Tóm tắt: Nội dung bài viết nhận diện, phân tích những thời cơ và vận hội mới cũng như những khó khăn, thách thức trong phát triển Thủ đô Hà Nội giai đoạn tới; trên cơ sở đó, đưa ra các định hướng phát triển Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn 2050. Với tầm nhìn mới, cơ hội mới, Hà Nội sẽ phát triển mạnh mẽ thành một Thủ đô “Văn hiến - Văn minh - Hiện đại”, “có mức sống và chất lượng cuộc sống cao, kinh tế, văn hoá, xã hội phát triển toàn diện, đặc sắc và hài hoà; tiêu biểu cho cả nước; có trình độ phát triển ngang tầm thủ đô các nước phát triển trong khu vực và trên thế giới” và trở thành thành phố toàn cầu.
Từ khóa: Hà Nội; Thủ đô; Văn hiến - Văn minh - Hiện đại; thành phố kết nối toàn cầu.
Abstract: This article focuses on identifying and analyzing new opportunities and lucky chances as well as difficulties and challenges in developing Hanoi Capital in the coming period; on that basis, the directorial orientation for the development of Hanoi Capital toward 2030, with a vision to 2050. With a new vision and new opportunities, Hanoi is to develop strongly to a Capital of "Culture - Civilization - Modernity", "with high living standards and quality of life, comprehensive, unique and harmonious economic, cultural and social development; typical for the whole country; with development level on par with the capitals of developed countries in the region and the world" and become a global city.
Keywords: Hanoi; Capital; Culture - Civilization - Modernity; global connection city.
Ảnh: Đoàn chủ tọa điều hành Hội thảo khoa học quốc gia “Tầm nhìn mới, cơ hội mới xây dựng Thủ đô Hà Nội Văn hiến - Văn minh - Hiện đại, thành phố kết nối toàn cầu” ngày 07/10/2024 tại Hà Nội
Nguồn: Cổng TTĐT Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh
1. Thời cơ và vận hội mới để phát triển Thủ đô Hà Nội
Đất nước ta nói chung và Thủ đô Hà Nội nói riêng đang bước vào thời kỳ phát triển mới với vị thế và tiềm lực mới.
Chiến lược phát triển đất nước trong thời kỳ mới hướng đến mục tiêu: Phấn đấu đến năm 2030, nước ta trở thành nước đang phát triển có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao và đến năm 2045 trở thành nước phát triển, thu nhập cao. Từ khát vọng hoà bình của cả dân tộc trong những năm tháng chiến tranh, nay chuyển sang khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc như di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã căn dặn: “Thắng giặc Mỹ ta sẽ xây dựng lại hơn mười ngày nay”
[1], điều đó tạo niềm tin và động lực vô cùng to lớn để phát triển Thủ đô, xây dựng đất nước.
Trong những năm gần đây, Trung ương đã ban hành nhiều văn kiện quan trọng như: Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021-2030; Nghị quyết số 06-NQ/TW ngày 24/01/2022 của Bộ Chính trị về quy hoạch, xây dựng, quản lý và phát triển bền vững đô thị Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; Nghị quyết số 29-NQ/TW, ngày 17/11/2022 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về tiếp tục đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; Nghị quyết số 33-NQ/TW về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước… với những định hướng, nhiệm vụ, giải pháp và lộ trình rất cụ thể. Trong đó, Thủ đô Hà Nội luôn được xác định đóng vai trò quan trọng, là cực tăng trưởng, trở thành đô thị hiện đại, thông minh, dẫn dắt và tạo hiệu ứng lan toả
[2].
Mối quan hệ hợp tác giữa Việt Nam với các quốc gia trên thế giới ngày càng phát triển.
Việc củng cố và mở rộng quan hệ tầm đối tác chiến lược toàn diện đối với các quốc gia lớn như Trung Quốc, Nga, Ấn Độ, Hàn Quốc, Hoa Kỳ, Nhật Bản và Úc; việc tham gia Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu (EVFTA), Hiệp định Thương mại song phương Việt Nam - Hoa Kỳ… vừa thể hiện vai trò và uy tín ngày càng cao của Việt Nam trên trường quốc tế, vừa đem lại nhiều cơ hội mở rộng thị trường cho các doanh nghiệp Việt Nam tham gia sâu vào chuỗi giá trị toàn cầu, tiếp cận những thành tựu khoa học - công nghệ và đổi mới sáng tạo, nâng cao năng lực sản xuất, xuất khẩu và cạnh tranh. Với vai trò là Thủ đô, trung tâm lớn về kinh tế, văn hóa, giáo dục, đào tạo, khoa học và công nghệ, hội nhập quốc tế của cả nước, Hà Nội có lợi thế đặc biệt.
Nhận thức đúng và rõ vai trò và vị trí của Thủ đô Hà Nội trong chiến lược phát triển đất nước, Đảng và Nhà nước đã có nhiều văn kiện quan trọng về Thủ đô Hà Nội với tầm nhìn mới và tư duy đột phá.
Nghị quyết số 15-NQ/TW ngày 05/5/2022 của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 đã đề ra định hướng phát triển đô thị Hà Nội như sau: Lấy Sông Hồng là trục xanh, cảnh quan trung tâm, phát triển đô thị hài hoà hai bên sông; xây dựng mô hình thành phố trong Thủ đô tại khu vực phía Bắc (vùng Đông Anh, Mê Linh, Sóc Sơn) và phía Tây (vùng Hoà Lạc, Xuân Mai); xây dựng đô thị thông minh trên cơ sở phát triển khu vực hai bên trục Nhật Tân - Nội Bài; tập trung triển khai quy hoạch, đầu tư xây dựng, ổn định dân cư hai bên bờ Sông Hồng và Sông Đuống; quy hoạch phát triển không gian ngầm đô thị, không gian xanh và không gian công cộng... Những định hướng quan trọng được dựa trên cơ sở khoa học và dựa trên tổng kết thực tiễn lịch sử phát triển Thủ đô gắn với bối cảnh của thời đại và điều kiện hiện nay của Hà Nội, là cơ hội để Hà Nội tập trung nguồn lực phát triển, thể hiện tầm nhìn và khát vọng xây dựng và phát triển Thủ đô văn hiến, văn minh, hiện đại. Nhiệm vụ xây dựng và phát triển Thủ đô là nhiệm vụ chính trị quan trọng đặc biệt trong chiến lược xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, với tinh thần "cả nước vì Hà Nội, Hà Nội vì cả nước"; là trách nhiệm, nghĩa vụ của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân, của cả hệ thống chính trị; là nhiệm vụ hàng đầu của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Thủ đô Hà Nội”. Có thể nói, Nghị quyết 15-NQ/TW của Bộ Chính trị như một bản Cương lĩnh mới cho phát triển Thủ đô Hà Nội trong thời kỳ mới.
Luật Thủ đô năm 2024 vừa được Quốc hội khóa XV thông qua tại kỳ họp thứ 7, là một bước cụ thể hóa những tư tưởng của Nghị quyết số 15-NQ/TW của Bộ Chính trị. Luật Thủ đô năm 2024 quy định về vị trí, vai trò của Thủ đô, chính sách, trách nhiệm xây dựng, phát triển, quản lý và bảo vệ Thủ đô; đặc biệt là mở ra cho Hà Nội được áp dụng các cơ chế, chính sách đặc thù, vượt trội trong tổ chức bộ máy, trong phân cấp, phân quyền, trong huy động và khai thác các nguồn lực, trong thu hút, sử dụng nhân tài và nguồn nhân lực chất lượng cao…, phù hợp với những đặc thù của Hà Nội và yêu cầu của thực tiễn xây dựng, phát triển Thủ đô.
Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 và Đồ án Điều chỉnh Quy hoạch chung Thủ đô Hà Nội đến năm 2045, tầm nhìn đến năm 2065 đã báo cáo Bộ Chính trị, Quốc hội và sẽ được Thủ tướng Chính phủ quyết định phê duyệt trong thời gian tới, mở ra nhiều không gian phát triển mới. Trong đó, nổi bật là phân bố không gian phát triển kinh tế - xã hội theo cấu trúc tâm - tuyến các hành lang, vành đai kinh tế và các trục phát triển, cùng với hệ thống hạ tầng giao thông đồng bộ, hiện đại, gắn với việc huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn lực, liên kết vùng, kết nối văn hoá và kết nối không gian số, khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo; phát triển hài hoà đô thị và nông thôn. Phát triển không gian đô thị theo mô hình đô thị trung tâm và các thành phố trong Thủ đô, các đô thị vệ tinh, thị trấn sinh thái.
Hà Nội có nền tảng chính trị - xã hội ổn định, có nhiều lợi thế trong khai thác và phát huy các nguồn lực văn hoá, con người và phát triển khoa học – công nghệ và đổi mới sáng tạo.
Trải qua hơn 1000 năm lịch sử, đặc biệt là 70 năm xây dựng và trưởng thành từ ngày Thủ đô được giải phóng, hệ thống chính trị ở Thủ đô được bồi dưỡng, vun đắp, hoàn thiện và ngày nay trở thành một khối vững chắc, là cơ sở bảo đảm ổn định chính trị, xã hội, giữ vững an ninh, quốc phòng. Thủ đô Hà Nội được bạn bè thế giới biết đến như là một điểm đến an toàn và hấp dẫn bởi sự trách nhiệm của chính quyền, thân thiện của người dân và sự phong phú, đặc sắc của văn hoá.
Cùng với khoa học - công nghệ và đổi mới sáng tạo, văn hoá và các nguồn lực về văn hoá ngày càng đóng vai trò quan trọng trong chiến lược phát triển của mỗi quốc gia, vùng, địa phương trong xã hội hiện đại. Với lịch sử ngàn năm văn hiến và anh hùng, Thủ đô Hà Nội là nơi tập trung di sản văn hóa lớn nhất cả nước với hệ thống danh lam thắng cảnh, di tích lịch sử phong phú, các di sản văn hóa vật thể và phi vật thể đặc sắc
[3], có cơ hội đánh giá, xác định thêm các di sản có khả năng được Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên hợp quốc (UNESCO) công nhận là di sản thế giới. Hà Nội là trung tâm văn hóa, nghệ thuật lớn nhất cả nước, có điều kiện, cơ hội khai thác, phát huy giá trị của hệ thống thiết chế văn hoá phong phú của Trung ương trên địa bàn.Thủ đô Hà Nội là trung tâm thu hút và hội tụ nhân tài của cả nước. Trên địa bàn có khoảng 80% số trường đại học, viện nghiên cứu; 82% số phòng thí nghiệm trọng điểm quốc gia; 65% tổng số Giáo sư, Phó giáo sự, Tiến sĩ khoa học và Tiến sĩ đang sinh sống và làm việc, nhiều nghệ nhân, văn nghệ sĩ, là tiềm năng, nguồn lực vô giá, giúp Hà Nội thuận lợi trong việc tiếp nhận, phổ biến tri thức, công nghệ mới trong thời kỳ mới. Đây là những tiềm năng to lớn để khai thác, phục vụ xây dựng và phát triển Thủ đô.
Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đã mở ra cho Hà Nội cơ hội đẩy nhanh lộ trình dẫn đầu cả nước về chuyển đổi số, về công nghệ thông tin, về chỉ số cạnh tranh, về đổi mới sáng tạo, về an toàn, an ninh mạng.
Thúc đẩy mạnh mẽ các ngành có mức độ sẵn sàng cao như công nghệ thông tin, điện tử - viễn thông; an toàn, an ninh mạng; công nghiệp chế tạo thông minh và một số ngành công nghiệp mới. Cơ hội để phát triển các mô hình nông nghiệp hiện đại; ứng dụng các công nghệ mới trong sản xuất nông nghiệp. Cơ hộiphát triển các ngành dịch vụ dựa trên nền tảng công nghệ số như tài chính ngân hàng, với sự phát triển nhanh chóng của các hình thức thanh toán số… Các xu hướng lớn, nổi bật trong công nghệ 4.0 như ứng dụng Internet vạn vật (IoT), dữ liệu lớn (Big data), trí tuệ nhân tạo (AI), công nghệ chuỗi khối (Blockchain)… được coi là những lĩnh vực quan trọng giúp khu vực dịch vụ phát triển mạnh hơn và thể hiện vai trò động lực rõ rệt hơn cho tăng trưởng kinh tế Thủ đô giai đoạn tới. Thủ đô có nguồn nhân lực quy mô lớn, chất lượng tương đối cao. Nơi tập trung nhiều viện nghiên cứu, thiết kế, tư vấn, chuyển giao khoa học, công nghệ, cơ sở sáng tạo văn hóa nghệ thuật, trường đại học lớn… với đội ngũ đông đảo các nhà khoa học và chuyên gia trình độ cao của cả nước. Xu thế phát triển thời đại dựa trên khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo cho phép Hà Nội tận dụng ưu thế, cơ hội để đi nhanh, đi xa hơn.
2. Những khó khăn, thách thức trong phát triển Thủ đô Hà Nội giai đoạn tới
Bên cạnh những thời cơ, thuận lợi để phát triển Thủ đô đến năm 2030, Hà Nội sẽ phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức trong giai đoạn tới:
- Các yêu cầu phát triển Thủ đô “Văn hiến - Văn minh - Hiện đại”, Thành phố toàn cầu đặt ratrong bối cảnhthực trạngHà Nộicòn rất nhiều khó khăntrong phát triển kinh tế, xây dựng và quản lý đô thị. Có thể kể đến như: tăng trưởng chưa thực sự ổn định, bền vững; các vấn đề về phát triển đô thị, nhiều bất cập nảy sinh trong quá trình đô thị hóa nhanh; mâu thuẫn giữa yêu cầu bảo tồn và phát triển, nhất là khu vực phố cũ, khu vực nội đô lịch sử; tình trạng quá tải đối với hệ thống hạ tầng kinh tế - xã hội; khoảng cách giàu - nghèo có xu hướng gia tăng; các vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm, dịch bệnh, tệ nạn xã hội, diễn biến phức tạp... Đây là những thách thức Hà Nội phải giải quyết nhanh để đạt được mục tiêu thành phố “Văn hiến - Văn minh - Hiện đại”.
- Khả năng cạnh tranh, thu hút đầu tư trong và ngoài nước khó khăn hơn. Hội nhập sâu rộng cũng khiến Hà Nội đối mặt với nguy cơ trở thành thị trường tiêu thụ các sản phẩm kém chất lượng, đồng thời không bảo vệ được sản xuất trong nước khi các hàng rào thuế quan được gỡ bỏ, các hàng rào kỹ thuật lại kém hiệu quả. Đồng thời, Hà Nội cũng đối mặt với khả năng chịu ảnh hưởng mạnh hơn do biến động hoạt động sản xuất khu vực đầu tư nước ngoài và một số thị trường lớn (như Hoa Kỳ đối với xuất khẩu và Trung Quốc đối với nhập khẩu). Ngoài ra, sự cạnh tranh, đặc biệt là đối với các sản phẩm công nghiệp cũng khiến Hà Nội gặp khó khăn trong việc củng cố và phát triển các thị trường mới trong điều kiện nhiều nước đang phát triển cùng chọn chiến lược hướng về xuất khẩu để thúc đẩy tăng trưởng.
- Sức ép về gia tăng dân số đã và đang tạo nhiều áp lực trong quá trình phát triển.Tốc độ gia tăng dân số cơ học vào Hà Nội tăng đều qua các năm và xu thế sẽ tiếp tục tăng trong những năm tới. Tình trạng di dân tự do đến Hà Nội đã, đang làm tăng áp lực quản lý đối với các cấp chính quyền Thủ đô, gây quá tải hạ tầng giao thông, quá tải hệ thống giáo dục, y tế, nhất là khu vực đô thị trung tâm, tăng áp lực đối với công tác an sinh xã hội, bảo trợ xã hội… làm ảnh hưởng lớn đến tình hình trật tự xã hội, đến quá trình phát triển văn minh đô thị và tăng áp lực đối với công tác bảo vệ môi trường. Công tác thu gom, xử lý chất thải, nước thải chưa đáp ứng yêu cầu, tình trạng úng ngập cục bộ chưa được khắc phục triệt để…
- Các giá trị về lịch sử - văn hóa của quốc gia hội tụ ở Thủ đô ngàn năm văn hiến đặt ra các yêu cầu về bảo tồn, phát huy. Các giá trị này cần được phát triển và tích hợp với tinh hoa văn hóa nhân loại để định hình bản sắc, trở thành nguồn lực phát triển của Hà Nội. Phát triển khoa học và công nghệ, giáo dục và đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, chuyển đổi số và đổi mới sáng tạo chưa đáp ứng yêu cầu. Hệ thống y tế Thủ đô, nhất là y tế dự phòng, y tế cơ sở chưa thực sự bền vững.
-Các vấn đề về an ninh phi truyền thống là thách thức rất lớn trong quá trình phát triển.An ninh phi truyền thống ở Hà Nội xuất hiện dưới nhiều dạng thức như: biến đổi khí hậu và thiên tai, an ninh năng lượng, an ninh lương thực, an ninh nguồn nước, an ninh mạng và tội phạm sử dụng công nghệ cao, an ninh thông tin… đang có những diễn biến phức tạp, theo chiều hướng bất lợi đối với cuộc sống con người, thách thức sự phát triển bền vững của Thủ đô.
3. Định hướng phát triển Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn 2050
Trong thời kỳ tới, Thủ đô Hà Nội sẽ phấn đấu vượt qua khó khăn, thách thức, tranh thủ các cơ hội và tận dụng xu thế phát triển của thời đại để xây dựng và phát triển.
Quan điểm phát triển Thủ đô
- Khơi dậy khát vọng phát triển Thủ đô “Văn hiến - Văn minh - Hiện đại”, xanh, thông minh, ngang tầm thủ đô các nước phát triển trong khu vực và trên thế giới. Thống nhất cao trong nhận thức về vị trí, vai trò đặc biệt quan trọng và yêu cầu, nhiệm vụ phát triển Thủ đô Hà Nội, tạo bước chuyển có tính đột phá trong huy động sức mạnh tổng hợp, khai thác hiệu quả tiềm năng, lợi thế của Thủ đô, kết hợp với nguồn lực trong nước và quốc tế, xây dựng và phát triển Thủ đô xứng đáng là trung tâm đầu não chính trị - hành chính quốc gia, trái tim của cả nước; trung tâm lớn về văn hóa, giáo dục và đào tạo, khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo, kinh tế và hội nhập quốc tế có sức lan tỏa để thúc đẩy vùng đồng bằng sông Hồng, vùng Thủ đô và cả nước cùng phát triển.
- Phát triển Thủ đô nhanh, bền vững, bao trùm, hội nhập quốc tế, gắn với quá trình chuyển đổi xanh, chuyển đổi số, phát triển kinh tế tuần hoàn. Khai thác và sử dụng hiệu quả các lợi thế về địa chính trị, địa kinh tế, điều kiện tự nhiên. Bảo tồn, phát huy bản sắc, văn hóa, lịch sử nghìn năm văn hiến, các giá trị di sản văn hóa vật thể và phi vật thể của vùng đất Thăng Long - Hà Nội. Văn hoá và con người vừa là mục tiêu vừa là nền tảng, là động lực, nguồn lực đặc biệt quan trọng để phát triển Thủ đô với con người là trung tâm, hạt nhân của sự phát triển. Giáo dục và đào tạo, khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo, nguồn nhân lực chất lượng cao, nhân tài là trụ cột cốt lõi trong xây dựng và phát triển Thủ đô.
- Phát triển đô thị xanh, văn minh, hiện đại, giàu bản sắc, là động lực phát triển chính của Thủ đô, tạo hiệu ứng lan tỏa, liên kết với các đô thị vùng đồng bằng sông Hồng và cả nước. Phát triển nông thôn hiện đại, nông nghiệp sinh thái, nông dân văn minh, có bản sắc. Phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại, thông minh, trong đó ưu tiên phát triển hạ tầng giao thông kết nối, giao thông công cộng, hạ tầng số, hạ tầng khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo.
- Bảo vệ môi trường, chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học. Phát triển theo hướng phù hợp điều kiện tự nhiên, hướng đến mục tiêu đạt mức phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050.
- Kết hợp chặt chẽ giữa phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội với quốc phòng, an ninh; bảo đảm an ninh, an toàn tuyệt đối Thủ đô trong mọi tình huống. Tích cực chủ động hội nhập quốc tế, mở rộng các hoạt động đối ngoại, xây dựng hình ảnh Thủ đô Hà Nội văn hiến, thanh bình và thịnh vượng, thành phố toàn cầu.
Mục tiêu phát triển Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050
- Đến năm 2030, Thủ đô Hà Nội là thành phố “Văn hiến - Văn minh - Hiện đại”, xanh, thông minh, nơi hội tụ tinh hoa văn hóa, nơi đáng đến và lưu lại, nơi đáng sống và cống hiến; hội nhập quốc tế sâu rộng, có sức cạnh tranh cao, có trình độ phát triển ngang tầm Thủ đô các nước phát triển trong khu vực; là trung tâm, động lực thúc đẩy phát triển vùng đồng bằng sông Hồng và cả nước; trung tâm kinh tế tài chính lớn, cực tăng trưởng có vai trò dẫn dắt kinh tế của cả nước, có tầm ảnh hưởng trong khu vực; trung tâm hàng đầu cả nước về giáo dục - đào tạo, y tế, khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo. Xây dựng người Hà Nội hào hoa, thanh lịch, nghĩa tình, tiêu biểu cho văn hóa, lương tri và phẩm giá con người Việt Nam.
Các nhiệm vụ trọng tâm
Về bảo vệ môi trường và cảnh quan:
- Giải quyết căn bản ô nhiễm môi trường không khí và môi trường nước; xóa bỏ tình trạng ngập, úng cục bộ; xử lý nước thải, làm sống lại các dòng sông, khai thác tiềm năng lợi thế không gian mặt nước của hệ thống sông, ao hồ để tạo cảnh quan môi trường đặc sắc của Thủ đô, với sông Hồng là trục cảnh quan trung tâm, là không gian văn hóa, phát triển thương mại, dịch vụ và du lịch.
- Phát triển các hành lang xanh, nêm xanh, tăng diện tích cây xanh, xanh hóa khu vực nội đô. Chú trọng kiểm soát, thay thế để giảm các nguồn gây ô nhiễm môi trường không khí, giảm phát thải khí nhà kính, tăng cường sử dụng năng lượng sạch, áp dụng công nghệ tiên tiến và thân thiện với môi trường.
Về phát triển đô thị và nông thôn:
- Phát triển giao thông công cộng, cơ bản hoàn thành hệ thống đường sắt đô thị, đường vành đai, các cầu qua sông Hồng trước năm 2035; giải quyết căn bản tình trạng ùn tắc tại các cửa ngõ của Thành phố và khu vực nội đô.
- Bảo tồn, tôn tạo các khu phố cổ, phố cũ; phát huy giá trị văn hóa, lịch sử, các công trình kiến trúc tiêu biểu gắn với phát triển du lịch bền vững. Cải tạo các khu chung cư cũ, các khu nhà ở không bảo đảm tiêu chuẩn an toàn phòng, chống cháy nổ, cứu hộ, cứu nạn.
- Phát triển đô thị theo hướng xanh, thông minh, hiện đại, có hệ thống hạ tầng và dịch vụ đồng bộ, tạo cơ hội việc làm, thu hút dân cư từ đô thị trung tâm và tạo động lực lan tỏa phát triển khu vực nông thôn; phát triển các mô hình rừng trong phố để khai thác các tiềm năng, lợi thế và tạo sức hấp dẫn của Thủ đô. Xây dựng mô hình thành phố trong Thủ đô để tạo động lực phát triển hài hòa các khu vực đô thị và nông thôn.
- Phát triển khu vực nông thôn đáp ứng các tiêu chuẩn, tiêu chí (đặc biệt về kiến trúc cảnh quan, môi trường, hạ tầng) theo hướng nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại, nông dân văn minh, có không gian sống trong lành, chất lượng sống không thấp hơn khu vực đô thị. Phát triển không gian kiến trúc, cảnh quan vùng nông thôn của Thủ đô mang đậm nét văn hóa truyền thống, đặc sắc của vùng đồng bằng Bắc Bộ.
Về phát triển kinh tế:
- Cơ cấu lại kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng dựa vào khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo. Phát triển kinh tế số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn và kinh tế chia sẻ. Hoàn thành công nghiệp hóa, hiện đại hóa trước năm 2030.
- Ưu tiên phát triển công nghiệp vi mạch bán dẫn và trí tuệ nhân tạo, công nghệ số, các ngành mới nổi; phát triển khu công nghiệp công nghệ cao, sinh thái, thu hút các tập đoàn lớn trên thế giới thực hiện các chương trình trọng điểm của Thủ đô. Mở rộng, hiện đại hóa nâng cao chất lượng ngành dịch vụ, thương mại, giáo dục, y tế, khoa học và công nghệ; phát triển dịch vụ logistics, xây dựng các trung tâm phân phối để trở thành trung tâm đầu mối trung chuyển đa phương tiện, kết nối liên vùng và quốc tế. Hiện đại hóa ngành dịch vụ tài chính - ngân hàng để Hà Nội là trung tâm tài chính quốc gia, định hướng mang tầm quốc tế. Phát triển du lịch và công nghiệp văn hóa thành ngành kinh tế mũi nhọn của Thủ đô - Thành phố toàn cầu.
- Phát triển kinh tế đô thị gắn với tổ chức, khai thác có hiệu quả các không gian phát triển. Phát triển các mô hình kinh tế ban đêm phù hợp đối với từng khu vực, gắn với khai thác không gian văn hóa - lịch sử, phố cổ - hồ Tây - sông Hồng và các khu vực có tiềm năng, lợi thế, tạo nên nét đặc sắc, hấp dẫn của Hà Nội.
Về phát triển văn hóa, xã hội:
- Hình thành các không gian văn hóa đặc sắc, tiêu biểu, thúc đẩy phát triển công nghiệp văn hóa, công nghiệp sáng tạo. Thực hiện đầy đủ, kịp thời các sáng kiến và cam kết của Thủ đô Hà Nội khi gia nhập Mạng lưới các thành phố sáng tạo của UNESCO. Ưu tiên bảo tồn, khai thác, phát huy hiệu quả các di sản văn hóa, lịch sử, nâng tầm di sản bằng công nghệ số. Nghiên cứu, đề nghị UNESCO ghi danh di sản thế giới đối với một số không gian văn hóa, di sản đặc trưng của Thủ đô Hà Nội. Xây dựng một số công trình kiến trúc hiện đại mang tính biểu tượng thời kỳ mới của Thủ đô.
- Giải quyết dứt điểm tình trạng thiếu trường, thiếu lớp, bảo đảm điều kiện tiếp cận giáo dục thuận lợi, phù hợp theo độ tuổi với chất lượng giáo dục hướng đến tiêu chuẩn quốc tế, đào tạo công dân toàn cầu.
- Xây dựng hệ thống y tế Thủ đô tiên tiến, hiện đại, chuyên sâu, đáp ứng toàn diện nhu cầu chăm sóc sức khỏe nhân dân, là trung tâm lớn về y tế của cả nước và khu vực.
- Bảo đảm và nâng cao hiệu quả chính sách an sinh xã hội toàn diện, đa tầng, bao trùm, bền vững, tiến bộ, công bằng, bảo đảm an sinh và phúc lợi xã hội, chất lượng cuộc sống cho nhân dân.
Về phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo:
- Tập trung thu hút đầu tư vào Khu công nghệ cao Hòa Lạc và các trung tâm đổi mới sáng tạo, các trung tâm tài chính, quỹ đầu tư mạo hiểm, quỹ đầu tư thiên thần, các tổ chức khoa học và công nghệ, các trường đại học, viện nghiên cứu trên địa bàn.
- Có cơ chế, chính sách đặc thù, vượt trội về thu hút, sử dụng và đãi ngộ nguồn nhân tài, đặc biệt là các chuyên gia bậc cao, những nhà phát minh, sáng chế trong nước và trên thế giới đến sinh sống, làm việc tại Hà Nội.
Tiếp nối truyền thống lịch sử hào hùng, vẻ vang của dân tộc, chính quyền và nhân dân Thủ đô quyết tâm xây dựng Hà Nội trở thành thành phố toàn cầu, xanh - thông minh - thanh bình - thịnh vượng, xứng tầm đại diện vị thế nước Việt Nam hùng cường, thịnh vượng; với hình ảnh đặc trưng: “Thủ đô văn hiến - kết nối toàn cầu - thanh lịch hào hoa - phát triển hài hòa - thanh bình thịnh vượng - chính quyền phục vụ - doanh nghiệp số, doanh nghiệp cống hiến - xã hội số, xã hội niềm tin - người dân hạnh phúc”./.
[1] “
Còn non, còn nước, còn người, thắng giặc Mỹ ta sẽ xây dựng lại hơn mười ngày nay”. Xem: Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, năm 2012.
[2] Nghị quyết số 06-NQ/TW ngày 24/01/2022 của Bộ Chính trị về quy hoạch, xây dựng, quản lý và phát triển bền vững đô thị Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
[3] Gồm 5.922 di tích được kiểm kê; trong đó, 2.624 di tích được xếp hạng (chiếm khoảng 1/3 tổng số di tích xếp hạng của cả nước); có 1.163 di tích/cụm di tích xếp hạng quốc gia (chiếm 1/4 tổng số di tích xếp hạng quốc gia của cả nước); 21 di tích/cụm di tích xếp hạng di tích quốc gia đặc biệt; 01 di sản thế giới; 1.441 di tích xếp hạng cấp thành phố. Đồng thời, có 1.793 di sản văn hóa phi vật thể, gồm 26 di sản văn hóa phi vật thể quốc gia; 03 di sản được Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên hợp quốc (UNESCO) công nhận, gồm 01 di sản văn hóa thế giới (Khu di tích Hoàng thành Thăng Long), 01 di sản văn hóa phi vật thể thế giới (Hội Gióng) và 01 di sản tư liệu thế giới (Bia tiến sĩ Việt Nam); có 1.350 làng nghề và 1.700 lễ hội dân gian.