Tội phạm xâm hại tình dục trẻ em và vấn đề bảo vệ quyền trẻ em: nhìn từ thực tiễn huyện Đắk Mil

01/07/2016

ThS. LỮ THỊ HẰNG

Thư ký Toà án nhân dân cấp cao tại Đà Nẵng

Bài viết đề cập đến việc bảo vệ quyền trẻ em trước sự xâm hại của loại tội phạm về tình dục trên địa bàn huyện Đắk Mil, tỉnh Đắk Nông, thông qua kết quả xét xử, giải quyết của Toà án nhân dân huyện Đắk Mil từ năm 2010 đến tháng 8/2014, từ đó, phân tích nguyên nhân xảy ra tội phạm và đề xuất các biện pháp phòng, chống tội phạm dưới góc độ bảo vệ quyền trẻ em.                           
Untitled_80.png
Ảnh minh họa: (Nguồn internet)
1. Các quy định của pháp luật về bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em trước nguy cơ xâm hại của các loại tội phạm về tình dục
Điều 34 Công ước của Liên hợp quốc về Quyền trẻ em năm 1989 quy định: “Các quốc gia thành viên cam kết bảo vệ trẻ em chống tất cả các hình thức bóc lột tình dục và lạm dụng tình dục. Vì mục đích này, các quốc gia thành viên phải đặc biệt thực hiện các biện pháp thích hợp ở cấp quốc gia, song phương và đa phương để ngăn ngừa: a) việc xúi giục hay ép buộc trẻ em tham gia bất kỳ hoạt động tình dục trái pháp luật nào; b) việc sử dụng có tính chất bóc lột trẻ em trong mại dâm hay các hoạt động tình dục trái pháp luật khác; c) việc sử dụng có tính chất bóc lột trẻ em trong các cuộc biểu diễn hay tài liệu khiêu dâm”[1].
Như vậy, việc bảo vệ trẻ em trước nguy cơ xâm hại của các loại tội phạm về tình dục không chỉ giới hạn trong việc bị xâm hại bởi các hành vi tình dục cụ thể, mà còn là phòng, chống sự xâm hại của các hình thức văn hoá phẩm khiêu dâm. Hiện nay, các hình thức truyền thông không ngừng phát triển và trở thành công cụ hiệu quả trong các giao dịch thương mại điện tử cũng như thông tin điện tử. Cùng với đó là sự xuất hiện ngày càng nhiều văn hoá phẩm khiêu dâm. Vì vậy, lời nói đầu Nghị định thư không bắt buộc bổ sung cho Công ước về Quyền trẻ em, về buôn bán trẻ em, mại dâm trẻ em và văn hoá phẩm khiêu dâm trẻ em năm 2000, đã lo ngại rằng “ngày càng xuất hiện nhiều văn hoá phẩm khiêu dâm trẻ em trên Internet, các công nghệ đang phát triển khác và nhắc lại Hội nghị quốc tế về Phòng, chống văn hoá phẩm khiêu dâm trẻ em trên Internet tổ chức ở Việt Nam năm 1999 và nhất là kết luận của Hội nghị kêu gọi việc hình sự hoá trên toàn thế giới việc sản xuất, phân phối, xuất khẩu, chuyển giao, nhập khẩu, sở hữu có dụng ý, quảng cáo văn hoá phẩm khiêu dâm trẻ em và nhấn mạnh tầm quan trọng của sự hợp tác và cộng tác chặt chẽ hơn nữa giữa các Chính phủ về công nghệ Internet”[2]. Trong đó, có một số nhóm trẻ em đặc biệt dễ bị tổn thương, nhất là trẻ em gái là đối tượng rất dễ gặp nguy cơ bị bóc lột tình dục và chiếm tỉ lệ cao trong số những người bị bóc lột tình dục. Vì vậy, việc bảo vệ trẻ em, nhất là trẻ em gái trước nguy cơ xâm hại của tội phạm tình dục là vấn đề quan trọng hàng đầu của từng gia đình, nhà trường, xã hội, quốc gia và toàn thế giới.
Việt Nam đã phê chuẩn Công ước của Liên hợp quốc về Quyền trẻ em vào năm 1990 và Nghị định thư không bắt buộc bổ sung cho Công ước về Quyền trẻ em, về buôn bán trẻ em, mại dâm trẻ em và văn hoá phẩm khiêu dâm trẻ em vào năm 2000. Điều đó thể hiện sự nhất quán trong việc thực thi pháp luật quốc gia và hợp tác quốc tế trong lĩnh vực bảo vệ trẻ em trước sự xâm hại của các loại tội phạm tình dục ở Việt Nam.
Pháp luật Việt Nam cũng đã có những quy định cụ thể nhằm bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em trước nguy cơ xâm hại của các loại tội phạm tình dục như: coi hành vi dụ dỗ, dẫn dắt, chứa chấp, ép buộc trẻ em hoạt động mại dâm, xâm hại tình dục trẻ em; lợi dụng, dụ dỗ, ép buộc trẻ em mua, bán, sử dụng văn hoá phẩm đồi truỵ, làm ra, sao chép, lưu hành, vận chuyển, tàng trữ văn hoá phẩm khiêu dâm trẻ em, sản xuất, kinh doanh đồ chơi, trò chơi có hại cho sự phát triển lành mạnh của trẻ em là những hành vi bị nghiêm cấm[3]. Đồng thời, pháp luật cũng quy định rõ trách nhiệm của gia đình, của Nhà nước và toàn xã hội trong việc ngăn chặn tội phạm xâm hại tình dục trẻ em và các biện pháp hỗ trợ, giúp đỡ trẻ em là nạn nhân của tội phạm xâm hại tình dục[4]. Cùng với việc phê chuẩn Công ước của Liên hợp quốc về Quyền trẻ em và Nghị định thư không bắt buộc bổ sung cho Công ước về quyền trẻ em, về buôn bán trẻ em, mại dâm trẻ em và văn hoá phẩm khiêu dâm trẻ em, pháp luật Việt Nam đã quy định các hành vi sau đây là tội phạm: Hành vi hiếp dâm trẻ em (Điều 112 Bộ luật Hình sự - BLHS); Hành vi cưỡng dâm trẻ em (Điều 114 BLHS); Hành vi giao cấu với trẻ em (Điều 115 BLHS); Hành vi dâm ô đối với trẻ em (Điều 116 BLHS); Hành vi mua dâm người chưa thành niên (Điều 256 BLHS). Các hành vi xâm hại tình dục trẻ em được quy định ở các điều luật nêu trên đều có khách thể trực tiếp là danh dự, nhân phẩm, sự phát triển lành mạnh về thể chất và tinh thần của trẻ em mà đối tượng là những người dưới 16 tuổi (đối với các hành vi hiếp dâm trẻ em, cưỡng dâm trẻ em, giao cấu với trẻ em, dâm ô đối với trẻ em) và dưới 18 tuổi (đối với hành vi mua dâm người chưa thành niên).
Như vậy, pháp luật Việt Nam và pháp luật quốc tế đã có những quy định cụ thể nhằm bảo vệ trẻ em trước sự xâm hại của các loại tội phạm về tình dục. Điều này góp phần bảo vệ trẻ em trước sự xâm hại của những loại tội phạm nguy hiểm này, đồng thời ngăn ngừa và hạn chế tác hại của tội phạm đối với sự phát triển bình thường về mọi mặt của trẻ em.
2. Tình hình tội phạm xâm hại tình dục trẻ em những năm gần đây ở Đắk Mil  
Đắk Mil là huyện đông bắc của tỉnh Đắk Nông, có diện tích tự nhiên 682,99 km² có biên giới tiếp giáp với tỉnh Moldulkiri (Vương quốc Campuchia). Những năm gần đây, nền kinh tế - xã hội ở Đắk Mil đã có bước phát triển vượt bậc, mức tăng trưởng khá, cơ cấu kinh tế bước đầu có sự chuyển dịch theo hướng sản xuất hàng hoá; đời sống vật chất tinh thần giữa các vùng đã có sự chuyển biến theo hướng tiến bộ, nạn đói được đẩy lùi; sự nghiệp giáo dục - đào tạo, y tế đều có sự phát triển rõ rệt[5]. Tuy nhiên, tình hình tội phạm cũng có diễn biến phức tạp do ảnh hưởng của quá trình đô thị hoá, mở cửa nền kinh tế. Tình hình vi phạm pháp luật tiếp tục diễn biến phức tạp, đáng lo ngại là tội phạm ở lứa tuổi vị thành niên và thanh niên gia tăng, tập trung ở các đối tượng lang thang, không việc làm, thanh thiếu niên từ các vùng có điều kiện kinh tế khó khăn đến địa bàn phạm tội chiếm tỷ lệ cao trên 40%. Tội phạm gia tăng chủ yếu là nhóm tội xâm phạm tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm; tội phạm xâm phạm quyền sở hữu về tài sản; tội phạm ma túy, mại dâm (mức tăng từ 5-10%/năm)[6]. Trong đó, tình trạng trẻ em bị xâm hại của các loại tội phạm gia tăng hoặc/và bị xâm hại nhiều lần nhưng gia đình và nhà trường vẫn không nắm bắt được, dẫn đến những hậu quả đáng tiếc xảy ra. Tuy việc bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em được chính quyền địa phương quan tâm sát sao, nhưng do xuất phát điểm từ một huyện thuần nông, nên việc bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em ở Đắk Mil còn nhiều hạn chế.  Đã vậy, công tác điều tra, truy tố và xét xử các vụ án xâm hại tình dục trẻ em cũng bộc lộ nhiều điều phải xem xét thấu đáo.
Từ năm 2010 đến tháng 8/2014, Toà án nhân dân huyện Đắk Mil, tỉnh Đắk Nông đã thụ lý và giải quyết 05 vụ án xâm hại tình dục trẻ em[7], trong đó có 03 bị cáo bị truy tố và xét xử về tội “Giao cấu với trẻ em” theo quy định tại Điều 115 BLHS và 02 bị cáo bị truy tố và xét xử về tội “Dâm ô đối với trẻ em” theo quy định tại Điều 116 BLHS. Kết quả xét xử như sau: 05 bị cáo bị tuyên là có tội, không có bị cáo nào bị tuyên không có tội. Tuy nhiên, công tác điều tra, truy tố và xét xử chưa phản ánh trung thực về tình hình tội phạm xâm hại tình dục trẻ em xảy ra trên địa bàn, bởi lẽ việc tiếp cận thông tin liên quan đến tội phạm mới chỉ xuất phát từ sự tố cáo của gia đình nạn nhân. Còn nhiều trường hợp nạn nhân bị xâm hại nhưng gia đình nạn nhân không biết hoặc cố tình che giấu, hoặc không xác định được chủ thể thực hiện tội phạm, trên thực tế xảy ra lớn hơn số liệu thống kê (thông qua việc truy tố và xét xử) nhiều lần. Tuy nhiên, các trường hợp phạm tội này đều có đặc điểm chung là: chủ thể trong các vụ án xâm hại tình dục trẻ em tại địa bàn huyện Đắk Mil những năm vừa qua đều là người quen, hàng xóm, người làm thuê (đối với tội “dâm ô đối với trẻ em”) của gia đình nạn nhân hoặc có mối quan hệ tình cảm, yêu đương đối với nạn nhân (đối với tội “giao cấu với trẻ em”). Do đó, mức độ cảnh giác của gia đình nạn nhân đối với người phạm tội rất hạn chế, dẫn đến hậu quả đáng tiếc xảy ra đối với nạn nhân.  
Như vậy, có thể xác định nguyên nhân xảy ra các vụ án xâm hại tình dục trẻ em ở Đắk Mil phần lớn do sự chủ quan của gia đình khi không để ý đến sự phát triển tâm sinh lý của các cháu ở lứa tuổi dậy thì hoặc chủ quan đối với những mối nguy hại ngay bên cạnh các cháu. Đồng thời, cha mẹ lại luôn thiếu quan tâm, định hướng cho các cháu, nhiều người phó mặc việc giáo dục các cháu cho nhà trường. Đối với nạn nhân trong các vụ án “giao cấu với trẻ em”, các cháu đã bước vào độ tuổi vị thành niên, lẽ ra phải có sự quan tâm, định hướng của gia đình, nhưng với tâm lý e ngại nên các bậc phụ huynh thường không trực tiếp trao đổi với các cháu về các nguy cơ có thể xảy ra. Trên thực tế, có nhiều cháu có tâm lý muốn khám phá cơ thể mình và trong một số trường hợp, muốn khẳng định mình không chỉ bằng việc học hành, thi cử mà khẳng định bằng cách có người yêu[8]. Trong các vụ án này, nạn nhân thường là người chủ động trong việc yêu cầu bị cáo quan hệ tình dục với mình, do sự thôi thúc của bản năng mà thiếu sự định hướng của người lớn. Các cháu thường dậy thì sớm, cơ thể phát triển tương đối hoàn chỉnh nhưng sự phát triển về nhận thức còn hạn chế. Vì vậy, vô hình chung các cháu đã bị lợi dụng bản năng của mình mà không hay biết và trở thành nạn nhân của loại tội phạm nguy hiểm này. Do đó, việc giáo dục nhận thức cho các cháu là vô cùng quan trọng và các bậc cha mẹ phải chủ động trong việc giáo dục giới tính cho trẻ em từ khi các cháu còn nhỏ. Đối với nạn nhân trong các vụ án “dâm ô đối với trẻ em”, gia đình nạn nhân thường chủ quan đối với những mối nguy hại xung quanh các cháu. Thủ phạm có thể là người quen, hàng xóm hay một số người mà ngay cả gia đình nạn nhân cũng không ngờ tới như những người có mối quan hệ ruột thịt[9] (pháp luật hình sự quy định đây là tình tiết tăng nặng “có tính chất loạn luân” trong một số điều luật của BLHS).
Ở địa bàn huyện Đắk Mil, tỉnh Đắk Nông thời gian vừa qua chưa phát hiện và xử lý loại tội phạm buôn bán trẻ em nhằm mục đích bóc lột tình dục hoặc mục đích khác. Tuy nhiên, việc tuyên truyền, giáo dục để phòng tránh vẫn rất cần thiết, nhằm đảm bảo cho các bậc cha mẹ và trẻ em có những kiến thức nhất định đối phó với các loại tội phạm này.
3. Kiến nghị, đề xuất một số biện pháp bảo vệ trẻ em trước nguy cơ xâm hại của các loại tội phạm về tình dục trẻ em
- Nâng cao nhận thức của cha mẹ trong gia đình: việc nâng cao nhận thức của cha mẹ đối với quyền bất khả xâm phạm về thân thể, nhân phẩm danh dự của trẻ em là vô cùng quan trọng. Các bậc cha mẹ phải nắm vững các quy định của pháp luật đối với vấn đề này để có hướng bảo vệ, chăm sóc và giáo dục con cái phù hợp. Song song đó, các bậc cha mẹ cần lưu ý những vấn đề sau:
Thứ nhất, cha mẹ phải quan tâm sâu sát đến con cái đang trong độ tuổi dậy thì, bởi đây là độ tuổi có nguy cơ cao trở thành nạn nhân trong các vụ án xâm hại tình dục trẻ em, đồng thời cần hạn chế tối đa việc tạo ra những tình huống có thể đẩy con mình vào thế bị xâm hại như cho người lạ đến thuê nhà, đến chơi, ngủ qua đêm hoặc cho con cái tiếp xúc với người từ nơi khác đến mà mình không thể kiểm soát được. Có ý thức giáo dục con cái về nguy cơ xâm hại của loại tội phạm nguy hiểm này, tư vấn, hướng dẫn cho con tránh một số tình huống có thể dự liệu trước ngay khi con cái bắt đầu nhận thức được (khoảng 2 - 3 tuổi trẻ em đã có thể nhận thức được về các bộ phận trên cơ thể mình).
Thứ hai, khi con cái bị xâm hại, chính cha mẹ cần xoá bỏ tư tưởng đổ lỗi cho con cái vì lỗi ở đây hoàn toàn không phải của các cháu. Có những trường hợp, các cháu bị xâm hại suốt một thời gian dài nhưng không dám nói với cha mẹ vì sợ bị cha mẹ đánh, mắng. Chính vì vậy, các cháu bị khủng hoảng tâm lý do lo sợ cha mẹ phát hiện và sự đe doạ của tội phạm. Cha mẹ phải thực sự là bạn của con để có thể nắm bắt mọi tâm tư tình cảm cũng như những biểu hiện khác thường của con mình.  
Thứ ba, cần có biện pháp bảo vệ con cái sau khi các cháu bị xâm hại vì lúc này tâm lý của các cháu thường bất ổn, hoảng sợ. Cần tránh cho các cháu khỏi dư luận cũng là một biện pháp quan trọng. Nếu cần thiết có thể đưa các cháu đến nơi sinh sống, học tập mới.
- Đề cao vai trò của nhà trường: giáo dục ý thức tôn trọng quyền trẻ em bao gồm các quyền cơ bản được đề cập trong Luật Bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em năm 2004 và phổ biến các quy định của pháp luật hình sự về các hành vi nguy hiểm cho xã hội và các ví dụ điển hình về tội phạm để các em tự biết cách bảo vệ mình trước các nguy cơ xâm hại. Đồng thời, cần thực hiện các giải pháp cơ bản như sau:
Một là, đưa bộ môn giáo dục giới tính vào chương trình giảng dạy ở mọi cấp độ để giúp các em học sinh có thể phân biệt được hành vi được phép và hành vi bị cấm đối với cơ thể các cháu. Kết hợp giáo dục trí óc và giáo dục thể chất cho trẻ em.
Hai là, có sự phối hợp chặt chẽ với gia đình trong việc quản lý giờ giấc sinh hoạt, học tập của các cháu. Liên lạc với gia đình ngay khi các cháu có biểu hiện sao nhãng, trốn học hay đua đòi bạn bè hoặc có một số mối quan hệ mới với người khác giới.
- Vai trò của xã hội: 
Một là, việc tuyên truyền, giáo dục ý thức bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em đến với mọi lứa tuổi, mọi đối tượng trong xã hội cũng như phổ biến, giáo dục pháp luật bảo vệ chăm sóc và giáo dục trẻ em cũng như luật hình sự đến với mọi đối tượng trong xã hội là biện pháp quan trọng nhằm nâng cao nhận thức của cộng đồng trong việc bảo về quyền trẻ em trước sự xâm hại của các loại tội phạm về tình dục. Do đó, đây được coi là biện pháp chủ chốt trong việc bảo vệ quyền trẻ em. 
Hai là, cần có biện pháp quản lý, giáo dục đối với những đối tượng lang thang, không có nơi ở nhất định hoặc đối tượng di dân đến địa bàn vì đây là những đối tượng dễ sa ngã hoặc/ và rất khó quản lý khi có hành vi vi phạm xảy ra.
Ba là, có biện pháp quản lý việc sản xuất, phân phối, xuất khẩu, chuyển giao, nhập khẩu, sở hữu có dụng ý, quảng cáo văn hoá phẩm khiêu dâm trẻ em và nhấn mạnh tầm quan trọng của sự hợp tác quốc tế về công nghệ Internet. Ngăn cấm việc sản xuất và phổ biến các tài liệu, văn hoá phẩm khiêu dâm trẻ em./.
 

* Thư ký Toà án nhân dân tỉnh Đắk Nông.
[1] Điều 34 Công ước của Liên hợp quốc về Quyền trẻ em năm 1989.
[2] Nghị định thư không bắt buộc bổ sung cho Công ước về Quyền trẻ em, về buôn bán trẻ em, mại dâm trẻ em và văn hoá phẩm khiêu dâm trẻ em, năm 2000.
[3] Điều 7, Luật Bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em năm 2004.
[4] Điều 56, Luật bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em năm 2004.
[5] Báo cáo kết quả tình hình kinh tế - xã hội của UBND huyện Đắk Mil trình Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XI.
[6] Báo cáo tồng kết thi hành Hiến pháp năm 1992 của Toà án nhân dân huyện Đắk Mil, 2011, tr. 2-3.
[7] Báo cáo tình hình giải quyết các loại án xâm hại tình dục trẻ em của Toà án nhân dân huyện Đắk Mil, tỉnh Đắk Nông tháng 8/2014.
[8] Trích biên bản phỏng vấn một số học sinh và giáo viên các trường THPT ở địa bàn huyện Đắk Mil ngày 28/8/2014.
[9] Vụ án cha hiếp dâm ba con ruột ở địa bàn huyện Đắk Mil năm 2009; và loạt bài trên báo Thanh niên số ra gần đây: http://www.thanhnien.com.vn/pages/20140720/dua-be-la-gi-sau-toi-ac-hiep-dam-ky-3-khi-ong-noi-lam-ac-tinh-cha-tinh-con.aspx.

(Nguồn tin: Bài viết đăng tải trên ấn phẩm Nghiên cứu lập pháp số 13(317) - tháng 7/2016)


Thống kê truy cập

33926516

Tổng truy cập