Mô hình tòa gia đình và người chưa thành niên ở Việt Nam và Hàn Quốc - nhìn từ góc độ luật so sánh

01/01/2019

LỮ THỊ HẰNG

TAND cấp cao tại Đà Nẵng.

Tóm tắt: Tòa Gia đình và người chưa thành niên ở Việt Nam được quy định lần đầu tiên tại Luật Tổ chức Tòa án năm 2014, được tổ chức theo mô hình Tòa chuyên trách, là một bộ phận nằm trong cơ cấu tổ chức tại Tòa án nhân dân cấp huyện và tương đương, Tòa án nhân dân cấp tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, Tòa án nhân dân cấp cao. Hiện tại, mô hình Tòa Gia đình và người chưa thành niên tại Tòa án nhân dân cấp tỉnh, cấp huyện mới được tổ chức thí điểm tại hai Tòa án địa phương[1], do đó, để mô hình Tòa chuyên trách này được hoạt động hiệu quả, việc học tập kinh nghiệm nước ngoài là cần thiết.
Từ khóa: Tòa gia đình và người chưa thành niên; tòa chuyên trách; bảo vệ người yếu thế trong tố tụng; phúc lợi xã hội; luật so sánh
Abstract: The Court for Family and Juveniles in Vietnam first defined in the Law on Court Organization of 2014 is organized in the form of a specialized court model, which is a part of the organizational structure of the People's Courts at district and equivalent level, at provincial and municipalities level, and at high-level People's Courts. Currently, the model of the Court for Family and Juveniles under the People's Courts in provincial level and district level is only organized as pilot model in two local courts. For further effective performance of such specialized court model, it is necessary to study the relevant foreign experiences.
Keywords: Court for Family and Juveniles; specialized court; protection of low-position persons in proceedings; welfare; comparison law

Untitled_89.jpg

Ảnh minh họa: nguồn internet

 


[1] Đó là: TAND Thành phố Hồ Chí Minh theo Quyết định số 388/QĐ-TCCB ngày 30/3/2016 của Chánh án TAND tối cao, ra mắt ngày 04/4/2016; TAND tỉnh Đồng Tháp theo Quyết định số 1425/QĐ-TCCB ngày 28/8/2017 của Chánh án TAND tối cao, ra mắt ngày 22/6/2018.

1. So sánh cơ cấu tổ chức, mô hình hoạt động của Tòa Gia đình và người chưa thành niên của Việt Nam và Tòa Gia đình của Hàn Quốc
1.1Về cơ cấu tổ chức
Tòa Gia đình của Hàn Quốc được tổ chức thành một Tòa án độc lập, là 01 trong số 07 loại hình Tòa án được quy định bởi Luật Tổ chức Tòa án[1]. Hiện nay, Hàn Quốc đã thành lập được 07 Tòa án gia đình, đó là: Tòa án gia đình Seoul, Tòa án gia đình Incheon, Tòa án gia đình Deajeon, Tòa án gia đình Deagu, Tòa án gia đình Busan, Tòa án gia đình Gwangju và Tòa án gia đình Ulsan. Đối với những khu vực chưa thành lập Tòa án gia đình, các vụ việc hôn nhân gia đình sẽ được giải quyết tại Tòa án địa phương hoặc Tòa án chi nhánh thuộc Tòa án địa phương cho đến khi Tòa án gia đình được thành lập tại khu vực đó.
Theo quy định của pháp luật hiện hành, ở Việt Nam, Tòa Gia đình và người chưa thành niên (NCTN) được tổ chức là một Tòa chuyên trách thuộc hệ thống Tòa án nhân dân (TAND). Theo đó, Tòa Gia đình và NCTN được tổ chức ở TAND cấp huyện và tương đương, TAND cấp tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương và TAND cấp cao. Hiện nay, Tòa Gia đình và NCTN mới chỉ được tổ chức thí điểm tại TAND thành phố Hồ Chí Minh và tại TAND tỉnh Đồng Tháp.
Như vậy, khác biệt cơ bản giữa Tòa Gia đình của Hàn Quốc với Tòa Gia đình và NCTN của Việt Nam là về mô hình tổ chức, ở Hàn Quốc được tổ chức thành một hệ thống Tòa án độc lập cùng với các loại hình Tòa án khác thì ở Việt Nam lại được tổ chức theo mô hình Tòa chuyên trách thuộc TAND các cấp.
1.2 Về nhân sự
Tòa Gia đình và NCTN ở Việt Nam được tổ chức theo mô hình Tòa chuyên trách nên nhân sự cũng bao gồm các Thẩm phán và Thư ký Tòa án. Đội ngũ lãnh đạo bao gồm Chánh Tòa và các Phó Chánh tòa. Ở Tòa Gia đình và NCTN thuộc TAND thành phố Hồ Chí Minh hiện nay có 30 biên chế bao gồm 15 Thẩm phán (trong đó có 01 Chánh Tòa, 02 Phó Chánh tòa) và 15 Thư ký nghiệp vụ[2].
Trong khi đó, Tòa Gia đình của Hàn Quốc được tổ chức thành hệ thống Tòa án chuyên biệt nên đội ngũ nhân sự cũng có những điểm khác biệt cơ bản đó là: đội ngũ Thẩm phán chuyên trách, Điều tra viên chuyên môn và Điều tra viên ngạch Thư ký Tòa án. Ngoài ra, để thực hiện tốt chức năng hỗ trợ, phúc lợi, Tòa Gia đình của Hàn Quốc còn thành lập Ủy ban cải cách chế độ hôn nhân gia đình và NCTN (thành lập năm 2004) và Ủy ban giải pháp nhằm giải quyết các vấn đề con cái của gia đình trước và sau khi ly hôn (thành lập năm 2009).
Nhân sự của Ủy ban cải cách chế độ hôn nhân gia đình và NCTN gồm có các thành viên của cơ quan lập pháp, cơ quan tư pháp, hành pháp và đại diện của các tổ chức xã hội (trong đó, Tòa Gia đình Seoul đã thành lập Ủy ban cải cách chế độ hôn nhân gia đình và NCTN gồm 42 thành viên). Ủy ban cải cách chế độ hôn nhân gia đình và NCTN chỉ định ra Ủy ban hoà giải gồm các chuyên gia luật và tư vấn chuyên môn làm Ủy viên hoà giải để thực hiện chức năng giải quyết các tranh chấp thực tế.
Nhân sự của Ủy ban giải pháp nhằm giải quyết các vấn đề con cái của gia đình trước và sau khi ly hôn bao gồm các Thẩm phán và Điều tra viên, đồng thời có tổ chức liên kết với nhiều Trung tâm hỗ trợ gia đình để tạo cơ hội cho người không trực tiếp nuôi con tham gia hoạt động cắm trại cũng như góp phần hoàn thiện quy trình ủy thác tư vấn[3].
Ngoài ra, tại một số Tòa án gia đình của Hàn Quốc còn thành lập Hội đồng tư vấn do Tòa án chỉ định bao gồm các tư vấn viên chuyên môn làm ủy viên tư vấn. Quy trình tư vấn có thể được thực hiện bởi Thẩm phán chủ tọa hoặc tổ trưởng tổ hoà giải trực tiếp quản lý quy trình tư vấn và mô hình điều tra viên tiến hành quản lý quy trình tư vấn dưới hình thức lệnh xác minh hoặc lệnh áp dụng biện pháp điều chỉnh. Ngoài ra, tùy từng lĩnh vực chuyên môn để chỉ định ủy viên tư vấn và liên kết với cơ sở tư vấn bên ngoài. Công tác tư vấn đã tạo điều kiện cho các đương sự có thể nhìn lại mình trên lập trường của đối phương nhằm ngăn chặn tình trạng mâu thuẫn trở nên căng thẳng; lắng nghe nguyện vọng của con con cái và giúp hai bên thoả thuận được trong việc giải quyết các vấn đề gia đình[4].
Có thể thấy, ở Việt Nam, nhân sự của Tòa Gia đình và NCTN không có khác biệt cơ bản so với các Tòa chuyên trách khác. Trong khi đó, Tòa Gia đình của Hàn Quốc ngoài những nhân sự thuộc hệ thống Tòa án như Thẩm phán, Điều tra viên chuyên môn và Điều tra viên ngạch Thư ký Tòa án thì còn có các chuyên gia thuộc các cơ quan lập pháp, hành pháp, tư pháp và đại diện các tổ chức xã hội nhằm mục đích tư vấn, hỗ trợ, hoà giải, đề ra giải pháp cho các bên tham gia tranh chấp trong từng vụ việc cụ thể.
2. So sánh thẩm quyền, chức năng của Tòa Gia đình của Hàn Quốc và Việt Nam
2.1 Chức năng của Tòa Gia đình
Ở Việt Nam, Tòa Gia đình và NCTN thực hiện chức năng xét xử, giải quyết các vụ việc sau: a) Các vụ án hình sự mà bị cáo là người dưới 18 tuổi hoặc các vụ án hình sự mà bị cáo là người đã đủ 18 tuổi trở lên nhưng người bị hại là người dưới 18 tuổi bị tổn thương nghiêm trọng về tâm lý hoặc cần sự hỗ trợ về điều kiện sống, học tập do không có môi trường gia đình lành mạnh như những người dưới 18 tuổi khác; b) Xem xét, quyết định áp dụng các biện pháp xử lý hành chính tại TAND đối với NCTN; c) Các vụ việc hôn nhân gia đình theo quy định của Bộ luật Tố tụng dân sự[5].
Ở Hàn Quốc, ngoài chức năng xét xử, giải quyết các vụ việc hôn nhân và gia đình như luật định, Tòa Gia đình còn có chức năng hoà giải hôn nhân và gia đình, chức năng xét xử bảo vệ thiếu niên, bảo vệ gia đình, bảo vệ trẻ em, giám sát đăng ký quan hệ gia đình[6]... Chức năng xét xử bảo vệ được coi là chức năng quan trọng, cơ bản của Tòa Gia đình Hàn Quốc nhằm thực hiện công tác hỗ trợ, phúc lợi nhằm giúp đỡ các đương sự chuẩn bị và thích nghi với mối quan hệ gia đình mới. Do đó, Tòa Gia đình của Hàn Quốc được coi là loại hình Tòa án “đặc biệt” bởi chức năng, nhiệm vụ và cơ cấu tổ chức của nó.
2.2 Thẩm quyền của Tòa Gia đình tại Vit Nam và Hàn Quốc
Điểm 6, điểm 7 Điều 3 Thông tư số 01/2016/TT- CA, ngày 21/01/2016, Chánh án TAND tối cao quy định cụ thể về thẩm quyền giải quyết các vụ việc của Tòa Gia đình và NCTN. Theo đó, thẩm quyền của Tòa Gia đình và NCTN ở Việt Nam là xét xử các vụ án và giải quyết các vụ việc có liên quan đến gia đình và NCTN theo quy định của pháp luật tố tụng hình sự và pháp luật tố tụng dân sự hoặc các việc khác theo quy định của pháp luật. Hoạt động của Tòa gia đình và NCTN phải bảo đảm được tính chuyên môn hóa, tập trung vào đối tượng chịu tác động trực tiếp từ quyết định của Tòa án là trẻ em và NCTN; đồng thời gắn việc xử lý NCTN vi phạm pháp luật với việc giải quyết các mối quan hệ gia đình; bảo đảm điều kiện để xây dựng một môi trường thực sự riêng biệt (như: phòng xử án và cách bố trí phòng xử án theo hướng thân thiện với trẻ em, NCTN; các quy định về nội quy phòng xử án; cách thức điều hành của Thẩm phán, Hội thẩm ...) phù hợp với các chuẩn mực quốc tế.
Tòa Gia đình Hàn Quốc phụ trách xét xử sơ thẩm và một phần xét xử phúc thẩm đối với vụ việc hôn nhân và gia đình; phụ trách xét xử sơ thẩm và phúc thẩm đối với vụ việc bảo vệ thiếu niên, vụ việc bảo vệ gia đình và vụ việc bảo vệ trẻ em. Ngoài ra, tòa án gia đình còn phụ trách các công việc như giám sát việc đăng ký quan hệ gia đình, xét xử sơ thẩm và phúc thẩm liên quan đến việc đăng ký quan hệ gia đình, công nhận thuận tình ly hôn.
Theo đó, công việc của Tòa Gia đình Hàn Quốc sẽ bao gồm:
- Xét xử vụ việc về hôn nhân và gia đình là những vụ án tranh chấp giữa các thành viên trong gia đình và những người thân thích, vụ việc liên quan đến quan hệ gia đình và quan hệ nhân thân. Ví dụ về vụ án hôn nhân và gia đình như: ly hôn theo yêu cầu của một bên; vô hiệu quan hệ hôn nhân; xác định quan hệ cha, mẹ, con; yêu cầu bồi thường thiệt hại do ly hôn; từ bỏ quyền thừa kế; phân chia tài sản; nuôi con; phân chia di sản thừa kế v.v..;
- Hoà giải hôn nhân gia đình;
- Xét xử bảo vệ thiếu niên là xét xử để áp dụng biện pháp xử lý bảo vệ thiếu niên (người chưa đủ 19 tuổi) phạm tội hoặc đã thực hiện hành vi sai trái. Trong một số trường hợp nhất định, nếu thiếu niên thực hiện hành vi phạm tội quy định trong Bộ luật Hình sự, có thể được xét xử bảo vệ thiếu niên chứ không bị xét xử hình sự. Xét xử bảo vệ thiếu niên không phải là thủ tục xét xử nhằm áp dụng hình phạt cho thiếu niên đã thực hiện hành vi sai trái. Thông qua xét xử bảo vệ, Tòa án áp dụng các biện pháp như giáo dục thiếu niên và cải thiện môi trường sống để thiếu niên không tái phạm trong tương lai. Với ý nghĩa đó, các biện pháp này được gọi là “biện pháp xử lý bảo vệ thiếu niên”;
- Xét xử bảo vệ gia đình là xét xử nhằm áp dụng biện pháp xử lý, bảo vệ của Tòa án gia đình đối với hành vi bạo lực gia đình như buộc người có hành vi bạo lực gia đình phải rời khỏi nhà hoặc cấm tiếp xúc với người bị hại. Ngoài ra, Tòa án gia đình có thể ra lệnh cho người có hành vi bạo lực gia đình thực hiện hoạt động tình nguyện xã hội hoặc phải được tư vấn. Các biện pháp xử lý bảo vệ này có mục đích đem lại sự yên bình và ổn định cho gia đình;
- Xét xử bảo vệ trẻ em là xét xử nhằm bảo hộ trẻ em tránh những hành vi ngược đãi của cha mẹ, người giám hộ (khác với trường hợp xét xử bảo vệ thiếu niên là việc xét xử đối với người chưa đủ 19 tuổi thực hiện hành vi phạm tội hoặc hành vi sai trái thì đây là trường hợp xét xử nhằm bảo vệ người bị hại là trẻ em);
- Giám sát việc đăng ký quan hệ gia đình: Tòa án tối cao phụ trách việc đăng ký quan hệ gia đình. Nhưng trên thực tế, Tòa án tối cao giao cho tổ chức tự trị địa phương (chính quyền địa phương) thực hiện đăng ký quan hệ gia đình. Chính quyền địa phương tiếp nhận hồ sơ khai báo về việc thay đổi quan hệ gia đình hoặc nhập thông tin vào Sổ đăng ký quan hệ gia đình. Chính quyền địa phương thực hiện các công việc được giao dưới sự giám sát của Tòa án gia đình. Theo đó, Tòa án gia đình xác minh hồ sơ khai báo về quan hệ gia đình và nếu nhận thấy có sai sót trên Sổ đăng ký quan hệ gia đình thì Tòa án sẽ yêu cầu chính quyền địa phương chỉnh sửa;
- Xét xử liên quan đến đăng ký quan hệ gia đình;
- Thuận tình ly hôn.
Như vậy, điểm khác biệt cơ bản về thẩm quyền của Tòa Gia đình Hàn Quốc với Tòa Gia đình và NCTN ở Việt Nam nằm ở các vụ việc được giao cho Tòa án gia đình giải quyết như: yêu cầu bồi thường thiệt hại do ly hôn, phân chia di sản thừa kế và các vấn đề về thừa kế (thẩm quyền của Tòa Dân sự ở Việt Nam), giám sát và xét xử liên quan đến việc đăng ký quan hệ gia đình (thẩm quyền của cơ quan hành chính như Ủy ban nhân dân).
3. So sánh về trình tự, thủ tục giải quyết của TòaGia đình Hàn Quốc với Tòa Gia đình và người chưa thành niênở Việt Nam
* Căn cứ quy định về thẩm quyền của Tòa gia đình và NCTN ở Việt Nam, trình tự, thủ tục giải quyết các vụ việc về hôn nhân, gia đình và NCTN được quy định trong Bộ luật Tố tụng hình sự, Bộ luật Tố tụng dân sự và Luật Xử lý vi phạm hành chính. Những Luật, Bộ luật này có quy định dành riêng cho NCTN nhưng về mặt thủ tục xét xử, giải quyết cũng cơ bản giống như các vụ việc thông thường khác, tuy nhiên quá trình giải quyết có thể thủ tục hoà giải sẽ kéo dài hơn và có việc giám sát, đánh giá tâm lý, tình cảm của trẻ em.
* Thủ tục giải quyết các vụ việc ở Tòa Gia đình Hàn Quốc căn cứ vào vụ việc cụ thể để có những hình thức xét xử phù hợp:
- Đối với việc xét xử hôn nhân và gia đình, cần thiết phải trải qua những giai đoạn như sau: tư vấn hôn nhân gia đình (nhằm xoa dịu mâu thuẫn, giảm bớt tranh chấp giữa các đương sự, nâng cao khả năng tiếp cận về tư vấn cho đương sự và có thể giảm bớt gánh nặng về kinh tế cho đương sự); hướng dẫn chăm sóc và nuôi dưỡng con cái (giáo dục dành cho cha mẹ đối với những khó khăn về thể chất và tinh thần của con cái gặp phải do ly hôn gây ra); cắm trại (loại hình tư vấn tập thể nhằm hướng dẫn chăm sóc và nuôi dưỡng con cái sau ly hôn; giảm thiểu mâu thuẫn, tìm cơ hội hàn gắn cho vợ chồng; nâng cao sự gắn kết, đồng cảm giữa người không trực tiếp nuôi con; giúp trẻ em bộc lộ và giải tỏa mâu thuẫn về mặt tâm lý phát sinh trong quá trình cha mẹ ly hôn); đề án dành cho gia đình đa văn hoá (nâng cao chất lượng cuộc sống và hội nhập xã hội của các thành viên trong gia đình đa văn hoá)[7].
- Việc xét xử bảo vệ đối với từng trường hợp cụ thể được thực hiện qua những trình tự cơ bản như sau[8]:
+ Đối với vụ việc bảo vệ thiếu niên: hành vi phạm tội của người từ 14 tuổi đến dưới 19 tuổi sau khi được cảnh sát phát hiện sẽ chuyển cho Viện kiểm sát, sau đó Kiểm sát viên có quyền chuyển vụ án đến Tòa Gia đình để xét xử bảo vệ thiếu niên hoặc truy tố đến Tòa án thường. Đối với người từ 10 tuổi đến dưới 14 tuổi thì cảnh sát sẽ chuyển trực tiếp đến Tòa Gia đình. Cảnh sát không can thiệp mà người bảo hộ hoặc trường học gửi thông báo về đối tượng trên cho Tòa Gia đình. Trước tiên, Tòa Gia đình tiến hành xác minh sau khi tiếp nhận vụ việc. Việc xác minh lúc này khác với điều tra tội phạm vì nó nhằm mục đích cải thiện môi trường sống và phẩm chất của thiếu niên. Sau khi xác minh xong và bắt đầu thủ tục xét xử, Thẩm phán sẽ quyết định biện pháp xử lý bảo vệ thiếu niên tại phiên tòa sau khi xét xử. Biện pháp xử lý bảo vệ khác với xử phạt hình sự, chú trọng vào việc cải thiện môi trường sống và phẩm chất của thiếu niên. Trong trường hợp cần thiết, Thẩm phán yêu cầu thiếu niên tham gia vào chương trình tư vấn hoặc yêu cầu người bảo hộ của thiếu niên tham gia vào chương trình giáo dục. Căn cứ vào kết quả xét xử, nếu Thẩm phán nhận thấy cần phải xử phạt hình sự thì sẽ không áp dụng biện pháp xử lý bảo vệ mà sẽ chuyển giao vụ án cho Kiểm sát viên. Sau khi xét xử, Tòa Gia đình phải giám sát tình hình chấp hành quyết định sau khi áp dụng biện pháp xử lý bảo vệ. Theo đó, Tòa án sẽ nhận báo cáo về tình hình chấp hành quyết định và có thể thay đổi biện pháp xử lý bảo vệ trong trường hợp cần thiết.
Biện pháp xử lý bảo vệ được áp dụng ở Tòa án gia đình Hàn Quốc bao gồm: Ủy thác cho người bảo hộ hoặc Ủy viên bảo hộ; Lệnh yêu cầu nghe giảng; Lệnh yêu cầu tham gia tình nguyện xã hội; Giám sát bảo hộ ngắn hạn (1 năm - tương tự cải tạo không giam giữ); Giám sát bảo hộ dài hạn (2 năm); Ủy thác giám hộ cho cơ sở bảo vệ thiếu niên; Ủy thác cho cơ sở bảo hộ y tế thiếu niên; Đưa vào trường giáo dưỡng trong vòng 1 tháng; Đưa vào trường giáo dưỡng ngắn hạn (tối đa 6 tháng); Đưa vào trường giáo dưỡng dài hạn (tối đa 2 năm).
+ Đối với vụ việc bảo vệ gia đình: Kiểm sát viên chuyển vụ việc bạo lực gia đình cho Tòa Gia đình. Ngoài ra, Tòa Gia đình còn có quyền ra lệnh bảo vệ người bị hại theo yêu cầu của người bị hại. Sau đó, Tòa Gia đình mở thủ tục xét xử và trong trường hợp cần thiết có thể áp dụng biện pháp tạm thời. Trong quá trình xét xử, Tòa Gia đình tiến hành xác minh trên nhiều phương diện như động cơ thực hiện hành vi bạo lực gia đình, hoàn cảnh của các thành viên gia đình, v.v.. Mục đích chính của xác minh nhằm áp dụng biện pháp xử lý bảo vệ để khôi phục sự bình yên và ổn định trong gia đình. Trong trường hợp cần chứng minh một cách nghiêm ngặt về việc người đó có thực hiện hành vi bạo lực gia đình hay không thì phải chuyển vụ án cho Tòa án thường để xét xử hình sự. Sau khi áp dụng biện pháp xử lý bảo vệ hoặc ra lệnh bảo vệ người bị hại (với các biện pháp như: cách ly - buộc người có hành vi bạo lực gia đình rời khỏi nhà; cấm tiếp xúc với người bị hại; cấm liên lạc với người bị hại; hạn chế việc thực hiện quyền của cha mẹ đối với người bị hại. Trên thực tế, lệnh bảo vệ người bị hại như trên có nội dung tương tự với biện pháp xử lý bảo vệ), Tòa Gia đình sẽ chỉ đạo và giám sát việc chấp hành quyết định.
+ Đối với vụ việc bảo vệ trẻ em: Thủ tục xét xử của Tòa án gia đình chia thành hai loại: thủ tục giải quyết vụ việc bảo vệ trẻ em và thủ tục giải quyết vụ việc yêu cầu Tòa án ban hành lệnh bảo vệ trẻ em bị hại (các loại lệnh bảo vệ trẻ em bị hại bao gồm: cách ly như buộc người thực hiện hành vi ngược đãi, trẻ em ra khỏi nhà; cấm tiếp xúc với trẻ em bị hại; cấm liên lạc với trẻ em bị hại; ủy thác trẻ em bị hại cho cơ sở phúc lợi trẻ em; ủy thác điều trị trẻ em bị hại cho cơ sở y tế; ủy thác trẻ em cho người thân thích; hạn chế việc thực hiện quyền của cha mẹ hoặc quyền của người giám hộ đối với người có hành vi ngược đãi trẻ em bị hại; quyết định của Tòa Gia đình thay cho ý định của người có quyền của cha mẹ hoặc người giám hộ). Mỗi thủ tục sẽ giống với thủ tục bảo vệ gia đình và thủ tục ban hành lệnh bảo vệ người bị hại trong vụ việc bảo vệ gia đình. Sau khi áp dụng biện pháp xử lý bảo vệ hoặc ra lệnh bảo vệ trẻ em bị hại, Tòa Gia đình chỉ đạo và giám sát việc chấp hành quyết định.
4. Một số nhận xét và kiến nghị
Có thể thấy, thủ tục xét xử của Toà Gia đình Hàn Quốc được thực hiện theo trình tự đặc biệt nhằm thực hiện chức năng hỗ trợ và phúc lợi nhằm giúp đỡ để các đương sự chuẩn bị và thích nghi với mối quan hệ gia đình mới (hay còn gọi là gia đình đa văn hoá). Chức năng hỗ trợ và phúc lợi của Toà Gia đình Hàn Quốc được coi là chức năng cơ bản của loại hình Toà án này. Đây cũng là chức năng mà Toà Gia đình và NCTN ở Việt Nam hướng tới trong việc thực hiện tiến trình cải cách tư pháp và thành lập mô hình Toà chuyên trách này.
Để có thể vận dụng ở Việt Nam, ngoài việc xây dựng mô hình Toà Gia đình và NCTN với phòng xử án thân thiện và các phòng chức năng, cần hoàn thiện các luật, bộ luật và văn bản dưới luật liên quan cũng như cần sự chung tay của các cơ quan chức năng ngoài Toà án. Ở một số nước, mô hình Toà án đặc biệt được thiết lập thông qua những vụ việc cụ thể còn có sự tham gia của các Thẩm phán “ngoài ngạch” là các chuyên gia đầu ngành trong những lĩnh vực mà vụ, việc Toà án cần giải quyết. Toà Gia đình Hàn Quốc tuy không có các Thẩm phán ngoài ngạch như vậy nhưng lại có chế định “Điều tra viên” hỗ trợ rất nhiều cho công tác giải quyết án của Toà Gia đình. Ngoài ra, việc quy định trình tự, thủ tục khi giải quyết các vụ việc ở Toà Gia đình như việc tư vấn, hướng dẫn cho cha mẹ, chương trình “cắm trại” cũng là những trình tự, thủ tục đặc biệt nhằm đảm bảo thực hiện chức năng hỗ trợ và phúc lợi đối với các đương sự, đặc biệt là đối với NCTN.
Trong việc thí điểm mô hình Toà Gia đình và NCTN ở thành phố Hồ Chí Minh và tỉnh Đồng Tháp, TAND tối cao mới chỉ tách riêng các vụ việc về hôn nhân gia đình và NCTN để giao thẩm quyền cho Toà Gia đình và NCTN. Về trình tự, thủ tục giải quyết đối với án hôn nhân gia đình vẫn được thực hiện theo quy định của Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015, chứ chưa đảm bảo được chức năng hỗ trợ và giúp đỡ đương sự chuẩn bị để thích nghi với gia đình mới. Việc giải quyết ly hôn kéo dài (nhất là trong trường hợp có tranh chấp về tài sản) khiến cho các bên đương sự, đặc biệt là NCTN có cảm giác mệt mỏi, bị áp lực, ảnh hưởng không tốt đến tâm lý. Do đó, chúng tôi kiến nghị: trong quá trình giải quyết vụ án phải có sự tham gia của chuyên gia trong lĩnh vực chăm sóc và bảo vệ trẻ em, phụ nữ và những đối tượng yếu thế khác nhằm giảm thiểu áp lực tâm lý cho các đương sự, đặc biệt là NCTN trong quá trình giải quyết vụ việc hôn nhân và gia đình. Đối với những loại vụ việc khác như hình sự, xử phạt hành chính... thuộc thẩm quyền của Toà Gia đình và NCTN, cũng cần phải có sự tham gia của các chuyên gia và đặc biệt là, hình phạt áp dụng đối với NCTN chỉ nên nhằm mục đích giáo dục nhiều hơn là trừng phạt./.
 


[1] Hệ thống Tòa án Hàn Quốc bao gồm: Tòa án tối cao, Tòa án cấp cao, Tòa án sáng chế, Tòa án địa phương, Tòa án gia đình, Tòa án hành chính, Tòa án phục hồi (tham luận của Thẩm phán Lee Sun Mi - Uỷ viên nghiên cứu Viện nghiên cứu chính sách Tư pháp - Tòa án tối cao Hàn Quốc - tại hội thảo “Tăng cường năng lực giảng viên học viện Tòaán” do Học viện Tòa án tổ chức ngày 11/4/2018).
[2] Phát biểu của bà Ung Thị Xuân Hương - Chánh án TAND TP. Hồ Chí Minh tại hội thảo “Tăng cường năng lực giảng viên học viện Tòa án” do Học viện Tòa án tổ chức ngày 11/4/2018.
 
[3] Tham luận của thẩm phán Lee Mi Sun tại hội thảo “Tăng cường năng lực giảng viên học viện Tòa án” do Học viện Tòa án tổ chức ngày 11/4/2018.
[4] Tham luận của thẩm phán Lee Mi Sun (tlđd).
[5] Khoản 6 Điều 3 Thông tư 01/2016/TT-CA ngày 21/01/2016 của Chánh án TAND tối cao quy định việc tổ chức các Tòa chuyên trách tại TAND cấp tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương; TAND huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh và tương đương.
[6] Tham luận của thẩm phán Lee Sun Mi (tlđd)
[7] Thẩm phán Lee Mi Sun (tlđd).
[8] Thẩm phán Lee Sun Mi (tlđd).

(Nguồn tin: bài viết đăng trên ấn phẩm Nghiên cứu lập pháp số 1(377)- kỳ 1, tháng 1/2019)