Những hạn chế của pháp luật điều chỉnh hoạt động đầu tư trái phiếu doanh nghiệp và hoạt động chiết khấu giấy tờ có giá của ngân hàng thương mại

01/07/2014

ThS. NGUYỄN NGỌC LƯƠNG

Đoàn khối Các cơ quan trung ương

PGS.TS. PHẠM THỊ GIANG THU

Đại học Luật Hà Nội

(LTS). Sau một quá trình nghiên cứu và đánh giá việc thực thi pháp luật điều chỉnh hoạt động các ngân hàng thương mại hiện nay[1], các tác giả đề cập đến những hạn chế của pháp luật khi điều chỉnh hoạt động đầu tư của ngân hàng thương mại và hoạt động chiết khấu giấy tờ có giá trong bài viết này.
Untitled_342.png
Ảnh minh họa: nguồn internet
1. Quy định pháp luật gắn với hoạt động đầu tư trái phiếu doanh nghiệp và thực hiện chiết khấu giấy tờ có giá của ngân hàng thương mại
Theo khoản 1, 2, 3 tại Điều 3 Luật Đầu tư 2005, “đầu tư” được hiểu là việc bỏ vốn để hình thành tài sản nhằm tiến hành hoạt động đầu tư; đầu tư có thể là đầu tư trực tiếp hoặc đầu tư gián tiếp, theo đó, đầu tư gián tiếp là “đầu tư thông qua việc mua cổ phần, cổ phiếu, trái phiếu, các giấy tờ có giá khác… mà nhà đầu tư không trực tiếp tham gia quản lý hoạt động đầu tư”. Như vậy, hoạt động đầu tư này có thể là đầu tư vào chứng khoán vốn hoặc chứng khoán nợ và có thể trực tiếp tham gia hay không trực tiếp tham gia quản lý vốn đầu tư.  
Theo Điều 107 Luật các Tổ chức tín dụng 2010, hoạt động kinh doanh khác của ngân hàng có nội dung “mua, bán trái phiếu Chính phủ, trái phiếu doanh nghiệp”. Như vậy, đối chiếu với Luật Đầu tư, đây là hoạt động đầu tư của ngân hàng thương mại và trường hợp này được hiểu là đầu tư gián tiếp theo khoản 3 Điều 3 Luật Đầu tư. Điểm chúng tôi muốn nhấn mạnh và chỉ rõ ngay là: Điều 107 Luật các Tổ chức tín dụng 2010 không quy định việc ngân hàng thương mại được mua, bán trái phiếu doanh nghiệp trong thời gian bao lâu và cách thức mua bán như thế nào. Điều 26 Luật Đầu tư cũng không quy định thời gian tối thiểu được cho từng hoạt động đầu tư gián tiếp.
Theo Điều 4, khoản 19 Luật các Tổ chức tín dụng 2010, chiết khấu giấy tờ có giá là mua bán có kỳ hạn hoặc mua bán có bảo lưu quyền truy đòi các công cụ chuyển nhượng, các giấy tờ có giá khác của người thụ hưởng trước khi đến hạn thanh toán. Ngoài các công cụ chuyển nhượng theo Luật Công cụ chuyển nhượng 2005 (hối phiếu đòi nợ, hối phiếu nhận nợ, séc, các công cụ chuyển nhượng khác được chiết khấu), các giấy tờ có giá khác được Ngân hàng Nhà nước quy định rõ: Tín phiếu Ngân hàng Nhà nước, trái phiếu Chính phủ, kỳ phiếu, tín phiếu, trái phiếu của tổ chức tín dụng, tổ chức khác phát hành[1]. Như vậy, nếu bản chất chiết khấu là mua bán, thì có sự xâm thực giữa hoạt động chiết khấu giấy tờ có giá với hoạt động mua bán các chứng khoán nợ là trái phiếu Chính phủ và trái phiếu doanh nghiệp.
Chính từ những điểm còn chưa rõ, thậm chí chồng lấn nêu trên, một loạt các vấn đề đang đặt ra cho các ngân hàng thương mại cũng như cho Nhà nước. Ít nhất, chúng tôi có thể chỉ ra ba điểm lớn: việc cấp phép hoạt động; giới hạn hoạt động; nghĩa vụ thuế giá trị gia tăng và thuế thu nhập doanh nghiệp của ngân hàng thương mại đối với hoạt động mua bán trái phiếu của doanh nghiệp và hoạt động chiết khấu các giấy tờ có giá của ngân hàng thương mại.
2. Việc cấp phép hoạt động đầu tư gián tiếp và cấp phép hoạt động chiết khấu giấy tờ có giá của ngân hàng thương mại
Kiên trì với quan điểm chủ đạo được ghi nhận tại Điều 90 Luật các Tổ chức tín dụng 2010[2], hoạt động đầu tư trái phiếu và hoạt động chiết khấu giấy tờ có giá của ngân hàng thương mại đều phải được Ngân hàng Nhà nước cấp phép “cho từng tổ chức tín dụng”. Trong thực tiễn, Ngân hàng Nhà nước cấp phép không giống nhau cho các hoạt động kinh doanh ngân hàng không khác nhau.
Đối với hoạt động chiết khấu giấy tờ có giá, trong đó có chiết khấu trái phiếu doanh nghiệp, Điều 4 khoản 3 Thông tư 04/2013/TT-NHNN ngày 1/3/2013 của Ngân hàng Nhà nước có quy định rõ “trong giấy phép thành lập và hoạt động do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cấp có ghi nội dung cấp tín dụng dưới hình thức chiết khấu công cụ chuyển nhượng, giấy tờ có giá khác”. Đối với hoạt động mua bán trái phiếu doanh nghiệp, Điều 5 Thông tư 28/2011/TT-NHNN ngày 1/9/2011 của Ngân hàng Nhà nước quy định “Trong giấy phép thành lập và hoạt động do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cấp có ghi nội dung mua trái phiếu doanh nghiệp”[3]. Tuy nhiên, việc mua trái phiếu doanh nghiệp này cần phải được phân định rõ ràng, cụ thể hơn.    
 Thông tư 28/2012/TT-NHNN ngày 1/9/2011 của Ngân hàng Nhà nước ghi nhận, trái phiếu ngân hàng thương mại và các tổ chức tín dụng có thể mua là “trái phiếu doanh nghiệp phát hành để bán lần đầu cho các đối tượng mua trên thị trường sơ cấp”. Ngoài ra, đương nhiên trái phiếu đã phát hành sẽ được mua bán tiếp trên thị trường thứ cấp. Các ngân hàng thương mại nếu có kế hoạch đầu tư gián tiếp thông qua việc sở hữu trái phiếu doanh nghiệp, có thể mua trái phiếu doanh nghiệp trên thị trường sơ cấp hoặc mua trái phiếu doanh nghiệp trên thị trường thứ cấp. Về lý thuyết, theo quy định tại Điều 90 Luật các Tổ chức tín dụng, hoạt động mua trái phiếu cả ở thị trường sơ cấp và thị trường thứ cấp đều phải xin Ngân hàng Nhà nước cấp giấy phép. Câu hỏi đặt ra là: vậy hoạt động mua bán trái phiếu doanh nghiệp trên thị trường thứ cấp có cần phải xin phép Ngân hàng Nhà nước hay không? Nếu phải xin phép Ngân hàng Nhà nước thì xin phép thực hiện hoạt động mua bán trái phiếu doanh nghiệp hay xin phép thực hiện hoạt động chiết khấu giấy tờ có giá, hay xin phép thực hiện hoạt động kinh doanh chứng khoán, hoặc không cần xin phép Ngân hàng Nhà nước? Chúng tôi đưa ra tình hình thực tế đang được thực hiện ở các ngân hàng thương mại hiện nay: Ngân hàng thương mại cổ phần Quân đội (MB) đã có giấy phép hoạt động ngân hàng thực hiện hoạt động “kinh doanh chứng khoán” và hoạt động “mua trái phiếu doanh nghiệp” theo Giấy phép 0054/NH-GP ngày 14/09/1994 của Ngân hàng Nhà nước cấp. Theo giấy phép này, Ngân hàng cổ phần Quân đội đã và đang thực hiện hoạt động mua bán trái phiếu doanh nghiệp trên cơ sở nội dung được “mua trái phiếu doanh nghiệp” và mua bán lại trái phiếu trên cơ sở nội dung được “kinh doanh chứng khoán”[4]. Còn với Ngân hàng China Construction Bank Corporation - Chi nhánh thành phố Hồ Chí Minh, thì ngày 13/02/2014, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước đã ban hành Quyết định số 187/QĐ-NHNN về việc bổ sung nội dung hoạt động vào Giấy phép của Ngân hàng China Construction Bank Corporation – Chi nhánh thành phố Hồ Chí Minh, chấp thuận việc bổ sung và thay thế nội dung hoạt động “Chiết khấu giấy tờ có giá” ghi tại Tiết b Khoản 1 Điều 5 Giấy phép mở Chi nhánh ngân hàng nước ngoài số 271/GP-NHNN ngày 10/12/2009 do Thống đốc Ngân hàng Nhà nước cấp cho Ngân hàng China Construction Bank Corporation – Chi nhánh thành phố Hồ Chí Minh thành: “Chiết khấu, tái chiết khấu công cụ chuyển nhượng và giấy tờ có giá khác”[5]. Hoặc như đối với trường hợp của Tiền phong Bank, ngân hàng này lại xin giấy phép thực hiện hoạt động mua bán và mua bán lại trái phiếu doanh nghiệp. Ngoài ra, rất nhiều ngân hàng thương mại khác vẫn tiến hành mua bán trái phiếu doanh nghiệp đã phát hành mà không xin phép Ngân hàng Nhà nước với lý do tại Thông tư 28/2011/TT-NHNN ngày 1/9/2011 không quy định phải xin cấp phép[6] cho việc mua bán lại trái phiếu doanh nghiệp đã phát hành. Các ví dụ trên cho thấy, không có chuẩn mực hay hướng dẫn cụ thể nào cho hoạt động mua bán/mua bán lại/đầu tư gián tiếp/chiết khấu trái phiếu doanh nghiệp của ngân hàng thương mại. Như vậy, sẽ rất khó cho của Ngân hàng Nhà nước khi xác định tính tuân thủ của ngân hàng thương mại liên quan đến trái phiếu doanh nghiệp và nếu Cơ quan Thanh tra giám sát ngân hàng có các phán quyết không có lợi cho ngân hàng thương mại, thì khó có thể nhận được sự đồng thuận của ngân hàng thương mại.  
3. Các giới hạn cấp tín dụng của hoạt động mua bán trái phiếu doanh nghiệp và chiết khấu giấy tờ có giá là trái phiếu doanh nghiệp  
Cấp tín dụng luôn được gắn với với các giới hạn an toàn vì nguồn vốn sử dụng để cấp tín dụng chủ yếu từ huy động của người dân và các tổ chức kinh tế. Câu hỏi đặt ra là: hoạt động mua bán trái phiếu doanh nghiệp và chiết khấu công cụ chuyển nhượng và các giấy tờ có giá khác được quy định thế nào và cần hiểu thế nào cho đúng?
Khoản 1 Điều 128 Luật các Tổ chức tín dụng 2010 quy định: “Tổng mức dư nợ cấp tín dụng đối với một khách hàng không vượt quá 15% vốn tự có của ngân hàng thương mại” và cấp tín dụng bao gồm “cho vay, chiết khấu, cho thuê tài chính, bao thanh toán bảo lãnh ngân hàng và các nghiệp vụ cấp tín dụng khác”[7]. Bên cạnh đó, khoản 4 Điều 128 Luật các Tổ chức tín dụng cũng quy định “mức dư nợ cấp tín dụng bao gồm cả tổng mức đầu tư vào trái phiếu do khách hàng phát hành”. Với những quy định pháp luật này, các vấn đề tiếp theo cần phải làm rõ là:
- Nếu ngân hàng mua trái phiếu sơ cấp, bản chất là cho vay đối với tổ chức phát hành trái phiếu, nên quy định giới hạn mua trái phiếu sơ cấp nằm trong giới hạn cấp tín dụng là phù hợp với yêu cầu của việc quy định hạn mức.
- Nếu chiết khấu giấy tờ có giá là trái phiếu doanh nghiệp cũng nằm trong nội hàm của hoạt động cấp tín dụng thì nó cùng nằm trong giới hạn cấp tín dụng của ngân hàng cho một khách hàng
- Nếu mua lại trái phiếu doanh nghiệp dưới hình thức kinh doanh chứng khoán hoặc do hình thức đầu tư trái phiếu không nằm trong phạm vi điều chỉnh của Điều 1, khoản 1, điểm b Thông tư 28/2011/TT-NHNN ngày 1/9/2011 của Ngân hàng Nhà nước như đã dẫn, thì nó có nằm trong giới hạn cấp tín dụng theo Điều 128, khoản 1, 2, 4 hay không, điều này chưa được quy định rõ.
Chúng tôi cho rằng, khoản 4 Điều 128 khi đề cập đến “tổng mức đầu tư vào trái phiếu do khách hàng phát hành” là nói đến việc ngân hàng thương mại đầu tư gián tiếp vào doanh nghiệp phát hành trái phiếu mà không cần biết việc đầu tư đó thực hiện trên thị trường trái phiếu sơ cấp hay thị trường thứ cấp. Tuy nhiên, gắn với cụm từ khách hàng phát hành, lại dẫn đến câu chuyện: việc nhận diện khách hàng có áp dụng đối với doanh nghiệp phát hành chứng khoán hay không, việc nhận diện khách hàng như thế có được hiểu như việc đánh giá xếp hạng tín dụng nội bộ đối với khách hàng theo Điều 93 khoản 2 Luật các Tổ chức tín dụng 2010 hay không? Tất cả những nội dung này, hiện nay pháp luật chưa quy định, làm rõ. Chính sự thiếu rõ ràng và quy định “các hoạt động ngân hàng, hoạt động kinh doanh khác của tổ chức tín dụng quy định tại Luật này và thực hiện theo hướng dẫn của Ngân hàng Nhà nước”[8], nên các ngân hàng thương mại rất dễ lâm vào tình trạng làm trái khi thực hiện hoạt động kinh doanh mà chưa có hướng dẫn cụ thể của Ngân hàng Nhà nước.
4. Nghĩa vụ thuế giá trị gia tăng của ngân hàng thương mại đối với hoạt động mua bán trái phiếu của doanh nghiêp và hoạt động chiết khấu các giấy tờ có giá của ngân hàng thương mại
Ngân hàng thương mại luôn là chủ thể nộp thuế với số tiền thuế rất cao so với các chủ thể là tổ chức kinh tế khác. Đối tượng tính thuế của thuế giá trị gia tăng áp dụng cho ngân hàng thương mại có phần dịch vụ không chịu thuế giá trị gia tăng. Chúng tôi muốn đề cập và làm rõ nội dung này khi phân tích hai hoạt động: chiết khấu giấy tờ có giá và đầu tư vào trái phiếu doanh nghiệp.
Điều 5 khoản 8 Luật Thuế giá trị gia tăng 2008 (đã được sửa đổi, bổ sung năm 2013)[9] quy định, đối tượng không nộp thuế giá trị gia tăng là các dịch vụ tài chính ngân hàng, trong đó dịch vụ cấp tín dụng gồm “cho vay, chiết khấu, tái chiết khấu công cụ chuyển nhượng và các giấy tờ có giá khác; bảo lãnh; cho thuê tài chính; phát hành thẻ tín dụng; bao thanh toán trong nước; bao thanh toán quốc tế; hình thức cấp tín dụng khác theo quy định của pháp luật”. Như vậy, có thể thấy rõ, hoạt động đầu tư trái phiếu doanh nghiệp của ngân hàng thương mại theo Điều 107 Luật các Tổ chức tín dụng 2010 không được quy định trong Luật thuế này như một hình thức cấp tín dụng, bao gồm cả hoạt động mua bán lại ngắn hạn trái phiếu doanh nghiệp còn thời hạn thanh toán (là hình thức chiết khấu giấy tờ có giá). Điều này dẫn đến hệ quả là:
- Nếu hoạt động chiết khấu giấy tờ có giá trong đó có trái phiếu doanh nghiệp, thì ngân hàng thương mại không phải kê khai thuế giá trị gia tăng đối với kết quả hoạt động chiết khấu giấy tờ có giá là trái phiếu doanh nghiệp
- Đối phần thuế giá trị gia tăng đầu vào của hàng hóa dịch vụ sử dụng đồng thời cho hoạt động chịu thuế và hoạt động chiết khấu giấy tờ có giá, thì chỉ được khấu trừ đối với phần tương ứng với tỷ lệ giá trị của kết quả kinh doanh chịu thuế giá trị gia tăng
- Đối với hoạt động đầu tư gián tiếp vào trái phiếu doanh nghiệp, do không phải là hoạt động cấp tín dụng nên sẽ kê khai và nộp thuế giá trị gia tăng bình thường.
Những phân tích này dẫn cho người đọc suy nghĩ: sự không nhất quán trong các quy định pháp luật làm cho việc thực thi quy định pháp luật về thuế không được tôn nghiêm. Đây không phải là sự không nhất quán của hệ thống pháp luật thuế, mà chính là sự không rõ ràng của hệ thống pháp luật ngân hàng, cần được sửa đổi, giải thích rõ ràng và chi tiết hơn so với hệ thống quy định hiện tại./.

 


[1]Xem thêm: Thực thi pháp luật về giao dịch bảo đảm trong hoạt động cấp tín dụng của ngân hàng thương mại – một số vướng mắc pháp lý và đề xuất hoàn thiện, Tạp chí Luật học, 10/2011; Một vài ý kiến về pháp luật điều chỉnh hoạt động góp vốn, mua cổ phần của ngân hàng thương mại, Tạp chí Dân chủ & Pháp luật, 1/2013 của cùng các tác giả.

[1]Xem Điều 6 Thông tư 04/2013/TT-NHNN ngày 1/3/2013 của Ngân hàng Nhà nước quy định về hoạt động chiết khấu công cụ chuyển nhượng, giấy tờ có giá khác của tổ chức tín dụng, chi nhành ngân hàng nước ngoài đối với khách hàng.
[2]Điều 90, khoản 2 Luật các Tổ chức tín dụng 2010 quy định: Tổ chức tín dụng không được tiến hành bất kỳ hoạt động kinh doanh nào ngoài các hoạt động ngân hàng, hoạt động kinh doanh khác ghi trong Giấy phép được Ngân hàng Nhà nước cấp cho tổ chức tín dụng.
[3]Xem: Thông tư 28/2011/TT-NHNN ngày 1/9/2011 quy định việc tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài mua trái phiếu doanh nghiệp
[4] Xem: https://www.mbbank.com.vn
[5] Xem :http://www.sbv.gov.vn/portal/faces/vi/vilinks/videtail/
[6] Điều 1 khoản 1 điểm b Thông tư 28/2011/TT-NHNN ngày 1/9/2011 quy định: Thông tư này không quy định việc mua, bán trái phiếu do tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài phát hành; mua, bán lại trái phiếu doanh nghiệp giữa các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài với nhau; mua, bán lại trái phiếu doanh nghiệp giữa tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài với cá nhân và tổ chức không phải là tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài; mua, bán trái phiếu phát hành trên thị trường quốc tế.
 
[7] Xem Điều 4, khoản 14 Luật các Tổ chức tín dụng 2010.
[8] Điều 90, khoản 3 Luật các Tổ chức tín dụng 2010.
[9] Luật này có hiệu lực từ 1/1/2014 (trừ quy định về thuế suất 5% đối với bán, cho thuê, cho thuê mua nhà ở xã hội tại khoản 3 Luật Thuế giá trị gia tăngsửa đổi, bổ sung 2013.

(Nguồn tin: Bài viết đăng tải trên Ấn phẩm Nghiên cứu lập pháp số 14(270), tháng 7/2014)


Thống kê truy cập

33943376

Tổng truy cập