Quyền biểu tình của công dân và những vấn đề đặt ra đối với công tác xây dựng Luật Biểu tình

01/12/2015

PGS.TS. VŨ HỒNG ANH

Viện Nghiên cứu Lập pháp

1. Quan niệm về biểu tình, quyền biểu tình
 Biểu tình là một trong những quyền cơ bản của công dân. Ở các nước, quyền này được ghi nhận trong Hiến pháp, và đã được cụ thể hóa bằng văn bản luật. Ở Việt Nam, quyền biểu tình cũng được ghi nhận ngay trong bản Hiến pháp đầu tiên của nước Việt Nam - Hiến pháp năm 1946 cũng như Hiến pháp hiện hành - Hiến pháp năm 2013. Tuy nhiên, trên diễn đàn khoa học pháp lý, quan niệm về biểu tình, quyền biểu tình của công dân vẫn là vấn đề còn có các ý kiến khác nhau.
Theo định nghĩa của cuốn Đại Từ điển tiếng Việt, “biểu tình là tụ họp với nhau lại hoặc diễu hành trên đường phố để biểu thị ý chí, nguyện vọng hoặc biểu dương lực lượng, thường nhằm mục đích gây sức ép gì đó: biểu tình đòi chấm dứt chiến tranh, biểu tình chống khủng bố”[1].
Quan điểm khác viện dẫn định nghĩa trong Bách khoa mở, cho rằng, biểu tình là “hành động bất bạo lực của một nhóm người, nhằm mục đích đưa đến cộng đồng một quan điểm hay một cách nhìn về một vấn đề nào đó trong xã hội”[2].
Quan điểm thứ ba cho rằng, biểu tình là sự tự nguyện tập hợp nhiều người, hành động mang tính phi bạo lực, để bày tỏ thái độ phản đối hay ủng hộ công khai về một vấn đề nào đó trước Nhà nước nhằm làm cho những chủ thể đó phải có những biện pháp thích hợp để đáp ứng lợi ích của mình, của chủ thể khác hoặc của xã hội[3].
Cho dù cách thể hiện của các quan điểm trên về biểu tình có khác nhau, nhưng chúng đều có những điểm chung sau đây:
- Biểu tình là hành động bất bạo lực;
- Biểu tình có sự tham gia một số lượng người nhất định;
- Biểu tình nhằm thể hiện quan điểm của người tham gia biểu tình về một vấn đề nào đó.
Từ đây, có thể nói rằng có 03 dấu hiệu để xác định biểu tình: i) hành động bất bạo lực; ii) có số lượng người tham gia nhất định; iii) mục đích của biểu tình là gửi một thông điệp đến với cộng đồng, xã hội về một vấn đề nào đó trong xã hội.
Tuy nhiên, thực tế của những cuộc biểu tình diễn ra ở nhiều nước cho thấy, lúc đầu có những dấu hiệu như định nghĩa trên chỉ ra, nhưng sau đó biểu tình diễn biến ở mức độ phức tạp hơn, không hẳn chỉ đơn thuần là hành động bất bạo lực. Có những cuộc biểu tình lúc đầu chỉ có vài chục, vài trăm người, sau đó thu hút hàng ngàn, chục ngàn người tham gia gây ra sự bất ổn về an ninh, trật tự, an toàn xã hội.
Trong xã hội có Nhà nước, biểu tình là một hiện tượng khách quan. Biểu tình là một trong những hình thức để người dân thể hiện ý chí, phản ánh quan điểm và công khai gửi đến Nhà nước. Biểu tình là một trong số các quyền tự do dân chủ của công dân. Do vậy, bảo đảm quyền biểu tình cho công dân là trách nhiệm của Nhà nước. Nhà nước cần ban hành pháp luật bảo đảm cho công dân thực hiện quyền tự do dân chủ, đồng thời bảo đảm trật tự, an toàn xã hội cho chính người dân. Biểu tình và quyền biểu tình là hai mặt của một vấn đề, chúng có mối quan hệ mật thiết không thể tách rời nhưng không hoàn toàn đồng nhất với nhau. Quyền biểu tình là hình thức bề ngoài, được thể hiện bằng những quy phạm pháp luật do Nhà nước ban hành. Biểu tình chính là nội dung của quyền biểu tình thông qua hoạt động biểu tình trên thực tế.
Khi nghiên cứu về biểu tình và quyền biểu tình, có nhiều ý kiến cho rằng cần phải so sánh hoạt động biểu tình với những hoạt động tương tự như: “bạo động”, “bạo loạn”. Theo Bách khoa toàn thư Việt Nam, “bạo động là hoạt động của một số đông người dùng bạo lực nổi dậy nhằm lật đổ chính quyền”[4]. Sự khác biệt giữa biểu tình với bạo động, bạo loạn thể hiện ở tính bạo lực. Bạo động và bạo loạn luôn luôn có kèm theo hành động bạo lực. Từ khi bắt đầu đến khi kết thúc, hành động bạo lực là chủ đạo và xuyên suốt . Xét về mục đích, bạo động và bạo loạn nhằm gây rối an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, hoặc lật đổ chính quyền. Trong khi đó, mục đích của người biểu tình không phải đi gây rối an ninh chính trị hoặc lật đổ chính quyền mà họ đòi hỏi quyền lợi cho mình, cho chủ thể khác hoặc cho toàn xã hội thông qua đấu tranh ôn hòa.
Quyền biểu tình có mối quan hệ mật thiết với quyền tự do ngôn luận. Quyền tự do ngôn luận là quyền được tự do bày tỏ ý kiến, quan điểm cá nhân dưới nhiều hình thức khác nhau như: tìm kiếm, chia sẻ thông tin, tư tưởng và biểu đạt những tư tưởng đó. Trong số những hình thức thể hiện quyền tự do ngôn luận thì hoạt động biểu tình là một phần trong đó. Bởi vì, biểu tình là hình thức tự do bày tỏ ý kiến, quan điểm của một nhóm người (những cá nhân) trước một vấn đề hay sự kiện nào đó. Nhưng hoạt động biểu tình bày tỏ quan điểm, ý kiến ở góc độ lớn hơn, tập hợp được nhiều quan điểm mang tính tập thể hơn. Do vậy, biểu tình chính là một hình thức của tự do ngôn luận.
Tuy nhiên, quyền biểu tình và quyền tự do ngôn luận có nhiều điểm khác biệt. Quyền biểu tình là một hoạt động mang tính tập thể, ý kiến quan điểm được bày tỏ là quan điểm của số đông được tập hợp lại trên cơ sở những quan điểm cá nhân cùng mục đích. Quyền tự do ngôn luận gắn với mỗi con người cụ thể, thường mang màu sắc cá nhân, phản ánh những gì mà một chủ thể ghi nhận được và muốn bày tỏ nó.
Bên cạnh đó, có ý kiến cho rằng quyền tự do ngôn luận là một trong những tiền đề của quyền biểu tình. Có tự do phát biểu, tự do bày tỏ ý kiến, quan điểm thì mọi người mới có thể tập hợp lại để cùng nêu lên ý kiến, quan điểm chung về cùng một vấn đề. Trên cơ sở đó, họ mới thể hiện một sự đòi hỏi mạnh mẽ quyết liệt hơn thông qua biểu tình. Bản chất của hoạt động biểu tình là bày tỏ ý kiến và mong muốn thay đổi. Do đó, sự tự do bày tỏ ý kiến, quan điểm là cơ sở để xây dựng nên quyền biểu tình.
Quyền biểu tình có mối quan hệ mật thiết với quyền tự do hội họp. Quyền tự do hội họp là tiền đề quan trọng để có được quyền biểu tình, nếu không có quyền tự do hội họp sẽ không có quyền biểu tình và hoạt động biểu tình. Bởi vì, hoạt động biểu tình phải gắn liền với việc tụ họp của một nhóm người hoặc nhiều người. Trong khi đó, quyền tự do hội họp là quyền được liên kết lại của một nhóm người trước một vấn đề nào đó mà họ quan tâm. Mục đích tiến hành hội họp là để trao đổi ý kiến với nhau.
Biểu tình là quyền cơ bản của công dân. Thông qua biểu tình, công dân bày tỏ quan điểm của mình một cách công khai và mạnh mẽ nhất đối với các chủ thể khác, yêu cầu các chủ thể đó, đặc biệt là đối với Nhà nước đáp ứng quyền lợi chính đáng của mình. Để công dân có khả năng thực hiện quyền biểu tình trên thực tế thì cần có những bảo đảm. Trong đó, bảo đảm pháp lý có ý nghĩa đặc biệt quan trọng. Nhà nước cần tạo lập hành lang pháp lý cho công dân thực hiện quyền biểu tình thông qua việc ban hành các văn bản pháp luật xác lập quyền biểu tình và các điều kiện bảo đảm thực hiện quyền biểu tình của công dân.
2. Pháp luật quốc tế và pháp luật Việt Nam về quyền biểu tình
Biểu tình là một trong những quyền cơ bản của công dân, được ghi nhận trong nhiều văn kiện pháp lý quốc tế. Tuy nhiên, khác với các quyền căn bản khác như quyền được sống, quyền tự do và an toàn thân thể, quyền tự do ngôn luận và tự do biểu đạt... Quyền biểu tình được ẩn chứa trong quyền tự do hội họp. Khoản 1 Điều 20 Tuyên ngôn toàn thế giới về Nhân quyền năm 1948 khẳng định: “Mọi người đều có quyền tự do hội họp và lập hội một cách hòa bình”[5]. Quy định này được tiếp tục khẳng định tại Điều 21 Công ước quốc tế về các Quyền dân sự và chính trị năm 1966, tại Điều 11 Công ước châu Âu về Nhân quyền năm 1950. Mặc dù văn bản này không xác định cụ thể quyền biểu tình của cá nhân, nhưng bằng việc quy định mọi người có quyền tự do hội họp một cách hòa bình để bày tỏ quan điểm đã hàm chứa quyền biểu tình của cá nhân.
Trong khuôn khổ pháp luật quốc gia, Hiến pháp Mỹ là Hiến pháp thành văn đầu tiên của nhân loại ghi nhận quyền biểu tình của công dân. Tu chính án thứ nhất được Quốc hội Mỹ thông qua, có hiệu lực ngày 15/12/1791 bổ sung quyền “tự do tôn giáo, tự do ngôn luận, tự do báo chí, tự do họp hội, và kiến nghị”[6]. Hiến pháp các nước sau chiến tranh thế giới thứ hai như Ba Lan, Canada, Nhật Bản, Pháp..., bên cạnh việc khẳng định quyền tự do hội họp, còn trực tiếp ghi nhận quyền biểu tình của công dân.
Ngày nay trên thế giới, trong xu thế mở rộng dân chủ, ngày càng có nhiều quốc gia công nhận quyền biểu tình không chỉ cho công dân của mình, mà cho cả người nước ngoài, người không quốc tịch.
Ở Việt Nam, ngay sau khi nước Việt Nam dân chủ cộng hòa được thành lập, ngày 13/9/1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký Sắc lệnh số 31 quy định về thể thức tổ chức các cuộc biểu tình. Sắc lệnh quy định: “Xét vì tự do hội họp là một trong những nguyên tắc của chế độ dân chủ cộng hòa, nhưng trong tình thế đặc biệt hiện thời cần phải xem xét kiểm soát những cuộc biểu tình để tránh những sự bất trắc có thể ảnh hưởng đáng tiếc đến việc nội trị hay ngoại giao; Điều thứ 1: Những cuộc biểu tình phải khai trình trước hai mươi bốn giờ với các Uỷ ban nhân dân sở tại trong thời kỳ này; Điều thứ 2: Ông Bộ trưởng Nội vụ và các Uỷ ban nhân dân Bắc Trung Nam bộ chịu uỷ nhiệm thi hành sắc lệnh này[7]. Như vậy, Sắc lệnh do Chủ tịch Hồ Chí Minh ký là văn bản pháp luật đầu tiên của nước Việt Nam dân chủ thừa nhận công dân Việt Nam có quyền biểu tình, đồng thời xác định trách nhiệm của Nhà nước bảo đảm cho công dân thực hiện quyền biểu tình.
Hiến pháp đầu tiên của nước Việt Nam dân chủ cộng hòa, Hiến pháp năm 1946 không trực tiếp ghi nhận quyền biểu tình của công dân, mà thể hiện thông qua quyền tự do tổ chức hội họp. Điều 11 Hiến pháp quy định: “Công dân Việt Nam có quyền tự do ngôn luận, tự do xuất bản, tự do tổ chức hội họp, tự do tín ngưỡng, tự do cư trú đi lại trong nước và ra nước ngoài”.
Đến Hiến pháp năm 1959, quyền biểu tình chính thức được ghi nhận thành một quyền riêng bên cạnh quyền hội họp, lập hội. Điều 25 Hiến pháp quy định: “Công dân nước Việt Nam dân chủ cộng hoà có các quyền tự do ngôn luận, báo chí, hội họp, lập hội và biểu tình. Nhà nước bảo đảm những điều kiện vật chất cần thiết để công dân được hưởng các quyền đó”. Kế thừa quy định của Hiến pháp năm 1959, Hiến pháp năm 1980, năm 1992 và Hiến pháp hiện hành tiếp tục ghi nhận quyền biểu tình của công dân. Điều 25 Hiến pháp năm 2013 quy định: “Công dân có quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, tiếp cận thông tin, hội họp, lập hội, biểu tình. Việc thực hiện các quyền này do pháp luật quy định”.
Trải qua hơn 50 năm từ khi quyền biểu tình của công dân được Hiến pháp ghi nhận là quyền cơ bản, việc thực thi quyền biểu tình ở nước ta vẫn là vấn đề còn để ngỏ. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng này, trong đó nguyên chủ yếu là cơ chế pháp lý thực thi quyền biểu tình không đầy đủ, thiếu đồng bộ. Hiện nay, những vấn đề liên quan đến quyền biểu tình được điều chỉnh bởi Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2013 và các văn bản hướng dẫn thi hành; Nghị định số 38/2005 ngày 18/3/2005 của Chính phủ Quy định một số biện pháp bảo đảm trật tự công cộng; Thông tư số 09/2005 ngày 5/9/2005 của Bộ Công an hướng dẫn thi hành một số điều của Nghị định số 38/2005. Mặc dù nội dung của Nghị định số 38 và Thông tư số 09 không trực tiếp đề cập đến quyền biểu tình của công dân, nhưng các quy định về tập trung đông người ở nơi công cộng, thủ tục đăng ký tập trung đông người ở nơi công cộng, các biện pháp bảo đảm trật tự cộng cộng... cho thấy các văn bản này điều chỉnh một số quan hệ xã hội liên quan đến quyền biểu tình của công dân.
Với nội dung bó hẹp trong phạm vi quy định về tập trung đông người ở nơi công cộng, Nghị định số 38 và Thông tư số 09 không điều chỉnh tất cả những vấn đề liên quan đến quyền biểu tình của công dân, bởi lẽ một mặt, biểu tình không chỉ là tập trung đông người; mặt khác, có những vấn đề như việc đưa ra những hạn chế liên quan đến quyền biểu tình của công dân chỉ có thể do luật quy định.
Thực tế những năm qua cho thấy, do thiếu cơ sở pháp lý nên đã xảy ra tình trạng biểu tình tự phát mà các cơ quan chức năng không kiểm soát được. Có thể lấy ví dụ từ các cuộc biểu tình của những người dân mua chung cư bị lừa gạt, đến các cuộc lãn công, biểu tình của những người công nhân của một số doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài ở một số tỉnh, thành phố. Đặc biệt, năm 2014 khi Trung Quốc có hành vi hạ đặt giàn khoan ở Biển Đông, xâm phạm chủ quyền của nước ta đã gây làn sóng phản ứng dữ dội của người dân Việt Nam ở trong và ngoài nước.
Ở trong nước, nhiều cuộc biểu tình tự phát phản đối Trung Quốc đã diễn ra. Từ các cuộc biểu tình tự phát dẫn đến các cuộc bạo loạn đáng tiếc xảy ra ở Bình Dương hay Vũng Áng, Hà Tĩnh. Trong khi đó, công dân Việt Nam đang sinh sống và làm việc ở các nước như Đức, Ba Lan, Liên bang Nga, Mỹ, Séc..., dựa trên cơ sở pháp lý của nước sở tại, cũng tiến hành biểu tình phản đối Trung Quốc, nhưng các cuộc biểu tình đó diễn ra trong hòa bình, không gây ảnh hưởng đến trật tự, an toàn xã hội của nước bạn.
Từ thực tế trên cho thấy, nhu cầu hoàn thiện cơ sở pháp lý về quyền biểu tình của công dân, trong đó, trước hết là ban hành Luật Biểu tình ở nước ta đang là vấn đề cấp thiết hiện nay. Việc ban hành Luật Biểu tình là bước đi đầu tiên cụ thể hóa quy định của Hiến pháp, bảo đảm cho công dân thực hiện quyền hiến định của mình. Luật Biểu tình sẽ bảo đảm cho người dân khi tham gia biểu tình biết giới hạn quyền của mình, được bày tỏ nguyện vọng chính đáng của mình với Nhà nước một cách hòa bình, trật tự, trong khuôn khổ của pháp luật. Mặt khác, Luật Biểu tình sẽ là công cụ, bảo đảm cho Nhà nước khả năng kiểm soát có hiệu quả hoạt động biểu tình của công dân không vượt quá giới hạn do luật định. Bên cạnh đó, Luật Biểu tình cũng sẽ giúp cho Nhà nước biết rõ hơn nguyện vọng của người dân để kịp thời điều chỉnh chính sách, pháp luật.
3. Những vấn đề đặt ra đối với công tác xây dựng Luật Biểu tình hiện nay
Việc xây dựng và ban hành Luật Biểu tình ở nước ta hiện nay là cần thiết. Tuy nhiên, để bảo đảm chất lượng, hiệu quả và tính khả thi của Luật cần giải quyết một số vấn đề sau đây:
Thứ nhất, trong bối cảnh các thế lực thù địch thường lợi dụng các quyền tự do dân chủ và tự do cá nhân của công dân đặc biệt là quyền tự do ngôn luận, tự do thông tin, tự do báo chí, quyền hội họp, biểu tình để phục vụ mục đích chống phá Nhà nước, phá hoại an ninh chính trị, gây bất ổn xã hội thì việc xây dựng và ban hành các văn bản luật điều chỉnh những vấn đề mang tính chất nhạy cảm như quyền tự do dân chủ, quyền biểu tình của công dân đòi hỏi cần được tiến hành một cách thận trọng, khoa học. Cần phải tiến hành khảo sát, tập hợp ý kiến của đông đảo các đối tượng trong xã hội như: người dân, người lao động, doanh nghiệp, sinh viên, nhà khoa học, cơ quan quản lý, cơ quan bảo vệ pháp luật... về các quy định trong Dự thảo Luật Biểu tình; tổ chức thường xuyên các cuộc hội thảo, tọa đàm về những chính sách, dự kiến nội dung của Dự thảo Luật; nghiên cứu, đánh giá dự báo những tác động có thể diễn ra sau khi Luật Biểu tình được ban hành làm cơ sở cho các nhà hoạch định chính sách lựa chọn phương án khả thi nhất cho Dự án Luật.
Thứ hai, do lo ngại về việc các thế lực thù địch lợi dụng quyền biểu tình của công dân nhằm gây mất ổn định chính trị, ảnh hưởng đến trật tự, an toàn xã hội, một bộ phận cán bộ, người dân còn bày tỏ thái độ dè dặt, thận trọng khi nói đến quyền biểu tình của công dân. Trong khi đó, công tác tuyên truyền phổ biến, giáo dục pháp luật về quyền con người, quyền công dân còn nhiều bất cập, hiệu quả chưa cao, dẫn đến cách hiểu không thống nhất về quyền biểu tình của công dân, Luật Biểu tình, vô hình chung đã tạo ra rào cản nhất định cho việc xây dựng và ban hành Luật này. Vì vậy, trong thời gian tới cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về quyền biểu tình, quyền công dân; ý nghĩa, mục đích và nội dung của pháp luật về quyền biểu tình. Qua đó, nhằm nâng cao nhận thức của người dân về quyền biểu tình, pháp luật về biểu tình, tạo ra sự đồng thuận cao trong xã hội về Luật này.
Thứ ba, sự tham gia của các phương tiện thông tin đại chúng trong hoạt động tuyên truyền phổ biến pháp luật, quyền con người, quyền công dân có ý nghĩa đặc biệt quan trọng đối với việc nâng cao nhận thức xã hội về vấn đề tự do, dân chủ và nhân quyền. Tuy nhiên, do nhân quyền được coi là một vấn đề nhạy cảm, nên những vấn đề nhân quyền trong nước không được thường xuyên đề cập một cách trực tiếp trên các phương tiện thông tin đại chúng, trong trường hợp có đề cập thì thường dưới hình thức phê phán các thế lực phản động, thù địch xuyên tạc, lợi dụng nhân quyền để chống phá Nhà nước và chế độ ta. Do vậy, công tác truyền thông chưa tạo ra được đồng thuận, nhận thức đầy đủ trong nhân dân về vấn đề dân chủ và nhân quyền.
Để góp phần tạo ra sự nhận thức đầy đủ trong nhân dân về quyền biểu tình, pháp luật về biểu tình, các phương tiện thông tin đại chúng cần đổi mới phương pháp thông tin; tích cực, chủ động, thông tin kịp thời, đầy đủ tất cả những vấn đề liên quan đến quyền biểu tình, pháp luật về biểu tình; tạo diễn đàn trao đổi ý kiến của người dân, kể cả những ý kiến thuận chiều và những ý kiến trái chiều. Việc phê phán ý kiến trái chiều phải dựa trên luận cứ khoa học. Đặc biệt, cần tập trung thông tin ý nghĩa và vai trò của Luật Biểu tình, cụ thể như sau:
- Việc xây dựng Luật Biểu tình là nhằm cụ thể hóa quy định của Hiến pháp về quyền biểu tình của công dân, bảo đảm cho công dân thực hiện quyền hiến định của mình;
- Luật Biểu tình sẽ tạo cơ sở pháp lý cho các cơ quan chức năng thực hiện đầy đủ trách nhiệm và quyền hạn theo luật định; quản lý tốt hơn, có hiệu quả hơn an ninh, trật tự, an toàn xã hội;
- Luật Biểu tình sẽ tạo hành lang pháp lý cho việc giải tỏa những căng thẳng, bức xúc trong xã hội, qua đó tạo ra sự đồng thuận xã hội nhằm thúc đẩy kinh tế-xã hội phát triển;
- Luật Biểu tình sẽ là căn cứ pháp lý để chúng ta đấu tranh chống lại những xuyên tạc về dân chủ, nhân quyền ở nước ta của các thế lực thù địch.
Thông qua các hoạt động nêu trên, các phương tiện thông tin đại chúng sẽ góp phần quan trọng vào việc xây dựng và ban hành Luật Biểu tình ở nước ta hiện nay./.                      .
 

 
[1] Xem Nguyễn Như Ý, Đại Từ điển tiếng Việt, Nxb. Văn hóa-Thông tin, Hà Nội, 1999, tr.165.
[2] https://vi.wikipedia.org/wiki/Biểu tình.
[3] Xem, GS.TS. Phan Trung Lý, Đề tài nghiên cứu khoa học cấp bộ “Cơ sở lý luận và thực tiễn cụ thể hóa quy định của Hiến pháp về quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí; quyền được thông tin; quyền hội họp, lập hội, biểu tình của công dân, Viện nghiên cứu Lập pháp, Hà Nội, 2013, tr. 41.
[4]http://dictionary.bachkhoatoanthu.gov.vn/
[5] Xem: Tuyên ngôn quốc tế Nhân quyền 1948 - Mục tiêu chung của nhân loại, Gudmundur Alfredsson&Asbiorn Eide chủ biên. Bản dịch của Hoàng Hồng Trang, Nguyễn Hải Yến, Nguyễn Thị Xuân Sơn, Nxb. Lao động - Xã hội, Hà Nội, 2010, tr. 433.
[6] Xem. https://vi.wikipedia.org/wiki/Danh sách các tu chính án Hiến pháp Hoa Kỳ.
[7] Xem. http://dangcongsan.vn/cpv/Modules/News/NewsDetail.aspx?co_id=30008&cn_id=18367

(Nguồn tin: Bài viết đăng tải trên Ấn phẩm Tạp chí Nghiên cứu lập pháp số 23(303), tháng 12/2015)


Thống kê truy cập

33949984

Tổng truy cập