Những bất cập và giải pháp hoàn thiện pháp luật về kiểm soát hàng hóa giả mạo về sở hữu trí tuệ xuất khẩu, quá cảnh

01/04/2016

ThS. HỨA THỊ HỒNG

Cục Điều tra chống buôn lậu, Tổng cục Hải quan.

 Cùng với sự hội nhập ngày càng sâu rộng của nền kinh tế thế giới, các hình thức trao đổi mua bán hàng hóa trong thương mại quốc tế ngày càng đa dạng. Theo đó, các hoạt động gian lận thương mại cũng diễn ra phổ biến, với nhiều hình thức phong phú, tinh vi hơn. Việc sản xuất, buôn bán và vận chuyển hàng hóa giả mạo về sở hữu trí tuệ (SHTT) qua biên giới các quốc gia ngày càng diễn biến phức tạp đã gây không ít khó khăn cho các cơ quan chức năng khi thực thi nhiệm vụ chống hàng giả.Quyền SHTT là quyền của tổ chức, cá nhân đối với tài sản trí tuệ, bao gồm: quyền tác giả và quyền liên quan đến quyền tác giả; quyền sở hữu công nghiệp và quyền đối với giống cây trồng[1]. Theo đó, chủ sở hữu quyền có các quyền nhân thân và quyền tài sản đối với các đối tượng quyền SHTT khi khai thác, sử dụng và định đoạt các đối tượng quyền này. Do vậy, bất kỳ ai muốn khai thác và sử dụng các đối tượng quyền SHTT vì mục đích thương mại đều phải được sự cho phép của chủ sở hữu quyền hoặc người được chủ sở hữu quyền ủy quyền hợp pháp. Theo đó, đảm bảo quyền tài sản đối với các đối tượng quyền SHTT cho các chủ thể quyền là trách nhiệm của Nhà nước, các cơ quan thực thi pháp luật và nghĩa vụ của các tổ chức, cá nhân liên quan nhằm khuyến khích sáng tạo khoa học công nghệ và thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển.Kiểm soát hàng hóa giả mạo về SHTT xuất khẩu, quá cảnh là hoạt động nghiệp vụ do cơ quan hải quan tiến hành nhằm kiểm tra, giám sát để phát hiện, ngăn ngừa và xử lý hàng hóa giả mạo về SHTT. Đây được coi là một trong những nhiệm vụ trong tâm của cơ quan hải quan trong giai đoạn cải cách, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế hiện nay. Theo quy định của pháp luật hiện hành, cơ quan hải quan có thẩm quyền kiểm tra, giám sát, kiểm soát đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu liên quan đến SHTT ở mọi loại hình. Tuy nhiên, trên thực tế, việc xử lý đối với hàng hóa giả mạo về SHTT xuất khẩu, quá cảnh qua lãnh thổ Việt Nam đang gặp phải nhiều khó khăn, vướng mắc trên cả bình diện về cơ chế chính sách pháp luật đến thực tiễn áp dụng. Điều này đã làm hạn chế hiệu quả công tác đấu tranh chống hàng hóa giả mạo về SHTT của cơ quan hải quan đối với hàng hóa được luân chuyển theo các loại hình này. Chúng tôi nêu thực trạng pháp luật hiện hành và kiến nghị hoàn thiện pháp luật Việt Nam về kiểm soát hải quan đối với hàng hóa giả mạo về SHTT xuất khẩu, quá cảnh.
Untitled_128.png
Ảnh minh họa: (Nguồn internet)
1. Thực trạng pháp luật về kiểm soát đối với hàng hóa giả mạo về sở hữu trí tuệ xuất khẩu, quá cảnh
1.1. Pháp luật quốc tế về kiểm soát đối với hàng hóa giả mạo về SHTT xuất khẩu, quá cảnh
Trong pháp luật quốc tế, tại các điều ước quốc tế đa phương và song phương đều quy định cơ chế kiểm soát hải quan đối với hàng hóa giả mạo về SHTT xuất khẩu, quá cảnh qua lãnh thổ mỗi quốc gia. Theo đó, các văn bản pháp luật quốc tế quy định mang tính tùy nghi cho các quốc gia thành viên được phép lựa chọn kiểm soát hoặc không kiểm soát đối với hàng hóa được vận chuyển theo các loại hình trên.
Hiệp định TRIPs quy định không bắt buộc các quốc gia thành viên phải có nghĩa vụ tạm dừng làm thủ tục hải quan đối với hàng hóa giả mạo về SHTT quá cảnh qua lãnh thổ và có thể tạm dừng làm thủ tục hải quan đối với hàng hóa xâm phạm quyền SHTT xuất khẩu ra khỏi lãnh thố quốc gia đó[2]. Công ước Paris về bảo hộ sở hữu công nghiệp cũng quy định tại khoản 4 Điều 9 rằng “Các cơ quan có thẩm quyền không bị bắt buộc phải thu giữ hàng hóa quá cảnh” và việc thu giữ hàng hóa cũng thực hiện tại nước nơi xảy ra việc gắn nhãn hiệu hàng hóa hoặc tên thương mại trái phép[3].
Năm 2003, Tổ chức Hải quan thế giới (WCO) đã ban hành Luật mẫu về bảo vệ quyền SHTT, dành cho các cơ quan áp dụng các biện pháp biên giới cho việc thực thi quyền SHTT, cũng như cho những người đang tiến hành đánh giá hoặc cải cách lập pháp nhằm cung cấp cho các cơ quan chức năng phụ trách việc chuẩn bị và hiện đại hóa hải quan. Nội dung chủ yếu của Luật mẫu là hướng dẫn hải quan các nước thành viên thực hiện các quy định của Hiệp định TRIPs. Luật đã chỉ ra rằng, các thành viên của WTO có nghĩa vụ phải thực hiện "các biện pháp biên giới đặc biệt” phù hợp với tiêu chuẩn tối thiểu quy định tại Hiệp định TRIPs.  Chủ sở hữu quyền có thể nộp hồ sơ cho cơ quan hải quan để yêu cầu đình chỉ làm thủ tục hải quan và tạm giữ hàng hoá nhập khẩu, xuất khẩu và quá cảnh; yêu cầu cơ quan hải quan đình chỉ thông quan hàng hoá bị nghi ngờ xâm phạm quyền đối với nhãn hiệu hàng hoá, cung cấp bằng chứng rằng hàng hóa là vi phạm luật pháp quốc gia trong các nước xuất xứ, và đưa các hàng hoá bị đình chỉ khi xuất khẩu, quá cảnh là một hành vi vi phạm của pháp luật quốc gia trong nước đến đích cuối cùng/bán[4].
Trên cơ sở Hiệp định TRIPs, các điều ước quốc tế đa phương và song phương khác mà Việt Nam là thành viên cũng quy định tương đối thống nhất về cơ chế xử lý đối với hành vi xuất khẩu, nhập cảnh hàng hóa giả mạo về SHTT tại các quốc gia thành viên như: Hiệp định khung ASEAN về hợp tác SHTT tại Điều 2 quy định các quốc gia thành viên, là thành viên của các công ước quốc tế về quyền SHTT mà họ là các bên tham gia, có các nghĩa vụ quốc tế theo quy định của TRIPs, chịu trách nhiệm thi hành trong nội bộ ASEAN về SHTT một cách phù hợp với mục tiêu, nguyên tắc và chỉ tiêu đặt ra trong công ước liên quan và thỏa thuận về TRIPs; Hiệp định Việt Nam - Thụy Sỹ về bảo hộ SHTT và hợp tác trong lĩnh vực SHTT tại Điều 3 quy định, các bên ký kết phải bảo đảm rằng bảo hộ SHTT ít nhất phải đạt mức độ quy định trong hiệp định TRIPs; Hiệp định thương mại Việt Nam - Hoa Kỳ (BTA) tại Điều 15 quy định, không bên nào có nghĩa vụ áp dụng thủ tục tạm dừng làm thủ tục hải quan đối với hàng hóa quá cảnh và có thể cho phép cơ quan hải quan đình chỉ thông quan hàng hóa xâm phạm tập kết để xuất khẩu từ lãnh thổ của bên đó[5].
Như vậy, các văn bản pháp luật quốc tế quy định cho phép các quốc gia thành viên tham gia có thể lựa chọn chế độ kiểm soát hàng hóa giả mạo về SHTT xuất khẩu, quá cảnh không bắt buộc phải tạm dừng làm thủ tục hải quan đối với hàng quá cảnh và có thể áp dụng đối với hàng hóa xâm phạm quyền SHTT xuất khẩu hoặc không quy định việc phải bắt giữ.
Tuy nhiên, xét về bản chất của quyền SHTT là quyền tài sản của các cá nhân, tổ chức thì cho dù hàng hóa mang nhãn hiệu hay chỉ dẫn địa lý giả mạo, hàng hóa sao chép lậu được buôn bán, vận chuyển, lưu thông dưới bất kỳ hình thức nào vì mục đích thương mại mà không được phép thì đều gây thiệt hại về kinh tế cho chủ thể quyền SHTT. Do đó, hàng hóa giả mạo về SHTT là xuất khẩu hay quá cảnh đều phải bị bắt giữ và xử lý để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của các chủ thể quyền.
1.2. Pháp luật Việt Nam về kiểm soát đối với hàng hóa giả mạo về SHTT xuất khẩu, quá cảnh
Hàng hoá giả mạo về SHTT theo quy định của pháp luật SHTT Việt Nam bao gồm hàng hoá giả mạo nhãn hiệu, giả mạo chỉ dẫn địa lý và hàng hoá sao chép lậu. Theo đó, hàng hoá giả mạo nhãn hiệu là hàng hoá, bao bì của hàng hoá có gắn nhãn hiệu, dấu hiệu trùng hoặc khó phân biệt với nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý đang được bảo hộ dùng cho chính mặt hàng đó mà không được phép của chủ sở hữu nhãn hiệu hoặc của tổ chức quản lý chỉ dẫn địa lý. Hàng hoá sao chép lậu là bản sao được sản xuất mà không được phép của chủ thể quyền tác giả hoặc quyền liên quan.
Với khái niệm trên, trong các đối tượng quyền SHTT được xác định theo pháp luật quốc tế và pháp luật Việt Nam, hàng hóa giả mạo về SHTT chỉ được xác định khi hàng hóa đó xâm phạm đến quyền đối với nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý, quyền tác giả và quyền liên quan. Xét dưới góc độ tính chất của hàng hóa, thì đây là hành vi xâm phạm về mặt hình thức đối với hàng hóa như đối với nhãn hiệu và chỉ dẫn địa lý là tên, là dấu hiệu được gắn trên hàng hóa để phân biệt hàng hóa giữa các tổ chức, cá nhân khác nhau cùng sản xuất ra một loại sản phẩm trên thị trường; hay đối với quyền tác giả và quyền liên quan là hình thức thể hiện của tác phẩm gốc theo một trình tự sắp xếp, bố cục đã được định hình dưới một hình thức vật chất nhất định.
Xuất khẩu hàng hóa là việc hàng hóa được đưa ra khỏi lãnh thổ một quốc gia hoặc đưa vào khu vực đặc biệt nằm trên lãnh thổ được coi là khu vực hải quan riêng theo quy định của pháp luật[6], như: khu vực ưu đãi hải quan, khu công nghiệp, khu chế xuất, khu vực phi thuế quan trong lãnh thổ... Hàng hóa xuất khẩu có thể là hàng hóa được các tổ chức, cá nhân sản xuất trong nước hoặc do các doanh nghiệp trong khu công nghiệp hoặc khu chế xuất nhận gia công cho thương nhân nước ngoài sau đó xuất khẩu ra nước ngoài theo hợp đồng gia công, hoặc được thực hiện theo hình thức sản xuất xuất khẩu. Hàng hóa giả mạo về SHTT cũng được sản xuất, vận chuyển và buôn bán theo những kênh thương mại này.
Quá cảnh hàng hóa là việc vận chuyển hàng hóa thuộc sở hữu của tổ chức, cá nhân nước ngoài qua lãnh thổ quốc gia, kể cả việc trung chuyển, chuyển tải, lưu kho, chia tách lô hàng, thay đổi phương thức vận tải hoặc các công việc khác được thực hiện trong thời gian quá cảnh. Bản chất của quá cảnh hàng hóa là mượn đường đi qua lãnh thổ để đưa hàng hóa đến một nước thứ ba. Thông thường, chủ sở hữu hàng hóa là tổ chức, cá nhân nước ngoài, nếu muốn quá cảnh hàng hóa qua lãnh thổ Việt Nam phải thuê thương nhân Việt Nam kinh doanh dịch vụ quá cảnh thực hiện. Trường hợp, tổ chức, cá nhân nước ngoài muốn tự mình thực hiện quá cảnh hàng hóa qua lãnh thổ Việt Nam hoặc thuê thương nhân nước ngoài thực hiện thì phải tuân thủ pháp luật Việt Nam về quá cảnh.
Pháp luật quy định cơ quan hải quan có thẩm quyền kiểm tra, giám sát và kiểm soát đối với hàng hóa giả mạo về SHTT thuộc mọi loại hình không phân biệt là hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu hay quá cảnh. Điều 73 Luật Hải quan năm 2014 quy định cơ quan hải quan có quyền kiểm tra, giám sát đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu thuộc mọi loại hình, tạm dừng làm thủ tục hải quan đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu, nhưng không tạm dừng làm thủ tục hải quan đối với hàng quá cảnh, hàng hóa không mang tính thương mại như hàng hóa viện trợ nhân đạo, tài sản di chuyển, hàng hóa được hưởng quyền ưu đãi miễn trừ ngoại giao, hành lý, quà biếu, quà tặng trong tiêu chuẩn miễn thuế[7].
Các hành vi mạo danh tác giả, người biểu diễn, nhà sản xuất bản ghi âm, ghi hình, tổ chức phát sóng, công bố, sản xuất và phân phối, sửa chữa, cắt xén hoặc xuyên tạc, sử dụng tác phẩm vì mục đích kinh doanh mà không được phép của chủ sở hữu quyền tác giả, người biểu diễn, nhà sản xuất bản ghi âm, ghi hình, tổ chức phát sóng là hành vi xâm phạm quyền tác giả, quyền liên quan; hành vi sử dụng dấu hiệu trùng hoặc tương tự với nhãn hiệu và chỉ dẫn địa lý được bảo hộ gây nhầm lẫn về nguồn gốc của hàng hóa được xác định là hành vi xâm phạm quyền đối với nhãn hiệu và chỉ dẫn địa lý. Theo nguyên tắc xác định thiệt hại, thì tất cả các hành vi xâm phạm quyền nêu trên đều gây thiệt hại về vật chất cho các chủ sở hữu quyền SHTT. Do đó, phải được ngăn chặn và xử lý kịp thời để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho họ.
Tuy nhiên, theo pháp luật SHTT hiện hành thì không phải tất cả các hành vi xâm phạm quyền SHTT đều bị coi là hành vi vi phạm hành chính và bị xử phạt. Theo Điều 211 Luật SHTT năm 2012, các hành vi sản xuất, nhập khẩu, vận chuyển, buôn bán hàng hóa giả mạo về SHTT được xác định là hành vi xâm phạm quyền SHTT bị xử phạt vi phạm hành chính. Như vậy, theo quy định này hành vi xuất khẩu hàng hóa giả mạo SHTT mặc dù là hành vi xâm phạm quyền nhưng không bị coi là hành vi vi phạm hành chính. Đồng thời, pháp luật cũng không quy định hành vi quá cảnh hàng hóa giả mạo về SHTT là hành vi xâm phạm quyền. Tuy rằng, trong Luật SHTT năm 2012 có quy định biện pháp khắc phục hậu quả trong xử lý vi phạm hành chính đối với hàng quá cảnh là buộc tái xuất đối với hàng hóa quá cảnh giả mạo về SHTT.
Khi Nghị định số 99/2013/NĐ-CP ngày 29/08/2013 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực sở hữu công nghiệp được ban hành (trước đây là Nghị định số 97/2010/NĐ-CP) đã không quy định hành vi xuất khẩu hàng hóa giả mạo nhãn hiệu là hành vi vi phạm hành chính, nhưng quy định cơ quan hải quan có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi quá cảnh hàng hóa mang nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý giả mạo[8]. Đồng thời, Thông tư số 37/2011/TT-BKHCN ngày 27/12/2011 của Bộ Khoa học và Công nghệ hướng dẫn thi hành một số điều của Nghị định số 97/2010/NĐ-CP lại quy định hướng dẫn điều kiện xử lý hành vi vi phạm trong xuất khẩu, quá cảnh hàng hóa giả mạo về SHTT. Theo đó, cơ quan hải quan chỉ xử lý hành vi vi phạm trong xuất khẩu, quá cảnh hàng hóa giả mạo về SHTT “trong trường hợp có chứng cứ khẳng định việc khai báo hàng hóa xuất khẩu hoặc quá cảnh là không đúng thực tế và nhằm mục đích đưa hàng hóa đó vào lưu thông tại Việt Nam”[9]. Như vậy, quy định về điều kiện xử lý vi phạm hành chính đối với hành vi xuất khẩu, quá cảnh hàng hóa giả mạo về SHTT chưa rõ ràng. Cụ thể như sau:
Thứ nhất, đối với hành vi xuất khẩu, cơ quan hải quan phải chứng minh việc khai báo hàng hóa xuất khẩu là không đúng thực tế và nhằm mục đích đưa hàng hóa đó vào lưu thông tại Việt Nam. Chúng tôi cho rằng, quy định này rất khó hiểu, không rõ ràng, vì việc khai báo hàng hóa xuất khẩu là không đúng thực tế được hiểu là khai báo sai về tên hàng, số lượng, chủng loại, nhãn hiệu, trị giá hay các thông tin khai báo hải quan khác và mục đích của việc khai báo không đúng thực tế ở đây không nhằm chứng minh để khẳng định là đối tượng có hành vi xuất khẩu hàng hóa giả mạo về SHTT ra khỏi lãnh thổ Việt Nam. Bởi vì, việc khai báo không đúng thực tế các nội dung nêu trên đã có các chế tài xử phạt tương ứng trong lĩnh vực hải quan đối với từng nội dung khai sai và không liên quan đến việc xử phạt vi phạm hành chính về SHTT. Hơn nữa, đối với hàng hóa xuất khẩu, hàng hóa này được sản xuất trong lãnh thổ hoặc đưa vào Việt Nam theo hình thức tạm nhập - tái xuất và mục đích là đưa ra khỏi Việt Nam để vận chuyển ra nước ngoài tiêu thụ. Do đó, người vi phạm không có động cơ hay mục đích nào đưa ngược hàng hóa này quay trở lại để tiêu thụ tại Việt Nam. Vì vậy, chúng tôi cho rằng, việc quy định hai điều kiện để xử lý vi phạm đối với hành vi xuất khẩu hàng hóa giả mạo nhãn hiệu nêu trên là không cần thiết, không có ý nghĩa và không đảm bảo tính khả thi.
Thực tế công tác chống hàng hóa giả mạo về SHTT của cơ quan hải quan cho thấy, do Nghị định số 99/2013/NĐ-CP không quy định hành vi và chế tài xử phạt đối với hành vi xuất khẩu hàng hoá giả mạo về SHTT. Do đó, khi phát hiện vụ việc vi phạm về xuất khẩu hàng hoá giả mạo về SHTT, cơ quan hải quan đã tạm dừng làm thủ tục hải quan, ra quyết định tạm giữ hàng hóa vi phạm nhưng do pháp luật không quy định thẩm quyền và chế tài xử lý hành vi này nên đã phải chuyển hồ sơ vụ việc sang cơ quan quản lý thị trường để xử phạt về hành vi sản xuất, buôn bán và vận chuyển hàng hoá giả mạo về SHTT trong nội địa. Chính điều này đã gây rất nhiều khó khăn cho cơ quan hải quan khi thực thi nhiệm vụ kiểm soát biên giới về SHTT, cả cơ quan hải quan và chủ sở hữu quyền đã mất nhiều thời gian cho quá trình phối hợp và làm chậm trễ tiến trình giải quyết vụ việc do phải trao đổi thông tin, phối hợp điều tra, xác minh, bàn giao hồ sơ vụ việc và phải phối hợp với một cơ quan khác để ra quyết định xử phạt do cơ quan hải quan không có thẩm quyền xử lý đối với hành vi này. Có thể thấy rõ điều này qua vụ việc nước uống tăng lực giả mạo nhãn hiệu “Carabao” ở TP. Hồ Chí Minh và Bình Dương do Cục Điều tra chống buôn lậu - Tổng cục Hải quan và Chi cục Hải quan cửa khẩu Cảng Sài Gòn khu vực I TP. Hồ Chí Minh bắt giữ, hàng hóa vi phạm là lô hàng xuất khẩu gồm 02 container 20 feet nước uống tăng lực đóng lon giả nhãn hiệu Carabao[10].Khi phát hiện vụ việc vi phạm, cơ quan hải quan đã ra quyết định tạm dừng làm thủ tục hải quan, xác định tình trạng pháp lý của hàng hóa, ra quyết định tạm giữ hàng hóa vi phạm, lập biên bản vi phạm hành chính và tiến hành điều tra, xác minh làm rõ vi phạm. Tuy nhiên, do pháp luật quy định giới hạn về thẩm quyền xử lý vi phạm đối với hành vi xuất khẩu hàng hóa giả mạo nhãn hiệu nên cơ quan hải quan đã bàn giao hồ sơ vụ việc đó cho Chi cục Quản lý thị trường TP. Hồ Chí Minh xử lý theo quy định. Thời gian giải quyết vụ việc này đã bị kéo dài do cơ quan hải quan phải chuyển giao hồ sơ, tang vật vi phạm cho cơ quan khác xử lý, trong khi đó quản lý hoạt động xuất khẩu, nhập khẩu hàng hóa thuộc phạm vi thẩm quyền của cơ quan hải quan.
Thứ hai, khi xử lý vi phạm đối với hành vi quá cảnh hàng hóa giả mạo về SHTT, Thông tư số 37/2011/TT- BKHCN cũng quy định cơ quan hải quan phải có trách nhiệm chứng minh hai điều kiện như đối với hàng hóa xuất khẩu. Theo chúng tôi, với điều kiện thứ nhất, cơ quan hải quan phải xác định việc khai báo hàng hóa quá cảnh không đúng thực tế không phải là điều kiện bắt buộc để chứng minh hành vi quá cảnh hàng hóa giả mạo về SHTT. Mặc dù trên thực tế, qua công tác kiểm soát hàng hóa xuất nhập khẩu liên quan đến SHTT, cơ quan hải quan đã phát hiện các đối tượng vi phạm lợi dụng quy định về chính sách đối với hàng quá cảnh là giám sát quá cảnh đảm bảo nguyên trạng hàng hóa khi quá cảnh qua lãnh thổ Việt Nam để khai báo ít số lượng, chủng loại hàng hóa so với thực tế, trong đó có các loại hàng bách hóa là các mặt hàng thời trang mang nhiều nhãn hiệu nổi tiếng, trộn lẫn nhiều chủng loại hàng hóa khác nhau trong cùng một container. Tình hình vi phạm này ngày càng có chiều hướng gia tăng và có nguy cơ các đối tượng buôn bán hàng giả sẽ biến Việt Nam trở thành khu vực trung chuyển hàng hóa giả mạo quyền SHTT để đưa sang nước thứ ba tiêu thụ, hoặc đưa sang nước thứ ba rồi đưa qua biên giới quay trở lại thị trường Việt Nam. Tuy nhiên, việc khai báo hải quan không đúng với thực tế hàng hóa đã được quy định và có chế tài xử lý cụ thể tại Nghị định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực hải quan. Do vậy xét thấy, điều kiện về khai báo không đúng thực tế không phải là điều kiện bắt buộc làm căn cứ để xác định hành vi quá cảnh hàng hóa giả mạo về SHTT.
Điều kiện thứ hai để xử lý vi phạm đối với hành vi quá cảnh là cơ quan hải quan phải chứng minh người vi phạm có động cơ nhằm mục đích đưa hàng hóa quá cảnh vào lưu thông tại Việt Nam. Quy định điều kiện này xuất phát từ lý luận rằng, để xác định hàng hóa có phải là hàng hóa giả mạo đối với nhãn hiệu hay không cần xác định trên nhãn hàng hóa, bao bì của hàng hóa có chứa yếu tố xâm phạm quyền hay không. Theo đó, việc xác định yếu tố xâm phạm quyền phải đáp ứng một trong các điều kiện là dấu hiệu bị nghi ngờ phải gây nhầm lẫn cho người tiêu dùng về hàng hóa, dịch vụ mang nhãn hiệu. Do vậy, nếu cơ quan có thẩm quyền muốn xử lý vi phạm đối với hành vi quá cảnh hàng hóa giả mạo về SHTT qua lãnh thổ Việt Nam thì phải chứng minh người vi phạm có mục đích đưa hàng hóa quá cảnh vào Việt Nam để tiêu thụ, gây nhầm lẫn cho người tiêu dùng ở Việt Nam thì mới thỏa mãn điều kiện gây nhầm lẫn cho người tiêu dùng trong việc xác định yếu tố xâm phạm quyền đối với nhãn hiệu.
Chúng tôi thấy rằng, bản chất của việc sản xuất, buôn bán, vận chuyển hàng hóa giả mạo về SHTT là nhằm gây tổn hại về vật chất cho các chủ sở hữu quyền SHTT. Do vậy, khi bảo vệ quyền tài sản này của họ trước hết phải đảm bảo chống lại việc gây ra tổn thất về kinh tế cho họ. Khi đó quyền SHTT đối với các đối tượng quyền SHTT mới được bảo hộ theo pháp luật. Do đó, khi xác định yếu tố xâm phạm quyền cần phải ưu tiên áp dụng nguyên tắc bảo vệ quyền tài sản của các chủ sở hữu quyền SHTT. Hơn nữa, điều kiện “gây nhầm lẫn cho người tiêu dùng về hàng hóa mang nhãn hiệu” được quy định là một trong các điều kiện để khẳng định có yếu tố xâm phạm quyền đối với nhãn hiệu hay không? Quy định đối tượng người tiêu dùng ở đây là người tiêu dùng nói chung chứ không quy định là đối tượng người tiêu dùng này phải là các đối tượng sẽ mua để sử dụng hoặc có khả năng mua để sử dụng, hay nói cách khác là nhóm người tiêu dùng ở tại nơi/quốc gia mà hàng hóa giả mạo nhãn hiệu sẽ được đưa ra thị trường. Do vậy, quy định điều kiện cơ quan hải quan khi xử lý đối với hành vi quá cảnh hàng hóa giả mạo về SHTT phải chứng minh người vi phạm có động cơ đưa hàng hóa quá cảnh vào tiêu thụ tại Việt Nam là chưa thỏa đáng.
Thực tế công tác đấu tranh chống hàng giả của cơ quan hải quan cho thấy, khi phát hiện hàng hóa quá cảnh qua lãnh thổ Việt Nam giả mạo về SHTT, người thực hiện hành vi quá cảnh thường đổ trách nhiệm cho chủ sở hữu hàng hóa ở nước ngoài, người thuê làm dịch vụ quá cảnh. Họ cho rằng trách nhiệm của họ là vận chuyển số hàng hóa qua lãnh thổ Việt Nam đến nước thứ ba và được nhận phí thực hiện dịch vụ quá cảnh hàng hóa, nên họ không phải chịu trách nhiệm đối với những sai phạm liên quan đến hàng hóa. Tuy nhiên, căn cứ quy định tại Điều 252, Điều 253 Luật Thương mại năm 2005, bên cung ứng dịch vụ quá cảnh phải chịu trách nhiệm đối với hàng hóa quá cảnh trong thời gian quá cảnh qua lãnh lãnh thổ Việt Nam và có trách nhiệm hợp tác với cơ quan nhà nước có thẩm quyền của Việt Nam để xử lý những vấn đề có liên quan đến hàng hóa quá cảnh. Mặc dù vậy, để chứng minh việc có chứng cứ khẳng định người vi phạm có động cơ đưa hàng hóa quá cảnh vào lưu thông tại Việt Nam là không thể thực hiện được trên thực tế, vì hầu hết các trường hợp khi phát hiện sai phạm, người vi phạm đều không thừa nhận việc có động cơ, mục đích đưa hàng hóa vào tiêu thụ trong nội địa. Trừ trường hợp, trong quá trình kiểm soát cơ quan hải quan phát hiện hàng hóa quá cảnh đi không đúng tuyến đường và đang được vận chuyển vào nội địa hoặc có giấy tờ, tài liệu chứng minh lô hàng quá cảnh đó sẽ được bán cho tổ chức, cá nhân khác để tiêu thụ trong nội địa. Tuy nhiên, cho đến nay, chưa phát hiện có tình trạng các lô hàng quá cảnh là hàng hóa giả mạo về SHTT được đưa vào tiêu thụ trong nội địa vì mục đích chủ yếu của hoạt động quá cảnh là mượn đường để đưa hàng hóa đi qua lãnh thổ đến nước thứ ba để tiêu thụ. Hơn nữa, xét về bản chất khi hàng hóa quá cảnh đã được đưa vào nội địa thì đó là hành vi nhập khẩu hàng hóa chứ không còn là hành vi quá cảnh qua lãnh thổ quốc gia, nên khi xử lý vi phạm cần xử phạt vi phạm về hành vi nhập khẩu hàng hóa giả mạo về SHTT.
Ngoài ra, quy định của pháp luật về thẩm quyền kiểm tra, giám sát và kiểm soát đối với hàng hóa quá cảnh còn nhiều bất cập. Mặc dù, Luật Hải quan quy định cơ quan hải quan có thẩm quyền kiểm tra, giám sát, kiểm soát nhưng lại không được tạm dừng làm thủ tục hải quan đối với hàng hóa giả mạo về SHTT quá cảnh. Do vậy, khi kiểm tra phát hiện hàng hóa giả mạo về SHTT quá cảnh, cơ quan hải quan đã áp dụng khoản 4 Điều 68 Luật Hải quan năm 2014 để kiểm tra, khám xét đối với phương tiện vận tải vận chuyển hàng hóa quá cảnh giả mạo về SHTT. Tại khoản 4 Điều 68 Luật Hải quan năm 2014 quy định, thủ trưởng cơ quan hải quan nơi làm thủ tục hải quan đối với phương tiện vận tải, khi có căn cứ cho rằng trên phương tiện vận tải có cất giấu hàng hóa trái phép, có dấu hiệu khác vi phạm pháp luật hải quan, thì Đội trưởng Đội kiểm soát hải quan quyết định tạm hoãn việc khởi hành hoặc dừng phương tiện vận tải để khám xét. Liên quan đến nội dung này, hiện nay còn có 02 ý kiến khác nhau
Ý kiến thứ nhất cho rằng, khi cơ quan hải quan tiến hành kiểm tra, giám sát và kiểm soát đối với hàng hóa quá cảnh, phát hiện hàng hóa có dấu hiệu giả mạo về SHTT thì không tiến hành tạm dừng làm thủ tục hải quan theo trình tự, thủ tục trong quy trình, thủ tục hải quan, mà thực hiện kiểm tra, khám xét theo quy định về thẩm quyền của lực lượng kiểm soát chống buôn lậu hải quan. Điều này cũng đảm bảo phù hợp với quy định của pháp luật hải quan trong công tác phòng, chống buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới.
Ý kiến thứ hai cho rằng, Luật Hải quan quy định không tạm dừng làm thủ tục hải quan đối với hàng hóa quá cảnh có nghĩa là cơ quan hải quan sẽ không kiểm soát về SHTT đối với hàng hóa được vận chuyển theo loại hình này. Trường hợp này được hiểu là cơ quan hải quan chỉ giám sát nguyên trạng hàng hóa đi qua lãnh thổ đảm bảo đúng thời gian, địa điểm và tuyến đường quá cảnh theo quy định của Bộ Giao thông vận tải chứ không can thiệp vào các nội dung liên quan đến hàng hóa. Đây được coi là trường hợp hàng hóa đi qua lãnh thổ không gây hại. Do vậy, hàng hóa giả mạo về SHTT quá cảnh qua lãnh thổ Việt Nam, hải quan Việt Nam sẽ không can thiệp để dừng, khám xét để kiểm tra và xử lý vi phạm nếu phát hiện hàng hóa xâm phạm quyền SHTT.
Từ những ý kiến nêu trên, chúng tôi cho rằng, hàng hóa giả mạo về SHTT cho dù được luân chuyển dưới bất kỳ hình thức nào thì cũng đã xâm phạm quyền SHTT và gây thiệt hại về quyền tài sản cho các chủ sở hữu quyền. Do vậy, hàng hóa đó cần phải được kiểm soát và ngăn chặn kịp thời để tránh nguy cơ xảy ra thiệt hại thực tế cho các chủ sở hữu quyền, cho dù hàng hóa đó có đưa vào hoặc không đưa vào lãnh thổ quốc gia nơi phát hiện hành vi vi phạm, trên cơ sở ưu tiên áp dụng nguyên tắc quyền tài sản của chủ thể quyền bị xâm hại hoặc có khả năng bị xâm hại và áp dụng triệt để nguyên tắc hàng hóa vi phạm phát hiện ở đâu thì phải được ngăn chặn, xử lý kịp thời ở đó. Hơn nữa, mặc dù việc bảo hộ quyền SHTT đối với nhãn hiệu và chỉ dẫn địa lý bị giới hạn trong phạm vi lãnh thổ của từng quốc gia, nơi nhãn hiệu hoặc chỉ dẫn địa lý đó được đăng ký, nhưng suy cho cùng, hàng hóa giả mạo về SHTT đó được đưa ra tiêu thụ tại bất kỳ quốc gia nào, bao gồm cả quốc gia mà tại đó nhãn hiệu hoặc chỉ dẫn địa lý chưa đăng ký bảo hộ, thì nó đã được xác định là trực tiếp hoặc gián tiếp gây thiệt hại hoặc có khả năng gây thiệt hại về vật chất, uy tín kinh doanh cho các chủ sở hữu quyền và gây nhầm lẫn cho người tiêu dùng về bản chất, nguồn gốc của hàng hóa.
Do vậy, khi xây dựng cơ chế chính sách kiểm soát đối với hàng hóa xuất khẩu, quá cảnh giả mạo về SHTT, thiết nghĩ các nhà lập pháp cần có quan điểm xử lý rõ ràng đối với hàng hóa được luân chuyển theo các loại hình này để đảm bảo việc kiểm soát có hiệu lực và hiệu quả, tránh tình trạng sơ hở về chính sách để các đối tượng thực hiện các hoạt động gian lận thương mại, gây khó khăn cho các cơ quan thực thi pháp luật.
2. Một số kiến nghị hoàn thiện cơ chế pháp lý xử lý đối với hàng hóa giả mạo về sở hữu trí tuệ xuất khẩu, quá cảnh qua lãnh thổ Việt Nam                                                                                                                                                                                                                             Kinh nghiệm của hải quan nhiều nước trên thế giới đã chỉ ra rằng, chỉ bằng cách ban hành thẩm quyền nhất định và các biện pháp vượt quá yêu cầu tối thiểu được quy định trong Hiệp định TRIPS, Chính phủ mới có thể thực hiện có hiệu quả việc bảo vệ và thực thi quyền SHTT tại biên giới của họ
Từ những phân tích trên đây, chúng tôi cho rằng, để hoàn thiện cơ chế kiểm soát đối với hàng hóa xuất khẩu, quá cảnh giả mạo về SHTT, cần sửa đổi, bổ sung các văn bản pháp luật liên quan và đảm bảo tính khả thi trên thực tế theo một trong hai hướng sau đây:
Một là, cần nghiên cứu lấy mức quy định tối thiểu của Hiệp định TRIPs về cơ chế kiểm soát hải quan đối với hoạt động xuất khẩu, quá cảnh hàng hóa giả mạo về SHTT. Đồng thời xem xét khía cạnh bản chất của hoạt động quá cảnh là mượn đường đi qua không gây hại cho lãnh thổ quốc gia, cơ quan hải quan sẽ kiểm soát hàng hóa xuất khẩu giả mạo về SHTT như đối với hàng hóa nhập khẩu giả mạo về SHTT nhưng không tiến hành bắt giữ và xử lý đối với hàng hóa giả mạo về SHTT quá cảnh qua lãnh thổ Việt Nam. Do vậy, pháp luật cần quy định rõ về phạm vi loại trừ kiểm tra, giám sát, kiểm soát hàng hóa xâm phạm quyền SHTT, trong đó bao gồm cả hàng hóa quá cảnh. Theo đó, cơ quan hải quan sẽ không tiến hành kiểm tra, giám sát, tạm dừng làm thủ tục hải quan, khám xét đối với hàng hóa quá cảnh mà chỉ giám sát nguyên trạng hàng hóa khi đi qua lãnh thổ, đảm bảo thực hiện đúng quy định của pháp luật về quá cảnh trong thương mại quốc tế. Và như vậy
- Luật SHTT cần bổ sung quy định hành vi xuất khẩu hàng hóa giả mạo về SHTT là hành vi xâm phạm quyền và bị xử phạt vi phạm hành chính về SHTT.
- Sửa đổi, bổ sung Nghị định số 99/2013/NĐ-CP theo hướng bỏ quy định hành vi quá cảnh hàng hóa mang nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý giả mạo là hành vi vi phạm bị xử phạt vi phạm hành chính và bổ sung quy định hành vi xuất khẩu hàng hóa mang nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý giả mạo là hành vi vi phạm hành chính tại Nghị định.
- Ngoài ra, mặc dù pháp luật quốc gia quy định không xử lý đối với hành vi quá cảnh hàng hóa giả mạo về SHTT, nhưng với tư cách là thành viên của WCO[11], Việt Nam phải thực hiện nghĩa vụ thành viên tại Luật mẫu của WCO về SHTT. Do vậy, Chính phủ cần nghiên cứu xây dựng, ký kết hiệp định song phương với các nước láng giềng về trao đổi thông tin, ngăn chặn, phối hợp điều tra, xác minh để các quốc gia nơi hàng hóa được vận chuyển đến có cơ sở xử lý các hành vi vi phạm liên quan đến hàng hóa giả mạo về SHTT đã quá cảnh qua lãnh thổ Việt Nam.
Hai là, Chính phủ cần nghiên cứu để ban hành thẩm quyền và các biện pháp vượt quá yêu cầu tối thiểu được quy định trong Hiệp định TRIPS trên cơ sở ưu tiên áp dụng nguyên tắc bảo vệ quyền tài sản của chủ thể quyền. Do vậy, khi quyền tài sản này bị thiệt hại hoặc có khả năng bị gây thiệt hại thì cần phải ngăn chặn và xử lý kịp thời. Theo đó, chúng tôi đề xuất một số giải pháp sau:
- Cần xác định hàng hóa giả mạo về SHTT là hàng hóa có nguy cơ gây hại cho an ninh và sức khỏe cộng đồng, người tiêu dùng và toàn xã hội. Do vậy, pháp luật cần quy định chính sách kiểm soát hàng hóa giả mạo về SHTT như chính sách đối với hàng hóa cấm xuất khẩu, nhập khẩu theo pháp luật thương mại và phải được kiểm soát theo chế độ của hàng hóa cấm xuất khẩu, nhập khẩu.
- Pháp luật khi đã giao quyền kiểm tra, giám sát và kiểm soát đối với hàng hóa giả mạo về SHTT xuất khẩu, quá cảnh thì phải quy định cho cơ quan hải quan có thẩm quyền tạm dừng làm thủ tục hải quan và xử lý vi phạm đối với loại hình này. Do vậy, cần phải xác định hành vi xuất khẩu, quá cảnh hàng hóa giả mạo về SHTT là hành vi xâm phạm quyền bị xử lý vi phạm hành chính và giao cho cơ quan hải quan thẩm quyền xử lý vi phạm đối với các hành vi này nhằm đảm bảo phát hiện, ngăn chặn và xử lý kịp thời các hành vi vi phạm.
- Cần thay đổi cách tiếp cận khi xác định dấu hiệu xâm phạm quyền đối với nhãn hiệu (quy định tại Nghị định số 105/2006/NĐ-CP, đã được sửa đổi, bổ sung tại Nghị định số 119/2010/ NĐ-CP) theo hướng xác định đối tượng quyền SHTT là một loại tài sản, lấy nguyên tắc chủ thể quyền SHTT bị thiệt hại hoặc có khả năng bị thiệt hại là nguyên tắc ưu tiên hàng đầu để làm căn cứ xác định các dấu hiệu xâm phạm quyền SHTT. Do vậy, cần xem xét sửa đổi, bổ sung quy định về xác định các dấu hiệu xâm phạm quyền theo hướng kết hợp giữa quy định về yếu tố trùng, tương tự có khả năng gây nhầm lẫn cho người tiêu dùng về hàng hóa mang nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý giả mạo mà không giới hạn về lãnh thổ. Theo đó:
- Sửa đổi bổ sung Nghị định số 99/2013/NĐ-CP ngày 28/09/2013 của Chính phủ theo hướng chỉ xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi quá cảnh hàng giả mạo về nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý, không kiểm soát đối với hàng hóa quá cảnh xâm phạm quyền. Bổ sung quy định hành vi xuất khẩu hàng hóa giả mạo về SHTT là hành vi vi phạm bị xử phạt vi phạm hành chính tại Nghị định.
- Trong thời gian tới, Bộ Khoa học và Công nghệ (đang nghiên cứu xây dựng Thông tư thay thế Thông tư số 37/2010/TT- BKHCN) cần xem xét quy định theo hướng, bỏ các quy định về điều kiện về việc khai báo không đúng và xác định có chứng cứ khẳng định nhằm mục đích đưa hàng hóa vào lưu thông tại Việt Nam khi xử lý đối với hàng hóa xuất khẩu, quá cảnh giả mạo về SHTT./.
 

[1] Luật SHTT năm 2005, đã được sửa đổi, bổ sung 2009.
[2] Xem Điều 51, chú thích 11, Hiệp định về các khía cạnh liên quan đến thương mại của quyền SHTT của WTO (TRIPs).
[3] Công ước Paris về bảo hộ sở hữu công nghiệp.
[4] WCO, Model provisions for national legislation to implement fair and effective border measures consistent with the Agreement on Trade- related espects of Intellectual property rights.
[5] Xem: Điều 2 Hiệp định khung ASEAN về hợp tác SHTT, Điều 3 Hiệp định Việt Nam - Thụy Sỹ về bảo hộ quyền SHTT và hợp tác trong lĩnh vực SHTT.
 
[6] Luật Thương mại năm 2005.
[7] Luật Hải quan năm 2014.
 
[8] Nghị định số 99/2013/NĐ- CP ngày 29/08/2013 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực sở hữu công nghiệp.
[9] Thông tư số 37/2011/TT- BKHCN ngày 27/12/2011 của Bộ Khoa học và Công nghệ hướng dẫn thi hành một số điều của Nghị định 97/2010/NĐ- CP của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực sở hữu công nghiệp.
 
[10] Báo cáo tổng kết công tác kiểm soát hải quan năm 2011 của Tổng cục Hải quan.
[11] WCO: Tổ chức Hải quan thế giới.
 

(Nguồn tin: Bài viết đăng tải trên ấn phẩm Nghiên cứu lập pháp số 8(312) - tháng 4/2016)


Thống kê truy cập

33929699

Tổng truy cập