Thực tiễn hủy phán quyết trọng tài đầu tư quốc tế của ICSID và Việt Nam

17/12/2024

Tóm tắt: Thủ tục hủy phán quyết trọng tài đầu tư quốc tế có thể thực hiện bởi Toà án quốc gia hoặc bởi chính Trung tâm trọng tài đã ban hành phán quyết. Điển hình của cơ chế hủy phán quyết trọng tài đầu tư quốc tế của các Trung tâm trọng tài là của Trung tâm quốc tế về giải quyết tranh chấp đầu tư (International Centre for Settlement of Investment Dispute - ICSID) theo Công ước Washington năm 1965 về giải quyết tranh chấp đầu tư giữa các quốc gia và các công dân quốc gia khác. Trong bài viết này, các tác giả tập trung phân tích các căn cứ hủy phán quyết trọng tài đầu tư quốc tế của ICSID cùng các vụ kiện nổi bật trên thế giới và vụ Recofi kiện Việt Nam.
Từ khoá: Phán quyết trọng tài; hủy phán quyết trọng tài; Trung tâm Trọng tài quốc tế; giải quyết tranh chấp đầu tư;Recofi kiện Việt Nam.
Abstract: The procedure for annulment of international investment arbitral award is initiated by national court or by the arbitration institution where the award was rendered. The outstanding institution for annulment of international investment arbitration awards is International Centre for Settlement of Investment Disputes (ICSID) under the Washington Convention 1965 on the settlement of investment disputes between states and nationals of other states. Within this article, the authors provide an analysis of the grounds for annulment of ICSID's international investment arbitral award along with outstanding cases and Recofi v. Viet Nam.
Keywords: Arbitral award; annulment of arbitral awards; International Arbitration Centre; settlement of investment dispute;Recofi v. Viet Nam.
5_53.jpg
Ảnh minh họa: Nguồn internet
1. Hủy phán quyết trọng tài đầu tư quốc tế theo ICSID
Pháp luật trọng tài trên thế giới đều công nhận giá trị chung thẩm và hiệu lực bắt buộc của phán quyết trọng tài. Phán quyết trọng tài không thể bị kháng cáo, kháng nghị. Tuy nhiên, phán quyết của trọng tài cũng có thể bị hủy bởi Toà án quốc gia hoặc bởi chính trung tâm trọng tài đã ban hành phán quyết. Việc hủy phán quyết trọng tài sẽ khiến cho phán quyết trọng tài mất hiệu lực, không tồn tại và dẫn đến không thể thi hành được. Nếu một phán quyết bị Tòa án có thẩm quyền của địa điểm trọng tài hoặc của Trung tâm trọng tài ban hành ra phán quyết hủy bỏ hoặc tuyên vô hiệu thì phán quyết trọng tài đó sẽ bị coi là không hợp lệ, không có giá trị ràng buộc các bên và do đó không thể thi hành được[1].
Trong lĩnh vực đầu tư quốc tế, ICSID là tổ chức trọng tài đứng đầu trên thế giới cho việc giải quyết tranh chấp giữa nhà đầu tư (NĐT) nước ngoài và Chính phủ nước tiếp nhận đầu tư (Investor-State Dispute Settlement - ISDS). Trung tâm ICSID được thành lập năm 1966 theo Công ước ICSID với 165 quốc gia thành viên[2]. ICSID cung cấp các dịch vụ trọng tài, hoà giải để giải quyết các tranh chấp ISDS. Trong đó, trọng tài ICSID là thiết chế duy nhất quy định về vấn đề hủy phán quyết trọng tài đầu tư quốc tế do chính Trọng tài ICSID ban hành.
Trọng tài ICSID là một thiết chế trọng tài tự trị bởi thiết chế này không bị ràng buộc hay chịu sự ảnh hưởng của bất kỳ hệ thống tư pháp của quốc gia nào[3], vì thế Công ước ICSID và các quy tắc của ICSID quy định tất cả các điều khoản cần thiết cho trọng tài bao gồm các điều khoản giải quyết, quyền tài phán, thủ tục, phán quyết và các biện pháp hậu phán quyết là công nhận và thi hành phán quyết. Tất cả quy trình thủ tục tố tụng này mang tính khép kín, tức là không có một cơ quan hay thiết chế nào khác có quyền can thiệp vào quá trình giải quyết tranh chấp của Trọng tài ICSID bởi ICSID đã chuẩn bị sẵn các biện pháp khắc phục cho các bên sau khi có phán quyết của trọng tài. Các phán quyết của ICSID có giá trị ràng buộc đối với các bên tranh chấp, không bị kháng cáo và không phải chịu bất kỳ biện pháp khắc phục nào ngoại trừ những biện pháp được quy định trong Công ước[4]. Do đó, không giống như các phán quyết trọng tài quốc tế khác, các phán quyết của ICSID không thể bị xem xét lại bởi Toà án quốc gia và pháp luật của quốc gia nơi tiến hành công nhận và cho thi hành phán quyết trọng tài quốc tế, hay căn cứ theo Công ước New York năm 1958 về công nhận và cho thi hành phán quyết của trọng tài nước ngoài. ICSID chỉ cho phép hủy phán quyết trọng tài dựa trên thẩm quyền của chính ICSID, chứ không phải là bất kỳ một bên nào khác và bởi bất kỳ pháp luật quốc gia nào khác. Các quốc gia gia nhập Công ước ICSID phải cam kết việc công nhận và thi hành bắt buộc phán quyết được đưa ra theo Công ước ICSID và coi đó như là phán quyết có hiệu lực cuối cùng của Toà án có thẩm quyền của mình. Công ước mong muốn đảm bảo niềm tin vào hệ thống giải quyết tranh chấp của ICSID là để đảm bảo tính nhất quán và sự chắc chắn về mặt pháp lý của các phán quyết[5].
Theo thống kê của ICSID từ năm 1971 đến hết năm 2022, tổng số phán quyết trọng tài được ban hành theo cơ chế ICSID là 408 phán quyết. Trong đó có tổng cộng 149 quyết định của Uỷ ban ad hoc liên quan đến đơn yêu cầu hủy phán quyết trọng tài; có 93 quyết định từ chối yêu cầu hủy phán quyết trọng tài, 20 quyết định hủy phán quyết một phần hoặc toàn bộ và 36 quyết định đình chỉ thủ tục hủy phán quyết trọng tài[6]. Như vậy, chỉ riêng trong cơ chế ICSID, việc hủy phán quyết trọng tài nhìn chung tương đối phổ biến khi có tới khoảng 1/3 phán quyết trọng tài phải trải qua thủ tục hủy phán quyết trọng tài.
Công ước đưa ra quy định cho phép các bên tranh chấp có thể yêu cầu hủy phán quyết của Trọng tài ICSDS trong 5 trường hợp:
Thứ nhất, Hội đồng trọng tài (HĐTT) đã không được thành lập hợp lệ.
Căn cứ đầu tiên được quy định tại Điều 52.1 là: “HĐTT đã được thành lập không đúng”. Có thể hiểu rằng, một phán quyết trọng tài có thể bị hủy bỏ nếu HĐTT được thành lập không đúng với thỏa thuận trọng tài của các bên hoặc không phù hợp với quy tắc tố tụng trọng tài của ICSID. Trên thực tế, Hội đồng ad hoc đã từng tuyên hủy phán quyết trọng tài ICSID trong tranh chấp Eiser Infrastructure Limited and Energía Solar Luxembourg S.à r.l. v. Kingdom of Spain[7] dựa trên căn cứ HĐTT đã được thành lập không hợp lệ do một trong các trọng tài viên của Hội đồng đã từng có mối quan hệ từ trước đó với một bên trong vụ tranh chấp. Đây được coi là lần đầu tiên trong lịch sử ICSID, phán quyết bị hủy với căn cứ: (1) HĐTT được thành lập không phù hợp; và (2) sai lệch nghiêm trọng thủ tục tố tụng. Ủy ban ad hoc đã hủy bỏ phán quyết vì đã tồn tại xung đột lợi ích của một trong các trọng tài viên. Theo Ủy ban, việc không tiết lộ xung đột lợi ích tiềm ẩn như vậy có thể đã ảnh hưởng đến kết quả của phán quyết. Vì lý do đó, Ủy ban có căn cứ để hủy bỏ phán quyết.
Thứ hai, HĐTTrõ ràng đã vượt quá thẩm quyền của mình.
Việc HĐTT vượt quá thẩm quyền có thể hiểu là trường hợp HĐTT đã ban hành phán quyết giải quyết một vấn đề không nằm trong phạm vi vấn đề được đệ trình lên trọng tài giải quyết. Một điều kiện trong căn cứ này cần được đáp ứng đó là việc vượt quá thẩm quyền của HĐTT là “rõ ràng, hiển nhiên”. Tuy nhiên, không nên hiểu rằng, việc HĐTT áp dụng pháp luật ngoài phạm vi đệ trình đều dẫn tới căn cứ hủy phán quyết như vụ AES Summit Generation Limited and AES-Tisza Eromu Kft v. Republic of Hungary là một minh chứng[8].
Nhà đầu tư AES đã nộp đơn yêu cầu hủy phán quyết trọng tài bởi vì HĐTT đã ra phán quyết mà không dựa trên những yêu cầu khởi kiện của AES rằng Hungary đã vi phạm các quy định tại Điều 10(1), Điều 7 và Điều 13 Hiệp ước hiến chương năng lượng. Quá trình đi đến kết luận, Ủy ban ad hoc nhận định để hủy bỏ phán quyết theo Điều 52(1)(b) vì sự vượt quá quyền hạn của HĐTT cần chứng minh rằng, Hội đồng đã có lỗi trong việc áp dụng pháp luật một cách “nghiêm trọng”[9]. Nếu HĐTT ra phán quyết dựa trên việc áp dụng pháp luật một cách thiếu sót mà lỗi sai sót này phải là nguyên nhân trực tiếp làm HĐTT lẽ ra phải đưa ra một phán quyết khác có lợi hơn cho các bên thì mới đủ căn cứ kết luận HĐTT đã vượt quá quyền hạn của mình. Cuối cùng, Ủy ban cho rằng, việc hủy phán quyết do Hội đồng không áp dụng pháp luật hiện hành chỉ phù hợp khi không áp dụng luật phù hợp vào toàn bộ nội dung của yêu cầu khởi kiện[10].
Thứ ba, tồn tại hành vi tham nhũng từ phía một thành viên của HĐTT.
Việc một trong số những trọng tài viên có sự gian lận, thiếu sự độc lập, vô tư hoặc thông đồng với một bên trong tranh chấp có thể khiến phán quyết được đưa ra bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Tính công bằng của HĐTT là trọng tâm của quy trình trọng tài và việc tham nhũng và thiên vị là không thể chấp nhận được. Căn cứ này ít được quy định riêng tại Luật Trọng tài của các quốc gia. Luật mẫu về Trọng tài thương mại quốc tế của Ủy ban Liên hợp quốc về Luật thương mại quốc tế (UNCITRAL) cũng không có quy định nào cụ thể. Tuy nhiên, căn cứ này có thể được dựa trên cơ sở vi phạm tới chính sách công. Trong thực tế, tại ICSID, chưa có yêu cầu về việc hủy phán quyết trọng tài liên quan đến điều kiện này.
Thứ tư, đã có sự sai lệch nghiêm trọng so với quy tắc cơ bản về thủ tục tố tụng trọng tài.
Không phải bất kỳ sai sót về nguyên tắc tố tụng của HĐTT cũng đều dẫn đến kết quả là hủy phán quyết. Thay vào đó, phán quyết trọng tài sẽ bị hủy nếu vi phạm 02 yêu cầu song song sau: (i) thủ tục tố tụng phải cơ bản và (ii) sai lệch phải nghiêm trọng. Nhìn chung, trong một vụ tranh chấp, các bên tham gia tố tụng cần phải tuân thủ một quy trình tố tụng hợp lệ (Due process). Một phán quyết có thể bị hủy nếu HĐTT trong quá trình ra phán quyết đã có sự sai sót trong tố tụng, bởi nó có thể làm ảnh hưởng đáng kể đến phán quyết. Tuy nhiên, quy định này tương đối rộng và có thể hiểu rằng, bất cứ sai sót nào trong tố tụng cũng có thể làm căn cứ hủy phán quyết. Uỷ ban ad hoc trong vụ Wena Hotels v. Egypt đã có cách giải thích về sự vi phạm này[11]. HĐTT đã ra phán quyết kết luận Ai Cập đã vi phạm nghĩa vụ với Wena và yêu cầu Ai Cập phải bồi thường 20,6 triệu USD. Ai Cập sau đó đã gửi đơn yêu cầu hủy phán quyết tới Tổng thư ký ICSID với ba căn cứ theo Điều 52 Công ước, trong đó có căn cứ “HĐTT đã vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng”.
Uỷ ban ad hoc khi giải quyết đã lập luận rằng, căn cứ hủy phán quyết này yêu cầu nguyên đơn phải có nghĩa vụ chứng minh. Nguyên đơn phải xác định hai vấn đề: (1) đâu là “quy tắc cơ bản” của thủ tục mà Hội đồng đã vi phạm và (2) sự vi phạm đó phải là “nghiêm trọng”. Về mặt thủ tục, điều “cơ bản” là mỗi bên phải được trao quyền được xét xử trước một Hội đồng độc lập và vô tư, bên cạnh đó có quyền đưa ra tuyên bố hoặc biện hộ của mình và đưa ra tất cả các lập luận, bằng chứng để hỗ trợ cho nó. Quyền cơ bản này phải được đảm bảo ở mức độ bình đẳng, theo cách cho phép mỗi bên phản hồi thỏa đáng trước các lập luận và bằng chứng do bên kia đưa ra. Các bên phải tôn trọng các nguyên tắc cơ bản này.
Để cấu thành sự vi phạm "nghiêm trọng", việc vi phạm quy tắc đó phải khiến cho HĐTT ra phán quyết khác biệt đáng kể so với kết quả mà lẽ ra đã phải khác nếu một quy tắc như vậy được tuân thủ. Cũng theo Uỷ ban, sự vi phạm phải là đáng kể và có thể tước đi lợi ích hoặc sự bảo vệ của một bên mà đáng lẽ ra phải được hưởng do pháp luật quy định. Đối chiếu với các căn cứ mà phía Ai Cập đưa ra, Ủy ban đi đến kết luận rằng, căn cứ để hủy bỏ liên quan đến sự vi phạm nghiêm trọng các quy tắc thủ tục cơ bản của HĐTT không đủ thuyết phục và không thể cấu thành việc hủy phán quyết trong trường hợp này. Do đó, yêu cầu này bị bác bỏ.
Thứ năm, phán quyết trọng tài đã không nêu rõ căn cứ mà nó dựa vào.
Theo Điều 52(1)(v), phán quyết trọng tài có thể bị hủy nếu nó đã không nêu được các căn cứ mà dựa trên đó phán quyết được lập. Có thể hiểu rằng, nếu kết luận mà HĐTT đưa ra dựa trên vấn đề mà các bên đệ trình không dựa trên một căn cứ hợp lý, phán quyết đó sẽ bị coi là không hợp lệ và có thể bị hủy. Tuy nhiên, trong thực tiễn xét xử, HĐTT không có nghĩa vụ phải “bình luận” tất cả lập luận của các bên nếu nó không phục vụ cho mục đích cuối cùng là đưa ra phán quyết. Điều này được thể hiện trong vụ MCI v. Ecuador[12]. Trong quá trình xem xét vụ việc hiện tại liên quan đến Điều 52(1)(e) của Công ước ICSID, Ủy ban không thể xem xét nội dung phán quyết này, hoặc bày tỏ sự đồng ý hoặc không đồng ý với kết luận đó, hoặc xem xét liệu lý do HĐTT đưa ra thuyết phục hay không. Nghĩa vụ trong Điều 48(3) của Công ước áp dụng cho mọi lập luận có liên quan và đặc biệt đối với các lập luận có thể ảnh hưởng đến kết quả của phán quyết. Tuy nhiên, sẽ là không hợp lý nếu yêu cầu HĐTT trả lời từng và mọi lập luận được đưa ra liên quan đến các vấn đề mà HĐTT phải quyết định. Uỷ ban kết luận rằng, đối với căn cứ này, HĐTT phải xem xét tất cả các vấn đề mà các bên nêu ra nhưng không bắt buộc phải bình luận tất cả các lập luận không liên quan đến phán quyết mà chỉ những vấn đề then chốt, hỗ trợ trực tiếp cho việc kết luận[13]. Theo kết luận của Uỷ ban ad hoc trong vụ việc này, có thể thấy rằng, Uỷ ban ad hoc sẽ không thể đánh giá nội dung của phán quyết trọng tài mà thay vào đó, Uỷ ban chỉ có thể đánh giá rằng căn cứ HĐTT đưa ra liệu có làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến kết quả phán quyết mà lẽ ra các bên sẽ được nhận hay không.
Nhìn chung, ICSID đã xây dựng cơ chế hủy phán quyết trọng tài khá chặt chẽ và khoa học khi đã có một danh sách các căn cứ hủy phán quyết nhằm đảm bảo phán quyết được đưa ra là công bằng và thỏa đáng, bảo vệ quyền lợi hợp pháp của quốc gia thành viên và NĐT của một quốc gia thành viên khác. Các căn cứ được nêu ra đều được Uỷ ban ad hoc thống nhất trong việc áp dụng, đó là mức độ vi phạm các căn cứ đều phải đủ “nghiêm trọng”, ảnh hưởng “một cách đáng kể” kết quả mà các bên nhận được và đã làm sai lệch một cách “rõ ràng” phán quyết mà lẽ ra các bên đã có thể có nếu không xảy ra vi phạm đó. Các tranh chấp về hủy phán quyết rất đa dạng, nhưng nhìn chung, trải qua thực tiễn giải quyết tranh chấp, ICSID đã dần thống nhất được cách giải thích pháp luật và áp dụng pháp luật về hủy phán quyết trọng tài của mình.
2. Hủy phán quyết trọng tài đầu tư quốc tế tại Việt Nam
2.1. Hủy phán quyết trọng tài đầu tư quốc tế theo Hiệp định đầu tư quốc tế
Tính đến thời điểm hiện tại, Việt Nam đã ký kết 88 Hiệp định với các đối tác, bao gồm cả các Hiệp định đầu tư song phương (BIT) và các Hiệp định thương mại tự do (FTA) (có ghi nhận điều khoản đầu tư). Thống kê chỉ ra rằng, hệ thống các Hiệp định đầu tư quốc tế (IIA) của Việt Nam hiện đang đứng thứ ba ở châu Á về số lượng, chỉ sau Trung Quốc và Hàn Quốc[14].
Hiện tại, Việt Nam vẫn chưa gia nhập Công ước ICSID, mặc dù hầu hết các BIT của Việt Nam đều ghi nhận cơ chế giải quyết tranh chấp của ICSID và cơ chế phụ trợ ICSID. Các tranh chấp đầu tư quốc tế của Việt Nam không thể trực tiếp giải quyết tại ICSID mà chỉ có thể được xem xét thông qua cơ chế phụ trợ ICSID. Đối với trọng tài phụ trợ ICSID[15] có thể được áp dụng khi một bên tranh chấp là thành viên của Công ước ICSID thì không đặt ra vấn đề hủy phán quyết trọng tài đầu tư quốc tế trong Quy tắc trọng tài phụ trợ ICSID, mà việc hủy phán quyết của trọng tài ICSID phụ trợ sẽ phụ thuộc vào pháp luật nơi tiến hành giải quyết tranh chấp. Quy tắc trọng tài của UNCITRAL cũng không đặt ra thủ tục hủy phán quyết trọng tài của chính trọng tài ban đầu. Các quy tắc trọng tài UNCITRAL quy định rằng, một phán quyết cuối cùng sẽ ràng buộc các bên tranh chấp, và không trao thẩm quyền rõ ràng cho HĐTT xem xét lại phán quyết của mình. Hiện nay, các Trọng tài được thành lập theo Quy tắc UNCITRAL thiếu thẩm quyền để xem xét lại các phán quyết cuối cùng của mình.
Trong số các FTA, BIT mà Việt Nam là thành viên thì chỉ có Hiệp định Bảo hộ đầu tư EU – Việt Nam (EVIPA) quy định về thủ tục hủy phán quyết trọng tài trong nội bộ. Đây cũng là Hiệp định duy nhất mà Việt Nam tham gia có quy định về cơ chế hủy phán quyết trọng tài, các Hiệp định khác sẽ tuân theo pháp luật hủy phán quyết trọng tài của quốc gia nơi diễn ra tố tụng trọng tài.
EVIPA đã thiết kế ra một cơ chế trọng tài đầu tư quốc tế với hai cấp xét xử: sơ thẩm và phúc thẩm. Đối với phán quyết của trọng tài ở cấp sơ thẩm thì các bên có quyền kháng cáo và một trong số căn cứ kháng cáo mà EVIPA đưa ra là nếu thuộc các trường hợp tại Điều 52 Công ước ICSID về hủy phán quyết trọng tài, trừ hai trường hợp (a) và (b) ở khoản 1 Điều 52[16]. Nghĩa là EVIPA chấp nhận 3 căn cứ là: (i) có sự tham nhũng từ phía thành viên của Trọng tài; (ii) vi phạm nghiêm trọng quy tắc cơ bản của thủ tục giải quyết tranh chấp; hoặc là (iii) phán quyết thất bại trong việc không nêu rõ lý do để đưa ra phán quyết. Hiệp định EVIPA không cho phép vấn đề hủy phán quyết trọng tài ở giai đoạn sơ thẩm bởi vì EVIPA cho phép thủ tục phúc thẩm phán quyết của trọng tài. Ở giai đoạn phúc thẩm, Trọng tài có thẩm quyền có thể hủy bỏ phán quyết sơ bộ trọng tài ở cấp sơ thẩm, nhưng lại cho phép cấp sơ thẩm sửa đổi lại phán quyết sơ bộ trong vòng 90 ngày kể từ ngày nhận phán quyết của cấp phúc thẩm[17]. Sau đó, phán quyết sơ bộ sửa đổi trở thành phán quyết cuối cùng sau 90 ngày kể từ ngày ban hành[18]. Nghĩa là mặc dù có thủ tục hủy phán quyết trọng tài, nhưng ý nghĩa của thủ tục này hoàn toàn khác với thủ tục hủy phán quyết trọng tài trong Công ước ICSID, nó là một thủ tục xem xét lại nội dung của phán quyết sơ bộ. Đối với phán quyết trọng tài ở cấp phúc thẩm thì EVIPA coi đây là phán quyết cuối cùng và không chịu bất kỳ thủ tục nào khác như kháng cáo, xét lại, hủy bỏ, bãi bỏ hoặc chịu bất kỳ biện pháp nào khác và có hiệu lực ràng buộc giữa các bên tranh chấp và các bên phải công nhận phán quyết cuối cùng có hiệu lực và thực thi nghĩa vụ nộp tiền trong phạm vi lãnh thổ và coi đó như là phán quyết cuối cùng của Tòa án quốc gia mình[19]. Trong Hiệp định EVIPA, Việt Nam có bảo lưu một điều khoản về công nhận và thi hành phán quyết của trọng tài đầu tư quốc tế trong EVIPA đó là trong thời hạn 5 năm việc công nhận và thực thi phán quyết cuối cùng đối với tranh chấp mà Việt Nam là bị đơn được thực hiện căn cứ theo Công ước New York năm 1958. Nghĩa là trong thời hạn 5 năm kể từ ngày Hiệp định EVIPA có hiệu lực thì Việt Nam vẫn có quyền yêu cầu từ chối công nhận phán quyết trọng tài đầu tư quốc tế bởi Toà án và pháp luật Việt Nam[20].
Như vậy, ngoài cơ chế hủy phán quyết trọng tài đầu tư quốc tế của Hiệp định EVIPA mà Việt Nam là thành viên thì các phán quyết trọng tài đầu tư quốc tế có liên quan đến Việt Nam chỉ có thể bị hủy theo cơ chế Toà án quốc gia hoặc bị từ chối không công nhận và cho thi hành theo Công ước New York năm 1958 mà Việt Nam là thành viên.
2.2. Thực tiễn hủy phán quyết trọng tài trong lĩnh vực đầu tư quốc tế tại Việt Nam
Theo thống kê của Hội nghị Liên hợp quốc về Thương mại và phát triển (UNCTAD), trong số các nền kinh tế chuyển đổi đang bùng nổ về thu hút đầu tư nước ngoài trong hai thập kỷ trở lại đây, Việt Nam nằm trong nhóm quốc gia ít bị các NĐT nước ngoài kiện với tổng cộng 11 vụ kiện[21], trong đó có một vụ tranh chấp trải qua thủ tục hủy phán quyết trọng tài tại Toà án quốc gia là vụ Recofi v. Việt Nam[22]. Vụ tranh chấp này áp dụng thủ tục trọng tài của UNCITRAL và do thiết chế Tòa trọng tài thường trực (PCA) quản lý. Sau khi có phán quyết của HĐTT, nguyên đơn đã nộp đơn yêu cầu hủy phán quyết trọng tài ở Thụy Sĩ (Geneva là địa điểm trọng tài) theo Điều 190(2)(b) và 190(2)(d) của Đạo luật Tư pháp quốc tế Thụy Sĩ[23]. Toà án tối cao liên bang Thuỵ Sĩ đã tiến hành đánh giá hai căn cứ hủy phán quyết mà Recofi đưa ra, cụ thể là: (a) HĐTT từ chối thẩm quyền xét xử không hợp lệ (Điều 190(2)(b) Đạo luật Tư pháp quốc tế Thụy Sĩ); và (b) vi phạm của HĐTT về nguyên tắc đối xử bình đẳng giữa các bên (Điều 190(2)(d) Đạo luật Tư pháp quốc tế Thụy Sĩ).
Đối với căn cứ HĐTT đã từ chối thẩm quyền giải quyết tranh chấp không hợp lệ, Recofi cho rằng, HĐTT đã sai lầm trong quyết định từ chối thụ lý và lẽ ra HĐTT nên giải thích Điều 1(1) BIT theo nghĩa rộng, phù hợp với án lệ trước đó thay vì áp đặt cách giải thích và mối liên hệ về lãnh thổ trong Lời mở đầu của BIT. Tuy nhiên, Tòa án đã ủng hộ quan điểm của HĐTT trong việc phân tích cá biệt về BIT, lưu ý đến bản chất không ổn định của định nghĩa về “đầu tư” và sự khác biệt giữa các khái niệm pháp lý và kinh tế của thuật ngữ này. Tòa án nhấn mạnh thêm thực tế rằng, BIT đã được diễn giải đồng thuận bởi ba trọng tài viên có kinh nghiệm, mà Tòa án không thể hủy. Tòa án cũng cho rằng, Hội đồng dựa vào Lời mở đầu của BIT là phù hợp với Điều 31(1) Công ước Viên 1969. Hơn nữa, các yêu cầu của Hội đồng về việc chuyển giao bí quyết, vốn và công nghệ là một nỗ lực nhằm xác minh liệu yêu cầu về lãnh thổ có được đáp ứng trong trường hợp hiện tại hay không chứ không nhằm thiết lập một yêu cầu bổ sung cho thuật ngữ “khoản đầu tư”. Cuối cùng, liên quan đến việc áp dụng định nghĩa của Hội đồng về “khoản đầu tư” theo BIT, Tòa án đã quyết định rằng họ không thể xem xét nội dung của phán quyết. Yêu cầu của Recofi theo Điều 190(2)(b) của Đạo luật Tư pháp quốc tế Thụy Sĩ đã bị bác bỏ.
Về căn cứ HĐTT đã vi phạm nguyên tắc tố tụng cơ bản “Due process”, Recofi cho rằng, HĐTT đã vi phạm quyền được trình bày của mình. Toà án nhận định quyền được trình bày, như được đảm bảo theo Điều 182(3) và 190(2)(d) Đạo luật Tư pháp quốc tế Thuỵ Sĩ được hiểu là quyền được đưa ra bằng chứng hoặc biện hộ theo điều kiện nhất định (như các trường hợp đã trích dẫn). Trong trường hợp hiện tại, dường như không có gì đảm bảo từ những lời giải thích của Recofi rằng họ đã bị tước quyền thực hiện quyền này hoặc đã bị đối xử kém thuận lợi hơn so với Việt Nam. Toà án tối cao liên bang Thuỵ Sĩ thấy mơ hồ trong cách lập luận của Recofi rằng họ cáo buộc HĐTT và Việt Nam không cho họ được quyền truy cập vào nội dung của bản ghi nhớ “travaux préparatoires” liên quan đến cuộc đàm phán về BIT giữa Việt Nam và Pháp bởi cả hai chủ thể này đều không thể truy cập được vì đây là vấn đề thuộc về chính sách đối ngoại của quốc gia[24].
Với căn cứ trên, Toà án tối cao liên bang Thuỵ Sĩ đã quyết định hủy yêu cầu của Recofi và giữ nguyên phán quyết của HĐTT, chi phí tố tụng sẽ do Recofi chịu trách nhiệm.
3. Kết luận
Có thể thấy, trong bối cảnh Việt Nam đã và đang chuẩn bị đàm phán gia nhập thêm các IIA, việc phải đối diện với các tranh chấp ISDS là không thể tránh khỏi. Vì vậy, việc gia nhập Công ước ICSID là cần thiết. Bằng việc gia nhập Công ước ICSID, Việt Nam sẽ thống nhất được cơ chế hủy phán quyết theo Trung tâm ICSID, tránh tình trạng phán quyết phải tuân thủ pháp luật của địa điểm trọng tài (như trong vụ Recofi v. Việt Nam là tại Thuỵ Sĩ). Bên cạnh đó, tham gia Công ước ICSID là dấu hiệu của việc tăng cường các cam kết quốc tế của Việt Nam trong việc bảo vệ quyền lợi của NĐT. Tuy nhiên, trong bối cảnh Việt Nam vẫn còn có rất ít kinh nghiệm trong việc giải quyết tranh chấp đầu tư quốc tế và vấn đề thực thi phán quyết và hủy phán quyết trọng tài của Trọng tài ICSID sẽ được thực hiện theo cơ chế nội bộ mà không được thông qua Toà án, Việt Nam cần tích cực hơn nữa trong việc nghiên cứu trước thủ tục, quy trình tố tụng cũng như các án lệ của ICSID để tiến hành đàm phán gia nhập Công ước và có thể thực hiện được các bước đi cần thiết nhằm bảo vệ quyền lợi chính đáng của mình nếu phải đối mặt với một vụ kiện ICSID trong tương lai■

 


[1] Điều V 1(e) Công ước New York năm 1958 về công nhận và cho thi hành phán quyết trọng tài nước ngoài cho phép Tòa án có thẩm quyền của quốc gia thành viên có thể từ chối công nhận và cho thi hành phán quyết đã bị hủy bỏ bởi Tòa án nơi diễn ra tố tụng trọng tài.
[2] Tính đến tháng 2/2023, 165 quốc gia đã ký Công ước ICSID và 158 quốc gia đã phê chuẩn Công ước, xem:ICSID (2022), Database of ICSID Member States, https://icsid.worldbank.org/about/member-states/database-of-member-states, truy cập ngày 25/4/2023.
[3] Shubin, Vasily, “The Enforcement of ICSID Arbitral Awards, Practice and Problems”, Korea University Law Review, 2012, Vol 11, p. 13.
[4] Ý tưởng xây dựng nên các căn cứ huỷ phán quyết trọng tài ICSID bắt nguồn từ dự thảo Công ước của Ủy ban Luật pháp quốc tế của Liên hợp quốc (ILC) năm 1953 nhằm nhất thể hóa pháp luật về trọng tài. ILC công nhận rằng, tính hữu hạn của một phán quyết là một tính năng thiết yếu trong thực thi phán quyết trọng tài, nhưng cũng nhận thấy rằng, cần có các biện pháp khắc phục đặc biệt để duy trì tính chất tư pháp của phán quyết cũng như ý chí của các bên như là một nguồn thẩm quyền của Tòa án. Vì vậy, ILC đã tìm cách hóa giải tính hữu hạn của phán quyết trọng tài bằng việc cho phép phán quyết trọng tài có thể bị huỷ trong một giới hạn cố định và khắt khe thay vì cho phép thủ tục kháng cáo.
[5] Lise Johnson (2010), Annulment of ICSID Awards: Recent developments, Annual Forum for Developing Country Investment Negotiators, tr. 2.
[7] Eiser Infrastructure Limited and Energía Solar Luxembourg S.à r.l. v. Kingdom of Spain, ICSID Case No. ARB/13/36, http://icsidfiles.worldbank.org/icsid/ICSIDBLOBS/OnlineAwards/C3286/DS14433_En.pdf.
[8] AES Summit Generation Limited and AES-Tisza Eromu Kft v. Republic of Hungary, ICSID Case No ARB/07/22, http://icsidfiles.worldbank.org/icsid/icsidblobs/onlineawards/C114/DC3372_en.pdf.
[9] Uỷ ban ad hoc diễn giải khái niệm “nghiêm trọng” bằng việc viện dẫn cách diễn giải trước đó: “Việc giải thích sai hoặc áp dụng sai luật phù hợp nghĩa là, trong các trường hợp cụ thể, quá thô thiển hoặc nghiêm trọng đến mức không thể áp dụng luật phù hợp. Việc giải thích hoặc áp dụng sai luật nghiêm trọng và mang tính hệ quả như vậy mà không một người có lý trí nào (“bon père de famille”) có thể chấp nhận được cần phải được phân biệt với một lỗi đơn giản – hoặc thậm chí là một lỗi nghiêm trọng – trong việc giải thích luật ở nhiều quốc gia”, Xem thêm: AES Summit Generation Limited and AES-Tisza Eromu Kft v. Republic of Hungary, ICSID Case No ARB/07/22, đoạn 33.
[10] AES Summit Generation Limited and AES-Tisza Eromu Kft v. Republic of Hungary, ICSID Case No ARB/07/22, đoạn 34 – 35.
[11] Wena Hotels LTD. v. Arab Republic Of Egypt, ICSID Case No. ARB/98/4, https://www.italaw.com/sites/default/files/case-documents/ita0901.pdf.
[12] M.C.I. Power Group L.C. , New Turbine, Incv. Republic of Ecuador, ICSID Case No. ARB/03/6. https://www.italaw.com/sites/default/files/case-documents/ita0502.pdf.
[13] M.C.I. Power Group L.C. , New Turbine, Incv. Republic of Ecuador, ICSID Case No. ARB/03/6, đoạn 67.
[15] Cơ chế phụ trợ ICSID ra đời vào năm 1978, không nằm trong phạm vi điều chỉnh của Công ước Washington năm 1965 và việc giải quyết tranh chấp cũng không áp dụng theo các quy chế trọng tài và các quy chế khác của Trung tâm ICSID. Cơ chế phụ trợ xây dựng một quy chế trọng tài riêng nhằm giải quyết những tranh chấp không thỏa mãn các điều kiện về nội dung tranh chấp và về chủ thể để được giải quyết bằng cơ chế trọng tài ICSID, https://icsid.worldbank.org/en/Pages/icsiddocs/ICSID-Arbitration-(Additional-Facility)-Rules.aspx.
[16] Điểm c khoản 1 Điều 3.54 Hiệp định EVIPA.
[17] Khoản 4 Điều 3.55 Hiệp định EVIPA.
[18] Khoản 4 Điều 3.55 Hiệp định EVIPA.
[19] Khoản 1, 2 Điều 3.57 Hiệp định EVIPA.
[20] Khoản 3, 4 Điều 3.57 Hiệp định EVIPA.
[23] Điều 190(2) của Đạo luật Tư pháp quốc tế của Thụy Sĩ quy định: “Phán quyết chỉ có thể bị hủy bỏ: (a) nếu một trọng tài viên không được chỉ định hợp lệ hoặc nếu HĐTT không được thành lập đúng cách; (b) nếu HĐTT chấp nhận hoặc từ chối thẩm quyền một cách sai lầm; (c) nếu quyết định của HĐTT vượt quá các yêu cầu được đệ trình hoặc không giải quyết được vấn đề đưa ra; (d) nếu nguyên tắc đối xử bình đẳng giữa các bên hoặc quyền được trình bày của các bên bị vi phạm; (e) nếu phán quyết không phù hợp với chính sách công”.
[24] Recofi SA v. The Socialist Republic of Vietnam, đoạn 4.3.2, https://www.italaw.com/sites/default/files/case-documents/italaw10121.pdf