Vận dụng nguyên tắc công bằng trong pháp luật thuế tài sản

01/08/2018

ThS. PHAN PHƯƠNG NAM

GV Khoa Luật thương mại, Trường Đại học Luật TP. Hồ Chí Minh

Tóm tắt: Dự thảo Luật Thuế tài sản ngày 23/04/2018[1] đã cho thấy, thuế tài sản nêu trong Dự thảo Luật này chỉ là một trong các loại thuế được Việt Nam sử dụng để điều tiết vào tài sản mà các chủ thể trong xã hội có được bên cạnh Luật Thuế thu nhập cá nhân. Bên cạnh đó, nội dung của Dự thảo Luật còn nhiều vấn đề cần được tiếp tục hoàn thiện.
Từ khóa: thuế tài sản, thuế liên quan tài sản; thuế thu nhập cá nhân; người nộp thuế
Abstract: The draft Law on Property Tax (version of 23/04/2018) has shown that the property tax stated in the draft law is just one of the taxes imposed by Viet Nam to regulate the properties occupied by the tax payers in the society along with the Law on Personal Income Tax. In addition, the content of the draft law has several issues need to be further improved.
Keywords: property tax, property -related taxes; personal income tax; tax payers
 Untitled_1103.png
Ảnh minh họa: nguồn internet
Thuế tài sản là loại thuế không quá mới mẻ trong hệ thống thuế các quốc gia nói chung và Việt Nam nói riêng[1]. Tùy các quốc gia khác nhau mà việc lựa chọn đánh thuế tài sản cũng có thể có sự khác nhau. Nhìn chung có hai hệ thống thuế tài sản sau: i) pháp luật thuế tài sản có năm hình thức: Luật thuế của cải đánh trên giá trị tài sản ròng của cá nhân, Luật thuế nhà, Luật thuế đất, Luật thuế đăng ký tài sản, Luật thuế thừa kế và quà tặng; ii) pháp luật thuế tài sản bao gồm: Luật thuế nhà, Luật thuế sử dụng đất, Luật thuế trước bạ, Luật thuế sử dụng ô tô, Luật thuế vốn[2].
Về cơ bản, thuế tài sản có những ưu điểm sau: i) thuế tài sản ít gây tác động xấu đến nền kinh tế (trong khi đó thuế điều tiết vào thu nhập tác động đến động lực của người tạo ra thu nhập, thuế điều tiết vào hàng hóa tác động đến hành vi tiêu dùng); ii) thuế tài sản mang công bằng trong điều tiết thuế; iii) thuế tài sản tạo nên nguồn thu ổn định cho nhà nước và ít bị ảnh bởi yếu tố mang tính chu kỳ của nền kinh tế như các loại thuế đánh vào thu nhập và hàng hóa và iv) đôi khi thuế tài sản (đối với bất động sản) được xem như là một công cụ quản lý thị trường bất động sản hiệu quả khi có những sự tác động mạnh vào tài sản là bất động sản. Với những ưu điểm trên, nên đây là thời điểm mà theo Bộ Tài chính là hợp lý để xem xét và điều thiết thuế tài sản ở Việt Nam.
Dự thảo Luật Thuế tài sản ngày 23/04/2018[3] đã cho thấy, đây không phải là toàn bộ quy định pháp luật về thuế tài sản mà Dự thảo Luật này - nếu được Quốc hội thông qua - chỉ là một trong các luật thuế được Việt Nam sử dụng để điều tiết vào tài sản mà các chủ thể trong xã hội có được bên cạnh Luật Thuế thu nhập cá nhân.
1. Nội dung và yêu cầu của nguyên tắc công bằng trong thuế tài sản
Khi nói về nguyên tắc công bằng nói chung, có nhiều quan điểm như: quan điểm của nhóm tiếp cận sự công bằng về mặt lợi ích[4]; nhóm tiếp cận sự công bằng trong thuế dựa trên khả năng chi trả của đối tượng trả thuế[5]lý thuyết về công bằng của John Rawls[6]. Mỗi quan điểm đều có các ưu và nhược điểm của nó. Trong phạm vi bài viết này, nguyên tắc công bằng được hiểu là các định hướng về việc xác định những nội dung, yêu cầu trong các quy định của pháp luật thuế nhằm đảm bảo việc thu thuế là hợp lý dựa trên khả năng chi trả của đối tượng nộp thuế có xem xét, cân nhắc đến các yếu tố hoàn cảnh, điều kiện sống nhằm đảm bảo những người có điều kiện khác nhau sẽ có nghĩa vụ nộp thuế khác nhau, người có điều kiện thuận lợi hơn sẽ phải nộp thuế nhiều hơn và những người điều kiện, hoàn cảnh như nhau sẽ phải nộp thuế như nhau.
Với cách hiểu như trên, nguyên tắc công bằng áp dụng trong pháp luật thuế tài sản cần phải đảm bảo các yêu cầu sau:
-  Công bằng theo khả năng của người chịu thuế. Điều này có nghĩa là pháp luật thuế tài sản cần xem xét, cân nhắc và tính toán đến điều kiện, khả năng đóng góp thuế của người chịu thuế. Bởi lẽ, vẫn biết là thuế tài sản sẽ điều tiết vào những chủ thể có tài sản nhưng cũng cần lưu ý là những chủ thể đó có đủ khả năng chịu đựng thuế hay không? Nếu pháp luật thuế điều chỉnh vượt quá khả năng chịu đựng thuế của người chịu thuế thì việc điều tiết sẽ không đảm bảo sự hợp lý. Do vậy, khi điều tiết thu cần tính đến mức ngưỡng nhất định. Nếu tài sản của người chịu thuế có giá trị dưới mức ngưỡng đó thì Nhà nước không điều tiết.
-   Công bằng theo chiều ngang. Theo đó, các chủ thể có các điều kiện hoàn cảnh như nhau thì sẽ thực hiện các nghĩa vụ thuế tài sản như nhau.
-   Công bằng theo chiều dọc. Theo đó, các chủ thể có các điều kiện, hoàn cảnh khác nhau thì thực hiệc các nghĩa vụ thuế khác nhau. Người có điều kiện hơn sẽ thực hiện nghĩa vụ thuế cao hơn người có điều kiện kém thuận lợi hơn.
2. Các quy định của Dự thảo Luật Thuế tài sản dưới góc độ đảm bảo sự công bằng
2.1 Những thành công của Dự thảo Luật Thuế tài sản
Một là, Dự thảo Luật Thuế tài sản đã có những quy định hợp lý khi đặt ra ngưỡng điều tiết thuế đối với nhà. Theo đó, nếu giá trị nhà dưới mức ngưỡng xác định thì người sở hữu nhà không có nghĩa vụ phải nộp thuế tài sản cho Nhà nước. Đây chính là sự công bằng theo khả năng của người nộp thuế.
Hai là, Dự thảo Luật Thuế tài sản có xem xét và tính đến các trường hợp miễn, giảm thuế như: số thuế nộp thấp (dưới 50.000 VNĐ), đất xây nhà tình thương, đại đoàn kết... Điều này đã thấy rõ bản chất của thuế tài sản chỉ mong muốn điều tiết vào những người có thu nhập tương đối và không điều tiết vào những chủ thể mà điều kiện sống của họ còn nhiều khó khăn.
Ba là, Dự thảo Luật Thuế tài sản đã điều tiết vào một số tài sản chưa được sự công nhận của Nhà nước (đất lấn, chiếm). Trong trường hợp này, theo quy định của luật, những chủ thể có thu nhập từ việc khai thác đất nên có nghĩa vụ phải nộp thuế tài sản cho Nhà nước. Điều này cũng nhằm đảm bảo sự công bằng giữa những người sử dụng đất có lợi ích như nhau thì cũng phải cùng có nghĩa vụ nộp thuế.
2.2 Những điểm hạn chế của Dự thảo Luật Thuế tài sản
Thứ nhất, quy định về người nộp thuế trong Dự thảo Luật Thuế tài sản chưa hợp lý. Trong điểm b khoản 3 Điều 4 Dự thảo Luật Thuế tài sản xác định, nếu có thỏa thuận thì người thuê nhà có thể là người nộp thuế. Điều này xuất phát từ việc kế thừa quy định trong pháp luật thuế sử dụng đất phi nông nghiệp. Tuy nhiên, điều này có điểm còn bất cập. Đó là người nộp thuế sẽ lợi dụng quy định về ngưỡng chịu thuế trong tài sản để tránh thuế. Theo đó, nếu giá trị căn nhà vượt trên ngưỡng chịu thuế, chủ sở hữu tài sản có thể cho nhiều người thuê và phần giá trị thuê của từng người thuê sẽ không vượt quá ngưỡng chịu thuế. Cách thức này rất dễ áp dụng đối với những bất động sản có thể chia tách như nhà có nhiều phòng, nhiều tầng. Điều này sẽ gây nên sự bất công bằng trong việc điều tiết thuế tài sản.
Thứ hai, nội dung của các căn cứ tính thuế trong Dự thảo Luật Thuế tài sản còn nhiều điểm chưa hợp lý.
Căn cứ tính thuế theo Điều 6 Dự thảo là giá tính thuế và thuế suất. Quy định có những bất cập sau:
Một là, giá tính thuế đối với nhà mới xây dựng chưa hợp lý. Theo điểm b khoản 2 Điều 7 Dự thảo thì giá 1m2 nhà tính thuế được xác định theo giá 1m2 nhà xây dựng mới theo từng cấp nhà, hạng nhà do Ủy ban nhân dân (UBND) cấp tỉnh quyết định theo quy định của pháp luật về xây dựng tại thời điểm tính thuế. Quy định này nhằm đơn giản và dễ tính thuế nhưng chưa đảm bảo sự công bằng. Bởi lẽ, các công trình khi xây dựng không chỉ căn cứ vào cấp nhà, hạng nhà mà còn phụ thuộc vào kết cấu đất và vật liệu xây dựng được sử dụng. Việc chỉ áp dụng mức giá nhà xây dựng theo quy định của cơ quan nhà nước là mang tính áp đặt ý chí và chưa phù hợp với thực tế.
Hai là, giá tính thuế đối với nhà đã qua sử dụng cũng chưa hợp lý. Theo điểm b khoản 2 Điều 7 Dự thảo thì giá tính thuế đối với nhà đã qua sử dụng là được xác định căn cứ theo giá 1m2 nhà xây dựng mới theo từng cấp nhà, hạng nhà do UBND cấp tỉnh quyết định theo pháp luật về xây dựng tại thời điểm tính thuế và tỷ lệ (%) chất lượng còn lại của nhà do UBND cấp tỉnh quy định theo pháp luật tại thời điểm tính thuế. Ở đây, cần làm rõ phần tỷ lệ (%) chất lượng còn lại sẽ được xác định như thế nào? Việc xác định trên chỉ đúng nếu bất động sản xuống cấp đều đặn theo thời gian mà không có những yếu tố khác tác động hoặc làm tăng nhanh quá trình giảm giá trị bất động sản. Tuy nhiên, khi có những yếu tố tác động mạnh làm cho quá trình giảm giá trị bất động sản này diễn ra nhanh hơn mức thông thường thì sẽ được xác định như thế nào?
Ba là, xác định ngưỡng chịu thuế trong thuế tài sản là bất động sản chưa hợp lý. Ở đây, chúng tôi không tập trung tranh luận về mức ngưỡng 700 triệu hoặc 01 tỷ trên bất động sản sẽ chịu thuế[7], mà chỉ xác định là liệu việc đưa ra mức ngưỡng có đảm bảo sự công bằng chưa khi điều tiết thuế tài sản? Bởi lẽ trên thực tế, có những chủ thể đang sở hữu lượng tài chính đủ lớn để xây dựng hoặc mua bất động sản vượt qua ngưỡng chịu thuế. Tuy nhiên, không phải chủ thể nào cũng có đủ tài chính và có rất nhiều chủ thể để sở hữu bất động sản đã tiến hành vay tài chính từ các chủ thể khác (tổ chức tín dụng, bạn bè, gia đình) do xuất phát từ tâm lý muốn “an cư, lạc nghiệp”. Đối với những chủ thể này, nếu giá trị bất động sản của họ vượt ngưỡng và phải chịu thuế thì cũng là sự bất công bằng đối với họ. Theo chúng tôi, việc đánh thuế phải dựa trên khả năng tài chính của người nộp thuế. Trong khi đó, những người này cùng lúc phải thực hiện các nghĩa vụ tài chính từ khoản nợ vay để mua bất động sản đồng thời phải nộp thuế tài sản thì liệu có vượt trên sức chịu đựng của họ không? Liệu có đáp ứng các yêu cầu của nguyên tắc công bằng không?
Bốn là, thuế suất chưa đảm bảo sự hợp lý. Một trong các mục đích đặt ra của thuế tài sản là bảo đảm sự công bằng hơn trong xã hội. Theo yêu cầu của sự công bằng theo chiều dọc thì người có điều kiện thuận lợi hơn sẽ bị điều thuế nhiều hơn. Đặc biệt đối với thuế tài sản là điều tiết vào tài sản nên rõ ràng cần phải phát huy hơn nữa sự công bằng này. Tuy nhiên, điều này hoàn toàn chưa thể hiện rõ trong Dự thảo Luật Thuế tài sản. Theo đó, Dự thảo chỉ đưa ra một mức thuế suất chung mà không phân biệt giá trị tài sản. Đây là bước thụt lùi trong hoạt động lập quy, không kế thừa được sự hợp lý trong quy định của Luật Thuế sử dụng đất phi nông nghiệp hiện hành.
Thứ ba, quy định miễn thuế trong thuế tài sản
Một là, cần xem xét bổ sung trường hợp nhà xây dựng nhưng chưa được công nhận quyền sở hữu vào trong trường hợp miễn thuế để đảm bảo sự công bằng. Khoản 2 Điều 4 Dự thảo xác định “trường hợp chưa có Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà và các tài sản khác gắn liền với đất thì xác định theo mục đích sử dụng đối với đất” nên dù cho tài sản là bất động sản chưa được công nhận thì người có bất động sản đó vẫn là người nộp thuế. Quy định này khởi nguồn từ quy định trong pháp luật thuế nhà đất trước đây và hiện tồn tại trong Luật Thuế sử dụng đất phi nông nghiệp là đánh vào lợi ích có được từ hành vi khai thác đất cho dù đất sử dụng chưa được công nhận quyền sử dụng thì người khai thác đất cũng có nghĩa vụ tài chính với Nhà nước. Quan điểm này chỉ đúng khi áp dụng cho thuế về đất, vì có những trường hợp các chủ thể sử dụng đất khai hoang, lấn chiếm kênh, rạch, sử dụng đất có lợi ích nên Nhà nước yêu cầu họ có nghĩa vụ tài chính với Nhà nước là hợp lý. Tuy nhiên, nếu áp dụng quy định này trong việc điều tiết thuế đối với nhà ở là chưa hợp lý. Ví dụ, đối với nhà được xây dựng hợp pháp nhưng không được Nhà nước công nhận và cho hoàn công. Hiện nay, đối với các loại đất được quy hoạch xác định là đất hỗn hợp, đất khu dân cư chỉnh trang... thì người dân chỉ được cấp phép xây dựng tạm và không được đền bù, không được hoàn công[8]. Vậy có công bằng không khi nhà ở do người dân xây nhưng chưa được công nhận, so với những bất động sản trên đất khác được Nhà nước công nhận khi cùng bị điều tiết thuế tài sản. Rõ ràng những công trình này sẽ bị tháo dỡ và không có bất kỳ sự đền bù nào khi nhà nước thu hồi đất, trong khi các bất động sản được thừa nhận thì sẽ được đền bù. Lỗi trên không phải là do người dân tự xây dựng mà xuất phát từ nhu cầu chỗ ở của người dân và từ sự yếu kém, chậm trễ trong công tác quy hoạch của Nhà nước[9]. Vì vậy, nên chăng pháp luật cần xem đây là trường hợp được miễn thuế. Rõ ràng về nguyên lý, đây là tài sản có giá trị lớn cần được sự điều chỉnh của Nhà nước không chỉ để thu thuế mà còn nhằm đáp ứng mục tiêu quản lý tài sản[10] nên không thể đưa vào trường hợp không chịu thuế. Tuy nhiên, với những nguy cơ bị thu hồi đất và không đền bù với tài sản này thì cần xem xét cho vào trường hợp miễn thuế. Khi nào Nhà nước cho phép tài sản này hoàn công và đảm bảo khả năng đền bù cho tài sản khi Nhà nước thu hồi thì tài sản này vẫn chịu thuế và người sở hữu vẫn nộp thuế như các trường hợp khác.
Hai là, cần đưa di sản để thờ cúng[11] vào đối tượng được miễn thuế. Di sản để thờ cúng là những loại tài sản đặc biệt liên quan đến đời sống tinh thần, tín ngưỡng của người Việt Nam. Tài sản này rõ ràng không được sử dụng để kinh doanh. Vì vậy, về bản chất, tài sản này không phát sinh lợi nhuận nên Nhà nước không nên điều tiết thuế tài sản vào tài sản này. Tuy nhiên, để đáp ứng nhu cầu quản lý và đảm bảo tính công bằng, pháp luật cần đưa tài sản này vào diện miễn thuế,  nhằm thể hiện rõ pháp luật có điều chỉnh vào tài sản này để quản lý nhưng không thu thuế vì đáp ứng nhu cầu về tín ngưỡng và phù hợp với quan niệm của người Việt Nam.
3. Kiến nghị hoàn thiện Dự thảo Luật Thuế tài sản
Thứ nhất, cần điều chỉnh lại quy định về người nộp thuế cho phù hợp. Theo đó,  trong trường hợp bất động sản cho thuê thì giá trị tài sản tính thuế là toàn bộ giá trị bất động sản cho thuê, không phân biệt cho thuê một người hay nhiều người, cho thuê một phần hay toàn bộ bất động sản. Ngưỡng chịu thuế không áp dụng cho từng người nộp thuế mà áp dụng cho cả tài sản chịu thuế để tránh trường hợp lách thuế bằng cách thỏa thuận chia nhà ra kê khai cho từng người thuê.
Thứ hai, cần xem xét và điều chỉnh lại nội dung trong các yếu tố tính thuế của thuế tài sản. Cụ thể:
- Cần xác định là giá tính thuế cho 1m2 nhà xây dựng mới là giá xây dựng thực tế, nếu không có cơ sở hoặc giá thực tế do người nộp thuế xác định không hợp lý sẽ sử dụng khung giá do cơ quan nhà nước có thẩm quyền quy định. Quy định này đảm bảo sự công bằng và chính xác hơn.
- Cần ghi nhận đối với bất động sản đã qua sử dụng trong các trường hợp có những yếu tố tác động làm giảm giá trị của bất động sản thì cần có những cơ chế để xác định lại giá trị tài sản khi tính thuế. Điều này mới làm đảm bảo tính công bằng trong điều tiết thuế tài sản. Cụ thể, cần bổ sung quy định sau vào nội dung này là: “trong trường hợp có những biến động lớn làm giảm giá trị của bất động sản thì cơ quan nhà nước căn cứ vào yêu cầu của người nộp thuế để xác định lại tỷ lệ chất lượng còn lại của nhà”.
- Đối với trường hợp vay tiền để mua bất động sản thì giá tính thuế nên là phần vượt ngưỡng chịu thuế sau khi trừ khoản nợ mà những chủ thể này còn phải thực hiện (tính trên dư nợ giảm dần) nếu người nộp thuế có những bằng chứng chứng minh.
- Cần xem xét và tính toán để thay đổi thuế suất theo hướng thuế suất lũy tiến nhằm đảm bảo những người có giá trị tài sản cao phải bị điều tiết nhiều hơn, mạnh hơn so với những chủ thể có tài sản ít giá trị hơn để thực hiện đúng yêu cầu của nguyên tắc công bằng.
Thứ ba, cần bổ sung các quy định miễn thuế trong thuế tài sản. Theo đó, pháp luật cần bổ sung đưa di sản để thờ cúng và nhà xây dựng nhưng chưa được công nhận quyền sở hữu vào các trường hợp miễn thuế./.

 


[1]Hiện nay trên thế giới có 174/193 nước có áp dụng sắc thuế thu đối với tài sản. Theo Viện Chiến lược và Chính sách tài chính, Thực tiễn áp dụng thuế tài sản ở các nước, tài liệu đăng trên http://tapchitaichinh.vn/nghien-cuu--trao-doi/trao-doi-binh-luan/thuc-tien-ap-dung-thue-tai-san-o-cac-nuoc-139653.html truy cập ngày 22/05/2018.
[2]Hoàng Thị Giang (2007), Pháp luật thuế tài sản ở Việt Nam hiện nay – Những vấn đề lý luận và thực tiễn, Luận án Tiến sỹ Luật học, Viện Nhà nước và pháp luật.
[3] Tài liệu được đăng trên http://vibonline.com.vn/du_thao/du-luat-thue-tai-san, truy cập ngày 19/05/2018.
[4] Nhóm học giả này cho rằng quan hệ giữa người nộp thuế, trả thuế và chính phủ, nhà nước là quan hệ trao đổi. Theo đó, nhà nước cung cấp hàng hóa, dịch vụ cho người trả thuế và người trả thuế phải trả tiền cho nhà nước. Theo cách lý giải này thì đối tượng trả thuế chỉ trả thuế dựa trên lợi ích, phúc lợi mà họ nhận được từ nhà nước. Tuy nhiên, quan điểm này đã mặc nhiên thừa nhận có sự đối giá và hoàn trả trực tiếp cho người trả thuế trong quan hệ thuế. Điều này đi ngược lại với bản chất của thuế đã được đa số các học giả công nhận. Xem Giáo trình Thuế (2001), Trường Đại học Kinh tế TP Hồ Chí Minh và Viện Nghiên cứu tài chính, Chủ biên: GS,TS Nguyễn Thanh Tuyền, TS. Nguyễn Ngọc Thanh, Nxb. Thống kê, Hồ Chí Minh 2001.
[5] Những người theo quan điểm này cho rằng những hoạt động cung cấp phúc lợi xã hội, quyền và lợi ích cho các cá nhân, tổ chức trong xã hội là xuất phát từ chức năng và nhiệm vụ của nhà nước. Các quyền và lợi ích này không gắn liền và không là hệ quả trực tiếp từ số thuế mà đối tượng nộp thuế đã nộp cho nhà nước. Việc phân phối gánh nặng của thuế sẽ được nhà nước quyết định theo nguyên tắc công bằng – nghĩa là việc nộp thuế của đối tượng nộp thuế cần phải được tiến hành và xác định phù hợp với khả năng chi trả của họ. Tùy thuộc vào khả năng của đối tượng nộp thuế, nhà nước sẽ xác định mức điều tiết phù hợp nhằm bảo đảm rằng các đối tượng nộp thuế phải hy sinh một phần thu nhập của mình để nộp thuế cho nhà nước. Xem Professor David W. Williams (1996), Principle of tax law, Swett & Maxwell và Nguyễn Hồng Thắng, Vận dụng nguyên tắc đánh thuế trong thực tiễn, Tạp chí Phát triển kinh tế số 220 - tháng 2/2009 (nay đổi tên thành Tạp chí Nghiên cứu Kinh tế và Kinh doanh Châu Á tên gọi tiếng Anh: Journal of Asian Business and Economic Studies (JABES).
[6] Rawls, J.(1971). A theory of Justice, Harvard University Press, Cambridge, Massachusetts; Clarendent Press, Oxford.
[7]Có thể xem thêm các cách lý giải về mức ngưỡng chịu thuế: Hoàng Thanh, Tại sao Bộ Tài chính lấy ngưỡng chịu thuế nhà là 700 triệu đồng?, theo https://news.zing.vn/tai-sao-bo-tai-chinh-lay-nguong-chiu-thue-nha-la-700-trieu-dong-post835111.html, truy cập ngày 10/05/2018; Minh Anh, Tại sao Bộ Tài chính lấy ngưỡng chịu thuế nhà từ 700 triệu đồng? theo http://thoibaotaichinhvietnam.vn/pages/nhip-song-tai-chinh/2018-04-14/tai-sao-bo-tai-chinh-lay-nguong-chiu-thue-nha-tu-700-trieu-dong-56157.aspx, truy cập ngày 10/05/2018.
[8]D.Ngọc Hà, Đất vướng quy hoạch: Mỗi nơi giải quyết một kiểu, theo https://nhadat.tuoitre.vn/dat-vuong-quy-hoach-moi-noi-giai-quyet-mot-kieu-600643.htm truy cập ngày 16/05/2018; Tiến Long – Ái Nhân, Đất ở mà chỉ được xây dựng tạm, dỡ không được đền bù, theo https://tuoitre.vn/dat-o-ma-chi-duoc-xay-dung-tam-do-khong-duoc-den-bu-20171211082713028.htm truy cập ngày 17/05/2018.
[9] Theo khoản 3 Điều 49 của Luật Đất đai: “Diện tích đất ghi trong kế hoạch sử dụng đất hàng năm của cấp huyện đã được công bố phải thu hồi để thực hiện dự án hoặc phải chuyển mục đích sử dụng đất mà sau 03 năm chưa có quyết định thu hồi đất hoặc chưa được phép chuyển mục đích sử dụng đất thì cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt kế hoạch sử dụng đất phải điều chỉnh, hủy bỏ và phải công bố việc điều chỉnh, hủy bỏ việc thu hồi hoặc chuyển mục đích đối với phần diện tích đất ghi trong kế hoạch sử dụng đất.
Trường hợp cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt kế hoạch sử dụng đất không điều chỉnh, hủy bỏ hoặc có điều chỉnh, hủy bỏ nhưng không công bố việc điều chỉnh, hủy bỏ thì người sử dụng đất không bị hạn chế về quyền theo quy định tại khoản 2 Điều này”. Tuy nhiên, trên thực tế, các cơ quan nhà nước có thẩm quyền không phải lúc nào cũng làm đúng quy định này. Nếu đúng tinh thần trên, sau 3 năm mà quy hoạch không còn thì những ngôi nhà, bất động sản xây dựng tạm có thể được Nhà nước công nhận và cho hoàn công.
[10]Tô Hà - Thy Thơ, Thuế tài sản phải công bằng.
[11] Xem Điều 645 Luật số 91/2015/QH13 Bộ luật Dân sự. 

(Nguồn tin: Bài viết đăng trên Ấn phẩm Tạp chí Nghiên cứu Lập pháp, số 15 (367), tháng 8/2018)