Xây dựng chính sách, pháp luật và triển khai các hành động ứng phó biến đổi khí hậu ở Việt Nam

01/10/2017

PGS.TS. NGUYỄN ĐỨC MINH

Viện trưởng Viện Nhà nước và Pháp luật, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam.

Tóm tắt: Trước nguy cơ biến đổi khí hậu toàn cầu và Việt Nam là một trong những nước phải chịu ảnh hưởng lớn, Nhà nước ta đã rất quan tâm đến việc ứng phó. Điều 63 Hiến pháp 2013 xác định trách nhiệm của Nhà nước chủ động phòng, chống thiên tai, ứng phó với biến đổi khí hậu. Nội dung ứng phó với biến đổi khí hậu còn được thể hiện trong chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và quy hoạch phát triển một số ngành, lĩnh vực thuộc đối tượng phải lập báo cáo đánh giá môi trường chiến lược. Mặc dù vậy, chúng ta vẫn cần tiếp tục hoàn thiện chính sách, pháp luật về ứng phó biến đổi khí hậu. Các chính sách, pháp luật này có thể thiết kế theo cách vừa có văn bản pháp luật khung, vừa có các quy định chuyên ngành về biến đổi khí hậu, đồng thời, quan trọng hơn là triển khai những hành động thực tế để thực hiện chính sách, pháp luật.
Từ khóa: Ứng phó biến đổi khí hậu, chính sách, pháp luật về ứng phó biến đổi khí hậu.
Abstract: In the face of the threat of the global climate change, to which Vietnam is one of the countries most affected, Vietnam’s government is very interested in adaptation solutions. The Article 63 of the Constitution of 2013 defines the responsibility of the Government in proactively preventing and combating natural disasters and adapting to the climate changes. The government adaptation to the climate change are also reflected in the socio-economic development strategies, master plans and plans and in master plans of developments of a number of sectors, areas subject to the elaboration of environmental assessment reports. However, it still needs to be continued to improve the climate change policy and legal regulations. These policies and laws can be designed in a way that is both framework legislation and specialized legislation on the climate change, and, more importantly, the implementation of actions plans of the current policy, laws.
Keywords: Climate change adaptation, policy and legislation on climate change adaptation
Untitled_357.jpg
Ảnh minh họa: nguồn internet
1. Xây dựng chính sách, pháp luật ứng phó biến đổi khí hậu
Việt Nam đã sớm tham gia Công ước khung của Liên hiệp quốc (LHQ) về Biến đổi khí hậu (UNFCCC). UNFCCC được ký kết vào ngày 09/5/1992, có hiệu lực điều kiện từ ngày 21/3/1994. Chỉ 20 ngày sau khi UNFCCC được ký kết, Việt Nam đã tham gia UNFCCC (ngày 01/6/1992) và sau đó phê chuẩn UNFCCC vào ngày 16/11/1994. Năm 2015, Việt Nam đã phê chuẩn Bản sửa đổi, bổ sung Doha vào Nghị định thư Kyoto nhằm đóng góp vào việc thiết lập cơ sở pháp lý toàn cầu về kiểm soát, giảm phát thải khí nhà kính.
Là một trong các Bên không thuộc Phụ lục I của UNFCCC, Việt Nam chưa có nghĩa vụ phải cam kết giảm phát thải định lượng các khí nhà kính theo quy định của Nghị định thư Kyoto. Tuy nhiên, Việt Nam cũng như các nước đang phát triển khác tham gia UNFCCC phải thực hiện một số nghĩa vụ chung như: (i) xây dựng Thông báo quốc gia về biến đổi khí hậu; (ii) kiểm kê quốc gia các khí nhà kính từ các nguồn do con người gây ra và lượng khí nhà kính được hấp thụ bởi các bể hấp thụ; (iii) đánh giá tác động của biến đổi khí hậu đối với các lĩnh vực kinh tế - xã hội và xác định các vùng, lĩnh vực dễ bị tổn hại bởi biến đổi khí hậu, nước biển dâng; (iv) xây dựng và thực hiện các biện pháp thích ứng với biến đổi khí hậu; (v) xây dựng và thực hiện các chương trình, phương án giảm nhẹ phát thải khí nhà kính khi nhận được sự hỗ trợ đầy đủ về vốn và chuyển giao công nghệ từ các nước phát triển và các tổ chức quốc tế; (vi) tiến hành các hoạt động nghiên cứu và quan trắc những vấn đề/yếu tố liên quan đến khí hậu và biến đổi khí hậu; và (vii) cập nhật, phổ biến các thông tin nhằm nâng cao nhận thức của các nhà hoạch định chính sách và công chúng về biến đổi khí hậu, cơ chế phát triển sạch (CDM).
Trong giai đoạn 10 năm đầu sau khi ký kết UNFCCC, công tác xây dựng và thực hiện chính sách, pháp luật về biến đổi khí hậu ở Việt Nam còn hạn chế. Trước năm 2005, mới chỉ có một số văn bản pháp luật liên quan đến phòng chống và giảm nhẹ thiên tai, ứng phó với biến đổi khí hậu được Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành như: Pháp lệnh Khai thác và bảo vệ công trình thủy văn năm 1994; Pháp lệnh Khai thác và bảo vệ công trình thủy lợi năm 2001…  
Từ năm 2005 trở lại đây, Quốc hội đã quan tâm hơn đến việc xây dựng, ban hành chính sách, pháp luật về phòng chống và giảm nhẹ thiên tai, ứng phó với biến đổi khí hậu. Điều này được phản ánh qua sự ra đời của các luật có liên quan đến biến đổi khí hậu như Luật Bảo vệ và Phát triển rừng năm 2004; Luật Đê điều năm 2006[1]; Luật Đa dạng sinh học năm 2008; Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả năm 2010; Luật Tài nguyên nước năm 2012; Luật Phòng, tránh thiên tai năm 2013; Luật Bảo vệ môi trường (BVMT) năm 1994 (sửa đổi, bổ sung vào các năm 2005, 2014); Luật Khí tượng thủy văn năm 2015…
 Luật BVMT (sửa đổi, bổ sung năm 2014) đã dành riêng 01 chương (Chương IV) về biến đổi khí hậu. Ngoài ra, trong Luật BVMT hiện hành còn có nhiều quy phạm trong các chương khác quy định về ứng phó biến đổi khí hậu như: khoản 4 Điều 6 Luật BVMT xác định hoạt động ứng phó với biến đổi khí hậu là một trong những hoạt động BVMT được khuyến khích; khoản 2 Điều 147 quy định chi phí ứng phó với biến đổi khí hậu là một trong những nội dung chi đầu tư phát triển BVMT ; khoản 1 Điều 39 Luật BVMT yêu cầu mọi hoạt động BVMT phải gắn kết hài hòa với ứng phó biến đổi khí hậu .
Đặc biệt, biến đổi khí hậu đã được đề cập trong Hiến pháp hiện hành của Việt Nam. Điều này cho thấy Nhà nước đã rất quan tâm đến ứng phó với biến đổi khí hậu. Điều 63 Hiến pháp hiện hành xác định trách nhiệm của Nhà nước chủ động phòng, chống thiên tai, ứng phó với biến đổi khí hậu. Nội dung ứng phó với biến đổi khí hậu phải được thể hiện trong chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và quy hoạch phát triển một số ngành, lĩnh vực thuộc đối tượng phải lập báo cáo đánh giá môi trường chiến lược. 
Với các văn bản nói trên, có thể nói Việt Nam cơ bản đã tạo đủ khung thể chế và chính sách ứng phó biến đổi khí hậu ở Việt Nam[2]. Mặc dù vậy, vẫn cần tiếp tục hoàn thiện chính sách, pháp luật về ứng phó biến đổi khí hậu. Chính sách, pháp luật về ứng phó biến đổi khí hậu có thể thiết kế theo cách vừa có văn bản pháp luật khung, vừa có các quy định chuyên ngành về biến đổi khí hậu.
2. Thực hiện chiến lược, chương trình ứng phó biến đổi khí hậu
Ban hành chính sách, pháp luật biến đổi khí hậu là cần, nhưng cần hơn là những hành động thực tế để thực hiện chính sách, pháp luật.
2.1 Ban hành văn bản tổ chức thực hiện
Từ hơn 10 năm trở lại đây, Chính phủ và các cơ quan của Chính phủ ngày càng chú ý thực hiện chính sách, pháp luật về biến đổi khí hậu. Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị số 35/2005/CT-TTg ngày 17/10/2005 về tổ chức thực hiện Nghị định thư Kyoto thuộc UNFCCC; Quyết định số 47/2007/QĐ-TTg ngày 06/4/2007 về phê duyệt Kế hoạch tổ chức thực hiện Nghị định thư Kyoto thuộc UNFCCC giai đoạn 2007-2010; Quyết định số 130/2007/QĐ-TTg ngày  02/8/2007 về một số cơ chế, chính sách đối với dự án đầu tư theo Cơ chế phát triển sạch (CDM).
Ngày 16/11/2007, Thủ tướng Chính phủ đã Phê duyệt Chiến lược quốc gia phòng, chống và giảm nhẹ thiên tai đến năm 2020 bằng Quyết định số 172/2007/QĐ-TTg.
 Năm 2008, Chương trình mục tiêu quốc gia ứng phó với biến đổi khí hậu đã được ban hành (kèm theo Quyết định 158/TTg ngày 02/12/2008 của Thủ tướng Chính phủ). Chương trình này đã đưa ra quan điểm, nguyên tắc chỉ đạo và phạm vi thực hiện chương trình; xác định nhiệm vụ, giải pháp ứng phó với biến đổi khí hậu; cơ chế tài chính, nguồn lực thực hiện Chương trình này. Mục tiêu của Chương trình này là (i) đánh giá tác động của biến đổi khí hậu đến các ngành và các địa phương, (ii) xây dựng kế hoạch hành động ứng phó với biến đổi khí hậu và (iii) xây dựng năng lực, trao đổi thông tin cũng như giám sát và đánh giá việc thực hiện chương trình.
Năm 2010, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chiến lược phát triển ngành Khí tượng, Thủy văn đến năm 2020 (Theo Quyết định số 929/QĐ-TTg ngày 22/6/2010), trong đó đặc biệt chú trọng đến công tác biến đổi khí hậu.
Biến đổi khí hậu đã được coi trọng ở tầm chiến lược quốc gia với sự kiện ra đời Chiến lược quốc gia về biến đổi khí hậu (kèm theo Quyết định số 2139/QĐ-TTg ngày 05/12/2011 Thủ tướng Chính phủ). Chiến lược đã phân tích thách thức và cơ hội của biến đổi khí hậu đối với Việt Nam. Chiến lược quốc gia về biến đổi khí hậu đã đưa ra quan điểm chiến lược, mục tiêu chiến lược, nhiệm vụ chiến lược ứng phó biến đổi khí hậu và các biện pháp thực hiện. Chiến lược quốc gia về biến đổi khí hậu là một chiến lược toàn diện, đặt tầm nhìn trung và dài hạn cho tất cả các ngành nhằm mục tiêu xây dựng các chính sách ứng phó biến đổi khí hậu đạt hiệu quả cao. Chiến lược quốc gia về biến đổi khí hậu Việt Nam coi ứng phó với biến đổi khí hậu là vấn đề có ý nghĩa sống còn. Điều này cũng được khẳng định trong Nghị quyết số 24-NQ/TW ngày 03/6/2013 của Ban chấp hành trung ương Đảng khóa XI về “Chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, tăng cường quản lý tài nguyên và BVMT” khi cho rằng, ứng phó với biến đổi khí hậu là “một trong những nhiệm vụ quan trọng hàng đầu của cả hệ thống chính trị”.  
Năm 2012, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh (Theo Quyết định số 1393/QĐ-TTg ngày 25/9/2012). Chiến lược này đặt ra các nhiệm vụ, giải pháp và tổ chức thực hiện để tăng trưởng xanh trở thành xu hướng chủ đạo trong phát triển kinh tế bền vững ở Việt Nam. Chiến lược này đã được gắn với thực hiện Chiến lược quốc gia về biến đổi khí hậu. Điều này giúp cho ứng phó biến đổi khí hậu hiệu quả hơn.
Ngoài ra, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Đề án quản lý phát thải khí gây hiệu ứng nhà kính, quản lý các hoạt động kinh doanh tín chỉ các-bon ra thị trường thế giới (Đề án 1775/QĐ-TTg ngày 21/11/2012).
Vấn đề biến đổi khí hậu đã được lồng ghép vào Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội quốc gia (2011-2020), Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội (2011-2015), chính sách giảm nhẹ rủi ro thiên tai, quản lý vùng bờ, cung cấp và sử dụng năng lượng. Đến nay, đã có nhiều bộ, tỉnh, thành phố xây dựng và ban hành kế hoạch hành động ứng phó với biến đổi khí hậu.
Đánh giá chung, trong thập kỷ vừa qua, Việt Nam đã có nhiều tiến bộ trong ban hành chính sách ứng phó với biến đổi khí hậu và các chính sách liên quan tới quản lý ngành và tài nguyên thiên nhiên của Việt Nam[3]. Kinh nghiệm quốc tế cho thấy, ứng phó biến đổi khí hậu cần được thực hiện bằng nhiều chính sách, được điều chỉnh lồng ghép trong nhiều đạo luật và văn bản pháp luật. Có những nguyên tắc căn bản trong ứng phó biến đổi khí hậu có thể lồng ghép trong pháp luật, chính sách, bao gồm trách nhiệm của Nhà nước trong ngăn chặn và giảm rủi ro thiên tai và phải là trách nhiệm chung của cộng đồng.
2.2 Thực hiện các chương trình ứng phó biến đổi khí hậu
Việt Nam đã thực hiện ba chương trình ứng phó biến đổi khí hậu quan trọng: (i) Chương trình Khoa học công nghệ quốc gia về biến đổi khí hậu, (ii) Chương trình mục tiêu quốc gia ứng phó với biến đổi khí hậu và (iii) Chương trình hỗ trợ ứng phó với biến đổi khí hậu (SP-RCC).
Chương trình hỗ trợ ứng phó với biến đổi khí hậu (SP-RCC) có sự hỗ trợ tích cực của Cơ quan Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JICA) và Cơ quan Phát triển Pháp (AFD). Chương trình đã trải qua hai giai đoạn kéo dài từ năm 2009 đến năm 2015. Hiện nay, giai đoạn 3 của Chương trình từ năm 2016 đến năm 2020 đang được xây dựng. Trong hai giai đoạn hoạt động từ năm 2009 đến nay, Việt Nam đã thu hút được nguồn hỗ trợ tài chính từ các đối tác phát triển lên đến 872,65 triệu đô la Mỹ[4].
Với sự hỗ trợ của một số tổ chức quốc tế, Việt Nam đã thực hiện một số chương trình, dự án về tiết kiệm năng lượng, sử dụng năng lượng mới, tái tạo (năng lượng gió, mặt trời, nhiên liệu sinh học) cùng các hoạt động giảm nhẹ phát thải khí nhà kính, như: Chương trình hỗ trợ phát triển điện gió tại Việt Nam, Sản xuất điện khí sinh học tại các trang trại nuôi lợn quy mô trung bình và lớn, Quỹ phát triển năng lượng tái tạo, Chuyển hóa rác thải thành tài nguyên ở các thành phố ở Việt Nam, Nghiên cứu và ứng dụng công nghệ xe điện ở Việt Nam[5]
Hiện nay và trong thời gian tới, việc xây dựng và thực hiện chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển công nghiệp, nông nghiệp, giao thông, phát triển đô thị, sử dụng tài nguyên, đất đai v.v.. cần chú ý đến việc hạn chế nguyên nhân biến đổi khí hậu. Cần có lộ trình thay thế năng lượng gây hại cho môi trường bằng năng lượng xanh, năng lượng thân thiện với môi trường. Khuyến khích các hành động ứng phó với biến đổi khí hậu như tăng trưởng xanh, sản xuất xanh, công nghệ xanh, đầu tư phát triển năng lượng xanh, sử dụng năng lượng thân thiện với môi trường, …
2.3 Thực hiện nghĩa vụ của nước thành viên
Việt Nam đã và đang tiến hành thiết lập Hệ thống quốc gia về kiểm kê khí nhà kính và kiểm kê quốc gia các khí nhà kính vào các năm 1994, 1998, 2000, 2010.
Việt Nam đã hoàn thành việc xây dựng Thông báo quốc gia lần thứ nhất (INC), lần thứ hai (SNC) và Báo cáo cập nhật hai năm một lần lần thứ nhất (BUR1) đệ trình Ban Thư ký UNFCCC vào năm 2003, 2010 và 2014. Việt Nam là quốc gia thứ 2 nộp BUR1[6].
Việt Nam đã xây dựng và đệ trình Ban Thư ký Đóng góp dự kiến do quốc gia tự quyết định (INDC) của Việt Nam trong giai đoạn 2021-2030. INDC của Việt Nam gồm các đóng góp về giảm nhẹ phát thải khí nhà kính và thích ứng với biến đổi khí hậu, trong đó có đóng góp tự nguyện và đóng góp khi có hỗ trợ về tài chính, công nghệ và tăng cường năng lực từ quốc tế[7].
Năm 2009, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã xây dựng và công bố kịch bản biến đổi khí hậu và nước biển dâng cho Việt Nam. Năm 2011, năm 2015 và năm 2016, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã tiếp tục cập nhật kịch bản này[8]. Kịch bản biến đổi khí hậu và nước biển dâng phiên bản năm 2016 được xây dựng dựa trên cơ sở kế thừa và bổ sung các kịch bản công bố trước đây. Các số liệu về khí tượng thủy văn, mực nước biển và địa hình của Việt Nam đã được cập nhật. Phương pháp mới nhất trong Báo cáo đánh giá khí hậu lần thứ 5 của Ủy ban liên chính phủ về biến đổi khí hậu, các mô hình khí hậu toàn cầu, các mô hình khí hậu khu vực và phương pháp thống kê đã được sử dụng để tính toán chi tiết cho khu vực Việt Nam[9]. Kịch bản biến đổi khí hậu và nước biển dâng cho Việt Nam được sử dụng để làm cơ sở khoa học định hướng cho các Bộ, ngành, địa phương đánh giá tác động tiềm tàng của biến đổi khí hậu, xây dựng và triển khai kế hoạch ứng phó hiệu quả với biến đổi khí hậu và nước biển dâng, lồng ghép vào chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội trong từng ngành, lĩnh vực và địa phương. Các Bộ, ngành và địa phương cần có những hướng dẫn cụ thể sử dụng kịch bản này. Kịch bản biến đổi khí hậu và nước biển dâng cần tiếp tục được cập nhật theo lộ trình của Ủy ban liên chính phủ về biến đổi khí hậu (The Intergovernmental Panel on Climate Change - IPCC).
Ngoài các hoạt động nói trên, Việt Nam đã tham gia tích cực và thực chất vào tiến trình đàm phán Công ước khung của LHQ về biến đổi khí hậu lần thứ 21 (COP 21) tại Paris ngày 30/11/2015.
2.4 Thu hút sự tham gia của cộng đồng trong ứng phó biến đổi khí hậu
Ứng phó biến đổi khí hậu là trách nhiệm của tất cả các ngành, các cấp, các địa phương và mọi chủ thể trong xã hội. Nhà nước thu hút tất cả các chủ thể trong nước và quốc tế cùng hợp tác phòng, chống biến đổi khí hậu, trước hết là giảm, loại bỏ các nguyên nhân do con người gây ra biến đổi khí hậu và hợp tác khắc phục hậu quả do thiên tai gây ra.
Nhà nước khuyến khích sự tham gia của người dân trong công tác ứng phó biến đổi khí hậu. Khuyến khích người dân cùng với các tổ chức xã hội ở địa phương giám sát doanh nghiệp trong xả thải ra môi trường. Cơ quan quản lý nhà nước về môi trường cần thiết lập kênh thông tin và tiếp nhận ý kiến phản ánh của người dân về hành vi gây ô nhiễm môi trường và kịp thời xác minh, tìm biện pháp ngăn chặn, giải quyết. Các dự án đánh giá tác động môi trường nên tham vấn thực tế ý kiến của người dân địa phương. Gắn trách nhiệm giải trình của cơ quan nhà nước với tham vấn ý kiến của người dân.
Các tổ chức xã hội có vai trò quan trọng trong ứng phó với biến đổi khí hậu, nhất là trong hoạt động tuyên truyền, tham vấn, phản biện, giám sát hoạt động của Nhà nước trong xây dựng và thực hiện chính sách pháp luật về ứng phó với biến đổi khí hậu.
Khuyến khích trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp trong ứng phó với biến đổi khí hậu. Các doanh nghiệp lớn nếu nhận thức đúng sẽ ủng hộ BVMT vì nó không chỉ tốt cho môi trường mà cũng tốt cho hoạt động kinh doanh của họ.
2.5 Các biện pháp khác
2.5.1 Phương châm hành động
Tiếp tục thực hiện phương châm “4 tại chỗ” (lực lượng tại chỗ, đảm bảo chỉ huy tại chỗ, phương tiện tại chỗ và hậu cần tại chỗ) và “3 sẵn sàng” (chủ động phòng tránh, đối phó kịp thời, khắc phục khẩn trương và có hiệu quả).
Phòng hơn chống trong BVMT nói chung, trong ứng phó biến đổi khí hậu nói riêng. Chủ động, tích cực phòng, chống biến đổi khí hậu.
Cần ứng phó và thích ứng với biến đổi khí hậu. Nâng cao khả năng thích ứng với biến đổi khí hậu. Các biện pháp thích ứng hướng đến tăng cường khả năng chống chịu, giảm tính dễ bị tổn thương và tăng khả năng dự báo biến đổi khí hậu.
Phương châm hợp tác quốc tế trong ứng phó với biến đổi khí hậu là “Suy nghĩ toàn cầu, hành động địa phương”.         Điều này có nghĩa là cần có tư duy toàn cầu trong xây dựng và thực hiện chính sách. Hợp tác quốc tế  trong ứng phó với biến đổi khí hậu là cần thiết, nhưng chủ thể có trách nhiệm chính vẫn là các quốc gia sở tại và các địa phương.     
Ứng phó với biến đổi khí hậu phải gắn với phát triển bền vững.
2.5.2 Phân công rõ nhiệm vụ, quyền hạn giữa chính quyền trung ương và chính quyền địa phương trong ứng phó biến đổi khí hậu
Chính quyền trung ương có trách nhiệm chính trong xây dựng chính sách, pháp luật, chiến lược, quy hoạch, kế hoạch, kịch bản, biện pháp ứng phó với biến đổi khí hậu mang tính vĩ mô ở tầm quốc gia; điều phối các hoạt động ứng phó với biến đổi khí hậu giữa các bộ, ngành, vùng, địa phương; cung cấp tài chính; hỗ trợ các địa phương trong ứng phó với biến đổi khí hậu.
Chính quyền địa phương là người thực hiện chính sách, pháp luật về ứng phó với biến đổi khí hậu. Cần tuyên truyền để chính quyền địa phương thấy rõ được lợi ích, tác động của ứng phó với biến đổi khí hậu và trách nhiệm của họ trong ứng phó với biến đổi khí hậu. Để thu hút địa phương tham gia tích cực hơn trong công tác ứng phó với biến đổi khí hậu cần quan tâm đến lợi ích của họ.
2.5.3 Đầu tư và chi tiêu công hợp lý cho ứng phó biến đổi khí hậu
Trong hoàn cảnh khó khăn về chi tiêu công, việc duy trì sự ổn định trong tổng ngân sách của các bộ, ngành, địa phương như thời gian vừa qua là hợp lý và cần thiết[10]. Trong kinh phí ứng phó biến đổi khí hậu, cần tiếp tục tập trung chủ yếu cho đầu tư ứng phó với biến đổi khí hậu hơn là chi thường xuyên[11]. Có thể lập Quỹ ứng phó Biến đổi khí hậu với sự đóng góp của các doanh nghiệp.   
2.5.4 Hợp tác quốc tế trong ứng phó với biến đổi khí hậu
Biến đổi khí hậu do con người là nguyên nhân chính gây ra và tác động đến tất cả các quốc gia. Vì vậy, các quốc gia cần cùng hành động, hợp tác chặt chẽ với nhau trong ứng phó biến đổi khí hậu; cùng có trách nhiệm, nghĩa vụ thực hiện các cam kết về giảm nhẹ và thích ứng với biến đổi khí hậu. Trong các diễn đàn quốc tế, Việt Nam cần thể hiện nhất quán quan điểm: các quốc gia cần hành động một cách thiện chí, không nên vin vào bảo đảm chủ quyền quốc gia để lẩn tránh thực hiện các cam kết quốc tế về biến đổi khí hậu. Để ngăn ngừa “nhập khẩu” ô nhiễm môi trường từ bên ngoài, cơ quan nhà nước có thẩm quyền cần từ chối công nghệ lạc hậu, chú ý chọn lựa và cấp phép nhập khẩu công nghệ thân thiện cho môi trường. Chúng ta nên ký kết các hiệp định đầu tư với các nước và khu vực có quy định: các nguyên tắc, tiêu chuẩn, yêu cầu về công nghệ được cho là thân thiện với môi trường quy định cho doanh nghiệp ở các nước cần được bắt buộc doanh nghiệp thực hiện trong đầu tư ở Việt Nam.
Cộng đồng ASEAN đã có nhiều chiến lược, chương trình, sáng kiến và hành động hợp tác toàn khối, giữa các nhóm nước trong nội khối và hợp tác song phương về BVMT, ứng phó biến đổi khí hậu. Việt Nam cần tiếp tục hợp tác song phương với các nước và đa phương với Cộng đồng ASEAN và các khu vực để cùng thực hiện các chính sách, pháp luật quốc tế về ứng phó biến đổi khí hậu; trao đổi kinh nghiệm giữa các nước trong ứng phó biến đổi khí hậu.  
Việt Nam cần đề nghị ASEAN tiếp tục hoàn thiện chiến lược, chương trình, kế hoạch, biện pháp phối hợp ở cấp độ khu vực trong đối phó với biến đổi khí hậu, trong đó cần đặc biệt chú ý giảm phát thải khí nhà kính, bảo vệ rừng, bảo vệ đa dạng sinh học, sử dụng hợp lý, công bằng tài nguyên nước sông Mê Kông. Cộng đồng ASEAN cần có biện pháp điều phối, phối hợp ở cấp độ quốc tế và khu vực trong đối phó với biến đổi khí hậu. Trong cộng đồng ASEAN nên xây dựng mạng lưới tư vấn chính sách, nghiên cứu ứng phó biến đổi khí hậu.
Việt Nam cần đàm phán, ký kết với các nước đầu nguồn sông Mê Kông về việc khai thác, sử dụng nguồn nước của dòng sông này. Các hành vi cố ý xả thải lũ gây chết người cần bị coi là tội phạm.
2.5.5 Chống tham nhũng trong ứng phó biến đổi khí hậu
Ngân sách chi cho hoạt động ứng phó biến đổi khí hậu rất lớn và phải chi lâu dài. Do đó, cần chống tham nhũng trong ứng phó biến đổi khí hậu, cũng như trong quản lý tài nguyên, BVMT. Điều này càng có ý nghĩa quan trọng trong bối cảnh chúng ta còn nhiều khó khăn trong bố trí nguồn lực tài chính cho ứng phó biến đổi khí hậu. Để phòng chống tham nhũng thì các cấp chính quyền cần công khai, minh bạch, giải trình về chương trình, biện pháp, ngân sách ứng phó biến đổi khí hậu; áp dụng chế tài nghiêm khắc đối với các hành vi làm ô nhiễm môi trường, làm biến đổi khí hậu.
2.5.6 Nâng cao nhận thức của các chủ thể về ứng phó biến đổi khí hậu
Pháp luật, chính sách sẽ không có tác dụng nếu không nâng cao nhận thức của người dân về biến đổi khí hậu. Các cấp chính quyền cần thường xuyên tuyên truyền, giáo dục tri thức cơ bản cho người dân và cả công chức, viên chức về biến đổi khí hậu và ứng phó biến đổi khí hậu ở tất cả các cấp đào tạo, từ mầm non đến đại học và sau đại học. Giáo dục về ứng phó biến đổi khí hậu cần giúp cho người học hiểu rõ các nhân tố phát sinh và nguyên nhân gây ra biến đổi khí hậu, nhất là nguyên nhân chủ quan của con người, tác động hai mặt của biến đổi khí hậu, các biện pháp phòng ngừa, thích ứng và giảm nhẹ tác động của biến đổi khí hậu, các biện pháp ứng phó và chống chịu trước tác động của biến đổi khí hậu, trách nhiệm cá nhân trong phòng ngừa và ứng phó biến đổi khí hậu v.v.. Chú ý gắn giáo dục với thực tế phòng, chống, giảm nhẹ tác động của biến đổi khí hậu. Nhà nước hướng dẫn người dân lựa chọn hình thức chăn nuôi, trồng trọt phù hợp và thích ứng với biến đổi khí hậu, hạn chế rủi ro do thời tiết, thiên tai.
Nhà nước chú ý đào tạo kỹ năng sống cho người dân trước ảnh hưởng của thiên tai ngay từ khi họ còn nhỏ, để sau này có thể đương đầu và chống chịu tốt với tác động của thiên tai. Hình thành trong ý thức người dân về việc sử dụng sản phẩm có lợi cho môi trường. Chẳng hạn, sử dụng hiệu quả và tiết kiệm năng lượng, sử dụng túi đựng đồ có khả năng phân hủy v.v.. Tập huấn cho cộng đồng về biến đổi khí hậu và kỹ năng phòng chống thiên tai. Tổ chức diễn tập các phương án xử lý tình huống khi xảy ra thiên tai.
Các bộ, ngành, địa phương có thể tham khảo kinh nghiệm của các nước về xây dựng và cung cấp cho các cơ quan, người dân bản đồ hiểm họa, cảnh báo biến đổi khí hậu cấp quốc gia và cấp địa phương, nhất là ở những vùng biển bị sụt lở, vùng địa hình đá vôi v.v.. Mục tiêu chung là làm thế nào để người dân có thể chống chịu tốt hơn và ít bị tổn thương hơn khi xảy ra thiên tai. Bản đồ hiểm họa, cảnh báo xác định các tác động của thiên tai được phổ biến rộng rãi trên các trang điện tử và dán ở các trường học, cơ quan, địa phương có nguy cơ bị hiểm họa. Dựa trên bản đồ đó, các chủ thể liên quan như các trường học, cơ quan, địa phương sẽ phải có hành động phù hợp để tránh được các hiểm họa.
 2.5.7 Các biện pháp hỗ trợ
Các cấp chính quyền cần hỗ trợ người nghèo, người yếu thế, người dễ bị tổn thương do tác động của biến đổi khí hậu. Cần tăng cường năng lực thích ứng và khả năng chống chịu với biến đổi khí hậu của một số lĩnh vực và của nhóm yếu thế.
Nhà nước hỗ trợ doanh nghiệp đổi mới sáng tạo, ứng dụng công nghệ thân thiện với môi trường, thực hiện các biện pháp ứng phó với biển đổi khí hậu. Nhà nước quan tâm hơn nữa đời sống của người dân ở khu vực bảo vệ rừng, hỗ trợ họ trong sản xuất, trong cuộc sống và trong bảo vệ rừng.
Quan tâm xây dựng cơ sở dữ liệu về biến đổi khí hậu. Cung cấp thông tin kịp thời và có trách nhiệm; trao đổi và tạo thuận lợi trong tiếp cận thông tin, tham kiến ý kiến của người dân, minh bạch trong xây dựng và thực hiện chính sách biến đổi khí hậu, tiếp cận pháp lý trong ứng phó biến đổi khí hậu là những việc cần làm và cần được đảm bảo./.
 

 
[1] Luật Đê điều yêu cầu quy hoạch đê biển phải bảo đảm chống bão, nước biển dâng theo quy chuẩn kỹ thuật về thiết kế đê biển và phải bao gồm cả diện tích trồng cây chắn sóng.
[2] Cùng nhận định, Bộ Kế hoạch và Đầu tư/ Ngân hàng thế giới/ Chương trình phát triển LHQ: Ngân sách cho ứng phó biến đổi khí hậu ở Việt Nam: Đầu tư thông minh vì tương lai bền vững, Báo cáo tháng 4/2015, tr. 16.
[3] Xem thêm Bộ Kế hoạch và Đầu tư/ Ngân hàng thế giới/ Chương trình phát triển LHQ: Ngân sách cho ứng phó biến đổi khí hậu ở Việt Nam: Đầu tư thông minh vì tương lai bền vững, tài liệu đã dẫn, tr 32.
[4] Bộ Tài nguyên và Môi trường, Chương trình Hỗ trợ ứng phó với biến đổi khí hậu (SP-RCC), ấn phẩm Brochure, Hà Nội 2015.
[5] Thông tin của Văn phòng Thường trực Ban Chỉ đạo thực hiện Công ước khung của LHQ về Biến đổi khí hậu và Nghị định thư Kyoto, Việt Nam và trách nhiệm thực hiện Công ước Khung của LHQ về biến đổi khí hậu, http://www.noccop.org.vn/modules.php?name=Airvariable_Intro, ngày 10/6/2017.
[6] Thông tin của Văn phòng Thường trực Ban Chỉ đạo thực hiện Công ước khung của LHQ về Biến đổi khí hậu và Nghị định thư Kyoto, Việt Nam và trách nhiệm thực hiện Công ước Khung của LHQ về biến đổi khí hậu, tlđd
[7] Thông tin của Văn phòng Thường trực Ban Chỉ đạo thực hiện Công ước khung của LHQ về Biến đổi khí hậu và Nghị định thư Kyoto, Việt Nam và trách nhiệm thực hiện Công ước Khung của LHQ về biến đổi khí hậu, tlđd.
[8] Chi tiết Kịch bản biến đổi khí hậu và nước biển dâng phiên bản năm 2016, xem Bộ Tài nguyên và Môi trường (nhóm biên soạn chính Trần Thục, Nguyễn Văn Thắng, Huỳnh Thị Lan Hương, Mai Văn Khiêm, Nguyễn Xuân Hiển, Doãn Hà Phong), kịch bản biến đổi khí hậu và nước biển dâng cho Việt Nam, Nxb. Tài nguyên Môi trường và bản đồ, Hà Nội 2016.
[9] Bộ Tài nguyên và Môi trường, Kịch bản biến đổi khí hậu và nước biển dâng cho Việt Nam, tlđd, tr 84.
[10] Trong thời gian qua, ngân sách của các bộ, ngành có giảm, nhưng ngân sách chi cho ứng phó với biến đổi khí hậu cả trực tiếp và gián tiếp vẫn duy trì được mức độ ổn định trong tổng ngân sách của các bộ ngành trong giai đoạn này. Bộ Kế hoạch và Đầu tư/ Ngân hàng thế giới/ Chương trình phát triển LHQ: Ngân sách cho ứng phó biến đổi khí hậu ở Việt Nam: Đầu tư thông minh vì tương lai bền vững, tlđd, tr18.
[11] Bộ Kế hoạch và Đầu tư/ Ngân hàng thế giới/ Chương trình phát triển LHQ: Ngân sách cho ứng phó biến đổi khí hậu ở Việt Nam: Đầu tư thông minh vì tương lai bền vững, tlđd, tr 19. 

(Nguồn tin: Bài viết đăng tải trên ấn phẩm Nghiên cứu lập pháp số 19(347)-tháng 10/2017)