Người đại diện ẩn danh - so sánh quy định tại Luật Công ty Anh năm 2006 và Luật Doanh nghiệp Việt Nam năm 2020

01/10/2024

Tóm tắt:Người đại diện của doanh nghiệp đóng một vai trò quan trọng trong hoạt động của doanh nghiệp. Trên thực tế, ở nhiều doanh nghiệp, ngoài người đại diện hợp pháp, có những người đứng đằng sau, điều hành, chi phối hoạt động của doanh nghiệp - người đại diện ẩn danh. Trên cơ sở các quy định về người đại diện ẩn danh theo Luật Công ty Anh năm 2006 và Luật Doanh nghiệp Việt Nam năm 2020, các tác giả so sánh, phân tích, bình luận các quy này; từ đó, đề xuất giải pháp liên quan đến người đại diện ẩn danh, nhằm hoàn thiện pháp luật doanh nghiệp Việt Nam trong bối cảnh hội nhập quốc tế.
Từ khoá: Giám đốc; giám đốc ẩn danh;người đại diện ẩn danh;người đại diện theo pháp luật.
Abstracts: The business representative plays an important role in the operation of the business. In praticular enforcement, in several businesses, in addition to the legal representative, there are people behind, operating and controlling the activities of the business - anonymous representatives. Based on the regulations on anonymous representatives under the UK Companies Acts 2006 and the Vietnamese Law on Enterprise of 2020, the authors make comparison, analysis of and comment on these regulations; from there, the authors propose recommendations related to anonymous representatives, in order to improve Vietnamese business law in the context of international integration.
Keywords:Director; shadow director; anonymous representative; legal representative.
 99_3.jpg
Ảnh minh họa: Nguồn internet
1. Người đại diện ẩn danh theo Luật Công ty Anh năm 2006
Điểm khác biệt đáng chú ý giữa Luật Công ty Anh năm 2006 (The Companies Act 2006) và Luật Doanh nghiệp Việt Nam năm 2020 về người đại diện là, Luật Công ty Anh năm 2006 không có khái niệm người đại diện. Thay vào đó, những vấn đề có liên quan đến đại diện doanh nghiệp thuộc thẩm quyền của giám đốc (a company's directors), được quy định tại Phần 10 với 105 điều luật, từ Điều 154 đến Điều 259 của Luật Công ty Anh năm 2006.
Luật Công ty Anh năm 2006 quy định chi tiết, phân biệt hai khái niệm giám đốc (director) và giám đốc ẩn danh (shadow director) cũng như quyền, nghĩa vụ của các chức danh này. Cụ thể:
Thứ nhất, đối với khái niệm giám đốc.
Một là, về định nghĩa giám đốc. Luật Công ty Anh năm 2006 không đưa ra một định nghĩa rõ ràng, cụ thể thế nào là giám đốc, mà đưa ra hàng loạt quy định về các quyền, nghĩa vụ của giám đốc ở rất nhiều điều luật. Sau đó, cuối Chương quy định về giám đốc, Điều 250 Luật Công ty Anh năm 2006 quy định giám đốc công ty là bất kỳ ai, dù có được gọi với tên khác, đảm nhận vị trí, công việc, thực hiện các quyền và nghĩa vụ của giám đốc theo các quy định của Luật này.
Hai là, về số lượng giám đốc. Luật Công ty Anh năm 2006 chỉ quy đinh số lượng tối thiểu giám đốc phải có của doanh nghiệp, tức là, trong một doanh nghiệp có thể có nhiều giám đốc – có nhiều người đại diện. Tuỳ vào loại hình doanh nghiệp, nếu là “private company” thì phải có ít nhất một giám đốc, nếu là “public company” thì phải có ít nhất hai giám đốc. Công ty phải có ít nhất một giám đốc là cá nhân.
Ba là, về nghĩa vụ của giám đốc. Luật Công ty Anh năm 2006 quy định các nghĩa vụ chung (General duties of directors) dành cho giám đốc công ty từ Điều 170 đến Điều 181, bao gồm một số nghĩa vụ cơ bản sau: (i) Nghĩa vụ thực hiện công việc theo điều lệ công ty và trong phạm vi quyền hạn được giao; (ii) Nghĩa vụ thúc đẩy sự thành công của doanh nghiệp. Tức là, giám đốc có nghĩa vụ điều hành công ty theo cách mà người đó tin rằng tốt nhất nhằm mang lại lợi ích cho doanh nghiệp; (iii) Nghĩa vụ điều hành công ty độc lập, tuân thủ theo điều lệ công ty. Giám đốc có nghĩa vụ đưa ra các quyết định một cách độc lập, không bị chi phối bởi các yếu tố bên ngoài; (iv) Nghĩa vụ tránh xung đột lợi ích giữa cá nhân giám đốc và doanh nghiệp; đồng thời giám đốc có nghĩa vụ chủ động kê khai các lợi ích có liên quan trong các giao dịch mà mình nhân danh công ty thực hiện.
Trong trường hợp giám đốc vi phạm các nghĩa vụ chung này sẽ chịu trách nhiệm theo quy định.
Thứ hai, đối với giám đốc ẩn danh.
Một là, về định nghĩa giám đốc ẩn danh. Điều 251 Luật Công ty Anh năm 2006 quy định: Giám đốc ẩn danh được hiểu là người đưa ra các ý kiến chỉ đạo để các giám đốc công ty làm theo[1]. Giám đốc ẩn danh không có chức danh cụ thể nhưng thực sự là người điều hành doanh nghiệp, đứng phía sau chỉ đạo, chi phối hoạt động của doanh nghiệp. Luật Công ty Anh năm 2006 cũng quy định rõ, nếu người nào đó chỉ đưa ra các lời khuyên, lời tư vấn cho các giám đốc thực hiện thì không được coi là giám đốc ẩn danh.
Hai là, về nghĩa vụ của giám đốc ẩn danh. Khoản 5 Điều 170 và Điều 230 Luật Công ty Anh 2006 quy định: dưới góc độ pháp lý, giám đốc ẩn danh được đối xử như một giám đốc bình thường của doanh nghiệp. Hay nói cách khác, các quy định về nghĩa vụ, trách nhiệm của giám đốc được trình bày ở phần trên, cũng đồng thời áp dụng đối với giám đốc ẩn danh[2].
Như vậy, theo Luật Công ty Anh năm 2006, giám đốc là người đại diện cho doanh nghiệp, điều hành hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp, có nghĩa vụ thực hiện công việc theo điều lệ và trong phạm vi được giao. Còn giám đốc ẩn danh là người mặc dù không có chức danh giám đốc theo quy định, nhưng thực sự điều hành, chi phối, chỉ đạo các giám đốc thực hiện công việc. Các quy định dùng để điều chỉnh quyền và nghĩa vụ của giám đốc tại Luật Công ty Anh năm 2006 cũng đồng thời điều chỉnh giám đốc ẩn danh.
2. Người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp theo Luật Doanh nghiệp Việt Nam năm 2020
Luật Doanh nghiệp Việt Nam năm 2020 không có khái niệm người đại diện ẩn danh, mà có khái niệm về người đại diện theo pháp luật được quy định tại Điều 12, Điều 13 và một số điều luật có liên quan. Chế định người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp có nhiều sự thay đổi qua các lần sửa đổi, thay thế Luật Doanh nghiệp cũ, ban hành Luật Doanh nghiệp mới. Sự thay đổi đáng kể nhất là từ quy định, mỗi doanh nghiệp chỉ có một người đại diện theo pháp luật theo Luật Doanh nghiệp năm 2005 và các luật trước đó; đến quy định cho phép công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty cổ phần có nhiều hơn một người đại diện theo pháp luật ở Luật Doanh nghiệp năm2014 và hiện tại là Luật Doanh nghiệpnăm 2020. Qua nhiều lần sửa đổi, các quy định liên quan đến người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp đang dần hoàn thiện. Cụ thể:
Một là, về định nghĩa người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp. Khoản 1 Điều 12 Luật Doanh nghiệp Việt Namnăm 2020 quy định: “Người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp là cá nhân đại diện cho doanh nghiệp thực hiện các quyền và nghĩa vụ phát sinh từ giao dịch của doanh nghiệp, đại diện cho doanh nghiệp với tư cách người yêu cầu giải quyết việc dân sự, nguyên đơn, bị đơn, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan trước Trọng tài, Tòa án và các quyền, nghĩa vụ khác theo quy định của pháp luật”. Như vậy, so với Luật Công ty Anh năm 2006, Luật Doanh nghiệp Việt Namnăm 2020 có định nghĩa rõ ràng, cụ thể thế nào là người đại diện theo pháp luật. Về định nghĩa này, không có nhiều sự khác biệt giữa Luật Doanh nghiệp Việt Nam năm 2014 và năm 2020. Đã có một số nhận xét, quy định này thiếu chức năng “xác lập” giao dịch[3] và đề xuất bổ sung vai trò “xác lập” các giao dịch vào khái niệm đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp[4]. Các tác giả đồng ý với những quan điểm trên, bổ sung vai trò “xác lập” giao dịch là phù hợp và thống nhất với quy định tại khoản 1 Điều 134 Bộ luật Dân sự năm 2015: “Đại diện là việc cá nhân, pháp nhân (sau đây gọi chung là người đại diện) nhân danh và vì lợi ích của cá nhân hoặc pháp nhân khác (sau đây gọi chung là người được đại diện) xác lập, thực hiện giao dịch dân sự”.
Hai là, về trách nhiệm của người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp. Nội dung này, về cơ bản, Luật Công ty Anh năm 2006 và Luật Doanh nghiệp Việt Nam năm 2020 có sự tương đồng. Theo Điều 13 Luật Doanh nghiệp Việt Nam 2020, người đại diện theo pháp luật có trách nhiệm: “a) Thực hiện quyền và nghĩa vụ được giao một cách trung thực, cẩn trọng, tốt nhất nhằm bảo đảm lợi ích hợp pháp của doanh nghiệp; b) Trung thành với lợi ích của doanh nghiệp; không lạm dụng địa vị, chức vụ và sử dụng thông tin, bí quyết, cơ hội kinh doanh, tài sản khác của doanh nghiệp để tư lợi hoặc phục vụ lợi ích của tổ chức, cá nhân khác; c) Thông báo kịp thời, đầy đủ, chính xác cho doanh nghiệp về doanh nghiệp mà mình, người có liên quan của mình làm chủ hoặc có cổ phần, phần vốn góp theo quy định”.
Trong trường hợp người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp vi phạm các quy định trên, gây thiệt hại cho doanh nghiệp, thì chịu trách nhiệm cá nhân.
3. Bình luận về quy định giám đốc ẩn danh theo Luật Công ty Anh và đề xuất nhằm hoàn thiện pháp luật doanh nghiệp Việt Nam
Như phân tích ở trên, Luật Công ty Anh năm 2006 quy định hai loại giám đốc, giám đốc nói chung và giám đốc ẩn danh. Tuy nhiên, tại Anh, về mặt lý luận, tồn tại ba khái niệm liên quan đến giám đốc, đó là giám đốc hợp pháp, giám đốc thực tế và giám đốc ẩn danh[5]. Trong đó, giám đốc hợp pháp được hiểu là giám đốc được bổ nhiệm bởi người có thẩm quyền của doanh nghiệp và có đăng ký với cơ quan nhà nước. Giám đốc thực tế là người, mặc dù không được bổ nhiệm chính thức, không có đăng ký với cơ quan nhà nước, nhưng thực sự là người điều hành hoạt động của doanh nghiệp với vai trò của một giám đốc thực thụ[6]. Giám đốc ẩn danh (shadow director) là khái niệm tồn tại trong gần 100 năm ở Anh và được luật hoá lần đầu tiên bởi Luật Công ty Anh năm 1980[7]. Theo Peter Juilan Millet trong Án lệ Re Hydrodan[8], có 4 tiêu chí xác định một người là giám đốc ẩn danh của công ty tại Anh: (i) trong công ty có giám đốc hợp pháp hoặc giám đốc thực tế; (ii) người này thực hiện các chỉ đạo cho giám đốc hợp pháp/thực tế trong việc điều hành công ty; (iii) giám đốc hợp pháp/thực tế làm theo các chỉ đạo từ người này; (iv) việc chỉ đạo của người này là thường xuyên, hay nói cách khác, giám đốc hợp pháp/thực tế đã quen với việc làm theo sự chỉ đạo của người này.
Ở đây có thể nhận thấy, định nghĩa giám đốc thực tế và giám đốc ẩn danh, dường như có chút tương đồng. Điểm giống nhau là, giám đốc thực tế và giám đốc ẩn danh đều là người không được bổ nhiệm, không nắm giữ chức danh giám đốc, nhưng lại là người thực sự thực hiện các công việc của một giám đốc, điều hành doanh nghiệp. Tuy vậy, theo Peter Juilan Millet, hoàn toàn có thể phân biệt được giám đốc thực tế và giám đốc ẩn danh. Cụ thể, giám đốc trên thực tế là người đảm nhận vai trò giám đốc. Người này được công ty coi là giám đốc và tuyên bố cũng như có ý định trở thành giám đốc, mặc dù chưa được bổ nhiệm hợp pháp. Ngược lại, giám đốc ẩn danh không tuyên bố hoặc không có ý định đóng vai trò là một giám đốc. Người này khẳng định không phải là giám đốc, không được coi là giám đốc của công ty.
Cho đến hiện tại, các tiêu chí để xác định một người là giám đốc ẩn danh của doanh nghiệp vẫn đang là chủ đề có nhiều ý kiến tranh luận của giới luật gia ở Anh. Tuy nhiên, có thể nhận thấy, pháp luật Anh nói chung và Luật Công ty Anh nói riêng, xác định giám đốc ẩn danh là một nhân vật có ảnh hưởng quan trọng trong hoạt động của doanh nghiệp và cần được điều chỉnh bởi pháp luật doanh nghiệp. Theo đó, giám đốc ẩn danh có quyền, nghĩa vụ cũng như trách nhiệm pháp lý như một giám đốc hợp pháp.
Trở lại pháp luật Việt Nam, như đã trình bày ở trên, Luật Doanh nghiệp không có khái niệm người đại diện ẩn danh. Tuy pháp luật doanh nghiệp Việt Nam không có quy định cụ thể, rõ ràng về người đại điện ẩn danh (giám đốc ẩn danh) như Luật Công ty Anh, nhưng pháp luật Việt Nam nói chung, về nguyên tắc cũng có các quy định ghi nhận trách nhiệm pháp lý của những người thực sự chi phối, chỉ đạo hoạt động của doanh nghiệp - những người có vai trò là người đại diện ẩn danh.
Ví dụ cụ thể, trong thực tiễn xét xử, theo Bản án số 332/2016/HSST ngày 09/9/2016 của Tòa án nhân dân TP. Hồ Chí Minh về việc xét xử Phạm Công Danh và các đồng phạm tại Ngân hàng Xây dựng. Toà án nhận định, Phạm Công Danh đã đưa hàng loạt người không có chuyên môn, không có nghiệp vụ làm đại diện theo pháp luật cho các công ty mà Phạm Công Danh thành lập, với mục đích vay tiền của ngân hàng. Trong quá trình xét xử vụ án, Tòa án đã chỉ rõ vị trí, vai trò của Phạm Công Danh - người đại diện ẩn danh, đứng phía sau điều khiển tất cả các hoạt động của các công ty này. Do đó, Tòa án nhận định, những giám đốc hợp pháp chỉ là những người giúp sức, nên họ đã không phải chịu trách nhiệm chính từ các hợp đồng rút tiền cho Phạm Công Danh sử dụng. Chính người đại diện ẩn danh Phạm Công Danh mới là người chịu trách nhiệm chính cho những hợp đồng vay tiền, sử dụng sai mục đích, không có khả năng trả lại nợ vay cho ngân hàng.
Hoặc ví dụ khác, trong đại án xét xử Hà Văn Thắm và đồng phạm ở ngân hàng Ocean Bank, Thắm có vai trò người đại diện ẩn danh đối với Công ty BSC Việt Nam. Hà Văn Thắm chỉ đạo những người đại diện hợp pháp của công ty – Hoàng Thị Hồng Tứ (Chủ tịch Hội đồng quản trị), Phạm Hoàng Giang (Tổng giám đốc), ký các hợp đồng dịch vụ với khách hàng của Ocean Bank nhằm thu lợi bất chính[9].
Phạm Công Danh và Hà Văn Thắm chỉ là hai trong số rất nhiều trường hợp trên thực tế cho thấy, tại Việt Nam, mặc dù khái niệm “người đại diện ẩn danh” chưa hề được pháp luật quy định rõ nhưng nếu cơ quan có thẩm quyền, trong quá trình điều tra, xét xử chứng minh một cá nhân nào đó là người đại diện ẩn danh của doanh nghiệp; cá nhân đó cũng sẽ phải chịu trách nhiệm cho những sai phạm của doanh nghiệp, cho dù cá nhân đó không phải là đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp.
Về phương diện lý luận, vấn đề người đại diện ẩn danh chưa được các nhà nghiên cứu luật pháp quan tâm. Trong Luận văn thạc sỹ của Hồ Thị Thuý Lam với tiêu đề “Người đại diện doanh nghiệp và các quy định có liên quan - Một nghiên cứu so sánh”, tác giả có phân tích về người đại diện ẩn danh, nhưng chỉ chiếm một phần rất nhỏ trong tổng thể các vấn đề được đề cập của Luận văn. Theo đó, tác giả Hồ Thị Thuý Lam cũng chỉ dừng lại ở mức nêu ra khái niệm người đại diện ẩn danh theo quy định của Luật Công ty Anh, mà không có các phân tích chuyên sâu trên cơ sở lý thuyết luật học về vấn đề này. Đồng thời, trong nghiên cứu của mình, tác giả Hồ Thị Thuý Lam có đề cập đến khái niệm “xuyên rèm công ty” của tác giả Ngô Hồng Quang trong bài viết “Một số vấn đề có tính lý luận về cơ chế "xuyên rèm công ty”[10]; khái niệm “vén màn công ty” của tác giả Bùi Xuân Hải qua bài viết “Tiếp nhận pháp luật nước ngoài, lý thuyết và thực tiễn trong pháp luật công ty của Việt Nam”[11]. Tác giả Hồ Thị Thuý Lam nhận định, khái niệm “xuyên rèm công ty” hay “vén màn công ty” mà các tác giả trên nhắc đến chính là đề cập đến khái niệm người đại diện ẩn danh. Tác giả không đồng ý với nhận định này. Nội dung mà hai tác giả này nói đến là về tính chịu trách nhiệm hữu hạn của pháp nhân nói chung và doanh nghiệp nói riêng, vì tính chất này nên các chủ sở hữu hoặc người điều hành doanh nghiệp lợi dụng để chiếm đoạt tài sản của chủ nợ. Cho đến hiện tại, theo tìm hiểu của chúng tôi, ngoài tác giả Hồ Thị Thuý Lam, chưa có nghiên cứu nào đề cập trực tiếp cũng như có các phân tích chuyên sâu về người đại diện ẩn danh ở Việt Nam.
Từ những nội dung trên cho thấy, người đại diện ẩn danh được pháp luật Việt Nam ghi nhận về mặt nguyên tắc cũng như trên thực tế là, người này phải chịu trách nhiệm pháp lý hình sự vì những sai phạm liên quan đến việc đứng sau chỉ đạo, điều hành doanh nghiệp.
4. Kết luận và kiến nghị
Đối với vấn đề đại diện doanh nghiệp, Luật Công ty Anh năm 2006 có quy định trực tiếp về giám đốc ẩn danh. Theo đó, giám đốc ẩn danh được hiểu là người mặc dù không phải là người được bổ nhiệm hợp pháp nhưng có những chỉ đạo, chi phối hoạt động của doanh nghiệp. Trong trường hợp này, những quy định để điều chỉnh giám đốc hợp pháp của doanh nghiệp cũng điều chỉnh giám đốc ẩn danh. Ở Việt Nam, Luật Doanh nghiệp năm 2020 cũng như các Luật Doanh nghiệp trước đó chưa có quy định về người đại diện ẩn danh, tuy nhiên, về nguyên tắc chung của pháp luật Việt Nam cũng như trong thực tế xét xử, nhiều trường hợp người đại diện ẩn danh bị xử lý hình sự. Từ những lập luận trên, tác giả đề xuất, cơ quan nhà nước có thẩm quyền cần sớm nghiên cứu để luật hoá khái niệm người đại diện ẩn danh trong Luật Doanh nghiệp.
Cũng cần nói thêm rằng, nước Anh theo theo hệ thống pháp luật Common Law, cho nên, đối với một quy định nào đó của pháp luật nói chung và khái niệm người đại diện ẩn danh nói riêng, sau khi được ghi nhận trong văn bản quy phạm pháp luật, còn được “hậu thuẫn” bởi một hệ thống án lệ đồ sộ. Việt Nam thuộc hệ thống pháp luật Civil Law, nơi mà một vấn đề pháp lý muốn được áp dụng phải được quy định trong văn bản quy phạm pháp luật, cũng như số lượng án lệ được chấp nhận là nguồn pháp luật còn rất ít ỏi, nên việc học hỏi, vận dụng pháp luật Anh trong vấn đề về người đại diện ẩn danh cần có thời gian./.
 
 

[1] “In the Companies Acts “shadow director”, in relation to a company, means a person in accordance with whose directions or instructions the directors of the company are accustomed to act”.
[2] “The general duties apply to a shadow director of a company where and to the extent that they are capable of so applying”; “A shadow director is treated as a director for the purposes of the provisions of this Chapter”.
[3]  Bùi Đức Giang (2021), Hành lang pháp lý về người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp nhìn từ thực tiễn, Tạp chí Ngân hàng, số 9, tr.35-39.
[4]  Phan Thành Nhân, Đỗ Thị Nhung (2018), Người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp: Thực trạng pháp luật và hướng hoàn thiện, Tạp chí Nhà nước và Pháp luật, số 12, tr.36-45.
[5] Lista, A. (2014), Directors’ duties in the UK, Research Handbook On Directors’Duties, pp. 71-104.
[6] Attenborough, D. (2020), Misreading the directors’ fiduciary duty of good faith, Journal of Corporate Law Studies, 20(1), tr. 73-98.
[7] Moore, Colin R. (2016), Obligations in the shade: The application of fiduciary directors' duties to shadow directors, Legal Studies, 36(2), tr. 326-353.
[8] Peter Juilan Millet (1994), Án lệ Re Hydrodan (Corby) Ltd. [1994], Vương quốc Anh.
[9] Hồ Thị Lam Thuý (2018), Người đại diện doanh nghiệp và các quy định có liên quan – Một nghiên cứu so sánh, Luận văn Thạc sỹ Luật học – Trường Đại học Kinh tế TP. Hồ Chí Minh.
[10] Ngô Hồng Quang (2014), Một số vấn đề có tính lý luận về cơ chế "xuyên rèm công ty", Tạp chí Nghiên cứu lập pháp, số 17, tr.36-47, 64.
[11] Bùi Xuân Hải (2007), Tiếp nhận pháp luật nước ngoài, lý thuyết và thực tiễn trong pháp luật công ty của Việt Nam, https://phapluatdansu.edu.vn/2007/09/17/10/50/12423/, truy cập ngày 15/05/2022.