Góp ý về Luật sửa đổi, bổ sung một số điều Luật Quản lý thuế

01/07/2012

ThS. NGUYỄN NGỌC SƠN

Khoa Kinh tế, ĐH quốc gia TP. Hồ Chí Minh.

Quản trị xã hội cần có nền tảng vật chất ổn định và vững mạnh để vận hành bộ máy thực thi của các cơ quan công quyền. Bên cạnh những đòi hỏi của người dân về tính hiệu quả và văn minh trong hoạt động của các cơ quan nhà nước, yêu cầu về trách nhiệm đóng góp vật chất của tổ chức, cá nhân thông qua trách nhiệm nộp thuế để đảm bảo cho bộ máy nhà nước có thể tồn tại và vận hành là tất yếu. Tuy nhiên, việc thực thi nghĩa vụ nộp thuế của tổ chức, cá nhân và việc tổ chức thu, quản lý thuế của Nhà nước cần được đặt trong bối cảnh xã hội ngày càng phát triển và nhu cầu được đối xử văn minh, nhanh gọn và tránh phiền nhiễu cho người dân đang được đặt ra.
Trong bất kỳ giai đoạn phát triển nào cũng tồn tại những vấn đề về việc tổ chức quản lý thuế. Những vấn đề đặt ra không chỉ từ sự yếu kém trong công tác quản lý thuế của các cơ quan, các cán bộ thực thi pháp luật thuế mà còn từ ý thức của người có trách nhiệm nộp thuế. Từ đó, các yêu cầu hoàn thiện và nâng cao tính hiệu quả về quản lý thuế đòi hỏi pháp luật cần phải (i) xác định rõ trách nhiệm nộp thuế không đơn giản là nghĩa vụ đương nhiên của người dân mà là một trong những nguồn thu lớn cho sự tồn tại và vận hành của bộ máy nhà nước. Các khoản tiền thuế thu được là nguồn đóng góp của người dân để Nhà nước có thể quản trị xã hội một cách hiệu quả. Vì vậy, việc quản lý thuế cần đặt người nộp thuế vào đúng tư cách của họ là người đang đóng góp vật chất cho xã hội và Nhà nước. Cơ chế thu thuế, hoàn thuế… phải được xây dựng trên tinh thần đối xử ngày càng văn minh, nhanh gọn thay vì xem việc nộp thuế như một trách nhiệm pháp lý thông thường và việc thu thuế là chức năng quản lý mang tính quyền lực của các cơ quan công quyền; (ii) Đơn giản hóa các thủ tục nộp thuế, hoàn thuế dựa trên tinh thần làm việc trách nhiệm và mẫn cán của các cơ quan, cán bộ quản lý thuế; (iii) Đảm bảo sự minh bạch và công bằng về trách nhiệm nộp thuế của các tổ chức, cá nhân. Sự công bằng không chỉ được thể hiện qua căn cứ xác định trách nhiệm nộp thuế và căn cứ tính thuế mà còn phản ánh qua cơ chế ngăn chặn và xử lý các hành vi lẩn trách trách nhiệm nộp thuế. Một khi người có nghĩa vụ nộp thế còn có thể thu lợi từ việc chậm nộp thuế thì sự công bằng đã bị xâm hại và có thể tác động đến ý thức của những người đã hoàn thành tích cực và nghiêm chỉnh nghĩa vụ nộp thuế.
Pháp luật về quản lý thuế đã định hình bằng sự ra đời của Luật Quản lý thuế năm 2006. Nội dung quản lý thuế được quy định trong đạo luật này chủ yếu là hoạt động thu, nộp thuế của các cơ quan có thẩm quyền thực thi pháp luật thuế và các tổ chức, cá nhân là đối tượng nộp thuế theo quy định của pháp luật. Sau hơn năm năm thi hành, pháp luật về quản lý thuế cần được đặt trong bối cảnh phát triển mới với những yêu cầu về tính hiệu quả của công tác tổ chức thu nộp thuế và xử lý hành vi vi phạm pháp luật quản lý thuế.
1. Một số điểm mới trong Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quản lý thuế
Cho đến nay, công tác rà soát và xây dựng Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quản lý thuế đã đi vào giai đoạn hoàn tất. Các nội dung cần bổ sung và cần sửa đổi đã định hình với những nguyên tắc và những quy định cụ thể. Nghiên cứu các nội dung trong Dự luật, chúng tôi có một số đánh giá ban đầu sau:
Thứ nhất, những thay đổi, bổ sung trong Dự luật không cải cách cơ bản cơ chế thu, nộp thuế mà chỉ làm rõ thêm mốt số nguyên tắc, thay đổi một số nội dung cho phù hợp với sự phát triển chung của xã hội. Các thay đổi chủ yếu tập trung vào thủ tục khai nộp thuế, nâng cao vị trí của cơ chế thỏa thuận xác định giá tính thuế giữa cơ quan quản lý nhà nước và đối tượng nộp thuế, làm rõ hơn các vấn đề kỹ thuật trong hồ sơ khai, nộp và hoàn thuế, làm rõ cơ chế xử lý các trường hợp vi phạm pháp luật thuế….
Thứ hai, Dự luật đã thể hiện quyết tâm tiến hành cải cách thủ tục hành chính thuế của Nhà nước bằng các quy định về tầng suất khai thuế, thủ tục gia hạn nộp hồ sơ khai thuế, cơ chế hoàn thuế. Các quy định đơn giản hóa thủ tục hành chính thuế nằm rải rác trong rất nhiều quy định sửa đổi, bổ sung trong Dự luật như mở rộng đối tượng khai thuế theo năm, theo quý, quy định về hồ sơ khai thuế, quy định về hoàn thuế… Những thay đổi này là cần thiết nhằm giảm thiểu gánh nặng về thủ tục hành chính cho đối tượng nộp thuế, đặc biệt là các tổ chức, cá nhân kinh doanh.
Thứ ba, trong các quy định liên quan đến cải cách thủ tục hành chính thuế, Dự luật đã phần nào làm rõ hơn trách nhiệm của các cơ quan quản lý nhà nước về thuế nhằm đảm bảo sự minh bạch của pháp luật và tạo cơ chế để các đối tượng nộp thuế có thể thực hiện quyền năng của mình một cách hiệu quả. Ví dụ Điều 47 Dự luật quy định về xử lý số tiền thuế, tiền phạt nộp thừa. Theo đó: (1) Người nộp thuế có số tiền thuế, tiền phạt đã nộp lớn hơn số tiền thuế, tiền phạt phải nộp đối với từng loại thuế trong thời hạn mười năm trở về trước, kể từ ngày phát hiện thì được trừ vào tiền thuế, tiền phạt phải nộp của lần nộp thuế tiếp theo hoặc được trả lại số tiền thuế, tiền phạt nộp thừa. (2) Trường hợp người nộp thuế có yêu cầu trả lại số tiền thuế, tiền phạt nộp thừa thì cơ quan quản lý thuế phải ra quyết định trả lại số tiền thuế, tiền phạt nộp thừa hoặc có văn bản trả lời trong thời hạn năm ngày làm việc, kể từ ngày nhận được văn bản yêu cầu. Quy định này so với Luật Quản lý thuế năm 2006 đã có một số thay đổi và bổ sung, tuy không lớn nhưng thực sự có ý nghĩa đối với việc làm rõ trách nhiệm của cơ quan có thẩm quyền. Dự luật đã làm rõ cơ sở xác định số tiến thuế, tiền phạt nộp thừa bằng quy định về thời hạn xác định tiền thuế phải nộp là 10 năm về trước kể từ ngày phát hiện. Bên cạnh đó, Dự luật cũng xác định trách nhiệm minh bạch quan điểm của cơ quan quản lý thuế bằng quy định buộc trả lời bằng văn bản trong trường hợp không ra quyết định trả lại số tiền thuế, tiền phạt nộp thừa khi đối tượng nộp thuế có yêu cầu bằng văn bản việc xử lý tiền thuế, tiền phạt nộp thừa. Rà soát các quy định trong Dự luật, chúng ta có thể dễ dàng nhận thấy các nội dung cải cách thủ tục hành chính thuế không đổi mới phương thức và tư duy quản lý có trong Luật Quản lý thuế năm 2006 mà chỉ điều chỉnh về thời gian làm việc, làm rõ trách nhiệm của các cơ quan quản lý thuế và tăng thêm quyền năng, tạo thêm thuận lợi cho các đối tượng nộp thuế thực hiện nghĩa vụ nộp thuế của mình. Như vậy, những điều chỉnh về thủ tục hành chính thuế trong Dự luật không lớn, nhưng là cần thiết và có ý nghĩa cho công tác quản lý thuế hiện nay.
Thứ ba, Dự luật cũng đã làm rõ thêm một số nội dung còn bỏ ngỏ trong Luật Quản lý thuế năm 2006 và các nội dung này có thể tăng cường hiệu quả của công tác thu thuế của các cơ quan có thẩm quyền. Những nội dung này tập trung vào hai khía cạnh: (1) làm rõ trách nhiệm nộp thuế của các đối tượng nộp thuế. Ví dụ như quy định về thời hạn nộp thuế đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu. Khoản 3 Điều 42 Luật Quản lý thuế được sửa đổi, bổ sung như sau:  Thời hạn nộp thuế đối với hàng hoá xuất khẩu, nhập khẩu:(a) Hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu phải nộp xong thuế trước khi được thông quan hoặc giải phóng hàng hóa. ( b) Trường hợp được tổ chức tín dụng bảo lãnh về số tiền thuế phải nộp thì thời hạn nộp thuế là thời hạn bảo lãnh nhưng người nộp thuế phải nộp tiền lãi chậm nộp 0,05%/ngày tính trên số tiền thuế chậm nộp kể từ ngày thông quan hoặc giải phóng hàng hóa đến ngày hoàn thành nghĩa vụ nộp thuế. Đến ngày cuối cùng của thời hạn bảo lãnh, nếu người nộp thuế chưa nộp tiền thuế, tiền lãi chậm nộp thì tổ chức bảo lãnh phải có nghĩa vụ nộp số tiền thuế, tiền lãi chậm nộp thay cho người nộp thuế theo quy định của Luật này. Thời hạn bảo lãnh thực hiện theo quy định của Chính phủ. Quy định này xóa bỏ cơ chế phân biệt thời hạn nộp thuế theo loại hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu được quy định trong Luật Quản lý thuế năm 2006. Dự luật không sử dụng cơ chế định thời hạn nộp thuế đơn giản như trong Luật Quản lý thuế mà đặt ra trách nhiệm bắt buộc nộp thuế, trách nhiệm thực hiện nộp thuế khi có bảo lãnh… như một điều kiện để thông quan hoặc giải phóng hàng hóa. Chúng tôi cho rằng, cách tiếp cận này là hợp lý vì có thể tăng thêm sức ép cho đối tượng nộp thuế thực hiện nghĩa vụ của mình bằng cách tác động trực diện đến quyền lợi của họ; (2) Dự luật có những quan tâm thích đáng đến quyền lợi của các doanh nghiệp, đặc biệt là những khó khăn khách quan ảnh hưởng đến việc thực hiện trách nhiệm nộp thuế của họ. Ví dụ cho nhận định này là quy định bổ sung về các trường hợp gia hạn nộp thuế. Theo Dự luật, các trường hợp được gia hạn nộp thuế quy định tại Điều 49 Luật Quản lý thuế năm 2006 được bổ sung thêm một trường hợp là “Phải di dời cơ sở sản xuất kinh doanh theo yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền mà doanh nghiệp phải ngừng hoạt động và làm ảnh hưởng đến kết quả sản xuất kinh doanh; Chưa được thanh toán vốn theo chế độ quy định từ nguồn ngân sách nhà nước”. Cách tiếp cận này không chỉ giải quyết một cách hợp lý quyền lợi của doanh nghiệp mà còn thể hiện trách nhiệm của Nhà nước đối với những khó khăn khách quan mà doanh nghiệp gặp phải do các quyết định của cơ quan có thẩm quyền.
Thứ tư, từ nhiệm vụ cải cách thủ tục hành chính thuế, Dự luật đã có cách tiếp cận khá dân chủ khi tăng cường thêm nhiều thuận lợi cho người nộp thuế và xiết chặt trách nhiệm của cơ quan quản lý thuế. Nhận định này được chứng minh bằng những quy định về việc gia giảm thời hạn thực hiện thủ tục hoàn thuế, giảm thời hạn xử lý hồ sơ gia hạn nộp thuế. Điều 15 của Dự luật gần như không thay đổi nhiều nội dung của Điều 60 Luật Quản lý thuế năm 2006. Nội dung thay đổi chủ yếu tập trung vào giảm thời hạn giải quyết hoàn thuế, nhằm tăng cường trách nhiệm của cơ quan quản lý thuế, đảm bảo quyền lợi hợp pháp của đối tượng nộp thuế một cách nhanh nhất có thể.
2. Một số nội dung cần trao đổi
Về cơ bản, những sửa đổi, bổ sung trong Dự luật là cần thiết cho công tác quản lý thuế của Nhà nước. Tuy nhiên, còn một số vấn đề chưa cần làm rõ:
Một là, về cơ chế xóa nợ tiền thuế, tiền phạt trong trường hợp doanh nghiệp bị tuyên bố phá sản theo quy định của pháp luật phá sản: Việc xóa nợ thuế, tiền phạt khi doanh nghiệp bị tuyên bố phá sản là cần thiết nhằm giải phóng người mắc nợ khỏi các áp lực về nợ khi lâm vào tình trạng phá sản theo đúng tinh thần của pháp luật phá sản. Vấn đề xóa nợ thuế, tiền phạt chỉ áp dụng khi doanh nghiệp không còn tài sản để nộp tiền thuế, tiền phạt sau khi bị tuyên bố phá sản. Về vấn đề này, có một số nội dung cần làm rõ:
- Pháp luật phá sản không ưu tiên giải quyết nợ thuế, tiền phạt mà giải quyết cùng với phần thanh toán nợ cho chủ nợ không bảo đảm theo thứ tự phân chia tài sản được quy định tại Điều 37 Luật Phá sản năm 2004. Như vậy, tiền nợ thuế, tiền phạt không thanh toán có thể là toàn bộ tiền nợ (khi doanh nghiệp không còn tài sản để thanh toán nợ không bảo đảm) hoặc một phần nợ thuế, tiền phạt (khi tài sản của doanh nghiệp không còn đủ để thanh toán nợ không bảo đảm). Chủ thể có chức năng xác định khả năng thanh toán nợ thuế, tiền phạt của doanh nghiệp là Tổ quản lý, thanh lý tài sản theo pháp luật phá sản. Khoản 1 Điều 65 Luật Quản lý thuế năm 2005 quy định Doanh nghiệp bị tuyên bố phá sản đã thực hiện các khoản thanh toán theo quy định của pháp luật phá sản mà không còn tài sản để nộp tiền thuế, tiền phạt. Quy định này dường như có thể hiểu rằng, chỉ khi doanh nghiệp không còn tài sản để nộp tiền thuế, tiền phạt thì áp dụng cơ chế xóa nợ thuế, tiền phạt. Trong trường hợp còn tài sản nhưng chỉ đủ thanh toán một phần nợ thuế, tiền phạt thì cơ chế xóa nợ thuế, tiền phạt có áp dụng không? Do đó, chúng tôi cho rằng, hoàn thiện pháp luật quản lý thuế nên đặt trong mối tương quan hợp lý với các văn bản pháp luật khác có liên quan. Mặt khác, tiền thuế và tiền phạt phải nộp là một trong những khoản phải thanh toán theo pháp luật phá sản mà không phải là khoản thanh toán sau cùng. Cụm từ đã thực hiện các thanh toán theo quy định của pháp luật phá sản dường như đã đặt nợ thuế, tiền phạt là phần thanh toán sau cùng và có thể được xóa nếu doanh nghiệp không còn tiền để nộp. Chúng tôi cho rằng, Dự luật cần sửa đổi thêm Khoản 1 Điều 65 Luật Quản lý thuế theo hướng khi tài sản của doanh nghiệp bị tuyên bố phá sản không thanh toán được hoặc không thanh toán hết các khoản nợ (bao gồm các khoản nợ không bảo đảm và nợ thuế, tiền phạt) thì áp dụng cơ chế xóa nợ thuế, tiền phạt mà doanh nghiệp đó phải nộp.
- Theo tinh thần của Điều 65 Luật Quản lý thuế năm 2006, việc xóa nợ thuế được áp dụng đối với mọi loại hình doanh nghiệp. Tuy nhiên, Khoản 1 Điều 90 Luật Phá sản năm 2004 quy định quyết định tuyên bố doanh nghiệp, hợp tác xã phá bị phá sản quy định tại Điều 86 và Điều 87 của Luật này không miễn trừ nghĩa vụ về tài sản của chủ doanh nghiệp tư nhân, thành viên hợp danh của công ty hợp danh đối với chủ nợ chưa thanh toán nợ, trừ trường hợp các bên có thỏa thuận khác hoặc pháp luật có quy định khác. Nếu đã định danh khoản thuế chưa nộp (hoặc chưa nộp hết) là khoản nợ thuế thì đương nhiên sẽ thuộc khái niệm nghĩa vụ tài sản được đề cập trong quy định trên của Luật Phá sản. Đặt hai quy định trên trong quan hệ điều chỉnh với nhau, chúng ta có thể hiểu rằng quy định tại Điều 65 của Luật Quản lý thuế là các quy định khác của pháp luật cho phép giải phóng trách nhiệm cho chủ doanh nghiệp tư nhân hoặc thành viên hợp danh của công ty hợp danh bị tuyên bố phá sản. Cách tiếp cận này có thể được áp dụng vì lý do đảm bảo tính công bằng trong đối xử với các loại doanh nghiệp khác nhau (bao gồm các doanh nghiệp có chế độ trách nhiệm hữu hạn và doanh nghiệp có trách nhiệm vô hạn). Xét về bản chất trách nhiệm của loại hình doanh nghiệp tư nhân và công ty hợp danh, cách giải quyết trên cho thấy sự hào phóng của pháp luật đối với chủ doanh nghiệp tư nhân và thành viên hợp danh và có thể bị lạm dụng. Về lý thuyết, chủ doanh nghiệp tư nhân và thành viên hợp danh của công ty hợp danh là các cá nhân trực tiếp quản lý, điều hành hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp. Họ là người có trách nhiệm tổ chức thực hiện nghĩa vụ nộp các loại thuế phát sinh từ hoạt động kinh doanh nên việc nợ thuế, tiền phạt sẽ do chính họ quyết định. Luật Doanh nghiệp năm 2005 quy định rõ trách nhiệm của hai loại chủ thể này là trách nhiệm vô hạn bằng toàn bộ tài sản của mình về các khoản nợ và các trách nhiệm tài sản khác phát sinh từ hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp (bao gồm trách nhiệm nộp thuế, tiền phạt). Sự vô hạn trong loại trách nhiệm này được Luật Phá sản chuyển hóa thành trách nhiệm cá nhân (đối với các khoản nợ chưa được thanh toán) sau khi doanh nghiệp không còn tồn tại do bị tuyên bố phá sản. Cơ chế xóa nợ thuế không phân biệt loại hình trách nhiệm có thể bị lạm dụng khi chủ doanh nghiệp tư nhân hoặc thành viên hợp danh dự liệu được khả năng phá sản của doanh nghiệp và trây ỳ nộp thuế để chuyển khoản thuế chưa nộp thành nợ thuế. Từ đó, thanh toán nợ thuế theo cơ chế thanh lý tài sản, thanh toán nợ của pháp luật phá sản và được xóa nợ phần chưa thanh toán hết. Cần nghiên cứu lại cơ chế xóa nợ tự động này. Việc xem xét trách nhiệm của các loại thành viên, xem xét trách nhiệm của những cá nhân quản lý hoặc sở hữu doanh nghiệp có hành vi làm giảm khả năng thanh toán nợ thuế hoặc lạm dụng cơ chế xóa nợ để trây ỳ nộp thuế là cần thiết.
- Quy định về hồ sơ xóa nợ thuế, tiền phạt, Điều 17 Dự luật quy định bổ sung trong hồ sơ Quyết định tuyên bố phá sản đối với trường hợp doanh nghiệp bị tuyên bố phá sản. Quy định này được hiểu là doanh nghiệp bị phá sản thuộc đối tượng xóa nợ thuế phải tiến hành thủ tục xóa nợ thuế, tiền phạt sau khi có quyết định tuyên bố phá sản của tòa án có thẩm quyền. Theo Luật Phá sản năm 2004, khi quyết định tuyên bố phá sản có hiệu lực thì đương nhiên, doanh nghiệp không còn tồn tại và vì vậy không còn tư cách để thực hiện bất kỳ thủ tục pháp lý nào khác. Người đại diện không thể sử dụng con dấu của doanh nghiệp để thực hiện thủ tục pháp lý nhân danh doanh nghiệp sau khi doanh nghiệp bị tuyên bố phá sản và đương nhiên, họ không thể nhân danh cá nhân để tiến hành thủ tục xóa nợ thuế vì khoản nợ này không là trách nhiệm cá nhân của người đại diện. Mặt khác, theo pháp luật phá sản, khi tòa án áp dụng thủ tục thanh lý tài sản, thanh toán nợ thì trách nhiệm giải quyết nợ do Tổ quản lý, thanh lý tài sản thực hiện (ngoại lệ đối với doanh nghiệp tư nhân và công ty hợp danh trong trường hợp không thanh toán hết nợ sẽ chuyển hóa thành trách nhiệm cá nhân của chủ doanh nghiệp hoặc thành viên hợp danh). Vì vậy, chúng tôi cho rằng, Ban soạn thảo Dự luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quản lý thuế nên xem xét liên kết giải quyết xóa nợ thuế, tiền phạt cho doanh nghiệp bị phá sản ngay trong các thủ tục mà pháp luật phá sản quy định.
Hai là, quy định về biện pháp xử phạt đối với hành vi chậm nộp tiền thuế. Luật Quản lý thuế và Dự luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quản lý thuế đều sử dụng biện pháp nộp tiền lãi nộp chậm. Điều 28 của Dự luật chỉ làm rõ câu chữ trong quy định tại Điều 106 Luật Quản lý thuế mà không có sửa đổi lớn về quan điểm xử lý đối với hành vi chậm nộp tiền thuế. Về vấn đề này, chúng tôi có một số bình luận sau:
- Theo pháp luật hiện hành, hành vi chậm nộp tiền thuế là một loại vi phạm pháp luật về quản lý thuế. Tên gọi của Điều 106 Luật Quản lý thuế năm 2006 khẳng định điều này (xử phạt đối với hành vi chậm nộp tiền thuế). Quan hệ thu nộp thuế là quan hệ hành chính giữa cơ quan quản lý nhà nước về thuế và đối tượng nộp thuế. Tuy nhiên, việc chậm nộp thuế có thể xuất phát từ những toan tính về lợi ích kinh tế của đối tượng nộp thuế bằng việc chấp nhận các biện pháp xử lý của Nhà nước để thụ hưởng các giá trị kinh tế do việc chiếm dụng khoản nợ thuế trong một thời hạn nhất định. Vì vậy, việc áp dụng các biện pháp xử lý trực tiếp tác động đến lợi ích kinh tế của chủ thể có hành vi vi phạm là cần thiết nhằm làm vô hiệu các toan tính bất chính của họ.
- Vấn đề còn băn khoăn là biện pháp xử phạt được áp dụng là tiền lãi chậm nộp thuế có mang đúng bản chất của một biện pháp xử phạt vi phạm pháp luật về quản lý thuế không. Khoản 1 Điều 28 của Dự luật chỉ áp dụng biện pháp nộp tiền lãi chậm nộp thuế đối với hành vi chậm nộp tiền thuế. Khoản 2 áp dụng đối với hành vi khai thuế sai dẫn đến nộp thiếu tiền thuế thì vừa áp dụng biện pháp nộp tiền lãi chậm nộp thuế và có thể bị xử phạt vi phạm thủ tục hành chính thuế, thiếu thuế, trốn thuế. Như vậy, nộp tiền lãi chậm nộp thuế là biện pháp xử phạt chính và duy nhất đối với hành vi chậm nộp thuế của các tổ chức, cá nhân thuộc đối tượng nộp thuế. Chúng tôi cho rằng, biện pháp này không thể hiện rõ tính chất của biện pháp xử phạt hành chính đối với hành vi vi phạm pháp luật về quản lý nhà nước nói chung và quản lý nhà nước về thuế nói riêng. Việc nộp tiền lãi chậm nộp thuế có tính chất gần giống với việc hoàn trả các lợi ích được thụ hưởng không căn cứ trong các quan hệ tài sản của pháp luật dân sự. Chúng tôi không băn khoăn về ý nghĩa kinh tế của biện pháp này mà chỉ cho rằng, cần có điều chỉnh thích hợp về tên gọi của biện pháp nộp tiền lãi chậm nộp thuế. Nên chăng, sửa đổi tên gọi theo đúng bản chất của xử phạt hành chính là phạt tiền (và mức phạt tính theo tỷ lệ phần trăm trên số tiền thuế chậm trả)[1].
Theo quan điểm của Bộ Tài chính, việc phạt chậm nộp tiền thuế: về bản chất, mức xử phạt 0,05% /ngày là khoản lãi chậm nộp tiền thuế, không nên coi là tiền phạt; nếu coi là khoản phạt sẽ dẫn đến hiểu nhầm một hành vi vi phạm về thuế bị xử phạt hai lần (vừa phạt vi phạm về lỗi khai thiếu, vừa phạt vi phạm chậm nộp tiền thuế)[2]. Để củng cố cho nhận định trên, Báo cáo đánh giá tác động của Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quản lý thuế cũng trích dẫn kinh nghiệm các nước và Công ước Kyoto cho thấy: hành vi chậm nộp tiền thuế không phải là hành vi cố tình gian lận thuế nên chỉ xử lý tính lãi nộp chậm chứ không coi là biện pháp phạt; đồng thời khi người nộp thuế tự nguyện khai bổ sung thì xử lý phạt ở mức thấp, còn không khai bổ sung sẽ phạt cao để làm tăng hiệu quả cơ chế tự khai tự chịu trách nhiệm của người nộp thuế. Dựa trên quan điểm này, thì Điều 106 của Luật Quản lý thuế cần phải sửa đổi tên gọi. Nếu biện pháp nộp tiền lãi chậm nộp thuế không là biện pháp xử phạt (không là tiền phạt) thì tên gọi của điều luật không thể là xử phạt đối với hành vi chậm nộp tiền thuế mà phải là xử lý đối với hành vi chậm nộp tiền thuế.
 - Dự luật giữ nguyên mức tính tiền lãi chậm nộp thuế là 0,05%/ngày tính trên số tiền thuế chậm nộp theo Luật Quản lý thuế năm 2006 trong khi có nhiều ý kiến từ các cán bộ quản lý và trong xã hội cho rằng, mức phạt này chưa đủ để ngăn chặn hành vi chậm nộp tiền thuế nên không đem lại hiệu quả của công tác quản lý thuế nói chung.
Box
  Theo luật hiện hành, người chậm nộp tiền thuế so với thời hạn quy định phải nộp đủ tiền thuế và bị xử phạt 0,05% mỗi ngày tính trên số tiền thuế chậm nộp. Nhưng Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội cho rằng, mức phạt chậm nộp này là thấp, một số doanh nghiệp cố tình chiếm dụng tiền thuế, chấp nhận bị phạt chậm nộp, không thực hiện nghĩa vụ thuế, gây khó khăn cho hành thu. “Đề nghị dự thảo Luật sửa đổi theo hướng nâng mức phạt đối với hành vi chậm nộp tiền thuế lên mức cao hơn hiện hành. Có thể quy định mức phạt 0,1% mỗi ngày tính trên số tiền thuế chậm nộp”- Chủ nhiệm Phùng Quốc Hiển đề xuất. Cơ quan thẩm tra cũng đề nghị, trường hợp người khai sai dẫn đến thiếu số tiền thuế phải nộp hoặc tăng số tiền thuế được hoàn, luật hiện hành quy định xử phạt 10% số tiền thuế khai thiếu, số tiền thuế được hoàn cao hơn và phạt tiền thuế chậm nộp trên số tiền thuế thiếu hoặc số tiền thuế được hoàn cao hơn. Để răn đe, cơ quan thẩm tra cũng đề nghị nâng mức phạt lên gấp đôi, tức 20%. Còn với hành vi trốn thuế, hiện mức phạt từ 1 đến 3 lần số tiền trốn thuế, được cơ quan thẩm tra đề nghị nâng lên 2-3 lần, nhằm nâng cao hiệu lực quản lý. Đồng tình với việc tăng mức phạt, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Nguyễn Văn Giàu cho rằng, mức phạt phải cao hơn mức lãi suất vay ngân hàng mới có ý nghĩa. Bộ trưởng Tài chính Vương Đình Huệ cho rằng, mức phạt như đề nghị của Ủy ban Tài chính - Ngân sách đã cao hơn nhiều lãi suất ngân hàng. Nhưng ông lo ngại, “nếu phạt nặng quá thì đối tượng vi phạm sẽ quay sang mua chuộc cán bộ thuế và để ngăn ngừa việc đó là rất khó[3]”.
Trong khi đó, sau hơn năm năm Luật Quản lý thuế có hiệu lực, việc doanh nghiệp nợ thuế, chậm nộp thuế vẫn còn là vấn đề nhức nhối của ngành thuế và được cả xã hội quan tâm. Nếu việc áp dụng biện pháp xử lý hiện tại chưa thực sự đem lại hiệu quả thì việc duy trì mức phạt không chỉ kéo dài tình trạng vi phạm mà cón có thể tác động không tốt đến ý thức tuân thủ pháp luật của các chủ thể đã nghiêm chỉnh chấp hành pháp luật thuế. Một khi những toan tính về lợi ích đã lấn át ý thức tuân thủ pháp luật và thúc giục các đối tượng nộp thuế tìm cách trục lợi từ việc chậm nộp thuế thì các biện pháp áp dụng không chỉ cần vô hiệu những toan tính ấy mà còn cần đủ để răn đe người vi phạm. Từ luận điểm trên, chúng tôi đồng ý với quan điểm cần điều chỉnh tăng thêm mức phạt từ tiền lãi chậm nộp thuế.
Ba là, một số thuật ngữ sử dụng trong Dự thảo không còn phù hợp với công tác thực thi pháp luật về doanh nghiệp, như trong Điều 27 Dự luật sửa đổi Điều 102 Luật Quản lý thuế về việc cưỡng chế thu hồi giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh đối với doanh nghiệp vi phạm pháp luật về quản lý thuế. Hiện nay, việc cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh theo Luật Doanh nghiệp năm 2005 được thực hiện bằng thủ tục đăng ký doanh nghiệp theo Nghị định 43/2010/NĐ-CP ngày 15/04/2010 của Chính phủ về đăng ký doanh nghiệp. Theo Nghị định này, thủ tục đăng ký doanh nghiệp bao gồm thủ tục đăng ký kinh doanh và đăng ký thuế cho doanh nghiệp, vì vậy, Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp đồng thời là Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh và Giấy chứng nhận đăng ký thuế của doanh nghiệp[4]. Liên kết pháp luật về quản lý thuế với thực tiễn thi hành việc đăng ký doanh nghiệp theo pháp luật doanh nghiệp, việc thu hồi giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh sẽ đồng thời thu hồi giấy chứng nhận đăng ký thuế (vì hai nội dung này đồng thời thuộc một giấy chứng nhận duy nhất). Do đó, Điều 27 Dự luật cần cập nhật nội dung này để có điều chỉnh thích hợp về tên gọi của giấy chứng nhận doanh nghiệp cho phù hợp./.

 


[1]Biện pháp phạt tiền trong xử lý các vi phạm hành chính tính theo tỷ lệ phần trăn đã được áp dụng trong Luật Cạnh tranh năm 2004. Theo đó, Hội đồng Cạnh tranh có thể xử phạt các doanh nghiệp thực hiện hành vi hạn chế cạnh tranh vi phạm Luật Cạnh tranh đến 10% tổng doanh thu của năm trước năm thực hiện hành vi.
[2]Bộ Tài chính, Báo cáo tác động của Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quản lý thuế ngày 04/01/2012, trang 15.
[4]Khoản 2 Điều 3 Nghị định 43/NĐ-CP ngày 15/04/2010 của Chính phủ về đăng ký doanh nghiệp.

(Nguồn tin: Bài viết đăng tải trên ấn phẩm Tạp chí Nghiên cứu lập pháp số 13(221), tháng 7/2012)


Thống kê truy cập

33934829

Tổng truy cập