Tóm tắt: Về mặt nguyên tắc, pháp luật của mỗi quốc gia điều chỉnh các quan hệ trong lãnh thổ của mình. Tuy nhiên, với xu hướng toàn cầu hoá trong giai đoạn hiện nay, các quan hệ sở hữu của một cá nhân đặt ra nhiều thách thức cho pháp luật với việc nó đã không còn bị giới hạn trong lãnh thổ của riêng một quốc gia. Vụ án mới đây được xét xử bởi Toà án Hoa Kỳ đã cho thấy sự xung đột pháp luật trong giải quyết thừa kế mà người quá cố để lại di chúc. Điều này được xuất phát từ hai học thuyết trái ngược về quyền định đoạt di sản theo di chúc: nguyên tắc thừa kế bắt buộc và nguyên tắc tự do di chúc. Trong bài viết này, các tác giả tập trung phân tích một số vấn đề pháp lý trong giải quyết xung đột pháp luật về thừa kế theo di chúc từ vụ án Walker v. Ryker, làm rõ nguyên nhân xung đột từ sự khác biệt trong hai hệ thống dân luật và thông luật đối với việc định đoạt theo di chúc. Cuối cùng, các tác giả đưa ra những đánh giá và gợi mở cho Việt Nam đối với việc giải quyết xung đột pháp luật về thừa kế theo di chúc có yếu tố nước ngoài.
Từ khóa: Di chúc; thừa kế; thừa kế có yếu tố nước ngoài; thừa kế bắt buộc; tự do di chúc; xung đột pháp luật.
Abstract: In principle, the laws of each country govern relations within its territory. However, with the trend of globalization in the current period, the property relations of an individual pose several challenges to the law as they are no longer encapsulated in the territory of a single country. A recent case heard by a US court has shown a conflict of laws in the settlement of inheritance in which the deceased left a will. This is derived from two opposing theories about the right to dispose of estates under the will: the principle of forced heirship and the principle of freedom of testation. Within this article, the authors focus on analyzing a number of legal concerns in resolving legal conflicts about inheritance under will from the case Walker v. Ryker, thereby clarifying the causes of conflict from the difference in both civil and common law systems for dispositions by a will. Finally, the authors also give assessments and recommendations for Vietnam to resolve conflicts over inheritance under wills with foreign elements.
Keywords:Will; inheritance; inheritance with foreign elements; forced heirship; freedom of testation; conflict of laws.
Ảnh minh họa: Nguồn internet
1. Xung đột pháp luật quyền thừa kế theo di chúc từ vụ việc Walker v. Ryker
Khoảng sáu tháng sau khi Douglas R. Tompkins (Tompkins) qua đời, con gái của ông - Summer Tompkins Walker (Summer) - đã đưa ra một bản kiến nghị tại Tòa Thượng thẩm Los Angeles theo mục 172002 yêu cầu Tòa án xác định tính hợp lệ của quỹ tín thác và điều khoản lựa chọn luật của nó
[1]. Tompkins, người đã sáng lập và cho ra mắt các dòng sản phẩm quần áo nổi tiếng The North Face và Esprit và trước khi qua đời, ông đã chuyển tài sản của mình vào quỹ tín thác. Quỹ tín thác công bố di chúc rằng, Summer chỉ nhận được những món đồ được chọn trong tài sản cá nhân của Tompkins
[2].
Summer đã đệ đơn lên Tòa án chứng thực di chúc (the probate court)
[3] nhằm tìm cách bỏ qua các điều khoản rõ ràng trong di chúc của Tompkins và yêu cầu Toà án nên áp dụng luật thừa kế bắt buộc theo luật Chile (nơi cư trú cuối cùng của ông Tompkins) mà theo đó, cô ấy sẽ được hưởng một phần đáng kể tài sản của Tompkins. Tuy nhiên, yêu cầu của cô đã gặp phải những phản đối từ những người được ủy thác theo di chúc vì theo họ, việc chọn luật áp dụng trong bản di chúc của ông Tompkins đã tuân thủ quy định trong Bộ luật Chứng thực di chúc phần 21103* (Probate Code section 21103*) và điều khoản lựa chọn luật của quỹ tín thác ngăn cản việc áp dụng luật Chile
[4].
Đáp lại, Summer khẳng định luật về nơi cư trú của một người để lại di sản chi phối việc phân phối bất động sản của người quá cố và California nên công nhận khả năng áp dụng của luật pháp Chile trong vấn đề này. Tòa án đã ra phán quyết có lợi cho những người được ủy thác, lưu ý rằng quỹ tín thác có điều khoản lựa chọn luật rõ ràng là chọn luật California để điều chỉnh quỹ tín thác và mục 21103 quy định điều khoản đó là hợp lệ và có thể thực thi trừ khi nó vi phạm chính sách công
[5].
Mặc dù vậy, Summer vẫn tiếp tục kháng cáo lên Toà án cấp trên. Summer đưa ra lý lẽ rằng, việc áp dụng luật California là vi phạm chính sách công của California và Toà án cần phải áp dụng học thuyết có qua có lại - một học thuyết tùy ý cho phép Tòa án California thi hành phán quyết từ hoặc áp dụng luật của cơ quan tài phán nước ngoài trong một số trường hợp hạn chế
[6].
Summer không cho rằng, cha cô thiếu năng lực tinh thần để thực hiện ý chí trong di chúc của mình theo luật California, theo cô điều ông muốn là vi phạm luật “thừa kế bắt buộc" của Chile
[7]. Trong những năm cuối đời của mình, ông Tompkins đã làm việc trong các dự án từ thiện và cư trú ở Chile. Do đó, Summer tuyên bố rằng, cô có quyền theo luật Chile, không chỉ được hưởng một phần di sản của cha cô, mà còn về mọi sự đóng góp trong suốt cuộc đời của ông
[8].
Tất nhiên, luật “thừa kế bắt buộc”, vốn là một dấu hiệu đặc trưng của các quốc gia theo truyền thống dân luật, là sự phản đối các nguyên tắc “tự do định đoạt di chúc” ở các quốc gia thông luật, đặc biệt là ở Hoa Kỳ
[9]. Summer lập luận rằng, cha cô rời Hoa Kỳ mà không có ý định quay trở lại, đặc biệt là sau khi Tổng thống George W. Bush ra lệnh xâm lược Iraq, và đã dành rất nhiều thời gian ở Chile, Argentina cho công việc từ thiện của mình, đến nỗi cha cô đã thực sự trở thành một người định cư ở Chile
[10].
Theo luật California, một lựa chọn điều khoản luật sẽ được thực thi và luật được chọn sẽ được áp dụng trừ khi nó vi phạm chính sách công của California
[11]. Summer lập luận rằng, việc cho phép Tompkins tránh luật thừa kế bắt buộc của Chile đã vi phạm chính sách có qua có lại của California với luật pháp của các quốc gia khác
[12]. Tuy nhiên, Tòa án xét xử và Tòa phúc thẩm California cho rằng, lập luận của Summer là thiếu cơ sở. Tòa án tối cao California cũng đã bác bỏ yêu cầu của Summer về việc xem xét lại quyết định của Tòa phúc thẩm
[13].
Không nản lòng, Summer Tompkins đã đệ đơn kiện ở Chile để tìm kiếm sự trợ giúp của các tòa án nước này nhằm bảo đảm quyền thừa kế cho cô ấy theo luật thừa kế bắt buộc của Chile
[14]. Sẽ phải mất nhiều năm để các tòa án ở Chile đưa ra quyết định. Qua vụ án này, có thể thấy, những phức tạp có thể phát sinh đối với những người có cuộc sống đa quốc gia, và kéo theo đó là những chi phí, gánh nặng do vướng vào vụ kiện tụng
[15].
Những trường hợp như thế này dường như đang trở nên phổ biến hơn, kể cả “cuộc giằng co” mới đây giữa Pháp và California về tài sản của ngôi sao nhạc rock người Pháp, Johnny Hallyday
[16]. Điều đáng chú ý là hầu như không có quy định nào đề cập về quyền thừa kế bắt buộc, tự do thực hiện di chúc, và những xung đột có thể nảy sinh đối với những người chịu sự điều chỉnh pháp luật của các quốc gia với những học thuyết trái ngược nhau
[17]. Và trong trường hợp nếu như các quốc gia vẫn giữ vững quan điểm, học thuyết của mình, việc giải quyết tranh chấp thừa kế xuyên biên giới sẽ trở nên bế tắc.
2. Nguyên tắc giải quyết xung đột pháp luật về thừa kế theo di chúc của các quốc gia
2.1. Hệ thống dân luật và nguyên tắc thừa kế bắt buộc
- Nguyên tắc giải quyết xung đột pháp luật về thừa kế theo di chúc ở châu Âu
Trong Liên minh châu Âu (EU), có nhiều nước có hệ thống pháp luật tiêu biểu cho hệ thống dân luật. Theo quy định của EU, thừa kế có nghĩa là kế thừa di sản của người đã chết và bao gồm tất cả các hình thức chuyển giao tài sản, quyền và nghĩa vụ do người chết để lại, cho dù là tự định đoạt tài sản qua di chúc hay chuyển giao thông qua thừa kế theo pháp luật
[18].
Để giải quyết xung đột pháp luật đối với các quan hệ thừa kế xuyên biên giới, pháp luật EU quy định áp dụng một nguyên tắc duy nhất cho việc thừa kế đối với cả di sản là bất động sản và động sản cho dù đó là thừa kế theo pháp luật hay thừa kế theo di chúc, luật áp dụng cho việc thừa kế nói chung sẽ là luật của quốc gia nơi mà người chết có
nơi ở thường xuyên vào thời điểm chết
[19]. Tuy nhiên, đối với trường hợp vào thời điểm chết, người chết rõ ràng
có liên hệ chặt chẽ hơn với một quốc gia khác thì luật áp dụng cho việc thừa kế sẽ là luật của nước đó
[20].
Ngoài ra, các công dân ở châu Âu còn có thể lựa chọn luật áp dụng cho việc phân chia di sản thừa kế của mình. Theo đó, họ có thể chọn luật điều chỉnh là luật của quốc gia mà họ mang quốc tịch tại thời điểm đưa ra lựa chọn hoặc tại thời điểm chết
[21]. Một người có nhiều quốc tịch có thể chọn luật của bất kỳ quốc gia nào mà mình đang sở hữu tại thời điểm đưa ra lựa chọn hoặc tại thời điểm chết
[22].
Tuy nhiên, việc áp dụng pháp luật của bất kỳ quốc gia nào được quy định trong Quy định trên chỉ có thể bị từ chối nếu việc áp dụng đó rõ ràng là không tương thích với chính sách công của khu vực
[23]. Theo đó, cơ quan có thẩm quyền của quốc gia thành viên EU thụ lý vụ việc thừa kế có thể từ chối áp dụng một số điều khoản pháp luật nhất định của nước mà người để lại di sản mang quốc tịch (cho dù đó là luật của một quốc gia thành viên EU hay của một quốc gia không thuộc EU) nếu chúng trái với chính sách công. Ví dụ như các cơ quan này có thể từ chối áp dụng các quy định pháp luật của nước mà người quá cố mang quốc tịch nếu như quy định này cho thấy sự phân biệt đối xử giữa những người thừa kế dựa trên giới tính hoặc về việc họ được sinh ra trong hay ngoài giá thú
[24].
Một điều đáng lưu ý là việc lập di chúc để dành toàn bộ tài sản cho một người thừa kế là không được chấp nhận tại châu Âu theo nguyên tắc thừa kế bắt buộc, nhưng việc lựa chọn pháp luật áp dụng điều chỉnh việc lập di chúc lại có thể cho phép họ lựa chọn luật của nước theo học thuyết “tự do di chúc”. Sẽ cần thời gian để xem xét liệu việc lựa chọn này có bị coi là vi phạm chính sách công ở các quốc gia thành viên hay không. Tuy nhiên, nếu điều này được chấp nhận thì dường như toàn bộ học thuyết về thừa kế bắt buộc của các nước theo hệ thống dân luật sẽ không còn là rào cản khi mà các chủ thể hoàn toàn có thể lựa chọn pháp luật áp dụng của quốc gia cho phép tự do lập di chúc. Điều này dường như đi ngược lại với nguyên tắc thừa kế bắt buộc xuyên suốt lịch sử của hệ thống dân luật.
- Lịch sử phát triển của “nguyên tắc thừa kế bắt buộc” trong hệ thống dân luật
Cách mạng Pháp năm 1789 cũng cách mạng hóa luật thừa kế khi nó đã phát triển và chịu ảnh hưởng của truyền thống Luật La Mã
[25]. Nó đã bãi bỏ các khái niệm về tính ưu việt của người đàn ông lớn tuổi nhất trong quan hệ thừa kế và đối xử bình đẳng với con cháu kể cả con cái ngoài hôn nhân. Khái niệm “tự do” không mở rộng đến việc lập di chúc như là quyền thừa kế bắt buộc được tăng lên chín phần mười của di sản
[26]. Bộ luật Dân sự (BLDS) Pháp năm 1804 đã thiết lập tính tự do cao hơn trong việc lập di chúc, đòi hỏi một phần thừa kế bắt buộc dao động từ một phần tư đến ba phần tư (tùy từng trường hợp)
[27].
Các quy tắc theo BLDS Pháp năm 1804 dựa trên cả tình cảm được cho là của người quá cố và quyết định của các nhà lập pháp về nghĩa vụ bảo vệ gia đình của người quá cố. Tuy nhiên, ở Ý, khi xây dựng BLDS năm 1865, các nhà lập pháp đã bác bỏ tính ưu việt của việc lập di chúc của người quá cố
[28].
Các quy tắc thừa kế bắt buộc này đã phát triển trong suốt thế kỷ XIX ở châu Âu có nhiều nền tảng khác nhau. Cơ sở lý thuyết cho những học thuyết này bắt nguồn từ các luật gia như Hugo Grotius, Samuel von Pufendorf và Samuel Stryk
[29]. Họ đưa ra giả thuyết rằng, sự thiếu chính xác sẽ ảnh hưởng đến ý định của người quá cố, và người quá cố có lẽ sẽ có ý định mang lại lợi ích cho những người thân nhất của mình, những người mà họ sẽ có một tình cảm tự nhiên
[30]. Những người soạn thảo BLDS năm 1804 ở Pháp đã áp dụng lý thuyết này trong việc xây dựng luật về thừa kế bắt buộc
[31]. Cơ quan lập pháp ở Ý, lại dựa trên học thuyết rằng, họ có quyền ủy quyền từ người quá cố trong việc xác định ai nên được hưởng thừa kế (theo BLDS năm 1865)
[32]. Một lý thuyết thứ ba dựa trên các luật cơ bản về thừa kế bắt buộc khi chúng phát triển ở châu Âu, bao gồm cả ở Ý trong việc ban hành BLDS năm 1865, dựa trên học thuyết về nghĩa vụ xã hội hoặc đạo đức của người quá cố phải cung cấp cho gia đình họ nhằm tránh khả năng đùn đẩy trách nhiệm này cho Nhà nước
[33].
Có thể nói rằng, những lý thuyết này làm nền tảng cho luật thừa kế bắt buộc trong việc hạn chế quyền của người lập di chúc định đoạt tài sản của họ. Pháp luật quy định người lập di chúc chỉ có thể tự do định đoạt một phần tài sản của mình và một phần tài sản của người lập di chúc phải được phân phối lại.
2.2. Hệ thống thông luật và nguyên tắc tự do di chúc
- Giải quyết xung đột pháp luật về thừa kế theo di chúc ở Hoa Kỳ
Tại Hoa Kỳ, có 50 tiểu bang, mỗi tiểu bang có luật riêng, bao gồm các quy tắc để giải quyết xung đột pháp luật. Tuy nhiên, những luật này có những điểm tương đồng lớn hơn nhiều so với sự khác biệt
[34]. Trừ khi pháp luật có quy định khác, luật nơi cư trú của người quá cố sẽ được áp dụng cho việc định đoạt di sản là động sản cho dù theo thừa kế theo di chúc hay theo luật
[35]. Đối với phần di sản là bất động sản, luật nơi tài sản tọa lạc sẽ được áp dụng
[36]. Do đó, luật pháp của nhiều khu vực pháp lý khác nhau có thể áp dụng cho việc xử lý tài sản của người quá cố, tùy thuộc vào vị trí của bất động sản và nơi cư trú của người quá cố. Đây cũng là một trong những điểm khác biệt căn bản giữa pháp luật Hoa Kỳ và pháp luật của Liên minh châu Âu trong việc giải quyết xung đột pháp luật về thừa kế có yếu tố nước ngoài.
Bên cạnh sự khác biệt về quy tắc giải quyết xung đột, sự khác biệt về nguyên tắc định đoạt di sản sau khi chết của cá nhân, thông qua di chúc, cũng là một trong những mấu chốt dẫn đến sự phức tạp của việc giải quyết thừa kế.
- Nguyên tắc tự do di chúc
Tự do di chúc được xem là một nền tảng quan trọng của luật học Hoa Kỳ
[37]. Mặc dù quyền này có thể bị hạn chế bởi cơ quan lập pháp, nhưng cơ quan lập pháp ở hầu hết các bang, ví dụ như California, đã quy định rõ ràng về quyền của các cá nhân được “tước quyền” con cái trưởng thành của họ và định đoạt tài sản cá nhân theo ý họ muốn
[38]. Như đã nêu trong một vụ việc, “quyền định đoạt tài sản theo di chúc là cơ bản, được pháp luật bảo đảm, không cần sử dụng nó một cách thận trọng” và “mọi người có quyền đưa ra một di chúc bất công, một di chúc không hợp lý, hoặc thậm chí là một di chúc tàn nhẫn”
[39].
Một điều đáng lưu ý là nguyên tắc chia thừa kế của hệ thống thông luật cũng được bắt nguồn từ Luật La Mã như hệ thống dân luật
[40]. Tuy nhiên, do các tác động lịch sử, việc phát triển các nguyên tắc chia thừa kế của hệ thống dân luật và thông luật đã đi theo hai hướng hoàn toàn khác nhau. Trước khi Hoa Kỳ phát triển nguyên tắc tự do di chúc tới mức nghiêm ngặt như hiện nay, việc du nhập học thuyết này xuất phát từ người Anh.
Ở Anh và xứ Wales, quyền của người lập di chúc trong việc từ chối hoàn toàn các mối quan hệ của mình là bất khả xâm phạm trong năm thế kỷ cho đến khi ban hành Đạo luật Thừa kế (The Inheritance Family Provision - IFP Act) năm 1938
[41]. Đạo luật IFP năm 1938 được xem là sự phá bỏ học thuyết tự do di chúc qua các sáng kiến lập pháp trong Quốc hội bắt đầu bằng một báo cáo vào năm 1908 về những hạn chế trong thừa kế theo di chúc ở Pháp, Đức, Ý, Nga và Hoa Kỳ
[42]. Đạo luật IFP năm 1938, như được ban hành ban đầu, với điều kiện rằng một người chết cư trú ở Anh để lại vợ/chồng, con gái chưa lập gia đình hoặc con gái bị khuyết tật không thể tự duy trì bản thân, hay con trai hoặc con trai sơ sinh bị khuyết tật không thể tự duy trì, nếu bất kỳ ai trong số họ nộp đơn ra Tòa án vì cho rằng di chúc đã không có “phân chia hợp lý”, Tòa án sẽ áp dụng việc cấp dưỡng những người phụ thuộc đó từ di sản của người quá cố
[43].
Khi các nhà cách mạng Hoa Kỳ buộc người Anh phải từ bỏ thuộc địa, luật chung và nguyên tắc bất khả xâm phạm của nó là tự do di chúc đã để lại một dấu ấn không thể xóa nhòa trong tâm trí người dân Hoa Kỳ. Khi nhiều thập kỷ trôi qua và các nguyên tắc luật dân sự về quyền thừa kế bắt buộc đã truyền cảm hứng cho nước Anh qua Đạo luật thừa kế 1938, Hoa Kỳ vẫn không bị ảnh hưởng và kiên định. Khái niệm tự do di chúc gắn liền sâu sắc với các khái niệm tự do của họ. Ngoại lệ duy nhất là Louisiana, được chính quyền của Thomas Jefferson mua lại từ Pháp, nơi có một hình thức thừa kế bắt buộc được quy định trong Bộ luật Napoleon
[44]. Luật Texas cũng đã từng quy định quyền thừa kế bắt buộc do có xuất phát từ nguồn gốc luật Tây Ban Nha; sau khi Texas gia nhập liên bang vào năm 1846, họ đã bãi bỏ quyền thừa kế bắt buộc này vào năm 1856
[45].
Năm 1969, Hội nghị quốc gia về Luật Thống nhất (NCULC) đã soạn thảo một đạo luật mẫu được gọi là Bộ luật Thừa kế thống nhất (UPC) trong nỗ lực cung cấp cơ sở để mang lại sự thống nhất và nhất quán trong các luật điều chỉnh các di sản thuộc sở hữu của người quá cố ở Hoa Kỳ
[46]. NCULC đã sửa đổi UPC vào năm 1990 và một lần nữa vào năm 2008 (với những sửa đổi nhỏ trong những năm khác)
[47].
Như vậy, có thể thấy người Anh đã đưa học thuyết này vào Hoa Kỳ, và sau đó, trong khi Hoa Kỳ tiếp tục phát triển học thuyết tự do di chúc thì người Anh lại thay đổi sang học thuyết thừa kế bắt buộc.
3. Một số gợi mở cho Việt Nam
Những nguyên tắc phân chia di sản của các quốc gia đều dựa trên những quá trình lịch sử và các học thuyết lâu đời. Tuy nhiên, xu hướng toàn cầu hoá với những công dân toàn cầu, công ty đa quốc gia khiến cho những biên giới trở nên ngày càng nhạt nhoà. Điều này dẫn đến việc điều chỉnh các quan hệ về sở hữu, thừa kế không còn có thể giới hạn trong phạm vi lãnh thổ một quốc gia. Để đáp ứng được những thay đổi chóng trong các quan hệ này, pháp luật Việt Nam cần phải hoàn thiện một số vấn đề sau đây:
Thứ nhất, về việc áp dụng một luật cho việc thừa kế
Theo pháp luật Liên minh châu Âu, như đã phân tích ở trên, chỉ có một luật sẽ được áp dụng cho việc thừa kế, có thể là luật của quốc gia nơi cư trú thường xuyên cuối cùng của người quá cố hay luật của nước mà họ mang quốc tịch (người quá cố đã chọn. Luật này sẽ chi phối việc kế thừa tất cả tài sản, bất kể đó là động sản (như ô tô hoặc tài khoản ngân hàng) hay bất động sản (như nhà ở) và bất kể tài sản nằm ở đâu (nghĩa là ngay cả khi tài sản nằm ở một số quốc gia). Ở Việt Nam, từ quy định của BLDS năm 2005 đến BLDS năm 2015, dường như cũng thay đổi theo nguyên tắc này. Nếu như ở BLDS năm 2005 thì việc chọn luật áp dụng được chia làm hai mảng là thừa kế theo pháp luật và thừa kế theo di chúc
[48] thì BLDS năm 2015 chỉ có quy định tại Điều 680 về việc chia thừa kế. Theo đó, bất kể là thừa kế có hoặc không có di chúc thì luật áp dụng đều là luật nước mà người để lại di sản có quốc tịch ngay trước khi chết. Trong khi đó, Điều 681 sẽ chỉ quy định về việc xác định di chúc có hợp pháp hay không.
Tuy nhiên, việc phân tách thành hai điều khoản (Điều 680 và Điều 681) dường như vẫn mang lại một số sự khó hiểu trong việc áp dụng. Vấn đề đầu tiên đó là nếu toàn bộ việc thừa kế đều được giải quyết bằng hệ thuộc luật quốc tịch thì tại sao lại cần thiết kế một điều luật riêng về “Di chúc”. Điều 681 với tiêu đề là “Di chúc” được nhận xét là viết gọn lại so với BLDS năm 2005 (“Thừa kế theo di chúc”) vì nội hàm chỉ bàn về một số khía cạnh của di chúc
[49]. Tuy nhiên, việc sửa đổi này dường như vẫn chưa hợp lý khi đây chỉ là quy định về việc xác định “điều kiện hợp pháp của di chúc”. Nhưng nếu chúng ta sửa đổi tiêu đề của Điều 681 thành “Điều kiện hợp pháp của di chúc” mà vẫn giữ nguyên nội dung hiện tại, theo quy định của BLDS năm 2015 thì vẫn gặp phải vướng mắc đó là thiếu quy định về nội dung của di chúc (vấn đề đã được quy định tại khoản 1 Điều 680 là sẽ tuân theo hệ thuộc luật quốc tịch). Có thể thấy rằng, việc thiết kế sẽ hợp lý hơn nếu như chúng ta xác định trong một điều khoản là thừa kế sẽ tuân theo hệ thuộc luật quốc tịch, còn về hình thức của di chúc sẽ được quy định tại một điều khoản sau đó về các hình thức khác nên được công nhận. Cụ thể là:
“Điều 680: Thừa kế (có yếu tố nước ngoài)
1. Thừa kế, kể cả có di chúc hay không có di chúc, đều tuân theo pháp luật của nước mà người để lại di sản có quốc tịch ngay trước khi chết.
2. Hình thức của di chúc được công nhận tại Việt Nam nếu phù hợp với pháp luật của một trong các nước sau đây: Pháp luật của nước nơi di chúc được lập; nước nơi người lập di chúc cư trú tại thời điểm lập di chúc hoặc tại thời điểm người lập di chúc chết; nước nơi có bất động sản nếu di sản thừa kế là bất động sản”.
Việc thay đổi quy định như vậy về mặt nội dung sẽ giữ nguyên được quan điểm chọn luật hiện hành, nhưng về mặt hình thức sẽ rõ ràng hơn trong việc xác định tất cả các quy định liên quan đến thừa kế sẽ được giải quyết theo nguyên tắc luật quốc tịch của người quá cố. Do đó, trong trường hợp mà di chúc đó có khiếu nại hoặc tranh chấp liên quan, về hình thức hoặc nội dung đều có thể áp dụng một hệ thống luật thống nhất để giải quyết.
Đối với quy định “Việc thực hiện quyền thừa kế đối với bất động sản được xác định theo pháp luật của nước nơi có bất động sản đó” tại khoản 2 Điều 680 BLDS năm 2015 là không cần thiết. Cần phải xác định rõ đây là điều khoản chọn luật hay điều khoản thực thi. Bởi lẽ, sau khi có bản án của Toà án thì để thực thi, người được thi hành đương nhiên sẽ phải tuân thủ theo pháp luật của nước sở tại về công nhận và thi hành bản án, quyết định của Toà án nước ngoài. Đây không phải là quy tắc chọn luật mà là quy định nội luật. Nếu như đây là quy định nhằm đảm bảo chính sách pháp luật đất đai của Việt Nam thì có thể quy định trong các luật chuyên ngành. Theo đó, trường hợp các cá nhân được hưởng quyền thừa kế là bất động sản tại Việt Nam, nếu nhưng không đủ điều kiện sở hữu hoặc sử dụng bất động sản đó thì chỉ được hưởng phần giá trị trên đất. Ngoài ra, cũng cần quy định trường hợp bản án của Toà án nước ngoài về quyền sở hữu đất đai sẽ được hiểu như là được hưởng quyền sử dụng đất/giá trị phần bất động sản đó tại Việt Nam. Điều này sẽ tiết kiệm được chi phí và công sức cho người được hưởng quyền thừa kế, đồng thời vẫn đảm bảo được mục tiêu mà pháp luật hướng tới.
Thứ hai, về quyền lựa chọn pháp luật trong di chúc của người để lại di sản
Việt Nam áp dụng nguyên tắc luật quốc tịch của người để lại di sản trước khi chết trong trường hợp người chết có di chúc. Tuy nhiên, lại không có quy định về việc có cho phép họ lựa chọn luật áp dụng trong di chúc đó hay không. Điều này có thể sẽ gây ra một số vướng mắc cho các vụ việc xảy ra trong tương lai. Về mặt bản chất, có thể thấy việc định đoạt để chuyển giao quyền sở hữu/quyền sử dụng sau khi chết là quyền cơ bản của con người. Do đó, các cá nhân cũng hoàn toàn có quyền định đoạt pháp luật giải quyết cho việc thừa kế đó. Theo tinh thần của khoản 4 Điều 668 BLDS năm 2015, cũng cần quy định trong trường hợp các bên lựa chọn pháp luật áp dụng cho di chúc của mình thì pháp luật mà các bên lựa chọn là quy định về quyền, nghĩa vụ của các bên tham gia quan hệ dân sự, không bao gồm quy định về xác định pháp luật áp dụng.
Thứ ba, về những nguyên tắc cơ bản của pháp luật Việt Nam
Vi phạm chính sách công, hay như thuật ngữ mà pháp luật Việt Nam sử dụng là vi phạm những nguyên tắc cơ bản của pháp luật Việt Nam
[50] chưa được quy định một cách rõ ràng. Đặt vụ việc trên xảy ra tại Việt Nam, liệu điều này có vi phạm những nguyên tắc cơ bản của pháp luật Việt Nam hay không khi mà pháp luật mà người để lại di sản mang quốc tịch hoặc lựa chọn (nếu được quy định) cho phép lập di chúc trao hết di sản cho những người khác. Điều này có vẻ như là vi phạm nguyên tắc cơ bản của Việt Nam như là chúng ta có quy định những người được hưởng di sản không phụ thuộc vào nội dung di chúc
[51]. Điều này cũng có thể được hiểu là một nguyên tắc bắt buộc theo pháp luật Việt Nam về những người được hưởng thừa kế theo luật định này (2/3 một suất nếu được chia theo pháp luật). Tuy nhiên, để tránh những vướng mắc trong giải quyết các vụ việc sau này, cần thiết phải có một quy định cụ thể về những nguyên tắc cơ bản của pháp luật Việt Nam.
Thứ tư, về thẩm quyền giải quyết
Mặc dù pháp luật Việt Nam không có sự tách bạch về thẩm quyền theo tính chất của di sản (động sản và bất động sản), nhưng theo pháp luật tố tụng dân sự thì Toà án Việt Nam sẽ có thẩm quyền riêng biệt đối với vụ án dân sự có liên quan đến quyền đối với tài sản là bất động sản có trên lãnh thổ Việt Nam
[52]. Việc quy định
“có liên quan đến” dẫn đến phạm vi thẩm quyền giải quyết của Việt Nam quá rộng. Điều này trong một số trường hợp sẽ gây ra những xung đột về thẩm quyền nhất định.
Có thể lấy một ví dụ như trường hợp mà cá nhân có nhiều quốc tịch, trong đó có quốc tịch Việt Nam và họ chọn luật Việt Nam (một trong những nơi mà họ có quốc tịch) để giải quyết thừa kế. Tuy nhiên, về thẩm quyền giải quyết, do họ có nơi thường trú cuối cùng ở châu Âu, giả sử như ở Tây Ban Nha nên Toà án nước này sẽ có thẩm quyền
[53]. Liệu phán quyết của Toà án Tây Ban Nha xét xử vụ việc thừa kế này, nhưng vẫn tuân theo pháp luật Việt Nam (pháp luật được lựa chọn) có được công nhận tại Việt Nam hay không?
Bản án này sẽ không được công nhận tại Việt Nam như là một vi phạm về thẩm quyền giải quyết
[54] nhưng có thể thấy về mặt bản chất, việc chia thừa kế vẫn áp dụng pháp luật Việt Nam và kết quả của việc chia thừa kế có thể sẽ có kết quả giống với việc xét xử tại Việt Nam. Việc quy định như vậy phần nào sẽ gây khó khăn cho các đương sự trong việc hưởng quyền thừa kế của mình.
Có thể thấy, việc giải quyết xung đột pháp luật có sự khác biệt đáng kể tại các khu vực pháp lý khác nhau. Trong thực tiễn, sự khác biệt về các quy tắc chọn luật này còn chứng kiến những vụ việc tranh chấp thừa kế mang tính xuyên quốc gia và đặt ra nhiều vấn đề cho việc thực thi khi mà bản án của Toà án nước ngoài được xem là vi phạm những nguyên tắc cơ bản của quốc gia nơi có di sản thừa kế. Mỗi quốc gia đều có quyền giữ những học thuyết riêng mang tính nền tảng của mình nhưng trong một xã hội với xu hướng toàn cầu hoá, việc tạo ra sự thống nhất nhất định để đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của công dân cần phải được tính tới. Việt Nam không nằm ngoài xu hướng phát triển chung của nhân loại và việc cần thiết sửa đổi, phát triển một Luật Tư pháp quốc tế riêng biệt nhằm dự đoán, điều chỉnh các quan hệ có yếu tố nước ngoài phát sinh là vô cùng cần thiết./.
[1] Walkerv. Ryker (In re Estate of Tompkins), B292712, 2-3.
[2] Walker v. Ryker (In re Estate of Tompkins), B292712, 2-3.
[3] Tòa án chứng thực di chúc là một tòa án có thẩm quyền hạn chế xét xử các vấn đề xung quanh cái chết của một người. Ví dụ, các tòa án chứng thực di chúc giám sát việc phân phối tài sản của người chết theo di chúc của họ và chỉ đạo việc phân phối tài sản của người chết nếu họ chết mà không để lại di chúc; https://www.law.cornell.edu/wex/probate_court#:~:text=A%20probate%20court%20is%20a,they%20die%20without%20a%20will, truy cập ngày 1/11/2022.
[4] Summer Tompkins Walker Appeal, https://images.law.com/contrib/content/uploads/documents/407/1682/summer-tompkins-walker-appeal.pdf, truy cập ngày 1/11/2022.
[6] The legal doctrine under which courts recognize and enforce each others' legal decisions as a matter of courtesy, or based on the need for reciprocity, but not necessarily as a matter of law. Courts observing comity usually defer considering a case if the same issues are being considered in a court in another jurisdiction; https://www.law.cornell.edu/wex/comity, truy cập ngày 1/11/2022.
[7] Walker v. Ryker, No. 285782, 2018 WL 4659621, at *2 (Cal. Ct. App. Sept. 28, 2018).
[8] Walker v. Ryker, No. 285782, 2018 WL 4659621, at *2 (Cal. Ct. App. Sept. 28, 2018).
[9] Walker v. Ryker, No. 285782, 2018 WL 4659621, at *6 (Cal. Ct. App. Sept. 28, 2018).
[10] Brief for Respondent at 10, Walker v. Ryker, 2018 WL 4659621, at *1 (Cal. Ct. App. Sept. 28, 2018) (No. 285782).
[11] Cal. Probate Code § 21103 (Deering 2019).
[12] In re Estate of Tompkins, No. B292712, 2019 WL 4686980, at *1 (Cal. Ct. App. Sept. 26, 2019).
[13] Walker v. Ryker, 2018 WL 4659621, at *5.
[14] Cindy Leicester, Disputing a Father’s Charitable Legacy, WILLS WORLDWIDE (May 15, 2018),
https://perma.cc/RGT7-7RP8, truy cập ngày 1/11/2022.
[15] Adam & Lena, Conflicts of International Inheritance Laws in the Age of Multinational Lives, Cornell International Law Journal Vol. 52, (2020).
[16] Johnny Hallyday: Court Freezes Assets in Inheritance Dispute, GUARDIAN, https://www.theguardian.com/music/2018/apr/13/johnny-hallyday-court-freezes-assets-in-inheritance-dispute, truy cập ngày 1/11/2022.
[18] Điều 3, The Succession Regulation (EU) No 650/2012 of the European Parliament and of the Council of 4 July 2012.
[19] Điều 21.1 The Succession Regulation (EU) No 650/2012.
[20] Điều 21.2 The Succession Regulation (EU) No 650/2012.
[21] Điều 22.1 The Succession Regulation (EU) No 650/2012.
[22] Đây có thể là luật của một quốc gia thành viên EU hoặc luật của một quốc gia không thuộc EU (trong trường hợp này, cần đảm bảo rằng luật của quốc gia đã chọn sẽ chấp nhận việc lựa chọn luật áp dụng), https://www.elra.eu/wp-content/uploads/2017/10/DS0417513ENN.en.pdf.
[23] Điều 35 EU 2012 Chính sách công (Public policy).
[24] European Commission,
Cross-border successions - A citizen's guide, 2017, https://www.elra.eu/wp-content/uploads/2017/10/DS0417513ENN.en.pdf, truy cập ngày 1/11/2022.
[25] Comparative Succession Law Volume Ii: Intestate Succession 36 (Kenneth G. C. Reid Et Al. Eds., 2015).
[29] Alexandra Braun, Intestate Succession in Italy, in Comparative Succession Law Volume II, supra note 119, at 67, 69.
[30] Alexandra Braun, Intestate Succession in Italy, in Comparative Succession Law Volume II, supra note 119, at 67, 69.
[34] Xem Herbert F. Goodrich, Vấn đề thừa kế trong xung đột pháp luật, đánh giá luật Michigan, Quyển 24, số 6 (Apr. 1926), tr. 558-585.
[35] CAL. CIV. CODE § 946:
“If there is no law to the contrary, in the placewhere personal property is situated, it is deemed to follow the person of its owner, andis governed by the law of his domicile”.
[36] Restatement (Second) of Conflict of Laws § 239 (Am. Law Inst. 1971).
[37] "Quyền định đoạt di sản cũng lâu đời như quyền có được và sở hữu tài sản, và luật pháp của tất cả các quốc gia văn minh công nhận và bảo vệ quyền này". Estate of Morey, 82 P. 57 (Cal. 1905). https://www.courtlistener.com/opinion/3307762/estate-of-morey/?, truy cập ngày 1/11/2022.
[38] Estate of Della Sala, 73 Cal. App. 4th 463, 467-471 (Ct. App. 1999).
[39] Estate of McDevitt, 95 Cal. 17, 33 (1892).
[40] Moore v. Moore, 1 Phill. Ecc. 406, 433 (1817) (Eng.).
[41] Joseph Dainow, Limitations on Testamentary Freedom in England, 25 CORNELL LAW Q. 337 (1939-40.
[42] 187 Parl Deb HC (4th ser.) (1908) col. 291 (UK) (reports respecting the limitations imposed by law upon testamentary bequests in France, Germany, Italy, Russia, and the United States).
[43] Inheritance (Family Provision) Act 1938, 1 & 2 Geo. 6 c. 45.
[44] Ralph C. Brashier, Protecting the Child From Disinheritance: Must Louisiana Stand Alone?, 57 LA. L. REV. 1, 1 n.1 (1996).
[45] Joseph Dainow, The Early Sources of Forced Heirship; Its History in Texas and Louisiana, 4 LA. L. REV. 42, 56–7 (1941).
[46] Ronald J. Scalise, Jr., Intestate Succession in the United States of America, in COMPARATIVE SUCCESSION LAW VOLUME II, supra note 119, at 401, 404.
[47] See Roger W. Andersen, The Influence of the Uniform Probate Code in Nonadopting States, 8 U. PUGET SOUND L. REV. 599, 599 (1985).
[48] Điều 767 và 768 BLDS năm 2005.
[49] Xem PGS.TS. Đỗ Văn Đại, Bình luận khoa học những điểm mới của Bộ luật Dân sự 2015, Nxb. Hồng Đức, tr. 616-617.
[50] Điểm a khoản 1 Điều 670 BLDS năm 2015.
[51] Điều 644 BLDS năm 2015.
[52] Điểm a khoản 1 Điều 470 BLTTDS năm 2015.
[53] Theo quy định của EU thì “Các tòa án của quốc gia thành viên nơi người chết có nơi cư trú thường xuyên của mình tại thời điểm chết sẽ có thẩm quyền phán quyết toàn bộ việc thừa kế” (Điều 4 The Succession Regulation (EU) No 650/2012).
[54] Khoản 4 Điều 439, khoản 1 Điều 440 BLTTDS năm 2015.