Pháp luật hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa của Hàn Quốc và một số kiến nghị tham khảo

01/03/2016

TS. NGUYỄN THỊ HỒNG NHUNG

Khoa Luật, Trường ĐH Kinh tế Luật Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh.

1. Giới thiệu chung về pháp luật hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa tại Hàn Quốc
Doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) ở Hàn Quốc là một trong những hệ thống doanh nghiệp đóng vai trò chiến lược đối với sự phát triển toàn diện của nền kinh tế. Số lượng DNNVV chiếm khoảng 99,9% tổng số doanh nghiệp, đóng góp trên 102,9 triệu đô la Mỹ từ việc xuất khẩu và giải quyết được việc làm cho hơn 87,7% trên tổng dân số đang ở độ tuổi lao động[1]. Các chính sách phát triển của Hàn Quốc được xây dựng từ nhu cầu phát triển của nền kinh tế trong nước khi đối mặt với việc ngưng viện trợ từ nước ngoài, cũng như khắc phục những hạn chế của các DNNVV. Vào những năm đầu của thập niên 80, Hàn Quốc ban hành Luật Hỗ trợ thành lập DNNVV (1986) cùng với Đạo luật cơ bản về DNNVV trước đó (năm 1966) đã mở ra cơ hội cho các DNNVV trong nước được phát huy tiềm lực của mình, đóng góp cho nền kinh tế quốc gia. Sau những biến động của kinh tế thế giới (khủng hoảng kinh tế thế giới năm 2008 và 2010), các chính sách hỗ trợ của Chính phủ cũng đã được sửa đổi, bổ sung phù hợp với tình hình thế giới cũng như với từng doanh nghiệp. Dựa vào từng mục tiêu mà các chính sách hỗ trợ của Nhà nước đặt ra, Chính phủ Hàn Quốc ban hành các luật và văn bản dưới luật với mục đích hỗ trợ và phát triển cho các DNNVV. Tuy được quy định độc lập ở từng văn bản quy phạm pháp luật khác nhau, nhưng giữa chúng có một mối liên hệ chặt chẽ, bổ trợ nhau và không thể tách rời. Hơn nữa, các chính sách hỗ trợ DNNVV được quy định nhất quán, thống nhất và phù hợp với các quy định hiện hành tại các đạo luật cơ bản như Luật Doanh nghiệp, Đạo luật Thuế... Có thể điểm qua các văn bản pháp luật chủ yếu sau đây:
Mục tiêu
Các văn bản pháp luật
·                     Hỗ trợ việc thành lập doanh nghiệp
-                    Luật hỗ trợ cho DNNVV thành lập
-                    Luật về các biện pháp đặc biệt đối với các khuyến mãi của doanh nghiệp liên doanh
·                     Hỗ trợ nguồn lực con người
-                    Luật đặc biệt về hỗ trợ nguồn nhân lực của doanh nhiệp nhỏ và vừa
·                     Hỗ trợ tài chính
-                    Luật Ngân hàng
·                     Hỗ trợ phân phối
-                    Luật về tạo thuận lợi cho mua hàng của doanh nghiệp sản xuất nhỏ và vừa và hỗ trợ phát triển thị trường
·                     Quản lý đổi mới
-                               Luật Khuyến khích đổi mới công nghệ của DNNVV
-                               Luật đặc biệt về chuyển đổi doanh nghiệp thành DNNVV
·                     Cạnh tranh công bằng
-                                                                           Luật Hợp tác xã doanh nghiệp vừa và nhỏ
-                                                                           Luật Khuyến khích hợp tác giữa doanh nghiệp lớn và DNNVV
·                     Hỗ trợ các nhóm xã hội dễ bị tổn thương
-                    Luật về Các biện pháp đặc biệt để phát triển doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ
-                    Luật về Hỗ trợ cho các doanh nghiệp thuộc sở hữu nữ giới
-                    Luật Khuyến khích các doanh nghiệp hoạt động của người khuyết tật
 
Để dễ điều hành, quản lý và cung cấp các chính sách hỗ trợ DNNVV, Hàn Quốc đã chia DNNVV ra thành ba loại: doanh nghiệp siêu nhỏ, doanh nghiệp nhỏ, DNNVV, căn cứ vào ngành nghề và quy mô kinh doanh (Điều 2, Đạo luật cơ bản về DNNVV sửa đổi, bổ sung năm 2011 và Điều 3 Nghị định hướng dẫn thi hành Đạo luật cơ bản về DNNVV) .
Ngành
Doanh nghiệp nhỏ và vừa
Doanh nghiệp nhỏ
Doanh nghiệp siêu nhỏ
Số lượng nhân viên
Vốn/ Doanh thu
Số lượng nhân viên
Ngành chế tạo, sản xuất
< 300 người
Vốn ≤ 8 tỷ won
< 50 người
< 10 người
Khai thác, xây dựng và giao thông vận tải
< 300 người
Vốn ≤ 3 tỷ won
< 50 người
< 10 người
Xuất bản, thông tin và truyền thông, hành chính và dịch vụ hỗ trợ hoạt động, hoạt động y tế và công tác xã hội, hoạt động khoa học và kỹ thuật.
< 300 người
Doanh thu ≤ 30 tỷ won
< 10 người
< 5 người
Nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản, điện, khí đốt, hơi nước và các hoạt động kinh doanh, bán buôn và bán lẻ, dịch vụ lưu trú và ăn uống, các hoạt động tài chính và bảo hiểm, nghệ thuật, vui chơi giải trí
< 200 người
Doanh thu ≤ 20 tỷ
< 10 người
< 5 người
Thoát nước, quản lý chất thải và xử lý các hoạt động, giáo dục, sửa chữa và dịch vụ khác
< 100 người
Doanh thu ≤ 10 tỷ
 
 
Bất động sản, các hoạt động cho thuê
< 50 người
Doanh thu ≤ 5 tỷ won
 
 
Cùng với những văn bản pháp luật có mục tiêu rất cụ thể và chi tiết, việc phân loại các DNNVV dựa trên quy mô và ngành nghề kinh doanh cũng rất cụ thể, chi tiết như trên đã giúp các doanh nghiệp tiếp cận và sử dụng một cách hiệu quả các quy định của pháp luật và chính sách hỗ trợ, giúp Hàn Quốc mau chóng đạt được mục tiêu đề ra.  
2. Những quy định của pháp luật cụ thể về việc hỗ trợ các doanh nghiệp nhỏ và vừa  
2.1. Các quy định về hỗ trợ các hoạt động thương mại, giao dịch hàng hóa cho các DNNVV 
Để hỗ trợ cho các hoạt động thương mại, giao dịch hàng hoá của các DNNVV, đầu tiên phải kể đến Act on Facilitation of Purchase of Small and Medium Enterprises – Manufactured Products and Support for Development of their Markets (tạm dịch là Đạo luật về Hỗ trợ mua bán cho DNNVV - Hàng hoá sản xuất và hỗ trợ phát triển thị trường) sửa đổi, bổ sung năm 2011. Với Đạo luật này, những DNNVV hoạt động trong một số ngành nghề công nghiệp sẽ có được nhiều lợi thế hơn trong việc ký kết và thực hiện hợp đồng. Cụ thể là đối với các dự án xây dựng của quốc gia, DNNVV sẽ được ưu tiên ký kết các hợp đồng mua bán nguyên liệu, vật tư liên quan đến các dự án này nếu đáp ứng đủ các điều kiện về chất lượng hàng hóa, sản phẩm (Điều 4, Đạo luật về Hỗ trợ mua bán cho DNNVV - Hàng hoá sản xuất và hỗ trợ phát triển thị trường, sửa đổi, bổ sung năm 2011). Đối với các sản phẩm công nghệ do các DNNVV là chủ sản xuất, Chính phủ Hàn Quốc đã đưa ra các chính sách hỗ trợ thông qua việc chỉ định một số tổ chức, cơ quan sẽ ưu tiên mua hàng hóa trong lĩnh vực công nghệ do các DNNVV sản xuất. Chủ tịch Cơ quan quản lý DNNVV (SMBA) chịu trách nhiệm yêu cầu các cơ quan, tổ chức, cơ sở sản xuất thực hiện việc mua hàng hóa từ các DNNVV. Các DNNVV chịu trách nhiệm về việc thực hiện nghĩa vụ hợp đồng với các tổ chức công cộng, các doanh nghiệp lớn do luật chỉ định, đảm bảo chất lượng hàng hóa được yêu cầu trong các văn bản pháp luật và trong hợp đồng (Chương 3, Đạo luật về hỗ trợ mua bán cho DNNVV - Hàng hoá sản xuất và hỗ trợ phát triển thị trường, sửa đổi, bổ sung năm 2011).
Có thể thấy, việc quy định như vậy không những tạo ra thị trường tiêu thụ cho các sản phẩm của DNNVV, mà còn tăng tính cạnh tranh đối với các doanh nghiệp lớn, các doanh nghiệp truyền thống. Thông qua việc đưa ra các chính sách hỗ trợ như ưu tiên mua hàng hóa, ưu tiên ký kết hợp đồng, hay yêu cầu các doanh nghiệp lớn phải mua các sản phẩm sản xuất bởi các DNNVV chứ không được tự sản xuất, đã góp phần mở rộng thị trường, tạo điều kiện thuận lợi cho việc giao thương hàng hóa giữa các doanh nghiệp với nhau.
2.2 . Các quy định về vấn đề đào tạo và cung cấp nguồn nhân lực phù hợp hỗ trợ cho các DNNVV  
Nhân lực và trình độ phát triển của nguồn nhân lực là nhân tố quyết định nhất đối với sự phát triển của mỗi quốc gia. Vì vậy, các quốc gia trên thế giới đều rất coi trọng việc phát triển nguồn nhân lực, đặc biệt là trong lĩnh vực kinh tế, vấn đề về nguồn nhân lực luôn được đặt lên hàng đầu. Không thể phủ nhận rằng, các doanh nghiệp lớn có truyền thống lâu đời đã giúp Hàn Quốc giải quyết được vấn đề về lao động. Tuy nhiên, với tỷ lệ chiếm hơn 99% tổng số doanh nghiệp toàn quốc, các DNNVV hiện đang nắm giữ vị trị chủ chốt trong việc tạo ra việc làm cho người dân, đặc biệt là nguồn lao động trẻ.
Hơn nữa, Hàn Quốc là một trong những quốc gia chịu những ảnh hưởng nặng nề từ khủng hoảng kinh tế thế giới 2007, tình trạng người thất nghiệp chiếm tỷ lệ cao và là một vấn đề nan giải cần phải giải quyết trong giai đoạn đó. Luật Hỗ trợ nguồn nhân lực cho các DNNVV, sửa đổi, bổ sung năm 2009 đã đưa ra những biện pháp nhằm cải thiện tình trạng thất nghiệp của quốc gia, đồng thời giúp các DNNVV thuận tiện hơn trong quá trình hoạt động sản xuất do nhu cầu về nhân sự vào thời điểm đó vẫn chưa được đáp ứng. Thông qua những chính sách đào tạo từ xa, đào tạo qua mạng, Chính phủ Hàn Quốc đã thiết lập một mạng lưới giáo dục nhằm trang bị và củng cố những kiến thức chuyên môn. Không những thế, Hàn Quốc cũng đã phát triển đào tạo thông qua website, giúp cho việc tiếp cận thông tin dễ dàng và linh hoạt hơn (Điều 12, Luật Hỗ trợ nguồn nhân lực cho các DNNVV, sửa đổi, bổ sung năm 2009).
Song song đó, Chính phủ Hàn Quốc cũng đã có những chính sách đổi mới vượt bậc trong việc thiết lập mối quan hệ mật thiết giữa các DNNVV với các trường đại học, cao đẳng và học viện, gắn kết tương lai DNNVV với tương lai đội ngũ thế hệ sinh viên được đào tạo. Với Luật Hỗ trợ nguồn nhân lực cho các DNNVV, sửa đổi, bổ sung năm 2009, Chính phủ vừa giải quyết được tình trạng thất nghiệp cho người dân,vừa giải quyết được tình trạng thiếu hụt lao động có chuyên môn của các doanh nghiệp, thông qua việc ban hành rất nhiều các dự án đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực cho các DNNVV (Industry - Academic Cooperation) (Điều 8, Luật Hỗ trợ nguồn nhân lực cho các DNNVV, sửa đổi, bổ sung năm 2009). Đầu tiên có thể kể đến là những dự án đào tạo nguồn nhân lực để đáp ứng các nhu cầu về nguồn nhân lực theo vùng, theo hình thức kinh doanh, theo loại hình doanh nghiệp và theo lĩnh vực kinh doanh. Do mỗi lĩnh vực kinh doanh là khác nhau nên điều kiện về lao động mà các doanh nghiệp đưa ra cũng sẽ khác nhau. Do đó, các dự án đào tạo cụ thể được ban hành như một giải pháp cho vấn đề về thừa lao động phổ thông nhưng lại thiếu các lao động có trình độ chuyên môn cao, làm giảm thiểu thời gian và chi phí của doanh nghiệp khi phải đào tạo lại nhân sự của mình.
Bên cạnh đó, Chính phủ còn xây dựng nên những dự án hỗ trợ bồi dưỡng người lao động đang làm việc tại các DNNVV. Các dự án chú trọng vào việc nâng cao chất lượng đội ngũ nhân viên về tay nghề nhằm đáp ứng kịp thời nhu cầu phát triển và đổi mới không ngừng của DNNVV nói riêng và nền kinh tế công nghiệp nói chung. Vì vậy, thông qua những chính sách và dự án hỗ trợ nhân lực cho các DNNVV, Chính phủ đã gián tiếp cung cấp cho các DNNVV nguồn nhân lực chất lượng cao.
Không dừng lại ở đó, Chính phủ Hàn Quốc đã có những chủ trương phát triển và nâng cao nguồn nhân lực ở mỗi DNNVV bằng các biện pháp như ưu tiên cho sinh viên tại các trường đại học - cao đẳng được kiến tập và thực tập tại các cơ sở sản xuất kinh doanh của các DNNVV trong mọi lĩnh vực, mọi ngành nghề. Bằng những dự án đào tạo nguồn nhân lực cho doanh nghiệp, Chính phủ sẽ cung cấp kinh phí và hỗ trợ cho các chương trình liên kết giữa các trường đại học, cao đẳng với các doanh nghiệp bao gồm các khoản trợ cấp, vị trí công việc, thông tin trường, thông tin doanh nghiệp, các khoản trợ cấp cho giảng viên, người hướng dẫn và sinh viên (khoản 2, Điều 11, Luật Hỗ trợ nguồn nhân lực cho các DNNVV, sửa đổi, bổ sung năm 2009). Về phía các cơ sở đào tạo giáo dục, các trường có nhiệm vụ phải bổ sung vào chương trình đào tạo các môn học về DNNVV, cũng như việc đưa vào hoạt động kiến tập và thực tập của sinh viên là môn học chính hay các tín chỉ bắt buộc. Những quy định thiết thực trên không chỉ giúp sinh viên có được cơ hội để thực hành với môi trường làm việc thực tế và chuyên nghiệp mà còn mở ra những cơ hội nghề nghiệp cho sinh viên sau khi tốt nghiệp, đồng thời giúp cho các DNNVV có được nguồn nhân lực chất lượng cao như mong muốn.
2.3. Các quy định về đổi mới công nghệ hỗ trợ cho các DNNVV và các doanh nghiệp đầu tư mạo hiểm
Hiện nay, trong bối cảnh hội nhập kinh tế cùng với sự phát triển không ngừng của khoa học kỹ thuật, các doanh nghiệp khởi nghiệp nhỏ và vừa ngày càng phát triển cả về số lượng lẫn chất lượng. Đặc biệt là đối với các nước đã phát triển, thành phần doanh nghiệp khởi nghiệp và doanh nghiệp đầu tư mạo hiểm trong lĩnh vực công nghệ thông tin, công nghệ phần mềm đóng góp vai trò rất quan trọng trong việc hiện đại hóa khoa học kỹ thuật của quốc gia và góp phần không nhỏ trong sự tăng trưởng kinh tế. Hàn Quốc được biết đến là một trong những quốc gia đi đầu về công nghệ điện tử - viễn thông, do đó Chính phủ Hàn Quốc cũng đã ban hành rất nhiều chính sách ưu đãi cho các cá nhân, tổ chức thành lập doanh nghiệp trong lĩnh vực công nghệ cũng như các doanh nghiệp đầu tư mạo hiểm (venture business) thông qua một số đạo luật chính như: Luật về Các biện pháp hỗ trợ đặc biệt thúc đẩy doanh nghiệp đầu tư mạo hiểm, Luật về Thúc đẩy đổi mới công nghệ đối với các DNNVV, Luật về Hỗ trợ thành lập các DNNVV. Đồng thời, pháp luật Hàn Quốc đã đơn giản hóa thủ tục thành lập cho từng loại hình doanh nghiệp, tạo lập các quỹ hỗ trợ vốn khởi nghiệp, địa điểm vị trí mặt bằng hoạt động.
Về vấn đề hỗ trợ vốn khởi nghiệp cho các doanh nghiệp mạo hiểm, Luật về Các biện pháp hỗ trợ đặc biệt thúc đẩy doanh nghiệp đầu tư mạo hiểm sửa đổi, bổ sung năm 2010 đã quy định các biện pháp giúp việc huy động vốn của các doanh nghiệp dễ dàng, thuận tiện và linh hoạt hơn. Cụ thể, căn cứ vào các hoạt động đầu tư của mỗi doanh nghiệp, các quỹ được thành lập theo quyết định của Tổng thống hoặc theo các quy định của Luật Tài chính quốc gia có thể đầu tư vào các doanh nghiệp đầu tư mạo hiểm, hoặc góp vốn vào các Hiệp hội doanh nghiệp khởi nghiệp đầu tư nhỏ và vừa, Hiệp hội đầu tư dự án công nghiệp, Quỹ kinh doanh doanh mạo hiểm Hàn Quốc (Korea Venture Fund).
Bên cạnh đó, là một trong những quốc gia phát triển mạnh nhất trong khu vực châu Á về ngành công nghiệp nhẹ, đặc biệt là trong lĩnh vực điện tử - viễn thông, Chính phủ Hàn Quốc đã đưa ra một số quy định như hỗ trợ 50% chi phí mua trang thiết bị phục vụ cho hoạt động sản xuất, ưu tiên đối với việc sử dụng đất và tài sản, cũng như kinh phí hỗ trợ từ Nhà nước cho các dự án nghiên cứu, các kế hoạch đổi mới công nghệ nhằm phù hợp với xu thế phát triển của doanh nghiệp và xã hội.
2.4. Các quy định liên quan đến các chính sách ưu đãi về tài chính cho DNNVV
Song hành với các quy định của pháp luật về việc hỗ trợ thành lập cũng như hoạt động cho các DNNVV, Hàn Quốc cũng đã thành lập hệ thống hỗ trợ tài chính cho DNNVV thông qua các chính sách thuế và hệ thống bảo lãnh tín dụng phục vụ cho hoạt động vay vốn, huy động vốn hay hoạt động sản xuất.
Về việc thực hiện các chính sách ưu đãi thuế đối các DNNVV, khi ban hành Đạo luật Hạn chế thuế đặc biệt (Restriction of Special Tax Act) đầu tiên vào năm 1998, Hàn Quốc đã tập trung vào những doanh nghiệp đầu tư và nghiên cứu phát triển sản phẩm công nghệ mới. Tuy nhiên, qua nhiều lần sửa đổi, Đạo luật Hạn chế thuế đặc biệt sửa đổi, bổ sung năm 2014 đã đưa ra những quy định rõ ràng về các chính sách miễn thuế, giảm thuế và hoàn thuế đối với các DNNVV đang hoạt động trong mọi lĩnh vực. Ví dụ đối với các doanh nghiệp nhỏ, tùy theo từng trường hợp và điều kiện hoạt động cụ thể theo quy định của pháp luật sẽ được giảm 5%, 10%, 15%, 20% hay 30% hay miễn một số thuế như thuế giá trị gia tăng, thuế trước bạ đối với bất động sản phục vụ hoạt động nghiên cứu phát triển của các DNNVV.
Bên cạnh các chính sách về thuế, hệ thống bão lãnh tín dụng đã tạo điều kiện cho các DNNVV tiếp cận với vốn vay dễ dàng hơn. Với mục đích giảm nhẹ khó khăn tài chính trong việc huy động vốn thành lập và hoạt động doanh nghiệp, hệ thống hỗ trợ tài chính cho DNNVV được thành lập và chia theo ba kênh chính: Quỹ bảo lãnh tín dụng Hàn Quốc, Quỹ bảo lãnh tín dụng công nghệ Hàn Quốc và Quỹ bảo lãnh tín dụng địa phương. Ngoài ra, các DNNVV có thể huy động vốn qua các kênh như phát hành trái phiếu, tiền gửi nhận được từ Quỹ quản lý vốn theo Luật Quản lý quỹ công cộng…
2.5. Các chính sách hoạt động hỗ trợ cho DNNVV của Cơ quan quản lý DNNVV Hàn Quốc (SMBA)
Cơ quan Quản lý DNNVV (SMBA) là cơ quan quan trọng nhất trong việc thiết lập các kế hoạch về chính sách của Chính phủ hỗ trợ cho DNNVV, cũng như chịu trách nhiệm thi hành và phổ biến những quy định của pháp luật đến với các doanh nghiệp. Cơ quan này đóng vai trò tiên phong trong việc cung cấp và phát triển các sáng kiến chính sách giúp DNNVV hoạt động hiệu quả và thiết thực hơn và là “cánh tay phải” đắc lực cho Chính phủ Hàn Quốc trong việc tạo ra các công cụ, chính sách chủ yếu giúp DNNVV phát triển, cạnh tranh lành mạnh với các doanh nghiệp lớn, doanh nghiệp truyền thống. SMBA có trách nhiệm triển khai thực hiện và giám sát hoạt động của các doanh nghiệp khác nhau tùy thuộc vào mỗi loại hình và quy mô doanh nghiệp như doanh nghiệp khởi nghiệp, doanh nghiệp đầu tư mạo hiểm, doanh nghiệp xuất nhập khẩu, doanh nghiệp nhỏ, doanh nghiệp siêu nhỏ...
Về vấn đề khởi nghiệp kinh doanh, với mục tiêu là hướng tới những ý tưởng và công nghệ đột phá, SMBA nắm vai trò to lớn trong việc bồi dưỡng kỹ thuật cũng như những kiến thức nền tảng trong việc khởi nghiệp kinh doanh, đồng thời là người truyền cảm hứng cho những nhà kinh doanh tương lai khởi nghiệp thành công. Để thực hiện mục tiêu ấy, SMBA đã tổ chức những chương trình hội trại khởi nghiệp với tên gọi BizCool, có đối tượng hướng đến chính là học sinh tiểu học, trung học cơ sở và trung học phổ thông, thông qua việc cung cấp những kiến thức cơ bản cũng như hướng dẫn các cách tư duy mới nhằm truyền những cảm hứng kinh doanh cho các em. Bên cạnh đó, SMBA cũng triển khai các hoạt động đào tạo và hướng dẫn về khởi nghiệp tại các trường đại học, cao đẳng, học viện. Với quan điểm giáo dục đóng vai trò quan trọng trong việc khởi nghiệp thành công, SMBA cũng đã thành lập những Hiệp hội và các trường về khởi nghiệp nhằm đào tạo những doanh nhân trẻ thành thế hệ mới giúp phát triển nền kinh tế nước nhà.
Đối với các doanh nghiệp đầu tư mạo hiểm, SMBA đã thành lập các quỹ hỗ trợ vốn thành lập và hoạt động doanh nghiệp như Quỹ kết nối đầu tư (Angel Investment Matching Fund), Quỹ sáng tạo tương lai, hay hệ thống quỹ công cộng nhằm giúp các doanh nghiệp đầu tư mạo hiểm đang gặp khó khăn về vốn. Hơn nữa, SMBA đã thành lập tổ chức KONEX hỗ trợ cho các DNNVV trong việc tạo lập nguồn quỹ cho hoạt động sản xuất, đồng thời xây dựng một mạng lưới thông tin giao dịch M&A cho các DNNVV trong việc kinh doanh hàng hóa hay khởi nghiệp kinh doanh.
Mặt khác, SMBA cũng đã xây dựng một số chính sách khuyến khích các doanh nghiệp siêu nhỏ nhằm giúp các doanh nghiệp khẳng định vị thế của mình trên thương trường, sánh tầm với các “ông lớn” trên thị trường. SMBA đã thiết lập một hệ thống cung cấp các thông tin về hàng hóa, người tiêu dùng, các kế hoạch quy hoạch đô thị, cũng như việc tạo nên mối liên hệ mật thiết giữa các doanh nghiệp siêu nhỏ với nhau, với các doanh nghiệp vừa và với các doanh nghiệp truyền thống. Bên cạnh đó, Chính phủ Hàn Quốc, thông qua SMBA, cũng đã tạo cơ hội phát triển cho các doanh nghiệp siêu nhỏ với quy định về hệ thống phân phối giữa các doanh nghiệp siêu nhỏ với các doanh nghiệp khác thông qua hình thức phân phối truyền thống, lẫn phân phối qua hệ thống logistics trong nước và trong khu vực. Chính phủ cũng đã vạch ra các chiến lược hỗ trợ vốn thông qua việc luân chuyển nguồn vốn hợp lý, các dự án tái đầu tư, các chính sách hỗ trợ ưu đãi về thuế, phí và lệ phí giúp cho doanh nghiệp tránh gặp những gánh nặng khi việc kinh doanh không hiệu quả.
3. Những thành tựu đạt được từ việc hỗ trợ các doanh nghiệp nhỏ và vừa của Hàn Quốc
Trong quá trình hội nhập và phát triển kinh tế không ngừng, phát triển hệ thống DNNVV là mục tiêu trọng tâm của Hàn Quốc. Theo đó, các chính sách hỗ trợ do Chính phủ ban hành đã và đang được triển khai thực hiện thông qua việc tạo môi trường thuận lợi cho doanh nghiệp về hành lang pháp lý, trợ giúp doanh nghiệp tiếp cận với các nguồn lực trọng yếu như nhân lực, thị trường, công nghệ và tài chính. Tùy vào từng giai đoạn phát triển của nền kinh tế trong nước và những biến chuyển của kinh tế thế giới, Nhà nước Hàn Quốc đã xây dựng hợp lý từng lộ trình phát triển và hỗ trợ một cách linh hoạt giúp các DNNVV áp dụng một cách linh hoạt, chủ động và đạt hiệu quả cao. Cuối thế kỷ 20, Hàn Quốc là một trong những nước có tốc độ tăng trưởng kinh tế nhanh nhất trong lịch sử thế giới hiện đại, và là quốc gia duy nhất vươn lên thành công, từ quốc gia chủ yếu nhận viện trợ nước ngoài sang một trong những quốc gia giàu nhất khu vực chỉ trong vài chục năm.
Hiện nay, Hàn Quốc là nền kinh tế lớn thứ ba châu Á và đứng thứ 10 trên thế giới[2]. Việc hỗ trợ các chính sách phát triển cho các DNNVV, tạo mọi điều kiện cho doanh nghiệp vươn lên tầm cao mới, sánh ngang với các tập đoàn lớn trong nước và trên thế giới đã đóng góp to lớn vào tốc độ tăng trưởng vượt bậc của nền kinh tế Hàn Quốc. Tốc độ tăng trưởng GDP đều đặn bình quân là 5% mỗi năm là một yếu tố quan trọng giúp Hàn Quốc luôn nằm trong danh sách những quốc gia giàu mạnh trên thế giới.
4. Khả năng áp dụng chính sách, pháp luật hỗ trợ DNNVV tại Việt Nam
4.1 Thực trạng
Tại Việt Nam hiện nay, các giải pháp Chính phủ xây dựng hỗ trợ cho các DNNVV chủ yếu thể hiện ở các văn bản dưới luật. Cụ thể, đó là Nghị định số 56/2009/NĐ-CP ngày 30/6/2009 của Chính phủ về trợ giúp phát triển DNNVV, Nghị quyết số 22/NQ-CP ngày 5/5/2010 về triển khai thực hiện Nghị định số 56/2009, hay Quyết định số 1231/QĐ-TTg ngày 07/9/2012 của Thủ tướng Chính phủ về Phê duyệt Kế hoạch phát triển DNNVV giai đoạn 2011 – 2015. Theo quy định của Nghị định số 56/2009/NĐ-CP về trợ giúp phát triển DNNVV, DNNVV là cơ sở kinh doanh đã đăng ký kinh doanh theo quy định của pháp luật, được chia thành ba cấp: siêu nhỏ, nhỏ, vừa căn cứ theo quy mô tổng nguồn vốn (tổng nguồn vốn tương đương tổng tài sản được xác định trong bảng cân đối kế toán của doanh nghiệp) hoặc số lao động bình quân năm (với tổng nguồn vốn là tiêu chí ưu tiên), cụ thể như sau:
Quy mô
 Khu vực
Doanh nghiệp siêu nhỏ
Doanh nghiệp nhỏ
Doanh nghiệp vừa
Số lao động
Tổng
nguồn vốn
Số lao động
Tổng
nguồn vốn
Số lao động
1. Nông, lâm nghiệp và thủy sản
10 người trở xuống
20 tỷ đồng trở xuống
từ trên 10 người đến 200 người
từ trên 20 tỷ đồng đến 100 tỷ đồng
từ trên 200 người đến 300 người
2. Công nghiệp và xây dựng
10 người trở xuống
20 tỷ đồng trở xuống
từ trên 10 người đến 200 người
từ trên 20 tỷ đồng đến 100 tỷ đồng
từ trên 200 người đến 300 người
3. Thương mại và dịch vụ
10 người trở xuống
10 tỷ đồng trở xuống
từ trên 10 người đến 50 người
từ trên 10 tỷ đồng đến 50 tỷ đồng
từ trên 50 người đến 100 người
 
Mục đích phân loại DNNVV như vậy một mặt để triển khai các chủ trương, chính sách trợ giúp phát triển doanh nghiệp, mặt khác để tăng cường quản lý nhà nước về trợ giúp phát triển DNNVV ở nước ta.
Tuy nhiên, việc triển khai các chính sách hỗ trợ DNNVV trong thời gian qua cho thấy, chính sách trợ giúp cho DNNVV còn ở mức thấp, chưa đáp ứng nhu cầu phát triển của loại hình doanh nghiệp này. Tỷ lệ DNNVV tham gia và thụ hưởng các chương trình hỗ trợ chính sách của Nhà nước còn ở mức khiêm tốn. Tác động hoạt động trợ giúp đối với DNNVV chưa thể hiện rõ, chưa có trọng tâm, chưa ưu tiên cho ngành trọng điểm, chưa hỗ trợ phát triển cho các cụm liên kết ngành. Bên cạnh đó, nguồn lực dành cho trợ giúp phát triển DNNVV còn phân tán, trình tự thủ tục để thụ hưởng các chính sách hỗ trợ của Nhà nước còn nhiều bất cập, gây khó khăn cho DNNVV… Cụ thể, khó khăn lớn nhất của DNNVV là chi phí đầu vào sản xuất quá lớn, việc kinh doanh phần lớn dựa vào nguồn vốn vay ngân hàng có lãi suất rất cao và khả năng tiếp cận khó khăn. Nguồn lao động bị cạnh tranh với các doanh nghiệp lớn trong nước và cả doanh nghiệp nước ngoài, hơn nữa, các DNNVV cũng phải đối mặt với tình trạng thiếu hụt nhân lực có tay nghề cao. Ngoài ra, do năng lực về vốn chưa đủ mạnh, các doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn về việc tiếp cận công nghệ mới cũng như những chính sách hỗ trợ đổi mới công nghệ. Việc hỗ trợ đầu ra từ các chương trình xúc tiến thương mại trọng điểm quốc gia của Chính phủ cũng chỉ dừng lại ở khâu quảng bá, hỗ trợ kết nối, thông tin tổng quan… còn lại kinh phí cho từng hoạt động kinh doanh là rất lớn, đòi hỏi phải thực hiện trong dài hạn.
Những hạn chế nêu trên có thể thấy, sự quan tâm của Nhà nước dành cho loại hình doanh nghiệp này còn thiếu tính hệ thống, chưa sâu sát, một mặt thể hiện ở hiệu lực của các văn bản pháp luật (đều là văn bản dưới luật) và số lượng các loại văn bản có liên quan; mặt khác, thể hiện ở việc thiếu cơ quan chuyên trách đóng vai trò của một “nhạc trưởng” để thúc đẩy, hỗ trợ, theo dõi hoạt động của những doanh nghiệp này, từ đó có những can thiệp kịp thời.  
4.2. Kiến nghị
Từ kinh nghiệm của Hàn Quốc, với việc xây dựng 19 đạo luật có mục đích rất rõ ràng là thúc đẩy DNNVV khởi nghiệp và tăng trưởng, nâng cao năng lực cạnh tranh, Việt Nam cần ban hành những văn bản pháp luật mang tính hệ thống và bao quát tất cả những vấn đề nhằm giúp hỗ trợ DNNVV từ giai đoạn ý tưởng, đến khởi nghiệp và hoạt động. Trong đó, việc ban hành một văn bản luật về hỗ trợ DNNVV là hết sức cần thiết nhằm luật hoá những chính sách hỗ trợ, tăng cường sự quan tâm của Nhà nước về lĩnh vực này, với những quy định thiết thực như xây dựng quỹ hỗ trợ khởi nghiệp, đơn giản hoá thủ tục trong việc tiếp cận nguồn vốn khởi nghiệp và tái đầu tư kinh doanh, lãi suất cho vay thấp, hỗ trợ trong chuyển giao công nghệ, miễn, giảm thuế trong những năm đầu khởi nghiệp, hỗ trợ mặt bằng, hỗ trợ cung cấp nguồn nhân lực chất lượng cao… 
Bên cạnh đó, việc xây dựng một cơ quan chuyên trách trong việc hỗ trợ DNNVV cũng cần phải đặt ra, nhằm giúp Chính phủ theo dõi sát sao việc thực hiện pháp luật, đồng thời chủ động thực hiện những công việc cần thiết làm tăng tính hiệu quả của pháp luật và chính sách hỗ trợ.
Ngoài ra, giáo dục cũng cần được thay đổi nhằm khuyến khích, động viên và cổ vũ tinh thần tự do sáng tạo của mỗi cá nhân từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường. Tại những quốc gia khởi nghiệp trên thế giới, các cơ sở giáo dục như trường đại học, cao đẳng, học viện luôn đóng vai trò quan trọng trong việc ươm mầm và phát triển những hạt giống về khởi nghiệp. Học hỏi kinh nghiệm từ Hàn Quốc trong việc xây dựng hệ thống hợp tác giữa các doanh nghiêp nhỏ và vừa với các cơ sở đào tạo giáo dục sẽ vừa giải quyết được vấn đề chất lượng nhân lực hiện nay ở nước ta, cũng như khắc phục được tình trạng thất nghiệp hoặc không có khả năng làm việc sau khi ra trường của sinh viên./.

[1] Theo Cơ quan quản lý DNNVV Hàn Quốc (SMBA, “SMBA – Partner of Korean SMEs” ) 2014.
[2] Truy cập website https://vi.wikipedia.org/wiki/Kinh_tế_Hàn_Quốc.

(Nguồn tin: Bài viết đăng tải trên ấn phẩm Nghiên cứu lập pháp số 6(310) - tháng 3/2016)


Thống kê truy cập

33943384

Tổng truy cập