Tóm tắt: Trong phạm vi bài viết, tác giả trình bày tác động tiêu cực của thuốc lá đối với sức khỏe con người và sự phát triển bền vững của quốc gia; đánh giá thực trạng tiêu thụ thuốc lá, phân tích các hạn chế của chính sách thuế đối với thuốc lá tại Việt Nam. Trên cơ sở đó, tác giả đề xuất phương án áp dụng thuế tiêu thụ đặc biệt đối với thuốc lá điếu trong Dự thảo Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi).
Từ khóa: Thuế tiêu thụ đặc biệt; thuế theo tỷ lệ phần trăm; thuế tuyệt đối; Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt.
Abstract: Within the scope of the article, the author provides discussions of the negative impact of tobacco on human health and the sustainable development of a country; assessment of the current situation of tobacco consumption and also an analysis of the shortcomings of the applicable tax policy on tobacco in Vietnam; and accordingly proposes a roadmap to apply a special consumption tax on tobacco in the Bill of Law on Special Consumption Tax (amended).
Keywords: Special consumption tax; percentage tax; lump-sum tax; Law on Special Consumption Tax.
Ảnh minh họa: Nguồn internet
1. Tác động của thuốc lá đối với sức khỏe, chi phí kinh tế và sự phát triển
1.1. Tác động của thuốc lá đối với sức khỏe
Theo kết quả nghiên cứu gánh nặng bệnh tật toàn cầu năm 2013, dinh dưỡng và sử dụng thuốc lá là hai yếu tố có nguy cơ cao nhất gây ra gánh nặng bệnh tật
[1] ở Việt Nam
[2]. Những người không hút thuốc nhưng thường xuyên nhưng hít phải khói thuốc một cách thụ động cũng mắc các bệnh giống như người hút thuốc. Mỗi năm thuốc lá gây ra trên 8 triệu ca tử vong trên toàn thế giới. Trong đó, hơn 7 triệu ca tử vong do sử dụng thuốc lá trực tiếp và khoảng 1,2 triệu ca tử vong gây ra bởi phơi nhiễm với khói thuốc thụ động
[3]. Tại Việt Nam, có trên 40.000 ca tử vong mỗi năm do các bệnh liên quan đến sử dụng thuốc lá. Con số này sẽ tăng lên thành 70.000 ca/năm vào năm 2030, nếu Việt Nam không thực hiện ngay các biện pháp phòng, chống tác hại thuốc lá hiệu quả
[4].
1.2. Tác động của thuốc lá đối với chi phí kinh tế và sự phát triển
1.2.1. Tác động của thuốc lá đối với chi phí kinh tế
Hút thuốc lá gây ra bệnh tật và tử vong sớm, vì thế tạo ra gánh nặng về kinh tế đối với gia đình và xã hội. Kết quả nghiên cứu gần đây cho thấy chi phí kinh tế hằng năm cho việc sử dụng thuốc lá ở Việt Nam ước tính lên tới 108.000 tỷ đồng, tương đương 1,14% GDP (năm 2022), bao gồm: 16.400 tỷ đồng từ chi phí y tế trực tiếp cho khám, chữa bệnh, 5.900 tỷ đồng từ chi phí gián tiếp do bệnh tật bao gồm thu nhập bị mất đi do giảm năng suất lao động, nghỉ ốm, chăm sóc người ốm và 85.800 tỷ đồng do tử vong sớm
[5]. Con số này lớn hơn gấp 5 lần so với đóng góp vào ngân sách nhà nước từ nguồn thu thuế đối với thuốc lá. Ngoài ra, hằng năm tại Việt Nam chi tiêu cho việc mua thuốc lá các loại để sử dụng tiêu tốn khoảng 49.000 tỷ đồng
[6]. Đây là những chi phí lớn, có thể tác động tiêu cực đối với sự thịnh vượng của người dân trong hiện tại cũng như trong tương lai. Mặc dù ngành công nghiệp thuốc lá có những đóng góp cho ngân sách quốc gia (khoảng 17.600 tỷ đồng năm 2022
[7]), mức thu thuế từ thuốc lá chỉ chiếm khoảng 0,3% GDP của Việt Nam và chưa bằng 1/5 chi phí kinh tế mà thuốc lá gây ra cho xã hội. Như phân tích ở trên, giá trị đóng góp của ngành công nghiệp thuốc lá cho xã hội không đủ để bù đắp những tổn thất về kinh tế và sức khỏe do tiêu thụ thuốc lá gây ra đối với các cá nhân, gia đình và xã hội. Trong khi đó, nếu số tiền chi tiêu cho thuốc lá được sử dụng để mua các hàng hóa, dịch vụ thiết yếu khác thì 11,2% hộ nghèo sẽ thoát nghèo
[8].
1.2.2. Tác động của thuốc lá đối với sự phát triển
Theo báo cáo của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) về thuốc lá và các mục tiêu phát triển bền vững, việc sản xuất và tiêu thụ thuốc lá không chỉ ảnh hưởng tới mục tiêu sức khoẻ và cuộc sống, mà còn có tác động lớn tới hầu hết các mục tiêu còn lại
[9].
Về phát triển kinh tế, người sử dụng thuốc lá có nguy cơ rất cao gây ra những căn bệnh hiểm nghèo cho chính mình và những người ngửi khói thuốc thụ động. Do đó, các gia đình không thể tránh khỏi những khoản chi phí để khám, chữa bệnh và chăm sóc y tế cho chính bản thân người hút thuốc và cả những người hút thuốc thụ động trong gia đình. Phần lớn những người chết do bệnh liên quan đến thuốc lá là những người trong độ tuổi lao động, bị tử vong sớm
[10]. Mỗi người dân Việt Nam bị bệnh tật hoặc tử vong do các bệnh liên quan đến thuốc lá đều làm suy giảm quy mô và chất lượng nguồn lao động cho sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Vấn đề này sẽ trở nên rõ rệt hơn trong 10 - 20 năm tới khi nhóm người hút thuốc lớn hiện nay bắt đầu phải đối mặt với những tác động đến sức khỏe của việc sử dụng thuốc lá. Có thể khẳng định rằng, tiêu thụ thuốc lá kéo dài tình trạng nghèo của các hộ gia đình và làm giảm mức độ tăng trưởng, phát triển kinh tế của quốc gia.
Về phát triển xã hội, sản xuất và tiêu thụ thuốc lá có tác động lớn tới phát triển giáo dục, vấn đề về nước sạch và vệ sinh môi trường, bảo vệ tài nguyên thiên nhiên. Về phát triển giáo dục, trẻ em có thể phải nghỉ học để chăm sóc người thân bị bệnh tật (do thuốc lá) hoặc trẻ em phải đi làm để kiếm sống, bù đắp cho số tiền công, tiền lương của người lớn bị mất, bị giảm do bệnh tật do thuốc lá gây ra. Việc hút thuốc lá (trực tiếp và thụ động) ở thanh thiếu niên dẫn đến các vấn đề về chất lượng học tập, suy giảm về nhận thức
[11]. Đối với vấn đề nước sạch và vệ sinh môi trường, bảo vệ tài nguyên thiên nhiên, có thể thấy việc sản xuất và tiêu thụ thuốc lá có tác động tiêu cực nghiêm trọng tới môi trường ở nhiều khía cạnh. Quá trình sản xuất thuốc lá tiêu tốn một lượng lớn tài nguyên thiên nhiên, đặc biệt là nước và đất nông nghiệp. Để trồng cây thuốc lá, người ta phải sử dụng nhiều hóa chất như phân bón, thuốc trừ sâu, gây ô nhiễm nguồn nước và đất, bao gồm cả nước ngầm. Việc trồng thuốc lá cũng là nguyên nhân gây suy thoái đất đai, làm đất mất chất dinh dưỡng nhanh hơn so với các loại cây trồng khác, làm tăng thêm tình trạng mất an ninh lương thực khi đất trở nên không phù hợp hoặc kém hiệu quả hơn cho mục đích trồng cây lương thực. Ngoài ra, rác thải từ việc tiêu thụ thuốc lá, đặc biệt là đầu mẩu thuốc lá, là một trong những loại rác thải phổ biến nhất trên toàn cầu. Các chất độc hại từ đầu mẩu như nicotin, chì và các kim loại nặng khác ngấm vào đất và nước, ảnh hưởng tới hệ sinh thái và chất lượng nguồn nước. Hơn nữa, việc sản xuất giấy cuốn và bao bì cho thuốc lá góp phần làm tăng nạn phá rừng, từ đó gây tổn hại đến đa dạng sinh học và gia tăng lượng khí thải nhà kính. WHO ước tính hàng năm có khoảng 5% diện tích rừng bị phá để trồng cây thuốc lá cũng như lấy gỗ để sấy thuốc lá
[12].
2. Thực trạng tiêu thụ thuốc lá và sức mua thuốc lá ở Việt Nam
2.1. Thực trạng tiêu thụ thuốc lá ở Việt Nam
Theo kết quả khảo sát tình hình hút thuốc ở người trưởng thành ở một số tỉnh, thành phố năm 2020
[13], Việt Nam vẫn nằm trong số quốc gia có tỷ lệ người hút thuốc cao nhất trên thế giới, cụ thể như sau:
- Tỷ lệ hút thuốc ở nam giới là 42,3%, nữ giới là 1,7% (trung bình cứ 2 nam giới có 1 người hút thuốc);
- 15,4 triệu người Việt Nam trên 15 tuổi hiện đang hút thuốc lá;
- 56% người không hút thuốc phơi nhiễm với khói thuốc tại nhà;
- Phơi nhiễm với khói thuốc ở nơi công cộng vẫn ở mức cao: 30,9% tại nơi làm việc, 78,1% ở nhà hàng, 86,2% ở quán bar/cafe/trà.
Hình 1: Tỷ lệ sử dụng thuốc lá ở người trưởng thành Việt Nam giai đoạn 2010-2020
(Nguồn: Bộ Y tế, WHO, HealthBridge (2022), Hỏi đáp về thuế thuốc lá tại Việt Nam)
Theo Báo cáo về tình hình sử dụng thuốc lá toàn cầu của WHO năm 2023, tỷ lệ người trưởng thành (tính chung cho cả nam giới và nữ giới) sử dụng thuốc lá hằng ngày tại Việt Nam chiếm 19%, là mức tương đối cao so với các quốc gia trong khu vực như Campuchia (14%), Philippines (16%), Malaysia (17%), Singapore (13%)
[14]. Như vậy, qua từng giai đoạn, tỷ lệ người trưởng thành hút thuốc hằng ngày đã có xu hướng giảm, nhưng tốc độ giảm chậm (Hình 1).
Do giá thuốc lá ngày càng rẻ hơn tương đối so với thu nhập nên lượng thuốc lá tiêu thụ trong nước vẫn duy trì ở mức cao. Cụ thể, trong hơn 10 năm qua, sản lượng thuốc lá tiêu thụ hằng năm tại Việt Nam luôn đạt ở mức 4.000 triệu bao thuốc lá (loại bao 20 điếu). Đặc biệt đáng lưu ý, giai đoạn từ 2019-2021, sản lượng tiêu thụ thuốc lá đã gia tăng đáng kể. Tình hình tiêu thụ thuốc lá tại Việt Nam hơn 10 năm qua được thể hiện tại Hình 2 dưới đây.
Hình 2: Tiêu thụ thuốc lá tại Việt Nam giai đoạn 2008-2023 (triệu bao 20 điếu)
(Nguồn: Niên giám thống kê năm 2024, Quỹ Phòng chống tác hại của thuốc lá năm 2022)
2.2. Sức mua thuốc lá hiện tại ở Việt Nam
Thu nhập của người dân Việt Nam tăng nhanh hơn mức tăng giá thuốc lá, nghĩa là thuốc lá trở nên “rẻ đi tương đối” so với thu nhập. Do đó, sức mua thuốc lá của người dân đã tăng lên nhiều trong những năm qua (xem Hình 3).
Theo Tổng cục thống kê, thu nhập danh nghĩa của người Việt Nam năm 2022 đạt 95.600.000 đồng/người/năm
[15] trong khi đó giá bán một bao thuốc lá Vinataba chỉ là 21.900 đồng/bao, mức tăng giá không đáng kể so với năm 2020. Có thể thấy rằng, trong những năm gần đây, thu nhập của người Việt Nam tăng nhanh hơn rất nhiều so với mức tăng giá bán thuốc lá. Hay nói cách khác, sức mua thuốc lá (tính theo giá trị tương đối) của người Việt Nam rất lớn so với giá bán thuốc lá.
Hình 3: Giá bán lẻ thuốc lá và thu nhập đầu người tại Việt Nam giai đoạn 2007-2020
(Nguồn: Bộ Y tế, WHO, HealthBridge (2022), Hỏi đáp về thuế thuốc lá tại Việt Nam)
Để đánh giá rõ hơn nữa về sức mua thuốc lá, các chuyên gia trên thế giới đã đưa ra một chỉ số có tên là “Giá thuốc lá tính theo phần trăm thu nhập quốc dân trên đầu người” viết tắt theo tiếng Anh là RIP (Relative Income Price). Chỉ số này được tính bằng phần trăm thu nhập cần thiết để mua 100 bao thuốc lá (20 điếu mỗi bao). Nếu RIP càng nhỏ tức là thuốc lá càng rẻ, dễ mua.
Chỉ số RIP của Việt Nam trong thời kỳ 2010 đến 2020 có xu hướng giảm đều, từ khoảng 4,49% năm 2010 giảm xuống còn 2,63% năm 2020
[16]. Có nghĩa là giá thuốc lá giảm đều so với thu nhập, tức là sức mua thuốc lá tăng đều trong thời kỳ này. Cũng theo Báo cáo về tình hình sử dụng thuốc lá toàn cầu của WHO năm 2023, giá thuốc lá tại Việt Nam rẻ hơn so với thu nhập kể từ năm 2012 đến nay
[17].
3. Thuế thuốc lá và sự bất cập về giá thuốc lá ở Việt Nam
Theo Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (TTĐB) năm 2008 đã được sửa đổi, bổ sung năm 2014, hiện nay Việt Nam đang áp dụng thuế suất thuế TTĐB theo tỷ lệ là 75% và giá tính thuế là giá bán ra của nhà sản xuất hay nhập khẩu. Khi tính theo chuẩn quốc tế đó là “tỷ trọng thuế trong giá bán lẻ”, thì tỷ trọng thuế của Việt Nam (bao gồm cả thuế giá trị gia tăng) chỉ ở mức 38,85% (2020), thuộc nhóm rất thấp so với thế giới và trong khu vực
[18]. Tỷ trọng này thấp hơn rất nhiều so với mức khuyến cáo của WHO (75%), thấp hơn khá nhiều so với mức trung bình toàn cầu (61,5%); thấp hơn mức trung bình của các quốc gia có thu nhập trung bình (59%) và thấp hơn đa số các nước ASEAN (xem Hình 4).
Theo kết quả khảo sát, nghiên cứu thị trường về giá bán lẻ thuốc lá tại Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh do Trường Đại học Y tế công cộng và Tổ chức HealthBridge Canada tại Việt Nam thực hiện năm 2023
[19], Việt Nam có khoảng 40 nhãn hiệu thuốc lá có giá bán lẻ dưới 10.000 đồng/bao 20 điếu, có nhiều nhãn hiệu chỉ có mức giá 7.000 đồng đến 8.000 đồng/bao. Với mức giá thuốc lá bán lẻ thấp như vậy, thuốc lá rất dễ tiếp cận với người có thu nhập thấp và người mới hút, kể cả người chưa thành niên.
Từ năm 2008 đến nay, Việt Nam thực hiện 3 lần tăng thuế TTĐB đối với thuốc lá với mức tăng mỗi lần chỉ là 5% và khoảng cách thời gian giữa các lần tăng thuế khá dài [lần 1 vào năm 2008 với mức tăng thuế suất từ 55% lên 65%; lần 2 vào năm 2016 (sau 8 năm) từ 65% lên 70%; lần 3 vào năm 2019 (sau 3 năm) từ 70% lên 75%]. Mặc dù mức thuế suất thuế TTĐB là 75% nhưng được đánh trên giá bán của nhà sản xuất hoặc nhà nhập khẩu nên tỷ trọng thuế tính trên giá bán lẻ chỉ chiếm 38,85% như đã trình bày ở phần trên.
Hình 4: Tỷ trọng thuế thuốc lá trên giá bán lẻ của Việt Nam rất thấp so với
các nước ASEAN và trung bình toàn cầu (2020)
(Nguồn: WHO report on the global tobacco epidemic 2021)
Nhiều chuyên gia cho rằng, các mức tăng thuế TTĐB của Việt Nam trong thời gian qua không làm tăng đáng kể giá bán lẻ trên thị trường. Nếu xem xét loại thuốc lá phổ biến trên thị trường có giá bản lẻ là 10.000 đồng/bao, giá xuất xưởng do nhà sản xuất đưa ra chỉ ở mức 4.000 đồng/bao. Với việc tăng thuế suất thuế TTĐB từ 70% lên 75%, giá xuất xưởng sau thuế TTĐB chỉ làm giá bán lẻ 1 bao thuốc lá tăng 200 đồng. Thực tế, việc tăng thuế chỉ tác động làm cho giá bán lẻ thuốc lá tăng thêm 2%. Tương tự như vậy, khi xem xét loại thuốc lá có giá bán 20.000 đồng/bao thì việc tăng thuế TTĐB chỉ làm giá bán lẻ trên thị trường tăng 300 đồng/bao. Tuy nhiên, khi tính đến yếu tố lạm phát trung bình là 4% và thu nhập của người dân tăng trung bình là 5% thì các lần tăng thuế TTĐB đối với thuốc lá tác động không đáng kể tới hành vi tiêu dùng hay làm giảm sản lượng thuốc lá tiêu thụ trong các năm đó. Các chuyên gia kết luận rằng, sau khi giá thuốc lá bán lẻ được điều chỉnh theo yếu tố lạm phát, giá thuốc lá bán lẻ trung bình tại Việt Nam dường như không thay đổi sau hơn 10 năm. Cụ thể, sau khi điều chỉnh theo yếu tố lạm phát, giá bán lẻ thuốc lá trung bình năm 2010 là 15.100 đồng/bao, năm 2015 là 14.100 đồng/bao và năm 2020 là 14.700 đồng/bao
[20].
Chính vì tỷ trọng thuế trong giá bán lẻ rất thấp nên giá thuốc lá ở Việt Nam cũng thuộc loại rẻ nhất so với các nước trên thế giới và trong khu vực. Khi so sánh giá bán lẻ thuốc lá tính theo đô la quốc tế (còn gọi là đô la ngang giá sức mua PPP và đã tính tới yếu tố mức thu nhập và giá cả ở các nước khác nhau), giá một bao thuốc nhãn phổ biến nhất ở Việt Nam (Vinataba) chỉ là 2,82 đô la PPP (tương đương khoảng 0.9 USD). Với mức giá này, giá thuốc lá bán lẻ ở Việt Nam đứng thứ 15, gần thấp nhất trong số 19 quốc gia khu vực Tây Thái Bình Dương (xem Hình 5)
Hình 5: Giá một bao thuốc lá nhãn phổ biến nhất ở Việt Nam, tính theo đô la quốc tế (PPP),
so với các nước khác trong khu vực Tây Thái Bình Dương (2020)
(Nguồn: WHO report on the global tobacco epidemic 2021)
4. Kiến nghị cải cách chính sách về thuế thuốc lá
Theo tiến sĩ Angela Pratt - Trưởng đại diện WHO tại Việt Nam, “
tăng thuế thuốc lá là biện pháp hiệu quả nhất để giảm mức tiêu thụ nhanh và trong thời gian ngắn… Chính phủ cân nhắc áp dụng mức thuế cao nhất có thể để đạt được hiệu quả giảm tiêu thụ thuốc lá trong thời gian tới. Giá bán lẻ thuốc lá ở Việt Nam rất rẻ, rẻ hơn hầu hết các quốc gia khác trong khu vực và trên thế giới. Chúng ta cần phải làm cho giá thuốc lá trở nên đắt đỏ để có thể gần như ngay lập tức tác động đến mức tiêu thụ sản phẩm này. Như vậy, sẽ cần có mức tăng thuế thuốc lá đủ cao”[21].
Cũng theo đại diện của WHO, tăng thuế dẫn đến tăng giá bán thuốc lá là giải pháp quan trọng, đóng góp khoảng 60% hiệu quả trong việc giảm tỷ lệ sử dụng thuốc lá. Đồng thời, tăng thuế là biện pháp hiệu quả giúp tăng nguồn thu cho ngân sách nhà nước và thúc đẩy tiến trình đạt được các mục tiêu phát triển bền vững như Ngân hàng thế giới và WHO khuyến cáo.
Trong khi đó, Dự thảo lần 2 Luật thuế TTĐB (sửa đổi) đã được lấy ý kiến rộng rãi theo Công văn số 6059/BTC-CST ngày 11/6/2024 của Bộ Tài chính, cơ quan chủ trì soạn thảo xây dựng biểu thuế suất thuế TTĐB đối với thuốc lá điếu gồm thuế suất tỷ lệ (%) và mức thuế tuyệt đối. Về thuế suất tỷ lệ (%), Dự thảo Luật giữ nguyên mức thuế suất 75% như hiện nay. Về mức thuế tuyệt đối, cơ quan chủ trì soạn thảo xây dựng 2 phương án mức thuế tuyệt đối đánh trên 1 bao thuốc lá điếu. Với phương án 1, áp dụng mức thuế 2.000 đồng/bao từ năm 2026, từ năm 2027, 2028, 2029 sẽ điều chỉnh tăng dần mỗi năm 2.000 đồng/bao và đến năm 2030 sẽ đánh thuế 10.000 đồng/bao. Với phương án 2, áp dụng mức thuế 5.000 đồng/bao từ năm 2026, từ năm 2027, 2028, 2029 sẽ điều chỉnh tăng dần mỗi năm 1000 đồng/bao và đến năm 2030 sẽ đánh thuế 10.000 đồng/bao.
Với hai phương án về mức thuế tuyệt đối như Dự thảo Luật, tác giả cho rằng phương án 2 có tính đột phá hơn về giá bán thuốc lá điếu trên thị trường. Theo đó, khi được áp dụng, phương án 2 sẽ làm tăng giá bán lẻ thuốc lá điếu ít nhất 5.000 đồng mỗi bao ngay từ năm 2026 và sẽ không còn các nhãn hiệu thuốc lá có giá bán lẻ ở mức rất thấp (dưới 10.000 đồng/bao) như hiện nay. Tuy nhiên, mức tăng giá thuốc lá bán lẻ các năm tiếp theo chỉ ở mức 1.000 đồng/bao sẽ không theo kịp mức lạm phát và mức tăng thu nhập của người dân. Điều này dẫn đến rào cản về giá của thuốc lá sẽ bị xói mòn và không hạn chế được hành vi tiêu dùng của người dân. Mặt khác, với mức thuế tuyệt đối 10.000 đồng/bao từ năm 2030, tác giả cho rằng tỷ trọng thuế (gồm tất cả sắc thuế được áp dụng) trong giá bán lẻ trung bình của thuốc lá điếu chưa đạt mức tối thiểu 75% như khuyến nghị của WHO. Với hai phương án này, sự tác động để kiểm soát tốt hơn việc tiêu dùng cho mặt hàng thuốc lá, góp phần bảo vệ sức khỏe người dân được dự báo sẽ chưa đạt như kỳ vọng. Việt Nam sẽ khó đạt được mục tiêu của Chiến lược quốc gia về phòng, chống tác hại của thuốc lá là giảm tỷ lệ hút thuốc lá ở nam giới xuống dưới 36% vào năm 2030.
Tác giả cho rằng, phương án về Biểu thuế TTĐB đối với thuốc lá điếu cần phải được xây dựng đột phá hơn nữa, cụ thể như sau:
- Đối với thuế suất (%), áp dụng với mức thuế suất 75% cho năm 2026, 2027; từ năm 2028 đến năm 2030 mỗi năm tăng 5% và đạt mức thuế suất 90% từ năm 2030. Đối với thuốc lá điếu sản xuất trong nước, giá tính thuế là giá bán buôn của nhà sản xuất trong nước. Mức thuế suất 90% từ năm 2030 và giá tính thuế như phương án này tương tự như phương án đánh thuế tỷ lệ được Thái Lan áp dụng đối với thuốc lá vào năm 2016, 2017 trước khi cải cách chuyển sang hệ thống thuế hỗn hợp từ 2018
[22].
- Đối với mức thuế tuyệt đối, áp dụng mức thuế 5.000 đồng/bao từ năm 2026, từ năm 2027, 2028, 2029 sẽ điều chỉnh tăng dần mỗi năm 2.500 đồng/bao và đến năm 2030 sẽ đánh thuế 15.000 đồng/bao. Phương án này cũng phù hợp với đề xuất của Bộ Y tế và khuyến nghị của WHO.
Với phương pháp thuế hỗn hợp như khuyến nghị ở trên, tác giả cho rằng Việt Nam sẽ tạo ra được một rào cản vững chắc về giá thuốc lá đối với hành vi tiêu dùng của người sử dụng. Giá bán lẻ thuốc lá sau khi điều chỉnh mức lạm phát và tăng trưởng về thu nhập hằng năm vẫn bảo đảm tạo ra một rào cản nhất định khi so sánh tương đối với mức thu nhập của người dân. Điều này vừa giúp Việt Nam đạt được mục tiêu của Chiến lược quốc gia về phòng, chống tác hại của thuốc lá và gia tăng được nguồn thu thuế cho ngân sách nhà nước./.
[1] Gánh nặng bệnh tật đo lường theo số năm sống khỏe mạnh bị mất đi, sử dụng chỉ số DALYs (số năm sống được điều chỉnh theo mức độ bệnh tật).
[2] Global Burden of Disease Study - Institute for Health Metrics and Evaluation, 2013.
[3] https://www.who.int/news-room/fact-sheets/detail/tobacco.
[4] Lyvy DT, Bales S, Lam NT, Nikolayev L (2006),
The role of public policies in reducing smoking and deaths caused by smoking in Vietnam: results from the Vietnam tobacco policy simulation model, https://doi.org/10.1016/j.socscimed.2005.08.043 truy cập 7/8/2024.
[5] Bales S.
Chi phí y tế do sử dụng thuốc lá: ước tính cập nhật cho Việt Nam, Hội Khoa học Kinh tế y tế Việt Nam, tháng 6 năm 2023.
[6] Quỹ Phòng chống tác hại thuốc lá, Bộ Y tế,
Ước tính từ tổng tiêu thụ thuốc lá năm 2020.
[7] Bales S.
Chi phí y tế do sử dụng thuốc lá: ước tính cập nhật cho Việt Nam, Hội Khoa học Kinh tế y tế Việt Nam, tháng 6 năm 2023.
[8] World Health Organization (2004),
Tobacco and Poverty: a Vicious Circle.
[9] WHO Framework Convention on Tobacco Control Secretariat (2017),
The WHO framework convention on tobacco control: an Accelerator for Sustainable Development.
[10] Bales S.
Chi phí y tế do sử dụng thuốc lá: ước tính cập nhật cho Việt Nam, Hội Khoa học Kinh tế y tế Việt Nam, tháng 6 năm 2023.
[11] L. Anderko, J. Braun, and P. Auinger (2010),
Contribution of tobacco smoke exposure to learning disabilities,
J. Obstet. Gynecol. neonatal Nurs., vol. 39, no. 1, pp. 111-117.
[12] https://apps.who.int/iris/bitstream/handle/10665/255574/9789241512497-eng.pdf.
[14] WHO (2023),
Report on the Global Tobacco Epidemic, Protect People from Tobacco Smoke, p. 144.
[16] WHO (2021
), Report on the global tobacco epidemic 2021.
[17] WHO (2023),
Report on the Global Tobacco Epidemic, Protect People from Tobacco Smoke, P. 144.
[18] WHO (2021),
Report on the Global Tobacco Epidemic 2021, web annex IX: Tobaco taxes, prices and affordability, Table 9.1.
[19] Trường Đại học Y tế công cộng, HealthBridge (2024),
Báo cáo Điều tra giá bán lẻ thuốc lá điếu ở Việt Nam năm 2023.
[20] Giá bán lẻ thuốc lá được điều chỉnh theo lạm phát được xác định tại các cuộc khảo sát tình hình sử dụng thuốc lá ở người trưởng thành các năm 2010, 2015, 2020 (GATS 2010, GATS 2015 và P-GATS 2020).
[21] Phát biểu tại Hội thảo tập huấn “Cung cấp thông tin cho báo chí về các giải pháp phòng ngừa các bệnh không lây nhiễm” ngày 20-22/9/2023 tại Quảng Ninh.
[22] Bộ Y tế, WHO, HealthBridge (2022),
Hỏi đáp về thuế thuốc lá tại Việt Nam, tr. 34.