luật quốc tế, góp phần nâng cao chất lượng hoạt động của cơ quan tiến hành tố tụng trong việc đấu tranh, phòng chống tội phạm, chống oan sai và bỏ lọt tội phạm, góp phần quan trọng trong việc đảm bảo trật tự, an toàn xã hộitrong điều kiện đất nước đang trong quá trình hội nhập.
2. Một số bất cập trong quy định của Bộ luật TTHS năm 2015 về người làm chứng
Thứ nhất, trong thực tiễn điều tra, truy
tố, xét xử các vụ án liên quan đến chuyên môn nghề nghiệp, nhất là các lĩnh vực như sở hữu trí tuệ, công nghệ thông tin, y học, biến đổi gen… có không ít trường hợp người làm chứng từ chối khai báo hoặc từ chối cung cấp thông tin vì họ sợ nếu lộ những thông tin này sẽ ảnh hưởng đến sự độc quyền, đến lợi nhuận. Người nào phải chịu trách nhiệm về những thiệt hại do tiết lộ thông tin về nghề nghiệp và ai sẽ là người bồi thường thiệt hại đó là những câu hỏi mà Bộ luật TTHS năm 2015 chưa giải quyết được.
Thứ hai, theo quy định của Điều 66 Bộ luật TTHS năm 2015, người làm chứng có quyền “Khiếu nại quyết định, hành vi   tố tụng của cơ quan, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng liên quan đến việc mình tham gia làm chứng”. Quy định này vô hình chung đã bỏ sót quyền tố cáo của người làm chứng khi phát hiện hành vi vi phạm pháp luật. Đây là một trong những quyền hiến định của công dân.
Thứ ba, khoản 3 Điều 66 Bộ luật TTHS năm 2015 quy định người làm chứng có quyền:
“a) Được thông báo, giải thích quyền và nghĩa vụ quy định tại Điều này;
b) Yêu cầu cơ quan triệu tập bảo vệ tính mạng, sức khoẻ, danh dự, nhân phẩm, tài sản và quyền, lợi ích hợp pháp khác của mình, người thân thích của mình khi bị đe dọa;
c)    Khiếu nại quyết định, hành vi tố tụng của cơ quan, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng liên quan đến việc mình tham gia làm chứng;
d)   Được cơ quan triệu tập thanh toán chi phí đi lại và những chi phí khác theo quy định của pháp luật”.
Xét về tổng thể, quyền của người làm chứng bị hạn chế hơn so với những người tham gia tố tụng khác như: bị can, bị cáo, bị hại, người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan, nguyên đơn dân sự… 
Thứ tư, quy định về trách nhiệm hình sự của người làm chứng vẫn còn chung chung, hình thức xử lý chưa rõ ràng gây khó khăn cho cơ quan tiến hành tố tụng. Thực tế, có nhiều vụ án hình sự liên quan đến gia đình, đồng nghiệp, bạn bè… người làm chứng không dám khai báo, hoặc có khai thì cũng không đúng sự thật và tìm cách trốn tránh.
Thứ năm, người làm chứng luôn có tâm lý sợ bị trả thù, bị ảnh hưởng đến bản thân và gia đình do bị kẻ xấu đe doạ, uy hiếp về thể chất lẫn tinh thần. Bộ luật TTHS năm 2015 không quy định trong thời hạn bao nhiêu ngày kể từ ngày nhận được đơn thì cơ quan có thẩm quyền phải ra quyết định áp dụng biện pháp bảo vệ. Điều này có thể dẫn đến việc cơ quan có thẩm quyền áp dụng tùy tiện, không kịp thời, thậm chí còn không muốn áp dụng vì liên quan đến kinh phí, cơ sở vật chất phục vụ người được bảo vệ và quản thúc việc đi lại của họ, nhất là những vụ án có nhiều nhân chứng, nhiều bị hại cùng có đề nghị bảo vệ.
Thứ sáu, cho đến nay, do chưa có hướng dẫn cụ thể nên cơ sở vật chất và kinh phí bảo vệ người làm chứng theo quy định của Bộ luật TTHS năm 2015 vẫn chưa được triển khai.
3. Một số đề xuất, kiến nghị
Thứ nhất, sửa đổi, bổ sung Điều 66 Bộ luật TTHS năm 2015 về việc người làm chứng có quyền từ chối cung cấp thông tin liên quan đến hoạt nghề nghiệp nhất định như: sáng chế, sản xuất, công nghệ sinh hoá, vi sinh, biến đổi gen… Trong trường hợp người làm chứng khai báo thì sẽ được đảm bảo giữ bí mật theo quy định của pháp luật.
Thứ hai, mở rộng một số quyền cho người làm chứng như: quyền tố cáo khi phát hiện hành vi vi phạm pháp luật; quyền được mời người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp; quyền được xem biên bản tố tụng, quyền được đối đáp khi tham gia tranh luận… nhằm mục đích nâng cao vai trò của họ và khuyến khích họ hợp tác với các cơ quan tố tụng trong quá trình giải quyết vụ án.
Thứ ba, cần xác định mức độ khai báo gian dối của người làm chứng dẫn đến hậu quả như thế nào thì phải chịu trách nhiệm hình sự. Mặc khác, cần bổ sung hình phạt tiền nếu người làm chứng cố ý vắng mặt mặc dù đã được triệu tập hợp lệ thì đầu tiên phải chịu thiệt hại về chi phí, sau đó có thể bị phạt tiền. Quy định này nhằm mục đích buộc người làm chứng phải có mặt tại cơ quan tiến hành tố tụng, nếu họ khai báo gian dối thì có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo luật định.
Thứ tư, cần bổ sung quy định trong thời hạn bao nhiêu ngày kể từ ngày nhận được đề nghị, yêu cầu của người được bảo vệ nói chung và người làm chứng nói riêng thì cơ quan có thẩm quyền phải ra quyết định bảo vệ. Trong trường hợp khẩn cấp nếu người làm chứng trực tiếp đến cơ quan có thầm quyền đề nghị, yêu cầu thì cơ quan có thẩm quyền có thể xác minh ngay và ra quyết định áp dụng biện pháp bảo vệ để bảo đảm tính mạng, sức khỏe của họ. Bên cạnh đó, Tòa án nhân dân tối cao cần sớm ban hành văn bản hướng dẫn về kinh phí thực hiện quyền yêu cầu áp dụng biện pháp đảm bảo của người làm chứng nhằm giúp cho các cơ quan chức năng chủ động, linh hoạt hơn trong công tác bảo vệ người làm chứng■

1                  Xem báo Pháp luật TP Hồ Chí Minh, ngày 31/8/2007, tr. 11.
2                  Xem: Điều 68 Quy chế Rôm về Toà án hình sự quốc tế (biên dịch), Nxb. Tư pháp, Hà Nội, 2006, tr. 418.

(Nguồn tin: Bài viết đăng tải trên ấn phẩm Nghiên cứu lập pháp số 24(376)-tháng 12/2018)