Hoàn thiện pháp luật về phản biện xã hội của Công đoàn Việt Nam trong bối cảnh sửa đổi Luật Công đoàn

08/11/2024

Tóm tắt: Dự thảo Luật Công đoàn (sửa đổi) dự kiến được Quốc hội khóa XV thông qua tại Kỳ họp thứ 8, sau khi đã trải qua quá trình tiếp thu và chỉnh lý từ kỳ họp trước. Điều 17 Dự thảo Luật nhấn mạnh, Công đoàn có quyền chủ động tiến hành phản biện đối với các chính sách và văn bản có liên quan trực tiếp đến quyền lợi của người lao động. Tuy nhiên, quy định này đang nhận được một số băn khoăn, cân nhắc từ đại biểu Quốc hội. Trong bài viết này, tác giả phân tích những hạn chế trong các quy định của pháp luật hiện hành ảnh hưởng đến hiệu quả và tính chủ động, linh hoạt trong hoạt động phản biện của Công đoàn, ảnh hưởng đến vai trò đại diện, bảo vệ quyền lợi người lao động của tổ chức này. Qua đó, bài viết góp thêm những phân tích, lập luận cho thấy, Điều 17 Dự thảo Luật không chỉ là sự bổ sung về mặt nội dung pháp lý mà còn là một bước tiến nhằm củng cố vai trò chủ động và trách nhiệm của Công đoàn Việt Nam trong việc đại diện, bảo vệ quyền lợi của người lao động.
Từ khóa: Công đoàn Việt Nam; bảo vệ quyền lợi của người lao động; phản biện xã hội.
Abstract:The Bill of Law on Trade Unions (amended) is projected to be passed by the National Assembly at its 8th Meeting, after undergoing revisions based on feedback from the previous meetings. Article 17 of the Bill of Rights emphasizes that trade unions possess the right to proactively engage in social criticism regarding policies and documents directly related to the employees' rights. However, this provision has raised some concerns and considerations among National Assembly deputies. Within this article, the author focuses on analyzing the shortcomings in the current legal framework that hinder the effectiveness, proactivity, and flexibility of trade unions in their social criticism activities, affecting their role in representing and protecting the employees' rights. Consequently, the article provides further additional arguments demonstrating that Article 17 in the Bill of Law on Trade Union Law is not only a legal supplement but a strategic step to strengthen the proactive role and responsibility of the Vietnam Trade Union in representing and protecting the employees' rights.
Keywords: Vietnam Trade Union; protecting the employees’ rights; social criticism.
8_25.jpg
Ảnh minh họa: Nguồn internet
1. Quy định pháp luật về phản biện xã hội của Công đoàn Việt Nam
Phản biện xã hội của Công đoàn Việt Nam là hoạt động thông qua đó Công đoàn với vai trò là tổ chức chính trị - xã hội đại diện cho quyền và lợi ích hợp pháp của người lao động, đóng góp ý kiến, đánh giá, nhận xét về các chính sách, chương trình, dự thảo văn bản pháp luật liên quan trực tiếp đến quyền lợi của người lao động và các vấn đề xã hội khác. Mục đích của hoạt động này là bảo đảm tính hợp lý, hiệu quả và công bằng của các chính sách, đồng thời góp phần xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật nhằm bảo vệ quyền lợi của người lao động, nâng cao tính dân chủ, minh bạch và trách nhiệm xã hội.Hoạt động này được xem như một kênh kết nối giữa người lao động và cơ quan nhà nước, giúp phản ánh tiếng nói và nguyện vọng của người lao động trong các quyết định chính sách. Để bảo đảm tính hiệu quả và minh bạch của phản biện xã hội, các quy định pháp luật đang dần được quan tâm, hoàn thiện, từ Hiến pháp, Luật Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đến các đạo luật chuyên ngành.
- Hiến pháp năm 2013
Hiến pháp năm 2013 đóng vai trò là nền tảng pháp lý cao nhất, quy định một số quyền và trách nhiệm liên quan đến phản biện xã hội của Công đoàn, không chỉ làm cơ sở bảo vệ quyền lợi người lao động mà còn thể hiện cam kết của Nhà nước Việt Nam trong việc tạo ra một môi trường dân chủ, minh bạch và có trách nhiệm xã hội. Điều 9 Hiến pháp năm 2013 xác định: “Mặt trận Tổ quốc Việt Nam có quyền, trách nhiệm giám sát, phản biện xã hội”. Như vậy, với vai trò là thành viên của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Công đoàn được trao quyền tham gia phản biện xã hội để tạo nên một hệ thống bảo vệ quyền lợi người lao động không chỉ mang tính pháp lý mà còn có tính thực tiễn cao. Sự tham gia của Công đoàn vào phản biện xã hội không chỉ là sự đại diện cho tiếng nói của người lao động mà còn là yếu tố quan trọng để bảo đảm mọi quyết định chính sách đều vì lợi ích chung, phản ánh đúng ý chí và nguyện vọng của người lao động.
Điều 10 của Hiến pháp năm 2013 nhấn mạnh: "Công đoàn là tổ chức chính trị - xã hội của giai cấp công nhân và người lao động, cùng với các cơ quan nhà nước, tổ chức kinh tế và tổ chức xã hội chăm lo và bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của người lao động; tham gia kiểm tra, giám sát hoạt động của cơ quan nhà nước, tổ chức kinh tế, đơn vị vũ trang nhân dân; giáo dục người lao động xây dựng và bảo vệ Tổ quốc". Theo đó, vai trò kép của Công đoàn được khẳng định: vừa đại diện, vừa giám sát, đánh giá tính đúng đắn và phù hợp của các chính sách, pháp luật liên quan trực tiếp đến quyền lợi của người lao động. Đây là một bước tiến quan trọng trong việc trao quyền cho Công đoàn không chỉ bảo vệ quyền lợi người lao động mà còn thúc đẩy sự minh bạch, trách nhiệm của các cơ quan nhà nước và tổ chức xã hội trong việc thực thi các chính sách, làm rõ Công đoàn phải thực hiện nhiệm vụ của mình một cách chủ động, không thụ động trong việc bảo vệ quyền lợi người lao động. Đồng thời, quy định tại khoản 1 Điều 28 Hiến pháp năm 2013: “Công dân có quyền tham gia quản lý nhà nước và xã hội, tham gia thảo luận và kiến nghị với cơ quan nhà nước về các vấn đề của cơ sở, địa phương và cả nước” đã góp phần mở rộng quyền tham gia quản lý nhà nước và xã hội của công dân, theo đó, công dân có quyền thông qua các tổ chức đại diện như Công đoàn để thực hiện giám sát và phản biện xã hội. Quy định này một lần nữa góp phần củng cố vai trò của Công đoàn trong việc phản ánh tiếng nói của công dân cũng là những người lao động trong quá trình hoạch định chính sách.
- Luật Mặt trận Tổ quốc Việt Nam năm 2015
Trên nền tảng Hiến pháp năm 2013, Luật Mặt trận Tổ quốc Việt Nam năm 2015 đã cụ thể hóa vai trò giám sát và phản biện xã hội của các tổ chức thành viên. Điều 1 Luật Mặt trận Tổ quốc Việt Nam 2015 quy định: “… Mặt trận Tổ quốc Việt Nam là cơ sở chính trị của chính quyền nhân dân; đại diện, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của Nhân dân; tập hợp, phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, thực hiện dân chủ, tăng cường đồng thuận xã hội; giám sát, phản biện xã hội; tham gia xây dựng Đảng, Nhà nước, hoạt động đối ngoại nhân dân góp phần xây dựng và bảo vệ Tổ quốc”. Theo đó, Công đoàn - với tư cách là tổ chức thành viên của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam - có quyền tham gia các hoạt động của Mặt trận, bao gồm cả hoạt động phản biện xã hội. Cũng với tư cách là tổ chức thành viên của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, tính chất, mục đích, nguyên tắc, phạm vi, đối tượng phản biện xã hội của Công đoàn được xác định theo các quy định áp dụng cho Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tại Điều 32 và Điều 33 Luật Mặt trận Tổ quốc Việt Nam. Những quy định này ghi nhận các tổ chức thành viên của Mặt trận, bao gồm Công đoàn, có thể tham gia vào hoạt động phản biện xã hội thông qua việc nhận xét, đánh giá các dự thảo văn bản của cơ quan nhà nước. Mục đích của phản biện xã hội là bảo đảm tính khách quan, khoa học và tính phù hợp với thực tiễn đời sống, bảo vệ quyền lợi hợp pháp của người dân, trong đó Công đoàn đóng vai trò đặc biệt quan trọng trong việc bảo vệ quyền lợi của người lao động. Với tính chất của phản biện xã hội là dân chủ, công khai, minh bạch và tôn trọng các ý kiến khác nhau, Công đoàn có quyền đại diện để nói lên tiếng nói của đoàn viên, của người lao động, góp phần bảo vệ lợi ích hợp pháp của đoàn viên và người lao động, phù hợp với mục tiêu của phản biện xã hội. Như vậy, có thể hiểu, đây là những quy định điều chỉnh gián tiếp đối với phản biện xã hội của Công đoàn thông qua tư cách thành viên của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và trong trường hợp Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam chủ trì hoạt động phản biện xã hội, các tổ chức thành viên của Mặt trận phối hợp với Mặt trận để thực hiện phản biện.
Phản biện độc lập của tổ chức Công đoàn được đề cập tai khoản 3 Điều 33 Luật Mặt trận Tổ quốc Việt Nam năm 2015. Theo đó: “Các tổ chức thành viên khác phối hợp với Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thực hiện phản biện xã hội đối với đối tượng, nội dung quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều này có liên quan trực tiếp đến quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của đoàn viên, hội viên, quyền và trách nhiệm của tổ chức mình”. Như vậy, Công đoàn có thể thực hiện hoạt động phản biện xã hội một cách độc lập tương đối trên cơ sở đề nghị của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, khi các dự thảo văn bản là đối tượng của phản biện xã hội có liên quan trực tiếp đến quyền và lợi ích của người lao động. Quy định này củng cố tính pháp lý và tính chính danh cho các hoạt động phản biện xã hội của tổ chức Công đoàn khi đối tượng phản biện là các dự thảo văn bản có liên quan trực tiếp đến quyền và lợi ích của người lao động.
- Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2020)
Điều 6 Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2020) quy định: “Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, các tổ chức thành viên khác của Mặt trận và các cơ quan, tổ chức khác, cá nhân có quyền và được tạo điều kiện góp ý kiến về đề nghị xây dựng văn bản quy phạm pháp luật và dự thảo văn bản quy phạm pháp luật”. Trên cơ sở pháp lý này, một lần nữa quyền phản biện xã hội của tổ chức Công đoàn được xác định rõ thông qua vai trò của Công đoàn là tổ chức thành viên của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam. Với tư cách này, Công đoàn có quyền tham gia phản biện xã hội, thể hiện và được tạo điều kiện qua việc đóng góp ý kiến về các đề nghị xây dựng và dự thảo văn bản quy phạm pháp luật. Thông qua phản biện xã hội, Công đoàn đại diện tiếng nói của người lao động, đóng góp ý kiến vào việc hoàn thiện và bảo đảm tính công bằng và minh bạch của hệ thống pháp luật. Có thể thấy, quy định này tương thích với Điều 32 và 33 của Luật Mặt trận Tổ quốc Việt Nam ở khía cạnh trao quyền phản biện xã hội cho tổ chức Công đoàn với tư cách là thành viên của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam. Điều này không chỉ nâng cao vai trò của Công đoàn mà còn góp phần bảo đảm hệ thống pháp luật được xây dựng trên nền tảng tham vấn và phản biện xã hội đầy đủ, hợp lý.
- Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014 và Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở năm 2022
Một số luật chuyên ngành như Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014 và Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở năm 2022 cũng góp phần củng cố cơ sở pháp lý cho phản biện xã hội của Công đoàn. Cụ thể, khoản 3 Điều 14 Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014 quy định: “Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ của mình có trách nhiệm…phản biện xã hội, tham gia với cơ quan nhà nước trong việc xây dựng chính sách, pháp luật về bảo hiểm xã hội; giám sát việc thực hiện chính sách về bảo hiểm xã hội theo quy định của pháp luật”. Theo đó, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên, bao gồm Công đoàn, có trách nhiệm thực hiện phản biện xã hội, tham gia xây dựng chính sách và pháp luật về bảo hiểm xã hội.
Khoản 4 Điều 88 Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở năm 2022 quy định,Công đoàn các cấp có trách nhiệm: “Thực hiện giám sát, phản biện xã hội đối với việc thực hiện các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước có liên quan trực tiếp đến quyền và lợi ích hợp pháp, việc thực hiện dân chủ ở cơ sở của đoàn viên Công đoàn”. Theo quy định này, Công đoàn các cấp có trách nhiệm giám sát và phản biện xã hội đối với việc thực hiện các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nướcliên quan trực tiếp đến quyền và lợi ích hợp pháp của đoàn viên công đoàn cũng như việc thực hiện dân chủ ở cơ sở. Bằng hoạt động giám sát, phản biện xã hội của công đoàn, các chủ trương, đường lối, chính sách, pháp luật được bảo đảm thực hiện phù hợp với quyền lợi của người lao động, đồng thời bảo vệ tính dân chủ và minh bạch tại cơ sở.
2. Những hạn chế trong quy định pháp luật về phản biện xã hội của Công đoàn Việt Nam
Hành lang pháp lý hiện nay cho phản biện xã hội của Công đoàn còn  nhiều hạn chế, tạo ra các khoảng trống pháp lý gây khó khăn cho việc thực hiện phản biện xã hội, ảnh hưởng đến khả năng tham gia đóng góp xây dựng chính sách, pháp luật và làm suy giảm hiệu quả thực hiện chức năng đại diện và bảo vệ quyền lợi người lao động của tổ chức Công đoàn.
Thứ nhấtcác quy định của pháp luật liên quan đến phản biện xã hội (trong đó có phản biện xã hội của Công đoàn) còn nằm rải rác trong nhiều văn bản với mức độ ghi nhận khác nhau, từ Hiến pháp, các đạo luật về tổ chức bộ máy, các đạo luật chuyên ngành cho đến các văn bản hướng dẫn thi hành[1]. Đa phần các văn bản chỉ quy định một cách gián tiếp một số nội dung liên quan đến phản biện xã hội của Công đoàn, dẫn đến các quy định còn chung chung, không cụ thể. Điều này gây khó khăn cho Công đoàn khi thực hiện phản biện xã hội như: khó khăn trong tra cứu và nắm bắt thông tin do phải tổng hợp từ nhiều nguồn, dễ dẫn đến mất thời gian và hiểu lầm; tình trạng chồng chéo và mâu thuẫn giữa các văn bản gây khó khăn trong xác định giá trị pháp lý, làm giảm tính minh bạch; thiếu nhất quán khiến tổ chức Công đoàn lúng túng trong việc xác định quyền hạn và trách nhiệm của mình trong phản biện xã hội.
Thứ hai, pháp luật hiện hành thiếu sự rõ ràng về quyền chủ động của Công đoàn trong việc thực hiện phản biện xã hội. Mặc dù khoản 3 Điều 33 Luật Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã mở ra quyền chủ trì phản biện xã hội cho các tổ chức chính trị - xã hội, bao gồm Công đoàn đối với các vấn đề liên quan trực tiếp đến quyền và lợi ích của đoàn viên, nhưng chỉ trong trường hợp Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đề nghị hoặc pháp luật quy định. Điều đó dẫn đến hệ quả là Công đoàn phụ thuộc nhiều vào việc phối hợp với Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, có thể làm giảm đi tính chủ động trong hoạt động phản biện xã hội của Công đoàn. Sự phụ thuộc này đặc biệt bất lợi khi cần Công đoàn đưa ra phản biện nhanh chóng đối với các chính sách mới hoặc khi xử lý các vấn đề lao động khẩn cấp như tranh chấp hoặc điều chỉnh quy định lao động; có thể dẫn đến chậm trễ, làm mất cơ hội lên tiếng đúng lúc và thiếu hiệu quả. Thực tiễn những năm qua, Công đoàn đã tham gia nhiều cuộc đối thoại trực tiếp với các cơ quan nhà nước, nhưng tính độc lập trong phản biện xã hội của Công đoàn vẫn chưa được ghi nhận rõ ràng trong quy định pháp luật[2].
Thứ ba, pháp luật hiện hành thiếu cơ chế cụ thể để bảo vệ ý kiến phản biện của Công đoàn. Mặc dù quy định quyền yêu cầu phản hồi từ cơ quan nhà nước đã được đề cập trong Điều 35 Luật Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, nhưng không có các quy định rõ ràng và chặt chẽ để bảo đảm ý kiến phản biện của Công đoàn được xem xét và phản hồi hợp lý. Hiệu quả của hoạt động phản biện xã hội phụ thuộc rất nhiều vào khâu tiếp nhận xử lý các ý kiến phản biện của các chủ thể có thẩm quyền và phản biện dù có hay, mạnh mẽ và thuyết phục đến đâu nếu không tiếp nhận và xử lý thì cũng không giải quyết được vấn đề[3]. Việc thiếu cơ chế cụ thể để bảo vệ ý kiến phản biện của Công đoàn sẽ làm giảm khả năng tác động của Công đoàn trong việc thúc đẩy những thay đổi tích cực trong chính sách, pháp luật, đặc biệt là những chính sách, pháp luật liên quan trực tiếp đến quyền lợi của người lao động.
Thứ tư, các quy định về nguồn lực hỗ trợ cho hoạt động phản biện xã hội còn thiếu cụ thể và chi tiết. Các văn bản hiện hành tập trung quy định nguồn lực cho Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, nhưng lại không nêu rõ cơ chế tài chính, nhân sự hay kỹ thuật dành cho các tổ chức thành viên như Công đoàn. Đó cũng là nguyên nhân dẫn đến một số Liên đoàn Lao động tỉnh không được chính quyền hỗ trợ kinh phí cho hoạt động phản biện xã hội[4]. Việc thiếu nguồn lực chuyên môn và kỹ thuật ảnh hưởng lớn đến khả năng tổ chức các hoạt động phản biện chuyên sâu, hội thảo hoặc nghiên cứu về các dự thảo chính sách, văn bản pháp luật khiến các ý kiến phản biện của Công đoàn thiếu tính thực tiễn và khoa học. Điều đó không chỉ làm giảm chất lượng phản biện xã hội mà còn ảnh hưởng đến uy tín của Công đoàn.
Thứ năm, mặc dù quyền phản biện xã hội của Công đoàn đã được xác lập, nhưng các quy định pháp lý hiện hành chưa đủ rõ ràng để cho phép Công đoàn phản biện đối với chính sách, pháp luật có ảnh hưởng gián tiếp đến người lao động và xã hội; làm giảm tính linh hoạt và giới hạn khả năng tham gia của Công đoàn trong các vấn đề xã hội; giảm hiệu quả hoạt động bảo vệ quyền lợi người lao động của tổ chức Công đoàn.
Thứ sáu, Quy chế giám sát và phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hộiban hành theo Quyết định số 217-QĐ/TW ngày 12/12/2013 của Bộ Chính trị đã quy định trách nhiệm và quyền hạn của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên trong đó có Công đoàn trong việc phối hợp thực hiện giám sát và phản biện xã hội. Tuy nhiên, văn bản này chưa thực sự chi tiết và cụ thể hóa đầy đủ trách nhiệm của từng tổ chức. Trong khi đó, việc phân chia trách nhiệm cụ thể giữa các tổ chức thành viên của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam không được quy định rõ ràng trong Luật Mặt trận Tổ quốc Việt Nam hiện hành, dẫn đến tình trạng chồng chéo và khó khăn trong việc phối hợp hành động. Hạn chế này làm giảm sức mạnh và tiếng nói của Công đoàn trong việc bảo vệ quyền lợi người lao động thông qua phản biện xã hội.
3. Một số kiến nghị hoàn thiện
Thứ nhất, cần rà soát và tổng hợp các quy định liên quan đến phản biện xã hội thành một văn bản pháp luật riêng biệt hoặc hợp nhất các quy định rải rác vào một số văn bản chính thống, nhằm bảo đảm tính đồng bộ, nhất quán và dễ tra cứu, đồng thời giúp tạo khung pháp lý thống nhất và rõ ràng, thuận lợi cho việc áp dụng và thực thi.
Thứ hai, sửa đổi và bổ sung các quy định trong Luật Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và Luật Công đoàn để làm rõ hơn quyền chủ động của Công đoàn trong hoạt động phản biện xã hội. Điều này đặc biệt quan trọng trong bối cảnh hiện nay, khi các thách thức và nhu cầu của người lao động ngày càng đa dạng và phức tạp. Cụ thể:
- Với Luật Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, cần xác định rõ phạm vi và thẩm quyền của Công đoàn trong việc chủ trì các hoạt động phản biện xã hội, nhất là đối với những vấn đề trực tiếp liên quan đến quyền lợi của người lao động để bảo đảm Công đoàn có thể tự khởi xướng các hoạt động phản biện mà không phụ thuộc hoàn toàn vào sự điều phối từ Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.
- Với Luật Công đoàn, cần bổ sung các quy định chi tiết về phản biện xã hội theo hướng Công đoàn cần được trao quyền khởi xướng và chủ trì các hoạt động phản biện đối với các chính sách, pháp luật liên quan đến quyền lợi của người lao động mà không bị ràng buộc hoàn toàn vào Mặt trận Tổ quốc Việt Nam. Điều này sẽ giúp Công đoàn linh hoạt hơn trong việc phản ứng nhanh chóng và kịp thời trước những thay đổi chính sách. Việc bổ sung quy định về phản biện xã hội của Công đoàn vào Luật Công đoàn cũng là một yêu cầu cấp thiết nhằm thể chế hóa quy chế giám sát và phản biện xã hội, theo Nghị quyết 02-NQ/TW và Quyết định 217-QĐ/TW. Đây là bước quan trọng để đồng bộ và cụ thể hóa các nhiệm vụ và quyền hạn của Công đoàn trong lĩnh vực này, từ đó bảo đảm tính pháp lý và thống nhất trong hệ thống pháp luật. Nghị quyết 02-NQ/TW đã nhấn mạnh mục tiêu đổi mới tổ chức và hoạt động của Công đoàn Việt Nam, trong đó đặc biệt quan tâm đến việc nâng cao vai trò giám sát và phản biện xã hội, giúp Công đoàn bảo vệ quyền lợi hợp pháp của người lao động trong bối cảnh kinh tế thị trường và hội nhập quốc tế. Quyết định số 217-QĐ/TW cũng đồng thời xác định, Công đoàn Việt Nam là một trong những chủ thể chính trong việc thực hiện quyền giám sát và phản biện xã hội, có trách nhiệm tham gia phản biện đối với các dự thảo văn bản pháp luật, quy hoạch và kế hoạch của cơ quan nhà nước liên quan đến quyền lợi của người lao động.
Ngoài ra, bổ sung quy định về phản biện xã hội vào Luật Công đoàn là một yêu cầu tất yếu trong bối cảnh Việt Nam hội nhập quốc tế sâu rộng và tham gia các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới. Điều này giúp Công đoàn Việt Nam nâng cao vai trò đại diện của mình trong quá trình tham gia hoạch định chính sách, đồng thời bảo đảm tính minh bạch và công khai trong việc bảo vệ quyền lợi của người lao động, đáp ứng các tiêu chuẩn quốc tế. Việc bổ sung này còn góp phần tăng tính độc lập của Công đoàn trong mối quan hệ với Nhà nước và người sử dụng lao động. Dự thảo Luật Công đoàn (sửa đổi) được thảo luận tại kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa XV đã cơ bản đáp ứng được những yêu cầu này[5]. Quy định tại Điều 17 Dự thảo Luật về phản biện xã hội không chỉ thể hiện tính chủ động của Công đoàn trong phản biện xã hội mà còn phản ánh quá trình điều chỉnh nội dung Dự thảo Luật dựa trên ý kiến của đại biểu Quốc hội nhằm bảo đảm tính đồng bộ với Luật Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, tạo khung khổ pháp lý để Công đoàn phát huy tốt hơn vai trò giám sát, phản biện, đồng thời tránh sự chồng chéo và mâu thuẫn trong việc thực hiện các nhiệm vụ này với Mặt trận Tổ quốc Việt Nam. Điều 17 Dự thảo Luật vừa khẳng định quyền và trách nhiệm của Công đoàn trong việc tham gia góp ý và phản biện đối với các chính sách, pháp luật liên quan trực tiếp đến quyền lợi người lao động, vừa nhấn mạnh trách nhiệm của các cơ quan nhà nước phải nghiên cứu tiếp thu, giải trình một cách nghiêm túc. Quy định này cũng đặt ra trách nhiệm cho Công đoàn trong việc đề xuất nội dung phản biện, tuân thủ các quy định liên quan, qua đó tránh sự chồng chéo và mâu thuẫn với vai trò của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, góp phần xây dựng một hệ thống pháp luật đồng bộ và hiệu quả hơn.
Thứ ba, cần thiết lập các cơ chế cụ thể để bảo vệ và phản hồi ý kiến phản biện của các chủ thể, trong đó có cả các tổ chức chính trị - xã hội như tổ chức Công đoàn. Cơ chế này không chỉ tăng thêm niềm tin cho tổ chức Công đoàn mà còn nâng cao nhận thức của nhà cầm quyền về trách nhiệm của mình khi tiếp nhận ý kiến phản biện, đồng thời tăng sức mạnh, tầm ảnh hưởng của phản biện xã hội trong thực tế đời sống. Theo đó, ngoài việc ghi nhận trách nhiệm của các cơ quan nhà nước phải nghiên cứu tiếp thu, giải trình như tại Điều 17 Dự thảo Luật, cần bổ sung quy định rõ ràng về trách nhiệm của các cơ quan nhà nước trong việc lắng nghe và phản hồi ý kiến từ các chủ thể thực hiện phản biện, các biện pháp xử lý nếu các ý kiến phản biện này bị bác bỏ mà không có lý do hợp lý trong Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Điều này không chỉ bảo đảm sự minh bạch và công bằng mà còn nâng cao vai trò và tiếng nói của các chủ thể thực hiện phản biện, trong đó có vai trò và tiếng nói của Công đoàn trong quá trình xây dựng chính sách. Bên cạnh đó, Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật cũng cần cụ thể hóa các quy trình và thủ tục phản biện xã hội để bảo đảm các chủ thể thực hiện phản biện, trong đó có Công đoàn có thể tham gia từ giai đoạn đầu của quá trình xây dựng chính sách. Khi được tham gia từ sớm, Công đoàn sẽ có khả năng tác động tích cực đến các quyết định chính sách, bảo đảm các quyền lợi của người lao động được bảo vệ toàn diện.
Thứ tư, để bảo đảm hoạt động phản biện được tiến hành chuyên nghiệp và chất lượng, cần bổ sung các quy định về nguồn lực hỗ trợ, bao gồm kinh phí, nhân lực chuyên môn và công cụ, kỹ thuật cần thiết. Điều này sẽ giúp Công đoàn tổ chức hội thảo, nghiên cứu chuyên sâu và phân tích toàn diện các dự thảo pháp luật một cách hiệu quả. Khi được cung cấp đầy đủ nguồn lực, Công đoàn sẽ phát huy tốt hơn vai trò đại diện, đưa ra ý kiến phản biện dựa trên nền tảng khoa học và thực tiễn. Các quy định này cần được tích hợp vào cả Luật Công đoàn và Luật Mặt trận Tổ quốc Việt Nam để tạo cơ sở pháp lý rõ ràng và nhất quán cho hoạt động phản biện xã hội của các tổ chức. Với Luật Công đoàn, cần quy định trách nhiệm của Nhà nước trong việc cung cấp kinh phí, đào tạo nhân lực và trang thiết bị để Công đoàn có thể yêu cầu và tiếp nhận hỗ trợ từ Nhà nước, nâng cao năng lực phản biện. Với Luật Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, cần bổ sung quy định hỗ trợ nguồn lực cho các tổ chức thành viên Mặt trận Tổ quốc Việt Nam nhằm tăng cường năng lực tổ chức hội thảo, nghiên cứu và phân tích các dự thảo văn bản quy phạm pháp luật. Mặt trận Tổ quốc Việt Nam với vai trò chủ trì và điều phối, có trách nhiệm phân bổ ngân sách và tổ chức các chương trình đào tạo chuyên môn cho các tổ chức thành viên. Những quy định này không chỉ củng cố năng lực phản biện của Công đoàn mà còn thể hiện cam kết của Nhà nước trong việc tạo điều kiện cho các tổ chức chính trị - xã hội thực hiện vai trò phản biện hiệu quả.
Thứ năm, mở rộng phạm vi phản biện xã hội của Công đoàn trong Luật Công đoàn, không chỉ đối với các văn bản và chính sách liên quan trực tiếp đến quyền lợi của người lao động mà còn đối với các chính sách có tác động gián tiếp đến đời sống và phúc lợi của người lao động. Điều đó sẽ giúp Công đoàn linh hoạt hơn trong việc đóng góp ý kiến xây dựng các chính sách có tác động rộng lớn đến người lao động./.

[1] Lê Thị Thiều Hoa (2021), Một góc nhìn về thực tiễn phản biện xã hội tại Việt Nam hiện nay, Tạp chí Nghiên cứu lập pháp, https://lapphap.vn/Pages/tintuc/tinchitiet.aspx?tintucid=210757, truy cập ngày 18/10/2024.
[2] Theo Báo cáo Tổng kết 10 năm thực hiện Quyết định số 217-QĐ/TW ngày 12/12/2013 của Bộ Chính trị (khóa XI) về giám sát, phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể chính trị - xã hội của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, hoạt động phản biện xã hội của Công đoàn Việt Nam đã đạt được nhiều kết quả quan trọng, góp phần bảo vệ quyền lợi người lao động và xây dựng chính sách pháp luật. Từ năm 2013 đến 2018, Công đoàn đã tổ chức 22.934 hội nghị, gửi 24.870 dự thảo văn bản và thực hiện 30.775 cuộc đối thoại trực tiếp, tập trung vào các dự án luật lớn như Bộ luật Lao động, Luật Giáo dục nghề nghiệp, Luật Bảo vệ môi trường và Luật Đất đai. Năm 2020, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam chủ trì phản biện Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài và các văn bản hướng dẫn thực hiện Bộ luật Lao động. Dù bị ảnh hưởng bởi Covid-19, năm 2021, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam vẫn tích cực phản biện các dự thảo về chính sách lao động và bảo hiểm xã hội.
[3] Ngô Sách Thực, Thực trạng, những vấn đề đặt ra hiện nay trong hoạt động phản biện xã hội của Mặt trân Tổ quốc Việt Namhttp://tapchimattran.vn/nghien-cuu/thuc-trang-nhung-van-de-dat-ra-hien-nay-trong-hoat-dong-phan-bien-xa-hoi-cua-mttq-viet-nam-22241.html, truy cập ngày 18/10/2024.
[4] Báo cáo Tổng kết 10 năm thực hiện Quyết định số 217-QĐ/TW ngày 12/12/2013 của Bộ Chính trị (khóa XI) về giám sát, phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể chính trị - xã hội của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam.
[5] Dự thảo Luật Công đoàn (sửa đổi), ngày 14/10/2024: “Điều 17. Phản biện xã hội của Công đoàn
1. Công đoàn có quyền và trách nhiệm tham gia góp ý kiến, phản biện xã hội đối với dự thảo văn bản quy phạm pháp luật, quy hoạch, kế hoạch, chương trình, dự án, đề án của cơ quan nhà nước có liên quan trực tiếp đến quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của đoàn viên công đoàn và của người lao động.
Ý kiến phản biện xã hội của Công đoàn được nghiên cứu tiếp thu, giải trình theo quy định của pháp luật.
2. Công đoàn có trách nhiệm đề xuất nội dung và thực hiện phản biện xã hội theo quy định của Luật Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các quy định khác của pháp luật có liên quan”.