Tóm tắt: Tác phẩm do nhiều người sáng tạo được hiểu là tác phẩm được tạo ra từ sự đóng góp bằng lao động trí óc của nhiều người. Tùy theo mục tiêu mà người tham gia sáng tạo tác phẩm nhắm tới, tác phẩm chịu sự chi phối của những quy tắc đặc thù. Tuy nhiên, tất cả tác phẩm được sáng tạo bởi nhiều người đều có chung đặc điểm: bản thân tác phẩm là đối tượng của quyền tác giả; còn phần đóng góp của người tham gia sáng tạo có thể trở thành một tác phẩm khác và có đời sống pháp lý độc lập. Đối với các quan hệ giữa những người tham gia sáng tạo tác phẩm liên quan đến tác phẩm chung và phần tác phẩm của mỗi người, luật của Pháp và luật Việt Nam có cách điều chỉnh không giống nhau. Có thể so sánh hai hệ thống, từ đó vận dụng kinh nghiệm của Pháp để hoàn thiện pháp luật Việt Nam
Từ khóa: Tác phẩm phái sinh; tác phẩm cộng tác; tác phẩm phức hợp; tác phẩm tập thể; sở hữu chung.
Abstract: A work created by several people is held to be a work created based on the intellectual contributions of several people. In consideration of the goal the participant in creating the work aims at, the work is governed by specific rules. However, all works created by more than one person are characterized by the following elements: the work itself is the subject of copyright; while the contribution of a participant creator might become another work having an independent legal life. As for the relations between the creators of the work regarding the common work and the part of each author's work, the position of French law and that of Vietnamese law are a little bit different. It is interesting to compare the two systems for the purpose of eventual adaptation of the French experience in the improvement of Vietnamese law.
Keywords: Deprived works; works in collaboration; composite works; collective works; co-property.

Ảnh minh họa: nguồn internet
Theo khoản 1 Điều 12a Luật Sở hữu trí tuệ năm 2005
[1] (Luật Sở hữu trí tuệ),
“Tác giả là người trực tiếp sáng tạo tác phẩm. Trường hợp có từ hai người trở lên cùng trực tiếp sáng tạo tác phẩm với chủ ý là sự đóng góp của họ được kết hợp thành một tổng thể hoàn chỉnh thì những người đó là các đồng tác giả”. Định nghĩa này cho phép ghi nhận chủ trương của người làm luật Việt Nam chỉ thừa nhận tư cách tác giả cho cá nhân chứ không thừa nhận tư cách này cho pháp nhân. Trường hợp nhiều người cùng tham gia sáng tạo một tác phẩm thì theo luật Việt Nam, họ là đồng tác giả của tác phẩm đó.
Tuy nhiên, thực tiễn ghi nhận nhiều trường hợp tác phẩm được nhiều người tham gia sáng tạo trong khuôn khổ hoạt động của một pháp nhân. Ví dụ điển hình là việc xuất bản một số báo dưới danh nghĩa một tờ báo, hoặc biên soạn một quyển từ điển dưới danh nghĩa một viện nghiên cứu có tư cách pháp nhân. Việc không thừa nhận tư cách tác giả cho pháp nhân khiến luật Việt Nam có những giải pháp rất khác so với luật của Pháp, nơi quyền tác giả của pháp nhân được thừa nhận trong một số trường hợp đặc thù.
1. Quyền tác giả đối với tác phẩm do nhiều người sáng tạo theo luật của Pháp
Tác phẩm do nhiều người sáng tạo được luật của Pháp ghi nhận dưới ba hình thức theo Bộ luật Sở hữu trí tuệ (Điều L 113-2):
“Tác phẩm cộng tác là tác phẩm tạo ra từ sự hợp tác của nhiều cá nhân.Tác phẩm phức hợp là tác phẩm mới mà một tác phẩm sẵn có hoà nhập vào đó mà không có sự hợp tác của tác giả đối với tác phẩm sẵn có.Tác phẩm tập thể là tác phẩm được tạo ra từ sáng kiến của một cá nhân hoặc pháp nhân thực hiện việc biên tập, công bố và xuất bản dưới sự chủ trì của mình và dưới danh nghĩa của mình và trong công trình đó sự đóng góp của các tác giả khác nhau hoà nhập lại để tạo ra một tổng thể mà chính vì mục đích tạo ra tổng thể đó phần đóng góp này được xây dựng, nhưng không thể thừa nhận cho mỗi người đóng góp một quyền phân biệt đối với tổng thể đó”[2].
1.1. Tác phẩm cộng tác
- Đặc điểm
Theo học thuyết pháp lý, tiêu chí cốt lõi để nhận diện tác phẩm cộng tác là tất cả những người tham gia sáng tạo phải có cùng một cảm hứng (communauté d’inspiration) và thực hiện phần việc của mình dưới sự chi phối của cảm hứng đó trong khuôn khổ một kế hoạch chung được vạch sẵn
[3]. Mỗi tác giả có thể tham gia vào tất cả các công đoạn, các phần việc mang tính chất rất khác nhau, phù hợp với năng lực chuyên môn của mình, thậm chí có thể thực hiện công tác của mình một cách độc lập với công tác của người còn lại. Tuy nhiên, tất cả các tác giả đều nhắm đến mục tiêu chung là cho ra đời tác phẩm chung. Chính trong điều kiện các tác giả nhắm đến mục tiêu chung khi thực hiện hoạt động sáng tạo mà giữa các tác giả có mối quan hệ cộng tác.
Ví dụ về tác phẩm cộng tác rất đa dạng trong thực tiễn: nhà khoa học cùng viết một bài báo hoặc một cuốn sách chuyên khảo và đứng tên đồng tác giả; hai nhạc sĩ cùng nhau sáng tác một bài hát hoặc một bản hoà tấu; hai nhà văn cùng nhau viết một tập truyện ngắn theo một chủ đề lớn (về biển, về rừng, về gia đình…), trong đó mỗi người phụ trách sáng tác vài truyện…
Cần có đủ hai điều kiện để trở thành đồng tác giả đối với tác phẩm cộng tác: một là, người tham gia tạo tác phải tham gia bằng lao động trí óc chứ không phải lao động chân tay đơn thuần; hai là, người tham gia tạo tác phải có chung cảm hứng sáng tạo và mục tiêu nhắm tới. Người thợ pha chế vật liệu để nhà điêu khắc tạo tác bức tượng không thể được coi là đồng tác giả bức tượng cùng với nhà điêu khắc, dù người thợ pha chế vật liệu cũng có cảm xúc liên quan đến sự sáng tạo của nhà điêu khắc. Tương tự, người giúp kiến trúc sư giải một số bài toán trong quá trình tạo tác hồ sơ thiết kế công trình không phải là đồng tác giả công trình vì không có chung cảm hứng sáng tạo.
Tác phẩm điện ảnh được cho là một trong những ví dụ tiêu biểu nhất về tác phẩm cộng tác. Do tính chất đặc biệt của loại hình sáng tạo này, luật thiết lập một danh sách những người được suy đoán là đồng tác giả của tác phẩm điện ảnh (Điều L113-7 Bộ luật Sở hữu trí tuệ), gồm: tác giả kịch bản, tác giả lời thoại, tác giả tác phẩm được chuyển thể, tác giả cải biên, đạo diễn, người biên soạn nhạc phim… Điều đáng chú ý là trong danh sách những người được suy đoán là tác giả của tác phẩm điện ảnh lại không có nhà sản xuất. Lý do: người sản xuất là người có sáng kiến, bỏ vốn đầu tư và chịu trách nhiệm về việc thực hiện tác phẩm điện ảnh, nhưng không phải là người tham gia vào các hoạt động sáng tạo cho phép xác lập các nội dung nhân thân và tài sản của quyền sở hữu trí tuệ. Một điểm đáng chú ý nữa là diễn viên không được coi là đồng tác giả tác phẩm điện ảnh: diễn viên được hưởng thù lao diễn xuất và các thu nhập khác theo thoả thuận với nhà sản xuất và không có quyền nhân thân hay quyền tài sản đối với tác phẩm điện ảnh cũng như bất kỳ phần nào của tác phẩm.
- Quyền tác giả đối với tác phẩm cộng tác
Tác phẩm cộng tác, được hình dung như một tổng thể, là tài sản chung của tất cả những người tham gia sáng tạo tác phẩm. Ở góc nhìn pháp luật tài sản, tác phẩm cộng tác chịu sự chi phối của chế độ sở hữu chung theo phần
[4]: việc thực hiện các quyền đối với tác phẩm, bao gồm quyền nhân thân và quyền tài sản, dựa trên nguyên tắc nhất trí; mỗi đồng tác giả thụ hưởng hoa lợi, lợi tức từ tài sản chung tương ứng với phần quyền của mình, trừ trường hợp có thoả thuận khác…
Đối với tác phẩm điện ảnh, các quyền nhân thân và tài sản, trên nguyên tắc, được thừa nhận cho các đồng tác giả được luật liệt kê, trong đó không có nhà sản xuất. Tuy nhiên, luật quy định rằng nhà sản xuất được mặc định là người được các đồng tác giả chuyển nhượng độc quyền khai thác tác phẩm theo một hợp đồng bằng văn bản mà các bên lập trước khi bắt đầu thực hiện dự án
[5] (Điều L 132 – 24 Bộ luật Sở hữu trí tuệ).
Trong trường hợp một phần của tác phẩm cộng tác có thể được tách ra để khai thác độc lập, thì tác giả của phần đó giữ các quyền nhân thân và quyền tài sản đối với phần đó, trừ trường hợp có thoả thuận khác và với điều kiện không gây phương hại đến việc khai thác tác phẩm chung (Điều L 113-3 Bộ luật Sở hữu trí tuệ).
1.2. Tác phẩm phức hợp
Tác phẩm phức hợp có hai đặc trưng cơ bản: một là, có sự hoà nhập của một tác phẩm sẵn có vào tác phẩm mới; hai là, không có sự tham gia của tác giả tác phẩm sẵn có vào việc sáng tạo tác phẩm mới. Sự hoà nhập của tác phẩm sẵn có vào tác phẩm mới có thể mang tính chất thuần tuý vật chất; ví dụ, tác giả bài hát lấy trọn bài thơ của một nhà thơ làm lời bài hát do mình sáng tác. Nhưng đó cũng có thể là sự hoà nhập mang tính trí tuệ, như trường hợp một tác phẩm gốc được dịch sang một một thứ tiếng khác. Bởi vậy, tác phẩm phức hợp còn được gọi là tác phẩm phái sinh (oeuvre dérrivée).
Thật ra, tác phẩm phức hợp không hẳn là tác phẩm do nhiều người sáng tạo từ đầu đến cuối. Tác giả tác phẩm sẵn có dừng hẳn hoạt động sáng tạo liên quan đến tác phẩm này sau khi tác phẩm hoàn thành; đối với việc sáng tạo tác phẩm mới, vai trò của tác giả tác phẩm sẵn có giới hạn ở việc đồng ý cho tác giả tác phẩm mới sử dụng tác phẩm của mình trong quá trình tạo ra tác phẩm mới. Nếu tác giả tác phẩm sẵn có cùng tham gia sáng tạo tác phẩm mới với tác giả khác, thì họ là đồng tác giả tác phẩm cộng tác.
- Quyền tác giả đối với tác phẩm phức hợp
Người tạo ra tác phẩm phức hợp hay phái sinh là tác giả của tác phẩm do mình tạo ra và có các quyền nhân thân và tài sản gắn liền với tác phẩm đó. Tất nhiên, người này phải tôn trọng các quyền của tác giả tác phẩm sẵn có. Thông thường, để được phép sử dụng tác phẩm sẵn có nhằm tạo ra tác phẩm phức hợp, tác giả tác phẩm phức hợp phải trả cho tác giả tác phẩm sẵn có một số tiền mang ý nghĩa đền bù công sức sáng tạo của tác giả đó.
Tác giả của tác phẩm gốc coi như đã chuyển nhượng các quyền khai thác bình thường của mình đối với tác phẩm phức hợp cho tác giả của tác phẩm sau này, khi đồng ý cho người sau này tiến hành hoạt động sáng tạo bằng cách cải biên, chuyển thể, dịch tác phẩm gốc của mình. Tuy nhiên, tác giả tác phẩm gốc vẫn có thể tham gia vào việc khai thác tác phẩm phức hợp, dù không phải với tư cách là đồng tác giả của tác phẩm phức hợp. Nội dung quyền của tác giả tác phẩm gốc đối với việc khai thác tác phẩm phức hợp được xác định tuỳ theo trường hợp có tranh chấp.
1.3. Tác phẩm tập thể
Định nghĩa của luật, dẫn ở đầu bài viết khá rắc rối. Song, có thể ghi nhận từ đó một trong những đặc điểm cơ bản của tác phẩm tập thể, giúp phân biệt loại tác phẩm tập thể với tác phẩm cộng tác. Đó là: những người tham gia vào việc sáng tạo tác phẩm tập thể chỉ làm việc với cá nhân hoặc pháp nhân chủ trì việc thực hiện kế hoạch sáng tạo chứ không làm việc với nhau. Những người này không sống trong cùng một cảm hứng sáng tạo, mà mỗi người có cảm hứng của mình để sáng tạo phần tác phẩm do mình đảm nhận, miễn là kết quả sáng tạo từ cảm hứng đó phù hợp với các yêu cầu do người chủ trì đặt ra. Bản thân người chủ trì, nếu là một cá nhân, cũng có thể tham gia vào hoạt động sáng tạo cùng với những người khác. Ví dụ điển hình nhất của loại tác phẩm tập thể là các bộ từ điển, các tạp chí, tập san, báo. Ở trường đại học, ví dụ điển hình của tác phẩm tập thể là quyển giáo trình được biên soạn để phục vụ việc giảng dạy một hoặc nhiều môn học trong khuôn khổ thực hiện chương trình giáo dục đại học.
Tác giả của tác phẩm tập thể là người chủ trì việc biên soạn, xuất bản, công bố và phổ biến tác phẩm đó. Trong trường hợp việc chủ trì được thực hiện dưới danh nghĩa một tổ chức có tư cách pháp nhân, như một tờ báo, một trường đại học hoặc một viện nghiên cứu, thì pháp nhân giữ tư cách tác giả.
- Quyền tác giả đối với tác phẩm tập thể
Chủ thể quyền tác giả đối với tác phẩm tập thể có các quyền nhân thân và quyền tài sản đối với tổng thể tác phẩm tập thể
[8]. Những người tham gia sáng tạo tác phẩm tập thể được trả tiền thù lao cho công việc của mình. Trường hợp phần đóng góp của người tham gia xây dựng tác phẩm tập thể có thể được tách ra thành một tác phẩm riêng, thì người sáng tạo phần đó được thừa nhận là tác giả của tác phẩm riêng đó. Ví dụ điển hình là bài viết đăng trong một số báo hoặc trong một tạp chí, tập kỷ yếu.
Trong khuôn khổ khai thác tác phẩm chung, tác giả của phần đóng góp vào tác phẩm tập thể có quyền được trả nhuận bút theo kiểu khoán (lump sum) đối với phần đóng góp của mình. Khi tham gia vào việc xây dựng một tác phẩm tập thể, mỗi tác giả hoạt động sáng tạo trong khuôn khổ thực hiện tác phẩm chung thoả mãn những yêu cầu đã được người chủ trì xác định trước. Nếu phần đóng góp của tác giả không đạt so với những yêu cầu ấy, người chủ trì có quyền yêu cầu sửa đổi hoặc làm lại. Nếu việc sửa chữa vẫn không đạt yêu cầu, người chủ trì có quyền từ chối tiếp nhận phần đóng góp đó vào tác phẩm tập thể.
Trong khuôn khổ khai thác phần đóng góp như là một tác phẩm độc lập, tác giả phần đóng góp có đầy đủ các quyền nhân thân và quyền tài sản đối với phần đóng góp đó và được phép khai thác phần đóng góp đó như một tác phẩm độc lập
[9]. Tuy nhiên, đối với các tác phẩm công bố trên báo hoặc tập san, trừ trường hợp có thoả thuận khác, tác giả bảo tồn quyền cho sao chép và khai thác, dưới bất kỳ hình thức nào, nhưng việc sao chép và khai thác không có tác dụng cạnh tranh đối với báo hoặc tập san đó. Với quy định này, thì tác giả các bài viết trên báo, tập san không được phép cho đăng tải bài viết của mình trên một báo hoặc tập san khác. Theo học thuyết pháp lý Pháp, quy định này được áp dụng cho tất cả các tác phẩm mang tính chất thành phần của một tác phẩm tập thể chứ không chỉ riêng cho các bài viết trên báo, tập san.
2. Quyền tác giả đối với tác phẩm do nhiều người sáng tạo theo luật Việt Nam
2.1. Trường hợp tác phẩm do nhiều sáng tạo theo cảm hứng chung
Như đã nêu ở trên, Luật Sở hữu trí tuệ có quy định tại khoản 1 Điều 12a: “Trường hợp có từ hai người trở lên cùng trực tiếp sáng tạo tác phẩm với chủ ý là sự đóng góp của họ được kết hợp thành một tổng thể hoàn chỉnh thì những người đó là các đồng tác giả”. Với định nghĩa này, luật Việt Nam thừa nhận quyền tác giả cho nhiều cá nhân đối với cùng một tác phẩm trong trường hợp giống như trường hợp mà luật của Pháp dự kiến để xây dựng khái niệm tác phẩm cộng tác. Các ví dụ về loại tác phẩm này cũng tương tự như các ví dụ có thể được dẫn ra để minh hoạ cho tác phẩm cộng tác trong luật của Pháp: hai nhà khoa học cùng viết một bài báo; hai nhà văn cùng viết chung một cuốn tiểu thuyết…
Luật cũng quy định rằng, việc thực hiện quyền nhân thân và quyền tài sản đối với tác phẩm có đồng tác giả phải có sự thỏa thuận của các đồng tác giả, trừ trường hợp tác phẩm có phần riêng biệt có thể tách ra sử dụng độc lập mà không làm phương hại đến phần của các đồng tác giả khác, hoặc luật khác có quy định khác (khoản 2 Điều 12a). Coi tác phẩm của nhiều tác giả như một tài sản, thì có thể thừa nhận đó là tài sản thuộc sở hữu chung và việc khai thác tài sản này phải được sự đồng thuận của tất cả các tác giả. Tuy nhiên, liên quan đến việc sử dụng phần đóng góp của tác giả, luật Việt Nam quy định hơi khác so với luật của Pháp: luật của Pháp đòi hỏi việc sử dụng đó phải không được gây phương hại đến tác phẩm chung; còn luật Việt Nam quy định việc sử dụng đó không được gây phương hại đến phần của đồng tác giả. Với quy định như thế thì giả sử có hai nhà văn cùng viết chung một tập truyện ngắn, sau đó một trong hai người lấy một truyện ngắn do mình viết để đưa vào một tập truyện ngắn khác do cá nhân mình đứng tên. Việc làm này có thể gây phương hại đến tác phẩm chung của hai nhà văn, nhưng lại không gây hại cho phần tác phẩm của nhà văn còn lại. Bởi vậy, việc làm này bị coi là vi phạm quyền tác giả theo luật của Pháp, nhưng lại hợp lệ theo luật Việt Nam.
Một trong những loại tác phẩm có đồng tác giả được nhà làm luật dành cho sự quan tâm đặc biệt và xây dựng quy định điều chỉnh riêng là tác phẩm điện ảnh, tác phẩm sân khấu.
Cụ thể, theo điểm a khoản 1 Điều 21 Luật Sở hữu trí tuệ, biên kịch, đạo diễn được hưởng các quyền nhân thân bao gồm quyền đặt tên cho tác phẩm, quyền đứng tên trên tác phẩm và quyền bảo vệ sự toàn vẹn của tác phẩm. Quyền này được thực hiện trên toàn bộ tác phẩm chứ không chỉ đối với phần đóng góp vào việc tạo ra tác phẩm của chủ thể quyền.
Quay phim, dựng phim, sáng tác âm nhạc, thiết kế mỹ thuật, thiết kế âm thanh, ánh sáng, kỹ xảo, diễn viên điện ảnh và những người thực hiện các công việc khác có tính sáng tạo đối với tác phẩm điện ảnh được quyền đứng tên trên tác phẩm.
So với luật của Pháp, luật Việt Nam quy định chi tiết hơn về quyền của những người tham gia dàn dựng tác phẩm điện ảnh, kể cả những người chỉ tham gia một phần. Tuy nhiên, luật không gọi bất kỳ người nào trong số những người này là đồng tác giả. Mặt khác, chỉ có hai chủ thể được thừa nhận có quyền nhân thân đối với toàn bộ tác phẩm là biên kịch và đạo diễn.
Về quyền tài sản đối với tác phẩm điện ảnh, khoản 2 Điều 21 Luật Sở hữu trí tuệ quy định, tổ chức, cá nhân đầu tư tài chính và cơ sở vật chất - kỹ thuật để sản xuất tác phẩm điện ảnh có các quyền tài sản đối với tác phẩm và có quyền công bố tác phẩm
[10]. Khác với luật của Pháp, luật Việt Nam thừa nhận các quyền tài sản cho nhà sản xuất do việc đầu tư của người này chứ không phải do các đồng tác giả của tác phẩm điện ảnh chuyển nhượng theo hợp đồng.
2.2. Trường hợp tác phẩm được tạo ra từ một tác phẩm sẵn có
Luật Việt Nam không xây dựng khái niệm tác phẩm phức hợp như luật của Pháp, mà có khái niệm tác phẩm phái sinh. Theo khoản 8 Điều 4 Luật Sở hữu trí tuệ, “tác phẩm phái sinh là tác phẩm được sáng tạo trên cơ sở một hoặc nhiều tác phẩm đã có thông qua việc dịch từ ngôn ngữ này sang ngôn ngữ khác, phóng tác, biên soạn, chú giải, tuyển chọn, cải biên, chuyển thể nhạc và các chuyển thể khác”.
Khác với luật của Pháp, luật Việt Nam thừa nhận quyền làm tác phẩm phái sinh trước hết là quyền tài sản được thừa nhận cho chủ sở hữu quyền tác giả. Trên nguyên tắc, việc sử dụng tác phẩm gốc để làm tác phẩm phái sinh phải được sự đồng ý của chủ sở hữu quyền tác giả (khoản 2 Điều 20); trường hợp làm tác phẩm phái sinh mà có ảnh hưởng đến sự toàn vẹn của tác phẩm gốc, thì phải có sự đồng ý của tác giả tác phẩm gốc (cùng điều luật). Luật Việt Nam không đặt vấn đề liệu có cần điều kiện tác giả tác phẩm gốc không tham gia vào việc sáng tạo tác phẩm mới để tác phẩm mới được gọi là tác phẩm phái sinh. Tuy nhiên, rõ ràng nếu tác giả tác phẩm gốc tham gia vào việc sáng tạo tác phẩm mới thì luật ghi nhận một tác phẩm của đồng tác giả chứ không phải tác phẩm phái sinh.
Tác phẩm phái sinh được bảo hộ như một tác phẩm độc lập. Các quyền nhân thân và quyền tài sản gắn với tác phẩm phái sinh được thừa nhận cho tác giả, chủ sở hữu tác phẩm phái sinh phân biệt với quyền nhân thân và quyền tài sản gắn với tác phẩm gốc. Các quyền và lợi ích hợp pháp của tác giả, chủ sở hữu tác phẩm gốc có nguồn gốc từ việc sử dụng tác phẩm gốc để làm tác phẩm phái sinh được giải quyết theo thoả thuận giữa các bên liên quan.
2.3. Trường hợp tác phẩm thực hiện bởi nhiều người dưới sự chủ trì một tổ chức
Điều 39 Luật Sở hữu trí tuệ có quy định về chủ sở hữu quyền tác giả trong trường hợp tổ chức, cá nhân giao nhiệm vụ hoặc giao kết hợp đồng với tác giả. Theo tinh thần của điều luật, người giao nhiệm vụ hoặc giao kết hợp đồng với tác giả là chủ sở hữu quyền tác giả và có các quyền tài sản đối với tác phẩm cùng với quyền công bố tác phẩm; còn tác giả giữ các quyền nhân thân gắn với tác phẩm, trừ quyền công bố tác phẩm.
Không có vấn đề gì đặc biệt phát sinh trong trường hợp tác phẩm do một tác giả tạo ra: tác giả duy nhất có các quyền nhân thân đối với tác phẩm, trừ quyền công bố tác phẩm. Nhưng có không ít trường hợp một tổ chức có ý định tạo ra một tác phẩm lớn trên cơ sở sự sáng tạo của nhiều người và với từng người, tổ chức giao nhiệm vụ hoặc giao kết hợp đồng một cách độc lập. Ví dụ điển hình là trường hợp một tờ báo xuất bản một số báo, một tổ chức xuất bản một số tạp chí hoặc một cuốn kỷ yếu, một quyển từ điển. Theo luật hiện hành, chủ sở hữu quyền tác giả đối với tác phẩm trong trường hợp này là tổ chức có tư cách pháp nhân đã giao nhiệm vụ hoặc ký hợp đồng với mỗi tác giả; nhưng tác giả của tác phẩm là ai thì luật không trả lời.
Không thể nói rằng những người hợp đồng với tổ chức để thực hiện phần công việc sáng tạo theo sự phân công của tổ chức là đồng tác giả của tác phẩm. Lý do là giữa những người thực hiện công việc sáng tạo không hề có sự cộng tác dựa trên cảm hứng sáng tạo chung theo nghĩa của khoản 1 Điều 12a; mỗi người chỉ làm việc với tổ chức chủ trì và thực hiện công việc của mình một cách độc lập với người khác trong quá trình tạo ra tác phẩm. Sẽ rất vô lý nếu chỉ cần có một bài báo được đăng tải, tác giả bài báo trở thành đồng tác giả của toàn bộ số báo có bài đó; hoặc chỉ cần thực hiện một bài viết được đăng trong tập kỷ yếu thì người có bài viết trở thành đồng tác giả của toàn bộ cuốn kỷ yếu.
Vả lại, thừa nhận những người tham gia sáng tạo là đồng tác giả của tác phẩm nghĩa là phủ nhận công lao biên tập của người chủ trì. Báo, tạp chí, tập san không phải là một tập hợp theo thứ tự các phần đóng góp, mà thực sự là một tổ chức thông tin được chọn lọc theo các tiêu chí được người biên tập vạch ra, được trình bày theo ý đồ sắp xếp của người biên tập nhằm mục đích tạo thuận lợi cho những người đọc có thị hiếu khác nhau trong việc tiếp xúc các thông tin mà mình quan tâm được chứa đựng trong đó. Cần chú ý rằng, trong trường hợp tác phẩm chung được thực hiện theo kế hoạch hoạt động của pháp nhân, thì cá nhân thực hiện việc biên tập theo nhiệm vụ do pháp nhân giao và dưới danh nghĩa pháp nhân chứ không phải dưới danh nghĩa cá nhân.
Do không có khái niệm tác phẩm tập thể và không thừa nhận tư cách tác giả cho pháp nhân, luật Việt Nam bỏ ngỏ vấn đề bảo vệ quyền nhân thân của tác giả đối với toàn bộ tác phẩm do nhiều người tham gia sáng tạo dưới sự chủ trì của một tổ chức, được hình dung như một tác phẩm độc lập. Mỗi tác giả thực hiện quyền nhân thân của mình đối với phần tác phẩm do mình tạo ra, nếu phần tác phẩm đó có thể được khai thác như một tác phẩm riêng biệt
[11]. Còn các vấn đề liên quan đến đặt tên tác phẩm chung, bảo vệ sự toàn vẹn của tác phẩm chung… không có giải pháp trong luật hiện hành.
Vì vậy, cần thừa nhận cho tổ chức có tư cách pháp nhân là tác giả của tác phẩm trong một số trường hợp, như trường hợp sáng tạo tác phẩm mà trong luật của Pháp gọi là tác phẩm tập thể, để các quyền nhân thân đối với tác phẩm có thể được thực hiện nhằm bảo vệ tác phẩm một cách có hiệu quả./.
[1] Luật này đã được sửa đổi, bổ sung một số điều vào các năm 2009, 2019 và 2022.
[2] “Est dite de collaboration l'oeuvre à la création de laquelle ont concouru plusieurs personnes physiques. Est dite composite l'oeuvre nouvelle à laquelle est incorporée une oeuvre préexistante sans la collaboration de l'auteur de cette dernière. Est dite collective l'oeuvre créée sur l'initiative d'une personne physique ou morale qui l'édite, la publie et la divulgue sous sa direction et son nom et dans laquelle la contribution personnelle des divers auteurs participant à son élaboration se fond dans l'ensemble en vue duquel elle est conçue, sans qu'il soit possible d'attribuer à chacun d'eux un droit distinct sur l'ensemble réalisé”.
[3] Xem: André Bertrand,
Droit d’auteur, Dalloz, Paris, 2011/2012, tr. 209-210,
http://services.ac-amiens.fr/siteia60/tice60/17_tice_et_responsabilite/droitauteur.pdf, truy cập ngày 3/4/2023.
[4] Xem: André Bertrand,
Droit d’auteur, tlđd, tr. 211.
[5] Xem: Chuyển giao quyền khai thác cho nhà sản xuất, https://www.cnc.fr/professionnels/jeunes-professionnels/ressources-auteurs/legislation-et-droits-d-auteur#:~:text=Depuis%201985%2C%20le%20producteur%20de,cède%20ses%20droits%20au%20producteur, truy cập ngày 2/4/2023.
[6] Xem: André Bertrand,
Droit d’auteur, tlđd, tr. 212.
[7] Xem: André Bertrand,
Droit d’auteur, tlđd, tr. 202-208.
[8] Xem: Quyền nhân thân và lao động tập thể, https://www.livreshebdo.fr/article/droit-moral-et-oeuvre-collective, truy cập ngày 23/3/2023.
[9] https://cours-de-droit.net/oeuvre-collective-de-collaboration-composite-audiovisuelle-a127395108/#§4_Exercice_des_droits_sur_loeuvre_collective, truy cập ngày 4/4/2023.
[10] Trong quan niệm của luật Việt Nam hiện hành, các quyền công bố, phổ biến tác phẩm mang tính chất của quyền nhân thân; trong khi các quyền này, trong luật của Pháp cũng như trong Công ước Berne là công cụ để khai thác tác phẩm và là những quyền tài sản. Dường như, trong suy nghĩ của những người biên soạn các điều luật liên quan trong Bộ luật Dân sự, quyền công bố, phổ biến là quyền bộc lộ - yếu tố đầu tiên trong nội dung của quyền nhân thân của tác giả theo quan niệm Pháp. Theo luật của Pháp, tác giả có quyền bộc lộ hoặc không bộc lộ tác phẩm của mình; và chính việc tác giả quyết định bộc lộ tác phẩm của mình mà tác phẩm mới được gán cho những quyền tài sản (sao chép, phổ biến) cần thiết cho việc khai thác thương mại đối với tác phẩm đó.
[11] Theo Điều 39 Luật Sở hữu trí tuệ, tổ chức hoặc cá nhân giao nhiệm vụ hoặc giao kết hợp đồng với tác giả để thực hiện hoạt động sáng tạo thì giữ quyền công bố tác phẩm do tác giả tạo ra. Tác giả muốn khai thác phần đóng góp của mình như một tác phẩm riêng biệt, thì phải có thoả thuận riêng với tổ chức, cá nhân đã giao nhiệm vụ hoặc giao kết hợp đồng với mình. Ví dụ, tác giả có nhiều bài viết đăng trên cùng một tờ báo ngày chỉ có quyền tập hợp các bài báo của mình làm thành một cuốn sách để xuất bản nếu có thoả thuận với tờ báo.