Tóm tắt: “Nền kinh tế bạc” là khái niệm đề cập đến tổng thể các hoạt động kinh tế nhằm phục vụ và đáp ứng nhu cầu của người cao tuổi. Cùng với xu hướng già hóa dân số, phát triển nền kinh tế bạc đã và đang trở thành ưu tiên chính sách của nhiều quốc gia. Trong phạm vi bài viết, tác giả tham khảo kinh nghiệm một số nước về phát triển nền kinh tế bạc và đề xuất hoàn thiện chính sách, pháp luật cho Việt Nam
Từ khóa: Nền kinh tế bạc; người cao tuổi; đề xuất chính sách.
Abstract: “Silver economy” is an economic term that covers all economic activities related to the provision of goods and services aimed at satisfying the demands of elderly people. In response to the aging population, the silver economy attracts more attention from nations. Within this article, the author refers to the international experience of a number of nations and proposes relevant policies and legal regulations for Vietnam.
Key words: Silver economy; international experience; policy proposal.
Ảnh minh họa: Nguồn internet
Bắt nguồn từ thuật ngữ “thị trường bạc” xuất hiện ở Nhật Bản, nền kinh tế bạc bao gồm các hoạt động kinh tế liên quan đến tiêu dùng hàng hóa và dịch vụ của những người từ 50 tuổi trở lên, cũng như ảnh hưởng kinh tế mà việc tiêu dùng này tạo ra
[1]; là tập hợp các lĩnh vực đa dạng như y tế, ngân hàng, ô tô, năng lượng, nhà ở, viễn thông, giải trí và du lịch, cùng những lĩnh vực khác
[2].
Ưu tiên phát triển nền kinh tế bạc là một định hướng chính sách tất yếu trong bối cảnh già hóa dân số
[3]. Nói cách khác, các quốc gia đang tìm cách giải quyết các vấn đề do già hóa dân số gây ra thông qua việc phát triển nền kinh tế bạc
[4], thúc đẩy hình thành trụ cột mới phát triển kinh tế chất lượng cao nhằm duy trì, giảm bớt gánh nặng kinh tế dành cho người cao tuổi, thúc đẩy sự hài hòa và ổn định xã hội. Vì vậy, hiểu biết sâu sắc về nhu cầu đặc biệt của người cao tuổi là rất quan trọng để nắm bắt chính xác xu hướng tăng trưởng của nền kinh tế bạc, nhằm cung cấp các dịch vụ chu đáo và chất lượng cao hơn cho người cao tuổi
[5].
1. Kinh nghiệm phát triển nền kinh tế bạc của một số quốc gia
Cộng hoà liên bang Đức
Đức là một trong những quốc gia có tỷ lệ dân số cao tuổi lớn nhất tại châu Âu, với hơn 22% dân số trên 65 tuổi. Tỷ lệ này sẽ tăng từ 22% lên 28% vào năm 2040 trong khi số người trong độ tuổi lao động sẽ giảm xuống dưới 50% dân số
[6]. Điều này đòi hỏi Đức cần có những chính sách đặc biệt để đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng của nhóm dân số này. Một số nét nổi bật của nền kinh tế bạc tại Đức là:
Thứ nhất, hệ thống chăm sóc sức khỏe và bảo hiểm xã hội. Đức có một hệ thống bảo hiểm xã hội và chăm sóc sức khỏe được tổ chức chặt chẽ, theo đó:
- Bảo hiểm chăm sóc dài hạn: Được triển khai từ năm 1995, đây là một trong những hệ thống tiên tiến nhất trên thế giới. Bảo hiểm này hỗ trợ người cao tuổi trong chăm sóc sức khỏe tại nhà và tại các cơ sở chăm sóc chuyên biệt.
- Chăm sóc từ xa: Với hệ thống “telemedicine” (chăm sóc y tế từ xa), người cao tuổi có thể tiếp cận các dịch vụ chăm sóc sức khỏe mà không cần di chuyển nhiều.
- Tích hợp dịch vụ y tế và xã hội: Dịch vụ y tế và xã hội được kết hợp một cách đồng bộ, từ chăm sóc cá nhân tại nhà đến các trung tâm điều dưỡng, dưỡng lão.
Thứ hai, thúc đẩy việc làm và đào tạo cho người cao tuổi
Chính phủ Đức thúc đẩy người cao tuổi tham gia thị trường lao động, qua đó duy trì một cuộc sống năng động. Các chính sách chủ yếu liên quan tới vấn đề này là:
- Chính sách hưu trí linh hoạt: Cho phép người cao tuổi vừa nhận lương hưu vừa làm việc bán thời gian;
- Khuyến khích đào tạo: Tổ chức các khóa đào tạo kỹ năng, giúp người cao tuổi dễ dàng chuyển đổi công việc hoặc khởi nghiệp.
Thứ ba, môi trường sống và hạ tầng xã hội
- Nhà ở: Chính phủ Đức khuyến khích xây dựng những khu nhà ở với thiết kế đặc biệt phù hợp cho người cao tuổi, bao gồm: Nhà ở chung cư với các tiện ích như thang máy, lối đi rộng, không có bậc thang, gần các cơ sở y tế; cộng đồng đa thế hệ: Nơi người cao tuổi sống cùng gia đình hoặc các nhóm tuổi khác để hỗ trợ lẫn nhau;
- Hệ thống giao thông công cộng: Xe buýt và tàu điện được thiết kế thân thiện với người cao tuổi, với lối lên xuống thấp, hệ thống báo hiệu rõ ràng.
Thứ tư, các chương trình giải trí và giáo dục suốt đời
Đức cung cấp nhiều chương trình giáo dục và giải trí dành riêng cho người cao tuổi, bao gồm:
- Các khóa học trực tuyến: Giúp người cao tuổi tiếp cận kiến thức mới, từ ngôn ngữ, nghệ thuật đến kỹ năng sống;
- Câu lạc bộ sức khỏe và thể dục: Được xây dựng ở nhiều địa phương để thúc đẩy vận động, duy trì sức khỏe;
- Thư viện và trung tâm cộng đồng: Được mở rộng với nhiều hoạt động kết nối xã hội, nâng cao đời sống tinh thần.
Thứ năm, công nghệ và đổi mới sáng tạo
Đức đã áp dụng nhiều công nghệ để hỗ trợ người cao tuổi, bao gồm: Thiết bị đeo thông minh nhằm theo dõi sức khỏe và cảnh báo nguy cơ; Robot hỗ trợ: Được sử dụng trong các hoạt động chăm sóc cơ bản; ứng dụng di động: Giúp người cao tuổi truy cập thông tin y tế, đặt lịch khám bệnh.
Nhật Bản
Nhật Bản là quốc gia có dân số già hóa nhanh chóng và tỷ lệ người cao tuổi cao nhất thế giới. Theo thống kê từ Bộ Nội vụ và Truyền thông Nhật Bản, tính đến ngày 15/9/2023 số người từ 65 tuổi trở lên là 36,23 triệu người, giảm 10.000 người so với năm trước, đánh dấu mức giảm đầu tiên kể từ năm 1950 khi bắt đầu thực hiện so sánh; tuy nhiên, tỷ trọng trong tổng dân số lại tăng lên mức cao nhất là 29,1%
[7]. Trước thực tế đó, Chính phủ Nhật Bản đã xây dựng hàng loạt chính sách và chương trình để thích ứng với sự thay đổi này, đưa quốc gia trở thành hình mẫu trong phát triển nền kinh tế bạc. Những nét chính trong nền kinh tế bạc của Nhật Bản là:
Thứ nhất, cải thiện chất lượng cuộc sống cho người cao tuổi, trong đó chú trọng:
- Dịch vụ chăm sóc sức khỏe: Chính phủ Nhật Bản đã triển khai hệ thống chăm sóc sức khỏe toàn diện, bao gồm phòng ngừa, điều trị, phục hồi chức năng và chăm sóc tại nhà. Các chương trình chăm sóc dài hạn cung cấp dịch vụ y tế cơ bản cho người cao tuổi, giúp họ dễ dàng tiếp cận hỗ trợ;
- Bảo hiểm xã hội: Hệ thống bảo hiểm chăm sóc dài hạn được giới thiệu nhằm giảm bớt gánh nặng tài chính cho người cao tuổi và gia đình. Chương trình này cung cấp các dịch vụ y tế, chăm sóc tại nhà và hỗ trợ sinh hoạt.
Thứ hai, khuyến khích lao động cao tuổi, tập trung vào việc:
- Nới lỏng tuổi nghỉ hưu: Tuổi nghỉ hưu chính thức được nâng lên 65, với chính sách khuyến khích người lao động lớn tuổi tiếp tục làm việc. Các doanh nghiệp được hỗ trợ để tạo điều kiện làm việc bán thời gian hoặc tự do cho người cao tuổi. Theo thống kê, vào tháng 9/2023, tại Nhật Bản, những người lao động từ 65 tuổi trở lên hiện chiếm hơn 13% lực lượng lao động cả nước, tỷ lệ người cao tuổi có việc làm ở Nhật Bản thuộc hàng cao nhất trong số các nền kinh tế lớn
[8];
- Tận dụng kinh nghiệm: Chính phủ Nhật Bản khuyến khích các công ty thuê người cao tuổi làm cố vấn, tư vấn hoặc trong vai trò giảng dạy. Điều này giúp tận dụng kinh nghiệm của người cao tuổi và mang lại thu nhập cho họ.
Thứ ba, chú trọng phát triển các sản phẩm, dịch vụ phục vụ người cao tuổi
- Công nghệ hỗ trợ: Đầu tư vào phát triển các sản phẩm và dịch vụ hỗ trợ người cao tuổi, từ thiết bị trợ giúp di chuyển đến thiết bị theo dõi sức khỏe thông minh. Công nghệ nhà thông minh, robot hỗ trợ cũng được phát triển để cải thiện chất lượng cuộc sống.
- Dịch vụ chăm sóc: Các trung tâm điều dưỡng, viện dưỡng lão và dịch vụ chăm sóc tại nhà được triển khai rộng rãi, cung cấp dịch vụ hỗ trợ sinh hoạt hàng ngày, chăm sóc sức khỏe và tư vấn tâm lý.
Thứ tư, xây dựng môi trường sống thân thiện với người cao tuổi
- Thiết kế không gian: Chính phủ Nhật Bản cải thiện hạ tầng công cộng, tạo ra không gian thân thiện với người cao tuổi, bao gồm giao thông công cộng, vỉa hè, qua đường, nhà vệ sinh công cộng, khu dân cư có dịch vụ y tế, không có bậc thềm, căn hộ (cửa rộng, hành lang rộng để cáng có thể hoạt động khi khẩn cấp, một mặt bằng, sàn chống trơn, công tắc điện thấp, có nút gọi khẩn cấp (emergency), xe lăn có thể tiếp cận mọi không gian (giường, nhà vệ sinh, bếp…), và công viên dành riêng cho người cao tuổi;
- Dịch vụ công cộng: Tăng cường sự dễ dàng tiếp cận với các dịch vụ công cộng, từ giao thông, an sinh xã hội, đến giáo dục và giải trí. Các khu vực dân cư được thiết kế để người cao tuổi sống gần các cơ sở y tế và dịch vụ thiết yếu. Trong bán kính 500 m có một nhà dưỡng lão.
Thứ năm, giáo dục và hỗ trợ học tập, tập trung vào:
- Kỹ năng mới: Các chương trình giáo dục suốt đời giúp người cao tuổi học những kỹ năng mới và tiếp tục phát triển bản thân, từ tin học đến sở thích cá nhân;
- Tham gia xã hội: Khuyến khích người cao tuổi tham gia vào các hoạt động xã hội, văn hóa và thể thao, giúp họ duy trì sự tích cực, độc lập và kết nối cộng đồng.
Thứ sáu, thúc đẩy du lịch và “văn hóa bạc”:
- Các tour du lịch được thiết kế dành riêng cho người cao tuổi, với dịch vụ hỗ trợ y tế, hướng dẫn viên am hiểu về nhu cầu và sở thích của họ;
- Tổ chức các sự kiện, hoạt động văn hóa phù hợp với sở thích và sức khỏe người cao tuổi, giúp họ giải trí và duy trì sức khỏe tinh thần.
Singapore
Với ngày càng nhiều người cao tuổi và tỷ lệ sinh giảm,
Singapore chuẩn bị chuyển sang một xã hội siêu già hóa trong tương lai gần. Theo xác định của Tổ chức Y tế thế giới, khi tỷ lệ dân số từ 65 tuổi trở lên vượt quá 14% thì xã hội đó được coi là xã hội già hóa. Trong trường hợp của Singapore, tỷ lệ này hiện ở mức 19,1% và dự kiến sẽ tăng lên 25% vào năm 2030. Khi độ tuổi dân số trung bình của
Singapore tiếp tục tăng, điều này mang đến cơ hội cho các doanh nghiệp phục vụ người già. Các công ty khởi nghiệp về chăm sóc sức khỏe sử dụng trí tuệ nhân tạo để chăm sóc bệnh nhân cao tuổi và các nền tảng quản lý hàng hóa phục vụ lối sống cho người cao tuổi đang phát triển mạnh mẽ. Theo Chỉ số nền kinh tế bạc của người già châu Á năm 2020,
Singapore sở hữu tiềm năng thị trường lớn nhất dành cho dân số già trong số 15 quốc gia châu Á - Thái Bình Dương
[9]. Nền kinh tế bạc ở
Singapore dự kiến sẽ đạt giá trị 72,4 tỷ USD vào năm 2025, mang đến cơ hội sinh lời cho các doanh nghiệp trong lĩnh vực này
[10]. Dưới đây là một số chính sách tiêu biểu mà Singapore đã triển khai để phát triển nền kinh tế bạc:
Thứ nhất, chính sách việc làm: Nâng cao tuổi nghỉ hưu; tạo điều kiện việc làm bán thời gian; giảm định kiến, tăng cường nhận thức để doanh nghiệp hiểu rằng người cao tuổi có thể tiếp tục đóng góp tích cực nếu được tạo điều kiện.
Thứ hai, phát triển hệ thống chăm sóc sức khỏe: Chăm sóc y tế toàn diện; hỗ trợ tài chính; phát triển dịch vụ chăm sóc tại nhà và hệ thống telemedicine.
Thứ ba, cải thiện hạ tầng và dịch vụ công cộng: Thiết kế đô thị thân thiện; cải thiện chất lượng dịch vụ giao thông; dễ dàng tiếp cận công nghệ.
Thứ tư, phát triển kinh tế dựa trên kiến thức và công nghệ: Khuyến khích nghiên cứu và sáng tạo; hỗ trợ học tập suốt đời để duy trì sự năng động cho người cao tuổi.
Thứ năm, tăng cường an sinh xã hội: Bảo đảm người cao tuổi có nguồn thu nhập ổn định thông qua hệ thống lương hưu và các chương trình trợ cấp; miễn thuế hoặc giảm thuế cho người cao tuổi trong một số trường hợp đặc biệt.
Thứ sáu, phát triển kinh tế dựa trên du lịch: Phát triển các chương trình du lịch, văn hóa và nghỉ dưỡng phù hợp với nhu cầu của người cao tuổi, tạo ra cơ hội kinh doanh mới
[11].
Trung Quốc
Trung Quốc là quốc gia có số lượng người cao tuổi lớn nhất trên thế giới, với khoảng 254 triệu người trên 60 tuổi tính đến năm 2020, chiếm khoảng 18% dân số. Theo Ủy ban Y tế quốc gia Trung Quốc, 20% trong số 1,4 tỷ dân của Trung Quốc có độ tuổi từ 60 trở lên vào cuối năm 2022. Tỷ lệ này được dự báo sẽ vượt quá 30% trong một thập niên tới
[12]. Sự gia tăng nhóm người cao tuổi cũng như tầng lớp trung lưu đang phát triển của Trung Quốc đang tạo ra nhu cầu ngày càng tăng đối với các sản phẩm và dịch vụ liên quan đến lão hóa, sức khỏe và cuộc sống độc lập. Tiềm năng này có thể giúp phá vỡ tư duy cho rằng dân số già sẽ là gánh nặng cho nền kinh tế và xã hội. Thay vào đó, mức tiêu dùng tăng lên ở nhóm người già là động lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế chất lượng cao.
Trung Quốc là một trong những quốc gia sớm quan tâm, thúc đẩy nền kinh tế bạc; nhiều văn bản với các nội dung ít nhiều liên quan tới nền kinh tế bạc đã được ban hành ở cả cấp trung ương và cấp địa phương
[13]. Quốc vụ viện Trung Quốc đã công bố hướng dẫn cụ thể về phát triển nền kinh tế bạc vào ngày 24/11/2021, với các điểm chính: (i) Thúc đẩy phát triển: Thực thi chính sách hỗ trợ các ngành công nghiệp và dịch vụ đáp ứng nhu cầu của người già; (ii) Nâng cao cơ sở hạ tầng: Cải thiện cơ sở vật chất, dịch vụ, và chăm sóc y tế; (iii) Cung cấp Internet và dịch vụ liên quan: Cung cấp dịch vụ Internet cho người già để tiếp cận thông tin và dịch vụ. Tháng 01/2024, Quốc Vụ viện Trung Quốc đã ban hành văn bản hướng dẫn để củng cố nền kinh tế bạc, đưa ra 26 biện pháp nhằm cải thiện dịch vụ thực phẩm, chăm sóc sức khỏe, giải trí và văn hóa dành cho người già, đồng thời phát triển các cụm công nghiệp sản xuất các sản phẩm dành cho nền kinh tế bạc. Theo đó, Trung Quốc sẽ đẩy nhanh việc phát triển các cơ sở dưỡng lão, tối ưu hóa dịch vụ y tế cho người cao tuổi, bao gồm củng cố các khoa lão nói chung và các bệnh viện y học cổ truyền. Kêu gọi các ngân hàng tăng cường hỗ trợ xây dựng các cơ sở dưỡng lão và các dự án liên quan đến nền kinh tế bạc. Các chính quyền địa phương được phép phát hành trái phiếu đặc biệt để phát triển nền kinh tế bạc… Thực tế hiện tại, quy mô nền kinh tế bạc của Trung Quốc ở mức khoảng bảy nghìn tỷ nhân dân tệ, tương đương 6% GDP của đất nước, và có thể đạt 30 nghìn tỷ nhân dân tệ (4.200 tỷ đô la Mỹ) vào năm 2035, chiếm khoảng 10% GDP
[14]. Trung Quốc cũng chú trọng việc xây dựng thương hiệu nhằm nâng cao hiệu quả kinh tế, khả năng cạnh trạnh của nền kinh tế bạc bằng các giải pháp khác nhau như: hỗ trợ các doanh nghiệp hàng đầu trong nền kinh tế bạc, trưng bày và quảng bá các công nghệ, sản phẩm và dịch vụ tiên tiến của nền kinh tế bạc
[15].Các lĩnh vực liên quan được Trung Quốc tập trung phát triển bao gồm:
Thứ nhất, nhóm sản phẩm và dịch vụ đáp ứng nhu cầu của người cao tuổi, bao gồm:
- Chăm sóc sức khỏe: Đầu tư vào cơ sở vật chất và công nghệ cho các bệnh viện, phòng khám dành riêng cho người cao tuổi.
- Bất động sản: Thiết kế các khu dân cư và trung tâm dưỡng lão dành riêng cho người cao tuổi.
- Giáo dục và đào tạo: Các chương trình học trực tuyến và giáo dục suốt đời.
- Giải trí và vui chơi: Tạo ra các câu lạc bộ và chương trình giải trí phù hợp với người cao tuổi.
Thứ hai, thúc đẩy đầu tư và phát triển, trong đó khuyến khích đầu tư tư nhân phát triển nền kinh tế bạc.
Thứ ba, phát triển cụm công nghiệp sản xuất và mô hình kinh doanh. Trung Quốc đặt mục tiêu thành lập khoảng 10 cụm công nghiệp sản xuất các sản phẩm cho nền kinh tế bạc ở các khu vực chiến lược như Bắc Kinh-Thiên Tân-Hà Bắc, đồng bằng sông Dương Tử, và khu vực vịnh Quảng Đông-Hong Kong-Macao. Đồng thời, phát triển mô hình kinh doanh mới trong lĩnh vực chăm sóc người cao tuổi, tập trung vào sản phẩm đổi mới, chăm sóc sức khỏe thông minh, robot điều dưỡng và dịch vụ chăm sóc tại nhà.
Như vậy, có thể thấy mỗi quốc gia có cách tiếp cận chính sách khác nhau, nhưng có một số kinh nghiệm, bài học điển hình có thể tham khảo, cụ thể là:
- Nhận thức sâu sắc về thách thức và cơ hội đối với nền kinh tế từ sự già hóa dân số;
- Hoạch định chính sách phù hợp, định hướng khuyến khích đầu tư trong các ngành, lĩnh vực ưu tiên phát triển nền kinh tế bạc, phù hợp với nhu cầu của nhóm người cao tuổi của các quốc gia. Các lĩnh vực thường được các quốc gia ưu tiên bao gồm: chăm sóc sức khỏe, giáo dục đào tạo, hạ tầng và bất động sản, công nghệ cao…
2. Một số đề xuất hoàn thiện chính sách, pháp luật cho Việt Nam
Một là,để phát triển toàn diện nền kinh tế bạc tại Việt Nam, trước hết cần có tầm nhìn, nhận thức chính xác, đầy đủ về nhu cầu, động lực, định hướng của nền kinh tế bạc. Sự “trỗi dậy” của nền kinh tế bạc phản ánh sự đánh giá lại của xã hội đối với người cao tuổi; không còn đơn thuần coi người cao tuổi chỉ là gánh nặng kinh tế, mà thay vào đó, ghi nhận sự đóng góp của họ cho xã hội, và là “nguồn lực” phát triển kinh tế với tư cách là người tiêu dùng của “thị trường bạc”
[16]. Sự thay đổi về khái niệm này có lợi cho việc xây dựng một xã hội hài hòa, công bằng, bền vững hơn và là nền tảng để phát triển nền kinh tế bạc. Vì vậy, cần tăng cường hoạt động truyền thông về nền kinh tế bạc đến cộng đồng, doanh nghiệp và cơ quan quản lý nhà nước; chú trọng quảng bá các doanh nghiệp, hoạt động, sản phẩm nền kinh tế bạc điển hình. Các chiến dịch truyền thông tập trung vào
nâng cao nhận thức về vai trò của người cao tuổi trong xã hội, nhấn mạnh giá trị mà họ mang lại và khuyến khích sự tôn trọng, hỗ trợ, tăng cường sự thấu hiểu người cao tuổi, xây dựng khung kiến thức cơ bản về quan tâm, chăm sóc người cao tuổi để đào tạo, tham khảo;
xóa bỏ định kiến, tạo điều kiện cho người cao tuổi tham gia hoạt động xã hội, văn hóa và lao động để thay đổi quan niệm về tuổi già, giúp họ sống khỏe mạnh và chủ động hơn.
Hai là, cầnxác định vai trò của nền kinh tế bạc trong tổng thể nền kinh tế quốc dân,xây dựngchiến lược, kế hoạch hành động cụ thể để kích hoạt và phát triển nền kinh tế bạc; lượng hóa quy mô, tính lan tỏa của nền kinh tế bạc dành cho nhóm người từ 50 tuổi trở lên theo tiêu chuẩn tính toán quốc tế.
Ba là, hoàn thiện chính sách, pháp luật về bảo vệ, chăm sóc và phát huy vai trò của người cao tuổi
[17]. Trong thời gian tới, cần tiếp tục xây dựng các chính sách tổng hợp hướng tới việc cải thiện chất lượng cuộc sống của người cao tuổi, phát huy vai trò của họ trong xã hội và khai thác các tiềm năng kinh tế từ nhóm này. Các chính sách về nền kinh tế bạc nên được xây dựng với nội dung trọng tâm là nhấn mạnh vai trò của nền kinh tế bạc, định hướng các lĩnh vực ưu tiên phát triển, các chính sách hỗ trợ đối với nền kinh tế bạc tại Việt Nam. Những chính sách này không chỉ giúp cải thiện cuộc sống của người cao tuổi mà còn tạo điều kiện cho doanh nghiệp tiếp cận một thị trường tiềm năng để nền kinh tế bạc trở thành động lực mới cho sự phát triển của Việt Nam.
Hiện nay, Việt Nam đã có nhiều quy định pháp luật liên quan tới người cao tuổi, thể hiện sự quan tâm, chăm sóc, phát huy vai trò của người cao tuổi trong đời sống xã hội. Khoản 3 Điều 37 Hiến pháp năm 2013 quy định: “Người cao tuổi được Nhà nước, gia đình và xã hội chăm sóc và phát huy vai trò trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc”. Trên cơ sở đó, cần tiếp tục hoàn thiện pháp luật làm cơ sở, hành lang pháp lý cho sự phát triển của nền kinh tế bạc, như hoàn thiện pháp luật khuyến khích tư nhân, cộng đồng tham gia đầu tư xây dựng, vận hành các trung tâm điều dưỡng, dưỡng lão; xây dựng chính sách, pháp luật về visa hưu trí, với các điều kiện như độ tuổi tối thiểu, chứng minh tình trạng nghỉ hưu chính thức tại quốc gia của mình; có thu nhập hoặc khoản tiết kiệm ổn định để bảo đảm tự trang trải cuộc sống mà không cần làm việc tại quốc gia định cư; có bảo hiểm y tế hợp lệ trong suốt thời gian cư trú; nghiên cứu xây dựng mới hoặc hoàn thiện pháp luật về bảo hiểm chăm sóc dưỡng lão ngoài bảo hiểm y tế để bảo đảm mọi người cao tuổi đều có khả năng tiếp cận dịch vụ chăm sóc sức khỏe chất lượng.
Bốn là, định hướng hoàn thiện chính sách, pháp luật về lĩnh vực quy hoạch và xây dựng:
- Hoàn thiện và xây dựng tiêu chuẩn, quy chuẩn thiết kế, định mức dự toán cho các sản phẩm và dịch vụ phục vụ người cao tuổi, chú ý các tiêu chuẩn, quy chuẩn thiết kế công trình và phương tiện công cộng như vỉa hè, lối đi, phương tiện giao thông, nhà ở, bãi biển, công viên… phù hợp, thân thiện với người cao tuổi, người tàn tật;
- Quy hoạch xây dựng các trung tâm điều dưỡng, dưỡng lão khắp cả nước như quy hoạch trường học, cơ sở y tế để bảo đảm khả năng tiếp cận dịch vụ chăm sóc của người cao tuổi; phát triển hệ thống dịch vụ chăm sóc người cao tuổi;
- Thiết kế theo chuẩn quốc tế với cơ sở vật chất hiện đại, bao gồm phòng vật lý trị liệu, khu vực giải trí, phòng khám bệnh và không gian xanh cho hoạt động ngoài trời; đa dạng mô hình: Thiết kế mô hình phù hợp với nhu cầu của từng nhóm người cao tuổi, từ những người có khả năng sống độc lập đến những người cần chăm sóc đặc biệt;
- Chăm sóc tại nhà và từ xa: Khuyến khích phát triển dịch vụ chăm sóc sức khỏe tại nhà và từ xa, như telemedicine, giúp người cao tuổi tiếp cận dịch vụ tư vấn y tế mà không phải đi lại;
- Đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, đáp ứng nhu cầu chăm sóc người cao tuổi.
Năm là, khuyến khích đầu tư vào công nghệ và đổi mới sáng tạo:
- Thúc đẩy ứng dụng công nghệ thông minh: Khuyến khích doanh nghiệp phát triển các giải pháp công nghệ thông minh như thiết bị theo dõi sức khỏe, hệ thống an ninh, nhà thông minh để giúp người cao tuổi duy trì cuộc sống độc lập, phát triển phương tiện giao thông như xe điện với thiết kế thông minh phù hợp với người cao tuổi, người khuyết tật...
- Hỗ trợ các công ty khởi nghiệp: Cung cấp vốn và hỗ trợ kỹ thuật cho các công ty khởi nghiệp tập trung vào việc phát triển công nghệ dành riêng cho người cao tuổi, như các nền tảng chăm sóc sức khỏe trực tuyến hoặc các hệ thống học trực tuyến; nhận chuyển nhượng các phát minh, sáng chế trong lĩnh vực phục vụ người cao tuổi;
- Sản xuất: Nghiên cứu thành lập các khu công nghiệp chuyên sâu sản xuất các sản phẩm phục vụ nền kinh tế bạc như mô hình Trung Quốc.
Sáu là,có chính sách khuyến khích đầu tư vào giáo dục, đào tạo cho người cao tuổi
- Đào tạo kỹ năng kỹ thuật số: Tổ chức các khóa học giúp người cao tuổi làm quen với công nghệ số như điện thoại thông minh, máy tính bảng, hay sử dụng các nền tảng trực tuyến. Điều này không chỉ giúp người cao tuổi duy trì kết nối với xã hội mà còn giúp họ tiếp cận các dịch vụ y tế, mua sắm trực tuyến, và giáo dục;
- Đào tạo, tập huấn về chương trình sức khỏe và dinh dưỡng: Tổ chức các buổi tập huấn, hội thảo về chăm sóc sức khỏe, chế độ dinh dưỡng phù hợp. Điều này giúp người cao tuổi hiểu rõ về những thay đổi sinh học và cách thức duy trì sức khỏe trong giai đoạn này của cuộc đời;
- Khóa học nâng cao kỹ năng xã hội: Khuyến khích tham gia các khóa học phát triển kỹ năng xã hội như giao tiếp, lãnh đạo, hoặc ngoại ngữ. Điều này sẽ giúp người cao tuổi duy trì kết nối với xã hội, đồng thời mở ra cơ hội tìm kiếm việc làm bán thời gian hoặc tư vấn;
- Xây dựng chính sách để tạo điều kiện cho người cao tuổi học tập suốt đời.
Bảy là, tăng cường cơ hội việc làm phù hợp cho người cao tuổi. Theo đó, cần tạo cơ hội lao động linh hoạt, khuyến khích khởi nghiệp cho người cao tuổi, cụ thể là:
- Làm việc bán thời gian và làm việc từ xa: Tận dụng kinh nghiệm và kỹ năng của người cao tuổi bằng cách cung cấp việc làm bán thời gian hoặc làm việc từ xa, giúp họ tiếp tục tham gia vào thị trường lao động mà không bị áp lực về thời gian;
- Hỗ trợ tư vấn và huấn luyện: Người cao tuổi có thể đóng vai trò tư vấn cho thế hệ trẻ hoặc tham gia huấn luyện đào tạo kỹ năng. Điều này không chỉ giúp sử dụng hiệu quả kiến thức của họ mà còn giảm thiểu khoảng cách giữa các thế hệ trong môi trường làm việc;
- Hỗ trợ khởi nghiệp: Khuyến khích người cao tuổi bắt đầu các doanh nghiệp nhỏ hoặc hoạt động tự do, hỗ trợ vốn và tư vấn về kế hoạch kinh doanh.
Tóm lại, “nền kinh tế bạc” không chỉ phản ánh xu hướng xã hội thay đổi cơ cấu dân số mà còn là động lực quan trọng trong việc thúc đẩy đổi mới nền kinh tế và tiến bộ xã hội. Với tiến bộ công nghệ và những thay đổi trong khái niệm tiêu dùng, nền kinh tế bạc thúc đẩy Nhà nước và doanh nghiệp suy nghĩ lại về các mô hình dịch vụ và đáp ứng nhu cầu tinh tế của người cao tuổi, thông qua đổi mới công nghệ và tối ưu hóa dịch vụ, từ đó cải thiện chất lượng cuộc sống của người cao tuổi, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và phát triển bền vững. Trước những thách thức và cơ hội từ xu hướng già hóa dân số nhanh chóng, Việt Nam cần tham khảo kinh nghiệm từ các quốc gia khác để xây dựng chính sách, pháp luật hỗ trợ phát triển nền kinh tế bạc, đồng thời tận dụng nguồn lực người cao tuổi trong sự phát triển chung của xã hội■
[1] European Commission (2018),
The Silver Economy, https://publications.europa.eu/.
[2] Silver economy, older people will be the engine of the economy of the future,
[11] https://theindependent.sg/sgs-elderly-1-5-population-by-2026-presents-lucrative-business-opportunities-in-longevity-economy/.
[12] https://thesaigontimes.vn/trung-quoc-thuc-day-nen-kinh-te-bac-de-hoa-giai-thach-thuc-dan-so-gia/.
[17] Nghị quyết số 21-NQ/TW ngày 25/10/2017 của Hội nghị lần thứ sáu Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về công tác dân số trong tình hình mới.