Công nhận quyết định cho trẻ em Việt Nam làm con nuôi ở nước ngoài và hệ quả của việc nuôi con nuôi phát sinh ở nước ngoài

01/12/2017

ThS. PHẠM THỊ KIM ANH

Cục Con nuôi, Bộ Tư pháp

Tóm tắt: Trong thủ tục giải quyết nuôi con nuôi có yếu tố nước ngoài, việc ra quyết định cho trẻ em Việt Nam làm con nuôi ở nước gốc chưa phải là thủ tục pháp lý cuối cùng. Nhằm bảo đảm quyền và lợi ích của trẻ em được nhận làm con nuôi ở nước ngoài trong thời gian tới, cần tiếp tục nghiên cứu sửa đổi và bổ sung quy định của pháp luật về nuôi con nuôi nói chung và nuôi con nuôi có yếu tố nước ngoài nói riêng cho phù hợp với thông lệ quốc tế.
Từ khóa: con nuôi có yếu tố nước ngoài; trẻ em Việt Nam làm con nuôi ở nước ngoài; bảo vệ trẻ em; Công ước La Hay
Abstract:In the procedures of settlement of the matters related to the adopted children with the foreign elements, the decision making for Vietnamese children to be adopted in the original nation is not the final legal step. In order to ensure the rights and interests of the children to be overseas adopted in the coming time, it is necessary to further revies, amend the legal provisions on children adoption in general and the adoption of children with the foreign elements in particular in accordance with international practices.
Keywords: adopted children with the foreign elements; Vietnamese children being adopted abroad; children protection; Hague Convention
Untitled_321.jpg
Ảnh minh họa: nguồn internet
Nuôi con nuôi có yếu tố nước ngoài là một hiện tượng xã hội khách quan, phát triển cùng với các mối quan hệ hôn nhân và gia đình có yếu tố nước ngoài. Dưới góc độ xã hội, nuôi con nuôi có yếu tố nước ngoài là một biện pháp thay thế cuối cùng khi không tìm được một gia đình thích hợp cho trẻ em ở chính quốc gia của mình[1]. Dưới góc độ pháp lý, nuôi con nuôi có yếu tố nước ngoài nhằm mục đích tạo lập mối quan hệ cha mẹ và con lâu dài, bền vững giữa người nhận con nuôi và trẻ em được nhận làm con nuôi[2]. Nghiên cứu việc công nhận quyết định cho trẻ em Việt Nam làm con nuôi ở nước ngoài và hệ quả của việc nuôi con nuôi phát sinh ở nước ngoài nhằm hiểu rõ mối quan hệ pháp lý giữa trẻ em được nhận làm con nuôi với nước nhận và hệ quả của việc nuôi con nuôi theo quy định pháp luật nước ngoài, nhất là khi các nước có quy định khác nhau về hệ quả của việc nuôi con nuôi, do ảnh hưởng điều kiện văn hóa, kinh tế, xã hội và tôn giáo của mỗi nước.
1. Căn cứ pháp lý và điều kiện công nhận
1.1 Theo hiệp định hợp tác song phương về nuôi con nuôi
Kể từ năm 2000 cho đến nay, việc giải quyết cho trẻ em Việt Nam làm con nuôi nước ngoài được thực hiện trong khuôn khổ điều ước quốc tế (ĐƯQT) song phương giữa Việt Nam với các nước như Pháp[3], Đan Mạch[4], Italia[5], Thụy Sỹ[6], Tây Ban Nha[7], Ailen[8], Thụy Điển[9], Hoa Kỳ[10], Canada[11]. Từ năm 2003 đến năm 2015, trong khuôn khổ hợp tác song phương, 12.227 trẻ em đã được giải quyết cho làm con nuôi ở nước ngoài[12]. Kể từ khi nước ta trở thành thành viên Công ước La Hay năm 1993, các nước Pháp, Italia, Tây Ban Nha, Đan Mạch và Thụy Sỹ tiếp tục duy trì hiệp định hợp tác song phương đồng thời với việc thực hiện Công ước La Hay. Các nước Hoa Kỳ, Ai len, Thụy Điển, Canada, Đức, Luxembourg, Na Uy và Bỉ hợp tác với Việt Nam trong khuôn khổ Công ước La Hay.
Trong khuôn khổ hợp tác song phương, quyết định cho trẻ em Việt Nam làm con nuôi được đương nhiên công nhận tại nước nhận, trừ phi việc công nhận này trái với chính sách công hoặc trật tự công, hoặc quyết định nuôi con nuôi được công nhận nếu không trái với những nguyên tắc và giá trị cơ bản của pháp luật của nước có yêu cầu, có tính đến lợi ích của trẻ em[13]. Tuy nhiên, quyết định nuôi con nuôi còn phải tuân thủ quy định pháp luật của nước gốc và Hiệp định song phương mới được đương nhiên công nhận.
Bên cạnh điều khoản công nhận việc nuôi con nuôi do cơ quan có thẩm quyền của  Việt Nam giải quyết, Hiệp định hợp tác về nuôi con nuôi giữa Việt Nam và Pháp còn quy định: Trường hợp pháp luật của nước nơi người nhận con nuôi thường trú quy định một hình thức nuôi con nuôi đòi hỏi phải có một quyết định mới về việc nuôi con nuôi thì quyết định đó thuộc thẩm quyền của cơ quan nhà nước của nước ký kết nơi người nhận con nuôi thường trú[14]. Như vậy, trước khi Công ước La Hay có hiệu lực thi hành, ở Việt Nam, để quyết định cho trẻ em Việt Nam làm con nuôi ở nước ngoài phát sinh hệ quả theo hình thức nuôi con nuôi trọn vẹn theo pháp luật của Pháp, cha mẹ nuôi người Pháp phải tiến hành thủ tục nhận trẻ em làm con nuôi một lần nữa trước Tòa án có thẩm quyền của Pháp. Trên thực tế, 95% trẻ em nước ngoài được nhận làm con nuôi con nuôi tại Pháp chủ yếu theo hình thức con nuôi trọn vẹn[15].
1.2 Theo Công ước La Hay năm 1993 về bảo vệ trẻ em và hợp tác trong lĩnh vực con nuôi quốc tế
Điều 24 Công ước La Hay quy định một quốc gia chỉ có thể từ chối công nhận việc nuôi con nuôi nếu việc nuôi con nuôi đó trái với chính sách công của quốc gia đó, có xem xét đến lợi ích tốt nhất của trẻ em. Như vậy, để công nhận việc nuôi con nuôi được thực hiện ở những nước thành viên thì việc nuôi con nuôi không được trái chính sách công hoặc trật tự công, có tính đến lợi ích của trẻ em. Điều 23 Công ước La Hay còn quy định những trường hợp nuôi con nuôi được các cơ quan có thẩm quyền của quốc gia ký kết chứng nhận phù hợp với Công ước được công nhận có giá trị pháp lý ở các nước thành viên khác.
1.3 Theo pháp luật nước ngoài
Việc công nhận quyết định nuôi con nuôi được thực hiện ở nước ngoài là một vấn đề hết sức phức tạp[16], phụ thuộc vào pháp luật của nước nơi người nhận con nuôi thường trú, đặc biệt hơn khi nước nhận có chính sách hạn chế vấn đề này hoặc thực hiện chính sách hạn chế nhập cư[17]. Nhiều trường hợp việc nuôi con nuôi không được công nhận ở nước ngoài dẫn đến hiện tượng nhận con nuôi “què cụt” (limping adoption); điều này không bảo đảm lợi ích của trẻ em.
1.3.1 Theo pháp luật Pháp
Trong khuôn khổ ĐƯQT, quyết định nuôi con nuôi ở nước ngoài được đương nhiên công nhận ở Pháp mà không phải tiến hành thủ tục cho thi hành quyết định (exequatur). Hồ sơ ghi chú quyết định nuôi con nuôi phải đầy đủ các giấy tờ, tài liệu theo quy định của pháp luật, bao gồm cả giấy chứng nhận hoàn tất thủ tục theo Điều 23 Công ước La Hay, giấy xác nhận không có khiếu nại, phản đối việc nuôi con nuôi ở nước ngoài và việc nuôi con nuôi chấm dứt hoàn toàn mối quan hệ giữa trẻ em với cha mẹ đẻ và không thể hủy bỏ. Viện Công tố tại Tòa án sơ thẩm có thẩm quyền rộng Nantes có thẩm quyền xem xét công nhận các quyết định nuôi con nuôi đối với trẻ em sinh ra ở nước ngoài. Nếu như Viện Công tố xét thấy việc nuôi con nuôi được thực hiện ở nước ngoài có hệ quả pháp lý tương ứng với hình thức nuôi con nuôi trọn vẹn theo quy định của pháp luật Pháp thì quyết định nuôi con nuôi được ghi chú theo Điều 370-5 Bộ luật Dân sự Pháp[18]. Trong trường hợp này, Cơ quan hộ tịch quốc gia Nantes tiến hành thủ tục ghi chú các quyết định nuôi con nuôi đối với trẻ em sinh ra ở nước ngoài. Việc ghi chú này có giá trị như việc lập giấy khai sinh của trẻ em và giấy khai sinh gốc coi như không còn có giá trị. Tuy nhiên, ngoài việc được mang họ của cha mẹ nuôi, trẻ em được nhận làm con nuôi vẫn giữ tên gọi cũ. Cha mẹ nuôi Pháp sẽ phải tiến hành thủ tục thay đổi tên của con nuôi trước Tòa thị chính nơi cha mẹ nuôi thường trú.
Trường hợp nuôi con nuôi ở nước không thuộc thành viên Công ước La Hay, điều kiện công nhận được quy định tại Điều 370-5 Bộ luật Dân sự theo đó quyết định nuôi con nuôi nước ngoài phải được thực hiện theo đúng pháp luật của nước ra quyết định việc nuôi con nuôi. Theo án lệ của Tòa phá án Pháp ngày 20/2/2007, cơ quan có thẩm quyền công nhận phải kiểm tra tính hợp lệ của quyết định nuôi con nuôi, cụ thể là thẩm quyền giải quyết của tòa án/cơ quan nước ngoài, tuân thủ trật tự công và không có gian lận pháp luật[19]. Do không chắc chắn về hệ quả của việc nuôi con nuôi được tuyên ở nước ngoài có tương đương với hình thức nuôi con nuôi trọn vẹn theo quy định của pháp luật Pháp không, cha mẹ nuôi Pháp có thể tiến hành thủ tục nhận con nuôi lại một lần nữa trước Tòa án Pháp. Đây là thực trạng phổ biến đối với các trường hợp nhận con nuôi trước khi Công ước La Hay có hiệu lực thi hành ở Việt Nam.
1.3.2 Theo pháp luật Đức
Pháp luật Đức có quy định tương tự như pháp luật Pháp, việc nuôi con nuôi ở nước ngoài được đương nhiên công nhận mà không phải qua thủ tục cho thi hành quyết định (exequatur), khi quyết định đó tuân thủ trật tự công của Đức. Đạo luật ngày 05/11/2001 quy chiếu đến Điều 23 và Điều 26 Công ước La Hay và bổ sung Công ước[20]. Quyết định nuôi con nuôi được tuyên bởi các cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài được đương nhiên công nhận và có hệ quả của việc nuôi con nuôi theo hình thức trọn vẹn ở Đức nếu như việc nuôi con nuôi đó cắt đứt toàn bộ mối quan hệ giữa trẻ em với gia đình gốc và việc nuôi con nuôi không thể hủy bỏ được; nếu không, quyết định nuôi con nuôi sẽ có hệ quả theo hình thức con nuôi đơn giản nhưng có thể được chuyển đổi sang hình thức con nuôi trọn vẹn trước Tòa án giám hộ của Đức[21]. Trường hợp việc nuôi con nuôi được thực hiện ở nước không thuộc thành viên của Công ước La Hay cũng được đương nhiên công nhận, nhưng việc nuôi con nuôi phải được cơ quan có thẩm quyền ở nước ngoài tuyên theo luật tư pháp quốc tế Đức; việc nuôi con nuôi không được trái trật tự công của Đức. Tuy nhiên, hệ quả của việc công nhận quyết định nuôi con nuôi đó chỉ hạn chế trong phạm vi hệ quả của việc nuôi con nuôi theo quy định pháp luật của nước đã ra quyết định. Trong trường hợp này, cha mẹ nuôi Đức có thể tiến hành thủ tục chuyển đổi sang hình thức nuôi con nuôi trước Tòa án giám hộ[22]. Ở Đức, việc tuân thủ trật tự công (các quyền cơ bản) được dẫn chiếu tới việc tôn trọng lợi ích cao nhất của trẻ em được cho làm con nuôi, trong đó việc nuôi con nuôi phải cải thiện điều kiện sống lâu dài của trẻ em[23]. Vì vậy, cần phải đối chiếu lợi ích từ việc nhận con nuôi với những bất lợi từ việc cắt đứt mối liên hệ giữa trẻ em với gia đình gốc của trẻ; việc đánh giá mối quan hệ giữa người nhận con nuôi và trẻ em được nhận làm con nuôi cũng được Tòa án Đức coi là vì lợi ích tốt nhất của trẻ em.
1.3.3 Theo pháp luật Italia
Italia là một trong những nước có quan điểm chặt chẽ về việc công nhận quyết định nuôi con nuôi được thực hiện ở nước ngoài, nhằm phòng tránh trường hợp đưa trẻ em nhập cảnh vào lãnh thổ Italia một cách bất hợp pháp. Chính vì vậy, pháp luật Italia đã đưa ra ba điều kiện: cặp vợ chồng nhận con nuôi trước đó phải được tòa án tuyên bố đủ điều kiện nuôi con nuôi, quyết định nuôi con nuôi phải phù hợp với pháp luật của nước ra phán quyết, và việc nuôi con nuôi không được trái với những nguyên tắc cơ bản của pháp luật Italia về gia đình và trẻ em[24]. Ngoài ra, cha mẹ nuôi Italia phải có thời gian nuôi thử trẻ em ít nhất là 6 tháng, thời hạn này có thể được kéo dài tùy thuộc vào lợi ích của trẻ em. Tòa án vị thành niên có thẩm quyền quyết định hệ quả của việc nuôi con nuôi được thực hiện ở nước ngoài. Trong khuôn khổ Công ước La Hay[25], quyết định nuôi con nuôi được thực hiện ở nước ngoài được công nhận trước tòa án vị thành niên khi quyết định đó không trái với quy định pháp luật Italia, có giấy đồng ý cho phép trẻ em được nhập cảnh và thường trú ở Italia, giấy chứng nhận tuân thủ quy định của Công ước do Ủy ban con nuôi quốc tế thuộc Hội đồng Bộ trưởng cấp[26]. Việc nuôi con nuôi được công nhận sẽ có hệ quả của việc nuôi con nuôi theo quy định của pháp luật Italia. Trường hợp giải quyết nuôi con nuôi nước ngoài không thuộc phạm vi Công ước La Hay, các quyết định nuôi con nuôi được tuyên ở nước ngoài phải tuân thủ các điều kiện về việc từ bỏ trẻ em vị thành niên hoặc ý kiến đồng ý của cha mẹ đẻ đối với hình thức nuôi con nuôi đòi hỏi phải cắt đứt các mối liên hệ[27].
1.3.4 Theo pháp luật Tây Ban Nha
Ngày 28/12/2007, Nghị viện Tây Ban Nha đã thông qua đạo luật số 54 về nuôi con nuôi quốc tế, trong đó quy định cụ thể việc công nhận các quyết định nuôi con nuôi được thực hiện ở nước ngoài. Ở Tây Ban Nha, các quy định này có tầm quan trọng đặc biệt vì số lượng trẻ em được nhận làm con nuôi ở nước ngoài ngày càng cao hơn số lượng trẻ em được nhận làm con nuôi ở trong nước. Điều 25 Luật đã quy định các quyết định nuôi con nuôi ở nước ngoài được công nhận theo các ĐƯQT và các chuẩn mực quốc tế có hiệu lực thi hành ở Tây Ban Nha, đặc biệt là Công ước La Hay năm 1993. Như vậy, ở Tây Ban Nha, các quyết định nuôi con nuôi ở nước ngoài được đương nhiên công nhận trừ trường hợp trái với trật tự công. Điều 23 Luật đã đưa ra khái niệm trật tự công trong trường hợp áp dụng pháp luật nước ngoài, có tính đến lợi ích của trẻ em và những mối liên hệ thực tế ở Tây Ban Nha.
Bên cạnh đó, pháp luật Tây Ban Nha quy định, các quyết định nuôi con nuôi ở nước ngoài không theo khuôn khổ ĐƯQT phải tuân thủ các điều kiện như về thẩm quyền của cơ quan giải quyết việc nuôi con nuôi của nước ngoài theo quy định pháp luật của nước ra quyết định; việc nuôi con nuôi phải tuân thủ quy định pháp luật của nước được xác định theo quy định xung đột pháp luật của nước nơi ra quyết định; việc nuôi con nuôi ở nước ngoài được công nhận có hệ quả pháp lý tương đương với hệ quả của việc nuôi con nuôi theo quy định của pháp luật Tây Ban Nha. Công chức hộ tịch có thẩm quyền kiểm tra tính có hiệu lực của quyết định nuôi con nuôi được tuyên ở nước ngoài khi thực hiện thủ tục ghi vào sổ hộ tịch[28].
1.3.5 Theo pháp luật Thụy Sỹ
Kể từ khi Công ước La Hay năm 1993 có hiệu lực thi hành ở Thụy Sỹ, quyết định nuôi con nuôi được thực hiện ở nước ngoài được công nhận ở Thụy Sỹ. Trường hợp nhận con nuôi không thuộc phạm vi của ĐƯQT, thì quyết định đó được công nhận ở Thụy Sỹ nếu việc nuôi con nuôi do cơ quan có thẩm quyền của nước nơi người nhận con nuôi thường trú hoặc nước nơi người nhận con nuôi/cặp vợ chồng nhận con nuôi mang quốc tịch giải quyết. Trường hợp hệ quả của việc nuôi con nuôi theo pháp luật nước ngoài có hệ quả pháp lý khác với hệ quả của việc nuôi con nuôi theo pháp luật của Thụy Sỹ thì quyết định nuôi con nuôi đó chỉ được công nhận theo hệ quả của pháp luật của nước đã ra quyết định. Việc ghi chú do cơ quan cấp tổng nơi người nhận con nuôi cư trú thực hiện theo quyết định của cơ quan giám sát cấp tổng. Trường hợp nhận con nuôi ở nước ngoài được công nhận và ghi vào sổ hộ tịch sẽ có hệ quả như trường hợp nhận con nuôi trọn vẹn được tuyên ở Thụy Sỹ[29].
1.3.6 Theo pháp luật Quebec
Trong khuôn khổ Công ước La Hay năm 1993, người nhận con nuôi trình giấy chứng nhận hoàn tất thủ tục theo Điều 23 trước cơ quan con nuôi trung ương Quebec (SAI) và chuyển cho cơ quan trung ương tờ khai hộ tịch Quebec, trong đó ghi rõ họ tên của trẻ em được nhận làm con nuôi. Khi cơ quan trung ương Quebec xác nhận việc nuôi con nuôi tuân thủ Công ước sẽ thông báo cho cơ quan hộ tịch để lập giấy khai sinh mới cho trẻ em, trong đó có ghi họ tên mới của trẻ em được nhận làm con nuôi[30].
Nếu việc nhận con nuôi được thực hiện ngoài khuôn khổ Công ước La Hay, người nhận con nuôi phải tiến hành thủ tục công nhận quyết định nuôi con nuôi trước tòa án Quebec. Khi việc nuôi con nuôi được công nhận, thư ký Tòa án sẽ lập giấy khai sinh mới cho con nuôi[31]. Như vậy, trước khi Công ước La Hay có hiệu lực ở Việt Nam, các quyết định cho trẻ em Việt Nam làm con nuôi được tuân thủ theo Thỏa thuận giữa Chính phủ tỉnh bang Quebec và Chính phủ Việt Nam, theo đó việc công nhận việc nuôi con nuôi vẫn được thực hiện theo thủ tục tư pháp.
1.3.7 Theo pháp luật Bỉ
Quyết định nuôi con nuôi được thực hiện ở nước ngoài phải được công nhận trước khi trẻ em nhập cảnh vào Bỉ. Mục đích của việc công nhận quyết định nuôi con nuôi ở nước ngoài nhằm xác lập mối quan hệ cha mẹ con mới theo quy định pháp luật của Bỉ để con nuôi có quốc tịch Bỉ và có họ tên mới. Thực tiễn ở Bỉ cho thấy, việc từ chối công nhận quyết định nuôi con nuôi ở nước ngoài vì nhiều lý do khác nhau như: vì mục đích nhập cư hoặc lẩn tránh quy định về quốc tịch để hưởng chế độ bảo hiểm xã hội hoặc mục đích đi du học ở Bỉ[32] hoặc trẻ em không nhất thiết được nhận làm con nuôi ở nước ngoài khi vẫn sống cùng với gia đình gốc.
Cơ quan con nuôi của Bỉ xác định hệ quả pháp lý của việc nuôi con nuôi theo hình thức trọn vẹn hay đơn giản tùy thuộc vào pháp luật quốc gia của nước ra quyết định nuôi con nuôi. Sau khi việc nuôi con nuôi được công nhận, Đại sứ quán Bỉ tại nước sở tại cấp hộ chiếu và thị thực nhập cảnh cho trẻ em; người nhận con nuôi trở thành cha mẹ nuôi của trẻ, trẻ em có quốc tịch Bỉ nếu như người nhận con nuôi là người Bỉ; căn cứ vào quyết định công nhận đó, cha mẹ nuôi tiến hành thủ tục ghi hộ tịch của con nuôi vào sổ hộ khẩu của gia đình ở xã[33].
2. Hệ quả của việc nhận trẻ em Việt Nam làm con nuôi ở nước ngoài
Việc công nhận quyết định cho trẻ em Việt Nam làm con nuôi ở nước ngoài bao gồm cả việc công nhận đầy đủ các hệ quả pháp lý của việc nuôi con nuôi theo pháp luật của nước ký kết ra quyết định (Pháp)[34], hoặc theo pháp luật của nước nhận (Hoa Kỳ)[35] hoặc theo pháp luật của nước ký kết nơi hoàn tất thủ tục nuôi con nuôi (Đan Mạch, Italia, Ailen và Thụy Sỹ)[36], nơi tiến hành việc nuôi con nuôi (Thụy Điển)[37] hoặc quy định một cách gián tiếp như hệ quả pháp lý của việc nuôi con nuôi sẽ giống như những hệ quả phát sinh từ việc nuôi con nuôi được thực hiện trong phạm vi tài phán của nước nhận (Canada, Quebec)[38]. Trong các hiệp định hợp tác song phương về nuôi con nuôi, nơi hoàn tất thủ tục nuôi con nuôi hoặc nơi tiến hành việc nuôi con nuôi được hiểu là nước nhận trẻ em hay nước nơi thường trú của người nhận con nuôi. Sau khi tiến hành thủ tục công nhận hoặc cho thi hành quyết định nuôi con nuôi (exequatur), trẻ em Việt Nam được nhận làm con nuôi được coi như là người con hợp pháp của cá nhân hoặc cặp vợ chồng người nước ngoài nhận con nuôi. Kể cả trong khuôn khổ ĐƯQT song phương hay Công ước La Hay, khó khăn lớn nhất khi tiến hành thủ tục công nhận việc nuôi con nuôi chính là sự khác biệt về hệ quả của việc nuôi con nuôi theo quy định pháp luật của các nước. Đối với những nước quy định hình thức nhận con nuôi trọn vẹn như Pháp, Bỉ, Thụy Sỹ, Italia... thì việc công nhận quyết định nuôi con nuôi được thực hiện ở nước ngoài vừa là thủ tục xác nhận tính hợp thức, tuân thủ trật tự công, vừa là việc xác định hệ quả của việc nuôi con nuôi ở nước ngoài có tương ứng với hình thức nhận con nuôi trọn vẹn hay đơn giản theo quy định pháp luật của nước nhận.
Để có thể xác định hệ quả của việc nuôi con nuôi trọn vẹn theo quy định của pháp luật nước ngoài, các nước đều phải căn cứ vào ý kiến đồng ý của cha mẹ đẻ hoặc người giám hộ về việc chấm dứt toàn bộ mối quan hệ pháp lý tồn tại trước đó giữa cha mẹ đẻ và trẻ em được nhận làm con nuôi và việc nuôi con nuôi là không thể hủy bỏ được. Trường hợp trẻ em Việt Nam được nhận làm con nuôi theo hình thức con nuôi trọn vẹn, trẻ em sẽ có họ, tên mới theo họ và tên của cha mẹ nuôi nước ngoài; trẻ em có quốc tịch nước ngoài; các quyền lợi và nghĩa vụ được xác định theo quy định của pháp luật nước ngoài.
Trường hợp cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài xác định hệ quả của việc nuôi con nuôi theo hình thức đơn giản vì ý kiến đồng ý của cha mẹ đẻ hoặc người giám hộ không đáp ứng được hai yêu cầu nêu trên, trẻ em Việt Nam không đương nhiên có quốc tịch nước ngoài và quan hệ cha mẹ con nuôi không thay thế quan hệ cha mẹ con giữa trẻ em và cha mẹ đẻ mà tồn tại đồng thời. Trong trường hợp này, việc nuôi con nuôi có thể bị hủy bỏ. Trường hợp việc nuôi con nuôi nước ngoài tương đương với hình thức nuôi con nuôi đơn giản, người nhận con nuôi có thể tiến hành thủ tục chuyển đổi sang hình thức trọn vẹn trước tòa án có thẩm quyền của nước nơi người nhận con nuôi thường trú theo Điều 27 Công ước La Hay.
Đối với một số nước như Thụy Sỹ và Đức, nếu việc nuôi con nuôi được thực hiện ngoài khuôn khổ Công ước La Hay và hệ quả của việc nuôi con nuôi nước ngoài khác với hệ quả pháp lý của việc nuôi con nuôi theo quy định pháp luật của nước nhận thì việc đương nhiên công nhận chỉ làm phát sinh hệ quả theo quy định của pháp luật của nước đã ra quyết định chứ không làm phát sinh hệ quả của việc nuôi con nuôi theo quy định của pháp luật của nước nơi người nhận con nuôi thường trú. Để tạo mối quan hệ pháp lý theo hình thức nuôi con nuôi trọn vẹn giữa cha mẹ nuôi nước ngoài và trẻ em Việt Nam được nhận làm con nuôi, thông thường cha mẹ nuôi nước ngoài tiến hành thủ tục nhận trẻ em làm con nuôi một lần nữa trước Tòa án có thẩm quyền của nước ngoài nhằm làm phát sinh hệ quả của việc nuôi con nuôi trọn vẹn, mà không lựa chọn tiến hành thủ tục công nhận và ghi vào sổ hộ tịch việc nuôi con nuôi được thực hiện ở nước ngoài. Đây là thủ tục gần như phổ biến ở các nước châu Âu khi công dân của các nước đó nhận trẻ em có quốc tịch nước ngoài trong đó có trẻ em Việt Nam làm con nuôi.
3. Đề xuất khuyến nghị
Việc xác định hệ quả pháp lý của việc nuôi con nuôi theo quy định pháp luật nước ngoài có mối quan hệ chặt chẽ với quy định pháp luật về nuôi con nuôi của nước gốc nói chung và Việt Nam nói riêng, đặc biệt về ý kiến đồng ý của cha mẹ đẻ hoặc người giám hộ của trẻ. Vì vậy, để bảo đảm trẻ em Việt Nam được nhận làm con nuôi ở nước ngoài có đầy đủ các quyền và lợi ích như trẻ em sinh ra ở nước nhận, pháp luật Việt Nam cần có những sửa đổi và bổ sung cho phù hợp với thông lệ quốc tế, cụ thể như sau:
Thứ nhất, nhằm tạo điều kiện cho trẻ em Việt Nam được người nước ngoài nhận làm con nuôi theo hình thức trọn vẹn, pháp luật trong nước về nuôi con nuôi phải quy định rõ nội dung ý kiến đồng ý của cha mẹ đẻ hoặc người giám hộ về việc cho trẻ em làm con nuôi: chấm dứt toàn bộ các mối quan hệ trước đó giữa trẻ em được nhận làm con nuôi và cha mẹ đẻ của trẻ và việc nuôi con nuôi là không thể bị hủy bỏ. Đây là yêu cầu phổ biến của các nước nhận trẻ em nước ngoài làm con nuôi.
Thứ hai, Luật Nuôi con nuôi của nước ta chưa có quy định xác định luật áp dụng đối với hệ quả của việc nuôi con nuôi có yếu tố nước ngoài. Việc thiếu vắng quy định  này gây khó khăn khi thực hiện. Trên thực tế, tất cả trẻ em Việt Nam được nhận làm con nuôi tại các nước ký kết Hiệp định hợp tác về nuôi con nuôi với Việt Nam và theo Công ước La Hay thì hệ quả của việc nuôi con nuôi đó sẽ được áp dụng theo pháp luật của nước ký kết, nơi thường trú của cha mẹ nuôi. Như vậy, Việt Nam đã chấp nhận toàn bộ nội dung của hệ quả pháp lý phát sinh từ việc cho trẻ em Việt Nam làm con nuôi ở các nước là thành viên của ĐƯQT về nuôi con nuôi, bao gồm cả việc chấm dứt hoàn toàn mối quan hệ pháp lý tồn tại trước đó giữa cha mẹ đẻ và trẻ em, trong đó có cả quan hệ thừa kế theo pháp luật[39], trong khi quy định pháp luật của Việt Nam vẫn coi con nuôi thuộc hàng thừa kế thứ nhất.
Ngoài ra, nếu không quy định xác định luật áp dụng đối với hệ quả của việc nuôi con nuôi nước ngoài thì việc xác định hệ quả của việc nuôi con nuôi cũng không chắc chắn. Vì vậy, cần thiết phải bổ sung quy định xác định luật áp dụng đối với hệ quả của việc nuôi con nuôi có yếu tố nước ngoài, nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho trẻ em Việt Nam cũng như trẻ em được nhận làm con nuôi ở nước ngoài dễ dàng có được địa vị pháp lý hợp pháp và đầy đủ tại nước nơi trẻ em thường trú, sau khi được nhận làm con nuôi.
Thứ ba, về việc công nhận quyết định nuôi con nuôi của các cơ quan có thẩm quyền ở nước ngoài. Điều 30 Nghị định số 19/2011/NĐ-CP hướng dẫn chi tiết một số điều của Luật Nuôi con nuôi quy định về việc công nhận và ghi chú các quyết định về nuôi con nuôi giữa công dân Việt Nam và trẻ em Việt Nam thường trú ở nước ngoài hoặc trẻ em nước ngoài, với điều kiện việc nuôi con nuôi không vi phạm các hành vi bị cấm theo Điều 13 Luật Nuôi con nuôi. Trong khi đó, khoản 1 Điều 431 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015 quy định các quyết định, bản án về hôn nhân và gia đình do Tòa án nước ngoài hoặc cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài thực hiện được đương nhiên công nhận nếu không có đơn yêu cầu không công nhận tại Việt Nam được quy định tại các ĐƯQT mà Việt Nam là thành viên. Ngoài ra, khoản 2 Điều 125 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 quy định Chính phủ ghi vào sổ hộ tịch các việc về hôn nhân và gia đình theo bản án, quyết định của Tòa án nước ngoài mà không có yêu cầu thi hành tại Việt Nam hoặc không có đơn yêu cầu không công nhận tại Việt Nam. Tuy nhiên, Luật Hộ tịch năm 2014 chỉ quy định về thủ tục ghi vào sổ hộ tịch việc nuôi con nuôi đã thực hiện ở nước ngoài và xác định Ủy ban nhân dân cấp huyện nơi thường trú của công dân Việt Nam có thẩm quyền ghi vào sổ hộ tịch việc nuôi con nuôi được thực hiện ở nước ngoài. Những quy định không thống nhất nêu trên làm phát sinh những vướng mắc, khó khăn khi có yêu cầu ghi vào sổ hộ tịch việc nuôi con nuôi được thực hiện ở Tòa án nước ngoài khi cả người nhận con nuôi và con nuôi Việt Nam đều không thường trú ở Việt Nam.
Đối với một số trường hợp nhận trẻ em Việt Nam học tập có thời hạn ở nước ngoài được Tòa án nước ngoài giải quyết cho làm con nuôi, phía Việt Nam và quốc gia có liên quan chưa thống nhất xác định có thuộc phạm vi điều chỉnh của Công ước La Hay không, nên việc công nhận các quyết định nuôi con nuôi đó sẽ rất khó khăn. Nếu một bên vi phạm quy định của Công ước thì việc công nhận con nuôi con nuôi này sẽ ảnh hưởng đến các nghĩa vụ quốc tế của Việt Nam[40]. Mặt khác, nếu không công nhận các quyết định nuôi con nuôi này thì lợi ích của trẻ em không được bảo đảm khi tiến hành các thủ tục có liên quan[41]. Gần đây nhất, có yêu cầu ghi vào sổ hộ tịch việc nuôi con nuôi được thực hiện tại Tòa án nước ngoài căn cứ theo quy định về việc lựa chọn thẩm quyền giải quyết các vụ việc dân sự có yếu tố nước ngoài theo pháp luật quốc gia của người nhận con nuôi mà không tính tới thẩm quyền của cơ quan Việt Nam, mặc dù trẻ em đang thường trú ở Việt Nam. Trong trường hợp này, việc công nhận và ghi vào sổ hộ tịch cũng sẽ gặp khó khăn. Như vậy, có thể nói thực tiễn công nhận và ghi vào sổ hộ tịch việc nuôi con nuôi được thực hiện ở nước ngoài rất phong phú và có chiều hướng gia tăng trong khi quy định của pháp luật về nuôi con nuôi trong lĩnh vực này còn chưa theo kịp thực tiễn đó.
Kết luận, trong thủ tục giải quyết nuôi con nuôi có yếu tố nước ngoài, việc ra quyết định cho trẻ em Việt Nam làm con nuôi ở nước gốc chưa phải là thủ tục pháp lý cuối cùng. Để việc nuôi con nuôi có hệ quả theo quy định của pháp luật nước ngoài, quyết định cho trẻ em Việt Nam làm con nuôi ở nước ngoài phải được công nhận. Việc đương nhiên công nhận quyết định nuôi con nuôi được thực hiện ở nước ngoài cũng phải đáp ứng điều kiện chung là không được trái trật tự công của nước nơi có yêu cầu. Sau đó, người nhận con nuôi phải tiến hành thủ tục ghi chú việc nuôi con nuôi ở cơ quan hộ tịch của nước ngoài nhằm xác nhận trẻ em được nhận làm con nuôi được coi như người con hợp pháp của người nhận con nuôi. Nhằm bảo đảm quyền và lợi ích của trẻ em được nhận làm con nuôi ở nước ngoài trong thời gian tới cần tiếp tục nghiên cứu sửa đổi và bổ sung quy định của pháp luật về nuôi con nuôi nói chung và nuôi con nuôi có yếu tố nước ngoài nói riêng cho phù hợp với thông lệ quốc tế./.
 

[1] Lời nói đầu Công ước La Hay. Điều 4b) Công ước La Hay.
[2] Điều 2 Luật Nuôi con nuôi
[3] Hiệp định hợp tác về nuôi con nuôi giữa Việt Nam và Pháp ký ngày 01/2/2000. Hiệp định này vẫn còn có hiệu lực thi hành.
[4] Hiệp định hợp tác về nuôi con nuôi giữa Việt Nam và Đan Mạch ký ngày 26/5/2003. Hiệp định này vẫn còn có hiệu lực thi hành.
[5] Hiệp định hợp tác về nuôi con nuôi giữa Việt Nam và Italia ký ngày 13/6/2003. Hiệp định này vẫn còn có hiệu lực thi hành.
[6] Hiệp định hợp tác về nuôi con nuôi giữa Việt Nam và Thụy Sỹ ký ngày 20/12/2005. Hiệp định này vẫn còn có hiệu lực thi hành.
[7] Hiệp định hợp tác về nuôi con nuôi giữa Việt Nam và Tây Ban Nha ký ngày 05/12/2007. Hiệp định này vẫn còn có hiệu lực thi hành.
[8] Hiệp định hợp tác về nuôi con nuôi giữa Việt Nam và Ailen ký ngày 23/9/2003. Hiệp định này đã hết hiệu lực thi hành.
[9] Hiệp định hợp tác về nuôi con nuôi giữa Việt Nam và Thụy Điển ký ngày 04/02/2004. Hiệp định này đã hết hiệu lực thi hành. 
[10] Hiệp định hợp tác về nuôi con nuôi giữa Việt Nam và Hoa Kỳ ký ngày 21/6/2005. Hiệp định này đã hết hiệu lực thi hành.
[11] Hiệp định hợp tác về nuôi con nuôi giữa Việt Nam và Canada ký ngày 27/6/2005. Hiệp định này đã hết hiệu lực thi hành.
[12] Bộ Tư pháp, Đề án hỗ trợ trẻ em Việt Nam được giải quyết cho làm con nuôi ở nước ngoài tìm về cội nguồn, theo Quyết định phê duyệt số 2070/QĐ-BTP ngày 23/11/2015.
[13] Điều 11 Hiệp định giữa Việt Nam và Hoa Kỳ; Điều 11 Hiệp định giữa Việt Nam và Canada; Điều 12 Hiệp định giữa Việt Nam và Thụy Sỹ.
[14] Khoản 2 Điều 7 Hiệp định hợp tác về nuôi con nuôi giữa  Pháp và  Việt Nam.
[15] Dự thảo Luật cho phép các cặp vợ chồng theo hình thức PACSE nhận con nuôi. https://www.senat.fr/rap/l09-334/l09-3341.html
[16] Jean-Marc Bischoff. Dẫn luận so sánh, Tạp chí RIDC.3-1985, trang 709.
[17] Van Loon, Báo cáo năm 1989 về việc cho nhận trẻ em có nguồn gốc nước ngoài làm con nuôi, Đoạn 119.
[18] http://www.diplomatie.gouv.fr/fr/adopter-a-l-etranger/les-conditions-de-l-adoption-internationale/les-fiches-pratiques-pour-adopter-a-l-etranger/article/transcription-d-un-jugement-d-adoption
[19] Sarah Legros, Công nhận quyết định nuôi con nuôi quốc tế theo pháp luật của Đức và Pháp. http://blogs.u-paris10.fr/content/la-reconnaissance-des-adoptions-en-droit-allemand-et-droit-francais-pa
[20] Công ước La Hay năm 1993 có hiệu lực thi hành ở Đức từ ngày 01/3/2002.
[21] Hướng dẫn thực tiễn quốc tế về hộ tịch của Đức, http://jafbase.fr/docUE/Allemagne/Allemagne-Chap3a5-marsr2006.pdf
[22] Ủy ban quốc tế về hộ tịch, Hướng dẫn thực tiễn quốc tế về hộ tịch của Đức. http://jafbase.fr/docUE/Allemagne/Allemagne-Chap3a5-marsr2006.pdf
[23] Sarah Legros, Công nhận quyết định nuôi con nuôi quốc tế theo pháp luật của Đức và Pháp. http://blogs.u-paris10.fr/content/la-reconnaissance-des-adoptions-en-droit-allemand-et-droit-francais-pa
[24] Jean-Marc Bischoff, Dẫn luận so sánh, Tạp chí RIDC.3-1985, tr. 710
[25] Công ước La Hay năm 1993 có hiệu lực thi hành ở Italia từ ngày 16/11/2000.
[26] Ủy ban quốc tế về hộ tịch, Hướng dẫn thực tiễn quốc tế về hộ tịch của Italia. http://jafbase.fr/docUE/Italie/Italie-Chap3a5-sept2006.pdf
[27] Ủy ban quốc tế về hộ tịch, Hướng dẫn thực tiễn quốc tế về hộ tịch của Italia. http://jafbase.fr/docUE/Italie/Italie-Chap3a5-sept2006.pdf
[29] Ủy ban quốc tế về hộ tịch, Hướng dẫn thực tiễn quốc tế về hộ tịch của Thụy Sỹ. http://jafbase.fr/docUE/Suisse/Suisse-Chap3a5.1.12juin2008.pdf
[30] Nhận con nuôi ở nước ngoài. http://adoption.gouv.qc.ca/fr_adopter-a-letranger
[31] Nhận con nuôi ở nước ngoài. http://adoption.gouv.qc.ca/fr_adopter-a-letranger
[32] Ở Bỉ, từ ngày 01/9/2005 cho tới ngày 31/8/2015, 576/4331 trường hợp nhận con nuôi quốc tế chủ yếu từ Công-gô, Ghana, Cameroun, Rwanda và Thổ Nhĩ Kỳ bị từ chối công nhận vì việc nhận con nuôi vì lý do nhập cư, lẩn tránh quy định về quốc tịch, để hưởng bảo hiểm xã hội hoặc để đi du học ở Bỉ.
[34] Điều 15 Hiệp định hợp tác về nuôi con nuôi giữa Pháp và Việt Nam
[35] Điều 12 Hiệp định hợp tác về nuôi con nuôi giữa Việt Nam và Hoa Kỳ; khoản 1 Điều 12 Thỏa thuận hợp tác về nuôi con nuôi giữa Chính phủ Việt Nam và Chính phủ Quebec.
[36] Điều 13 Hiệp định hợp tác về nuôi con nuôi giữa Đan Mạch và Việt Nam, Điều 13 Hiệp định hợp tác về nuôi con nuôi giữa Việt Nam và Italia, Điều 13 Hiệp định giữa Ailen và Việt Nam; Điều 13 Hiệp định giữa Việt Nam và Thụy Sỹ.
[37] Điều 13 Hiệp định hợp tác về nuôi con nuôi giữa Việt Nam và Thụy Điển.
[38] Điều 12 Hiệp định hợp tác về nuôi con nuôi giữa Việt Nam và Canada.
[39] Nguyễn Công Khanh, Giải quyết xung đột pháp luật và xung đột thẩm quyền về nuôi con nuôi có yếu tố nước ngoài trong tư pháp quốc tế, Kỷ yếu hội thảo “Một số vấn đề thực tiễn về quan hệ nhân thân và tài sản trong tư pháp quốc tế”; Bản dịch Nhà Pháp luật Việt-Pháp, 2005, tr. 39
[40] Phạm Hồ Hương, Thực tiễn áp dụng các quy định về tư pháp quốc tế tại các cơ quan hành chính nhà nước, Báo cáo kết quả đề tài nghiên cứu khoa học cấp Bộ “Cơ sở lý luận và thực tiễn xây dựng Luật Tư pháp quốc tế”, Bộ Tư pháp, Viện KHPL, năm 2016, tr. 200.
[41] Phạm Hồ Hương, Thực tiễn áp dụng các quy định về tư pháp quốc tế  tại các cơ quan hành chính nhà nước. Tlđd, tr. 201.

(Nguồn tin: Bài viết đăng tải trên ấn phẩm Nghiên cứu lập pháp số 23(351)-tháng 12/2017)


Thống kê truy cập

33036179

Tổng truy cập