Tóm tắt: Nội dung bài viết phân tích các quy định về bảo đảm quyền sở hữu tài sản đối với nhà đầu tư theo pháp luật Việt Nam và kinh nghiệm quốc tế. Qua nghiên cứu cho thấy, những cam kết hay ưu đãi đầu tư dù có hấp dẫn đến đâu thì cũng có thể trở nên vô nghĩa nếu tài sản của nhà đầu tư bị quốc hữu hóa hoặc bị tịch thu một cách tùy tiện bằng các biện pháp hành chính. Về bản chất, các biện pháp bảo đảm đầu tư trong pháp luật là những biện pháp mang tính phi thương mại của Nhà nước nhằm bảo vệ nhà đầu tư. Do đó, mỗi nhà đầu tư cần chủ động đo lường và kiểm soát rủi ro để hạn chế những tổn thất trong quá trình đầu tư kinh doanh. Ngược lại, Nhà nước cũng phải xây dựng và bảo đảm về một khung pháp lý minh bạch, ổn định, nhất quán để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của nhà đầu tư.
Từ khoá: Tài sản;quyền sở hữu;nhà đầu tư; Nhà nước;bảo đảm.
Abstract:This article provides an analysis of the regulations on ensuring property rights for investors within Vietnam’s legal framework and international experiences. In reality, prior investment commitments or incentives granted to investors can become meaningless if their assets are nationalized or arbitrarily confiscated through administrative measures. Essentially, investment protection measures in the law are non-commercial state measures for investors. Therefore, each investor needs to assess and control risks to minimize losses and disadvantages in the investment process. Conversely, the State must also provide a transparent and stable legal framework to protect the legitimate rights and interests of investors.
Keywords: Assets; property rights; investors; State; guarantee.

Ảnh minh họa: Nguồn internet
1. Nguyên tắc bảo đảm quyền sở hữu tài sản đối với nhà đầu tư
Ngay từ năm 1987, pháp luật đầu tư Việt Nam đã quy định rõ: “Nhà nước Việt Nam bảo đảm quyền sở hữu đối với vốn đầu tư và các quyền lợi khác của các tổ chức, cá nhân...”
[1]. Trong quá trình đầu tư kinh doanh, vốn và tài sản của các tổ chức, cá nhân về nguyên tắc sẽ “không bị trưng dụng hoặc tịch thu bằng biện pháp hành chính, không bị quốc hữu hoá”
[2]. Tiếp theo đó, trong Bộ luật Dân sự năm 1995 của Việt Nam cũng nêu rõ: “Quyền sở hữu, các quyền khác đối với tài sản của các chủ thể thuộc các hình thức sở hữu được tôn trọng và được pháp luật bảo vệ”
[3]. Nội dung về bảo vệ quyền sở hữu vẫn luôn được quy định và nhất quán theo hướng: “không ai có thể bị hạn chế, bị tước đoạt trái luật quyền sở hữu, quyền khác đối với tài sản”
[4]. Ngoài ra, trong Hiệp định Thương mại của Việt Nam với đối tác cũng nêu rõ nhà đầu tư “sẽ không bị tước quyền sở hữu, quốc hữu hóa hoặc áp dụng bất kỳ biện pháp nào khác, trực tiếp hoặc gián tiếp, có tác dụng như tước quyền sở hữu hoặc quốc hữu hóa”
[5].
Hiến pháp Việt Nam năm 2013 khẳng định: “Mọi người có quyền sở hữu về thu nhập hợp pháp, của cải để dành, nhà ở, tư liệu sinh hoạt, tư liệu sản xuất, phần vốn góp trong doanh nghiệp hoặc trong các tổ chức kinh tế khác; Quyền sở hữu tư nhân… được pháp luật bảo hộ”
[6]. Kế đến, các đạo luật khác đã tiếp tục quy định và diễn giải minh thị hơn về quyền sở hữu tài sản của công dân, nhà đầu tư. Trong đó, Luật Đầu tư năm 2020 khẳng định: “tài sản hợp pháp của nhà đầu tư không bị quốc hữu hóa hoặc bị tịch thu bằng biện pháp hành chính”
[7].
Có thể thấy, các quy định này đã được luật hoá theo nguyên tắc “tài sản hợp pháp của nhà đầu tư được thừa nhận và bảo vệ trong mọi trường hợp”, theo đó, Nhà nước có trách nhiệm tôn trọng và bảo đảm nguyên tắc này được thực thi. Các quy định này là nền tảng pháp lý quan trọng và cần thiết để mang lại sự an tâm, an toàn, vững tin cho nhà đầu tư trong quá trình đầu tư kinh doanh tại Việt Nam.
2. Nội dung bảo đảm quyền sở hữu tài sản đối với nhà đầu tư
2.1. Quy định của pháp luật Việt Nam
Quyền sở hữu tài sản của nhà đầu tư được pháp luật bảo hộ theo hướng “tài sản hợp pháp của nhà đầu tư không bị quốc hữu hóa hoặc bị tịch thu bằng biện pháp hành chính”
[8]. Quy định này cho thấy:
Thứ nhất, đối tượng bảo vệ và cam kết bảo vệ của Nhà nước đối với nhà đầu tư chính là “tài sản hợp pháp”. Tài sản hợp pháp của nhà đầu tư là tài sản được tạo ra và xác lập quyền sở hữu phù hợp với quy định của pháp luật Việt Nam. Ví dụ, nhà xưởng của nhà đầu tư được xây dựng và vận hành khi đáp ứng các điều kiện cơ bản như được xây dựng trên đất phù hợp quy hoạch, được cấp có thẩm quyền cấp phép, đáp ứng các quy định về phòng cháy, chữa cháy, môi trường, an toàn lao động và các quy định khác có liên quan. Khi đáp ứng các điều kiện cơ bản đó, nhà xưởng này mới được xem là tài sản hợp pháp của nhà đầu tư.
Thứ hai, tài sản của nhà đầu tư sẽ không bị quốc hữu hóa. Quy định này đồng nghĩa với việc tài sản của nhà đầu tư sẽ luôn thuộc về nhà đầu tư, theo đó họ có quyền duy trì, kiểm soát và định đoạt quyền sở hữu của mình đối với tài sản đã và đang đầu tư. Điều này giúp tạo sự an tâm cho các nhà đầu tư, khuyến khích họ mở rộng quy mô và nâng cao hiệu quả kinh doanh.
Thứ ba, tài sản của nhà đầu tư sẽ không bị tịch thu bằng biện pháp hành chính. Quy định này có nghĩa rằng, để tịch thu tài sản của nhà đầu tư, Nhà nước phải tuân theo quy trình pháp lý rõ ràng và không thể thực hiện một cách tùy tiện. Theo đó, bất kỳ hành động tịch thu tài sản của nhà đầu tư “phải tuân theo quy định của pháp luật và quy trình pháp lý nghiêm ngặt” nhằm bảo đảm rằng quyền lợi của nhà đầu tư được bảo vệ, tránh khỏi các biện pháp hành chính tuỳ tiện hoặc bất lợi cho nhà đầu tư.
Các chính sách và luật pháp theo thời gian có thể thay đổi và điều này đặt ra một thách thức cho nhà đầu tư, đặc biệt là đối với những dự án đầu tư kéo dài trong nhiều thập niên. Vì thế, quy định về “bảo đảm đầu tư kinh doanh trong trường hợp thay đổi pháp luật”
[9] là một quy định mang tính dự liệu, nhưng thể hiện sự nhất quán trong bảo vệ lợi ích chính đáng và lâu dài cho nhà đầu tư.
Trong thực tế, tại Việt Nam trước đây đã tồn tại vấn đề quốc hữu hóa, nhưng quy định tại thời điểm đó đã sử dụng một thuật ngữ khác có bản chất tương đương quốc hữu hóa, đó là thuật ngữ “trưng thu”. Theo Sắc lệnh của Chủ tịch Chính phủ lâm thời Việt Nam ngày 29/8/1945, “trưng thu” được xem là biện pháp hành chính đơn phương, được thực hiện bởi cơ quan nhà nước, nhằm lấy tài sản của tư nhân để sử dụng vào việc công hoặc sung công tài sản trong trường hợp tài sản đó vô chủ hoặc tồn tại không hợp pháp. Cụ thể hơn, trong Sắc lệnh đã đề cập đến trưng thu có nội dung, “khi nhà chức trách trưng thu vật gì, nghĩa là sung công quyền sở hữu vật đó” và theo đó, tư nhân có trách nhiệm “bắt buộc phải nhường hẳn vật ấy cho Nhà nước”. Tuy nhiên, trong nền kinh tế thị trường hiện nay, hành động quốc hữu hóa tài sản của nhà đầu tư và công dân không còn được thừa nhận là đặc quyền của Nhà nước. Theo đó, Nhà nước không được phép quốc hữu hóa dưới bất kỳ hình thức nào đối với tài sản của nhà đầu tư. Vì thế, có thể khẳng định rằng, sự chắc chắn và bảo đảm không quốc hữu hóa “là sự cam kết pháp lý nhất quán, rõ ràng của Chính phủ Việt Nam” đối với mọi nhà đầu tư.
Nghiên cứu thống kê cho thấy, khung pháp lý về bảo vệ nhà đầu tư được ghi nhận ở nhiều văn bản pháp luật khác nhau và Luật Đầu tư “chỉ là một phần”
[10] trong hệ thống này. Bên cạnh đó, tùy thuộc vào đặc điểm pháp lý, quy định về bảo vệ nhà đầu tư có thể được quy định trong các đạo luật khác như Luật Thuế, Luật Doanh nghiệp, Luật Thương mại, Luật Tài chính, Luật Bảo hiểm và Luật Chứng khoán... Những quy định trong Luật Đầu tư “được áp dụng đối với nhà đầu tư và cơ quan, tổ chức, cá nhân liên quan đến hoạt động đầu tư kinh doanh”
[11]. Mặt khác, về nguyên tắc, hoạt động đầu tư kinh doanh trên lãnh thổ Việt Nam phải được “thực hiện theo quy định của Luật Đầu tư và luật khác có liên quan”
[12].
2.2. Quy định pháp luật của một số quốc gia
Bảo vệ quyền sở hữu tài sản của nhà đầu tư được xem là một phần trong nội hàm của nguyên tắc đối xử công bằng và hợp lý (Fair and Equitable Treatment - FET) trong Luật Đầu tư quốc tế. Nguyên tắc này bao gồm các khía cạnh chính như minh bạch, không tùy tiện và không phân biệt đối xử, bảo vệ kỳ vọng hợp pháp, quyền được tiếp cận công lý và thủ tục pháp lý, tôn trọng các cam kết và thỏa thuận, bảo vệ chống lại hành vi cưỡng chế và ép buộc. Theo Tổ chức Hợp tác và phát triển kinh tế (OECD), nguyên tắc FET được coi là một tiêu chuẩn “tuyệt đối và không phụ thuộc vào hoàn cảnh”
[13], nghĩa là việc đánh giá sự tuân thủ nguyên tắc này không dựa trên các điều kiện cụ thể của từng trường hợp mà phải dựa trên các tiêu chuẩn quốc tế đã được thừa nhận rộng rãi.
Thực tế tại Trung Quốc cho thấy, Luật Đầu tư nước ngoài được xây dựng “nhằm tiếp tục mở rộng, mở cửa, thúc đẩy mạnh mẽ đầu tư nước ngoài, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của nhà đầu tư nước ngoài, chuẩn hóa quản lý đầu tư nước ngoài...”
[14]. Pháp luật đầu tư của Trung Quốc nêu rõ “Nhà nước không được tước quyền sở hữu bất kỳ khoản đầu tư nào của nhà đầu tư”
[15], trong trường hợp đặc biệt, Nhà nước có thể trưng thu hoặc trưng dụng khoản đầu tư của nhà đầu tư nước ngoài “vì lợi ích công cộng theo quy định của pháp luật”
[16]. Việc trưng thu, trưng dụng sẽ được thực hiện theo thủ tục luật định và “được bồi thường công bằng, hợp lý một cách kịp thời”
[17].
Hoặc, các nước Ả Rập đã ban hành Luật khuyến khích hoặc điều tiết đầu tư, trong đó nghiên cứu cho thấy,
“phần lớn pháp luật quy định sự bảo đảm đối với các khoản đầu tư vốn nước ngoài chống lại việc quốc hữu hóa, tịch thu hoặc sung công, trừ khi vì lý do lợi ích công cộng...”[18].
Tại Cộng hòa Pháp, Điều 545 Bộ luật Dân sự nêu rõ, “Không ai có thể bị buộc phải chuyển nhượng tài sản của mình, trừ khi vì lý do lợi ích công cộng...”
[19] và điều này chỉ có thể xảy ra khi có “một sự bồi thường công bằng và trước đó”
[20]. Điều này bảo đảm rằng, hành động tước quyền sở hữu tài sản của công dân, nhà đầu tư chỉ được thực hiện khi thật sự cần thiết vì lợi ích công cộng và chủ thể bị ảnh hưởng sẽ được bồi thường thích đáng, đầy đủ và kịp thời cho tài sản của mình.
Các quy định trên có thể khác nhau về không gian, nhưng nó đều phù hợp với Hiệp định Thương mại tự do (FTA) thế hệ mới trong giai đoạn hiện nay. Cụ thể, trong Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) nêu rõ: “không Bên nào tước quyền sở hữu hoặc quốc hữu hoá đầu tư theo Hiệp định này bất kể là trực tiếp hoặc gián tiếp thông qua các biện pháp tương đương với tước quyền sở hữu hoặc quốc hữu hoá”
[21].
Như đã nêu, bảo vệ tài sản quyền sở hữu cho nhà đầu tư, đặc biệt là nhà đầu tư nước ngoài là một nguyên tắc cơ bản không chỉ có giá trị pháp lý mà nó còn có ý nghĩa kinh tế nhất định. Thực tế cho thấy, nhiều quốc gia tăng trưởng là nhờ vào nguồn vốn đầu tư nước ngoài và “đầu tư nước ngoài là một trong những động lực chính cho tăng trưởng kinh tế”
[22] nhưng nhà đầu tư nước ngoài cũng rất nhạy cảm “với môi trường đầu tư, sẵn sàng rút vốn nếu lo ngại về khả năng sinh lời”
[23]. Vì thế, để bảo vệ nhà đầu tư và không làm ảnh hưởng đến môi trường đầu tư, trong trường hợp đặc biệt thì quốc gia sở tại chỉ có thể tước đoạt quyền sở hữu của nhà đầu tư “với điều kiện hành động này phù hợp với pháp luật quốc tế”
[24]. Sở dĩ, điều này tối quan trọng bởi bản chất của hành vi quốc hữu hóa là “là sự chuyển giao bắt buộc cho Nhà nước thông qua cơ chế lập pháp hoặc hành pháp”
[25], theo đó, quyền sở hữu tài sản của nhà đầu tư sẽ bị phương hại, ảnh hưởng tiêu cực đến quyền và lợi ích hợp pháp của họ. Quốc hữu hoá có thể
“hô biến” tài sản của nhà đầu tư trở về trạng thái
“trắng tay” hoặc
“mất tất cả” nếu nó được thực hiện một cách tuỳ tiện, không có căn cứ pháp lý.
Sâu xa hơn, tình huống này không chỉ ảnh hưởng đến nhà đầu tư mà còn ảnh hưởng đến mối quan hệ với quốc gia có nhà đầu tư bị ảnh hưởng. Chẳng hạn, “trong thập niên 1930, Chính phủ Bolivia và Mexico đã quốc hữu hóa ngành công nghiệp dầu mỏ của họ, vì thế căng thẳng cũng bắt đầu xuất hiện trong mối quan hệ của họ với Chính phủ và các công ty Hoa Kỳ”
[26]. Hoặc, cho đến những năm 1950 thì việc quốc hữu hóa tài sản nước ngoài và tước bỏ các quyền theo hợp đồng “một lần nữa lại trở nên nổi bật thông qua các biện pháp ở Iran, Ai Cập, Indonesia…”
[27]. Do đó, “hiện nay các quốc gia ít áp dụng biện pháp này”
[28] vì không muốn làm cho môi trường đầu tư của mình có tính rủi ro cao, kém hấp dẫn và không thân thiện với nhà đầu tư.
3. Ngoại lệ của nguyên tắc bảo đảm quyền sở hữu
Về bản chất, quốc hữu hoá là quá trình chuyển quyền sở hữu và quản lý tài sản từ tư nhân hoặc các đối tượng khác sang Chính phủ hoặc tổ chức quốc doanh vì lợi ích công cộng. Mục tiêu của quốc hữu hoá “là đưa các tập đoàn kinh tế thiết yếu phục vụ cộng đồng”
[29], hoặc “khi các công ty mất khả năng thanh toán, Chính phủ có thể can thiệp bằng các gói cứu trợ hoặc quốc hữu hóa”
[30]. Do đó, về nguyên tắc, ngoại lệ được đặt ra khi và chỉ khi nhằm mục đích công cộng, lợi ích quốc gia.
Theo pháp luật đầu tư Việt Nam,trường hợp đặc biệt vì lợi ích công cộng thì Nhà nước không quốc hữu hoá mà chỉ thực hiện biện pháp “trưng mua” hoặc “trưng dụng” tài sản của nhà đầu tư. Cụ thể “trưng mua” là việc Nhà nước mua tài sản của tổ chức
[31] cá nhân, hộ gia đình thông qua quyết định hành chính. Trong khi đó, “trưng dụng” tài sản “là việc Nhà nước sử dụng có thời hạn tài sản của tổ chức, cá nhân, hộ gia đình, cộng đồng dân cư thông qua quyết định hành chính…”
[32]. Hoạt động trưng mua, trưng dụng tài sản chỉ được thực hiện khi Nhà nước có nhu cầu sử dụng tài sản mà các biện pháp huy động khác không thực hiện được và phải dựa trên nguyên tắc “trong trường hợp thật cần thiết vì lý do quốc phòng, an ninh và vì lợi ích quốc gia… phải bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp của người có tài sản và không phân biệt đối xử”
[33].
Tổng quát hơn, chúng ta có thể thấy nội dung này được quy định nhất quán trong Hiến pháp, Luật Đầu tư, Luật Doanh nghiệp, Bộ luật Dân sự… và các văn bản khác có liên quan. Cụ thể, Hiến pháp năm 2013 (khoản 3 Điều 32), Bộ luật Dân sự năm 2015 (khoản 2 Điều 163), Luật Đầu tư năm 2020 (khoản 2 Điều 10). Tất cả các trường hợp trên, nội dung quy định cho thấy đều phải thoả mãn yếu tố “thật sự cần thiết vì lý do quốc phòng, an ninh; vì lợi ích quốc gia, tình trạng khẩn cấp, phòng chống thiên tai” và Nhà nước phải có trách nhiệm “bồi thường tài sản của tổ chức, cá nhân theo giá thị trường”.
Ngoại lệ liên quan đến quốc hữu hoá đã được đề cập trong phần Tuyên bố của Nghị quyết 1803 năm 1962 của Đại hội đồng Liên hợp quốc. Trong đó, quy định nêu rõ: “Việc quốc hữu hóa, sung công hay trưng dụng cần dựa trên những cơ sở thực tế hoặc lý do sử dụng vào mục đích công, an ninh hoặc lợi ích quốc gia được xem là quan trọng hơn lợi ích cá nhân hoặc tư nhân, cả đối với đối tượng trong nước và nước ngoài”
[34]. Hoặc, Hiệp định CPTPP cũng đặt ra một số ngoại lệ liên quan đến trường hợp “vì mục đích công cộng; trên cơ sở không phân biệt đối xử; thực hiện bồi thường nhanh chóng, thỏa đáng…; và phù hợp với thủ tục pháp luật”
[35].
Không những vậy, trong các Hiệp định đầu tư cũng nêu rõ, cụ thể tại khoản 2 Điều 2.7 Chương 2 của Hiệp định Bảo hộ đầu tư Việt Nam – Liên minh châu Âu (EVIPA) quy định: “Khoản bồi thường… phải bằng giá trị thực của khoản đầu tư được bảo hộ ngay trước khi bị trưng dụng hoặc trước khi nguy cơ bị trưng dụng trở nên công khai, tuỳ trường hợp nào xảy ra trước, các khoản bồi thường như vậy cũng bao gồm cả lãi suất tính theo lãi suất thương mại thông thường cho tới ngày thanh toán”. Hoặc, “…khoản bồi thường sẽ không thấp hơn giá thị trường vào ngày tước quyền sở hữu, cộng với lãi tính theo lãi suất thương mại hợp lý cho đồng tiền đó, tính từ ngày tước quyền sở hữu đến ngày thanh toán”
[36]. Từ năm 1962, Điều 4 Nghị quyết 1803 của Đại hội đồng Liên hợp quốc cũng quy định: “...người sở hữu sẽ được bồi thường thỏa đáng, phù hợp với những quy định hiện hành ở quốc gia áp dụng các biện pháp trên nhằm thực hiện chủ quyền quốc gia và phù hợp với Luật Quốc tế”
[37].
Hoặc, trong trường hợp Singapore là Bên tước quyền sở hữu “bất kỳ biện pháp tước quyền sở hữu trực tiếp liên quan đến đất đai sẽ nhằm mục đích và thanh toán bồi thường theo giá thị trường… xác định bồi thường không kém thuận lợi hơn cho nhà đầu tư đối với đầu tư bị tước đoạt so với phương pháp xác định bồi thường theo pháp luật trong nước được áp dụng tại thời điểm có hiệu lực của Hiệp định này đối với Singapore”
[38].
Theo báo cáo của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ “từ năm 1960 đến giữa năm 1974, đã có 875 trường hợp quốc hữu hóa diễn ra ở 62 quốc gia”
[39]. Điều này cho thấy, vấn đề quốc hữu hoá từng diễn ra và trở thành vấn đề tranh luận trong quan hệ giữa Nhà nước và nhà đầu tư, thậm chí là giữa các quốc gia. Mặc dù, pháp luật quốc tế có công nhận rằng “các quốc gia có quyền quốc hữu hóa hoặc sung công”
[40] nhưng quyền đó phải tuân theo các điều kiện nhất định. Đồng thời với đó là việc bồi thường cho chủ sở hữu, nhà đầu tư phải được tiến hành một cách công bằng và nhanh chóng. Tuy nhiên, nếu quốc gia thực hiện quốc hữu hóa không tiến hành việc bồi thường, hoặc việc bồi thường không đáp ứng được các điều kiện nhất định thì hành động quốc hữu hóa, sung công đó sẽ gây thiệt hại cho các bên. Bởi rằng, Chính phủ có thể mất uy tín, nhà đầu tư thì mất tài sản, vì thế nhà đầu tư xem đây là “một trong những rủi ro pháp lý, chính trị”
[41] liên quan trong quá trình đầu tư. Không những vậy, các nhà đầu tư nước ngoài tiềm năng hoặc hiện hữu thường coi “sự hiện diện của rủi ro này là yếu tố chính dẫn đến quyết định không đầu tư”
[42]. Điều này hoàn toàn có cơ sở bởi bất kỳ các cam kết, ưu đãi nào mà nhà đầu tư đã nhận được trước đó đều “có thể trở nên vô nghĩa” và không quan trọng nếu tài sản đầu tư của họ bị quốc hữu hoá, hoặc sung công.
Quá trình quốc hữu hoá cần được thực hiện cân nhắc, minh bạch và theo đúng quy trình pháp luật để bảo đảm tính công bằng và không gây tổn hại không cần thiết cho tư nhân và nền kinh tế tổng thể. Sở dĩ điều này quan trọng bởi thực tế đã tồn tại trước đây tại nước Anh khi hiệu quả của quốc hữu hoá bị hoài nghi rằng đây là “phương tiện để đạt được mục tiêu hay phương tiện của sản xuất?”
[43] mà theo nhìn nhận là nó mang nặng yếu tố chính trị tại Anh thời điểm đó.
4. Tác động, ảnh hưởng khác đến quyền tài sản của nhà đầu tư
Các quốc gia đều có thể có chính sách điều chỉnh hoạt động đầu tư kinh doanh đối với nhà đầu tư. Các chính sách này “có nội dung và mức độ bảo hộ, ưu đãi khác nhau, phụ thuộc vào chính sách kinh tế, văn hoá kinh doanh và bối cảnh lịch sử của quốc gia nhận đầu tư”
[44]. Tuy không phải là quốc hữu hoá, “nhưng quyền sở hữu tài sản của một nhà đầu tư có thể bị ảnh hưởng bởi nhiều yếu tố khác nhau, bao gồm cả yếu tố thương mại và phi thương mại”
[45].
Các yếu tố này có thể bao gồm khung pháp lý của nước sở tại, cách thức thực thi của Tòa án, động thái của các quan hệ kinh tế - chính trị, hoặc rủi ro thị trường mà nhà đầu tư tham gia. Một số trường hợp cụ thể cho thấy, mặc dù Chính phủ nước sở tại không quốc hữu hóa tài sản của nhà đầu tư, nhưng “các biện pháp hạn chế hoặc yêu cầu của chính quyền đối với việc sử dụng hàng hóa và dịch vụ đã được đưa ra”
[46]. Hoặc, quy định về bảo vệ sức khỏe cộng đồng hoặc lợi ích công cộng được ban hành sau quá trình đầu tư “có thể trực tiếp làm giảm sút hoạt động kinh doanh của nhà đầu tư”
[47]. Do đó, nguồn vốn đầu tư, tài sản và quyền sở hữu của nhà đầu tư ít nhiều bị ảnh hưởng và tác động.
Mặt khác, nguyên tắc bồi thường là một phần không thể tách rời của khái niệm quốc hữu hóa. Quốc hữu hóa chỉ có thể đạt được thông qua việc bồi thường, thể hiện giá trị tài sản hoặc các quyền mà cá nhân bị chiếm hữu và phải được thanh toán trước khi bị chiếm hữu. Quy tắc thiết yếu này đã được hầu hết các nước phương Tây công nhận, chẳng hạn trong nghiên cứu của Rudolf Dolzer và Christoph Schreuer trong cuốn “Nguyên tắc của Luật Đầu tư quốc tế” thì “việc bồi thường công bằng và kịp thời là một tiêu chuẩn quốc tế được thừa nhận rộng rãi”
[48]. Tuy nhiên, việc xem xét các hoạt động quốc hữu hóa khác nhau diễn ra sau Thế chiến thứ hai cho thấy, mặc dù nguyên tắc bồi thường được tôn trọng, nhưng trên thực tế, việc bồi thường không phải lúc nào cũng được thực hiện trước và hiếm khi đầy đủ. Chính vì vậy, trong tuyên bố của Liên hợp quốc năm 1964 nêu rõ: “Trong bất kỳ trường hợp nào mà vấn đề bồi thường gây ra tranh cãi thì quyền tài phán quốc gia của quốc gia thực hiện các biện pháp đó sẽ không còn hiệu lực… việc giải quyết tranh chấp phải được giải quyết thông qua trọng tài hoặc xét xử quốc tế”
[49]. Và mục tiêu của giải quyết tranh chấp “giữa nhà đầu tư và Nhà nước là phi chính trị hóa các tranh chấp đầu tư và đưa chúng vào phạm vi trọng tài quốc tế”
[50].
Trước thực trạng này, Toà án châu Âu đã đưa ra các khuyến nghị có liên quan rằng, các hành vi gây phương hại đến quyền tài sản của nhà đầu tư cần “phải có cơ sở pháp lý quốc gia hợp lý”
[51]. Không những vậy, trong trường hợp cần thiết thì Toà án còn cần phải “tiến hành xem xét kỹ lưỡng từng trường hợp cụ thể và xem xét cẩn thận cách diễn đạt cụ thể của hiệp ước”
[52] đầu tư giữa các quốc gia. Nhưng trong một số trường hợp “thực tế là các cơ quan có thẩm quyền của nước sở tại vừa là đương sự vừa là thẩm phán khi liên quan đến những bảo đảm đó”
[53] điều này ít nhiều tác động đến tính khách quan trong quan hệ bồi thường và phân định quyền và nghĩa vụ giữa các bên. Đồng thời, những quan ngại này ít nhiều ảnh hưởng đến dòng vốn đầu tư cũng như khó đạt được hiệu quả kinh tế cao nhất của các chủ sở hữu tài sản.
5. Kết luận
Quan điểm nhất quán trong pháp luật đầu tư của Việt Nam là “tài sản hợp pháp của nhà đầu tư không bị quốc hữu hóa hoặc bị tịch thu bằng biện pháp hành chính”. Trường hợp Nhà nước trưng mua, trưng dụng tài sản vì lợi ích chung của quốc gia, cộng đồng “thì nhà đầu tư được thanh toán, bồi thường theo quy định của pháp luật”.
Quy định này đặc biệt quan trọng vì bảo đảm quyền sở hữu đối với tài sản của nhà đầu tư không chỉ là vấn đề giữa Nhà nước với nhà đầu tư mà chúng còn có thể tác động đến môi trường đầu tư kinh doanh. Như John Locke đã lập luận, “Chính phủ tồn tại để bảo vệ quyền sở hữu của công dân”
[54], do đó, hành động của Chính phủ dù quốc hữu hóa hay trưng thu, trưng dụng tài sản là một hành động chủ quyền thì “nó phải tuân theo luật pháp trong nước và luật pháp quốc tế”
[55]. Những cam kết hay ưu đãi đầu tư sẽ mất đi giá trị nếu tài sản của nhà đầu tư bị quốc hữu hóa hoặc tịch thu một cách tùy tiện. Do đó, việc bảo đảm quyền sở hữu tài sản thông qua các quy định pháp lý minh bạch là quan trọng và luôn luôn cần thiết bởi “bảo vệ quyền sở hữu là nền tảng của bất kỳ xã hội tự do nào”
[56]. Bên cạnh đó, nhà đầu tư cũng cần thực hiện các biện pháp cần thiết để kiểm soát rủi ro, giảm thiểu tổn thất trong quá trình đầu tư. Đồng thời, Nhà nước cũng phải xây dựng một khung pháp lý minh bạch, nhất quán để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của nhà đầu tư./.
[1] Điều 1 Luật Đầu tư nước ngoài năm 1987.
[2] Điều 20, Điều 21 Luật Đầu tư nước ngoài năm 1987.
[3] Điều 6 Bộ luật Dân sự năm 1995.
[4] Điều 163 Bộ luật Dân sự năm 2015.
[5] Xem: Điều 5 Hiệp định giữa Chính phủ Việt Nam và Chính phủ Estonia về Khuyến khích và bảo hộ đầu tư (ký tại Tallinn ngày 03//01/2011, có hiệu lực kể từ ngày 11/02/2012).
[6] Khoản 1, 2 Điều 32 Hiến pháp năm 2013.
[7] Điều 10 Luật Đầu tư năm 2020.
[8] Điều 10 Luật Đầu tư năm 2020.
[9] Xem thêm: Điều 13 Luật Đầu tư năm 2020.
[10] United Nations Conference on Trade and Development (2016),
Investment laws: A widespread tool for the promotion and regulation of foreign investment, http://unctad.org/en/PublicationsLibrary/ webdiaepcb2016d5_en.pdf, tr.1.
[11] Điều 2 Luật Đầu tư năm 2020.
[12] Điều 4 Luật Đầu tư năm 2020.
[13] OECD (2014),
Fair and Equitable Treatment Standard in International Investment Law, OECD Working Papers on International Investment, https://doi.org.
[14] Điều 1 Luật Đầu tư nước ngoài của Trung Quốc năm 2019, https://en.ndrc.gov.cn/policies/202105/t20210527_1281403.html, truy cập ngày 20/5/2023.
[15] Điều 20 Luật Đầu tư nước ngoài của Trung Quốc năm 2019, https://en.ndrc.gov.cn/policies/202105/t20210527_1281403.html, truy cập ngày 20/5/2023.
[16] Điều 20 Luật Đầu tư nước ngoài của Trung Quốc năm 2019, https://en.ndrc.gov.cn/policies/202105/t20210527_1281403.html, truy cập ngày 20/5/2023.
[17] Điều 20 Luật Đầu tư nước ngoài của Trung Quốc năm 2019, https://en.ndrc.gov.cn/policies/202105/t20210527_1281403.html, truy cập ngày 20/5/2023.
[18] Taha A. R. (1990), “
5 Investment Guarantees: The Role of the Inter-Arab Investment Guarantee Corporation”, in Investment Policies in the Arab Countries, USA: International Monetary Fund, https://doi.org.
[19] Légifrance,
Code civil, https://www.legifrance.gouv.fr/codes/article_lc, truy cập ngày 12/9/2023.
[20] Légifrance,
Code civil, https://www.legifrance.gouv.fr/codes/article_lc, truy cập ngày 12/9/2023.
[21] Điều 9.8 Tước quyền sở hữu và bồi thường của Hiệp định CPTPP.
[22] Tong Fu, Jingsi Leng, Ming-Tsung Lin, John W. Goodell (2022),
External investor protection and internal corporate governance: Substitutes or complements for motivating foreign portfolio investment?, Journal of International Financial Markets, Institutions and Money, Volume 81, https://doi.org/10.1016/j.intfin.2022.101686.
[23] Tong Fu, Jingsi Leng, Ming-Tsung Lin, John W. Goodell (2022), tlđd.
[24] Trường Đại học Luật Hà Nội (2020),
Giáo trình Luật Đầu tư, Nxb. Công an nhân dân, tr.386.
[25] Francioni, F. (1975),
Compensation for Nationalisation of Foreign Property: The Borderland between Law and Equity, The International and Comparative Law Quarterly, 24(2), 255–283, http://www.jstor.org/stable/758883.
[26] Flores, F., & Cunha Filho, C. (2020),
The Oil Nationalizations in Bolivia (1937) and Mexico (1938): A Comparative Study of Asymmetric Confrontations with the United States, Latin American Research Review,55(4), 676-690. doi:10.25222/larr.514.
[27] Domke, M. (1961),
Foreign Nationalizations: Some Aspects of Contemporary International Law, American Journal of International Law, 55(3), 585-616. doi:10.2307/2195880.
[28] Học viện Ngoại giao (2017),
Giáo trình Luật Đầu tư quốc tế, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, tr. 138.
[29] BONICHOT, J. & Universalis (s.d.),
Nationalisation, Encyclopædia Universalis, https://www.universalis-edu.com/encyclopedie/nationalisation/2-le-regime-juridique-des-nationalisations/.
[30] Ernesto Crivelli & Klaas Staal (2020),
Nationalizations,
bailouts and efficiency, Journal of Economic Policy Reform, 23:2, 209-228, DOI.
[31] Trường hợp này không bao gồm cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập, đơn vị vũ trang nhân dân.
[32] Điều 2 Luật Trưng mua, trưng dụng tài sản năm 2008.
[33] Khoản 1, 2 Điều 4 Luật Trưng mua, trưng dụng tài sản năm 2008.
[34] General Assembly resolution 1803 (XVII) of 14 December 1962, “
Permanent sovereignty over natural resources”; https://www.ohchr.org/sites/default/files/resources.pdf, truy cập ngày 20/5/2023.
[35] Khoản 1 Điều 9.8 Tước quyền sở hữu và bồi thường của Hiệp định CPTPP.
[36] Khoản 3 Điều 9.8 Chương 9 Đầu tư của Hiệp định CPTPP.
[37] Điều 4 Nghị quyết 1803 (XVII) ngày 14/12/1962 của Đại hội đồng Liên hợp quốc về
“Chủ quyền vĩnh viễn đối với tài nguyên thiên nhiên”.
[38] Phụ lục 9 C, Tước quyền sở hữu liên quan đến đất đai, Chương 9 Đầu tư của Hiệp định CPTPP.
[39] Verwey, W., & Schrijver, N. (1984),
The taking of foreign property under international law: A new legal perspective?, Netherlands Yearbook of International Law, 15, 3-96.
[40] Expropriation and Nationalisation, https://www.lexology.com/library/detail.aspx.
[41] Lianlian Lin, John R. Alisontt (1994),
An Analysis of Expropriationand Nationalization Risk in China, Yale Journal of International Law, Vol. 19: 135, para 138.
[42] Lê Văn Tranh (2022),
Chính sách về đầu tư kinh doanh trong Luật Đầu tư năm 2020, Tạp chí Nghiên cứu lập pháp, số 1 (499), tháng 01/2022, tr. 33.
[43] Millward, R. (1997),
The 1940s Nationalizations in Britain: Means to an End or the Means of Production?, The Economic History Review, 50(2), 209–234, http://www.jstor.org/stable/2599058.
[44] UNCTAD (2020),
World Investment Report 2020: International Production Beyond the Pandemic, United Nations Conference on Trade and Development, https://unctad.org/webflyer/world-investment-report-2020.
[45] OECD (2015),
Policy Framework for Investment 2015 Edition, Organisation for Economic Co-operation and Development, https://www.oecd.org/daf/inv/investment-policy/Policy-Framework-for-Investment-2015-CMIN2015-5.pdf.
[46] Muchlinski, P. (2007),
Multinational Enterprises & the Law, Oxford University Press, 2nd ed., p. 213.
[47] Sornarajah, M. (2010),
The International Law on Foreign Investment, Cambridge University Press, 3rd ed., p. 154.
[48] Dolzer, R., & Schreuer, C. (2012),
Principles of International Investment Law, Oxford University Press, 2nd ed., p. 101.
[49] General Assembly resolution 1803 (XVII) of 14 December 1962, “
Permanent sovereignty over natural resources”, https://www.ohchr.org/sites/default/files/resources.pdf, truy cập ngày 20/5/2023.
[50] Dictionary of trade terms, http://www.sice.oas.org/dictionary/in_e.asp, truy cập ngày 20/5/2023.
[51] OECD (2005),
International Investment Law: A Changing Landscape A Companion Volume to International Investment Perspectives, para 64, https://www.oecd.org/investment/internationalinvestmentagreements/40077899.pdf.
[52] OECD (2005),
International Investment Law: A Changing Landscape A Companion Volume to International Investment Perspectives, para 65, https://www.oecd.org/investment/internationalinvestmentagreements/40077899.pdf.
[53] Taha, A. R. (1990), “
5 Investment Guarantees: The Role of the Inter-Arab Investment Guarantee Corporation”, in Investment Policies in the Arab Countries, USA: International Monetary Fund, https://doi.org.
[54] Locke, J. (1988),
Second Treatise of Government, Cambridge: Cambridge University Press, p. 48.
[56] Hayek, F. A. (1960),
The Constitution of Liberty, Chicago: University of Chicago Press, p. 140.